banner

Sau 15 năm hoạt động (2008-2023), website Ái hữu Đại học Sư Phạm Sài gòn tạm ngưng việc đăng thêm bài vở và tin tức.

Độc giả muốn lưu giữ bài viết và hình ảnh để làm tư liệu, xin vui lòng truy cập vào các tiết mục đã đăng trên trang web để download.

Xin chân thành cảm tạ sự hợp tác của tất cả các tác giả và độc giả đã dành cho trang web.

20.07.2023
Admin Website Ái hữu Đại học Sư phạm Sàigòn

Sự hèn nhát, sự sợ hãi, sự dửng dửng, vô cảm đã biến chúng ta thành những kẻ đồng loã với cái ác!
Trần Thị Lam, anh thư nước Việt


Chúng ta không vô can!

Trần Thị Lam

Chúng ta đã phản bội thiên nhiên, phản bội quê hương và cái giá chúng ta phải trả là môi trường sống của chính mình bị đầu độc, là sức khoẻ, sinh mạng, sự tồn vong của nòi giống.
Để xảy ra thảm cảnh môi trường như ngày hôm nay, tôi, bạn, tất cả chúng ta đều không vô can.
Vậy là sau bao nhiêu ngày chờ đợi, cuối cùng dù đau đớn, ta cũng phải chấp nhận một sự thật là biển đã bị đầu độc.
Chúng ta tạm bằng lòng vì thủ phạm của tội ác đã được gọi tên.
Những người thiếu trách nhiệm, buông lỏng quản lý... rồi đây phải trả lời trước công luận và chịu trách nhiệm trước pháp luật.
Nhưng còn chúng ta, chúng ta có thật sự vô can
Chúng ta đã thờ ơ với tình hình chính trị xã hội của đất nước khi nghĩ rằng mọi việc đã có Đảng và chính phủ lo.
Chúng ta nghĩ chỉ cần chăm sóc cho cái tổ của mình là đủ, những biến động ngoài cánh cửa không ảnh hưởng đến gia đình mình.
Chúng ta chỉ cần yên ổn.
Chúng ta dửng dưng trao vận mệnh của mình và con cháu mình vào tay của những kẻ tham lam và năng lực quản lý yếu kém.
Chúng ta sợ hãi đủ thứ, sợ một từ nhạy cảm, sợ cả cái bấm like với một bài viết bày tỏ quan điểm trên các trang facebook, sợ một tiếng nói thầm, sợ thể hiện chính kiến.
Chúng ta sống câm lặng như những cái bóng hoặc phù phiếm, sặc sỡ như loài côn trùng.
Chúng ta vô cảm.
Chúng ta hèn nhát.
Cho đến một ngày chúng ta hoảng sợ nhận ra rằng, mâm cơm nhà mình đã thiếu khuyết đi món ăn từ biển, hạt muối ta ăn không biết có an toàn, món rau không thể không chấm nước mắm... mùa hè ta đến biển chỉ để đứng trên bờ ngắm nhìn những con sóng.
Tai hoạ đã gõ cửa nhà tất cả chúng ta, không trừ một ai.
Chúng ta nơm nớp lo sợ cho tương lai.
Chúng ta sống trong môi trường xã hội nhưng quên mất một điều chúng ta được mẹ thiên nhiên bao bọc và nuôi dưỡng.
Khi mẹ thiên nhiên nổi giận thì không có biệt lệ cho bất kì ai.
Sự hèn nhát, sự sợ hãi, sự dửng dửng, vô cảm đã biến chúng ta thành những kẻ đồng loã với cái ác.
Chúng ta đã phản bội thiên nhiên, phản bội quê hương và cái giá chúng ta phải trả là môi trường sống của chính mình bị đầu độc, là sức khoẻ, sinh mạng, sự tồn vong của nòi giống.
Để xảy ra thảm cảnh môi trường như ngày hôm nay, tôi, bạn, tất cả chúng ta đều không vô can.

