Pháp bán trực thăng cho Nam Hàn &
mở rộng hợp tác kỹ thuật quân sự với Nhật Bản
Nhữ Đình Hùng
Chiến-hạm BPC Sébastopol ra khơi lần đầu
Chiến-hạm BPC Sébastopol đã ra khơi ngày thứ hai 16 tháng ba 2015 để chạy thử lần đầu tiên và đã trở về cảng Saint Nazaire vào ngày thứ sáu 20.03.15 Ngoài các nhân-viên của STX France, DCNS và các đại-diện các hãng phụ trong việc đóng tàu, không có đại-diện của Nga trên chiến-hạm.
Chiến-hạm BPC Sébastopol loại Mistral dùng làm mẫu-hạm cho trực-thăng và tàu chỉ-huy, là chiến-hạm thứ hai được Nga đặt mua và trên nguyên-tắc phải được giao cho Nga vào mùa thu 2015. Chiến-hạm sẽ còn được tiếp tục thử về kỹ-thuật trong tháng tư. Nhưng cho đến nay, người ta không biết thời-hạn này có được tôn-trọng không vì vấn-đề Ukraine. Được biết Nga đã đặt mua hai chiến hạm loại Mistral vào tháng sáu 2011 với giá 1,2 tỉ euros. Các chiến-hạm này có thể mang theo trực-thăng, một lực-lượng đổ bộ và một bộ chỉ-huy.
Chiến-hạm Vladivostok đã được đóng xong và đã được các thuỷ-thủ Nga thực-tập điều-khiển, lẽ ra được giao cho Nga từ năm qua, đến nay vẫn nằm ụ 'chờ lệnh mới'. Điều này có thể buộc Pháp phải trả các bồi-thường vì không tôn-trọng giao-kèo.
Chiến hạm loại BPC Mistral
Về phiá Nga, trước việc ngưng giao hàng này, Poutine đã đưa ra tuyên-bố vào tháng mười hai 2014 là 'Có một giao kèo. Chúng tôi coi rằng phải được thi-hành...Nhưng nếu như giao kèo bị huỷ,chúng tôi sẽ không quá phật lòng. Chúng tôi hi-vọng người ta sẽ hoàn trả lại tiền mà chúng tôi đã trả'. Nhưng gần đây, các liên-lạc ngoại-giao giữa Nga và Pháp xem chừng có ấm lại. Hồi đầu tuần này, giám-đốc sở hợp-tác kỹ-thuật quốc-phòng Nga (FSMTC) Alexender Fomin cho biết không nghĩ đến việc trừng phạt Pháp về việc không giao chiến-hạm BPC Mistral đầu tiên, và còn để hở rằng việc hủy giao kèo về phiá Pháp là điều có thể với việc hoàn lại cả tỉ euros của Nga đã trả. Về phiá Pháp, trong ngày thứ sáu, trả lời cuộc phỏng-vấn của tạp chí Society, tổng thống Pháp François Hollande đã nhấn mạnh điều 'Nga là một nước bạn mà ông ta tôn-trọng'.
Có thể nào hai chiến-hạm sẽ được giao cùng lúc? Phải nói là Nga có thừa khả-năng để đóng các chiến-hạm cùng loại với BPC Mistral, điều quan-trọng là những trang-bị điện-tử trên chiến-hạm. Sau việc 400 thuỷ-binh và sĩ-quan Nga thực-tập trên chiến-hạm Vladivostok, xem chừng Nga đã biết được các kỹ-thuật này! (Ngày 25.11.2014, trong khi đang nằm ụ tại Saint Nazaire, chiến hạm BPC Vladivostok đã bị mất các đĩa cứng trong máy điện-toán trang-bị trên tàu, một phần các vật-liệu truyền-tin, các trang-bị kỹ-thuật cao do hãng Thalès trang-bị. Một cuộc điều-tra đã được mở ra vào ngày 28.11.14 Vấn-đề ngờ vực thuỷ-thủ-đoàn của Nga không được đặt ra).
