banner

Sau 15 năm hoạt động (2008-2023), website Ái hữu Đại học Sư Phạm Sài gòn ngưng việc đăng thêm bài vở và tin tức.

Độc giả muốn lưu giữ bài viết và hình ảnh để làm tư liệu, xin vui lòng truy cập vào các tiết mục đã đăng trên trang web để download.

Xin chân thành cảm tạ sự hợp tác của tất cả các tác giả và độc giả đã dành cho trang web.

20.07.2023
Admin Website Ái hữu Đại học Sư phạm Sàigòn

Thiên tình sử của Thi sĩ Vũ Hoàng Chương

Phạm Thị Nhung

Bà Phạm Thị Nhung tốt nghiệp ĐHSP Sàigòn, ban Việt Hán và Cử nhân Văn khoa, niên khóa 1958-1961. Năm 1978 tốt nghiệp bằng Âm học và Ngữ học (Diplôme de Phonétique et de Linguistique) tại Đại học Sorbonne - Paris. Trước 30/04/1975, Bà là giáo sư giảng dạy môn Văn chương ở trường Nữ Trung học Gia Long và trường Régina Mundi-Sàigòn.
Ngoài một số sách giáo khoa Việt văn Tú tài 1 và Tú tài 2 xuất bản tại Sàigòn trước 1975, mới đây Bà đã xuất bản thêm:
- "Truyện Kiều và Tuổi trẻ " viết chung với Gs Lê Hữu Mục và Ds Đặng Quốc Cơ (1998).
- "Tiếng nói Đoàn Thị Điểm trong Chinh phụ ngâm khúc" viết chung với Gs Lê Hữu Mục (2001).


Tình yêu là một nguồn thi hứng vô tận của loài người, bất luận ở phương trời nào và ở thời điểm nào. Chẳng thế, ông cha chúng ta từ thưở xa xưa, khi chưa có chữ viết đã biết bày tỏ tình yêu qua những câu ca dao truyền khẩu, tuy đơn sơ nhưng đã vô cùng thơ mộng và thắm thiết, như:

Một yêu là sự đã liều
Mưa mai cũng chịu, nắng chiều cũng cam.
Tóc mai sợi vắn, sợi dài
Lấy nhau chẳng đặng, thương hoài ngàn năm.

Trong văn chương bác học của chúng ta cũng không thiếu những bài thơ tình diễm tuyệt, như những bài thơ tình của Nguyễn Trãi, Phạm Thái, Hồ Xuân Hương, Nguyễn Du, Dực Tông… Nhưng dù sao phải đợi đến giữa thế kỷ XX, khi phong trào thơ văn lãng mạn ở nước ta bộc phát và lên cao, trong khoảng thời gian 1925-1943, thơ mới chiếm ưu thế trên thi đàn, thơ tình yêu mới thực sự trăm hoa đua nở.
Trong khu rừng thơ tình yêu buổi ấy, tuy có nhiều kỳ hoa dị thảo song hầu hết được xây dựng trên những mối tình nếu không là hư cấu, mộng ảo, thì cũng chỉ là những mối tình âm thầm kín đáo hay thoảng qua, hay ngắn ngủi, chỉ xuất hiện trong một khoảng thời gian nào đó với dăm bẩy bài thơ đã là nhiều.Trong khi đó, thơ tình yêu của Vũ Hoàng Chương ở một trường hợp khác hẳn. Có thể nói, đây là một thiên tình sử bất tuyệt, rất đỗi thơ mộng nhưng cũng rất đỗi bi thiết với cả ngàn câu thơ.
Vũ Hoàng Chương đã vì hai chữ chung tình mà bi lụy gần hết cả cuộc đời, làm ta nhớ đến Phạm Thái, một tráng sĩ cuối thế kỷ 18, đang mưu đồ phục Lê, diệt Tây Sơn, chỉ vì mấy năm lận đận trong bể tình (yêu Trương Quỳnh Như bị trắc trở, sau Quỳnh Như tuyệt mệnh) mà làm tiêu ma cả chí khí. “Ôi chí lớn trong thiên hạ không chứa đầy đôi con mắt mỹ nhân” là thế đó. Thơ của Vũ Hoàng Chương cũng có nhiều nét đặc biệt. Ông theo Tây học, chịu ảnh hưởng thơ văn lãng mạn Pháp là lẽ tự nhiên; nhưng ông còn là con người có bản ngã nghệ sĩ Á Đông, Ông giỏi Hán văn, và chịu ảnh hưởng giáo dục nghiêm khắc của thân phụ, một nhà nho bảo thủ, đồng thời ông còn chịu ảnh hưởng của thân mẫu, một tiểu thư vốn dòng khuê các, hay chữ và giỏi đàn tranh.Từ đó, Vũ Hoàng Chương mang tâm hồn của một nghệ sĩ đa tình, mẫn cảm, giàu trí tưởng tượng, tính tình hiền lành, tình nghĩa thủy chung. Tất cả, vâng tất cả đó đã bồi cho hồn thơ Vũ Hoàng Chương thêm mặn nồng thắm thiết.
Ngoài ra, thi sĩ Vũ Hoàng Chương còn có cái tài hoa, cái khả năng thiên phú trong cách dùng chữ, đặt câu, tạo hình, diễn ý và gieo vần điệu, khiến thơ ông đã diễn tả được hết những rung động vi tế nhất trong đời sống nội tâm của con người.
Với con người ấy, với mối tình ấy, với tài năng ấy, Vũ Hoàng Chương đã để lại cho văn học nước nhà nhiều bài thơ tình trác tuyệt , âu cũng là điều dễ hiểu.


* * *

1 - TỐ CỦA HOÀNG ƠI , TỐ CỦA ANH !

Hồi đó, vào năm 1935, Hà Nội tuy sống dưới chế độ bảo hộ của thực dân Pháp nhưng có một bộ mặt rất thanh bình, vui vẻ, trẻ trung. Nhà cầm quyền đang cố tình dung túng các cuộc ăn chơi phóng túng, để người ta dễ quên đi biến cố đàn áp tàn bạo vừa qua (1), đồng thời để ru ngủ thanh niên, nên các trà đình, tửu điếm, các tiệm nhẩy đầm, các nhà hát ả đào (còn gọi là hát cô đầu) và các tiệm hút thuốc phiện (2) mọc lên nhan nhản. Người ta đua nhau ăn diện, nhiều cậu công tử Hà thành diện đúng mốt Paris, tay xách can đi bên cạnh các cô gái tân thời, phấp phới áo dài Lemur Nguyễn Cát Tường (3). Họ dập dìu, tấp nập ra vào nơi các chợ phiên, các phòng triển lãm tranh ảnh mỹ thuật (do nhóm sinh viên Cao Ðẳng Mỹ Thuật thực hiện).
Báo chí đang hồi bộc phát vì được chính quyền nâng đỡ (4), đúng năm 1935 lệnh kiểm duyệt còn được bãi bỏ, nhưng không phải để người ta bàn chuyện chính trị mà để làm văn nghệ thuần túy.
Ảnh hưởng tư tưởng tự do và văn học lãng mạn Tây phương đã nhuần thấm trong đời sống tình cảm, tư tưởng và bút pháp của những người viết văn, nên trong thi ca cũng như trong tiểu thuyết, từ nội dung đến hình thức đã rất mới mẻ, phóng túng. Đây cũng là lúc nhóm Tự lực Văn Ðoàn đang chủ trương đẩy mạnh phong trào vui sống với ái tình lãng mạn, lý tưởng, xinh tươi, thơ mộng... Thơ mới đã chiếm ưu thế trên văn đàn và đang đi vào thời thượng của nó.
Hà Nội thời này quả là một Hà Nội đô hội, tân tiến, thanh lịch, trẻ trung và văn nghệ.
Lúc này Vũ Hoàng Chương vừa 19 tuổi, đang theo học ban Tú tài Pháp tại trường Trung học Albert-Sarraut Hà Nội. Vào một chiều chủ nhật rảnh rỗi, Dương Tuệ, bạn học của Hoàng (trong thi ca Vũ Hoàng Chương thường tự xưng như thế) lại chơi và rủ chàng đi thăm Nguyễn Minh Ngải, bạn chung của hai người, đang làm trợ giáo tại nhà bà Tư, dì của Tuệ, ở phố Cầu Gỗ.
Lần đầu tiên được quen biết gia đình ông bà Tư, Hoàng đã cảm thấy ngay cái không khí cởi mở, thân mật nơi đây mà đã từ lâu chàng thiếu thốn. Bốn cô cậu học trò của thầy Ngải thật dễ thương, cô bé lớn nhất là Trần Tố Uyển được 14 tuổi, cùng cậu em, kém chị một tuổi, cả hai đang được thầy Ngải luyện thi Bằng Tiểu học. Ông Tư làm Tham biện nhà giây thép, bà Tư có cửa hàng buôn bán riêng; thấy Hoàng vừa là bạn học của cháu mình, lại vừa là bạn của thầy giáo bày trẻ nên cũng có ý vị nể và tiếp đón ân cần. Hoàng đang sống lẻ loi nơi nhà trọ, thuê của người gác vườn Bách Thảo (gần trường Albert-Sarraut), trong khi gia đình chàng vẫn sống ở Nam Định, quê nhà. Thân phụ chàng, ông Vũ Thiện Thuật, từng nhậm chức Tri huyện, còn mẹ chàng có cửa hàng buôn bán thóc gạo.
Từ mấy năm nay Hoàng đã có cái tâm trạng bất mãn, cô đơn, lạc lõng giữa cuộc đời. Ngoài xã hội ư? Dân tộc còn bị nô lệ chưa nhìn thấy lối thoát; trong khi đó, xung quanh chàng, người ta đang bon chen, ganh đua giành giật những mảnh bằng to, mong chiếm địa vị cao để hưởng vinh hoa phú quí mà người Pháp đang cố tình nhử mồi, mua chuộc. Với bản ngã ưa sầu mộng, nhiều cảm xúc và thiếu óc thực tế như Hoàng, chốn ấy nhất định không phải là nơi chàng đeo đuổi, mà còn cảm thấy quá xa lạ là đằng khác.Còn gia đình ư? Cha chàng là một nhà nho bảo thủ, nghiêm khắc; bấy lâu nay hai cha con đã có mối bất hòa về chuyện hôn nhân của chàng. Ông Tri huyện chỉ muốn sau khi Hoàng học xong, sẽ đi hỏi cô con gái một vị quan Bố chánh, bạn thiết của ông, cho chàng. Hoàng đã theo Tây học, những tư tưởng tự do cá nhân, giải phóng tình cảm đã nẩy mầm, bén rễ trong tim óc chàng, làm sao chàng có thể nghe lời? Mỗi lần cha con nhắc đến chuyện này, sấm sét lại nổi lên.
Thế là trước sự trống rỗng của một cuộc đời không lý tưởng, trước sự chán chường của hoàn cảnh cá nhân và gia đình, Hoàng trở thành một con người mang tâm trạng bất mãn, cô đơn như một kẻ bị lưu đầy, lạc lõng giữa cuộc đời:

Riêng tôi sống cuộc đời vô vị
Khắc nỗi buồn u uẩn từ lâu
..........
Ôm khối hận gia đình trĩu nặng
Tôi căm hờn thù ghét hôn nhân.

Nhìn đời bằng con mắt bi phẫn như thế, thử hỏi còn sinh thú đâu nữa mà trông tìm, chờ đợi.

Tôi ngao ngán thờ ơ, khinh bỉ
Hết... Không hy vọng, chẳng mong cầu.

Giờ đây, mỗi khi Vũ Hoàng Chương thấy chán đời thì không khí vui vẻ, thân ái của gia đình ông bà Tư lại hiện ra, và Hoàng lại muốn đến thăm thầy giáo Ngải..., hai lần, ba lần, bốn lần… rồi trở thành thông lệ. Cô bé Tố hồi này đã đỗ bằng Tiểu học, nàng đã rời trường Ecole des Jeunes Filles Brieux (sau đổi thành Trường Tiểu Học Hàng Cót) để vào Trung học Sainte Marie. Với sở trường về Anh văn, Hoàng nghiễm nhiên trở thành cố vấn đắc lực cho hai chị em Tố Uyển về môn sinh ngữ này trong những năm đầu bậc trung học, vì thầy Ngải chỉ kèm cho chị em nàng về môn toán và Pháp văn. Chủ nhật nào tới chơi, gặp kỳ nhà có hội tổ tôm thì Hoàng lại đến đứng sau lưng bà Tư “gà nước”; chàng thường có những nước bài cao, tỏ ra thông minh, đôi khi bà Tư lại nhường chân cho Hoàng chơi bài thay mình… Chẳng bao lâu Hoàng trở nên người bạn thân của tất cả gia đình. Chàng được giữ lại ăn cơm và khi làm được bài thơ nào đắc ý, chàng vội đem đến khoe rồi đọc cho cả nhà nghe. Có nhiều hôm Hoàng ở lại khá muộn để giảng bài cho chị em Tố… Tình cảm quyến luyến giữa Hoàng và Tố nẩy nở một cách tự nhiên quá, hồn nhiên quá, nên gia đình Tố chẳng một ai để ý:

Nhà đông người vui nhộn
Chẳng ai còn nhớ ra
Nơi này anh có mặt
Vì đâu từ bao giờ.

