Hồi ký
Providence
và những kỷ niệm đầu đời
Trần Văn Thuận
Bài viết chủ yếu ghi lại những kỷ niệm, những khuôn mặt Thầy, Bạn, những câu chuyện “không đâu vào đâu”... nhưng có thể rất gợi nhớ với các bạn học cùng thời, liên hệ đến khoảng thời gian tôi theo học tại Providence (Thiên Hữu), qua các cấp lớp Tiểu Học, Trung Học, kéo dài từ khoảng 1957 đến 1965.
Thay vì một “đoản văn” với lời lẽ trau chuốt, “dàn dựng” công phu, nặng tính văn chương, bài viết này sẽ là một “Tạp ghi” (Tạp là... Tạp pín lù, Ghi là ghi chép lại), một hình thức “Parler du coq à l’âne” khá hỗn độn, nhưng bảo đảm rất thật, tuyệt đối không xài “bột ngọt”. Nội dung bài viết chủ yếu sẽ “thật thà”, “thoải mái”, với những chi tiết có thể vẫn còn hơi... ”nhạy cảm” với một số. Thôi thì cứ xem như nghe chuyện “đời xưa”, vì đã hơn nửa thế kỷ rồi còn gì! Một số bạn bè liên hệ, nếu đọc được, có thể sẽ nhăn mặt một chút, nhưng rồi sẽ cười xòa và phán:
“ Cái Thằng quỷ sứ... ngày xưa đã quỷ, ngày nay vẫn quỷ!”.
Năm nay cũng sắp đến sinh nhật 66 rồi, về hưu cũng đã gần 4 năm, nên dùng chút thì giờ rảnh rỗi nhắc lại chuyện xưa cùng bạn hữu, sống lại được những khoảnh khắc thời thơ dại, vừa vui, vừa giải trí, lại cũng là một cách tập luyện não bộ chống lại nguy cơ bệnh Alzheimer đang rình rập đâu đó.
Mong các bạn châm chước, bổ túc, nếu có sai trật trong hồi ức, nhất là về năm tháng. Ngoài ra, lại còn những lỗi chính tả, chủ yếu là khi phải “vật lộn” với hai dấu: Hỏi, Ngã. Ngày xưa, tôi không nhớ có ai đã dạy mình cách xử dụng hỏi ngã? Thôi thì như tôi đã thú nhận, bài này không là một đoản văn, cũng chẳng phải là một bài chính tả. Miễn các bạn hiểu được ý tôi là được rồi, riêng phần chính tả... cho hẹn lại kiếp sau!
Hai năm đầu Mẫu Giáo, qua sự gửi gắm của Mẹ tôi, tôi “xúng xính” theo người anh kế vào học ở Trường Tiểu Học do các Soeurs Giòng Mến Thánh Giá Phủ Cam phụ trách, cần nói thêm Mẹ tôi là người bảo trợ lớn của Nhà Giòng và Soeur Bề Trên Giòng, chúng tôi thường gọi là “Bà” Kinh, một người bạn rất thân của Mẹ tôi. Ôi quen lớn đến thế hiển nhiên tôi được nhiều ưu đãi, từ việc được sắp xếp được ngồi cạnh ông anh của mình lúc đó đã học tới lớp Tư, lớp Ba, đến việc thỉnh thoảng được cho ăn bánh kẹo giữa giờ. Nói là học chứ thực sự chỉ đi theo chơi cho quen trường quen lớp. Chừng hơn tháng sau mới được Soeur Hiệu Trưởng dẫn dụ bằng bánh kẹo và đích thân “ẵm” về lớp Mẫu Giáo. Hết năm Mẫu Giáo, lẽ ra phải “hoan hỷ” lên lớp kế, tôi lại trở chứng không muốn... lên lớp! Lý do đơn giản là tại tôi... “phải lòng” Soeur phụ trách lớp. Soeur tên gì tôi không còn nhớ, chỉ biết Soeur đẹp và dịu dàng như thiên thần vậy, ai dám bảo con nít... hổng biết yêu?! Chỉ khổ Soeur Hiệu Trưởng một lần nữa, lại phải ra tay “dẫn độ”. Tôi vùng vẫy, la hét dữ tợn như bị “Mẹ Mìn” bắt cóc, đến nổi cái khăn đội đầu của Soeur HT rớt xuống đất, lộ nguyên cái đầu... không tóc. Vậy mà tôi vẫn không bị ăn đòn, lại còn
được Soeur mang về Văn Phòng, vừa cho ăn kẹo, vừa đánh đàn Piano cho nghe, vừa năn nỉ! Đúng là quen lớn có khác!!!
Một dãy lớp tại Trường Tiểu Học Dòng Mến Thánh Giá. Sau 40 năm quang cảnh không mảy may thay đổi. (Hình chụp năm 1996)
Chừng hai ba năm sau, một lần nữa, tôi lại “khăn gói” theo Ông Anh, đến xin ghi danh học tiếp cấp Tiểu Học tại Trường Providence, năm đó hình như là năm 1957. Khỏi phải nói, cũng bù lu bù loa, níu kéo áo mấy Sœur lúc giã biệt!
TRƯỜNG SỞ
Hình Trường Tư Thục Thiên Hữu (Institut de la Providence)
Từ nhà tôi ở ngay Cầu Phú Cam đến Trường Providence cũng không xa lắm, cũng khoảng trên dưới hai cây số, nếu đi bộ tà tà cũng chừng hơn nửa giờ là tới. Từ nhà cứ quẹo phải theo đường Phan Châu Trinh đi một lèo, đi ngang qua cây Sung “Bến Ông Tám”, qua dốc “Bến Trâu”, đến Cầu Kho Rèn, quẹo trái theo đường Lý Thường Kiệt, vừa qua khỏi khu Nhà Đèn là tới ngay trường. Thời khóa biểu kéo dài từ thứ Hai đến thứ Bảy, sáng từ 8:30 học đến 11:30, cuốc bộ về nhà, ăn trưa, nghỉ trưa chút chút, rồi lại “vác mạng” trở lại trường, học tiếp từ 2:30 đến 4:30 (Hay 5:30?), chiều thứ năm nghỉ.
Khác hẳn ngôi trường nhỏ, đơn sơ, căn bản trước đây, tôi hoàn toàn bị choáng ngợp bởi sự đồ sộ, sang trọng của ngôi trường mới. Sau hơn nửa thế kỷ mà tôi vẫn còn nhớ rõ mồn một từng ngõ ngách của cái được gọi bằng một cái tên thật trang trọng “Institut de la Providence”.
Kiến trúc trường theo dạng hình chữ U mà phần “đáy” là mặt tiền, hướng ra đường Nguyễn Huệ, với hai tầng lầu hoặc ba tầng nếu nói theo cách Mỹ. Hông trái của trường hướng về đường Lý Thường Kiệt. Từ cửa chánh bước vào trường, tôi nhớ đó là một cánh cửa sắt nặng nề, khá đồ sộ, chúng ta thấy ngay Phòng Khánh Tiết, nôm na là Phòng Khách Danh Dự của Trường. Bước về phía trái, phòng đầu tiên là Văn phòng của trường, “Tổng Hành Dinh” của Thầy Nguyễn Nhạc, dáng người thấp, nhỏ nhắn, hiền lành, cặp kính trắng nhỏ hình chữ nhật bao giờ cũng trệ xuống sống mũi. Thầy Nhạc, phận sự chánh là lo các công việc sổ sách nhà Trường, ngoài ra Thầy cũng có thể là... ”hung thần” cho những tay đóng trễ tiền học! Thầy có 2 người con trai cũng là học sinh của Trường, Nguyễn Giãi, học lớp anh tôi, hiện tại là Linh Mục, khá nhiều uy tín tại Huế và hình như thuộc thành phần... không thân thiện với Nhà Nước. Nguyễn Huệ, học cùng lớp với tôi, người này nổi tiếng hiền lành, dễ... bắt nạt. Đôi mắt ti hí, ai làm gì cũng cười “hề hề”, vì thế nên bạn bè ai cũng thương. Hai người này thỉnh thoảng cũng phụ giúp Bố tại văn phòng. Thầy Nhạc còn có Thầy Mỹ làm Phụ tá. Thầy này mặt mày sáng sủa, khá đẹp trai, tóc bao giờ cũng chải ngược lui đàng sau và láng bóng.
Phòng kế tiếp, úi cha, là phòng đáng sợ nhất so với các phòng khác của trường. Tôi tin chắc là các bạn đã đoán được phòng đó là phòng gì và của ai? Các chính trị gia ở Huế chống đối Chính quyền Ông Diệm, Ông Cẩn mà khi nghe nhắc tới “Chín Hầm” là run thế nào, thì với những thành phần lười biếng, phá phách trong trường... như tôi đây, mà nghe phải đến trình diện phòng đó là coi như... ”chết trong lòng một ít”! Đúng vậy, đó là Văn phòng Cha Trần Hữu Tôn, Hiệu Trưởng trường thời gian tôi theo học ở đó. Hình ảnh căn phòng Cha Tôn vẫn còn in mãi trong trí nhớ của tôi, lý do như đã nói từ trước, tôi thuộc thành phần hơi đặc biệt một chút, đúng ra là... hai chút thí chính xác hơn, nên việc lui lại “thăm” Cha Tôn chắc nhiều hơn các bạn khác. Bước vào văn phòng, cái làm bạn ấn tượng hơn hết là cái không khí... rờn rợn, một thứ “âm khí” mát lạnh, dù tôi nhớ rõ thời đó Huế mình nóng muốn chết và làm gì đã có máy lạnh? Cái bàn làm việc của Cha khá lớn, nặng nề. Đằng sau là một cái tủ sách lớn, nhưng cái đập vào mắt bạn không phải là sách trong tủ mà là ba cái bình trên đầu tủ, dùng để đựng mấy cái thai cọp con, beo con chứa trong hợp chất cồn... Nhắc lại mà còn ớn, ấy là chưa nói tới, nếu bạn liếc mắt về hướng phải của cửa ra vào, một cái ống gỗ, nguyên thủy dùng để đựng ô dù, nay được cải biến thành thùng đựng... roi mây, to nhỏ, dài ngắn, cong thẳng... có đủ! Cái khốn nạn của mấy tay phá làng phá xóm như tôi thì thay vì được lịch sự mời ngồi vào ghế, lại được “mời” nằm xuống sàn nhà láng bóng và mát lạnh chẳng khác gì con cá trê nằm trên thớt! Và rồi, cái gì phải xảy ra thì chắc khỏi phải mô tả. Ra khỏi phòng là nước mắt, nước mũi chan hòa, quần áo xốc xếch, tóc tai chổng dựng, như vừa bị sét đánh. Nhưng nói thì nói vậy, chứ giờ này đây, tuổi đời cũng khá chồng chất, ngồi nhớ lại, tôi vẫn thương hình ảnh cũa “kẻ hành hình” tôi ngày đó.
LM. Trần Hữu Tôn, hiệu trưởng Trường Thiên Hữu, đứng cạnh Giám Mục Ngô Đình Thục, trước đây cũng đã là Hiệu Trưởng của trường.
Với tôi, Cha Tôn vẫn là hình ảnh thật dễ thương, khả kính, gắn liền với các kỷ niệm thời gian theo học tại trường. Tánh Cha tuy nóng nhưng không... hiểm. Cha nhớ tên cha, tên mẹ, gia cảnh, nghề nghiệp của từng học sinh. Bình thường, lúc vui vẻ, Cha luôn xưng hô “Mi, Tau”, nhưng các bạn cẩn thận đấy, khi nào Ngài chuyển sang “Anh, Tôi”, thì phải lập tức... nhảy lùi vài bước, thủ thế, vì đó là dấu hiệu Ngài sắp... tung chưởng! Còn nhiều chuyện về Cha Tôn mà tôi muốn để dành cho những phần sau.
Sau phòng Cha Hiệu Trưởng, nếu tôi nhớ không lầm là phòng chứa sách Giáo khoa Pháp, mà mỗi đầu năm, các học sinh Chương trình Pháp chúng tôi, thường đến nhận sách học, hiển nhiên là sau khi “khổ chủ” đã đóng tiền “caution”, tức tiền “quỵ”, tiền “thế chân” cho nhà trường, để mượn toàn bộ sách học cho niên khóa đó, thay vì phải mua. Số tiền cũng khá nhiều, tôi nhớ khoảng 5, 6 trăm (?). Ôm sách trong tay, vừa nặng, trơn bóng, vừa hít hà: sách “Tây” ấn loát vừa đẹp, vừa thơm mùi sách mới. Cuối năm, sau khi đem hoàn trả sách, nếu không để mất mát, hoặc hư hại... thì “khổ chủ”, ý quên, đúng ra giờ này phải gọi là...”sướng chủ” mới đúng chứ, sẽ hân hoan nhận lại được gần 2 trăm (?), một số tiền khá lớn thời đó, đối với thành phần “vô sản” như bọn tôi. Không những thế, không biết các phụ huynh khác thì sao, chứ riêng ba má tôi thì hoàn toàn không hay biết, hoặc không nhớ gì đến “phụ cấp đặc biệt” này. “Thằng nhỏ” có thể bỏ túi số tiền này và tiêu lai rai: đi ciné, mua đồ chơi hoặc ăn hàng vặt vảnh như cà rem, kẹo kéo, cốc ổi ngâm nước cam thảo... thường được bán lén lút phía trước sân trường. Sở dĩ tôi nói lén lút, vì nhà trường cấm buôn bán hàng quà trong khuôn viên trường học. Thỉnh thoảng, tôi thấy đích thân cha Hiệu Trưởng, những hôm ngài "sung sức", cầm roi chạy rượt đuổi mấy người buôn bán. Có lần tôi nhớ Cha còn tịch thu luôn cả cái “phích” đựng cà rem cây của thằng nhóc. Thời đó, dù còn bé, tôi đã cảm thấy một chút gì đó bất bình với các biện pháp mà tôi coi là quá đáng đó. Tuy nhiên tôi có nghe kể lại, lúc trả lại “phích cà rem” cho khổ chủ, Cha Tôn vừa cảnh cáo, vừa... rút túi bồi thường thiệt hại, vì ”cà lem” đã chảy thành nước rồi còn đâu.
Giờ chúng ta đi thăm nốt phần còn lại của Trường các bạn nhé. Đi thẳng về hướng trái sẽ đưa bạn đến cầu thang (1) đi lên lầu hai và lầu ba. Qua khỏi cầu thang, chúng ta sẽ rẽ phải, băng qua một đoạn hành lang nhìn ra sân chơi và sau đó chúng ta đi vào khu lớp Cấp Tiểu Học. Sau các lớp, sẽ đến khu “Réfectoire”, nhà ăn của dân nội trú. Nhà ăn là một khu rất rộng rãi, có 3, 4 dãy bàn dài dành cho học sinh nội trú, phía trên cùng, bên trái, nằm trên bục cao, là bàn ăn của Cha, thường là Cha Tây, vừa ăn vừa trông chừng trật tự. Bữa ăn nào cũng bắt đầu và kết thúc bằng kinh “Kính Mừng” hoặc “Lạy Cha”. Thực đơn của các Cha bao giờ cũng “cao cấp” hơn thực đơn của học trò là điều chắc chắn: thịt, cá, soupe, khoai tây xay nhuyễn, bơ, fromage... Chưa kể đến rượu chát và đồ ăn dessert. Cũng chính vì vậy mà khi ăn xong, sau khi vừa đọc kinh xong, Cha vừa xoay người bước ra thì một số trò, nhất là những tay ngồi phía trước, xông lên bàn Cha kiếm chác, “thu hoạch” những “Thực-lợi-phẩm”có giá trị còn sót lại. Con nít mà! Thèm của lạ cũng có, nghịch ngợm cũng có, biết xấu hổ chi mô, dù sao cũng... cha con mờ! Bỏ khu nhà ăn, đi thẳng xuống nữa, sẽ là khu nhà bếp; một trong những khuôn mặt chủ chốt là Ông Thọ. Ông có người con trai tên Mầu, học cùng lớp tôi. Đi thẳng thêm, qua khỏi cầu thang dẫn lên lầu hai, bạn sẽ bước xuống mấy bậc thang và đi dọc theo hàng lang có mái ngói che, để đến “khu” các Soeurs, nằm riêng biệt khúc cuối, mặt hướng về đường Lý Thường Kiệt. Nói tới “khu” các Xơ, tôi chợt nhớ đến câu chuyện rất tếu, hư thực không rõ, mà các anh chị lớn thường kể: Hồi đó, Cha Cao Văn Luận phụ trách môn Triết các lớp Đệ Nhất ở Trường Quốc Học. Một hôm Cha loan báo với học sinh Cha phải về sớm vì theo lời Cha: “Cha được mời đi thăm khu Bà Xơ, Cha nghe nói khu bà xơ sạch sẽ và... mát mẻ lắm!” Nói tới chữ “khu” mà không nhắc tới Tướng Nguyễn Chánh Thi, là một thiếu sót trầm trọng. Chuyện này thì có thật 100%, vì bản thân tôi là nhân chứng. Hồi làm Tư Lệnh Vùng 1 Chiến Thuật, Tướng Thi, mỗi tuần, thường có bài “Nói chuyện” với người dân, trên đài phát thanh Huế. Bài nói chuyện của Tướng Thi luôn được mở đầu bằng câu: “Đồng bào trong khu tôi...”!!!