Trần Thị Lam

Nhiều người dân tiếp tục phản đối Formosa ở Vinh

https://www.youtube.com/watch?v=VWhbIT2LFIs

 


LỜI TỬ SĨ

http://i46.tinypic.com/mhbkpf.jpg

Kính dâng lên anh linh tử sĩ đã có lúc an nghỉ tại nghĩa trang Quân Đội Biên Hòa

Mẹ chớ đắp cho con ngôi mộ mới
Để xương con rữa nát với thời gian
Làm phân bón cây nhân quyền sai trái
Cho ngày sau con cháu sống huy hoàng

Em chớ buồn nhìn mộ anh xiêu tán
Thấy bia anh đầy dấu đạn căm thù
Ngay cả núi sông giặc còn rao bán
thì hồn nào yên được giấc ngàn thu !

Con hãy để xác cha hòa với đất
Ba chết rồi, cải táng được gì đâu!
Đồng đội ba biết bao người bỏ xác
Dưới truông hào, trên núi thẳm, rừng sâu

Chị hãy để cho em vào phiêu lãng
cho em quên mối hận tháng Tư buồn
Hai mươi năm đất miền Nam tươi sáng
chỉ một ngày mưa thấm lệ trào tuôn

Bạn hãy để cho tôi tròn tiết tháo
Sống anh hùng thì chết cũng quang vinh
Chớ xin xỏ bọn cường quyền vô đạo
Thêm tủi lòng người đã quyết hy sinh

Nếu bạn muốn tôi ngàn thu yên giấc
xin hãy thay tôi dựng lại cờ vàng
Tôi không muốn được mồ tươm mả tất
Khi nước nhà mây vẫn trắng màu tang !

Vũ Đình Trường


CẢM ƠN NGƯỜI…

Xưa nước tôi có trăm nòi giống Việt,
Cùng chia nhau hùng cứ một phương…
Nơi phía nam dòng sông Dương Tử, (1)
Nhiều văn minh Việt tộc… sống kiên cường ! (2)

Thuở dựng nước Càn Khôn mở hội,
Động Đình Hồ hun đúc duyên tơ. (3)
Lạc Long Quân Rồng Thiêng một cõi,
Sánh đôi cùng Tiên Nữ Âu Cơ !

Tình thắm đượm hương nồng lửa bén,
Huyết Tiên Long nở bọc trăm con.
Cùng đưa nhau lên non xuống biển,
Dựng cơ đồ… chung một tấm lòng son !

Rồi phương Bắc giặc thù luôn lấn chiếm,
Di về Nam gìn giữ giống Rồng Tiên.
Trải mấy ngàn năm vạn lần nguy biến,
Vẫn oai hùng ngạo nghễ một trời riêng !

Tổ tiên tôi bao ảnh hình gắn bó,
Tiếng Đồng Bào một bọc… mẹ cha chung.
Tổ tiên tôi biết bao đời khốn khó,
Chống ngoại xâm nối chí đức vua Hùng !

Giờ phương Nam đất hình cong chữ S,
Là quê hương dân Việt sống bình yên…
Nhưng cương quyết chống giặc thù truyền kiếp,
Giữ vẹn muôn đời… Tổ Quốc thiêng liêng !

Thế mà nay tôi lại đành mất nước,
Bước lạc loài ôm một mối hờn căm.
Cả Việt Nam… giờ tang thương cùng cực,
Sống đọa đày… ôi địa ngục trần gian !

Tại vì đâu một giống nòi bất khuất ?
Tại vì đâu chung một nỗi lầm than !
Hồn núi sông cũng nghẹn ngào u uất,
Cùng anh linh Tổ Quốc ngậm ngùi thương !

Đồng bào tôi kẻ tù đày cải tạo,
Lịm dần theo đói khổ giữa cùm gông.
Kẻ vượt biên vùi thây nơi hải đảo,
Hay chôn vào miệng cá… xác trôi sông !

