banner

Sau 15 năm hoạt động (2008-2023), website Ái hữu Đại học Sư Phạm Sài gòn ngưng việc đăng thêm bài vở và tin tức.

Độc giả muốn lưu giữ bài viết và hình ảnh để làm tư liệu, xin vui lòng truy cập vào các tiết mục đã đăng trên trang web để download.

Xin chân thành cảm tạ sự hợp tác của tất cả các tác giả và độc giả đã dành cho trang web.

20.07.2023
Admin Website Ái hữu Đại học Sư phạm Sàigòn

Hàng ngàn cánh tay đưa lên...

 

Vậy là chiều nay tổng thống Obama đã đặt chân trên đất Sài Gòn. Theo các nguồn tin từ chính thống tới lá cải, có ít nhất cũng vài chục ngàn người Sài Gòn ra đường đứng chờ mưa và đội mưa đón ông Obama. Coi ra thì có vẻ nhiều hơn so với dân ở Hà Nội đón ông khi ông đến đó. Cũng có thể do ông không lựa ban ngày mà xuống Nội Bài ban đêm, nên con số tham dự buổi đón ông không đông như mong đợi.
Tôi không ra đứng đường chiều nay, ngồi nhà xem mấy cái video live trong “lễ hội đón tổng thống Mỹ’ tại Sài Gòn.
 
Chuyện ông Obama đến Việt Nam, chẳng có chút vui nào cho tôi. Ngược lại chuyện ông ta đến và đi đâu đó làm tôi thêm một chút buồn.
Tiếng vỗ tay nhiều hay ít của hai thành phố, về những khuôn mặt thấy được trong những bức ảnh mà người dân đã “hồ hỡi, phấn khởi” đón ông Obama, cho tôi có ít nhiều nghĩ ngợi.
Trong buổi trao đổi chính thức với chính phủ Việt Nam, và buổi nói chuyện cùng các khách mời sáng nay tại Hà Nội. Theo BBC đã lượt trình, hình như ông Obama đã nhiều lần nhắc đến việc Hoa Kỳ không áp đặt và luôn tôn trọng chủ quyền của các quốc gia kể cả của Việt Nam.
Trời đất, đó là chuyện tất nhiên, nói cho có nói.
Quay lại khoảng thời gian gần và rất gần đây, những nhân vật bị nhà cầm quyền giam giữ và coi là nguy hiểm cho an ninh quốc phòng Việt Nam. Những người này đã từ nhà tù đi thẳng ra sân bay và trực chỉ sang Mỹ. Cái này mà nói là không áp lực hay áp đặt trên bình diện quốc gia, thì có lẽ hơi quá chăng? Không lẽ phải nói là điều kiện của một trao đổi mà lâu nay người dân với vốn liếng chính trị chính em, mạt hạng như tôi cũng phải biết.
Thật tình tôi cũng không hứng thú đội mưa đi đón ông như nhiều chục ngàn người trong thành phố này. Cá nhân tôi vẫn cho rằng chuyện ông đến Việt Nam. Qua quít vài câu nhấn mạnh, trong vài bài diễn văn chiếu lệ. Ký cái rẹt vài văn bản chẳng qua là chuyện nghi thức cho có, bởi mấy thứ này, hai bên chính quyền đã thoả thuận từ lâu rồi.
Giống như cái vụ Boeing ký hợp đồng mua bán máy bay trị giá hơn 11 tỷ đô la với Vietjet air. Hổng lẽ chỉ mới 1 ngày từ khi ông Obama đặt chân xuống Hà Nội, cái hợp đồng mua bán khổng lồ như vậy làm một cái rẹt không một bước chuẩn bị hay điều kiện xuất nhập nào sao?
Điện khí hoá 1000mw cũng ký cái rụp, trong một sớm một chiều khi ông Obama đến Việt Nam, giữa bộ công thương và tập đoàn General Electric.
Chỉ có mỗi cái buồn. Nghe đâu ông Obama có xin được gặp gỡ 16 nhân vật, mà trên bình diện ngoại giao, gọi là theo lời mời của tổng thống Hoa Kỳ. Phía nhà nước Việt Nam đã chơi ông một vố đau thấu xương. Ông Nguyễn Quang A và nhà báo độc lập Đoan Trang, blogger Thảo Teresa, luật sư Hà Huy Sơn... bị công an dấu mất hoặc giam chân tại nhà dù buổi gặp gỡ chính thức đã bắt đầu, và hình như ông tổng thống cũng đã nhắc việc này trong buổi tiếp xúc, ông đã phát giác ra rằng khách của ông mời đếm không đủ mặt.
