Ý Đại Lợi : Mario Monti được chỉ định thành lập tân nội các
vào ngày chủ nhật 13.11.2011
Tin tổng hợp - 14.11.2011 - Nhữ Đình Hùng
Sau khi thủ tướng Berlusconi từ chức vào chiều thứ bảy. Tổng thống Giorgio đã theo đúng thủ tục qui định trong hiến-pháp Ý, tham khảo các vị cựu tổng thống, chủ tịch hai viện của Quốc Hội, các đại diện của những đảng phái chánh trị tại Quốc Hội. Sau khi đã hoàn tất thủ tục tham khảo,tổng thống Ý Giorgio Napolitain đã chỉ định ông Mario Monti thành lập nội các mới. Ngoại trừ Liên đoàn Bắc (Ligue du Nord) của Berlusconi cho biết chống lại chánh quyền của ông Monti và đảng 'Giá trị của Ý' (IDV= Italie des valeurs) bày tỏ sự dè dặt, các khuynh hướng chánh trị khác đã ủng hộ ông Monti. Nhưng cũng có nhiều sự khác biệt ý kiến về thành phần chánh phủ và 'tuôi thọ' của nội các xem chừng không lâu: cuộc bầu cử lập pháp sẽ diễn ra vào mùa xuân 2013!
Ông Mario Monti chưa thành lập chánh quyền nhưng xem chừng đang ở vị thế 'tế nhị' Ông này cam kết sẽ tham khảo mọi khuynh hướng để lập một chánh phủ và sẽ đệ trình danh sách lên thượng viện trong ngày thứ ba và hạ viện trong ngày thứ tư để xin tín nhiệm. Nếu như ông không đạt được sự tín nhiệm, ông sẽ vẫn tiếp tục ở lại chức vụ thủ tướng để điều hành công vụ và tổ chức một cuộc tuyển cử lập pháp trong vòng hai tháng.
Để ra khỏi điều kiện ngặt nghèo này, ông Mario Monti mong muốn thành lập một nội các chuyên viên nhưng với sự hiện diện của viên chức trách nhiệm của hai đảng lớn, mỗi đảng một người. Đó là đảng PDL (nhân dân tự do của Berlusconi) và đảng Dân Chủ (PD).
Về phiá ông Berlusconi, trong cuộc gặp gỡ với ông Mario Monti trưa ngày thứ bảy,ông Berlusconi đã đồng ý để đảng PDL tham dự chánh quyền, không phải với tính cách tượng trưng, nhưng đòi hai bộ Tư Pháp và Phát triển Kinh Tế. Hẳn ông Berlusconi nghĩ đến các vụ kiện thưa mà ông sắp phải đương đầu cũng như tương lai các xí nghiệp của ông. Nhưng ông Monti coi các đòi hỏi này là quá đáng,không thể nhận được!
Về phiá đảng PD, đảng này đang có uy thế mạnh và nếu cuộc bầu cử quốc hội diễn ra từ đây đến hai tháng nữa, phần thắng lợi nghiêng về họ. Tuy không đòi hỏi phải tổ chức tuyển cử ngay, họ không chấp nhận tham gia chánh quyền của ông Monti, dành việc 'cứu nguy nước Ý' cho các chuyên viên. Điều không cần nói ra là các biện pháp khắc khổ theo yêu cầu của Liên Âu là những biện pháp khó có thể được dân chúng hài lòng và như thế, đặt đảng PD ở ngoài sự bất mãn của dân chúng.
Nếu hai đảng PLD và PD không hoàn toàn ủng hộ ông Monti, việc ông không được hai viện quốc hội tín nhiệm là điều có thể xảy ra và như thế vai trò của ông Monti sẽ trở thành 'xử lý thường vụ' trong một thời gian ngắn, vài ba tháng trước khi dân chúng Ý có một cuộc bầu cử quốc hội trước kỳ hạn. Điều này giải thích vì sao các đảng PLD và PD có những ủng hộ 'đầu môi chót lưỡi" .