Ôi đau đớn cả triệu người chết thảm,
Chết bụi bờ nơi núi thẳm rừng hoang,
Chết hãi kinh mắt trừng lên hận oán,
Bởi lũ bạo tàn… hải tặc Thái Lan !

Và còn nữa… các người ơi còn nữa…
Đồng bao tôi đã dùng lửa thiêu mình,
Đuốc tự do thắp bằng xương thịt đó,
Thấy cùng chăng… hỡi thế giới văn minh ?!

Tại vì ai mà ngập trời khốn khổ ?
Tại vì ai mà máu đổ thây phơi ?
Tại lũ vong nô theo bầy quỷ đỏ,
Đem Mác-Lê về hủy diệt giống nòi !

Bạn có biết quê hương tôi tang tóc ?
Người dân nghèo còn mang ách ngựa trâu !
Tù ngục mở ra nhiều hơn trường học,
Thảm thương thay trời đất cũng rưng sầu !

Tôi đâu muốn làm người dân mất nước,
Bạn vàng ơi ! Người bạn mắt màu xanh.
Tôi đâu muốn sống lạc loài lỡ bước,
Phải nương nhờ nơi đất khách phiêu linh !

Để chiều Đông thấy chim trời bạt gió,
Lòng thương lòng, thương kiếp sống tha hương.
Để tàn thu lá vàng rơi đây đó…
Tưởng hồn quê réo gọi Đỗ Quyên buồn ! (4)

Tôi đâu muốn làm người không Tổ Quốc,
Lấy đất người chôn liệm xác này đây.
Để đêm trăng hiện hình thành chim cuốc,
Kêu não nề thống thiết nỗi bi ai !!

Để hồn linh vật vờ nơi xứ lạ,
Mỗi hoàng hôn khắc khoải ngắm mây Tần, (5)
Để sầu theo gió đầu Xuân hay cuối Hạ,
Nắm tàn xương chưa hết kiếp gian truân !

Xin hãy hiểu đồng bào tôi đang sống,
Dầu tha phương nơi góc bể chân trời.
Cũng hướng lòng son chung bầu máu nóng,
Hẹn ngày về đất Mẹ… dẫu xa khơi !

Xin bạn hiểu với bốn ngàn năm nước Việt,
Đồng bào tôi dẫu sống cảnh lưu vong.
Cũng có trái tim chứa tình yêu bất diệt,
Yêu giống nòi nơi mảnh đất tạm dung !

Cảm ơn nhé… bạn vàng không huyết thống,
Khác mầu da nhưng chung chí quật cường.
Dân nước tôi vì lầm than nòi giống,
Cám ơn người… cho một chỗ tựa nương !

Hẹn ngày mai quê hương tôi ngời sáng,
Sạch bóng quân thù… lũ giặc cuồng ngông.
Xin mời anh, mời em, mời tất cả,
Về Việt Nam trong hạnh phúc khôn cùng !...

Nhật Hồng Nguyễn Thanh Vân

Ghi chú :
1 – Sông Dương Tử còn gọi là sông Trường Giang bên Tàu.
2 – Nhiều bộ tộc Việt sớm văn minh đã biết trồng lúa nước, biết đúc đồng thau như Trống Đồng Đông Sơn, và bộ tộc Việt Thường còn
biết làm Lịch khoảng nhiều ngàn năm trước Công Nguyên để biết thời gian gieo trồng gặt hái mùa màng.
3 – Động Đình Hồ nằm về phía Nam sông Dương Tử coi như đất tổ của dân Bách Việt.
4 – Đỗ Quyên còn gọi là chim Quốc hay chim Cuốc có tiếng kêu não nuột. Trong văn chương VN, người ta thường dùng tiếng kêu của
chim Quốc này để diễn tả tâm sự của kẻ mất nước.
5 - Trong văn chương VN, người ta cũng hay dùng chữ mây Tần này để chỉ về quê Mẹ.

 

Đăng ngày 26 tháng 08.2016