Sau việc bán cho Ai Cập các phi-cơ chiến-đấu Rafal, Pháp lại thành-công trong việc bán các Airbus Helicopter cho Nam Hàn với trị-giá 1,5 tỉ euros.
Trong đêm chủ nhật 15.03 rạng ngày thứ hai 16.03, Chủ-tịch Tổng-giám-đốc Airbus Hélicopters, Guillaume Faury, đã ký một khế-ước khai-triển và chế-tạo 314 trực-thăng với công-ty Korean Aerospace Industries (KAI) tại Séoul. Đây là một thành-công đáng kể vì đã loại được hai đối-thủ nặng ký là Bell của Hoa-Kỳ và AugustaWestlang của Ý. Trị giá của khế-ước lên đến 1 tỉ rưỡi euros cho Airbus. Theo Norfert Ducros, phó chủ-tịch khu-vực Đông Á của Airbus 'khế-ước ngoại-hạng vì tầm mức của nó gồm việc khai-triển và chế tạo 214 trực-thăng quân-sự tấn-công và khoảng một trăm phi-cơ trực-thăng dân-sự dành cho thị-trường dân-sự và bán công của Nam Hàn'. Trị-giá tổng-quát cho khế-ước lên tới 3 tỉ euros trong đó một nửa dành cho Airbus!
Thoả-ước trù-liệu việc thực-hiện một đối-tác kỹ-nghệ nhằm để chế-tạo tại Nam Hàn 214 trực thăng quân-sự tấn-công dành cho lục-quân (LAH: trực thăng quân sự hạng nhẹ) để thay thế cho các trực-thăng đã cũ McDonnell Douglas 500MD, và khoảng một trăm trực thăng dân-sự nhẹ (LCH) dành cho vận-tải y-tế, hoạt-động cứu nguy trên biển và các nhiệm-vụ an-ninh dân-sự. Cả hai loại phi-cơ sẽ đặt căn-bản trên trực-thăng Dauphin kiểu mới nhất 'H155'. Airbus Helicopters cung cấp các kiến-thức của mình và cung cấp một số các thành-phần ráp từ xưởng của mình ở Marignan, các thành-phần này sau đó sẽ được lắp ráp tại cơ xưởng của KAI tại Sacheon. Loại phi-cơ dân-sự sẽ được đưa vào hoạt động khoảng năm 2020 và loại dành cho quân-sự khoảng 2022.
Aibus Helicopters và KAI cũng đang thảo-luận việc thành-lập một 'liên doanh' (joint-venture) nhằm xuất-cảng hai loại phi-cơ này mà theo Airbus, có thể có một thị-trường lên đến 600 phi-cơ với trị giá ước-lượng 5 tỉ euros, thêm vào đó việc bảo-trì trong vòng 20 năm!
Không phải đây là lần đầu Airbus có một khế-ước ở Nam Hàn. Cách đây mười năm, Airbus cũng đã ký một khế ước cùng loại với KAI để khai triển và chế tạo 240 trực thăng chuyên chở lính dựa trên kiểu Super Puma và mang tên 'Surion' theo Nam Hàn. Phi cơ đã được đưa vào xử dụng từ 2013.
Airbus được coi là 'có chân đứng' ở Nam Hàn vì có thầu lại việc cung cấp các phụ tùng cho các phi cơ thương mãi. KAI cũng loan-báo việc đã ký kết với Airbus DS một nghị-định-thư thoả-hiệp về việc gọi thầu khai-triển và chế-tạo một phi-cơ chiến-đấu 'sản-xuất tại Nam Hàn', với mục tiêu để thay thế các phi-cơ F-4 và F-5 đã quá cũ. Ngoài các phi cơ này, Nam Hàn còn có các phi-cơ F-15 và F-16 mới hơn.