Hướng đường Lý Thường Kiệt, trường chỉ có một từng lầu. Nếu từ hướng này, bạn theo cầu thang (2) lên lầu hai, bạn sẽ gặp ngay phòng ăn của mấy Cha, Thầy, nằm sát cạnh là phòng của Cha Florent Zuchelli, mà hồi đó, tôi là một trong những “Chouchou” (Trò cưng”) của Cha. Sở dĩ nhớ lâu về địa hình địa vật khu này, vì ngày xưa tôi đã lợi dụng “địa hình” này để thỉnh thoảng ”đột kích” phòng ăn của mấy “Ngài”, sau giờ học buổi chiều, kiếm “hàng quà” ăn dằn bụng. Đúng ra là do ngẫu nhiên: một chiều, sau khi tan học, lên phòng Cha Florent chơi, tôi thấy ông Thọ khiêng một khay lớn đồ ăn lên, mở khóa cửa phòng ăn, đem vào trong. Sau đó, ông trở lại, để cửa mở, đi xuống lầu lấy thêm thức ăn. Lợi dụng cơ hội ngàn năm một thuở, tôi đột kích vào, chớp nhoáng lùng xục theo kiểu... Commando Do Thái. Bánh kẹo, chocolat, croissant, fromage...tôi cho đại vào túi, rồi rút lui nhanh về ATK (An toàn khu) là phòng Cha Florent. May mắn những chuyến "ăn hàng” đó không bị ai phát hiện, nếu không, chắc giờ này tôi không còn... bàn tọa để ngồi nữa.
Bây giờ chúng ta tạm thời trở lại “khởi điểm”, là Phòng Khánh Tiết. Lần này chúng ta đi về hướng phải. Đầu tiên chúng ta sẽ gặp “Salle d’Étude” của các lớp nhỏ. Đó là nơi của học sinh nội trú ôn bài và làm bài tập, sau giờ học tại lớp. Nếu nhớ đúng, có hai buổi học tại phòng này mỗi ngày: Lần đầu, buổi sáng, sau buổi ăn sáng; lần hai, sau bữa ăn tối. mỗi người đều có một “Pupitre”, gồm mặt bàn và hộc tủ có nắp đậy và có khóa. Cái hộc tủ này, đúng ra, là cả̃ một “thế giới” riêng tư của mỗi người. Hộc tủ chứa đựng không những sách vở, vật liệu cá nhân, bánh kẹo, đôi khi có cả... cơm cháy, xin từ nhà Bếp, và còn nhiều thứ vặt vảnh, nhiều “bí mật” của mỗi học sinh nội trú. Đi tới nữa, sẽ gặp một cầu thang khác (3) đưa lên lầu hai và lầu ba. Nếu dùng cầu thang này lên lầu hai, quẹo trái, sẽ có một “cầu nối” (Overpass) đưa bạn đến Chapelle của Trường; nếu quẹo phải, sẽ là Phòng của các Cha. Trong các phòng này, phải nói, phòng Cha Henri Petitjean là đắt “khách” nhất, bao giờ cũng tấp nập học sinh vô ra. Lý do là phòng cha có một tủ sách rất phong phú, đặc biệt là các collection về “Bandes dessinées” với những tác phẩm bộ chuyện nổi tiếng như :Tintin, Lucky Luke, Astérix. Silvain/ Silvette... Cha Petitjean lại vui vẻ, hiếu khách hơn hẳn các cha khác. Muốn mượn sách, phải ghi danh đàng hoàng: tên tuổi người mượn, ngày lấy ra, ngày hoàn trả và với điều kiện là phải giữ sách sạch sẽ. Phải nói, nhờ đọc tủ sách hấp dẫn đó, và về sau, châm thêm với những bộ sách trinh thám “série noire”. Thuở đó, tôi mê truyện của Jean Bruce, với nhân vật Hubert Bonissseur de la Bath, biệt danh OSS 117; Peter Cheney, qua bản dịch tiếng Pháp. Chính nhờ sự “tiếp thu ngoài lề” đó, mà mình có thể học thêm được lối văn nói, thoải mái, bùi bụi một chút, với các từ “Argot”. Nếu chỉ biết xử dụng thứ ngôn ngữ “Académicien” đã học được ở lớp, lúc nói chuyện, đúng là... hổng giống con giáp nào hết. Dạo đó, tôi thuộc loại thành viên trung thành của tủ sách cha Petitjean. Ngoài phòng cha Petitjean, còn có phòng các cha khác như: George Lefas, Jean Oxarango, Modeste Duval, Conan, Etcharen, cha Trông, cha Trinh, cha Phương, cha Gioan, Cha Huynh... Đặc biệt, chỉ có phòng Cha Florent là nằm ở cánh trái của trường như đã nói phần trên.
Tầng ba là “dortoir”, phòng ngủ của dân nội trú và bán nội trú. Đúng ra ngày đó tôi cũng có thời gian ở nội trú, rất tiếc, vì thời gian đó quá ngắn, chưa tới nửa năm, nên ký ức của tôi về cuộc sống nội trú có thể nói khá hạn chế. Mong các bạn có dịp bổ khuyết thêm. Năm lớp Cinquième thì phải, tôi không nhớ rõ là do tự nguyện, hay vì lý do nào khác, tôi phải “gửi thân” vào nội trú. Ngày đầu tiên, lúc đang khệ nệ khiêng đồ đoàn cá nhân lên Dortoir, tôi gặp ngay Cha Petitjean, ngay tại cửa ra vào. Đang buồn thối ruột, chưa kịp chào hỏi, Cha đã nở một nụ cười thật lớn, đôi tay giang rộng và nói: ”Ah, L’oiseau est enfin dans la cage!”. Tôi cũng gượng gạo nở một nụ cười... méo xẹo. Là con út, chưa bao giờ phải sống xa cha xa mẹ, giờ đây... ra nông nổi này, hỏi không méo xẹo sao được?
Cái mà tôi nhớ nhiều nhất về đời sống nội trú là kỷ luật, là giờ giấc. Nhất là trong phòng ngủ. Giờ ngủ là không nói chuyện, là không ồn ào, là không di chuyển lộn xộn. Thường thường mấy cha Tây đóng vai “Surveillant”. Các ngài cứ vừa đọc sách Thánh, vừa sải chân bước tới, bước lui... Trò nào vi phạm là bị kéo ngay ra phạt quỳ gối. mỗi sáng sớm, sau khi cái chuông điện mắc dịch đánh thức, các học sinh nội trú mau chóng thức dậy (ngoại trừ tôi, vẫn còn lăn qua, lăn lại, ngủ nướng) dành nhau đi toilette, súc miệng, rửa mặt... tiếng dép kéo lẹt xẹt trên sàn gạch bóng, tiếng bàn chải răng leng keng trong ca nhôm, tiếng khạc nhổ vang lại từ đàng xa... nghe thật khó chịu cho tên ngủ nướng như tôi; đến 50 năm sau, vẫn còn nghe rõ mồn một trong trí nhớ.
Giờ chúng ta chịu khó bước xuống lại cầu thang. Hẹn gặp ngay tại Salle d’Étude các lớp nhỏ nhé, để tôi còn có thể dẫn các bạn đi thăm nốt phần còn lại của trường. Sao? các bạn ra vẽ chần chờ vì sợ mỏi chân? Không sao, tôi có giải pháp rồi: các bạn còn nhớ cách ”tuột thang máy” ngày xưa chúng ta hay thực hiện, mỗi khi muốn xuống lầu không? Vừa nhanh, vừa ít mỏi cẳng: Nào mời các bạn leo lên thành gổ tay vịn cầu thang bóng loáng, bề ngang cở 1 tấc, nhớ ngồi kiểu califourchon, hai tay ôm phần tay vịn, hai chân kẹp sát vào thành sắt phía dưới và cứ thế, cho thân mình tuột xuống, nhanh chậm tùy sức, nhưng chắc chắn là nhanh hơn thả bộ. Phải thật cẩn thận ở đoạn cuối đấy các bạn, phải giảm tốc độ, bằng không để xương “coccyx” va mạnh vào cục gỗ tròn ở phần cuối phần tay cầm thì chỉ có nước bò! Ngày xưa mình tuột cầu thang thoải mái, dể dàng như “ăn cháo”, chẳng thấy gì nguy hiểm. Ngày nay, mới nghĩ đến chuyện ngồi trên tay vịn cầu thang, nhỏ bằng cổ tay, từ lầu ba tuột xuống, bên dưới là khoảng không đe dọa. Ôi Chúa tôi, sao mà đã thấy ớn mề, chóng mặt muốn oẹ! Đúng là “Si jeunesse savait, si vieillesse... pouvait!”.
Bây giờ chúng ta tiếp tục đi “tham quan” phần còn lại của trường nhé! Từ phòng Étude bước tới, sẽ có 2 hướng: nếu đi thẳng, sẽ ra đến khu “Préau”, khu nhà chơi, một khoảng mặt bằng khá lớn, có mái ngói che, trong đó nếu tôi nhớ đúng, hình như có 2, 3 bàn ping pong. Ngay cửa bước ra khu chơi, ở góc phải, có một vòi nước máy, học sinh thoải mái uống khi khát, hoặc rửa ráy; cũng tại nơi này, có cái chuông đồng nhỏ, nối liền với sợi dây thừng, thường được xử dụng để báo giờ vào lớp, tan học. Đi về hướng phải, sẽ là một hàng lang thật dài, với mái béton, chạy dọc theo phòng “Đại thính đường”, nơi được xử dụng khi có chiếu phim, biểu diễn văn nghệ và nhất là để tổ chức Lễ Phát Phần Thưởng hằng năm, cho các học sinh xuất sắc, mà trong đó, rất tiếc, không bao giờ có... thằng tôi. Tôi còn nhớ một lần Cha Oxarango hướng dẫn lớp tôi, đứng trên sân khấu “Broadway” đó, tập hát bè bài hát “Alouette”. Cứ mỗi lần đến đoạn “Je te couperai le cou... Je te couperai le cou...”, Cha mấy lần nổi cộc, vì chẳng hiểu tại sao cứ đến đoạn đó, là bọn tôi cứ ré lên cười. Bên trên đại thính đường này, như đã nói qua ở phần trên, là Chapelle của Trường. Tôi mãi nhớ đến hình ảnh Nhà Nguyện này, với lối trang trí rất đơn sơ nhưng thật dễ thương, vào Thánh Lễ nửa đêm dịp Noel, hoặc Lễ Pâques hằng năm. Thời tiết Giáng Sinh ở Huế rất đặc biệt: thời tiết khá lạnh, khoảng 16, 17 độ C, trời thỉnh thoảng điểm chút mưa phùn. Vào dịp Lễ, nhà trường thường mời gia đình học sinh đến dự Lễ đêm. Buổi Lễ̉ khởi đầu vào khoảng 10 giờ tối,bằng thủ tục thắp nến, được tổ chức ở sân Chào Cờ, dưới tàng cây Búng. Cha Hiệu Trưởng sẽ dẫn đầu đoàn rước, tay Cha ôm tượng Chúa Hài Đồng, phía sau là các Cha khác và các trò giúp lễ, tiếp nối là các học sinh và thân nhân, gia đình. Tay ai cũng cầm đèn nến lung linh, đi giữa đêm tối lạnh lẽo, vừa đi vừa đồng ca bài “Đêm đông” hoặc “Đêm thánh vô cùng”... hướng về Nhà Nguyện trên lầu. Không khí thật trang nghiêm, thánh thiện, thoát tục. Những khoảnh khắc đó, tôi đã không tìm lại được về sau, khi vô học ở Sài Gòn, hoặc những Giáng Sinh về sau, trong suốt thời gian sinh sống tại hải ngoại.
Trở lại cái hành lang chạy dọc theo “Đại thính đường”, đi hết hàng lang đó, bước lên bậc tam cấp, quẹo trái, là Salle d’Etude các lớp lớn, từ Sixième trở lên (?), sau đó, là tuần tự các lớp học chương trình Việt. Căn phòng cuối, gần cầu thang, là phòng Lab, giang sơn của Père Oxarango. Căn phòng cũng không lớn lắm, các ghế ngồi được sắp xếp theo kiểu Amphithéâtre, trên các bậc thềm cao thấp khác nhau. Ngoài công dụng phòng Lab, phòng này còn là nơi “tập trung cải tạo” các thành phần vi phạm kỷ luật của trường: những tên nào bị lãnh “Consigne” trong tuần, tới ngày Chủ Nhật, phải đến trình diện tại phòng này. “Cán bộ Quản Lý” chẳng ai khác hơn là Cha Oxarango. Sau khi ổn định chỗ ngồi cho các “cải tạo viên”, Cha sẽ khiêng ra một đống báo, thường là báo “Sélection”, phát cho mỗi trò một cuốn, một xấp giấy trắng, bắt lật sách ra ở trang... và buộc mỗi trò phải chép lại nội dung, bất kể là nội dung gì, ngoại trừ hình ảnh, cho tới trang... rồi mới nộp lại và ra về, vớt vát phần còn lại của Weekend. Thường thường cũng mất khoảng trên dưới 2 tiếng đồng hồ mới xong hình phạt. Đứa nào hên, gặp phải những trang quảng cáo, hình nhiều, chữ ít.
Cũng trong phòng Lab này, tôi nhớ một lần lớp tôi được xử dụng để xem chiếu Phim do Cha Oxarango phụ trách. Ngồi trong bóng tối, thay vì xem phim, tôi ngồi quây “mỏ” nói chuyện. Chúa ôi, cái tát của Cha Oxarango đến bất ngờ, chẳng khác nào... cú đấm của Muhammad Ali, tôi thiếu đường bị K.O. Cha Oxarango, gốc gác từ Bayonne, Pays Basque. Có bạn đang thắc mắc: tại sao…thằng "khốn” này lại nhớ được cái chi tiết “dzô dziên” đó? Thú thật, tôi còn… thắc mắc hơn cả quý vị! Như các bạn biết, dân Basque nổi tiếng với 2 thứ: “Béret Basque” và kế đến là “Pelote Basque”. Béret Basque thì ai cũng biết: cái nón “nồi” làm bằng nỉ đen. Riêng Pelotte Basque là môn thể thao quốc hồn quốc túy của dân Basque, đại khái cũng như môn “Racquet ball” ngày nay, dân Basque dùng loại banh nặng và lớn hơn, và thay vì dùng vợt hình ovale, đan lưới nylon, họ dùng một thứ ”vợt” hình dạng một “móng tay” bự và cong vòng, cũng được làm bằng những loại dây đan, ở phần cuối “móng” có phần bao tay bằng da, để họ mang vào tay... Họ sẽ dùng cái “móng” đó mà đón bắt và liệng banh vào một bức vách, banh dội ra, người khác đỡ. Tuy nhiên, dân nghèo không khả năng mua vợt, thì dùng tay không đánh banh, lâu ngày, tay chai và to như trái chuối sứ. Sau khi nhận cái tát từ Père Oxarango, tôi dám cá với các bạn 10 ăn 1, là ngày xưa, Ổng là dân đánh Pelote bằng tay không! Đơn giản vì sau khi xui xẻo bị ăn cái tát, tôi hổng thấy đau chút nào, cái bản mặt “đẹp đẽ” của tôi cứ tê dại ra, giống như lúc bạn tỏ tình mà bị từ chối vậy! Chừng 5 phút sau thì khỏi nói, nửa thế kỷ đã qua, mà nghĩ tới, còn cảm thấy nhức nhối! Nhắc lại dài dòng chuyện này, chắc có người nói: “Thằng này dzậy mà coi bộ thù dai!” Thưa không, tôi không có tật thù dai, tôi chỉ có khuynh hướng... thi vị hóa những cái “đau” của quá khứ! Nói vội kẻo ở một nơi nào đó, trong “6 cõi ta bà”, Cha Ox nghe được, lại... vuốt cái mũi “két”, thói quen của Ngài, và đâm ra hối hận đã lỡ ra tay đánh thằng nhỏ ngày trước.