Cô ca sĩ Mai Khôi gì đó, nói đến cái vụ tự do biểu diễn.
Bà Nguyễn Hồng Oanh thì than thở vấn đề người khuyết tật...
Bàn nhậu với ông Obama sáng nay tại Hà Nội chỉ còn vỏn vẹn sáu khách, mỗi khách có thời gian khoảng 1 phút trình bày. Thế cho nên cái ly rượu đợi mong của gần 90 triệu người không ai uống.
Chuyện nhân quyền, chuyện ô nhiễm môi trường, chuyện tù chính trị còn bị giam giữ không có ai cầm đũa gắp tới.
Tinh thần náo nức đón một tổng thống ngoại hạng, thượng hạng có những đức tính quá tốt, thân thiện, luôn có nụ cười giao tế trên môi, ăn bún chả ở Hà Nội bắt tay nhiều người khố rách áo ôm... Những hào quang đó là mờ nhạt cái mà lâu nay nhiều rất nhiều người thao thức và đợi ông Obama đến VN. Hy vọng qua ông ấy sẽ đánh tiếng cùng thế giới rằng: VN đang sắp chết, rằng VN còn quá đông người bất đồng chính kiến, đấu tranh vì dân chủ bị nằm ấp trong các trại giam nổi tiếng khắc nghiệt.
Với cương vị một tổng thống Hoa kỳ, dĩ nhiên ông làm sao biết cái chuyện “Nam quốc sơn hà nam đế cư..”. Bên cạnh ông có cả dàn phụ tá, am hiểu tường tận về văn hoá, tín ngưỡng VN, các tay chuyên môn này đã giúp ông có một chuyến đi hoàn hảo, không ngạc nhiên khi ông chọn chùa Phước Hải làm nơi đến đầu tiên khi đặt chân xuống Sài Gòn. Bản thân nó là chùa Ngọc Hoàng một tụ điểm bí mật thời phản Thanh phục Minh, đâu phải chỉ là chuyện đi khơi khơi trong một chiều mưa lá me bay bay ở Sài Gòn.
Và động trời hơn. Cách đây vài hôm thiên hạ rùm beng chuyện Trần Huỳnh Duy Thức tuyên bố tuyệt thực cho đến chết. Hàng triệu người thương cảm nào là sẽ đồng hành cùng ông Thức tuyệt thực, nào là thư cho lãnh sự Mỹ, nhờ báo cùng ông Obama một tiếng, mong ông sẽ đề cập như một răn đe hay một nhắc nhở chừng mực đối với nhà nước tà quyền cs...
Câu chuyện rớt cái rầm xuống vào chiều nay khi chiếc Air force One của ông Obama chạm bánh trên đường băng sân bay Tân Sơn Nhất. Câu chuyện bay mất tiêu theo tiếng vỗ tay vang trời sau vết bánh xe của ông Obama.
Vài chục ngàn người tràn ra đường mặt mày rạng rỡ sau hàng rào thép gai, đón tổng thống Mỹ, người đại diện vĩ đại cho tự do trên trái đất. Chính quyền ở Sài Gòn cũng rầm rộ mang dùi cui, mặt nạ ra đường đứng chung đoàn người đón ông, có cả xe bít bùng chuyên dùng bắt người đậu rải rác trên nhiều tuyến đường mà ông Obama đi qua.
Trong cuộc đấu tranh một mất một còn của một số ít người trong mấy lần xuống đường, xem ra quá nhỏ nhoi so với khí thế đón ông Obama.
Phải chi ngần đó những người dân của hai miền Hà Nội và Sài Gòn cùng xuống đường với tinh thần sôi sục như vậy thì hay biết mấy. 
Có phải trong một giây phút phấn khích bất thần chúng ta quên đi một điều “Tự Do không tự nhiên mà có” và càng quên đi “mình phải đi bằng hai chân của mình”.
Trước khi ông Obama rời Việt Nam, sẽ có buổi tiếp xúc cùng giới trẻ vào trưa mai tại số 8 Nguyễn Bỉnh Khiêm. Chắc lại giống như ở Hà Nội mà thôi.
Qua ngày mốt, một tương lai còn xa. Tuổi trẻ Việt nam lại khập khiễng xuống đường với đôi chân rướm máu, chắc chuyện đón ông Obama cũng chìm xuống trên những rào thép gai và những nắm đấm tàn bạo như hôm nào.
Người ta rồi sẽ quên đi, nhất là những chuyện nguy hiểm có thể đến với mình. mặc cho ai đó vẫn can đảm bước trên đường đi...khó đến. 
Nguyễn Di Ngữ
24-05-2016
 