Như vậy, có rất nhiều khó khăn đang chờ đợi ông Mario Monti, không phải chỉ vì đường đi đầy cạm bẫy mà còn vì những cú đòn ngầm. Được chỉ định vào chức vụ thủ tướng, Mario Monti, nhà kinh tế 68 tuổi, chủ tịch viện đại học Bocconi ở Milan và chủ tịch danh dự câu lạc bộ Bruegel, một câu lạc bộ suy nghĩ về kinh tế Âu Châu, sẽ có trọng trách làm một vạch xoá bỏ kỷ nguyên Berlusconi, trấn an thị trường và các đối tác kinh tế thuộc Liên Âu mà trong đó, Ý là nước đứng hàng thứ ba trong khối euros. Những việc phải làm sắp tới là tăng tuổi hồi hưu, cải tổ thị trường lao động và cải tổ thuế về tài sản..
Mario Monti trong quá khứ đã cho thấy là một người cương quyết, từng được mệnh danh là 'người Phổ của Ý' (Prussien d'Italie) đã từng đọ sức vào năm 1990 với Microsofts (về việc chống độc quyền, đưa đến việc Microsofts bị phạt vạ 500 triệu đô la) và Général Electrics (về việc chống hoà nhập (fusion) với Honeywell). Ông cũng chống lại việc viện trợ chánh phủ cho xí nghiệp của một số thành viên Âu Châu như trường hợp viện trợ của chánh quyền Pháp cho EDF hay Alstom. Năm 2004, ông phải rời Ủy ban Bruxelles để trở về công tác đại học và dư luận nói việc ông rời bỏ tổ chức âu châu này có bàn tay của Berlusconi nhúng vào!
Mario Monti là người không thuộc đảng nào ở Ý, là người theo đuổi nhiệt thành tư tưởng tự do, việc hội nhập nhiều nước vào khối euro...Ông thuộc về giới ưu tú thế giới và Âu Châu, từng là chủ tịch âu châu trong Ủy BanTam Phương (commission trilatéral) gồm Mỹ, Nhật và Âu Châu và hơn thế, còn là thành viên của tổ chức Bildeberg, một tổ chức không chánh thức trong đó tụ hội các viên chức trách nhiệm chánh trị quốc tế và giới doanh nghiệp thế giới!
Mặc dù phải rời bỏ chức vụ trong tiếng reo hò chống đối của dân chúng, Berlusconi vẫn còn là một trở ngại cho Mario Monti. Theo như hiến pháp Ý cho phép, ông Berlusconi vẫn ởchức vụ dân biểu quốc hội, điều cho phép ông được hưởng quyền 'miễn nhiễm của dân biểu', hiện ông này đang bị theo đuổi trong các vụ án: gian lận thuế vụ, tham nhũng và liên hệ tình dục với vị thành niên, lạm dụng quyền lực.
Trong ngày chủ nhật, Berlusconi đã cho biết sẽ tiếp tục cuộc đấu tranh chánh trị, mặc dù nói rằng ông ủng hộ cho Mario Monti. "Chúng tôi sẵn sàng để tạo thuận lợi cho nỗ lực của tổng thống để đem lại ngay cho đất nước một chánh quyền có tính cách chuyên nghiệp...Chúng tôi làm nhiệm vụ của chúng tôi. Chúng ta sẽ làm một chiến tuyến chung để cứu vãn euro và Liên Âu, nhưng Ý phải có những cải tổ cần thiết" Nhưng, một đe dọa tàng ẩn khi ông ta nói đảng của ông có đa số tại thượng và hạ viện. "Chúng tôi sẽ tăng gấp đôi sự dấn thân ở quốc hội và trong các định chế để làm đổi mới nước Ý. Trong một cuộc trò chuyện với các người thân cận, ông Berlusconi đã cho biết "có thể rút giây cắm điện của chánh quyền Mario Monti bất cứ lúc nào!"
Nhữ Đình Hùng
(Cựu SV ĐHSPSG, ban Sử Địa, khóa 1963-1967)