Nói tới phòng thí nghiệm, tôi còn nhớ đến một “phát minh” khá hấp dẫn, cũng của cha Oxarango: Các bạn còn nhớ đến cái cửa sổ của phòng TN được Cha thiết kế để trở thành nơi chiếu phim “Slide” không? Chỉ cần kéo cửa sổ ra là các “slide” được tự động chiếu tuần tự lên màn ảnh nhỏ. Các đề tài đại khái liên quan về các di tích, thắng cảnh, tác phẩm nghệ thuật, đền đài, ở Pháp và trên thế giới, có khi về Khoa học... Đề tài được thay đổi mỗi tuần. Cũng là một cách để nâng cao kiến thức của học trò.
Kỷ niệm cuối cùng tôi muốn nhắc đến, liên quan đến Phòng Thí Nghiệm này, xảy ra năm 1968, trong những ngày cuối của Biến cố Mậu Thân. Năm đó tôi đang học Propédeutique ở ĐH. Văn Khoa Huế, mà Cha Oxarango là một trong những Giáo Sư. Sau mấy tuần “chết đi sống lại”, nhà cửa đổ nát, trong suốt thời gian Cộng quân tấn công và chiếm đóng thành phố Huế, tôi lẩn trốn cùng gia đình trong khu vực Phú Cam. Phút chót, gia đình tôi may mắn dìu nhau đến được khu vực vừa được giải phóng ở đầu cầu An Cựu. Thực sự giải phóng chứ hổng phải thứ “giải phóng” gian ác bằng cán cuốc hoặc chôn sống, như số phận của hơn 4 ngàn người dân Huế, trong biến cố Mậu Thân, mà tôi là một nhân chứng. Hy vọng sẽ có cơ hội viết kể cho các bạn nghe sau. Không nơi nương tựa, gia đình chúng tôi, già, trẻ, lớn, bé gồm gần 10 người, tấp vào Trường Thiên Hữu. Tại đó, Cha Oxarango đã ưu ái đặc biệt cho gia đình chúng tôi xử dụng phòng thí nghiệm làm nơi tạm trú, thay vì phải sống chung đụng, chật chội, như những người xin tạm cư khác, trong lúc chờ đợi thành phố được hoàn toàn giải tỏa.
Bây giờ, chúng ta tạm bỏ lại phòng thí nghiệm đàng sau, để bước đến cầu thang lên tầng 2. Theo tôi nhớ, dãy lầu này, khởi đầu chỉ có 2 tầng, về sau, khoảng năm 1962-63, do nhu cầu, trường đã cho xây thêm tầng thứ 3. Nói chung các lớp thuộc Chương trình Pháp, lúc đầu nằm ở lầu 2, về sau được chuyển lên lầu 3. Một hàng lang chạy dài dọc theo các lớp, một khung cửa lớn, với ô kiếng phía trên, ngăn couloir thành nhiều đoạn; cửa sổ dọc hàng lang nhìn xuống sân cờ. Các lớp rộng rãi, trang bị quạt trần, 2 cửa sổ lớn, nhìn xuống những cánh đồng chạy dài gần đến khu An Cựu. Bên ngoài là cửa gỗ , bên trong cửa kiếng, vì mùa đông ở Huế thường lạnh và kèm theo mưa. Các buổi chiều, gió “đồng nội” thổi hiu hiu, bọn tôi, những dân nghịch, ngồi gần cửa sổ, hay dõi mắt nhìn ra cửa sổ, cố “phát hiện” xem có... cô “thôn nữ” nào đó đang thực hiện câu ca dao mộc mạc ngày xưa: “Thứ nhất là đỗ Thám Hoa, thứ nhì lấy vợ, thứ ba... “ị” đồng” trong các đám ruộng lúa xa tít bên dưới không? Rồi cả bọn báo động cho nhau, cười rúc rích... Đúng là “nhất quỷ, nhì ma, thứ ba học trò”. Quả thật không sai!
Bàn giáo sư nằm phía trái, trên bục gỗ cao, cái bục kéo dài dọc theo bảng đen. Cái “chiffon” chùi bảng khá đặc biệt, làm bằng khúc gỗ dài bằng gang tay, với một miếng bao tải cuốn chặt quanh. Các bạn có ai đoán được lý do vì sao mà tôi vội tả kỹ cái chiffon, liền sau cái quạt trần không? Bạn nào đoán đúng phải là dân “quậy”, giống tôi. Lý do thật đơn giản: Chuông rung vào lớp, việc trước tiên là cho quạt chạy thật nhanh, nhìn ngoài thấy các “ngài” chưa tới, là thế nào cũng có màn phá: Một trong những cách được bọn tôi chọn là lấy cái chiffon, liệng lên cánh quạt đang quay dzù dzù; cánh quạt đánh mạnh cái chiffon, hên xui, văng trúng ai nấy chịu, bụi phấn bay mù trời, cả lớp nhốn nháo, vừa la hét, tránh né, vừa cười nghiêng ngả cho đến khi Cha Thầy xuất hiện! Buổi học bao giờ cũng bắt đầu với phần đọc hoặc hát kinh, bình thường là kinh “Kính Mừng” bằng tiếng Pháp, “Je vous salue Marie”, hoặc nếu là giờ Anglais của Père Lefas, thì được đọc bằng tiếng Anh, “Hail Mary”. Thuở đó tôi nhớ là mình không thuộc và cũng chẳng muốn học kinh bằng tiếng Anh, cứ mỗi lần như vậy, tôi vẫn nhấp môi, kiểu “Lip Sync”.
Phần trên, tôi cũng có nhắc tới cánh cửa ngăn của hàng lang, không phải do ngẫu nhiên, mà có lý do hẳn hòi : Ngày xưa tôi “vốn” dốt Toán lắm, bây giờ nghĩ lại, thấy mình đâu phải đần độn gì cho cam, vậy mà không biết tại sao, hồi đó, tôi lại bị “dị ứng” quá nặng với Cha Duval. Cái mặt khắc khổ không bao giờ thấy nụ cười của Cha, mái tóc bạc trắng, óng ánh, đâu thua gì mái tóc của... Kim Novak, đôi mắt sắc và lạnh, với tôi, chẳng khác bao nhiêu ánh mắt mấy Sỹ quan SS Đức Quốc Xã. Mà đã sợ quá thì làm sao mà tiếp thu được cái kiến thức thật trừu tượng như Toán học? Vào lớp, đã ngồi bàn cuối, còn phải... cúi rạp người xuống để tránh né ánh mắt cú vọ và xoi mói của “Người”. Đã vậy, trong trường chỉ có một ông thầy Toán duy nhất đó mà thôi, từ Sixième lên tới Seconde. Đúng là “Take it or leave it!”, hỏi làm sao mà tôi ngóc đầu lên nổi? Và cũng vì “dốt” Toán hết thuốc chữa, nên tôi đã phải khổ sở suốt cả mấy năm Trung Học. Hồi đó tôi có người anh bà con, Vĩnh Chánh, con cậu ruột tôi, học trên tôi một lớp, và hiển nhiên cùng một Sư Phụ Toán. Cứ mỗi đầu năm, tôi năn nỉ ông anh cho tôi mượn cuốn tập sửa bài tập Toán của y, vì Cha Duval, sau khi ra bài tập hằng ngày, hôm sau là có bài sửa, bắt học trò chép lại vào tập. Nắm được bửu bối này trong tay, mỗi ngày, khi nhận bài tập Toán, việc đầu tiên tôi làm là lật cuốn tập của Chánh tìm xem có bài nào trùng không? Nếu có là cứ nhắm mắt chép lại nguyên con, để rồi, sau khi nộp, ngày mai, khi nhận lại, thấy một số không tổ bố bằng mực đỏ, lý do là tại “chép lại của người khác”. Tôi ngạc nhiên và thật phục lăn tài “thám tử” của Cha. Sau này khi đi dạy, học trò của tôi cũng bao phen ngạc nhiên, khi bị tôi cho số không vì lý do tương tự. Bây giờ thì tôi đã quá hiểu định luật: Thầy “đẻ” ra trò, chứ có bao giờ ngược lại? Năm đó, tôi đang học lớp quatrième, một hôm, nghe tin Cha Duval bị tai nạn xe, phải vào nhà thương! Trời đất quỷ thần ơi, sao mà tôi mừng rỡ đến thế? Như vậy là mình cũng có được... mươi ngày yên thân! Tôi sớm thất vọng! Nội hôm sau, Cha đã xuất viện, đầu băng bó như một “Momie Egyptienne”, chỉ chừa có mắt, mũi và miệng. Cha chỉ nghỉ đúng một ngày. Ngày kế tiếp, Cha trở lại lớp, tuy không nói năng được, nhưng vẫn viết bảng và ra bài tập được. Có trò nói đến phép lạ, riêng tôi, sao tôi đâm ghét cái phép lạ này quá chừng!
Theo thông lệ, mỗi cuối tháng, Cha Tôn, vị Hiệu Trưởng nghiêm khắc của trường, đích thân đến từng lớp một, đọc bảng xếp hạng (classement) hàng tháng. Mỗi cuối tháng, tôi cứ dõi mắt nhìn ra hàng lang, khắc khoải chờ đợi. Khi nghe thấy giọng cha vang lại từ lớp kế bên là tim tôi bắt đầu đổi sang nhịp Paso. Và rồi cái gì đến, sẽ đến. Cha sẽ đẩy mạnh “cánh cửa ngăn hàng lang”, đóng mạnh cửa lại và bước vào lớp, tay đưa lên chỉnh gọng kiếng đồi mồi trên sống mũi. Cha sẽ nói vài lời với Cha dạy lớp, sau đó, đảo cặp mắt nhìn quanh lớp. Ngài sẽ hỏi: “Qui est premier ce mois?”, sẽ có vài người cất giọng đoán mò. Sau đó, Cha sẽ nhìn vào danh sách đang cầm trên tay và tuyên đọc: Premier... Tôi còn nhớ rõ tên người bạn, nhìn bên ngoài, có vẻ hơi “lù đù”, kính cận dày cui, nhưng y vừa chăm, vừa giỏi. Tôi muốn nói đến Lê Xuân Lộc, hầu như tháng nào y cũng đứng đầu. Về sau, Lộc vào sài Gòn, ở Cư Xá Đắc Lộ, tốt nghiệp QGHC và nghe đâu thi đậu vào CĐ Ngoại Giao. Tuần tự Cha sẽ đọc tiếp; deuxième, troisième... cho đến khoảng vingt - deuxième, Cha sẽ dừng lại, dùng mắt tìm kiếm dung nhan mùa hạ của tôi, đang lấm lét, núp sau lưng mấy thằng bạn. Ngài sẽ nhấn mạnh từng chữ: Vingt - deuxième TRẦN VĂN THUẬN. Ngài sẽ lại nhìn tôi một cách nghiêm khắc và hỏi bằng tiếng Việt: “Bộ mi tưởng nhà mi có nhiều vàng nên khỏi cần học phải không?” Số là hồi đó Mẹ tôi có “dịch vụ” cầm vàng, sở dĩ tôi nói dịch vụ, vì Mẹ tôi không mở cửa tiệm như người khác, tuy nhiên vì làm lâu năm và có uy tín, nên khách chủ cũng khá đông, và hiển nhiên Cha Tôn cũng biết vì cũng quen khá thân với Ba tôi, vì vậy mà Cha đã nói “móc” thằng nhỏ. Những người không biết, có thể thắc mắc: đứng hạng 22 đâu có gì tệ lắm đâu? Xin thưa để quý vị rõ, 22 là tệ lắm đó, vì trong lớp, thường thường chỉ vỏn vẹn chừng 25, 26 mạng là cùng! Hiển nhiên, thỉnh thoảng, hên xui may rủi, tôi cũng lên được hạng 18, 19... Tuy mang “nghiệp” dốt Toán, nhưng ngược lại, trình độ Francais tôi lại rất khá, có thể nói là “parmi les premiers de ma classe”, nhưng rất tiếc, ở cấp Trung Học, lúc chưa chọn được Ban thích hợp, bết bát quá về một môn chính, thì khó bề vớt vát được, dù giỏi môn khác. Đấy là tôi “quên” nói là tôi chúa lười học bài. Trong học bạ của tôi, lời nhận xét đúc kết của Cha Hiệu trưởng luôn luôn là: “Intelligent mais paresseux”.
Tôi còn nhớ kỳ thi B.E.P.C năm 64 (Brevet d’études du Premier Cycle), tôi vào thi tại Trường Blaise Pascal, Đà Nẵng. Nhìn lại, sao tôi thấy tôi còn ngây thơ, vô tội quá. Hầu như không có một sự chuẩn bị đáng kể nào. Đại khái nghe đi thi, thì vác mạng đi thi. Đến độ không biết mấy giờ phải có mặt tại trường thi, dù đã có ghé thăm xem vị trí nhà trường trước đó. Sáng hôm đó, trời chưa kịp sáng, với sự đốc thúc của bà chị, tôi vội vã kêu xe cyclo đến địa điểm thi, trên trời, tôi nhớ... mặt trăng vẫn còn lơ lửng chưa tan. Kết quả kỳ thi, như thường lệ, trường Providence luôn dẫn đầu tỷ lệ thi đậu, kỳ này với khỏang 92%, có nghĩa đi thi 25, thì đổ hết 23... và đáng nói nhất là trong 2 kẻ xấu số kia, có thằng tôi! Quả là “ốt dột”, không dám ngẩng mặt nhìn ai! Qua bảng “Relevé de notes”, môn Francais được 15, 16 điểm, có thể xem là Excellent, ngược lại Math lãnh một con Zéro tổ bố! Thành thử năm sau, thay vì “redoubler” lớp Troisième, với sự đồng ý của gia đình, tôi đành đau khổ “say Good Bye” với chương trình Pháp, “Good Bye” luôn Cha Modeste Duval, để nhảy sang chương trình Việt, theo đúng phương sách “Ta về ta tắm ao ta”. Tôi còn quyết định “nhảy” Cấp lớp Đệ Tam, vào thẳng lớp Đệ Nhị, nhờ vào Giấy chứng nhận “ma”, đã hoàn tất chương trình lớp Đệ Tam, do một người bạn gia đình, có Cử Nhân Giáo Khoa ký nhận. Quyết định đó có lẽ đã mang lại may mắn và kịp thời chuyển hướng đời tôi. Nhìn lại, nếu còn cố chấp đeo theo chương trình Pháp, chắc tôi đã phải “xếp bút nghiên, theo việc đao cung” và có thể giờ này, đất nước ta chắc đã có thêm một “Liệt Sỹ” vì... dốt Toán.
Từ lúc chuyển sang chương trình Việt, Ban C Pháp Văn, đời tôi coi như lên hương, năm nào cũng thi đậu, mà còn đậu cao nữa chứ. Niên khóa 67-68, tôi ghi tên vào lớp DBVK Pháp tại ĐHVK Huế. Tưởng từ nay, mọi chuyện sẽ êm ả, sẽ chung thân mọc rể tại vùng đất “Huế thơ Huế mộng” này... Đùng xảy ra vụ Mậu Thân, nhà tan cửa nát, may mắn là thân xác còn nguyên vẹn, không bị rửa nát như một số bạn bè tôi, được tìm thấy ở Suối Đá Mài, hay Gia Hội, Bãi Dâu... Sau Biến cố Mậu Thân, gia đình tôi di cư vào Sài Gòn, để lại mình tôi đàng sau, với bao nổi... hân hoan! Số phận con út đối với tôi không mấy “hào hứng”, vì luôn mãi bị giám sát, kềm kẹp; nuông chìu đâu hổng thấy, chỉ thấy toàn những che chở đôi khi không cần thiết. Nay “nhờ ơn Giải phóng", tôi bỗng trở thành một công dân tự do, với nhóm bạn bè, gồm 4 tên, trong nỗi chán chường, tang tóc, của một Cố Đô hoang tàn, đổ nát.