Mà chính Hoàng cũng không hay. Cho đến một ngày kia, vì bận học, đã lâu Hoàng không lại thăm gia đình ông bà Tư, chàng bỗng cảm thấy nhớ nhung cô bé, con người có cái "Vẻ em xinh kiều diễm thiên nhiên" này. Do ý thức được tình cảm xa nhau mà nhớ nhung, khiến Vũ Hoàng Chương như sực tỉnh, từ bấy lâu nay chàng thường có cái trạng thái tâm hồn lâng lâng, yêu đời, sống nửa mơ nửa thực, và đôi khi còn như lưu luyến một cái gì mà chàng chưa kịp nhận biết, thì nay chàng mới sáng ra, rồi hồi hộp tự hỏi:

Chập chờn bến thực hay nguồn mơ
Hay chính bâng khuâng là ái tình?

Đồng thời, chàng khám phá ra lý do vì đâu chàng đã năng lui tới nhà Tố:
Kèm cho cả nhà học
Đã có thầy giáo riêng.
Anh qua lại khuya sớm
Chỉ vì anh yêu em!

Hoàng đã tìm được hương vị của cuộc đời, lòng chàng cảm thấy ngây ngất và dâng lên một niềm mơ ước thiết tha, là sẽ được cùng ai chung sống trong hạnh phúc lứa đôi:
Cho đến lúc vì em tôi được
Thấy mùa xuân thoảng vị men say
Tôi khao khát rồi tôi mơ ước
Chén rượu tương lai hạnh phúc đầy.

Nhưng khi ước muốn chung đôi vừa lóe lên trong tâm trí, thì Hoàng ý thức ngay rằng đó quả là điều không nên thực hiện. Tại sao thế? Vì người yêu của chàng còn trong trắng ngây thơ quá:
Ôi Kiều Thu hồn em trong sạch
Vui sống yêu đời tuổi trẻ thơ
Ham mê chúng bạn mê đèn sách
Không chút mây buồn gợn giấc mơ.
(Kiều Thu là tên chàng đặt cho người yêu)

Trong khi chàng vẫn chỉ là kẻ lạc lõng giữa cuộc đời với bao nỗi buồn đau tủi hận, làm sao chàng có thể đem lại hạnh phúc cho người chàng yêu? Thế là ước muốn yêu đương chung đôi vừa nhen nhúm, đã vội dấu kín, chôn chặt tận đáy lòng:
Vì anh vẫn ước chẳng bao giờ
Em hiểu tình ta nhắc chuyện xưa.
Anh sợ đời anh đầy lệ tủi
Không làm vui được em ngây thơ.

Ngày lại ngày, chàng vẫn êm đềm đi bên cạnh cuộc sống thơ ngây của nàng, song là cái êm đềm trên mặt nước có sóng ngầm:

Anh vẫn như chiếc bóng
Qua lại bước êm ru ...

Thịt da nào gợn sóng
Vang dội tên Kiều Thu !...

Kín tiếng nhưng lòng riêng xôn xao
Ai thấy phong ba nơi bể hồn.

Chúng ta cũng hiểu, theo tâm lý học, khi con người càng cố gắng che dấu tình cảm lộ ra bên ngoài bao nhiêu, thì sự dồn nén lại khiến đời sống tình cảm bên trong càng thêm mãnh liệt bấy nhiêu. Chính vì sự khao khát chung đôi không dám thổ lộ cùng ai, nên nó đã lẩn vào trong tiềm thức của Hoàng, rồi một đêm nào đó nó hiện lên trong giấc mơ, để giải tỏa nỗi lòng khắc khoải bấy lâu. Chỉ trong mơ, Vũ Hoàng Chương mới sống thực như lòng mình, và chàng đã say sưa giãi bầy hết chân tình cùng ai:

Xuân đắm trong mơ một buổi chiều
Bên em anh thấy sóng lòng xiêu
Mê man giãi hết tình u ẩn
Trong lúc điên rồ anh quá yêu.

Em cười chế riễu: “Anh thường bảo
Ưa kiếp giang hồ sống lẻ loi.
Sao anh nghĩ đến tình duyên sớm
Gạn hỏi chiều nay chuyện lứa đôi”.

điều gì chàng muốn biết, đã biết. Giọt nước mắt ấy đã tố cáo, nàng đã yêu chàng (dù chỉ trong mơ )!
Hỡi ơi một phút giây huyền ảo
Đủ dẹp lòng anh sóng gió yên
Anh sẽ trầm luân ngàn kiếp nhớ
Cho dẫu ngày mai em lãng quên.

Cuộc sống tạm yên phận như thế êm trôi như mơ:
Tháng năm dìu dịu trôi mơ màng

Nàng Tố vẫn sống yên ấm trong vòng tay thương yêu của gia đình, và Vũ Hoàng Chương vẫn nhận được tình cảm quyến luyến đặc biệt của nàng dành riêng cho chàng:

Coi chàng hơn bạn thiết
Coi chàng hơn anh trai.

Cho đến một ngày kia, Hoàng chợt nhận thấy cuộc sống của người yêu đã bắt đầu có sự đổi khác:

Em chẳng còn ham chơi như trước
Nhịp máu rung trời nước đâu đâu…
Có khi ngồi lặng giờ lâu
Vẩn vơ nét bút, đường khâu ngại ngùng.
Xiết bao vẻ thẹn thùng e lệ

Mầm mống báo hiệu tuổi dậy thì nơi người thiếu nữ thế là đã rõ. Vũ Hoàng Chương dù hiểu rằng con người ta cũng như vạn vật, làm sao thoát được luật vô thường, biến dịch của trời đất?Thời gian trôi mau, sẽ cuốn phăng đi tuổi xanh thơ mộng của người yêu và nàng sẽ đổi thay:

Khi bức rèm tuổi xanh mơ mộng
Đã cuốn dần theo thời gian mau chóng
... lòng em đổi thay.

Nghĩ tới đó, Vũ Hoàng Chương hoảng sợ... Có cái tâm trạng hoảng sợ này cũng vì chàng biết chắc một ngày rất gần thôi, người yêu của chàng sẽ trở thành một thiếu nữ tuyệt sắc, một ước mơ của cuộc đời... và nàng sẽ bị cuộc đời lôi cuốn theo:

Khi cô bé hôm nay
Chưa một ai ca tụng mê say
Đã trở thành trang thiếu nữ
Có phép thu hồn trong sóng thu tình tứ
Khi vẻ phong lưu tuyệt sắc của giai nhân
Đã điểm nên tranh, đã dệt nên vần
Đã rung lên muôn lời ca điệu hát.

Tương lai chưa xảy ra, mà cũng mới chỉ là dự phóng của Hoàng thôi, chàng đã tự đầy ải mình trong nỗi khổ đau của kẻ bị lãng quên:

Khi ấy, khi đời em đầy mộng tưởng
Như thủy trào dâng biển lớn mênh mông
Đắm đuối trong tương lai, những giờ vui sẽ hưởng
Không biết em còn nhớ đến tôi không?

Hoàng không hề có mặc cảm thấp kém, thua sút thiên hạ, không thể với tới được Tố, mà đành cam phận con giun đất, hướng vọng về ngôi sao ở tận mãi trên trời cao. Không, chàng học giỏi, thông minh, chính gia đình Tố đã xác nhận điều này. Chàng đang theo học ban Tú tài Pháp ở trường Trung học Albert Sarraut, chàng đủ sức đỗ, và quả năm sau (1937), chàng đã lấy được bằng Tú tài Pháp ban toán; chàng cũng dư sức để giật lấy mảnh bằng Cử nhân Luật như ai nếu chàng muốn, để trở thành mẫu người ước mơ của xã hội thời ấy. Nhưng nếu thế, Vũ Hoàng Chương đã chẳng còn là thi sĩ Vũ Hoàng Chương của chúng ta nữa .
Hoàng tự biết, mình không thể nào trở thành một ông Tri huyện đạo mạo, quyền thế, xét nét dân đen; chàng cũng không thể nào là một Luật sư tài danh đanh thép, hùng biện, xoay không thành có, cãi có thành không; chàng không thể là gì gì nữa trong cái xã hội đầy phiền toái này, có nghĩa là chàng sẽ không thể đem lại hạnh phúc cho người chàng yêu. Vì ý thức rõ rệt như thế nên Vũ Hoàng Chương đã quyết định rời Tố đi xa. Chàng chấp nhận mọi thiệt thòi, để người yêu sau này sẽ được hưởng hạnh phúc trong cuộc đời của nàng.
Nhưng vừa rời Tố ra đi, Hoàng đã rơi ngay vào cái tâm trạng bơ vơ, trôi giạt thưở nào . Nói khác đi, chàng lại tự đầy ải mình trong kiếp đau thương của một kẻ đi đầy giữa cuộc đời:

Tôi lại bơ vơ đường quạnh vắng
Chiếc lá khô tàn mặc gió đêm.
Ôi một kẻ đi đầy tuyệt vọng
Suốt đời số mệnh chẳng buông tha.

Chàng chỉ còn biết tự an ủi bằng chút kỷ niệm vang bóng của những ngày đã qua:

Tôi theo đuổi chút gì vang bóng
Yêu, vui, hồi hộp những ngày qua.

Rồi chính ý thức đau thương phải xa rời người yêu đã làm hoàng rộn lên lòng thương xót đối với thế nhân, trong đó có người chàng yêu. Thế nhân ngoài kia đang ngụp lặn trong thứ hạnh phúc xây dựng trên tài sắc, danh lợi; những thứ phù du ấy một mai không còn nữa, con người dễ trở nên tệ bạc, bội phản. Đã có bao nhiêu và sẽ còn bao nhiêu nạn nhân của tình đời đen bạc này? Từ sự thương xót đó Hoàng đã tìm ra được niềm vui trong ý nghĩa hy sinh:

Để gượng sống so dây thi nhạc
Cao dâng lời thảm khúc bi ca
Cho rung động loài người tệ bạc
Cũng vì em, tình của đôi ta.

Nói rõ hơn, nhà thơ Vũ Hoàng Chương đã tìm được thú đau thương trong sự thiệt thòi thương đau của mình, nói như giáo sư Lê Tuyên trong Chinh Phụ ngâm và Tâm thức Lãng mạn của Kẻ lưu ầy (6): “Có đau thương mới làm sáng được thiên đường của tình yêu”. Quả vậy, chính sự thiệt thòi đau thương ấy đã làm tỏ rõ được tình yêu cao thượng của Hoàng, nó sẽ giúp cảm hóa lòng người, làm khơi dậy được tình yêu chung thủy nơi họ. Những điều này đã đem lại cho Hoàng niềm hạnh phúc, tự mãn.
Nhưng đã là tình yêu đích thực, thuộc về thế giới thiêng liêng, huyền nhiệm của tâm hồn, và thế giới phức tạp chủ quan của tình cảm con người, thì dễ đâu đem những lý luận thuộc về lý trí khách quan mà thuyết phục, mà giải quyết được. Thế nên, tuy dứt khoát bỏ ra đi, xa hẳn người yêu để nàng được yên sống trong thế giới của nàng, Vũ Hoàng Chương vẫn không nguôi được lòng thương nhớ, tưởng vọng ; mỗi giờ phút phải xa nàng là mỗi giờ phút khắc khoải, đớn đau:

Tự nhủ sống là quên, anh vẫn muốn
Đem tháng ngày khâu kín vết chia ly
Nhưng mỗi phút thời gian đưa thép nhọn
Máu thầm rơi mỗi phút đáy tim si.

Để chống chọi với nỗi nhớ nhung, đau thương của mình, Vũ Hoàng Chương đã tìm quên bằng mọi cách. Chàng đắm mình trong những cuộc ăn chơi trác táng, hết gái, lại đến thuốc phiện. Chàng tự chôn vùi nhân phẩm để mong nàng sẽ khinh rẻ, hắt hủi; tự ái có bị tổn thương, va chạm , chàng mới có thể quên được nàng:

Anh lại muốn đắm mình trong trác táng
Giữa mê ly đầy xác thịt kiêu sa
Nhưng mỗi lúc đêm tàn trời hửng sáng
Anh khóc mùa trinh bạch sớm tiêu ma
Và anh cũng muốn thiêu hồn trong lửa đỏ
Lượm tàn tro vang bóng gửi xa đem
Nhưng mỗi lúc buông tay liều mặc gió
Anh nhớ ngày thơ mộng sống bên em.

Có ngờ đâu, chính những kỷ niệm thơ mộng trong những ngày Hoàng được sống gần gụi bên người chàng yêu, đã làm sống dậy tình yêu trinh bạch thưở ban đầu của chàng; và những hình ảnh ngây thơ trong sáng của nàng Tố đã vô tình trở thành chiếc phao cứu nạn, giúp chàng thoát khỏi sự sa lầy trong cuộc sống trụy lạc.
Những thú ăn chơi trác táng đã không thể giúp cho Vũ Hoàng Chương nguôi ngoai được nỗi đau khổ phải xa Tố, chàng bèn tìm quên trong kiếp sống giang hồ. Nhưng đi đâu? Hết Na Sầm rồi Thanh Hóa, Lạng Sơn… nơi nào chàng cũng chỉ nhìn thấy ngoài trời một màu ảm đạm, còn trong lòng thì “nung nấu lòng dưa héo mòn”, chỉ vì:

Làm sao quên được tình ai
Chàng Lưu còn nẻo Thiên Thai còn tìm.

Thế là nhà thơ của chúng ta đành xếp giáp, tính chuyện quay về:

Mai anh bỏ kiếp giang hồ lại
Đáy biển vừa rung động mũi kim
Phải gắng thêu xong đường chỉ dở
Uyên ương liền cánh mãi đôi chim.