Tổng thống Obama phát biểu trước giới trẻ Việt Nam

tại Trung tâm Hội nghị Quốc gia

Tổng thống Mỹ kết thúc bài phát biểu kéo dài nửa giờ trong tiếng vỗ tay vang dội của hàng ngàn người.

{keywords}

Tổng thống Obama đã đến trong tiếng vỗ tay vang dội của cử tọa.
Ông lên ngay bục phát biểu và mở đầu bằng lời chào tiếng Việt: "Xin chào, xin chào Việt Nam!!!" và liên tục nói cảm ơn.

{keywords}
Ông Obama: Phố phường HN đông như thế, tôi chưa dám qua đường. Ảnh: Reuters

Xin cám ơn những người trẻ tuổi, đại diện cho sự năng động của VN, đã đến đây.
Tối qua tôi đã ăn thử bún chả và uống bia Hà Nội. Nhưng phố phường HN đông như thế, tôi chưa từng thấy. Tôi chưa dám qua đường. Có lẽ lần sau trở lại, các bạn sẽ dạy tôi.

"Không nước nào có thể áp đặt, quyết định số phận thay VN"
Khi chiến tranh VN kết thúc, tôi mới 13 tuổi. Tôi đã gặp những người VN đầu tiên là ở Hawaii. Những người trẻ như các con gái tôi, chỉ biết đến quan hệ hợp tác hòa bình giữa hai nước.
VN là đất nước đầy truyền thống. Trong lịch sử, nhiều lần các bạn không được tự quyết định số phận.
VN có bài thơ: Sông núi nước Nam vua Nam ở/Rành rành định phận tại sách trời.
Khi VN độc lập, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã trích Tuyên ngôn độc lập của Hoa Kỳ. Không may, chiến tranh Lạnh và sự sợ hãi chủ nghĩa cộng sản đã khiến lịch sử hai nước đớn đau. Ở hai nước, gia đình các cựu chiến binh vẫn còn đau đớn vì những người thân đã mất.
Trong thời gian qua, VN đã phát triển mạnh về kinh tế, tiến bộ, từ những nhà cao tầng, khu đô thị, vệ tinh phóng vào vũ trụ, hàng ngàn doanh nghiệp khởi nghiệp, hàng nghìn người trẻ kết nối trên mạng, không chỉ selfie mà còn cất giọng vì những điều các bạn quan tâm.
VN đã giảm nghèo, tăng tiếp cận điện nước, tỉ lệ em gái được đến trường là những tiến bộ cực lớn. Quan hệ hai nước cũng thay đổi, hai nước đã học được bài học như Thiền sư Thích Nhất Hạnh từng nói rằng "Muốn đối thoại, cả hai bên phải thay đổi".
Chúng ta đã cùng nhau giải quyết bom mìn, vật liệu nổ còn sót lại, làm sạch đất đai khỏi chất độc da cam. Quá trình hòa giải hai nước được dẫn dắt bởi những cựu chiến binh từng ở hai chiến tuyến, như thượng nghị sĩ McCain và Đại tướng Võ Nguyên Giáp, hay Ngọai trưởng John Kerry.
Người dân hai nước đang gần nhau hơn bao giờ hết, doanh nghiệp, du học sinh, khách du lịch đều tăng lên. Như nhạc sĩ Văn Cao trong bài hát có lời: "Từ nay người biết yêu người, từ nay người biết thương người".

{keywords}

Câu chuyện hai nước là bài học cho cả thế giới, rằng trái tim có thể thay đổi, khi ta từ chối làm tù nhân của quá khứ, rằng hòa bình tốt hơn chiến tranh. VN là nước độc lập, có chủ quyền, không nước nào có thể áp đặt, quyết định số phận thay VN.
Mỹ có thể giúp VN cách vận hành nền kinh tế một cách minh bạch. Các công ty, trường đại học của Mỹ sẽ đến VN để đem lại công nghệ và giáo dục chất lượng cao.
Từ thơ Nguyễn Du, triết học Phan Chu Trinh, toán học Ngô Bảo Châu đều có thể đem ra thế giới. Ở VN và trên thế giới, phụ nữ sẽ có cơ hội phát triển, những phụ nữ là con cháu của Bà Trưng, Bà Triệu.

"Nước lớn không được bắt nạt nước nhỏ"
Mỹ sẽ hỗ trợ VN thực hiện TPP. TPP sẽ giúp minh bạch, chống tham nhũng, bảo vệ môi trường, là tương lai cho mọi người, vì thịnh vượng và an ninh.
Để tăng cường hợp tác an ninh và lòng tin, Mỹ sẽ cung cấp tàu cho cảnh sát biển VN, dỡ bỏ lệnh cấm vận vũ khí để bình thường hóa trọn vẹn quan hệ với VN, giúp VN mua sắm vũ khí bảo vệ Tổ quốc.

{keywords}

Nguyên tắc là các nước nhỏ hay lớn đều phải được tôn trọng chủ quyền và lãnh thổ, nước lớn không được bắt nạt nước nhỏ.
Với Biển Đông, Mỹ ủng hộ tự do hàng hải và hàng không, giải quyết tranh chấp hòa bình và theo luật pháp quốc tế.
Chúng ta cũng có những khác biệt về nhân quyền. Nhưng tôi không nói riêng VN, không nước nào hoàn hảo, kể cả Mỹ. Tôi ngày nào cũng nghe những than phiền về nhân quyền.
Nhưng chỉ trích khiến ta tiến bộ. Mỹ không muốn áp đặt lên VN, nhưng nhân quyền là phổ quát, các quyền tự do ngôn luận, biểu tình đều có trong Hiến pháp của chính VN
VN qua nhiều năm đã tiến bộ, minh bạch hơn. Người VN sẽ tự quyết định tương lai của VN. Tôi tin các nước sẽ thành công hơn khi người dân có có quyền bày tỏ, ngôn luận, tiếp cận thông tin, kinh tế sẽ phát triển. Facebook đã bắt đầu như thế.
Ai đó có ý tưởng mới mẻ và có thể chia sẻ. Khi báo chí, truyền thông có thể soi rọi những nơi tối tăm, các quan chức sẽ bị kiểm soát. Bầu cử tự do sẽ có những lãnh đạo tốt.
"Như Trịnh Công Sơn đã viết 'Nối vòng tay lớn', người dân hai nước đã mở trái tim mình ra để đến với nhau"
Tự do tôn giáo sẽ khiến người dân yêu thương nhau hơn. Tự do lập hội, người dân sẽ giúp giải quyết những vấn đề Chính phủ không thể làm. Những quyền này không gây rối loạn xã hội mà khiến xã hội bền vững hơn. VN có thể làm khác các nước, nhưng những nguyên tắc là chung.
Hai nước đã từng chiến tranh, giờ chúng ta lại cùng nhau gìn giữ hòa bình thế giới. Mọi việc không phải sau một đêm là có. Có những khó khăn, thụt lùi. Nhưng tôi đứng đây, trước các bạn, rất lạc quan về tương lai của hai nước.
Như Trịnh Công Sơn đã viết "Nối vòng tay lớn", người dân hai nước đã mở trái tim mình ra để đến với nhau. Một bác sĩ Việt kiều đã nói với tôi rằng ông đã thực hiện được giấc mơ Mỹ, ông tự hào là người Mỹ và cũng tự hào là người VN. Hôm nay ông có mặt ở đây để trở về giúp đỡ VN.
Thế hệ trẻ VN có cơ hội để phát triển đất nước, Hoa Kỳ ở đây để giúp đỡ các bạn, luôn bên các bạn. Sau này khi các bạn cùng người trẻ Mỹ hợp tác, các bạn sẽ nhớ phút này, tôi đứng ở đây.
Như Nguyễn Du đã viết: Rằng trăm năm cũng từ đây / Của tin gọi một chút này làm ghi.
Những vấn đề quan trọng được tổng thống Obama quan tâm đề cập:

Lạc quan tương lai Việt – Mỹ
Gần cuối bài phát biểu, Tổng thống Obama khẳng định, Mỹ vô cùng lạc quan vào tương lai quan hệ hai nước. “Niềm tin của tôi chính là tin vào tình hữu nghị của chúng ta. Như Trịnh Công Sơn đã viết trong bài Nối vòng tay lớn. Tương lai nằm trong tay các bạn và Mỹ luôn sẵn sàng hỗ trợ các bạn. Tôi nghĩ rằng, các bạn sẽ luôn nhớ về khoảnh khắc khi tôi đứng ở đây nói với các bạn”, Obama nói.
Lãnh đạo Mỹ lẩy câu Kiều nổi tiếng của đại thi hào Nguyễn Du: “Rằng trăm năm cũng từ đây. Của tin gọi một chút này làm ghi” làm lời kết cho bài phát biểu đầy ý nghĩa của ông. Ảnh: Hoàng Hà

Niềm tin vào tình hữu nghị Việt - Mỹ
Nhìn vào lịch sử và những thách thức đã vượt qua, ông Obama bày tỏ vui mừng khi đứng đây để nói về nền tảng tương lai. "Chúng tôi vô cùng lạc quan vào tương lai quan hệ hai nước chúng ta. Niềm tin của tôi chính là tin vào tình hữu nghị của chúng ta. Như Trịnh Công Sơn đã viết trong bài Nối vòng tay lớn. Các Việt Kiều ở Mỹ đã rất thành công với các nghề như nhà báo, thẩm phán. Nhiều Việt kiều ở Mỹ thành công. Một người viết thư cho tôi nói rằng ông trưởng thành nhờ giấc mơ Mỹ. Tuy nhiên, người này trăn trở về quê hương để giúp đỡ Việt Nam. Tương lai nằm trong tay các bạn và Mỹ luôn sẵn sàng hỗ trợ các bạn", tổng thống Mỹ phát biểu.
Ngoài ra, ông Obama cũng nói đến việc bảo vệ môi trường, các di sản của Việt Nam như Vịnh Hạ Long, Sơn Đoòng.
"Chúng ta bảo vệ vì tương lai con cháu chúng ta và người Việt Nam cần bảo vệ chính môi trường của mình, chống lại ảnh hưởng của biến đổi khí hậu, bảo vệ Đồng bằng sông Cửu Long vì đây là nguồn thực phẩm lớn của thế giới", ông nói.

Đánh giá cao tầm quan trọng của phụ nữ
Tổng thống thứ 44 của Mỹ khẳng định Đại học Fulbright được thành lập tại Việt Nam sẽ giúp cho các sinh viên, học giả hai nước tập trung vào quản trị doanh nghiệp, hợp tác, công nghệ...
“Chúng ta sẽ nghiên cứu từ thơ của Nguyễn Du, Phan Châu Trinh đến toán học của Ngô Bảo Châu. Chúng tôi khuyến khích cả những phụ nữ tài năng của Việt Nam đảm bảo bình đẳng giới. Từ thời đại Hai Bà Trưng chúng ta thấy rằng phụ nữ Việt Nam luôn mạnh mẽ, kiên cường. Phụ nữ cần có vị trí xứng đáng trong gia đình, trường học, xã hội và chính phủ. Đó là giá trị không chỉ ở Việt Nam mà cả ở Mỹ”, ông Obama nhấn mạnh. Ảnh: Hoàng Hà.

Nước lớn không được phép bắt nạt các nước nhỏ hơn
Chúng tôi sẽ tiếp tục đào tạo và nâng cấp cho Cảnh sát biển Việt Nam. Hôm qua tôi đã tuyên bố dỡ bỏ hoàn toàn lệnh cấm bán vũ khí sát thương cho Việt Nam. Và chúng tôi mong muốn điều này sẽ thể hiện được rõ Mỹ muốn bình thường hóa hoàn toàn với Việt Nam.
Nói rộng hơn, thế kỷ XX đã dạy cho Việt Nam và cả Mỹ rằng, tất cả các quốc gia đều có chủ quyền, dù lớn hay nhỏ đều được tôn trọng. Các nước lớn không được phép bắt nạt các nước nhỏ hơn. Các tranh chấp phải được giải quyết qua cơ chế hòa bình. Các cơ chế vùng như ASEAN phải được mạnh mẽ hơn. Đây là niềm tin của tôi và là niềm tin của Mỹ. Đây cũng là tuyên bố của tôi khi tới thăm Lào vào năm nay.
Tại Biển Đông, chúng tôi không phải là một bên tranh chấp, nhưng chúng tôi sẽ sát cánh bên các đối tác của chúng tôi để đảm bảo tự do hàng hải, tự do thương mại. Mỹ sẽ tiếp tục cừ tàu và cử máy bay tới các vùng biển mà quốc tế cho phép.