Cuối năm ấy, tôi may mắn thi đỗ, sở dĩ nói may mắn, vì trong nhóm bạn thân, 4 đứa, sống chết có nhau lúc đó, chỉ mình tôi thi đỗ. Nguyễn Xuân Sử, Dự Bị VK Anh Văn, thi rớt; sau gia nhập trường Chiến Tranh Chính Trị Đà Lạt, tốt nghiệp, chọn SĐ Nhảy Dù. Trần Tuấn, Dự Bị Y Khoa, thi rớt, sau gia nhập Hải Quân. Nguyễn Văn Trí, con bà Dì ruột và cũng là người bạn chí thân của tôi, lâu nay chủ trương “make love, not war” nên trốn lính, tiếp tục trốn lính, không thay đổi. Thế rồi, với sự hối thúc của Ba Mẹ, để lại đàng sau một “trời kỷ niệm” và một mối tình thật đẹp... chưa kịp đơm hoa, tôi chuyển vào học tiếp ở Sài Gòn. Ghi danh cùng lúc hai phân khoa, tôi hoàn tất Cử Nhân Giáo Khoa Pháp Văn, khóa 1, năm 1970, tại ĐHVK Sài Gòn, và năm sau, 1971, tôi tốt nghiệp ĐHSP Sài Gòn, ban Pháp Văn, năm đó tôi vừa “tròn” 22 tuổi. Tôi biết các bạn đang nghĩ gì, các bạn nghĩ đúng: “Thằng này bắt đầu nổ!”. Sau bao nhiêu năm tháng khổ sở, đày đọa vì... ”dốt” Toán, xin bạn thông cảm, cho tôi “gáy” lên một tiếng cho... nhẹ lòng và cũng là cách để chứng tỏ: tôi chỉ là... ”nạn nhân” của một hệ thống giáo dục quá khắt khe, chứ không hẳn dốt đến thế.
Chết rồi, lại lạc đề cả mấy dặm chỉ vì... cánh cửa ngang. Thôi để tôi đưa các bạn xuống trở lại sân cờ. Thuở đó, mỗi thứ Hai, toàn trường sẽ làm lễ Chào Quốc Kỳ trọng thể, vừa hát, vừa kéo cờ. Những ngày còn lại, mỗi sáng, các lớp cũng tập họp cùng chỗ, kéo cờ trong im lặng, sau đó, tuần tự đi vào lớp học. Nằm xéo với sân cờ, có một cây búng thật lớn, trái búng, lớn cỡ trái banh Tennis, với lớp da sần, thỉnh thoảng rụng xuống sân, chỉ tiếc trái không ăn được, nên bọn tôi thường dùng để chọi nhau chơi. Từ một nhánh cao, có ai đó đã cột thòng xuống một sợi dây thừng, lớn cở cổ tay con nít, trong lúc chờ đợi giờ vào lớp, hoặc vào giờ chơi, các học sinh có thể dùng để đu hoặc để leo. Nhìn xa ra là sân bóng đá của trường; phần cuối sân, đi thêm đoạn ngắn là ra khỏi khu vực của trường để bước vào “lãnh địa” của Tiểu Chủng Viện (Petit Séminaire). Mỗi ngày, từ sân cờ nhìn ra, có thể nhìn thấy mấy “Chú” Tiểu Chủng Viện, đi đường tắt, lục tục kéo qua học “ké”... Trong đám “chú” đó, tôi nhớ nhiều nhất là Lê Hồng Phúc, con trai của Cố Đại Tá Lê Quang Tung, Chỉ Huy Trưởng Lữ Đoàn LLĐB phụ trách An Ninh Phủ Tổng Thống, người bị Nhóm Phản Tướng hạ sát trong cuộc đảo chánh lật đổ TT Ngô Đình Diệm năm 1963. Phúc khá đẹp trai, mặt mày sáng sủa, hồng hào, đeo kiếng cận, tánh tình vui vẻ và cũng là học sinh xuất sắc của lớp tôi. Không biết về sau, LHP có được thụ phong Linh Mục không, hay vì đẹp trai mà bị cô nào bắt cóc mất cũng nên? Đỗ Hữu Cảnh, có người anh tên Đỗ Trinh Huệ, bạn ông anh đầu tôi, cũng đeo kiếng cận, cũng lanh lẹ, vui vẻ, học lực trung bình nhưng “Chú” này, chắc vì lanh lẹ quá, ham “dzui” quá, nên nghe đâu về sau, được thụ phong sớm chức “Ba” thay vì chức “Cha”. Ngoài ra còn các chú: Trần Văn Minh, Cái Viết Phụ, Lê Văn Sĩ... các bạn này, hình như sau này đều trở thành Linh Mục. Ngoài ra, trên tôi một lớp, còn có Chú Nguyễn Văn Lý, hiện tại là một Linh Mục “nhập thế”, năng nổ trong lực lượng chống đối chính quyền CS tại Việt Nam. Thời gian qua, Cha Lý trở thành nổi tiếng, nhất là với tấm hình ra Tòa, bị Công An Việt Cộng, bịt mồm, bịt miệng.
Thuở đó, ở Huế, có hai trường Công Giáo nổi tiếng: Trường Pellerin, địa điểm nằm gần khu vực Nhà Ga Huế, tên Việt là Bình Linh, do các Frères Dòng La Salle phụ trách, và Trường Providence, tên Việt là Thiên Hữu hoặc Thiên Hựu, do Dòng Thừa Sai Paris (Société des Missions Étrangères de Paris) phụ trách. Hai trường kèn cựa nhau, chủ yếu là về hai mặt: thể thao và học vấn. Theo nhận xét của tôi, và chắc cũng là nhận định chung của đa số, về mặt thể thao, qua các môn: bóng đá, bóng chuyền, bóng rổ, bóng bàn... cọng thêm phần diễn hành, Trường Pellerin có vẻ lấn lướt hơn, một chín một mười; nhưng về mặt học vấn, tính theo tỉ số thi đỗ qua các kỳ thi, Trường Thiên Hữu dễ dàng chiếm thượng phong mặc dù trong hàng ngũ đó... có cả mặt tôi!
THÀNH PHẦN GIẢNG HUẤN
Cấp Tiểu Học: Tôi chỉ xin lần lượt kể tên những người tôi còn nhớ tên, cọng thêm những chi tiết “đặc biệt” về mỗi người. Riêng các thông tin khác như: thời điểm, bộ môn phụ trách, cấp lớp... chỉ dám đề cập nếu còn nhớ.
LM. Nguyễn Văn Trọng: Cha Trọng là một LM trẻ, rất linh hoạt, vui tánh. Cha hát hay và thường cho chúng tôi xem những phim hoạt họa, nhất là bộ phim “Silvain/ Silvette”, vừa chiếu phim, vừa phụ họa. Cha thường chạy xe “mô tô” và về sau, tử nạn trong một tai nạn xe, lúc cha còn rất trẻ, khoảng chừng trên dưới 32 tuổi(?). Cha Trọng còn có người em kế, là LM. Nguyễn Văn Nghi, cũng thuộc ban Giảng Huấn của Trường Thiên Hựu. Cha Nghi, đẹp trai, hào hoa, phong nhã, phụ trách dạy cấp lớp Đệ Nhị. Về sau, do điều động của Tòa Tổng Giám Mục Huế, Cha được thuyên chuyển về một họ đạo, tôi không nhớ rõ tên, ở một vùng không được an ninh. Cha tử nạn, lúc cũng còn rất trẻ, trong một trận tấn công của Việt Cộng. Người em thứ ba, BS Nguyễn Quý Thể, sở dĩ tôi nhắc đến, vì sau này trở thành Ông Anh Rể của tôi. Sau 1975, tỵ nạn cùng gia đình tại Hoa Kỳ, và cũng mất sớm lúc chưa đầy 60 tuổi.
Soeur Chantal: Vừa xinh, vừa hiền lành, dễ thương. Thần tượng của bọn tôi ở cấp Tiểu học. Hồi đó, dù còn thật bé nhưng cũng thật rắn mắt, bọn tôi thường “cặp đôi” Soeur Chantal với Cha Trinh, cũng là Giảng viên ở trường. Lý do đơn giản là thỉnh thoảng thấy Cha và Soeur hay ra đứng nói chuyện ở ngoài hàng lang lớp, sau khi ra bài tập cho học sinh! Đúng là “con nít quỷ”.
Cô Miên: Em gái Cha Tôn, Hiệu Trưởng. Cô hình như thuộc diện “tu xuất”, sống độc thân, nhà ở đối diện trường, trên đường Nguyễn Huệ. Cô Miên thỉnh thoảng khẻ tay học trò, tiếng là “khẻ” nhưng đôi khi cũng nhức nhối lắm, nhất là khi Cô bắt chụm 5 ngón tay lại, như búp sen, và dùng thước đánh trên đầu các ngón tay. Nếu tôi nhớ không lầm, Huỳnh Kim Sơn, bạn cùng lớp với tôi, là cháu của Cô. Sơn người dong dỏng, gầy, mắt cận, đeo kiếng, tánh tình hiền lành. Được tin bạn HKS đã mất năm rồi.
Soeur Annivette(?): Không biết vì sao hồi đó, không bao giờ tôi chính thức biết được tên Soeur, chỉ nhớ cách gọi và đoán mò. Soeur là con gái của Ông Bà Khóa, họ đạo Phú Cam. Soeur không xinh như soeur Chantal, nhưng tánh tình cũng hiền lành, dễ chịu. Soeur có nhiều anh em trai, các anh: Toàn, Tín, Tưởng, anh nào cũng tập thể dục thẩm mỹ, thân hình đẹp như lực sĩ thứ thiệt, buổi chiều, thường hay xuống tắm sông Phủ Cam. Vì ngưỡng mộ nên tôi mãi nhớ đến bây giờ.
Soeur Thơ: Không biết tại sao tôi không nhớ đến một tên nào khác hơn, chỉ quen gọi là Chị Thơ. Lại thêm một người đẹp khoác áo tu! Chị Thơ là con gái Bà Tú, bạn của Mẹ tôi. Soeur đẹp người, khá cao ráo, khuôn mặt trái xoan, mắt sáng, má luôn ửng hồng. Không biết vì sao tôi lại hay nhắc đến các soeurs... đẹp vậy? Chắc tại vẻ đẹp mà kết hợp với chiếc áo Dòng, càng làm vẻ đẹp trở nên thánh thiện, thanh khiết hơn.
Thầy Trần Văn Thông: Phải nói Thầy Thông là người Thầy dạy môn Pháp Văn của nhiều thế hệ ở Huế và Đà Nẵng. Thầy rất được sự thương mến, kính trọng của học trò . Trong nhà tôi, ngoài tôi ra, anh kế tôi, bà chị Tư của tôi, ai cũng đã từng học với Thầy. Tôi nhớ Thầy ăn mặc lịch sự lắm, bao giờ cũng sơ mi trắng, cà vạt. Người thì gầy, mắt sâu hoắm, hút thuốc liên tục, mới nhìn, ai cũng nghĩ chắc Thầy bị bệnh phổi hay sao mà mặt mày xương xẩu, không biết qua khỏi nổi... con trăng này không? Vậy mà giọng nói Thầy rổn rảng, chẳng khác nào Tạ Tốn của Kim Dung, với môn Sư Tử Hống! Thầy mới nhìn, có vẻ nghiêm khắc, hơi “ngầu”, nhưng gần Thầy, mới thấy được cái dễ thương, cái “duyên dáng” rất trẻ trung của Thầy. Thầy sống thật thọ, thọ hơn rất nhiều học trò của Thầy. Thầy mới mất cách đây không bao lâu, khoảng vào năm 2010, 2011, thọ gần 100 tuổi thì phải.
Thầy Thông phụ trách môn Francais ở Cấp lớp Nhất và tôi là học trò cưng của Thầy. Tôi mãi nhớ, có lần Thầy chọn tôi đóng vai Hoàng Tử, trong câu chuyện Giáo Khoa “Le Prince et la chemise d’un homme heureux”(?). Riêng Thầy đóng vai Ông Tiên. Gia đình Thầy rất đông con cái, con trai của Thầy đủ để lập một đội bóng đá, mà thật vậy, mấy người đó đá banh thuộc loại xuất sắc và thuộc đội bóng đá của trường. Trong số đó tôi biết có anh T.V. Diễn, học cùng lớp anh Ba tôi; Anh T.V. Đàn, cở lớp bà chị Tư của tôi; Anh T.V. Giáo, Đại Úy BB, có thời gian làm Cán Bộ, Đại Đội Trưởng của tôi tại ĐĐ21 Khóa 5/71, Trường VBSQ Thủ Đức. Anh Giáo vừa mất năm rồi, 2014, tại California; T.V. Hóa, học trên tôi một lớp, đẹp trai, học giỏi, sau 75, định cư ở Pháp và nghe đâu cũng rất thành công; T.V. Phương, sau tôi một lớp và còn nhiều nhiều nữa mà tôi không được biết đến.
Mr. Carme: dạy Toán. Tôi không nhớ rõ Ông dạy tôi ở cấp lớp mấy: 7ème Special hay 6ème? Chỉ nhớ Ông đầu hói và hút thuốc như “đầu tàu”, nói đúng hơn, bọn tôi hay chọc, “il ne fume pas ses cigarettes, il les suce!”. Không biết tại ông hà tiện hay sao mà điếu thuốc Bastos, lúc ông vất bỏ, gần như đã cháy không còn gì nữa. Ông có 2 con trai: Francois và Michel Carme. Michel học trên tôi môt lớp. Tên này cũng thuộc loại đẹp trai nhưng “ba trợn”. Chọc nó giận, nó “xổ nho” như điên! Hoàn toàn không biết “xuất xứ” của ba cha con này? Hình như là dân “Pieds Noirs” thì phải.