Ý tưởng trở về phen này quyết tìm mọi cách để tiếp tục xây dựng tình yêu cùng Tố, lo thực hiện mộng ước chung đôi với Tố, vừa xuất hiện trong tâm trí Vũ Hoàng Chương, thì mầu nhiệm thay, tình yêu hạnh phúc nơi chàng liền được hồi sinh. Không chỉ hồn chàng phơi phới, mà tất cả vạn vật được phóng nhìn qua con mắt yêu đời của chàng cũng như đổi khác. Chúng không còn là những hiện tượng thiên nhiên vô hồn, đơn giản nữa, mà đã trở nên sinh động vô cùng, chúng cũng đang ngan ngát một mầu yêu:

Có một mùa thu đẹp chẳng ngờ
Mây chiều giải lụa, sớm giăng tơ
Nắng thanh bình cũng vàng như bướm
Hoa cũng vàng như nguyệt trẻ thơ.

Và giờ đây chuỗi ngày hạnh phúc của tình yêu lứa đôi mới thực sự bắt đầu. Đó là năm 1938, lúc này gia đình Tố đã rời phố Cầu Gỗ, dọn nhà về phố Kỳ Đồng (tức Capitaine Bruisseau). Hạnh phúc tràn đầy quá, Vũ Hoàng Chương đã phải thú nhận:

Bao nhiêu là chuyện thần tiên quá
Nhẩy múa thi trong giấc mộng đầu.

Tình yêu của Vũ Hoàng Chương và Tố Uyển khởi đi từ lòng cảm mến hồn nhiên của tuổi trẻ, do hoàn cảnh thân cận tạo nên, đã đành ; đây còn là tình yêu thơ mộng, đồng điệu của đôi thanh niên nam nữ tính tình đằm thắm đa cảm, lại theo Tây học, chịu ảnh hưởng tư tưởng tự do, giải phóng tình cảm cá nhân của văn chương Pháp. Nay tình yêu có điều kiện nẩy nở, hẳn là một cơ hội tốt để tâm hồn họ rung động và tạo ra biết bao mỹ cảm. Và trong bao nhiêu vốn sống tươi rói của cuộc tình đầu này, Vũ Hoàng Chương đã biết ghi nhận lấy những khoảnh khắc nên thơ nhất, rồi thể hiện thành thi ca. Đây ta hãy nghe nhà thơ kể lại: Nào những bữa cơm thân mật trong gia đình:

Những chiều đông rét mướt
Cả nhà ngồi vây quanh
Bàn ăn khói nghi ngút
Bên em vẫn có anh.

Nào những buổi đón học:

Em biết anh chờ em ngã ba
Trường Thi, Ngõ Huyện vắng người qua
Đi chung một quãng, chiều tan học
Chẳng nói yêu mà yêu thiết tha.

Nào những lúc trao thư

Em biết anh chờ em ngã tư
Hàng Khay, Hàng Trống để trao thư
Lời yêu chẳng viết nhưng trong ý
Ta đã cùng chia một động từ.

Hay những khi hờn dỗi:

Bài toán khó em hỏi
Trêu cợt anh lắc đầu
Em hỏi thầy giáo chứ
Anh biết làm toán đâu.
Em giận không cười nữa
Thôi thế anh về đi
Trời! Anh về sao được!

Thế rồi lại một phen Vũ Hoàng Chương phải ỉ ôi xin lỗi, nhưng cuối cùng thì “giận nhau càng yêu thêm”! Tình yêu của Hoàng và Tố còn được nuôi dưỡng trong hương vị văn chương. Thời bấy giờ, trên các sách báo, những tiểu thuyết tình lãng mạn thơ mộng như Hồn Bướm Mơ Tiên của Khái Hưng , Đôi Bạn của Nhất Linh.. hay những bài thơ tình ảo mộng hay thiết tha, phóng túng của Hàn Mạc Tử, Lưu Trọng Lư, Nguyễn Bính, Xuân Diệu… đang là những món ăn tinh thần thời thượng của giới trẻ. Trong thế giới tình cảm riêng của Hoàng và Tố, chàng cũng đang say sưa sáng tác không biết bao nhiêu vần thơ tình thắm thiết để tặng nàng:

Kiều Thu ơi thơ viết
Trăm nghìn vần cho em
Cũng chỉ là tiếng đập
Từ sâu thẳm trái tim.

Tiếng lòng thành thật bao giờ cũng dễ làm cảm động đối tượng, hơn nữa, Vũ Hoàng Chương còn hiểu rất rõ hiệu lực những dòng thơ tình của chàng đối với người yêu như thế nào:

Giòng chữ nghe ẩn hiện
Ngọt ngào trên đôi môi
Nồng say như gió biển
Lùa trong nhịp máu trôi.

Hậu quả tất nhiên đã đến với nàng Tố là:

Đủ các môn em học
Mỗi bài cả trăm lần
Nhưng vang dội tim óc
Toàn lời thơ ái ân !

Cuộc tình ấy còn được tô bồi bởi trí tưởng tượng phong phú của thi sĩ, thế nên, nhiều khi từ cuộc sống hiện thực tác giả đã đi vào mộng lúc nào không hay. Thực với mộng quyện lẫn vào nhau, phụ họa, tô điểm cho nhau. Mộng nhờ có thực mà trở nên sinh động, có hồn. Thực cũng cần có mộng để thêm thi vị, nên thơ. Dù thực hay mộng, ta thấy Vũ Hoàng Chương đã thực sự được sống những giây phút hạnh phúc nhất trong tình yêu lứa đôi của loài người. Này đây những lúc cùng sánh bước dạo phố:

Ai biết chiều nay sánh bước
Hàng Ngang, Hàng Trống, Hàng Khay
Cả một trời anh mơ ước
Mở trong tà áo em bay.

Này đây chuyến đi chơi Hải Dương:

Mau xuống đò thôi kẻo mợ trông
........ Gió lên, đò nhỏ xiêu chân sóng
Vừa gỡ tay ra, vội nắm tay
Đứng sát vai nhau liền cả bóng
Tình ta ai gỡ nổi từ đây.

Này đây là chuyến du xuân:

Theo gió xuân lên đường Ngọc Hà
Nẻo về tươi nắng trại hàng hoa.
Đến vườn Bách Thảo , anh reo khẽ:
-Thượng uyển này riêng của chúng ta!

Đêm hôm ấy ra về, Vũ Hoàng Chương còn cảm thấy hồn mình ngây ngất mãi:

Đưa em về phố tạm chia tay
Trở lại vườn khuya anh vẫn say
Trên đỉnh tình yêu hồn chót vót
Tha hồ cọp hú lộng hơi may.

Tuy vậy giữa hai người, tình yêu vẫn chưa một lần được lên tiếng chính thức, được thú tội, vì nàng còn kiêu kỳ lắm, và chàng thi sĩ của chúng ta cũng đâu có chịu thua:

Hai bên cùng kiêu kỳ như nhau
E dè như nhau nên nghi ngờ
Không ai cho ai lời yêu đầu
Anh làm vô tình, em ngây thơ.

Nhưng họ đóng vai trò ấy vụng về lắm, rõ là:

Đôi tim đóng then mà hớ hênh
Đôi hồn kín bưng mà trống tênh.

Thật thế, nàng Tố chẳng cần phải viện đến giác quan thứ sáu bén nhậy của người con gái, nàng cũng dư biết tiếng lòng của ai, vì cái nhìn “đăm đắm” cùng những hành động săn đón và những bài thơ mơ yêu của chàng.
Nhưng còn Vũ Hoàng Chương, chàng có đoán biết được tình ý của người yêu không? Có chứ, bằng nhiều cách lắm. Trước hết, chính những cử chỉ hữu tình của nàng đã tự tố cáo tình yêu của nàng dành cho chàng:

Em đã nao lòng anh mê man
Đuôi mắt, đầu môi tình chứa chan.

Tình yêu cũng như hương thơm của hoa, dù có dấu dưới hang cùng, hốc thẳm nào, hương thơm của nó vẫn tỏa thoát ra bên ngoài, những kẻ cố tình tìm hoa vẫn có thể dõi theo “dấu hương” mà tìm tới.
Sau nữa là nhờ sự mẫn cảm đặc biệt của nhà thơ, Vũ Hoàng Chương đã khám phá ra tiếng lòng thầm kín của người yêu, qua một vài điệu bộ, hành động và phản ứng của nàng, như:
Qua ánh mắt:

Đường về nhà quanh co thơm ngát
Em nhìn anh chưa nhạt còn mê.

Qua ánh mắt của người yêu, Hoàng đã hiểu là nàng muốn nói với chàng:

Đời em chẳng có anh sao được
Lời nói say như một chén thề.

Qua giọng nói thân thương, nũng nịu của ai kia, Hoàng cũng đã đoán được thâm tình trao gửi của nàng:

Em nói- Ðể em cài lại tóc
Mà như trọn vẹn một đời trao.

Lại như qua cử chỉ cúi đầu và phản ứng đỏ má:

Thấy anh đăm đắm nhìn
Cúi đầu em đỏ má.

Từ đó Hoàng đã nhìn ra tâm ý của người yêu:

Như hiểu niềm van xin
Như hẹn cho tất cả.

Còn nữa, Vũ Hoàng Chương còn khám phá ra tình cảm của nàng dành cho chàng, bằng lối lý luận rất trữ tình. Đó là những cử chỉ" làm duyên" :

Bao nhiêu cử chỉ làm duyên ấy
Đã mách tình em đủ lắm rồi.
- Em đừng chối vô ích
" Làm duyên" là" yêu" rồi!

Đó là tiếng reo “thích nhỉ”:

Rồi mai chung một nghề.
Chapa rừng núi đẹp
Là chỗ ta đi chơi.
Em reo thích nhỉ như vừa được
Sống trước say sưa một quãng đời.
- Cũng đừng chối vô ích
"Thích nhỉ" là" yêu" rồi!

Đó là sự" hờn dỗi" :

Một lá thư nhỏ nhắn
Của cô nào không biết
Anh cất trong túi áo
Ngồi bên em đánh rơi
Em vô tình bắt được
Hờn dỗi mấy hôm trời.
Nhưng đâu có phải anh lơ đễnh
Anh muốn thử lòng em đấy thôi.
- Càng chối càng vô ích
"Hờn dỗi" là “yêu” rồi!

Cùng với những khám phá trên, nhà thơ của chúng ta còn đưa ra một lý luận rất lô gích, rất hợp tình hợp lý, để được yên tâm sống trong hạnh phúc tuyệt vời của tình yêu lứa đôi:

Bao nhiêu năm gần gũi
Bao nhiêu ngày bên nhau.
Anh có phải là sắt
Em có là gỗ đâu.
Nụ cười đuôi mắt say sưa ấy
Đã hẹn yêu anh đến bạc đầu.

Thế nên Vũ Hoàng Chương đã chấp nhận tình yêu mà không cần nàng phải hứa hẹn, thề thốt gì, và còn cho đấy là sắc thái riêng của một mối tình êm đẹp tuyệt vời:

Không cần phải hẹn hứa
Không cần nói yêu nhau
Không yêu mà vẫn là yêu đấy.
Êm đẹp làm sao giấc mộng đầu!

 

2 - TỐ CỦA HOÀNG ƠI, HỠI NHỚ THƯƠNG !

Thời gian êm trôi cho đến chuỗi ngày Tố Uyển sửa soạn đi thi Trung học. Mỗi chủ nhật thầy giáo Ngải soạn đề thi thử về toán và pháp văn, thì Vũ Hoàng Chương cũng tất bật lo soạn đề thi thử về Anh văn cho hai chị em Tố. Nhiều tối ghé chơi , nhưng rồi chàng lại nấn ná ở lại tới khuya để giảng thêm bài cho chị em nàng:

Mùa thi rối gương lược
Anh sửa soạn cho em
Ngay từ nửa tháng trước
Ngồi khuya đêm lại đêm.
....
Anh ngồi bên học giúp
Cho em mau thuộc bài.

Không biết lối học thi như thế có làm cho nàng Tố “mau thuộc bài” thật không, nhưng chúng ta biết chắc chắn là nhà thơ của chúng ta rất hạnh phúc :

Thời gian rót hạnh phúc
Bao nhiêu đêm ngồi kề
Bấy nhiêu vòng khăng khít
Buộc đôi hồn si mê.

Rồi ngày thi tới, những buổi nàng đi thi, dù đã có bác xe đưa đón, Vũ Hoàng Chương vẫn không bao giờ vắng mặt:

Đưa nhau ríu rít đón nhau về
Ngày lại ngày cho tình càng mê.

Ngày Vũ Hoàng Chương đi xem bảng cho Tố Uyển cũng để lại một kỷ niệm đẹp khó quên trong lòng chàng. Thấy tên nàng đỗ, Vũ Hoàng Chương vui mừng khôn xiết, vội phóng xe về nhà người yêu; chàng vừa thấy bà Tư đứng nơi cửa ra vào, dù chưa kịp gác xe vào vỉa hè, chàng đã vội rối rít báo tin vui – Tố đỗ rồi! -Tố đỗ rồi! Chàng reo to quá đến cả xóm đều nghe thấy.