Mỹ sẵn sàng hỗ trợ Việt Nam thực hiện cam kết trong TPP
"Chúng tôi tiếp tục hợp tác với Việt Nam để khai thác hết tiềm năng hai nước. TPP giúp Việt Nam tăng cường xuất khẩu nhưng cũng có những yêu cầu. Mỹ sẵn sàng hỗ trợ Việt Nam thực hiện cam kết trong TPP".
"TPP sẽ giúp thúc đẩy hợp tác vùng, giúp người lao động có lương cao hơn, có điều kiện lao động an toàn hơn. Người lao động, tổ chức nghiệp đoàn và bảo vệ được trẻ em, thúc đẩy bảo vệ môi trường, thúc đẩy chống tham nhũng. Đây là hy vọng cho tương lai. Tất cả đều phải tuân thủ cam kết TPP đã đặt ra", tổng thống Mỹ khẳng định.
Ghi nhận những người ngã xuống bảo vệ Tổ quốc
Nhắc lại quá khứ, Tổng thống Obama khẳng định chiến tranh chỉ mang lại bi kịch. "Chủ tịch Hồ Chí Minh đã dẫn lời Tổng thống Jefferson của Mỹ: Chiến tranh, dù ý tưởng cao thượng đến đâu cũng mang đến đau đớn. Ai ai cũng có thể nhận thức được điều này. Dấu vết của chiến tranh vẫn hiện hữu trên đất Mỹ và cả ở trên đất Việt Nam.
Ở nghĩa trang của các bạn, trên những bàn thờ của hàng triệu gia đình, hơn 3 triệu người Việt, cả người lính và thường dân đã thiệt mạng trong chiến tranh. Người Việt và người Mỹ chúng ta phải ghi nhận những người đã ngã xuống để bảo vệ tổ quốc.
Hai thập kỷ qua, Việt - Mỹ đạt được những thành tựu lớn trong quan hệ. Cuộc chiến tranh chia rẽ chúng ta nhưng giờ đây hay nước đã hàn gắn. Chúng tôi quy tập những người Mỹ trong chiến tranh và dò những bãi mìn còn sót lại. Chúng tôi tự hào về những công việc mà chúng ta đã phối hợp với nhau ở Đà Nẵng, sân bay Biên Hòa. Chúng ta cũng không thể để trẻ em mất một phần cơ thể vì những gì còn sót lại trong cuộc chiến.
Quá trình hòa giải của chúng ta không chỉ là giữa những cựu chiến binh. Hai nước chúng ta không nên làm kẻ thù mà cần làm bạn. Thượng nghĩ sĩ John McCain đã nói như vậy với Đại tướng Võ Nguyên Giáp".

Mỹ quan tâm đến sự thay đổi của Việt Nam
Tổng thống Obama ca ngợi những nỗ lực của Việt Nam trong quá trình xóa đói giảm nghèo. "Bệnh tật, tỷ lệ tử vong của Việt Nam giảm nhiều, số người tiếp cận y tế, giáo dục, cả em trai và em gái đến trường và trẻ em biết chữ rất cao. Đây là thành công lớn của Việt Nam đã đạt được trong thời gian ngắn. Việt Nam thay đổi và quan hệ hai nước cũng thay đổi và chúng ta đã học được những bài học", ông nói.
"Với vai trò tổng thống, chúng tôi muốn tăng cường quan hệ đối tác. Mục tiêu trong chuyến thăm là xây dựng nền tảng cho những mối quan hệ song phương trong tương lai. Hai nước mất nhiều năm để hàn gắn quan hệ, trở thành bạn bè và đối tác. Bài học Việt Mỹ trong chiến tranh sẽ là tấm gương cho cả thế giới. Xây dựng hòa bình và hòa bình luôn tốt hơn chiến tranh. Chúng tôi muốn ưu tiên cho mối quan hệ đối tác toàn diện của Việt Nam. Chúng ta cần hợp tác với nhau nhiều hơn để mang lại thịnh vượng và mang lại cơ hội thực sự cho người dân của chúng ta.
"Trong thế kỷ XXI, nền kinh tế thị trường sẽ phát triển và tại những nước có hành lang pháp lý đúng đắn. Do vậy bên cạnh phát triển kinh tế, chúng ta cần đầu tư vào nguồn lực con người. Đó là đào tạo và nuôi dưỡng những con người tài năng. Đây là thế mạnh của Hoa Kỳ có thể hợp tác cùng Việt Nam".
Obama: "Sông núi nước Nam vua Nam ở, Rành rành định phận ở sách trời"
"Sau nhiều thế kỷ số mệnh của các bạn không phải lúc nào cũng được tự quyết định. Sông núi nước Nam vua Nam ở, Rành rành định phận ở sách trời", Obama dẫn bài thơ nổi tiếng của Lý Thường Kiệt.
"Người Mỹ đã tới để hỗ trợ cuộc kháng chiến của Việt Nam và chủ tịch Hồ Chí Minh đã nhắc tới tuyên ngôn độc lập của Hoa Kỳ, đã trích tuyên ngôn độc lập của Hoa Kỳ, mọi người sinh ra đều có quyền bình đẳng, được sống, được tự do và được mưu cầu hạnh phúc", ông nói thêm.