Cấp Trung Học:
Père Henri Petitjean: Vào thời điểm đó, tôi đoán Cha khoảng 34, 35 tuổi, hoặc trẻ hơn. Phụ trách môn Francais, Histoire và Morale của nhiều cấp lớp. Nói tới các cha cố tại Trường Providence, với tôi, Cha Petitjean là một khuôn mặt “lớn”, rất được sự ngưỡng mộ, thương yêu của các học sinh. Người cao dong dỏng, đầu nhỏ, tóc vàng, húi cao, theo kiểu Tintin, có chút râu kiểu Hitler, đeo kiếng trắng. Bàn chân cha dài quá cở, chẳng thua gì “ổ bánh mì Chaffangon loại bự”, dáng đi bao giờ cũng hấp tấp, vừa đi, vừa chạy. Tôi nhớ Cha quê tại Nancy, Pháp. Cha là một nhà giáo xuất sắc, tận tụy, rất gần gũi học trò, đã vận dụng hết tâm huyết trong sứ mạng giáo dục, qua việc truyền đạt, không những kiến thức, mà còn về những giá trị tinh thần, kỷ luật tự giác. Vào những năm 59, 60 mà Cha đã tận dụng tối đa phương pháp “audio visuel” trong giảng dạy... mà mãi đến hơn 10 năm sau, chương trình “thính thị” mới được đưa vào nội dung phương pháp giảng dậy sinh ngữ tại các trường ĐHSP. Như tôi đã có dịp nói bên trên, phòng Cha là một Thư viện nhỏ, nhưng khá đầy đủ các sách vở, tài liệu, hình ảnh. Vì vậy, trong giờ học, tùy đề tài, Cha đã cho chúng tôi xem những hình ảnh, đôi khi phim ảnh liên hệ. Ngoài ra, ở cuối lớp, Cha bố trí hai tấm bảng, bằng vật liệu nhẹ, trên đó Cha đã dùng “punaise” để ghim các hình ảnh, liên quan đến đề tài giảng dạy. Ví dụ nói về Ai Cập, hình ảnh các Kim Tự Tháp, vua Pharaon, các vị thần linh Ai Cập, các cuộc đào bới di tích Ai Cập, xác ướp Momie... Khi học về đề tài “Aviation”, thì tất cả mọi nổ lực đều chú tâm tới đề tài đó: các bài “dictée”, các hình ảnh máy bay, ngay cả các tác phẩm của St. Exupéry như: Courrier Sud, Vol de nuit, Pilote de guerre... cũng được khuyến khích đọc. Riêng về đề tài này, tôi còn nhớ, Cha đã thuê một chiếc xe Bus và đã chở nguyên lớp chúng tôi xuống tận phi trường Phú Bài. Chúng tôi không những được dịp quan sát sinh hoạt tại phi trường, Cha còn liên lạc và xin phép viên phi công, cho phép chúng tôi lên tận máy bay, vào quan sát phòng lái. Nhờ chuyến đi đó, mà giờ này, hơn nửa thế kỷ sau, tôi vẫn còn nhớ một số từ ngữ khá đặc biệt về phi trường, về máy bay như: manche à air, balise, hublot, manche à balai (cần lái ), train d’atterrissage... Chúng tôi đã học được rất nhiều tánh tốt từ Cha, một trong những tánh tốt đó, với tôi, là tánh trật tự, chu đáo, chính xác trong công việc. Tôi nhớ, Cha bắt mỗi học sinh luôn có sẵn trong cặp 3 cỡ giấy: nửa trang, một trang và trang đôi, được cắt thật thẳng nếp, tuyệt đối không có “răng cưa” hoặc “lổ rách” nếu là “double page”. Trên góc trái có ghi sẵn tên họ, cấp lớp... được đóng khung trong ô hình chữ nhật. Conjugaison des verbes là một trong những phần Cha đặc biệt nhấn mạnh. Ngày nào vào lớp, sau khi đọc kinh xong, hầu như bao giờ cũng có màn kiểm tra về “conjugaison”. Đại khái, Cha sẽ mau mắn ra lệnh: Prenez une demi-page... Không quá 15 giây sau: Première question: verbe mettre, mode subjonctif, temps présent, 2ème personne du pluriel... Bọn tôi phải mau chóng ghi xuống câu trả lời: “Que vous mettiez” và cứ thế, bọn tôi phải trả lời trên giấy chừng 10 câu hỏi cùng thể loại. Sau đó Cha sẽ thu lại các câu trả lời của dãy bàn này, tráo đổi qua dãy bàn khác, để chấm lỗi. Toàn bộ kiểm tra không quá 15 phút. Có hôm, Cha dạy chúng tôi cách “trình bày” một bì thư, mới nghe thì có vẻ “lẩm cẩm”, nhưng lớn lên, tôi đã có nhiều dịp quan sát, rất nhiều người không biết cách trình bày một bì thư: tên người nhận và địa chỉ nằm ở đâu? tên người gửi sẽ nằm ở đâu? tem dán ở đâu? Phải nói, chúng tôi đã may mắn có được một người Thầy rất chu đáo và tận tụy.
LM. Henri Petitjean
Ngoài môn “Français”, Cha còn dạy môn Histoire và “Morale”, một hình thức “Cathéchisme” nhưng chú trọng nhiều đến hình ảnh. mỗi học sinh có một tập khổ lớn, cỡ 8,5” X 14”, trong đó, ngoài việc ghi chép các bài học ngắn gọn, bọn tôi phải cắt các hình từ một tập hình, với nội dung từ Kinh Thánh, được phát riêng, và cẩn thận cắt dán vào tập, tôi thích “Art works” nên rất thích thú với môn học.
Père Jean Oxarango: Phụ trách môn Science Naturelle(?) Quê Bayonne, Basque. Vào thời điểm đó tôi nghĩ Cha cũng khoảng 38, 39 tuổi. Tánh tình vui vẻ, khá cởi mở, loại người ”Jovial”. Người khá cục mịch, tóc quăn và hơi hói, mũi bự và quặp, loại “mũi két”, cặp mắt sáng, linh hoạt và thông minh. Nếu ví von Cha Petitjean là Tintin, thì Cha Oxarango có thể ví với... Capitaine Haddock. Cha có tật hay vuốt mũi, mỗi khi có điều gì thích thú. Cha thường lái chiếc xe “2 Chevaux” khá cũ. Cha có sở thích quay phim. Tôi nhớ trong một kỳ cắm trại hè tại bãi biển Cảnh Dương, Cha đã thực hiện một đoạn phim 8mm ghi nhận cảnh sinh hoạt Trại của học sinh. Như đã nói trên, Cha Oxarango là “Vị Thần” trấn giữ phòng Thí nghiệm của trường. Về sau, khi học ở Dự Bị Văn Khoa Huế, niên khóa 67-68, tôi gặp lại Cha, cũng là Giảng viên tại ĐH Văn Khoa và Sư Phạm Huế.
Père Modeste Duval: Đúng như cái tên của mình, Cha là biểu tượng của sự nghèo nàn, khiêm tốn. Cha luôn mặc một áo dài đen, nhưng đã bạc màu, chân đi giày sandale mòn gót, đã được cha nhiều lần dùng da “chêm gót” lại. Khổ người trên trung bình, bụng khá lớn, ít nói, không bao giờ cười, với đôi mắt thật sáng, nghiêm khắc, sâu thẳm, như đang nhìn xuyên thấu người đối diện. Tóc Cha bạc óng ánh. Có nhiều “nguồn tin” giải thích: ngày xưa, Cha hoạt động tông đồ bên Trung Hoa, năm 1949, sau khi Cộng Sản chiếm đoạt chính quyền, Cha M. Duval và một số nhà Truyền Giáo khác bị bắt giữ. Cha bị lãnh án tử hình. Sau mấy tuần chờ đợi ngày hành quyết, tóc Cha bỗng đổi sang một màu trắng xóa! May thay, vào giờ chót, Cha được ân xá và bị tống khứ về Pháp. Nguồn tin chính xác tới đâu? Thật tình tôi không rõ, nhưng câu chuyện nghe cũng khá ly kỳ, nên tôi mới nhắc lại. Khác hẳn với cha Petitjean, hoặc cha Florent, phòng Cha Duval gần như ít ai lui lại, cha sống khá âm thầm, khắc khổ... Trong suốt thời gian học với cha, thật sự ít ai được nhìn thấy nụ cười của cha nó... giống cái gì? May lắm là vào ngày Nouvel An, khi toàn lớp cử đại diện, đứng lên chúc mừng năm mới, Cha sẽ nở một nụ cười gượng gạo. Để đáp lại, thay vì cho học sinh vui chơi, ca hát, bánh kẹo, Cha sẽ cho... những bài Toán đố vui để học sinh giải. Cách đây khoảng 15 năm, hoặc lâu hơn nữa, tôi không nhớ ai cho tin, nhưng tin nói là cha M. Duval đã bị giết chết trong một vụ cướp, ở một họ đạo nghèo nàn, xa xôi nào đó, ở tận Phi Châu? Một lần nữa, đây là một nguồn tin chưa được kiểm chứng, nên tôi cũng nói ra với tất cả những dè dặt cần thiết.
Hình chụp theo thứ tự : LM. Modeste Duval, Oxango, Georges Lefas
Nhắc về cha Duval đã gợi lại cho tôi những khắc khoải thời đi học, nỗi sợ hãi vì “dốt Toán”, nhưng điều kỳ lạ là tôi chưa bao giờ cảm thấy oán giận Cha. Trong tôi, Cha Duval vẫn mãi mang hình ảnh của đức khổ hạnh và sự thánh thiện hiếm thấy, trong một người Thầy, một Linh mục Công Giáo. Nếu có quyền hạn của Tòa Thánh Vatican, tôi sẽ không ngần ngại... phong thánh cho Cha.
Père Florent Zuchelli: Cha Florent Zuchelli xuất hiện khá “đột ngột”, năm tôi học lớp 5ème, khoảng 1962 thì phải. Một hôm đẹp trời, bỗng thấy xuất hiện một Linh mục “Áo Trắng”, một điều khác lạ vì các Linh mục của trường luôn mặc áo dài đen. Người cao lều khều, với tóc thật ngắn và quăn, khuôn mặt nhỏ, kiếng cận tròn. Nói về vóc dáng, nếu các bạn ngày xưa đã đọc truyện hình “Lucky Luke”, thì dáng Cha Florent hơi tương tự nhân vật... “Phil DeFer”: cao như thân tre, cằm hơi vuông và nhiều râu, dù đã cạo nhẳn, chỉ khác, mặt mũi Cha thật hiền lành, nụ cười thường trực trên môi. Theo tin tức “hàng lang” cho biết, Cha thuộc Dòng Phanxicô, ở tận Sài Gòn. Nghe đâu Cha “bất mãn” về kỷ luật quá đáng đối với tu sinh của nhà dòng nên xin thuyên chuyển về trường Thiên Hữu. Cha mang theo 2 tên “đệ tử”, về sau học cùng lớp với tôi: Tân và Tùng, cả hai tên đều là dân Nam Kỳ. Tân cao ráo, mặt mày sáng sủa; Tùng lầm lì, lè nhè và hơi... ”khùng”. Tuy nhiên, có dịp đọc một bài viết của Cha Lefas, không lâu trước ngày cha mất, nói về tiểu sử của Trường Thiên Hữu, tôi rất ngạc nhiên khi Ngài nhắc đến ngày khánh thành trường, vào khoảng năm 1940, có sự hiện hiện của Cha Florent Zucchelli, Đại Diện Khâm Sứ Tòa Thánh!
Tôi rất thích học Français với cha Florent. Cuốn sách cha xử dụng để dạy, tôi nhớ ”Les Grands Coeurs”, tác phẩm nổi tiếng của văn hà̀o người Ý, thế kỷ thứ 19, Edmond de Amicis, được dịch sang nhiều thứ tiếng, trong đó có tiếng Pháp, bao gồm 4, 5 chục câu chuyện ngắn với những tấm gương về lòng can đảm, tinh thần cao thượng. Phải nói tôi mê thích những câu chuyện trong đó. Về sau, hình như nhà văn VN Hà Mai Anh có dịch sang tiếng Việt với tựa đề “Những tâm hồn cao thượng”. Hồi đó học sinh rất thích Cha Florent, vì tánh Cha hiền lành, yêu thương trẻ nít. Bọn tôi chọc phá gì, Cha cũng châm chước. Thời đó, tôi hay “chọn” Cha Florent mỗi lần cần “xưng tội”. Lý do dễ hiểu là Cha hiền lành, không tỏ vẻ nghiêm khắc, hoặc nhăn nhó khi... nghe tội mình, như một số Cha khác, và đặc biệt, bao giờ “việc đền tội” cũng rất “rẻ”, chỉ có... 3 kinh “Kính Mừng mà thôi!
Một kỷ niệm khá vui trong giờ học với cha Florent mà tôi còn nhớ: Trong lớp tôi, có một trò tên Thiên, với biệt danh “Petit Cochon”, dân Phú Cam, người nhỏ choắt mà xắc lắc và phá thì số dách. Một hôm trong lớp, giờ Cha Florent, không nhớ “Petit Cochon” đã làm gì, lần đầu tiên, tôi thấy Cha Florent nổi nóng và đuổi y ra khỏi lớp. Tôi nhớ hôm đó là một ngày mùa Đông, trời mưa lất phất. Chưa đầy 15 phút sau, trong lúc Cha đang giảng bài trong lớp, bỗng thấy “Petit Cochon” xuất hiện, ngồi ngất ngưởng bên ngoài cửa sổ lớp học! Tưởng cần nhắc lại, lớp tôi nằm ở lầu 3, cửa kiếng thì đang đóng vì trời đang mưa, vậy mà “Petit Cochon” dám leo theo ống xối trơn trợt, lên ngồi ngoài khung cửa sổ, vừa uốn éo, vừa trợn mắt, lè lưỡi, cố chọc cười các bạn bên trong lớp! Tôi nhận thấy Cha Florent hốt hoảng, sắc mặt mau chóng từ hồng sang tái. Vậy là Cha phải... chịu thua, từ từ mở khóa cửa sổ và đỡ nhẹ thằng nhóc trời đánh vào lại lớp. Nghe đâu “Petit Cochon” về sau, bị VC giết trong biến cố Mậu Thân.
Lần cuối tôi gặp Cha Florent là tại Sài Gòn, vào khoảng năm 1971. Cha cho biết hiện đang giảng dạy tại ĐHVK Sài Gòn. Chắc Cha nhận việc sau khi tôi đã học xong tại đó, nên đã không gặp mặt. Lần gặp lại khá bất ngờ, tuy vui mừng gặp lại “Thầy cũ”, nhưng thật tình, có cái gì đó làm tôi hơi “thất vọng”. Hình ảnh vị Linh mục ngày xưa, hiền lành, lỏng khỏng trong chiếc áo dòng trắng không còn nữa. Bây giờ trước mặt tôi là một... ”Ông Tây”, như những ông Tây khác, khá “sồ sề” trong bộ “complet”. Còn đâu hình ảnh “người trong mộng” ngày xưa? Phải chăng đó là vấn đề của đa số những người muốn tìm gặp lại... “người xưa”? Tôi có lại thăm Cha tại nhà riêng, trong một chung cư. Cha cho biết bị bệnh “Varices” (“Varicose veins”, các gân máu nổi lộ hẳn bên ngoài da của chân) của cha trầm trọng hơn; mỗi ngày Cha phải ăn cả chén tỏi sống để trị bệnh. Tôi quên hỏi thăm về “quy chế” hiện tại của Cha?
Père Georges Lefas: Nếu Cha Florent giống nhân vật “Phil DeFer” trong Lucky Luke, thì Cha Georges Lefas lại giống nhân vật... “Tournesol”, nhà bác học lẩm cẩm trong truyện “Tintin et Milou” của Hergé, với chòm râu “dê”, barbiche. Cha Lefas gốc Paris, và có lẽ là Linh mục lớn tuổi nhất trong đám. Cha sinh năm 1906 và mới mất năm 2002, ở tuổi gần 96. Cha Lefas tánh tình hiền lành, vô thưởng vô phạt. Trong suốt thời gian theo học ở Thiên Hữu, tôi chưa bao giờ nhìn thấy Cha nóng giận hay la mắng học trò. Cha phụ trách môn Anglais, một môn học không mấy hấp dẫn với tôi và phần lớn các bạn trong lớp; một phần, có thể tại Cha dạy không được hấp dẫn lắm? Đầu lớp, thay vì đọc kinh “Je vous salue Marie” như thường lệ, Cha bắt học sinh đọc kinh “Hail Mary” bằng tiếng Anh. Kinh không dài và khó nhưng tôi... nhứt định không học, mỗi lần vậy, tôi chỉ làm bộ “nhắp môi” theo kiểu ca sĩ của “Paris By Night”. Cái sai bậy của lối giáo dục Pháp là ở chỗ đó, nó tạo cho người học niềm tự hào, tự mãn quá đáng với cái mình đang học, rồi đâm ra coi thường với những gì... không phải “Tây”! Người học được bao trùm trong cái ánh hào quang ấy, nên không nhận ra được rằng, ngoài nước Pháp ra, ngoài cái Văn Hóa Pháp ra, còn có những quốc gia khác, những nền văn minh khác, văn hóa khác... cũng tiên tiến, cũng vĩ đại, không những bằng mà còn vượt trội hơn những gì mà mình luôn tự mãn. Qua đến Mỹ, tôi ngẩn người khi biết nước “Đại Pháp” của tôi ngày nào, chỉ nhỏ bằng 4/5 tiểu bang Texas, nơi tôi đang cư ngụ.
Père Etcharen: Hình như cùng quê hương Basque với Cha Oxarango. Cha người cũng khá nặng nề, cục mịch, râu tóc thật rậm và đen nháy.
Khác với các Cha Tây khác, đặc điểm của Cha Etcharen là cha biết nói tiếng Việt khá trôi chảy, mà nói với giọng Đông Hà đậm đặc nữa, lý do là trước đây Cha đã phụ trách một họ đạo ở đó. Cha hay đội nón “Béret” đen và cỡi xe “Mô Tô”. Tôi không có nhiều kỷ niệm về Cha, thậm chí, cũng không nhớ rõ Cha phụ trách môn gì? Hình như là Histoire thì phải? Cách đây khoảng 8, 9 năm, có đọc tin Cha Etcharen được Vatican bổ nhiệm làm Đại Diện Tòa Thánh tại Việt Nam. Có dịp xem một vài hình của Cha chụp với cựu học sinh, tôi gần như không nhận diện được cha.
Père Conan: Tuy cùng tên, nhưng Cha Conan không lực lưỡng, vai u thịt bắp, như nhân vật trong Phim “Conan”, trái lại, cha khá đẹp trai, gọn gàng, nếu không nói là nhỏ con nữa. Cha có thể là Linh Mục trẻ nhất trong đám “Cha Tây” dạo đó. Thời gian sinh hoạt với Cha Conan chắc quá ngắn ngủi, nên không nhớ gì nhiều, ngay cả môn Cha phụ trách.