Đó là giữa năm 1939, lúc này Tố Uyển đã được 18 tuổi, đang ở cái tuổi thanh xuân, mơn mởn đào tơ của người con gái. Nàng đẹp nổi tiếng, trong tác phẩm “Những Khuôn Mặt Văn Nghệ Đi Qua Đời Tôi” xuất bản tại Mỹ Quốc, 1990, Tạ Tỵ cũng phải công nhận điều này.
Đây cũng là lúc đang có phong trào kén chồng theo quan điểm “phi cao đẳng bất thành phu phụ” của các cô gái gia thế Hà thành. Mấy cô bạn học của Tố hầu hết đã nhận trầu cau của các ông Bác sĩ, Luật sư đâu đấy cả rồi. Tố Uyển cũng có nhiều chàng trai danh giá “rắp ranh bắn sẻ”, và bà Tư rất hãnh diện về con gái. Nhưng đã có thiện cảm với Vũ Hoàng Chương, vì bà Tư biết nhà thơ yêu con gái mình tha thiết, và mỗi khi tiếp xúc với họ hàng nội ngoại của ông bà, Vũ Hoàng Chương đều thưa gửi -cô -dì -chú -bác… theo chị em Tố, như chàng đã là người nhà của gia đình bà; ngoài ra, bà cũng đoán được phần nào tình ý của con gái, nên bà đã không nề gì nhà thơ còn lẹt đẹt ở năm thứ nhất trường Luật (Vũ Hoàng Chương chỉ ghi danh rồi đi học phất phơ vài buổi, chàng không thấy hợp nên có học gì đâu mà thi với đỗ !), bà vẫn có ý tác thành cho đôi trẻ nên vợ nên chồng. Bà đã dự tính, sau này gả con cho nhà thơ rồi, sẽ cho “hai đứa” đi Pháp du học .
Riêng Vũ Hoàng Chương, chàng cũng hiểu đã đến lúc phải về thưa chuyện với cha mẹ, đem trầu cau đến xin Tố cho mình…
Ngờ đâu dông bão đã xảy ra, ông bà Tri huyện đã giận Vũ Hoàng Chương không chịu đi hỏi con gái quan Bố chánh theo ý muốn của ông bà, nên đã thẳng tay gạt bỏ chuyện xin đi cầu hôn của con. Ông bà chê Tố là học trò trẻ con, lại theo Tây học nhăng nhít, không thể về làm dâu một gia đình nề nếp quan cách như gia đình ông bà; còn bà Tư, mẹ của Tố, là dân buôn bán (bà Tư hồi đó đang có cửa hàng xuất nhập cảng giấy ) lại quá trẻ (mới có ba mươi tám tuổi), không xứng thông gia !
Bao nhiêu mộng ước đang đến hồi đẹp nhất, cao điểm nhất, nay bỗng bị cha mẹ phản đối quyết liệt, đã khiến Vũ Hoàng Chương choáng váng, đớn đau. Chàng còn vô cùng khổ sở và ngượng ngùng khi nghĩ đến gia đình Tố Uyển, vì chàng biết giải thích ra sao? Biết nói gì bây giờ ? Thế là chàng trốn luôn, không dám bén mảng đến nhà Tố nữa.
Duyên tình thì trắc trở lại không được gặp mặt người yêu, Vũ Hoàng Chương làm sao tránh khỏi buồn khổ. Chàng chỉ còn một cách là cố gắng tìm quên, và chàng đã tìm quên trong những thú say sưa. Chúng ta hãy nghe nhà thơ nói về cái say nhẩy đầm và say rượu, xem chàng có thành công không?

Anh đèn tha thướt
Lưng mềm não nuột dáng tơ
Hàng chân lả lướt
Đê mê hồn gửi cánh tay hờ.
....
Âm ba gờn gợn nhỏ
Ánh sáng phai phai dần
Bốn tường gương điên đảo bóng giai nhân
Lui đôi vai, tiến đôi chân
Riết đôi tay, ngả đôi thân
Sàn gỗ trơn chập chờn như biển gió
Không biết nữa mầu xanh hay sắc đỏ
Hãy thêm say, còn đó rượu chờ ta.
....
Say đi em, say đi em
Say cho lơi lả ánh đèn
Cho cung bậc ngả nghiêng điên rồ xác thịt
Rượu, rượu nữa, và quên, quên hết!
Ta quá say rồi sắc ngả, mầu trôi
Gian phòng không đứng vững
Có ai ghì hư ảnh sát kề môi.

Những đoạn thơ trong bài Mời Say trên được in trong thi tập Thơ Say, tác phẩm đầu tay của Vũ Hoàng Chương, xuất bản vào năm 1940 tại Hà Nội, đã cho chúng ta thấy, nghệ thuật độc đáo của bài thơ này chính là ở chỗ tác giả như không cố ý làm nghệ thuật, nhà thơ cứ để cho những cảm giác và cảm xúc của mình trào ra thành thơ, lướt trên đầu ngọn bút. Cái tài hoa, cái duyên dáng trong thơ Vũ Hoàng Chương lộ ra rất rõ trong những từ ngữ gợi tả hình ảnh, ánh sáng, mầu sắc, âm thanh, cảm giác và cảm xúc; sau nữa là nhạc điệu của bài thơ uyển chuyển, thanh thoát vô cùng… tất cả đã giúp vào việc dẫn khởi đưa tâm hồn người thưởng ngoạn đi vào thế giới chuếnh choáng men say, chập chờn trong vũ điệu tango phóng túng (tango de fantaisie), và bồng bềnh trong tiếng nhạc, mờ ảo trong ánh sáng...

Trở lại với Vũ Hoàng Chương, ta thấy, cho tới lúc dù chàng đã say mèm, “say không còn biết chi đời”, đến gần như vô tri, vô giác, thế mà trong tiềm thức của nhà thơ, mối sầu vẫn sừng sững như thành, không làm sao sụp đổ :

Trong men cháy giác quan vừa bén lửa
Say không còn biết chi đời.
Nhưng em ơi đất trời nghiêng ngửa
Mà trước mắt thành sầu chưa sụp đổ
Đất trời nghiêng ngửa
Thành sầu không sụp đổ em ơi !

Không biết đã từng có ai mượn cách say men, say khói mà quên được sầu không, riêng Vũ Hoàng Chương, chàng thấy mình càng say bao nhiêu thì mối sầu lại như càng thấm thía, càng sâu lắng bấy nhiêu:

Có ai say để quên sầu
Lòng ta lảo đảo càng sâu vết buồn.

Lại nói đến gia đình bà Tư, sau ngày Tố Uyển thi đỗ bằng Trung Học Ðệ Nhất Cấp, gia đình ông bà Tư hơi lấy làm lạ vì không thấy Vũ Hoàng Chương lại chơi như trước, thời gian này kéo dài có đến cả nửa năm. Rồi một hôm cô Viên, em họ Vũ Hoàng Chương, đồng thời cũng là bạn của Tố lại chơi, cho biết tự sự. Gia đình bà Tư bị va chạm tự ái nên rất bực mình, và được biết Vũ Hoàng Chương đã bỏ học đi làm phó kiểm soát viên sở Hỏa Xa Đông Dương. Ít lâu sau gia đình Tố lại thấy Hoàng thỉnh thoảng ghé thăm, biết Hoàng vẫn níu chút hy vọng, không muốn cắt đứt. Tuy giận ông bà Tri huyện, nhưng nhìn thấy Hoàng thì lại thương, nên gia đình Tố có ý nấn ná đợi chờ... Trong thời gian này, Vũ Hoàng Chương và Tố Uyển tuyệt nhiên không gặp nhau riêng lần nào.
Bà Tư đã có lần gọi Vũ Hoàng Chương ra nói chuyện, bà cho biết, bà sẵn sàng gả Tố cho chàng, nhưng điều kiện tiên quyết là ông bà Tri huyện phải đến xin hỏi cưới đàng hoàng. Lẽ tất nhiên là phải như vậy, vì ảnh hưởng Nho giáo còn nặng nề trong xã hội Việt Nam ta thưở ấy. Thế là vì danh giá gia đình, vì danh giá của Tố, ông bà Tư không thể chấp nhận gả con cho Vũ Hoàng Chương mà không có sự đồng ý của cha mẹ chàng.
Thấm thoát đã gần hai năm trôi qua, không thấy ông bà Tri huyện thăm viếng hay đánh tiếng gì, và những tháng sau cùng Vũ Hoàng Chương cũng bặt tăm luôn, ông bà Tư hiểu là chuyện chờ đợi không đi đến đâu; và cũng vì tự ái, ông bà bèn hết lời khuyên giải Tố để nàng hiểu rằng, nàng đã 20 tuổi rồi, đã đứng tuổi rồi, (thời đó con gái 20 tuổi đã cho là già, sắp ế chồng!), nay bao nhiêu người danh giá hỏi không nhận lời đi, đến khi quá lứa lỡ thì, lấy ai được nữa? Và Vũ Hoàng Chương chắc cũng chẳng yêu tha thiết gì Tố, nếu không, chàng phải cố gắng học hành để tỏ ra xứng đáng với nàng chứ? Huống chi đã từ lâu Vũ Hoàng Chương chỉ thỉnh thoảng ghé thăm phất phơ, chứ không tỏ ra tha thiết thân tình như xưa nữa.
Tố là gái mới lớn, thấy Vũ Hoàng Chương cũng xứng đáng lại yêu mình tha thiết, làm bao nhiêu thơ ca tụng mình, bảo sao nàng không cảm động? Và Tố đã yêu lại Vũ Hoàng Chương, điều đó không thể phủ nhận, nhưng nàng tất nhiên không yêu si mê như chàng đã yêu nàng. Nay thấy chàng hờ hững, cha mẹ chàng lại chê nàng không chịu đi hỏi, tự ái của một cô gái vừa đẹp, vừa học giỏi lại con nhà giàu bị quá tổn thương, làm sao nàng không buồn tủi? Nàng lại thương mẹ, biết mẹ lo lắng cho mình, nên cuối cùng nàng đã vâng lời, chấp nhận tìm hiểu ông Cương, là người vừa đỗ Cử nhân Luật mà bà nội nàng đã có ý chọn cho. Sau ba bốn lần gặp gỡ, Tố chưa yêu ông Cương nhưng cũng thấy chẳng có gì để phản đối; mẹ ông Cương lại thúc giục, thế là gia đình nàng cho tiến hành lễ Chạm ngõ (khoảng tháng 3,1941).
Đúng một tháng sau, bà huyện, mẹ Vũ Hoàng Chương, cùng với cụ mẹ chồng cô em gái ông huyện đến thăm ông bà Tư, ướm lời hỏi Tố cho Vũ Hoàng Chương, nếu bằng lòng thì nhà trai sẽ đưa lễ vật.
Hỡi ơi, đến lúc ông bà huyện kịp nhìn thấu nỗi lòng của con, biết thương con thì đã muộn rồi, đã lỡ làng hết rồi.
Khi Vũ Hoàng Chương biết tin Tố Uyển đã nhận trầu cau của người khác thì quá thất vọng, lâu đài tình ái sụp đổ tan tành. Trước kia chỉ là sự cản trở của cha mẹ thì chàng còn có thể thuyết phục, nay nàng đã nhận lời người ta thì vô phương rồi. Quá bất mãn trước thực tại phũ phàng:

Tình đã mất
Sự nghiệp không
Cuộc đời chẳng chí hướng

Vũ Hoàng Chương cảm thấy chới với, lạc hướng; chàng muốn chạy trốn, muốn xa lánh hẳn mặt đất đầy đau thương này:

Nhổ neo rồi thuyền ơi xin mặc sóng
Xô về Đông hay giạt đến non Đoài
Xa mặt đất giữa vô cùng cao rộng
Lòng cô đơn cay đắng họa dần vơi.

Vũ Hoàng Chương mang tâm trạng lạc loài, chơ vơ, u uất của một kẻ đầu thai lầm thế kỷ, bị lưu đầy giữa cuộc đời kiêu bạc; nơi đây không phải là chốn cho những người có tâm hồn mơ mộng, giản dị như chàng dung thân, và chàng mong được thoát đi, đến một phương trời xa vời, thanh thản nào đó :

Lũ chúng ta đầu thai lầm thế kỷ
Một đôi người u uất nỗi chơ vơ.
Đời kiêu bạc không dung hồn giản dị
Thuyền ơi thuyền xin ghé bến hoang sơ.

Tưởng đâu Vũ Hoàng Chương đã gặp Baudelaire qua bài Élévations:

Envole-toi bien loin de ces miasmes morbides
Va te purifier dans l’air supérieur
Et bois, comme une pure et divine liqueur
Le feu clair qui remplit les espaces limpides.

Nhưng không hẳn thế, Baudelaire mang tâm trạng của kẻ bị lưu đầy trong một thế giới đầy phiền muộn và chồng chất những khổ đau, và nhà thơ này mong mỏi được sống trong một thế giới tràn ngập ánh sáng và thanh tịnh:

Derrière les ennuis et les vastes chagrins
Qui chargent de leurs poids l'existence brumeuse.
Heureux celui qui peut d'une aile vigoureuse
S'élancer vers les champs lumineux et sereins.

Vũ Hoàng Chương trái lại, chỉ mong một cuộc sống giản dị, thanh thoát:

Thuyền ơi thuyền, xin ghé bến hoang sơ!

Cho đến ngày cưới Tố Uyển – ngày 12 tháng 6 năm Tân tị (1941) – phải nói là tới ngày hôm ấy, nỗi đau thương bi phẫn của Vũ Hoàng Chương mới thực sự bùng nổ mãnh liệt, như vết thương mưng mủ lâu ngày nay bật vỡ, máu mủ tung tóe. Ba tháng trước đó, dù biết Tố đã nhận trầu cau của người ta, sẽ là vợ của người ta, dù gì Tố vẫn chưa hoàn toàn thuộc về người ta; nhưng hôm nay, ngày nàng bước lên xe hoa về nhà chồng, Vũ Hoàng Chương đã thực sự mất nàng:

Là thế, là thôi, là thế đó
Mười năm thôi thế mộng tan tành!
-Tình ta, ta tiếc cuồng ta khóc
Tố của Hoàng, nay Tố của ai?