"Sự thân thiện của người Việt chạm tới trái tim tôi"

http://news.zing.vn

___________________


NGƯỜI VIỆT NAM ĐỪNG CÓ MƠ NGỦ !!!
 
hoaithu.tran
 
Phần lớn đại bộ phận người dân VN rất vui vẻ và tràn đầy hy vọng khi Tổng thống Hoa Kỳ đến VN, họ thức đêm xuống đứng hai bên đường để đón tiếp như đám trẻ con gặp ông già Noel phát quà. Họ hy vọng Obama sẽ mang một làn gió mới của sự Tự do, Dân chủ, Nhân quyền hay công ăn việc làm.
Nhớ lại những năm trước qua chuyến thăm của Bill Clinton, George W. Bush tới Việt nam. Lúc đó tôi cũng như các bạn bây giờ, cũng vui mừng hân hoan chờ đón về một tương lai tương sáng, hy vọng một sự can thiệp của họ đối với chế độ thối nát CSVN. Nhưng hỡi ôi "mèo vẫn hoàn mèo", VN thối nát ngày càng tệ hơn, nghèo đói hơn khi xưa.
Bởi vậy tôi muốn khuyên các bạn đừng có mơ vào cái ông Tổng thống "Đế quốc" kia nữa. Đừng ngồi yên rồi mong người khác mang Tự do, nhân quyền đến cho mình. Tự do - Nhân quyền tương lai Dân Tộc nằm ở trong tay chúng ta. Xin mọi người hãy kiên trì tiếp tục xuống đường biểu tình đòi lại công bằng, quyền tự do cho chính mình.
Thực sự là không bao giờ có bữa ăn miễn phí, chúng ta đang sống trong một xã hội được xây dựng trên một học thuyết không tưởng: làm theo năng lực, hưởng theo nhu cầu, mà ai cũng biết là giả dối.
Vậy thì muốn tự do, muốn nhân quyền, ta phải đấu tranh để có cái mà lẽ ra nó phải tự nhiên như được hít thở khí trời vậy, tự mình cứu mình thôi. DÂN CHỦ KHÔNG THỂ XIN XỎ. Tương lai Việt nam phải do người Việt dành lấy! Mong lắm thay...
 
Photo de Hung Nguyen.

Elizabeth Phu: từ thuyền nhân tới cố vấn cho TT Obama

Elizabeth Phu chỉ mới biết đi chập chững vào năm 1978 khi gia đình bà lần đầu tiên tìm cách vượt biên vì không sống được với chính quyền cộng sản. Cha của bà đã làm việc cho Quân lực Hoa kỳ trong thời chiến tranh VN. Sau những ngày lênh đênh trên biển cả, gia đình bà đến được trại tị nạn Pulau Bidong và sau đó bà được nhận vào Hoa kỳ với tư cách một thuyền nhân tị nạn cộng sản. Sau hơn 36 năm rời quê hương, bà Elizabeth Phu đã quay trở lại Việt Nam với tư cách một công dân Hoa Kỳ, là cố vấn của Tổng thống Obama và có mặt trong phái đoàn công du của ông tới Việt Nam lần này.

Người phụ nữ gốc Việt 39 tuổi này là Giám đốc phụ trách các vấn đề Đông Nam Á và châu Đại dương của Nhà Trắng và là thành viên của Hội đồng An ninh Quốc gia Hoa Kỳ. Bà Phu đã có 15 năm kinh nghiệm làm việc với hai đời Tổng thống Mỹ là George Bush và Obama cùng các Bộ trưởng Quốc phòng tiền nhiệm và đương nhiệm trong vấn đề ngoại giao và an ninh quốc gia Mỹ. Với tư cách là cố vấn các vấn đề Đông Nam Á và châu Đại Dương, bà Elizabeth Phu là người lên kế hoạch cho những chính sách đối ngoại với các quốc gia Đông Nam Á và ASEAN, đồng thời bà cũng là người tham vấn cho Tổng thống Obama cách ứng phó với các sự kiện ngoại giao, quân sự, kinh tế trong khu vực.

Đối với Việt Nam, bà Phu là thành viên chủ chốt tham gia các công tác chuẩn bị, dàn xếp các thỏa thuận chính trị, kinh tế, quốc phòng trong các cuộc gặp gỡ giữa lãnh đạo hai nước, cụ thể như chuyến thăm của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng hay Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng tới Mỹ thời gian vừa qua và chuyến thăm Việt Nam lần này của ông Obama.

Bà Elizabeth Phu, cố vấn phụ trách Đông Nam Á và châu Đại Dương của TT. Obama. Nguồn: AP