Cha Nguyễn Văn Trinh: Quê Nước Ngọt. trắng trẻo, đẹp người. Tóc hớt ngắn. Cha dạy môn gì thật tình giờ này tôi không nhớ! Trí nhớ quả kỳ lạ. Tại sao tôi có thể nhớ “quê” của Cha là “Nước Ngọt” mà lại không nhớ được môn Cha phụ trách? Cha Trinh rất thương tôi, mỗi lần gặp, thế nào Cha cũng cười thật tươi và nói: ”mi là con tau!”, lý do đơn giản là Cha trùng tên với Ba tôi. Có một điều khá đặc biệt về Cha Trinh mà chắc các bạn nào có học với cha sẽ đồng ý: Cha tánh khá nóng nảy, và Cha không ưa Tây, “Cha Tây” và ngay cả... ”con Tây”. Việc Cha “thẳng tay” với các Trò Tây, thì tôi đã chính mắt chứng kiến vài lần.
Lần thứ nhất là với trò Julien Guidoin, con Tây, gia đình có đồn điền cao su. Julien không cao, nhưng rộng bề ngang, mặt lai “giống” gì chứ không phải Pháp thuần giống. Phải nói, nguyên nhân vụ này phát xuất từ... thằng tôi! Năm đó, tôi nhớ đang học khoảng lớp 4ème. Một hôm, giờ Cha Trinh dạy, ngồi cạnh Julien, tôi xúi nó nói lớn: “Chantal”, tên của Ma Soeur “đẹp gái” mà ngày xưa bọn tôi hay “cặp đôi” cho Cha Trinh. Thằng con này lấc cấc mới vào học sau, nên không biết ất giáp gì về vụ này. Không do dự, “thằng Tây con” rống lên: “Chantal”! Đang giảng bài bị cúp ngang, Cha quay phắt lại hỏi: “Qui a dit çà?”, thằng nhỏ thật thà giăng tay lên nhận, Cha nhìn nó chằm chặp và nói tiếp: “Viens ici, viens!”. Sau khi nó đến gần, Cha hỏi tiếp: “T’as bien compris ce que tu as dit?”, thằng nhỏ đúng là tới số nên trả lời: “Oui mon Père!”...Chúa ôi, chữ “Père” chưa ra khỏi mồm thằng bé, thì bàn tay “sát thủ” của Cha đã dến thằng nhỏ một bạt tai đúng là toé lửa! Tôi thật hối hận nhìn thấy thằng nhỏ với cái má đỏ rực lúi chúi đi về chỗ ngồi.
Lần thứ hai, tôi chứng kiến tinh thần chống... Tây con của cha là năm học 3ème (?). “Nạn nhân” kỳ này là Pastor Pernouk, con Ông Tây “Nhà Đèn”. Anh này thì khá lớn con, cao ráo, tóc thật quăn, mặt điểm chút tàn nhang, tánh tình ít nói,hiền lành. Pastor ngồi bàn đầu, dãy trái. Hôm đó, vì ngồi xa phía sau, tôi không biết lý do; chỉ thấy Cha cúi nhanh xuống, nắm chiếc dép da Cha đang mang và đánh tới tấp trên đầu Pastor. Thằng nhỏ sợ hãi, dùng hai tay che đỡ. Cũng may chuông vừa reo lên báo hiệu hết giờ học. Mọi chuyện chắc cũng sẽ chỉ dừng tại đó nếu bọn học trò quái quỉ chúng tôi không xỏ mỏ vào nói khích Pastor: “Sao mày ngu quá vậy? Sao mày để Ổng vác dép uýnh trên đầu mày? Mày chạy theo khiếu nại liền đi! Sợ gì?” Thằng nhỏ nghe nói có vẻ hợp lý, nên chụp vội cặp, chạy nhanh đuổi theo. Cha Trinh vẫn còn thong thả trong khu vực hành lang, bỗng thấy thằng Tây con chạy theo nắm áo, miệng thì léo nhéo khiếu nại. Cha bèn dừng hẳn lại, không phải để giải thích hoặc xin lỗi, cha chỉ sửa lại “thế” và... đớp cho thằng nhỏ một cái tát như trời giáng. Cái tát đã mau mắn giải quyết ngay cái yêu cầu khiếu nại của cậu học trò. Tôi nhớ, có ai đó, đã chỉ cho tôi kỷ thuật “giải quyết tranh chấp” rất hiệu quả, dù là với thành phần bất hảo ngoài đường phố: thay vì cung tay, cung chân, đấm đá như thường thấy, chỉ cần kiếm thế, “tát” cho “đối thủ” một tát thật mạnh, rồi bình tĩnh quay mặt bỏ đi, không quay mặt lại. Bảo đảm, đối thủ sẽ không rượt theo, vì đã bị hoàn toàn khuất phục! Hiệu quả ra sao, nghĩ lại, không dám bảo đảm. Nhỡ có người, sau khi hùng dũng tát người, quay gót bỏ đi lại bị nhát chém từ đàng sau, hổng chết, quay sang kiện ngược người chỉ mánh thì mệt lắm. Sau 75, có tin nói Cha Trinh nay thành... “Ba” Trinh vì hoàn tục, lập gia đình. Hư thật tôi không rõ?
Cha Nguyễn Tiến Huynh: Phụ trách môn Anglais. Vì lý do du học hay vì lý do nào khác, tôi không rõ, chỉ nghe trước đó, Cha có thời gian sống khá lâu ở Anh Quốc hay Scotland gì đó? Cha vừa người, tóc đen, bóng láng với đường rẽ giữa. Mắt cha sáng, không phải màu đen thường mà có lẫn chút màu hồng như mắt thỏ. Cha thỉnh thoảng mặc chiếc áo dòng trắng, theo kiểu Cha Florent. Cha nói giọng Quảng Bình (?) nhẹ, ánh mắt thông minh, tự tin và hơi... "kiêu”, theo nhận xét của tôi. Tôi nhớ có lần Cha kể cho chúng tôi nghe một câu chuyện, trong thời gian Cha ở Scotland: Có lần Cha đi cắt tóc, người thợ địa phương rất ngạc nhiên lần đầu tiên trong đời, nhìn tận mắt một mái tóc... đen. Sau khi hớt xong, người thợ năn nỉ xin Cha cho phép ổng dẫn vợ con đến nhìn, và nếu được, sờ vào... mái tóc đen của Cha. Dĩ nhiên, Cha đồng ý. Sau đó, người thợ cám ơn rối rít và nhất định hổng lấy tiền!
Thời gian sau, khi tôi đã rời trường, Cha Huynh đã tiếp nhận chức Hiệu Trưởng, thay thế Cha Trần Hữu Tôn.
Cha Nguyễn Văn Trông: Biệt danh “Nhị Thiên Đường”, vì vóc dáng khá to lớn và “tròn trịa” của Cha. Tôi nhớ Cha phụ trách môn Géographie. Cha thường hút thuốc vấn. Tánh cha mộc mạc, hiền lành, nói năng nhỏ nhẹ. Nói về Cha Trông, tôi nhớ 2 chuyện: Thứ nhất, Cha có "tật" hay nhéo học trò, thay vì dùng roi, hoặc tay, như các Cha, Thầy khác. Cái nhéo của cha nhìn thì thấy nhẹ nhàng, nhưng cũng nhức nhối không kém và còn khả năng để lại dấu vết nữa. Chuyện thứ hai, có một lần, tôi đến phòng Cha, xin xưng tội, vì Cha Florent về Pháp, hay đi vắng dài ngày. Sau khi nghe tôi khai tội, Cha ôn tồn khuyên bảo: “...Con ráng sửa đổi, sống sao cho đẹp lòng Chúa nghe con, sống tử tế, đàng hoàng, đừng giống như... bọn Phật Tử nghe con!”. Thuở đó, tôi chừng 14, 15 tuổi, vậy mà qua lời khuyên giải của Cha, tôi đã cảm nhận được cái “bất thường”, cái “ấu trĩ”... đến nỗi, trên 50 năm sau, tôi vẫn còn nhớ.
Cha Trông còn có người em cũng là Linh Muc, cũng giảng dạy ở trường, Cha Nguyễn Văn Phước. Lần cuối tôi gặp Cha Phước là vào năm 96, lần đầu tiên về thăm VN, trong một họ đạo nghèo nàn ở Lăng Cô.
Cha Phương: Cha cũng từng du học tại Mỹ. Cha nói giọng “lơ lớ”, không phải giọng Huế. Cha hiền, nhưng nghe nói, hình như... không được lành. Tánh tiếu lâm, với lối giễu cợt dễ gây “shock“. Cha phụ trách môn Anglais. Ngoài ra, nếu tôi nhớ không lầm, thỉnh thoảng, Cha còn phụ trách dạy thế (Substitute), mỗi khi GS phụ trách vắng mặt. Tôi nhớ có lần, trong giờ dạy, để giúp học trò nhớ cách xử dụng hai chữ : Do, Did... khi đặt câu hỏi, Cha nói: “Dễ lắm, bọn bây chỉ cần nhớ: “Do”, đưa, đút, “Did”... là được rồi”, cả lớp cười rộ lên. Thời đó còn bé, bọn tôi chưa hiểu nhiều về nội dung hơi tục tằn của câu nói có tính cách “Humour noir” của Cha. Lần khác, ở lớp ông anh tôi, và tôi nghe kể lại, Cha kể cho học trò nghe thời gian Cha còn ờ Mỹ: “Cha có dịp đến dâng Thánh lễ trong một giáo đường ở Hollywood. Lúc cho rước Mình Thánh Chúa, mấy bà, mấy cô ăn mặc hở hang, khêu gợi quá làm tay Cha cứ... run lên!”. Cũng qua lời kể lại của các anh học lớp lớn, Cha Phương, tuy dễ dãi với học sinh “thường”, Cha lại hay nóng nảy, nếu không nói là “hằn học” với mấy “Chú”, bên Tiểu Chủng Viện. Cha thường kiếm cớ “làm tình, làm tội” các Tu Sinh, vì những chuyện không đâu vào đâu. Sau 1975, Cha Phương cư ngụ ở Mỹ, Bang California. Hình như thời gian đầu “Cha” hoàn tục, được phong chức... ”Ba” hay chưa thì không rõ. Chỉ biết, gần cuối đời, Cha xin được “hồi chánh” về hưu trí ở dòng Đồng Công, Missouri, và mất tại đó.
Cha Gioan: Cha vừa người, trắng trẻo, đẹp “gái”, mũi “dọc dừa”, phảng phất nét... tài tử Gregory Peck, tuy nhỏ con và yếu ớt hơn. Cha có tật hay đỏ mặt, mắc cỡ, còn nghe nói, Cha ít khi nhìn thẳng mặt, mỗi khi gặp người khác phái, chắc cũng theo kiểu... “Cụ Diệm” vậy. Nghe nói, Cha có thời gian tu học ở Rome và được phong chức Linh Mục ở đó. Ngày trở về nước, đặc biệt là về Huế, họ đạo Gia Hội, quê của Cha, đã đem phái đoàn, với cờ xí, lọng... ra đón trọng thể ở phi trường Phú Bài.
Cha phụ trách môn tiếng Việt và có thời gian, kiêm luôn vai Giám thị của trường. Nghĩ lại, tôi có cảm tưởng sự phân công Cha dạy môn tiếng Việt, dù là cho các lớp chương trình Pháp, có tính cách... ”bắt cóc bỏ đĩa”, gượng ép. Lối Cha dạy có hai cái “buồn”: buồn ngủ và buồn cười! Thông thường, Cha sẽ đọc một bài theo kiểu chính tả, học sinh ghi chép vào tập; sau đó là phần giải nghĩa (Sens étymologique) những cụm từ, mà theo tôi, cũng chẳng có gì khó hiểu, trong đoạn văn. Ví dụ: Cha sẽ nói: Nghệ thuật, “Nghệ” có 2 nghĩa: 1. Nghệ là một loại củ màu vàng. 2. Nghệ còn có nghĩa là nghề, như “Tiểu Công nghệ”... Thuật có 2 nghĩa: 1. Thuật là kể lại, như “tường thuật”, 2. thuật còn có nghĩa là kỷ năng, như “võ thuật, ảo thuật”, “nghệ thuật” có nghĩa là... Học trò cắm cúi chép vào tập. Sau đó sẽ nhảy sang giải thích từ khác... cứ vậy cho đến hết giờ. Ông nội ơi, học dzậy mà không ”hai buồn” cũng uổng.
Tánh Cha thật ra cũng hiền lành, ít nói, duy chỉ có bệnh, thỉnh thoảng hay nóng ẩu! Mà cũng vì cái “bệnh” quái ác này mà có lần đã gây “sóng gió” lớn tại Trường Thiên Hữu, tôi tận mắt chứng kiến, nên kể lại, nhờ các bạn nghe xem có chính xác không nhé? Trong một buổi chào cờ, trong lúc kiểm tra các học trò, Cha Gioan giận dữ xé toạc áo của Anh Thọ “Bưu Điện” (Bố Thọ là Trưởng Ty Bưu Điện Huế), học cùng lớp hoặc trên anh tôi một lớp, lý do là Thọ quên cài 2 nút áo trên. Chuyện tưởng chấm dứt tại đó, ai ngờ, cũng do sự xúi dục, hay đúng hơn là... xúi dại của bạn bè, đến giờ ra chơi, Thọ cởi trần, tay cầm áo rách, chạy theo Cha Gioan chất vấn và đòi Cha... bồi thường áo! Bồi thường áo đâu không thấy, chỉ Thấy Cha quay sang ”bồi” cho Thọ một cái tát nổi đom đóm. Không ai ngờ được phản ứng của Thọ. Bây giờ nghĩ lại, tôi nghĩ chắc Thọ đã phản ứng theo kiểu...”mấy con ếch bị... chặt đầu”, hồn lìa khỏi xác rồi mà chân tay còn quờ quạng, một loại phản ứng vô ý thức trong sự đau đớn! Đúng vậy, như bị quỷ nhập, Thọ cũng giáng trả lại Cha Gioan một cái tát cũng không kém phần nẩy lửa! Rồi cái tát thứ hai... vẫn theo cái “tuần tự” ma quỷ ấy, nghĩa là Cha trước, con sau... Thọ bị Phú, một học sinh, tướng lực sĩ, ôm vật xuống nền nhà. Cha Gioan ôm mặt, vội vã chạy về phòng, cả trường nhốn nháo như bị ong rượt. Kết quả, Thọ bị Cha Tôn đuổi học. Về sau, nhờ bà già Thọ lại ôm chân cha năn nỉ, nên tôi nhớ Thọ đi học trở lại, hiển nhiên là sau khi dập đầu tạ lỗi với Cha Gioan. Mà cũng đúng thôi, tôi biết chắc là anh Thọ cũng đã rất hối hận việc mình làm. Nói về tính nóng của Cha Gioan, không thể không nhắc đến những lần cha vác gậy sắt, đánh vào các xe đạp dựng không đúng chỗ hoặc được đem vào sân trong, trước giờ quy định...
Nghe đâu Cha vẫn còn sống ở Việt Nam, một Linh Mục “Yêu Nước”, luôn ra mặt bênh vực Chính quyền “Nhân Rân” thay vì ... “nổi nóng” trước những bất công đầy rẫy, những đàn áp các phong trào yêu nước, những bóp nghẹt các quyền tự do căn bản... như người ta vẫn hằng trông đợi, ở một người vốn sẵn tính nóng nảy như cha. Tuy nhiên, đây cũng chỉ là tin đồn, không biết hư thực ra sao?
Thầy Kiểm: Chúng tôi bí mật tặng Thầy bí danh “Kiểm Ếch” vì đôi mắt hơi lồi sau cặp kính cận, dày như đít chai bia 33 thời đó. Thầy phụ trách môn Sciences Naturelles (?). Một điểm “nhận diện” Thầy Kiểm “Ếch” là nước bọt trắng hay đọng trên bờ mép môi, mỗi lần thầy giảng bài. Thầy hiền lành và ăn nói nhỏ nhẹ. Học trò tuy hay chọc nhưng luôn kính và thương Thầy.