Pháp và Nhật ký một thoả hiệp hợp tác trong lãnh vực quân sự
Bang-giao giữa Pháp và Nhật được coi là tốt hơn bao giờ hết! Năm vừa qua, đã có việc tăng-cường hợp-tác giữa hai nước trong lãnh-vực khai-triển và sản-xuất chung về vũ-khí. Nhật đã bỏ việc hạn-chế bán trang-bị quân-sự ra nước ngoài, điều cho phép Nhật có những đối-tác quốc-tế và giữa Pháp và Nhật đã có một ủy ban kiểm-soát hổ-tương việc xuất cảng các trang-bị quốc-phòng để tránh các hiểu lầm như trước đây Pháp đã bán cho Trung Hoa các trang bị dùng cho các chiến-hạm để phi cơ cất, hạ cánh! Ngày 13.03, một cuộc họp "2=2" (gồm hai tổng-trưởng ngoại giao và quốc phòng của Pháp với hai bộ trưởng ngoại giao và quốc phòng của Nhật), được mô tả như là để 'khả dĩ đưa đến những hợp-tác mới giữa hai nước như là điều ổn định hoà bình'. Trong cuộc họp, một thoả hiệp đã được ký kết về việc 'chuyển các trang-bị và kỹ thuật học về quốc-phòng'.
Theo bộ ngoại-giao Pháp, việc này mở ra một số viễn tượng liên hệ đến các dự án về hệ thống phi-cơ không người lái (drones), trực thăng và không-gian. Theo Tổng trưởng quốc-phòng Pháp Yves Le Drian, đây là một bước đáng kể sẽ phải được theo sau đó một cách có thể nhanh chóng nhứt, có lẽ trước cuối năm, một thoả hiệp về yểm-trợ và tiếp liệu. Được biết Nhật đã có các thoả hiệp tương tự với Úc và Hoa-Kỳ.
Nhu vậy, ngày 13.03 vừa qua, Pháp và Nhật đã đạt tới một "thoả hiệp chung" cho việc cùng phát-triển các trang-bị quốc phòng và thêm vào đó, một hợp tác chánh-trị ngoại-giao trong lãnh vực chống hải-tặc và khủng bố.
Các tổng trưởng đã tham dự cuộc họp ngày 13.03: về phiá Pháp có Laurent Fabius (ngoại trưởng) và Jean-Yves Le Drian (tổng-trưởng quốc-phòng), về phiá Nhật có Fumio Kishida (ngoại trưởng) và tướng Nakatani (bộ trưởng quốc phòng). Ngoại trưởng Pháp nói "đây là nước Á Châu duy nhất mà chúng tôi có công-thức này".
Trong cuộc gặp gỡ '2+2' này, đôi bên cũng trao đổi về các khủng-hoảng ở Irak, Syrie, Iran, vấn đề Ukraine trong việc tôn trọng chủ quyền của những nước này, vấn-đề hợp tác ở Phi-Châu và ở Nam Thái-Bình Dương..., và trong ngày thứ bảy 14.03, đôi bên đã có các đối-thoại về chiến-lược.
Nhữ Đình Hùng/tổng hợp/27.03.2015
Tham khảo:
http://www.atlasinfo.fr/Reunion-2-2-le-13-mars-des-ministres-francais-et-japonais-de-la-Defense-et-des-AE_a59993.html
http://www.opex360.com/2015/03/16/la-france-le-japon-ont-signe-accord-de-cooperation-militaire/#tsYyf1rHky8oIYEy.99
http://www.opex360.com/2015/03/16/airbus-helicopters-decroche-contrat-de-15-milliards-deuros-en-coree-du-sud/#Yxz4dhyLQL5LiSEM.99
http://www.opex360.com/2015/03/16/le-bpc-sebastopol-effectue-sa-premiere-sortie-en-mer/#l1rGtGhYHCuzZR0j.99
http://www.breizh-info.com/19742/actualites-a-la-une/mistral-le-bpc-vladivostok-menace-de-sabotage/
http://www.ambafrance-jp.org/Deuxieme-session-du-dialogue-2-2