Về phương diện lý trí, Vũ Hoàng Chương rất hiểu, chàng là kẻ mộng mơ, luôn luôn cảm thấy xa lạ, lạc lõng với cuộc đời, chàng không thể nào hội nhập hoàn toàn vào cuộc sống của thế nhân để trở thành ước mơ của cuộc đời, chàng đã bỏ thi Luật chẳng là một bằng cớ đó sao? Như thế, chàng không thể đem lại hạnh phúc cho người yêu – người của cuộc đời - Và chàng đã chẳng từng bỏ đi xa, để Tố được yên thân sống cuộc đời của nàng đó sao? Vậy nay, nàng đi lấy chồng chỉ là lẽ tất nhiên thôi.
Nhưng về phương diện tình cảm, Vũ Hoàng Chương trăm ngàn lần không bao giờ chấp nhận điều này. Chàng đã yêu nàng bằng mối tình tuyệt đối, chàng đã yêu nàng với tất cả tâm hồn trong trắng và tấm tình si mê của mình:

Cũng như lúc mảnh hồn trong trắng
Với tình si trao hết cho em.

Và chàng đã tự hứa với mình:

Cho đến ngày tận thế
Tình ta như buổi đầu
“Anh yêu em” ba chữ
Cùng trời đất dài lâu.

Chính vì nhà thơ cứ đinh ninh rằng, nàng Tố cũng chung tình, cũng thủy chung như nhất như chàng, nàng đã là của chàng và sẽ mãi mãi là của riêng chàng; nên chuyện Tố lấy chồng đã là một biến cố khốc liệt đối với chàng. Ý tưởng mất người yêu vĩnh viễn này thảm thiết đến nỗi Vũ Hoàng Chương nhiều lúc tưởng điên dại. Rồi những xúc cảm từ trái tim quá đau khổ ấy đã tuôn trào ra đầu ngọn bút, thành những dòng thơ trữ tình cuồng nhiệt, nói như Musset (9) :

C’est le coeur qui parle et qui soupire
Lorsque la main écrit, c’est le coeur qui se fond.

Và chính những xúc cảm đau thương hiện thực này đã làm nên không khí bài thơ Mười Hai Tháng Sáu:

Trăng của nhà ai trăng một phương
Nơi đây rượu đắng mưa đêm trường
Ờ đêm tháng sáu mười hai nhỉ
Tố của Hoàng ơi hỡi nhớ thương!
Là thế là thôi là thế đó
Mười năm thôi thế mộng tan tành
Mười năm trăng cũ ai nguyền ước?
Tố của Hoàng ơi, Tố của anh !
Tháng sáu mười hai từ đây nhé
Chung đôi – Từ đây nhé lìa đôi
Em xa lạ quá đâu còn phải
Tố của Hoàng xưa, Tố của tôi !
Men khói đêm nay sầu dựng mộ
Bia đề tháng sáu ghi mười hai
Tình ta, ta tiếc, cuồng ta khóc
Tố của Hoàng, nay Tố của ai?
Tay gõ vào bia mười ngón rập
Mười năm theo máu hận trào rơi
Học làm Trang tử thiêu cơ nghiệp
Khúc Cổ Bồn ca gõ hát chơi
Kiều Thu hề! Tố em ơi
Ta đang lửa đốt tơi bời mái Tây
Hàm ca nhịp gõ khói bay
Hồ xừ xang xế bàn tay điên cuồng.
Kiều Thu hề! Trọn kiếp thương
Sâu cao ngùn ngụt mây dường tơ khô.
Xừ xang xế xự xang hồ
Bàn tay nhịp gõ điên rồ khói lên.
Kiêu Thu hề! Tố hỡi em
Nghiên chân rốn bể mà xem lửa bùng.
Xế hồ xang, khói mờ rung
Nhịp vươn sầu tỏa năm cung ngút ngàn.

 

Những lời thơ ở đoạn đầu trong bài Mười Hai Tháng Sáu đã cho chúng ta tận thấy, nỗi đau thương thống thiết, tiếc hận khôn nguôi, uất ức nghẹn ngào của Vũ Hoàng Chương cứ theo từng đợt, từng đợt thổn thức của cõi lòng mà nấc lên thành tiếng:

Tố của Hoàng ơi, hỡi nhớ thương!
Tố của Hoàng ơi , Tố của anh!
Tố của Hoàng xưa Tố của tôi!
Tố của Hoàng nay Tố của ai?

Sang đến đoạn hai của bài thơi thì mối sầu hận kia đã đến lúc kết đọng lại, Vũ Hoàng Chương tưởng chừng có thể dựng thành mồ, và ngày mười hai tháng sáu, ngày Tố Uyển lên xe hoa về nhà chồng đã như một vết dao chém quá sâu vào trái tim của nhà thơ, vết thương này đối với chàng không thể nào phai lạt, dường như đã khắc thành mộ bia. Sự giầu tưởng tượng đó đã kích thích thêm cho xúc cảm, khiến cho nỗi uất hận, thương đau tăng thêm mãi. Khi mối xúc cảm tăng lên đến mức độ nào đó, nó sẽ làm cho nhà thơ như say, như mê, như cuồng dại đi, bất chợt chàng như kẻ nhập đồng, cao hứng gõ tay vào bia mà ca khúc "Cổ Bồn”. Chàng học đòi Trang Tử (đời Chu) thuở nào, sau khi biết vợ bội phản, và nàng ta đã quá xấu hổ, thắt cổ tự vận,Trang Tử lấy tay gõ vào chậu đồng mà ca, than cho tình đời đen bạc; đoạn thiêu đốt hết cơ nghiệp rồi bỏ đi xa. Vũ Hoàng Chương cũng đang mang tâm trạng đau khổ và thái độ chán chường ấy của Trang Tử.
Những từ ngữ biểu cảm dồn dập trong bài thơ Mười Hai Tháng Sáu, như:"- tay gõ mười ngón rập - máu hận trào rơi - lữa đốt tơi bời - nhịp gõ bàn tay điên cuồng - sầu cao - nhịp gõ điên rồ - lữa bùng - nhịp vươn sầu tỏa - năm cung ngút ngàn"; với tiếng “hề” trong những câu:
Kiều Thu hề! Tố em ơi
Kiều Thu hề! trọn kiếp thương
Kiều Thu hề! Tố hỡi em

Cùng những nốt nhạc:
Hồ - xừ - xang - xế
Hồ - xang - xế - xự - xang - hồ
và: Xế - hồ - xang

Đệm vào, đã tạo nên cái không khí hơi man dại của đoạn thơ. Nhờ đó, đã cực tả được cái vẻ chuếch choáng của một kẻ thần trí nửa điên dại, nửa cuồng tâm... vừa gõ nhịp vừa ca một cách mê man, đến nỗi mười đầu ngón tay rập nát mà không hay. Vẫn biết đây là một lối nói cường điệu, nhưng Vũ Hoàng Chương đã tạo được cho ta cái cảm tưởng, chỉ có cái đau về thể xác như thế mới diễn tả hết được cái đau về tinh thần của tác giả lúc ấy. Đây cũng là trường hợp của Thúy Kiều khi phải hầu đàn Hồ Tôn Hiến, là kẻ vừa lừa giết Từ Hải, chồng nàng :
Một cung gió thảm, mưa sầu
Bốn giây nhỏ máu năm đầu ngón tay.
(Kiều, Nguyễn Du).

Tóm lại, bài thơ Mười Hai Tháng Sáu này cũng ở trường hợp như bài Mời Say, chính cảm xúc đã làm nên nghệ thuật. Ở đây, những xúc cảm đau thương của Vũ Hoàng Chương đã thoát ra thành thơ, đó là tiếng thơ hay nhất của tác giả, rõ là những lời tuyệt diệu là lời đau thương, như Afred de Musset đã nói: “Les chants désespérés sont les chants les plus beaux” (Nuit de Mai).
Một thời gian sau, cơn thống khổ đã dịu bớt, Vũ Hoàng Chương, vì là con người có bản tính mềm yếu, thiếu nghị lực, nên thay vì xông xáo vào đời hoạt động để tìm quên, nhà thơ của chúng ta lại tự đầy ải mình trong cảnh sống cô đơn với đầy mặc cảm:

Đêm nay đây hồn xế nẻo thu tàn
Khóc chia lìa ai níu gọi thời gian
Ta chỉ biết nằm nghe tình hấp hối.

Mất người yêu, cuộc đời Vũ Hoàng Chương chỉ còn một màu ảm đạm, thê lương, với những đêm dài bất tận và mưa buồn da diết.

Trăng rụng nửa vời
Đêm mờ trọn kiếp...

Đây mưa bay mờ chậm bước đêm dài
Đêm bất tận đêm liền đêm kế tiếp.

Vũ Hoàng Chương cố tìm những cơn say để mong quên đi nỗi sầu đơn chiếc, nhưng cũng chỉ vô ích mà thôi.

Say đã gắng để quên sầu lẻ gối
Mưa mưa hoài rượu chẳng ấm lòng đau...

Lá rơi rơi nằm bệnh mây tuần mùa
Say chẳng ngắn những đêm dằng dặc nhớ.

Nhà thơ quay ra cầu mộng: "Hỡi năm tháng hãy đưa đường giấc điệp..."

Nhiều đêm nằm trằn trọc mãi mộng cũng chẳng đến:

- Nghiêng đĩa dĩa vơi
Không thành giấc điệp
và: - Mưa gió tàn đêm mộng chẳng thành.

Mà dẫu may mắn mộng có thành, song mộng muôn đời vẫn chỉ là không:
"Mộng bâng quơ hò hẹn cũng là hư."

Nên chẳng thoả được tấm lòng khao khát nhớ thương ai. Sau đó, nhà thơ trở về sống với những kỷ niệm cũ, mà kỷ niệm gần gũi nhất, thực hữu nhất chính là mấy lá thư này đây:

Yêu một khắc để mang sầu trọn kiếp
Tình mười năm còn lại mấy tờ thư.

Một thoáng hạnh phúc xưa lại trở về:

Lá thư tình xưa nhớ lúc trao tay
Còn e ấp thuở duyên vừa mới bén.

Thương thay lá thư vỏn vẹn có mấy dòng chữ đơn sơ, mà thật sự chỉ là đôi ba tờ giấy ghi lại những câu hỏi về Anh văn, Tố từng nhờ Vũ Hoàng Chương giảng hộ. Dẫu sao nét chữ của người yêu trên trang giấy vẫn là một kỷ vật thiêng liêng đối với chàng. Và chàng vẫn cố kiếm tìm những gì thầm kín, ẩn nấp sau mươi hàng chữ ấy:

Mười hàng chữ đơn sơ, ồ ngượng ngập
E dè sao mười hàng chữ đơn sơ.
Mầu mực tươi xanh ngát ý mong chờ
Tình hé nụ bừng thơm trong nếp giấy.

Khi nhận thấy những dòng chữ đơn sơ này không đủ sưởi ấm cõi lòng băng giá của chàng, họ Vũ thao thức thầm hỏi:

Gấm the nào từ buổi lạnh lùng nhau
Vàng son có thay mầu đôi mắt biếc?

Hỏi như thế là nhà thơ có ý níu kéo chút hy vọng, rằng người xưa vẫn còn yêu chàng. Lòng nhớ nhung được thể bùng dậy mãnh liệt, chàng tha thiết mong gặp nàng, nhưng rồi lại băn khoăn:

Đường trần muôn vạn ngã ba
Nhớ nhung muốn gặp biết là có nên?

Trăm vạn lần là không nên rồi, nàng đã là gái có chồng, chàng chẳng nên quấy rầy hạnh phúc của nàng nữa. Nhưng tình cảm lại có những lý lẽ riêng của nó, thế là nhà thơ si tình đáng thương của chúng ta liền mò đến tận Quế Dương ( thuộc tỉnh Bắc Ninh ), nơi chồng Tố đang tại chức Tri huyện (khoảng những năm 1942 – 1943), không chỉ một lần mà nhà thơ đã mò đến đó nhiều lần, chàng thường đứng ở quán nước, gần dinh Tri huyện, hy vọng nàng Tố một ngày nào vô tình đi ra, để chàng được nhìn lại nàng, người yêu “ngàn kiếp” của chàng. Chàng chỉ nhìn thôi, chứ nào có quấy rầy hạnh phúc của ai đâu? Và ít nhất đã có một lần Vũ Hoàng Chương được toại nguyện. Hôm đó, xe hơi chở Tố vừa vượt khỏi cổng dinh, tiến về Hà Nội, vô tình quay lại qua kính chiếu hậu, Tố Uyển đã nhìn thấy nhà thơ đang đứng ở đầu quán nước, ngơ ngẩn nhìn theo.
Nàng đã tâm sự với gia đình là không dám bảo tài xế ngừng xe, vì sợ chồng nghi kỵ và thiên hạ dị nghị. Đó là lẽ tất nhiên, nhưng lời tâm sự ấy chẳng đã lộ ra phần nào tình cảm của nàng đối với nhà thơ của chúng ta hay sao?
Hết đến Quế dương, Vũ Hoàng Chương lại trở về tha thẩn trên những con đường cũ, mong sống lại những giờ phút yêu đương, thơ mộng xưa:

Ôi chốn này xưa vai sánh vai
Trán cao hoài vọng, tóc buông cài.
....
Hồ gươm sóng lụa bờ tơ liễu
Hàng Trống, Hàng Khay rộn bước người
Sách vở lên hương, trầm ngát nẻo
Hoa soan, hoa phượng chói màu tươi.
....
Tay trong tay nắm, tinh trong mắt
....
Hoa gấm cùng mơ dệt cuộc đời.

Ngờ đâu lòng người đã đổi thay, tất cả mộng ước thời quá vãng đã trở thành không tưởng:

Thế mà tan tác mười năm mộng
Có kẻ ra đi chẳng một lời.