Thầy Phi Hùng: Họa Sĩ và hiển nhiên Thầy phụ trách môn Hội họa. Hội họa và Âm nhạc là 2 môn nhiệm ý. Tôi chọn môn “Vẽ”, chắc tại thấy Thầy P.H. hiền lành như Phật sống, hơn nữa môn “Vẽ” vô thưởng vô phạt, bọn tôi mặc sức tác oai tác quái. Thầy tánh vui vẻ, ít la mắng, phàn nàn. Thầy dạy mãi căn bản về “Perspective” mà sao tôi không sao lãnh hội được, chắc tại tôi bận quậy quá chăng?
Thầy Trần Trọng Sanh: Phụ trách môn Histoire. Thầy gầy người, nghiêm và có uy. Thầy Sanh là bạn thân của Ba tôi. Thời Bác tôi, Ông Trần Văn Lý, làm Thủ Hiến Trung Việt, Thầy làm GĐ Nha Cảnh Sát Công An ở Huế hay Trung Phần gì đó. Thầy có tham gia hoạt động chính trị trong hàng ngũ Đại Việt, hay Quốc Dân Đảng. Dưới thời TT Ngô Đình Diệm, Thầy bị “trù dập” và cũng bị “ủ tờ” mấy lần. Nhà Thầy cũng ở gần nhà tôi, trên đường Phan Châu Trinh, dọc bờ sông Phú Cam. Tôi biết khá rõ các người con của Thầy: Chị Mỹ Nhật, Anh Trần Trọng An Sơn, Trần Trọng An Phong, anh này về sau, tu Dòng Lasan. Tôi gặp lại Frère An Phong, khi dạy học tại Lasan Taberd Sài Gòn, vài năm trước khi VC chiếm Miền Nam. Học trò Taberd những năm đó, ít ai quên được Frère An Phong phụ trách kỷ luật với... “bàn tay sắt”.
Thầy Thuật: Đẹp lão, ăn mặc khá bảnh so với các thầy khác. Dạy môn gì? Thật tình tôi không nhớ, chắc tại ngắn hạn. Chỉ nhớ Thầy lãng tai. Người phát hiện điều đó là tôi. Một hôm nghe thầy giảng bài, ngồi buồn, tôi đùa chơi với sợi dây thun đang quấn quanh cuốn tập, kéo ra, rồi thả bung ra, gây nên tiếng “tắc, tắc”... không thấy thầy phản ứng, tôi tăng “volume”, càng lúc càng lớn. Lúc đó thì cả lớp đều đã chú tâm tới tiếng động và hoan hỷ “nhất trí” là… Thầy Thuật lãng tai! Thế là buổi học kế tiếp, bọn tôi mang hẳn một lon sữa bò không vào lớp; Thầy vừa xuất hiện ở ngưỡng cửa, trong này, bọn tôi dùng chân đá, chuyền chiếc lon không, từ bàn này qua bàn khác...Lần này thì Thầy nghe, nghe rất rõ, chứ không còn lãng tai nữa. Thầy giận dữ và đùng đùng xuống “mét” cha Tôn. Lần đó, bọn tôi bị “Consigne” cả đám. Đáng đời!
Thầy Thãn: Chỉ còn nhớ Thầy có nước da sậm, môi hơi thâm nhưng bóng, nên bọn tôi cứ đồn đại là Thầy có thoa “son” hay một loại pommade gì đó? Có đứa nói Thầy mắc bệnh gan? Thầy ăn mặc rất chỉnh tề, bao giờ cũng cà vạt, complet thẳng nếp, tóc chải láng với dợn sóng. Ngoài các điều vừa kể, tôi hoàn toàn không nhớ Thầy dạy môn gì, cũng như các tình tiết nào khác?
Thầy Ba: Nước da đen, môi thâm đen theo kiểu mấy ông lính ở quân trường. Mà cũng đúng vậy, Thầy Ba gốc "nhà binh”. Vừa làm Giám Thị, vừa dạy một số lớp nhỏ. Ăn to, nói lớn, vui tánh, chịu chơi, thi hành “kỷ luật” cũng không giống ai. Thầy hay “phát chưởng” vào khu vai sau, vừa đánh vừa chọc cười lớp, chứ không tạo căng thẳng nên học trò không ai “thắc mắc” khi nhắc đến Thầy.
CÁC KHUÔN MẶT BẠN BÈ :
Ngoài một số bạn đã được nhắc đến trong mấy phần trước, sau đây xin được bổ túc thêm một số khuôn mặt “tiêu biểu”. Hiển nhiên là còn rất nhiều thiếu sót, mong các bạn giúp bổ túc thêm.
Huỳnh Kim Sơn: Cháu Cô Miên, gầy, cao, mặt xương, nghiêm trang, tóc chải bóng, dáng hơi “Efféminé”, nhưng chỉ tiếc...không thọ.
Võ Chi/ Võ Thịnh: Chi và Thịnh là hai anh em...cùng cha khác mẹ, Chi vai anh, dù nhỏ con, vì con “bà trước”. Tuy vai anh, vai em, nhưng học cùng lớp, cũng mi tau như điên. Diện mạo cũng rất khác nhau, Chi nhỏ con, hơi choắt, vẻ “chétif”, mắt một mí và hơi “xấu trai”; ngược lại, Thịnh trắng trẻo, cao ráo, đẹp trai. Nhà ở vùng Tả ngạn Huế, khu Trần Hưng Đạo, khá giả, vì Ông Bố có hãng xe ca chạy đường Huế - Đà Nẵng. Hai anh em ở nội trú suốt thời gian học ở Thiên Hữu. Chi tánh giống con gái, hiền lành, ăn nói nhỏ nhẹ; Thịnh có vẻ tự tin, nhộn và “Playboy” hơn. Đáng buồn, sau khi đổi vào học tiếp ở Đà Nẳng, Thịnh đã chết trẻ, rất trẻ, khoảng tuổi 15, 16 trong một tai nạn chết đuối ở biển Đà Nẵng. Riêng Chi thì hoàn toàn bặt tin từ đó. Nghĩ lại, tôi chắc Thịnh là người đầu tiên trong nhóm bạn bè tôi, đã vội vã... ”rời cuộc chơi”!
Tuấn & Tú: Hai anh em, học cùng lớp, cấp Tiểu Học, gốc Quãng Nam, tôi đoán thế, vì hai tên này không nói giọng Huế. Tuấn là anh, da sậm, mắt sáng, vui vẻ, hiền lành; Tú, nhỏ con, hiếu động, tánh nóng nảy cau có; khi cải lộn, mặt mày đỏ ké trông giống... con cắc kè đang say nắng. Lên đến Trung Học thì không còn thấy nữa. Không hiểu vì sao, giờ này, tôi vẫn còn nhớ đến hai tên này?
Nguyễn Duy Thuận: Có người anh là Nguyễn Duy Trường, học trên Thuận môt lớp, cũng tại T.H, con trai của Dược Sỹ Nguyễn Duy Hân, Pharmacie mang cùng tên nằm góc đường Lê Lợi và Lý Thường Kiệt(?). Cũng tương tự như Chi và Thịnh, tuy anh em, nhưng diện mạo, tánh tình cũng ít giống nhau. Trường vui tánh, lúc nào cũng cười nói, vui vẻ, tánh tình hiền hòa, vừa người, đẹp trai. Thuận thì người “xương xẩu”, tướng khắc khổ, mắt hơi sâu với tròng đen thật... đen, mặt nhiều mụn và tôi nhớ, Thuận có một nốt ruồi, chỉ tiếc không phải loại ”nốt ruồi duyên”. Tánh khí nghiêm trang, chăm học, kiểu “ông cụ non”, hiếm khi cười giỡn, mặc dù tôi nhớ Thuận có cái răng khểnh (?) Trong suốt thời gian lâu học chung, tôi chưa bao giờ thấy Thuận cải vã, nóng nảy với bất cứ ai, ngay cả với những thành phần hay chọc phá như tôi. Có dịp nhìn “lén” những hình chụp gần đây của N.D. Thuận, tôi thấy Thuận thay đổi nhiều, có vẻ có da có thịt hơn, tướng mạnh mẽ, “đàn ông” hơn ngày trước.
Lê Khắc Trực: Có anh là Lê Khắc Hiển, học trên Trực một lớp, cũng tại T.H. Con trai của BS. Lê Khắc Quyến, một khuôn mặt khá nổi tiếng ở Huế. Lại giống hai trường hợp trên, tuy anh em ruột, nhưng có khá nhiều dị biệt. Hiển vóc dáng trung bình, khá đẹp trai, vui tánh, học giỏi. Trực nhỏ con, thứ “đẻ thiếu tháng”, mắt nhỏ, tóc hơi quăn và rối, ăn mặc khá luộm thuộm. Bọn tôi tặng Trực biệt hiệu: “Trực mèo”. Học lực trung bình, tánh tình cũng thuộc loại vui tánh và thích phá, nhưng phá ngầm thôi. Tôi nhớ là Trực, Hiễn có hai người Chị tên Lô và Túy, cũng học chương trình Pháp Ở Jeanne D’Arc. Thỉnh thoảng các cô cũng có giờ học tại Thiên Hữu, vì Jeanne D’Arc không đủ Giáo Sư, phải vô học ké. mỗi lần thấy xe chở nữ sinh Jeanne D’Arc vào, cả Trường T.H trở nên nhốn nháo hẳn lên. Không nhốn nháo sao được? Toàn một lũ “đực rựa”, nay bỗng xuất hiện vài “bóng hồng”, dù là tạm bợ, ngắn hạn, nhưng dù sao, cũng là một biến cố khác thường. Sau Trực, còn vài người em trai, trong đó, có người, hiện khá “nổi danh” ở hải ngoại: Thầy Thích Hằng Trường. Thầy trẻ trung, khoẻ mạnh, đẹp trai hơn hẳn các anh, ăn nói lại từ tốn hấp dẫn, nên nói thật, đôi khi tôi cũng... ”lo lắng” cho Thầy! Còn nữa, cái tên của Thầy: Thích Hằng Trường, nghe thì hay, nhưng theo tôi, nó có cái gì đó... không ổn: Có thể tôi chưa hiểu tới, tôi đang nói... ”leo”, nếu nói sai, xin các bạn bỏ qua nhưng tôi quan niệm, nếu đã chấp nhận nội dung của “Vô Thường, Vô Ngã, Vô Minh” rồi , mà còn muốn “Hằng Trường”, “Vĩnh Cửu”... nữa, thì có mâu thuẫn lắm không? Ui chu choa, coi bộ về già, tôi đâm ra “nhiều chiện”, lý sự và khó tánh quá!
Vĩnh Việt Tuấn: Có anh là Vĩnh Việt Sang, học trên Tuấn một lớp, cũng tại T.H. Con trai của Ông Bửu Cước, kiến trúc sư hay thầu khoán, tôi không nhớ rõ, nhà ở vùng nhà thờ Dòng Chúa Cứu Thế. Khác với 3 “cặp” trên, Sang và Tuấn khá giống nhau, vóc dáng trung bình, tướng con nhà, da trắng như ”trứng gà bóc”, nhất là nếu đem so với tôi, với biệt danh “Hắc Công Tử”. Sang hiền hòa, dễ chịu, nụ cười dễ dãi... Tuấn, tánh khí coi bộ khó khăn hơn, mỗi chút mỗi nhăn nhó, dáng điệu “kênh kiệu” hơn ông anh. Theo tin tức biết được, Tuấn hiện ở Pháp. Nhìn lại Tuấn, qua những hình sau này, thấy có vẻ “mạnh” và “bụi” hơn trước đây mấy phần.
Phạm Văn Cảm: Có anh là Phạm Văn Dũng, học trên Cảm vài ba lớp, cũng ở T.H, nhưng chương trình Việt thì phải? Cảm vóc dáng trung bình, khá đẹp trai với cặp kính trắng, giọng nói hơi “khàn”. Học lực trung bình, khá Toán, tánh tình hiền lành, tiếu lâm. Cảm cũng là dân nội trú “thứ thiệt”, nghĩa là trong suốt thời gian học ở T.H. Về sau, tôi nghe Cảm vào Sài Gòn, ghi danh học tiếp Trung Học ở trường Pasteur. Nguồn tin trên mấy chục năm sau, ngẫu nhiên biết được, do Bà Xã của tôi, lúc đó cũng học Terminal ở Pasteur, cùng lớp với PV Cảm, kể lại. Đúng là quả đất tròn.
Sau 75, nghe Cảm cũng định cư ở Mỹ, nhưng không may bị bệnh và đã mất cũng đã khá lâu. Thật đáng buồn, vì đây lại thêm một trường hợp yểu tướng, trong số bạn bè tôi.
Nguyễn Khã Y: Có anh... bà con là Nguyễn Khả Kiệt, học trên một lớp, cùng trường. Y nhỏ người, tóc luôn húi ngắn, hơi quăn, mắt đeo kiếng trắng, hơi trợn và nhiều... ”tròng trắng”. Nhà ở gần cầu An Cựu. Thông minh, tánh khí hiền lành, có nụ cười thật dễ thương tuy hơi gàn. Sau này, lúc chuyển sang chương trình Việt, tôi gặp lại Y, tại lớp 12C PV, Trường Quốc Học. Sau vào Sài Gòn, ghi danh học Vạn Hạnh. Lại một trường hợp “đoản số”. Nghe kể lại, sau 75, Y bị bệnh thần kinh, và mất vì nghe đâu không chịu nổi Electroshock Therapy.
Một câu chuyện bên lề tôi muốn nhắc đến, khi nói về N.K Y: Do tình cờ, trong một lần đến thăm bà mẹ vợ, tại một Dưỡng Trí Viện, tại Nam California, tôi nghe mấy cô em vợ nhắc đến một ông Họa Sĩ, người Huế, hiện cũng đang được săn sóc tại cùng chỗ. Tôi tìm gặp và qua câu chuyện... khó khăn trao đổi, tôi đã nhận ra: anh ta chính là anh ruột của Nguyễn Khã Y, tên Nguyễn Khã Nhơn, Cựu Trung Úy Công Binh, Họa Sĩ tốt nghiệp Trường Cao Đẳng Mỹ Thuật Huế, nay là “phế nhân”, ở tuổi trên 70, do căn bệnh Parkinson quái ác. Tôi vẫn tìm thăm anh, mỗi lần có dịp đi Cali. và ghé lại thăm mẹ vợ.
Phần trên, tôi cố tình nhắc tới Nguyễn Khã Kiệt, người anh bà con của Y, vì có lý do riêng. Chuyện là như vầy: Ngày xưa, Kiệt học trên tôi một lớp, người Quảng Nam, thuộc thành phần học sinh xuất sắc của trường. Tánh tình kín đáo, hiền lành, giản dị, không phô trương, như một số học sinh xuất sắc khác. Nếu chỉ có ngần ấy việc, thì chắc tôi cũng chẳng có gì để nói về “người bạn hiền” này. Có điều là sau khi nhập học Đại học Sài Gòn, niên khóa 68-69, sau khi hoàn tất năm thứ Nhất, chuẩn bị lên năm thứ Hai, thì tôi thấy Nguyễn Khã Kiệt, nay đổi tên thành Nguyễn Khã Lân, lục tục vào học năm thứ Nhất??? Một chút ngạc nhiên khi gặp lại bạn cũ, nhưng rồi, chắc cũng vì bận bịu, không những với đèn sách, mà còn bận với... mấy “Congais” nữa, nên tôi cũng quên khuấy, không nghĩ đến tìm hiểu lý do. Mãi đến về sau, khi đất nước đã được “thống nhất” một đám trong rọ, tôi mới nghe bạn bè nói: Kiệt AKA Lân, hoạt động cho Vi Xi. Chắc Cu cậu có bỏ học, vào Bưng “học tập” nên mới mất lớp. Thời gian ở SP, tôi nghe kể lại, Kiệt có tìm cách phân phối tài liệu VC cho các bạn cùng lớp. Riêng tôi, dù là bạn cũ, Kiệt hầu như ít lui lại. Tôi hoàn toàn không biết các chuyện đó, cho mãi về sau. Mà nếu có biết thì đã sao? Mình có nỡ tố cáo một người bạn cũ không? Hay rồi, cũng chỉ... mỉm cười, nhún vai theo kiểu Anglais? Miền Nam, với thứ “tình cảm tiểu tư sản” kiểu đó, giờ đây phải đấm ngực và la lớn: “Mea culpa, mea maxima culpa...!” là phải!