Trước khi tới Việt Nam, bà Phu cũng có nhiều dịp công du tới các quốc gia Đông Nam Á như Myanmar hay Malaysia cùng Tổng thống Obama. Tại các nước này, bà có dịp thể hiện tiếng nói của mình về những chính sách của nước Mỹ, đặc biệt là chính sách đối với người tị nạn cũng như kể lại câu chuyện của bản thân và quá trình vươn lên khẳng định mình của một người từng là “người lạ” trên đất Mỹ.
Bà Elizabeth Phu từng nói: “Hoa Kỳ là một đất nước chào đón tất cả mọi người cần sự giúp đỡ, những người muốn làm việc chăm chỉ và tìm kiếm một cuộc sống tốt đẹp hơn cho gia đình".
Trong chuyến đi tới Kuala Lumpur vào năm ngoái, bà Phu cùng các nhân viên Nhà Trắng có dịp ngồi dưới hàng ghế khán giả, lắng nghe bài phát biểu của Tổng thống Obama. Ông Obama đã nhắc lại nguồn gốc Đông Nam Á của mình, ông thậm chí còn nói được tiếng Indonesia và giải thích tại sao việc Hoa Kỳ xoay trục sang châu Á lại quan trọng đến vậy. Đây cũng chính là nhiệm vụ mà bà Phu là thành viên đóng vai trò chủ chốt.
“Khu vực Đông Nam Á là ngôi nhà của lòng nhân ái, với những nền kinh tế đang phát triển nhanh nhất thế giới. Và đó là trọng tâm trong chính sách đối ngoại của tôi”, ông Obama khẳng định.
Trong những năm làm việc tại Nhà Trắng, bà Phu đã giúp ông Obama hình thành các chính sách ở Đông Nam Á, khu vực được Tổng thống Hoa Kỳ hướng đến để tạo dựng các mối quan hệ đồng minh chiến lược và thương mại.
Phó Cố vấn an ninh quốc gia Hoa Kỳ, ông Benjamin Rhodes, từng khẳng định trong chuyến thăm Malaysia năm ngoái cùng bà Phu: “Chúng tôi không đóng cửa đối với những người cần sự giúp đỡ và chúng tôi cần phải hỗ trợ các nước cũng đang chào đón người tị nạn như Malaysia, Jordan hay Thổ Nhĩ Kỳ. Đó không chỉ là một thông điệp nhân đạo mà còn là vì lợi ích của các quốc gia. Những người tị nạn đến từ các nước Đông Nam Á đã thành công tại Mỹ và đóng góp rất nhiều cho nước Mỹ. Đó là những gì chúng tôi được hưởng lợi”.
Và câu chuyện của bà Elizabeth Phu chính là một dẫn chứng hùng hồn nhất mà chính quyền Hoa Kỳ muốn nhắc tới.
Bà tốt nghiệp trường trung học Miramonte ở Oakland và theo học tại ĐH UC Berkeley và UC San Diego. Trong ba năm trở lại đây, bà Phu đứng trong hàng ngũ các chuyên gia Hội đồng An ninh quốc gia tại Nhà Trắng và trở thành Giám đốc phụ trách các vấn đề Đông Nam Á và châu Đại Dương.
Câu chuyện gia đình của bà Phu vào năm 1978 giờ đây được bà nhắc đến nhẹ nhàng như một kỷ niệm cũ. “Dù là một người tị nạn đến từ một quốc gia đang phát triển nhưng tôi vẫn có thể lớn lên thành công trên nước Mỹ và có cơ hội tuyệt vời được làm việc trong Nhà Trắng. Điều này khiến tôi cảm thấy vô cùng tự hào”, bà Phu chia sẻ.

Nội dung được thực hiện qua tham khảo nguồn tin từ Los Angeles Times, một nhật báo được xuất bản tại Los Angeles, California và được phân phối ở khắp miền Tây nước Mỹ.


Blogger Đoan Trang:

An ninh Việt Nam bảo ông Obama nói dối

Blogger Phạm Đoan Trang.
Blogger Phạm Đoan Trang

Một nhà báo tự do ở Việt Nam cho biết an ninh trong nước thách thức bà đâm đơn kiện sau khi “chặn” bà tới gặp Tổng thống Barack Obama, đồng thời, theo lời bà, nói rằng người đứng đầu Nhà Trắng “nói dối”.
Blogger Đoan Trang cho biết, sau hơn một ngày bị giữ, bà được thả chiều 24/5, ít lâu sau khi Tổng thống Barack Obama có cuộc gặp với một số thành viên của xã hội dân sự Việt Nam.
Bà Trang kể lại rằng một số người mặc thường phục, tự xưng là từ "Cục Bảo vệ An ninh Chính trị, Tổng cục an ninh của Bộ Công an", đã giữ bà lại tại một nhà khách ở tỉnh Ninh Bình trong khi bà đang trên đường từ Sài Gòn trở về Hà Nội để tới gặp Tổng thống Mỹ.
Bà nói tiếp: “Mọi người đều hiểu bắt để chặn đi gặp ông Obama, nhưng mà họ không muốn nói như thế. Họ bảo là bắt để làm việc, liên quan tới các tài liệu ở trên Facebook. Họ giữ rõ ràng là vì mục đích khác, nhưng họ lại cứ nói theo kiểu là không phải vì chuyện ông Obama mà chuyện trên Facebook. Lúc mình nói rằng chúng ta không cần phải diễn kịch với nhau như thế này, và tôi nghĩ rằng việc chặn một người đi gặp tổng thống một nước khác là chuyện không đúng về mặt ngoại giao và nó không đàng hoàng. Họ nói rằng ‘chúng tôi không giữ chị vì việc của Obama, mà vì Facebook’. Chị muốn kiện tụng thì cứ việc kiện. Họ có nói thêm rằng thực ra cuộc gặp của ông Obama và khối xã hội dân sự độc lập là một sự dối trá của Obama bởi vì theo như nguồn tin của phía họ, thì trong lịch trình hoạt động thực sự của Obama ở Việt Nam thì không có màn nào là màn gặp các đại diện của xã hội dân sự độc lập cả, nghĩa là Obama nói dối.”
Theo đoạn video đăng tải trên trang web của Nhà Trắng, chỉ có một số nhà hoạt động ở Việt Nam tham gia cuộc gặp với ông Obama tại một khách sạn ở Hà Nội. Sau cuộc gặp, Tổng thống Mỹ cho báo giới hay rằng “một số nhà hoạt động đã bị ngăn không cho tới gặp ông”.
Nhà Trắng chưa đưa ra phản ứng sau các cáo buộc của phía an ninh Việt Nam, như theo lời của blogger Đoan Trang. Bộ Ngoại giao Việt Nam cũng chưa lên tiếng về tuyên bố của Tổng thống Obama.
VOA Việt Ngữ cũng không thể liên lạc với cơ quan công an mà bà Trang nêu ra để phỏng vấn.
Tiến sĩ Nguyễn Quang A chuẩn bị đi gặp Tổng thống Obama. Ông post trên trang Facbook của mình: Có thể bị chặn, bị bắt. Báo trước để bà con được rõ. Khổ các bạn an ninh thức thâu đêm (23 giờ hôm qua cả chục cậu ngồi bên nhà đối diện).
Tiến sĩ Nguyễn Quang A chuẩn bị đi gặp Tổng thống Obama.