Chỉ còn đây một thực tại đau thương, là hồn thơ thổn thức của thi nhân với bao nỗi luyến nhớ, ngậm ngùi:

Nửa kiếp lênh đênh đường phố cũ
Riêng mình thương nhớ tuổi hai mươi.
.....
Hàng Khay, Hàng Trống hoa nào rụng
Mầu tím thờ ơ vạt áo ai !

Năm 1954 khói lửa triền miên rồi biến cố chia đôi đất nước xẩy ra. Vũ Hoàng Chương theo đoàn người di cư vào Nam nhưng lòng không yên, chàng những thấp thỏm lo lắng cho hạnh phúc của người yêu: "Trăng nhà ai tròn khuyết?" Trong lúc mà:

Thời cơ nhỏ nhiễu nhương
Hà Nội thắt vòng đai tuế nguyệt
Sừng sững dựng bức thành mây lửa dệt.
Xa cách hơn bao giờ hết
Non Nùng cấm địa một phương.

Thôi rồi từ đây Hoàng có muốn biết tin tức hay muốn gặp lại Tố cũng không thể được nữa. Hồi còn ở Hà nội ,Tố tuy đã đi lấy chồng nhưng những lúc: "Thoắt thôi gợn sóng điên rồ nhớ thương."
Hoàng còn có thể hỏi thăm về nàng qua gia đình và bạn bè nàng, hay đến tận nơi nàng sống để may ra được nhìn lại nàng như hồi ở Quế Dương; hơn nữa, chàng có thể gữử những nỗi nhớ niềm thương của mình đến ai qua những bài thơ tình đăng báo hay in trong thi tập, hay qua cả những vỡ kịch trình diễn trên sân khấu, như chàng đã từng đóng vai Hoàng Lang, vai chính trong vở Vân Muội, một gã thư sinh si tình lúc nào cũng chỉ mơ màng tơ tưởng tới “mối tình xưa, mộng cũ với hình ai”, diễn tại Nhà Hát Lớn Hà Nội ngày 12-12-1942. Hồi đó, báo chí đã bàn tán sôi nổi về mối tình của Vũ Hoàng Chương với người con gái mang tên đệm Tố. Có ký giả còn tưởng tượng ra cảnh nàng Tố đi xem kịch, cảm động quá đến ngất xỉu, người nhà phải dìu về. Như thế, tiếng lòng của chàng đã gửi được đến người yêu, dù nàng không trực nhận và chàng chẳng bao giờ có hồi âm; nhưng cái tâm lý và cái nhu cầu tình cảm “cần gửi và được nhận” của chàng cũng đã được thoả mãn phần nào. Vậy là Tố Uyển dù đã lấy chồng, tuy xa mà gần, vì Vũ Hoàng Chương vẫn liên lạc được với nàng trong cách điệu riêng của chàng.
Kể từ ngày nhà thơ vào Nam thì sự cách trở không gian ghê gớm quá, không chỉ xa xôi hàng ngàn vạn dậm, mà giữa hai chiến tuyến quốc cộng còn bị bủa vây bởi bom đạn, chiến lũy, bằng cách nào nhà thơ có thể vượt qua để thấy lại được người xưa?
Vuốt đâu xuyên chiến lũy
Cách đâu vượt sa trường?
Sự cách trở không gian đã vô vàn khó khăn như vậy, sự cách trở trong đời sống tâm tư mới càng thảm não hơn. Vì giờ đây tiếng kêu nhớ thương của chàng dù bằng cách nào đi nữa cũng không thể tới được người Hà nội. Chúng ta hẳn còn nhớ, sau khi bức màn sắt buông xuống, “Tấm thiếp giao tình Nam Bắc” với vài hàng chữ hỏi thăm sức khoẻ được in sẵn cũng chỉ xuất hiện một thời gian ngắn, sau đó, Nam Bắc hoàn toàn tuyệt đường liên lạc.
Thế là từ nay, nỗi lòng chỉ mình chàng chàng biết, mình chàng chàng hay:

Tiếng kêu ném ngược đường kinh tuyến
Chỉ thấy vòng quanh trở lại thôi.

Họa có tìm được nhau trong men khói hay trong chiêm bao, nhưng khi tỉnh giấc lại càng thêm trằn trọc khổ sở, nước mắt chứa chan… vì đó chỉ là những hình ảnh lờ mờ, hư ảo, đứt đoạn, không thể làm thoả mãn được ai.

Tìm nhau trong khói men cuồng tuý
Nửa giấc mành tương, loạn sóng tương.
Quê tình hoang đảo mờ sương
Chiêm bao càng khổ chiếu giường phong ba !

Ôi quê tình xưa, nơi chàng vẫn hãnh diện là chốn đẹp nhất, nên thơ nhất:

Ôi khu rừng bách thảo
Quán trọ đời thư sinh
Hươu nai hoa cỏ đẹp
Nhưng bằng đâu quê tình.

Vì đó là chốn chàng hằng lui tới, và đã được tận hưởng cái hạnh phúc ríu rít bên người chàng thương :

Chim xanh qua lại muôn ngàn chuyến
Bao nhiêu là anh ơi! em ơi!

Nhưng giờ đây chàng và nàng đã lạc nhau rồi, đã thật sự mất nhau rồi, quê tình chỉ còn là một “hoang đảo mờ sương”, xót xa biết bao nhiêu, tiếc nuối biết dường nào!
Cuối cùng ,Vũ Hoàng Chương chỉ còn một cách an ủi duy nhất là để hồn mơ về những kỷ niệm xưa.
Có điều đáng kể là thời gian xa cách đằng đẳng đã mấy chục năm và không gian xa cách vời vợi hàng bao nhiêu ngàn dặm, hơn nữa cuộc đời của mỗi người đều đã có quá nhiều đổi thay, biến cải, thế mà kỷ niệm hiện ra trong thơ Vũ Hoàng Chương, từ những năm 1954 đến 1967, vẫn tươi rói, sống động như chuyện vừa mới xảy ra. Chàng đã nhớ từng chi tiết, nhớ ngọn ngành, nhớ một cách say sưa… đã làm sống dậy cả một thời dĩ vãng thuở nào:

Trời cố đô cao vút
Tuổi mười lăm, hai mươi

Giữa thời thanh bình của Hà Nội năm xưa ấy, có một đôi thanh niên nam nữ rất trẻ, kẻ 15, người 20 tuổi, họ bắt đầu bước vào cuộc tình.
Chàng thi sĩ Vũ Hoàng Chương đang mơ yêu này đã có những hành động rất lãng mạn, quán trọ của chàng ở ven rừng Bách Thảo, nhiều khi nhớ người yêu, chàng cao hứng vào rừng gọi to tên nàng, cho vang dội cả không gian, len lỏi được qua bao phố phường sấm uất, qua bao hàng cây rậm rạp mà lọt vào tận bức rèm tơ của nàng, bắt nàng phải xao xuyến, cảm động:

Anh là gã thư sinh vườn Bách thảo
Giữa cỏ hoa muông thú gọi tên người
Cho bay xuống tận phố phường đông đảo
Chen cánh hoa xoan,hoa gạo
Rèm tơ ý nguyệt đầy vơi.

Nào những buổi Vũ Hoàng Chương không có giờ học, được rãnh rỗi một chút là chàng vội phóng xe đến cổng trường Tố chờ đợi… chỉ để được nhìn thấy nàng từ xa, trên chiếc xe tay bốn buổi học đưa đón nàng đi về : "Đón đưa buổi học xa vời bước chân." Và phải đợi cho đến lúc thân tình lắm, Vũ Hoàng Chương mới dám đôi khi vượt xe đạp lên, đi song song với xe tay chở nàng một quãng đường, để được trao đổi với nàng vài ba câu nói bâng quơ, trong khi mộng hồn đôi trẻ cùng phơi phới:

Học tan chiều mỗi người
Đón nhau tận cổng trường.
Hai xe cùng giong ruổi
Hồn mơ về một phương.

Có lần anh xe về đã mách bà Tư -“Cậu Chương cứ đi theo xe cô”. Bà Tư còn mắc buôn bán nên không để ý. Có thật thế không, hay chính vì thâm tâm bà đã cảm mến nhà thơ, nên bà lờ đi cho đôi trẻ được thân cận nhau?
Và con đường ấy, con đường đón học ấy, đã trở thành thiên đường trong ký ức của chàng:

Ôi đẹp nhất con đường
Cửa Đông về Cầu Gỗ
Nắng đào cây lá vương
Men xuân ngập hè phố.

Nào những buỗi đưa nàng đi thi, khi người yêu “vui như Tết” vào trường thi rồi, còn chàng:

Chàng đợi nàng trong vườn Bách thảo
Như trong huyền thoại của đông phương.

Kỷ niệm sống dậy mãnh liệt như vậy đủ chứng tỏ, dù trong cuộc sống thực tế hiện hữu, Vũ Hoàng Chương có phải sống xa cách người yêu, nhưng trong tận cùng sâu thẳm của tâm hồn chàng, chàng vẫn sống với hạnh phúc chung đôi và vẫn không ngừng ấp ủ mộng ước chung đôi:

Biết chăng còn khúc gọi đôi
Con chim phượng ấy dành ngôi cho Hoàng ?

Câu hỏi “biết chăng” nhà thơ đã để thoát ra cái tâm trạng khắc khoải, băn khoăn, lo lắng cho chuyện tình của mình, vì đã mấy chục năm trường cách biệt, không biết nàng có còn nhớ đến chàng không? Có còn dành ngôi vị thiêng liêng cho chàng không?
Thương thay nhà thơ đã đi qua ba phần tư cuộc đời, đã xa người yêu gần cả ba mươi năm mà chàng vẫn chưa an phận được chuyện tình của mình, vẫn chưa đành lòng chấp nhận cuộc sống “xẻ đôi” với nàng:

Vầng trăng hiện khoé thu xanh
Từ bao lâu vẫn chưa đành xé đôi.

Quá khứ đã tuyệt đường sinh lộ, mà tương lai cũng chẳng lối đi về, niềm khát khao được sum vầy với người yêu đã khiến Vũ Hoàng Chương đành trông chờ ở một chuyện không tưởng, đó là ngày tận thế :

Trái đất rồi hôm nào vỡ toang
Thịt xương tro bụi không phân biệt
Anh sẽ dìu em mắt mở choàng .

Khi tất cả loài người đang trong cơn tan hoang, mờ mịt của ngày tận thế, chàng sẽ mở mắt thật to để tìm nàng, dìu nàng đến một thế giới tinh khôi, nơi không còn một ai có thể tới quấy rầy mộng ước chung đôi của họ nữa:

Mơ hoa mộng gấm bừng tươi
Một hành tinh mới, hai người yêu xưa.

Đó chính là một thứ hy vọng trong tuyệt vọng vậy. Đọc bẩy câu thơ trên trong bài Gấm Hoa được in trong tập Cành Mai Trắng Mộng của Vũ Hoàng Chương, xuất bản tại Saigon năm 1968, tôi đã thầm hỏi: - Phải chăng thi sĩ Vũ Hoàng Chương đã khép thiên tình sử của ông ở đây ?

 

3 - TỐ CỦA HOÀNG XƯA , TỐ CỦA TÔI !

Một cơ duyên lại đến…
Cuộc hạnh ngộ giữa thi sĩ Vũ Hoàng Chương và chúng tôi đã xảy ra trong một trường hợp khá hi hữu. Chỉ có hai chữ hạnh ngộ mới diễn tả được hết ý nghĩa của cuộc gặp gỡ này.
Đó là một chiều tháng năm, cuối niên học 1971- 1972, tôi được cử đi chấm thi Khả Năng Sư Phạm, tại một trường Trung học bên Gia định. Đây là một kỳ thi chỉ có tính cách hình thức, cốt để hợp thức hoá cho một số giáo sư Đệ Nhất Cấp dậy giờ, muốn chính thức vào ngạch.
Hôm ấy, tôi được chỉ định chấm thi cùng nhóm với thi sĩ Vũ Hoàng Chương, mỗi nhóm chỉ có hai giáo sư. Sự gặp gỡ này quả là một bất ngờ lý thú đối với tôi ,vì tuy đã từng gặp nhà thơ khá nhiều lần trong các kỳ chấm thi Tú Tài và thi Văn Chương Phụ Nữ, nhưng tôi chưa có cơ hội thuận tiện để làm quen. Tiếp đó, một bất ngờ thứ hai xẩy ra, lý thú không kém,là chuyện anh chàng thí sinh hôm ấy lại chọn bài thơ Mười Hai Tháng Sáu của thi sĩ Vũ Hoàng Chương làm bài giảng thi.

Khi Vũ Hoàng Chương và tôi vào lớp, vừa ngồi yên chỗ nơi cuối phòng, thì anh chàng thí sinh đến chào rồi đặt trên bàn chúng tôi bài thơ Mười Hai Tháng Sáu, đoạn quay lên bảng ngay để bắt đầu bài giảng thi, chứng tỏ anh ta không hề biết vị nam giám khảo của anh lại chính là tác giả bài thơ diễm tình đầy nước mắt kia.