Ông post trên trang Facbook của mình: Có thể bị chặn, bị bắt. Báo trước để bà con được rõ. Khổ các bạn an ninh thức thâu đêm (23 giờ hôm qua cả chục cậu ngồi bên nhà đối diện).
Trong khi đó, tiến sỹ Nguyễn Quang A cho biết, ông “không có duyên với ông Obama”, sau khi sáng nay, 24/5, bị các nhân viên an ninh Việt Nam “quăng lên xe” rồi đưa ra khỏi Hà Nội cho tới khi Tổng thống Hoa Kỳ rời thủ đô của Việt Nam để vào TP HCM.
Trong bài phát biểu tại Trung tâm Hội nghị Quốc gia ở Hà Nội hôm 24/5, Tổng thống Obama cũng nhắc tới vấn đề mà Việt Nam và Mỹ vẫn còn khác biệt, đó là nhân quyền.
Ông Obama cho rằng việc cho phép người dân tự do bày tỏ ý kiến, và tiếp cận thông tin chỉ làm cho xã hội tốt đẹp hơn.
Ông nói thêm: “Các quốc gia thường thành công hơn khi người dân được tự do bày tỏ suy nghĩ, được phép hội họp mà không sợ bị trấn áp, hay có thể tiếp cận Internet và mạng xã hội. Bảo đảm các quyền đó không đe dọa tới ổn định mà thực ra còn củng cố ổn định, và là nền tảng cho phát triển.”
Phát biểu của ông Obama được đưa ra một ngày sau khi nhà lãnh đạo Mỹ công bố dỡ bỏ hoàn toàn lệnh cấm vận vũ khí cho Việt Nam.
Quyết định này sau đó vấp phải sự chỉ trích của một số tổ chức nhân quyền, trong đó có Human Rights Watch. Ông Phil Robertson, giám đốc phụ trách châu Á của cơ quan thúc đẩy nhân quyền này, nói với đài VOA rằng Hoa Kỳ đã “tặng thưởng” Việt Nam ngay cả khi chính quyền Hà Nội chưa thực hiện điều gì nổi bật về nhân quyền.
Trong khi đó, blogger Đoan Trang cho biết bà ủng hộ việc dỡ bỏ lệnh cấm vận:
“Thông điệp mình muốn nói với ông Obama nó không phải xấu như họ nghĩ. Nó có lợi chung cho lợi ích quốc gia. Họ không cần biết mình nói gì thì đã chặn rồi. Trước hết, mình hoan nghênh dỡ bỏ việc cấm vận vũ khí với Việt Nam. Trong bối cảnh, Trung Quốc tiếp tục gây hấn trên biển Đông, thì bắt buộc Việt Nam phải tăng cường vũ khí, càng hiện đại càng tốt, tốt nhất là từ Mỹ. Do vậy, việc dỡ bỏ lệnh cấm vận vũ khí là cần thiết. Việc đó độc lập với chuyện cải thiện nhân quyền. Nó không phải là việc loại trừ nhau, anh chỉ được chọn một trong hai. Về vấn đề nhân quyền, mình muốn 4 quyền sau đây được thực hiện, một là quyền tự do ngôn luận; hai là quyền tự do lập hội và tụ tập ôn hòa; ba là quyền tự do tham gia vào chính trị, và vấn đề thứ tư mà mình muốn đề nghị đó là thúc đẩy quyền được xét xử công bằng ở Việt Nam.”
Ngoài ra, blogger này cho biết bà cũng tính sẽ kêu gọi chính quyền của Tổng thống Mỹ Barack Obama giúp điều tra vụ cá chết hàng loạt ở miền Trung.
Vừa qua, có hơn 100.000 người đã gửi kiến nghị lên Nhà Trắng, đề nghị Tổng thống Mỹ nêu vấn đề cá chết và thảm họa tự nhiên ở miền Trung trong các cuộc gặp với giới lãnh đạo Việt Nam.
Hiện chưa rõ là trong các cuộc trao đổi kín, ông Obama nêu lên vấn đề như theo lời kêu gọi của người Việt hay không.
Cập nhật: Chính phủ Mỹ mới cho biết đã lên tiếng phản đối Việt Nam ‘ngăn cản’ các nhà hoạt động gặp ông Obama ở Hà Nội. Phó Cố vấn an ninh quốc gia của Nhà Trắng, ông Ben Rhodes, hôm nay nói rằng chính quyền của ông Obama và đích thân Ngoại trưởng Mỹ John Kerry đã nêu vấn đề này với phía Việt Nam. Quan chức thân cận với Tổng thống Obama nói rằng vụ việc cho thấy cuộc gặp là “nguồn cơn gây khó chịu” cho chính phủ Việt Nam. Ông Rhodes cho biết thêm rằng ông sẽ tiếp tục theo dõi để bảo đảm rằng các nhà hoạt động được tự do và không bị trừng phạt.

http://www.voatiengviet.com/

 

 

Đăng ngày 25 tháng 05.2016