Nhìn Vũ Hoàng Chương, tôi thấy nhà thơ có vẻ trầm tư, vì tôn trọng sự im lặng đầy ý nghĩa này, tôi không dám gây một tiếng động nào, chỉ lắng nghe tiếng giảng bài của anh chàng thí sinh, đang vang lên đều đều trong gian phòng vắng, chỉ có ba chúng tôi ở đó.
Cho tới khi anh ta giảng hết phần nội dung của bài thơ, thì thi sĩ Vũ Hoàng Chương quay sang phía tôi nói khẽ: -“Bà có thấy người ta nói hơi quá không?” Tôi hiểu, ý nhà thơ muốn nhắc tới chuyện người thí sinh kia đã mạt sát nàng Tố của ông hơi kỹ. Tôi gật đầu, mỉm cười nói: “Tại trong thơ ông có ý oán trách”, rồi tôi tiếp: “Có oan cho bà Tố Uyển”.Tôi thấy nhà thơ nhướng mắt nhìn tôi tỏ vẻ ngạc nhiên, vì sao tôi lại rõ tên tuổi người yêu của ông và lại đưa ra một nhận xét như thế.
Cũng nhờ bài giảng thi hôm đó nhắc đến mối hận tình của Vũ Hoàng Chương, nên tôi mới thừa dịp gợi lại chuyện xưa. Tôi phải giải thích ngay , vì tình bạn thân giữa cụ Tư và mẹ tôi nên tôi đã biết khá rõ về hoàn cảnh của bà Tố khi lấy chồng.-" Bà Tố không phải là người tham đó bỏ đăng”, tôi đã nói với Vũ Hoàng Chương như thế, rồi giải thích thêm: -“Bà Tố đã chờ đợi trong hai năm mà gia đình ông không tới hỏi. Hai bên thật sự cũng chưa có hẹn ước gì, bà Tố lấy quyền gì, lấy tư cách gì để chờ đợi? Nên sau phải nghe lời cha mẹ mà lấy chồng…”
Tôi không nhớ hôm đó Vũ Hoàng Chương đã nói những gì, cũng vì nhà thơ nói khẽ quá tôi nghe không rõ, chỉ biết rằng trước khi ra về, ông nhắc đi nhắc lại hai tiếng “cám ơn”, “cám ơn”. Từ đó về sau tôi không có dịp gặp lại thi sĩ Vũ Hoàng Chương nữa, rồi biến cố bảy mươi nhăm xảy ra, chúng tôi đi Pháp, câu chuyện tâm tình kia cũng rơi vào quên lãng.

Tình cờ một hôm tới thăm Thư Viện Diên Hồng, tôi được đọc bài thơ "Tố Của Hoàng Ơi" trong thi tập "Chúng Ta Mất Hết Chỉ Còn Nhau" của thi sĩ Vũ Hoàng Chương, do Rừng Trúc xuất bản tại Paris năm 1974, có lời đề tựa của thi sĩ Thi Vũ. Bài thơ ghi ngày sáng tác là 12 tháng 06 năm Nhâm Tý (1972). Nghĩa là chỉ sau buổi hạnh ngộ giữa thi sĩ Vũ Hoàng Chương và chúng tôi ( phải kể cả vị giáo sư thí sinh buổi đó nữa) có hai tháng.
Tôi vội vàng tìm hiểu ý thơ và sung sướng nhận thấy rằng, thi sĩ Vũ Hoàng Chương đã có được sự an vui trong tâm hồn, nếu nói một cách lạc quan, nhà thơ đã tìm lại được hạnh phúc tuyệt vời của tình yêu lứa đôi trong niềm tin yêu và hy vọng.
Sau đây là bài thơ "Tố của Hoàng ơi"

Năm mười hai tháng ai không biết
Đã tháng nào không tháng sáu chưa
Tháng có ba mươi ngày để giết
Ngày mười hai vẫn sống như xưa.

Lịch treo trước ngực kêu thành tiếng
Chẳng tiếng nào nghe khác tiếng mưa
Rả rích… từ hôm con én liệng
Vào lồng son, tủi áng mây đưa.

Thời gian từng giọt buông theo máu
Lại trở về, không gọi cũng thưa.
Còn đó mười hai, còn tháng sáu
Ba mươi năm lẻ vẫn chưa vừa!

Còn khóc trong tim này bất tuyệt
Dường như rối loạn cả đường tơ.
Trăng nhà ai vẫn là trăng khuyết
Đứng sững từ đêm ấy đến giờ !

Ngày mai ngày mốt anh nằm xuống
Ngọc đọng cơn sầu nửa kiếp thơ
Đập nát ra cho trời đất uống
Thì em sẽ rụng khỏi đêm mờ.

Phút giây trăng một phương tròn lại
Rồi tự hoà tan rượu đắng mơ
Cùng nhịp tim trôi vào tận cõi
Không ngày, không tháng, không bơ vơ.

Mười hai tháng sáu cung hồ xế
Một mối tình si một mối thù
Giây phút cũng tan thành biển lệ
Trả cho cát bụi nhé Kiều Thu !

12 tháng 6 Nhâm Tý (1972)

Tố Của Hoàng Ơi là bài thơ nối điệu cho bài Mười Hai Tháng Sáu (đã trình bày ở trên). Hai bài này làm cách nhau đúng 31 năm (1972 – 1941). Để tạo nên cái hình thức nối tiếp cho bài thơ trước, Vũ Hoàng Chương trong bài thơ sau đã dùng lại một số thuật ngữ cũ, như: Tố của Hoàng ơi - Mười hai tháng sáu - Tháng sáu mười hai - Cung hồ xế... Và hình ảnh biểu tượng là Trăng
Trong văn chương việt Nam, trăng vẫn được dùng làm biểu tượng cho hạnh phúc lứa đôi.
Trăng tròn để chỉ sự sum họp và hạnh phúc (thí dụ: Ðèn khuya chung bóng, trăng tròn sánh vai. Thơ Kiều, Nguyễn Du)
Trăng khuyết để chỉ sự chia lìa, cô đơn, sầu muộn (thí dụ:Vầng trăng ai xẻ làm đôi. Nửa in gối chiếc, nửa soi dậm trường. Thơ Kiều, Nguyễn Du).

Như vậy hai bài thơ "Mười Hai Tháng Sáu" và "Tố Của Hoàng Ơi" đã có hình thức tương tự nhau, nhưng nội dung đã có nhiều chuyển biến quan trọng.
Bài thơ Tố Của Hoàng Ơi chia làm hai phần rõ rệt.
Phần I gồm 5 đoạn đầu:
Đoạn 1 và 2 nói về nỗi đau hận triền miên và tủi buồn mênh mang của tác giả từ khi người yêu “bị ép" đi lấy chồng :

Năm mười hai tháng ai không biết
Đã tháng nào không tháng sáu chưa
Tháng có ba mươi ngày để giết
Ngày mười hai vẫn sống như xưa.

Lịch treo trước ngực kêu thành tiếng
Chẳng tiếng nào nghe khác tiếng mưa
Rả rích… từ hôm con én liệng
Vào lồng son, tủi áng mây đưa.

Vũ Hoàng Chương không chỉ đau buồn cho riêng mình mà nhà thơ còn tưởng tượng ra thân phận của người yêu, nàng như con “chim én” bé bỏng, yếu đuối, bị đôi tay tàn bạo của cuộc đời “liệng” một cách tàn nhẫn "vào lồng son", không chút cảm thương (cảm thông và xót thương). Lồng có đẹp đến mấy nhưng bị tù túng thì làm sao chim kia hạnh phúc được ? Chim én chỉ sung sướng khi nó được tự do bay lượn ngoài khoảng trời cao rộng, thênh thang kia… Ý Vũ Hoàng Chương muốn nói, nàng Tố chỉ có thể hạnh phúc trong tình yêu của chàng.

Đoạn 3: xác định nổi đau khổ kéo dài của tác giả từ ngày nàng Tố đi lấy chồng cho đến ngày hạnh ngộ với chúng tôi:

Thời gian từng giọt buông theo máu
Lại trở về, không gọi cũng thưa.
Còn đó mười hai, còn tháng sáu
Ba mươi năm lẻ vẫn chưa vừa !

Tuy chỉ là một đoạn chuyển tiếp nhưng Vũ Hoàng Chương lại hữu tình nhắc đến cuộc hạnh ngộ giữa chúng tôi:

-Không gọi cũng thưa

Tác giả muốn nói, mối hận hình của ông, chúng tôi dù không nhắc tới ông vẫn nhớ mà.

Sau đó là đoạn 4, Vũ Hoàng Chương tỏ ra rất xúc động và đau buồn xót thương khôn xiết, đến “rối loạn cả đường tơ”, chỉ vì nghĩ rằng người yêu lấy chồng đã không có hạnh phúc:

-Không gọi cũng thưa
Còn khóc trong tim này bất tuyệt
Dường như rối loạn cả đường tơ.
Trăng nhà ai vẫn là trăng khuyết
Đứng sững từ đêm ấy đến giờ !

"Ðứng sững" là đứng dừng lại một cách đột ngột, rồi đờ ra, bất động. Phản ảnh một phản ứng bất mãn trước những gì vừa xẩy đến cho mình.

Sự tưởng tượng của Vũ Hoàng Chương ra cảnh đau thương của người yêu khi bị ép đi lấy chồng, như " con én bị liệng vào lồng son ", hay cuộc sống hôn nhân không hạnh phúc của nàng như vầng" trăng khuyết ", "đứng sững từ đêm ấy đến giờ", là do tấm lòng quá thương yêu, xót xa của tác giả mà ra, chứ chắc gì trong cuộc sống hiện thực nàng Tố đã đau khổ như vậy?( có khi còn trái lại, nàng Tố rất được hạnh phúc bên chồng con?)

Và như thế, Vũ Hoàng Chương không chỉ đau thương cho thân phận hẩm hiu của riêng mình, mà còn cho cả thân phận không hạnh phúc của người yêu. Chàng đã đau thương cho cả hai, vì vậy, nỗi thương đau ở đây đã tăng lên gấp đôi, trở thành thống thiết trong đoạn 5.

Vũ Hoàng Chương và người yêu cứ phải sầu khổ trong cuộc sống chia lìa như thế thì chàng uất lắm, chàng hận lắm, nhưng đây là uất, là hận đời – Ðời tàn nhẫn quá, người ta đã nhân danh gia đình lễ giáo, quan niệm xã hội, lý trí…, ngay cả không gian và thời gian nữa, tất cả đã phụ họa nhau để chia uyên rẽ thúy, để ngăn cách tình yêu đôi lứa. Mối hận đời này nhà thơ tưởng chừng đến chết cũng không tan được, nó uất kết lại thành một khối ngọc, như trái tim hóa đá của chàng Trương Chi trong truyện cổ tích dân gian

Ngày mai ngày mốt anh nằm xuống
Ngọc đọng cơn sầu nửa kiếp thơ

Phải đập nát khối tình hận này cho tàn hòa vào trời đất, chàng mới tiếp xúc được với người yêu, nhờ đó giải thoát cho nàng khỏi cảnh sống âm thầm tủi buồn của một kiếp sao cô đơn, trong đêm trường mờ mịt.

Đập nát ra cho trời đất uống
Thì em sẽ rụng khỏi đêm mờ.

Phần II gồm 2 đoạn thơ chót:

Sau khi Vũ Hoàng Chương đã nhìn ra nguyên nhân vì đâu nàng Tố đi lấy chồng: nàng bị ép buộc ; và nàng đã bất mãn, tức nàng không hạnh phúc. Suy ra từ đây, nhà thơ tất nhiên đi đến kết luận:
- Nàng không bội tình, nàng không có tội ( nàng bị ép buộc, nàng là nạn nhân của hoàn cảnh.)
- Và nàngTố vẫn yêu chàng (nên mới bất mãn và không hạnh phúc khi lấy chồng).

Do đó, ý thơ ở phần II mở ra vừa thanh thoát, vừa lạc quan: Sự hiểu biết, cảm thông làm hóa giải mọi đau thương, hờn oán:

Giây phút trăng một phương tròn lại
Rồi tự hoà tan rượu đắng mơ
Cùng nhịp tim trôi vào tận cõi
Không ngày, không tháng, không bơ vơ.

Mười hai tháng sáu cung hồ xế
Một mối tình si một mối thù
Giây phút cũng tan thành biển lệ
Trả cho cát bụi nhé Kiều Thu !

Vũ Hoàng Chương tin tưởng, tới thời điểm nào đó trong một kiếp lai sinh, hai kẻ yêu xưa tìm lại được nhau, sum vầy trong hạnh phúc lứa đôi:

Trăng một phương tròn lại

Đó là một thứ hạnh phúc tuyệt vời của hai trái tim cùng hòa hợp, cùng đập chung một nhịp:
Cùng nhịp tim trôi về tận cõi…
Cõi đó là cõi gì?
Không ngày, không tháng, không bơ vơ

Đó chính là thiên đường của hạnh phúc lứa đôi, không còn bị những giới hạn bởi thời gian như ngày 12 tháng 6 đau thương trước kia từng chia cách họ. Ở đó, không bao giờ họ còn bị bơ vơ, cô độc nữa .

Sang đoạn thơ chót, Vũ Hoàng Chương nhớ lại ngày mười hai tháng sáu đau thương trước kia, ngày Tố lên xe hoa về nhà chống, và thú nhận có những giây phút chàng đã thù hận nàng. Chả vì hồi đó nhà thơ chưa nhìn ra nguyên nhân, mà chỉ thấy có kết quả trước mắt. Kết quả đó là gì? Là nàng Tố đã phụ bạc tấm tình si mê thiết thạch của tác giả ; nhà thơ không thể ngờ được và cứ ấm ức mãi là tại sao hai người đã yêu nhau, đã có bao nhiêu kỷ niệm thắm thiết với nhau như thế , mà nàng Tố lại nỡ đành lòng bỏ rơi chàng đi lấy người khác. Cũng vì quá yêu, quá tin tưởng nên nhà thơ mới uất, mới hận đến thành thù, và chàng đã trút cái thù đó lên đầu người yêu:

Mười hai tháng sáu cung hồ xế
Một mối tình si một mối thù.

Thù mà vẫn yêu, yêu mà vẫn thù, đó là tất cả cái rắc rối của con tim người ta.

Nhưng giờ đây họ đã hiểu nhau, đã tìm lại được nhau trong tâm hồn rồi thì bao nhiêu những khổ hận, uất ức cũ sẽ được tan ra thành biển lệ, sẽ tự giải tỏa dần (Chúng ta cũng biết, nước mắt tuy là biểu tượng của khổ đau, nhưng một khi ta đã khóc được, nước mắt đã chảy ra được, thì cũng chính là lúc những khổ đau được thoát ra, được vơi nhẹ đi). Vì thế, những gì thuộc về cuộc tình đau thương cũ, tác giả xin trả lại hết cho đời với lòng nhẹ nhàng, không còn bợn chút muộn phiền:

Giây phút cũng tan thành biển lệ
Trả cho cát bụi nhé Kiều Thu !

Hai câu thơ cuối cùng này đã biểu lộ cái tâm thanh thản của tác giả khi nhìn lại những kỷ niệm của cuộc tình đau thương cũ, nó làm cho ta nhớ đến hai câu thơ bất hủ trong bài Le Souvenir của Musset:

Je n’aurais jamais cru que l’on put tant souffrir
D’une telle blessure, et que sa cicatrice fut si douce à sentir.

(Tôi không bao giờ ngờ được rằng người ta lại có thể đau đớn vì một vết thương đến thế, và cái sẹo của nó lại cảm thấy dịu êm như vậy).

Tóm lại, bài thơ Tố của Hoàng ơi cho ta thấy, Vũ Hoàng Chương đã tìm được sự an vui trong tâm hồn, đã chấp nhận, đã ổn định được cuộc tình dang dở hiện tại của mình, và tin tưởng chờ đợi ở một kiếp lai sinh nào đó, chàng sẽ được sum họp cùng người yêu xưa trong hạnh phúc lứa đôi.

Đây không còn là một ước mộng viển vông như xưa, chờ đợi ở một ngày tận thế không bao giờ tới, mà là một niềm tin có sở cứ, vì tác giả là một người rất am tường giáo lý nhà Phật, cũng như tất cả những ai theo Phật, hiểu rõ thuyết nhân quả nghiệp báo của đạo Phật, đều tin rằng, những kẻ yêu nhau, từng tạo ra nhiều duyên nghiệp gắn bó, thì trong một kiếp luân hồi nào đó, khi cơ duyên đầy đủ, họ sẽ được gặp lại nhau, vui vầy bên nhau cho nguyện ước được viên thành.

***

Sau khi đã trình bày thiên tình sử của thi sĩ Vũ Hoàng Chương qua mấy chục bài thơ, được sáng tác rải rác trong gần suốt cuộc đời của tác giả, chúng ta phải công nhận rằng, trong văn học sử nước nhà chưa bao giờ có một nhà thơ nào lại viết về tình yêu cá biệt của mình một cách say sưa, chân thành, sâu sắc, tế nhị, kỳ thú và phong phú đến thế.

Với ngòi bút nhiều bay bướm, khi tự sự dí dỏm, khi trữ tình dào dạt cảm xúc, Vũ Hoàng Chương đã phơi bày trung thực đủ mọi thanh điệu về tình yêu của mình: từ vui đến buồn, từ mừng đến giận, từ thương đến hận, từ sướng đến khổ, từ tốt đến xấu, từ cao thượng đến nhỏ nhen… Ông đã đưa chúng ta vào thế giới sâu thẳm, phức tạp nhưng cũng vô cùng kỳ diệu của tâm hồn và của trái tim mình. Như thế, Vũ Hoàng Chương đã làm hết tính cách của một nhà thơ tình lãng mạn rồi vậy.

Hơn nữa ,Vũ Hoàng Chương không chỉ dừng lại ở những nét hiện thực, mà còn dẫn ta đến những triết lý sâu sắc, nhưng cũng rất nhân bản của tình yêu con người. Theo thi sĩ Vũ Hoàng Chương, tình yêu đích thực sẽ bất diệt cùng trời đất :

Cho đến ngày tận thế
Tình ta như buổi đầu
“Anh yêu em” ba chữ
Cùng trời đất dài lâu.

Và hạnh phúc đích thực của tình yêu lứa đôi phải là sự đoàn tụ, sự hợp nhất – “trăng một phương tròn lại” – và đồng thời còn phải là sự đồng điệu, sự hòa hợp của hai tâm hồn “cùng nhịp tim”, nói như thi hào Ấn Độ Tagore:
“Toujours un et toujours deux, c’est le chant de l’amour”.
(Luôn luôn một và luôn luôn hai, đó là tiếng hát của tình yêu)

Phạm Thị Nhung


Chú Thích :
(1) Năm 1930, Nguyễn Thái Học và mười hai liệt sĩ VN Quốc Dân Đảng khác phải lên đoạn đầu đài ở Yên Bái, và còn biết bao cuộc bắt bớ, tù đầy xẩy ra liên tiếp trong hai năm 1929-1930.
(2) Khoảng thời gian 1925-1945, đi hát ả đào, hay đi hút thuốc phiện đã trở thành một thói của thời thượng, nhất là đối với giới văn nghệ sĩ, nên thi ca văn nghệ đã có nhiều cơ hội xuất hiện ở những nơi ấy.
(3) Áo dài tân thời do họa sĩ Nguyễn Cát Tường, biệt hiệu Lemur chủ xướng, được báo Phong Hóa (1934) giới thiệu và nhiệt liệt cổ vũ.
(4) Riêng đệ nhất bán niên 1933, trong nước có đến 27 tờ báo được phép ra đời.
(5) Lamartine (1790-1869) được kể là người đã sáng tác những bài thơ lãng mạn đầu tiên trong văn học Pháp. Bài Isolement trong thi tập Méditations Poétiques I (1820).
(6) Chinh Phụ Ngâm và Tâm Thức Lãng Mạn Của Kẻ Lưu Đầy của GS Lê Tuyên vừa được văn nghệ xb tại Hoa Kỳ, 1988.
(7) Hồi còn thân với gia đình Tố, nhiều khi vui chuyện, Vũ Hoàng Chương thường nói nghề dạy học là nghề thích hợp nhất cho cả chàng lẫn nàng.
(8) Baudelaire (1821-1867) tuy không ở trong trường phái lãng mạn (romantisme) nhưng là người mở đầu cho trường phái tượng trưng (symbolisme), và có ảnh hưởng lớn đến cả thi ca Pháp hiện đại. Mấy câu thơ dẫn chứng trích trong tập Les Fleurs du Mal, xb tại Paris, 1861.
(9) Musset (1810-1857) được mệnh danh là nhà thơ của trái tim, ông thuộc trường phái lãng mạn, 2 câu thơ dẫn chứng được trích từ tác phẩm Namoura, xb tại Paris, 1832.
(10) Trích thơ Vũ Hoàng Chương
Anh sẽ trầm luân ngàn kiếp nhớ
Cho dẫu ngày mai em lãng quên.

Tài Liệu Tham Khảo:
Huyền Không, Câu chuyện về thi ca, Phật học Viện Quốc tế xb, Mỹ Quốc 1981
Hoài Thanh Hoài Chân, Thi Nhân Việt Nam (1932-1941), Đông Nam Á xb, Hà Nội 1943
Lê Kim Ngân, Võ Thu Tinh, Nguyễn Tường Minh, Văn học Việt Nam Thế kỷ thứ XIX, Văn Hiệp xb, Sài Gòn 1943
Lê Tuyên, Chinh Phụ Ngâm và Tâm Thức Lãng Mạn Của Kẻ Lưu Đầy, Văn Nghệ xb, California, Mỹ Quốc 1988
Max Milner, Le Romantisme (1820-1843), Arthaud xb, Paris 1973
Nguyễn Quảng Tuân và Phạm Thi Nhung cùng mộ số bạn tốt nghiệp ĐHSP, Quốc Văn 12ABCD, Trường Thi xb, Sài Gòn 1974
Paul Van Tieghem, Le Romantisme Dans La Littérature Eurpéenne, Editions Albin Michel, Paris 1948
Phạm Thế Ngũ, Lịch Sử Văn Học Việt Nam Tân Biên Giản Ước, Quốc HỌc Tùng Thư xb, Sài Gòn 1969
Tạ Tị, Những Khuôn Mặt Văn Nghệ Đã Đi Qua Đời Tôi, Mỹ Quốc 1990

Tiểu sử Vũ Hoàng Chương:
Thi sĩ Vũ Hoàng Chương sinh ngày 14 tháng 5 năm 1915 tại Nam Định .Chính quán tại làng Phù Ủng, huyện Ðường Hào, tỉnh Hưng yên.
Thân phụ là một nhà nho khoa bảng , từng nhậm chức Tri huyện.
Thưở nhỏ Vũ Hoàng Chương theo học chữ Hán, lớn lên theo Tây học và ông đã thành danh tại thủ đô Hà Nội
. 1930: ông học ban trung học Albert Sarraut Hà Nội. Sau khi thi đỗ Tú tài ban toán năm 1937, ông ghi danh học Đại học Luật khoa. 1939: Vũ Hoàng Chương bỏ học ra làm phó kiểm soát viên sở Hỏa Xa Đông Dương và bắt đầu bước vào thi đàn.
1942:Vũ Hoàng Chương xuống Hải Phòng dậy học;và cùng với Chu ngọc, nguyễn Bính lập ra ban kịch Hà Nội;
1944: lập gia đình với Ðinh thi Thục Oanh, chị ruột của thi sĩ Ðinh Hùng.
1948: trong lúc toàn dân tham gia kháng chiến chống Pháp, Vũ Hoàng Chương đã đóng góp theo khả năng của mình bằng những bài thơ đề cao lòng ái quốc, viết chung với Đoàn Văn Cừ trong tập Thơ Lửa, được cơ quan kháng chiến khu ba (Thái Nguyên) xuất bản.
1954: hiệp định Genève chia đôi đất nước, phân biệt ranh giới Quốc Cộng, Vũ Hoàng Chương theo phe Quốc Gia, vào Nam tiếp tục nghề dạy học và theo đuổi nghiệp thơ.
Sau biến cố 1975, Vũ Hoàng Chương ở lại, bị bắt giam tại khám Chí Hòa năm 1976, ông chỉ được tha về khi đã quá kiệt sức, vài ngày sau đó nhà thơ tạ thế, nhằm ngày mùng 6-9-1976 tại Sài Gòn (14 tháng 8 Âm lịch).
Vũ Hoàng Chương là một nhà thơ lớn trong văn học sử hiện đại Việt Nam, ông đã có nhiều thi phẩm xuất bản nhất so với các bạn đồng thời: 16 tác phẩm ,chưa kể những sách được tái bản hay được dịch ra Đức ngữ, Anh ngữ, hay Pháp ngữ.

Tác phẩm của Vũ Hoàng Chương:
** Thi Tập:
- Thơ Say,Công Lực xb, Hà Nội 1940;Nguyễn Ðình Vượng tái bản, saigon1971
- Mây, Ðời Nay xb, Hà Nội 1943
- Thơ Lửa (viết chung với Đoàn Văn Cừ). Cơ quan kháng chiến khu 3 xb.,Thái nguyên 1948
- Rừng Phong,Phạm văn Tươi xb, Sài Gòn, 1954
- Hoa Đăng,Văn Hữu Á Châu xb, Sài Gòn, 1959
- Trời Một Phương, Sài Gòn, 1962
- Lửa Từ Bi,Thanh Tăng xb, Sài Gòn, 1963
- Ánh Trăng Đạo,Nha Tuyên Úy Phật Giáo xb, Sài Gòn, 1966
- Bút Nở Hoa Đàm, Sài Gòn, 1967
- Cành Mai Trắng Mộng,Văn Uyển xb, Sài Gòn, 1968
- Ta Đợi Em Từ 30 Năm,An Tiêm xb, Sài Gòn, 1970
- Ngôi Quán, Sài Gòn, 1970
- Đời Vắng Em Rồi Say Với Ai (Gồm 17 bài thơ tuổi học trò cộng nhiều bài tình yêu từ 1955 trở đi),Lửa Thiêng xb, Sài Gòn 1971
- Chúng Ta Mất Hết Chỉ Còn Nhau (có bài Tố của Hoàng ơi),Rừng Trúc xb, Paris 1974

** Thi Tập với các bản dịch Anh, Pháp, Đức ngữ:
- Communion (Cảm thông, dịch Anh văn),Nguyễn khang phiên dịch và xb, Sài Gòn 1960
- Les 28 étoiles tức Tâm Tình Người Ðẹp (dịch Pháp ngữ, do một nữ sĩ người Bỉ dịch) Nguyễn Khang xb,1961
- Poèmes Choisis (Thi Tuyển) dịch Pháp ngữ,Nguyễn Khang xb, Sài Gòn 1963
- Die Achtundzwaning Sterne Nhị Thập Bát Tú dịch Đức ngữ,Hoffmann Und Campe xb, Hamburg , 1966. - Nouveaux Poèmes (Tân Thi), Sài Gòn 1974

** Kịch Thơ
- Vân Muội, Trương Chi, Hồng Diệp,Anh Hoa xb, Hà Nội 1944
- Tâm Sự Kẻ Sang Tần,Tự Do xb, Sài Gòn 1961

** Tùy Bút
- Loạn Trung Bút, Sài Gòn 1970

** Hồi Ký
- Ta Đã Làm Chi Đời Ta,Trương Vĩnh Ký xb, Sài Gòn 1974.

__________________