Đinh Doãn Kim : biệt danh “Chị Kim” vì vóc dáng “thướt tha”, “yêu kiều” của... chàng. Con trai duy nhất của Ông Đinh Doãn Sắc, một Kiến Trúc Sư kiêm thầu khoán, có tiếng và có tiền ở Huế. Ông là người đã có công đứng ra xây dựng Trường Thiên Hữu vào những năm 1939 - 40. Cha già, con muộn, Ông Cụ tóc bạc trắng, riêng Kim mới học tới 6ème, 5ème... Kim được cưng như cưng trứng. Tóc luôn húi thật ngắn, mặt mày thật trắng, hai má ửng hồng, mắt sáng, chỉ phải cái giọng nói hơi ồ và hay mặc quần “short”. Đi học, luôn có thằng nhỏ “tà lọt” đi theo che dù và cầm cặp. Khó tưởng tượng được hình ảnh của “Chị Kim” 50 năm sau? Tôi đoán hình ảnh bây giờ chắc đã khác lắm rồi. Tôi nói vậy ,vì bản thân có biết thêm một trường hợp tương tự. Khoảng năm 6ème, tôi có “xin” vào “tu” một thời gian ngắn, chừng vài tháng, tại Dòng Chúa Cứu Thế Huế. Trong số các nam “Tu sinh”, có hai người được bọn tôi phong cho chức “Chị”: “Chi” Oanh và “Chị” Chúc. Đúng là “mỗi người một vẻ, mười phân vẹn mười”. “Chị” nào cũng “đẹp”, cách đi, cách đứng, nói năng... đều cho người đối diện cái cảm giác đang đối diện với người... khác phái. Bản thân tôi là thằng “phá làng phá xóm”, vậy mà khi đối diện với mấy “chị”, tôi bỗng thấy tôi cũng... nhỏ nhẹ hơn, galant hơn! Thế mới chết người chớ! Sau khi qua Mỹ định cư, mấy mươi năm sau, có dịp gặp lại một trong hai người xưa, “chị” Chúc ngày đó, bây giờ là Nhạc Trưởng Trần Chúc, ban nhạc Ngàn Khơi. Chúa ôi, thật thất vọng não nề!!!
Nguyễn Văn Hường : Bí danh “Ông Địạ”, thấp người, khá tròn trịa, nhất là khuôn mặt. Tóc tai húi ngắn,tánh tình hiền lành nhưng cũng rất lý lắc, hay tươi cười, cười bằng miệng chưa đủ mà còn cười bằng mắt nữa, ai nói gì, làm gì, Ông Địa cũng “hề hề”, mắt tít lại, thật hợp với biệt danh “Ông Địa”. Qua hình ảnh chuyển đi của bè bạn, nhìn lại, không nhận ra “Ông Địa” ngày nào. Hường gầy đi nhiều pha chút khắc khổ nữa? Đúng là Ông Địa phá tướng!
Trương Xuân Phong : Tự “Phong Nhí” vì nhỏ con. Gốc Quảng Trị, tánh cụ non và hay lý sự. Về sau lại gặp Phong “nhí” ở Quốc Học, lớp 12C, cũng vẫn con người ấy. Rồi lại gặp lần nữa ở Đại học Sài Gòn, niên khóa 68-69, cùng lớp, ở Ban Pháp Văn. Chắc Cu cậu học DB Văn Khoa Sài Gòn vì mình hoàn toàn không nhớ gặp y ở VK Huế. Người ta thường nói “Nhị bất quá tam” vậy mà gặp Phong “nhí” đến 3 lần. Chắc phải áp dụng câu ca dao Pháp: “Jamais deux sans trois!”. Thời gian đi học ở SP, Phong ở Cư Xá Đắc Lộ của mấy Cha Dòng Tên, trên đường Yên Đỗ. Ra trường, Phong về dạy Củ Chi, Tây Ninh và lập gia đình với một cô nữ sinh địa phương. Hiện Phong vẫn còn ở VN, hình như Long Biên thì phải.
Kiều Công Tín: Thêm một khuôn mặt ”đại gia” trong số bạn bè của tôi. Gia đình có Tiệm Thành Tín, chuyên bán đồng hồ nằm trên đường Trần Hưng Đạo, Huế. Tín khá cao ráo, bảnh trai, thuộc type Playboy, mắt đeo kính cận, khá dầy, ăn mặc luôn tươm tất, nếu không nói là “À la mode” nữa. Thời đó, Tín tương đối ít nói, chỉ chơi với một số bạn, trong nhóm nhỏ. Tánh có vẻ hơi “kên”, nhưng căn bản dễ thương, không mất lòng ai. Mất tin tức khá lâu, đùng xảy ra biến cố Mậu Thân; tôi nghe Tín xui xẻo bị mảnh đạn pháo kích, cắt mất đi một phần chân. Sau đó, Tín biến mất hẳn khỏi...màn Radar của tôi. Lần về Viêt Nam vừa qua, vào tháng 11/2014, tôi may mắn gặp lại Tín, anh chàng vẫn còn tử thủ trong ngôi nhà xưa trên đường Trần Hưng Đạo, Huế. Chỉ tiếc thời gian gặp gỡ quá ngắn ngủi, đột xuất, nên chỉ kịp mời nhau một bữa cơm thanh đạm, gần khu quán cơm Âm Phủ. Tín nay tóc râu bạc trắng, vẫn mắt kiếng dày cộm, dáng vẻ trầm ngâm, lẫn chút phong trần, nghệ sỹ. Tín tâm sự sức khoẻ không được tốt. Gặp lại người bạn cũ, tôi cảm nhận chút ngậm ngùi, tôi chẳng hiểu tại sao? Con người như Tín, nếu ở ngoại quốc, theo tôi, chắc “hợp cách” hơn.
Tôn Thất Nghiễm: “Mệ” Nghiễm mặt mày khá đẹp trai, sáng sủa, tròn trịa, tóc bao giờ cũng hớt ngắn. Tánh hiếu động, mau mắn, có phần... “xắc lắc”. Mệ Nghiễm cũng thuộc thành phần phá ngầm. Nhà Mệ ở An Cựu, gần tiệm bán rượu thuốc Thiên Tường. Sau bao biến cố, Nghiễm vẫn còn “trụ trì” ở Huế. Tôi có dịp gặp lại Nghiễm 2 lần: lần đầu năm 1971, lần về thăm Huế, sau khi tốt nghiệp SP Sài Gòn; lần thứ 2 vào tháng 11/2014 vừa qua. Mệ vẫn mạnh khoẻ, phát tướng, tánh vẫn nhộn như ngày nào, ăn to nói lớn, lạc quan yêu đời. Nay con cái khôn lớn, thành nhân, thành tài... không yêu đời sao được?
Hoàng Ngọc Mai: Con trai của Ông Hoàng Ngọc Trợ, quận trưởng, nhà nằm trên đường Nguyễn Huệ. Có hai người anh là Lang và Hữu, học trên mấy lớp, cùng trường. Mai coi nhỏ con hơn hai ông anh, tướng gầy, da đen, mắt hơi lé “mại”. Ông tướng này không những là dân phá trường mà còn... phá làng phá xóm thứ thiệt. Về sau nghe nói Mai làm thông dịch cho các Cố vấn Mỹ, đi theo nhóm Biệt Kích. Nghe nói HNM hiện làm Social Worker tại Seattle.
Liên Hương: Chỉ nhớ có học chung nhưng không nhớ cấp lớp nào. Thuộc giòng Cường Để, L. Hương có mấy người anh trai: Liên Nhơn, Liên Bình, Liên Thành, Liên Bằng. cả mấy anh em đều mang Huyền đai Nhu Đạo và có mở sàn tập ở gần sân Vận Động Huế. Liên Hương tánh lầm lì, cộc cằn. Thời Anh Liên Thành làm Trưởng Ty Cảnh Sát Huế, L. Hương gia nhập CS Đặc Biệt.
Vinh: Nhà có tiệm bán gạo ở Chi Lăng (?). Người khá tròn trịa, tóc cắt ngắn, mắt hơi “cá thia”. Dân nội trú, tánh khí bất thường, ngỗ ngáo, ba gai. Tay này phải nói thuộc loại máu lạnh, “Cold blood”. Tôi nhớ dạo đó học lớp 4ème, tôi ngồi bàn chót dãy trái, Vinh ngồi trước tôi. Một hôm trong giờ Math của Cha Duval, như thường lệ, tôi luôn ngồi co rút, núp sau lưng các bạn; bỗng tên Vinh “trời đánh” cố tình...đánh rấm một tiếng thật lớn, cả lớp nhốn nháo, Cha Duval quay phắt lại, quắc mắt diều hâu nhìn về hướng phát ra “tiếng nổ”. Tên Vinh tỉnh bơ, vừa cười cười, vừa chỉ tay về phía sau tôi. Chúa ôi, tôi bị một phen đứng tim! Cũng may câu chuyện mau chóng chấm dứt ở đó, vì Cha không truy cứu. Về sau, khi tôi đã rời trường, tôi có nghe bạn bè kể lại câu chuyện động trời về Vinh đụng độ với Cha Tôn ngay tại sân trường T.H. Hư thật như thế nào tôi không rõ?
Tân & Tùng: Dân Nam Kỳ 100%, theo chân Père Florent, ra “tỵ nạn” tại Huế. Hai tên này khá đô con, Tân, mặt mày sáng sủa, tóc húi cua,có vẻ lai lai, tánh tình vui vẻ. Tùng cũng khá đẹp trai, tuy còn nhỏ nhưng đã có tóc bạc. Nói năng lè nhè, nhưng hiền lành. Tôi không rõ Tân, Tùng có bà con, quen biết gì không, nhưng đi đâu cũng hay đi cặp với nhau. Chắc tại cảm thấy lạc lõng giữa đất Thần Kinh này chăng? Thỉnh thoảng nhận đồ tiếp tế của gia đình, đặc biệt là tôm khô, loại tôm thật nhỏ và đỏ chót, hai ông tướng này hay “lận” tôm khô theo trong túi quần; đi đâu cũng móc ra để nhâm nhi! Dù còn nhỏ, chưa biết nhậu, thấy chúng “phá mồi” cũng...phát thèm!
Ngoài số bạn bè cùng lớp, tôi cũng xin được phép nhắc đến một vài “nhân vật”, tuy cùng trường, nhưng học trên một lớp. Tôi không hứng thú chơi với các trò “đàn em” dưới lớp.
Vĩnh Chánh: Một khuôn mặt tôi luôn nhớ, Vĩnh Chánh. Vĩnh Chánh bà con Cô Cậu ruột với tôi. Chánh hơn tôi 2 tuổi và học trên tôi một lớp. Tôi khá thân và gần gũi với Chánh, không những do tình bà con ruột thịt, mà còn do nhiều lý do khác. Thứ nhất, nhà của Chánh nằm đúng vào một địa điểm... lý tưởng bậc nhất thành phố Huế, ít ra là đối với những tay có chút máu “mai ghế” như tôi. Mẹ Chánh, Bà Bửu Tiếp, mợ của tôi, thuộc thành phần giảng huấn của Trường Nữ TH. Đồng Khánh, nên Bà được nhà trường cấp cho một căn hộ, chiếm trọn tầng 3 của một căn nhà lầu, “nằm gọn” trong khuôn viên Trường ĐK. Lấy lý do đi thăm... Mợ, tôi có lý do chính đáng theo Chánh về nhà chơi. Ôi thử hỏi còn gì hấp dẫn hơn? Đúng là “chuột sa hủ gạo”, mặc sức “nghễ”, nghễ thoải mái, chứ hổng phải “thấp tha thấp thỏm”, lấm la lấm lét trước cổng trường như phần lớn các tay thả dê khác. Thứ đến, dù học hành nghiêm túc, Chánh cũng thuộc loại phá và ham vui như tôi, nhưng chỉ “nghịch ngầm”. Mỗi lần gặp mặt là “Cu cậu” mặc sức nhi nhô những chuyện thuộc loại “ngàn lẻ một đêm”, làm thằng em ngây thơ như tôi, hết lòng ngưỡng mộ. Có điều khi lớn lên, có chút “kinh nghiệm” bản thân, nghĩ lại, thằng em mới biết những câu chuyện đó “bảy hư, ba thật”! Ngày đó, ngoài việc bàn giao cho tôi các cuốn tập bài sửa Toán của Père Duval vào dịp cuối năm, Chánh còn là nguồn cung cấp cho tôi các tài liệu... “quốc cấm” khác, thứ tài liệu mà nếu bị Cha Thầy bắt gặp phổ biến, có thể bị “ăn roi mây” của Cha Tôn, bị kỷ luật, hoặc bị “Consigne” mút mùa lệ thủy. Các cuốn sách thời đó được xếp loại là “dâm thư” (Bây giờ chắc chỉ cở “R Rated” là cùng!) đại loại như: “Mémoires d’une chanteuse Allemande”, “Femmes de Varsovie”, “Marquis De Sade”... cùng thỉnh thoảng, một vài hình ảnh ”cấm trẻ con dưới 18 tuổi” được Chánh lén lút cho mượn xem ké. Thật ra hồi đó còn “bé”, nên tò mò, tọc mạch đọc chữ được, chữ không! “Littérature érotique” cũng lắm rắc rối, chứ đâu phải như đọc “Tintin et Milou”. Đúng là vừa đọc, vừa tưởng tượng, vừa... run. Vậy mà đến giờ, vẫn còn nhớ mãi những kỷ niệm ấy.
Chánh tốt nghiệp ĐH. Y Khoa Huế, khoảng năm 73; ra trường, anh chàng tình nguyện vào Binh Chủng Nhảy Dù, cùng Lữ Đoàn 1 với ông anh ruột của tôi. Bạn bè cũng như bản thân tôi, ai cũng ngạc nhiên: “Thằng” Chánh hiền lành, ăn nói nhỏ nhẹ như con gái, vậy mà dám nhảy vô Dù?!!! Máu mạo hiểm này, chắc cũng phát xuất đâu đó từ những cuốn truyện “Soldats de la boue”, nói về các chiến binh Pháp, trong thời gian chiến tranh Đông Dương, mà Chánh hồi đó thích thú và cũng chuyền tay cho tôi mượn đọc. Tôi vừa mới gặp lại Chánh, một ngày cuối tháng 4/2015 tại Orange County, California. Rủ nhau đi ăn, Cu Cậu cho biết mới đi VN về; Y lật áo, “khoe” tôi vết thẹo khá dài phía trên rốn: Dấu tích mổ xẻ cấp cứu tại BV. Chợ Rẩy, để “vá” lại ruột non bị thủng. Câu chuyện cứu cấp trong hệ thống Y Tế XHCN do một bệnh nhân, vừa là BS hành nghề tại Mỹ kể lại, nghe khiếp đảm, hồi hộp, chẳng thua gì xem phim Alfred Hitchcock. Chánh gầy hẳn, tóc nay bạc trắng, nhưng... coi bộ đẹp lão ra.
Đào Văn Nhẩn: em của Đào Văn Lập, bạn thân và cùng lớp với ông anh tôi tại Thiên Hữu, sau này là Đại Úy Phi Công F5, nay đã mất. Khác với ông anh hào hoa phong nhã, Nhẩn hiền lành, tánh “Ông Cụ non”, với kính cận dày như như kính “loupe”, thuộc thành phần học sinh gương mẫu của trường. Tôi còn nhớ Nhẩn là “Chouchou” của Père Petitjean.
Nguyễn Văn Thi: dân Phú Cam, biệt danh “Thi Tây lai”, cao, gầy, mắt sâu hoắm, mũi nhọn. Về sau là Phi Công Vận Tải C130.
Nguyễn Văn Sa: tự “Sa Mèo”, cũng dân Phú Cam như Thi “Tây Lai”. Sa lớn con, đẹp trai, mái tóc bồng bềnh, nghệ sỹ, lại chịu khó tập luyện thể hình cân đối, nên đào hoa...có thừa. Tánh tình hiền lành, vui vẻ, lạc quan. Sa hiện cư ngụ tại Austin, Texas, cách chỗ tôi ở chừng hai tiếng lái xe.
Trân: Khá to con, người hơi thô, da sậm, nên mang biệt danh “Trân trâu”, có em trai tên Trác, học sau tôi một lớp. Tôi còn nhớ, hồi đi Trại Hè ở Biển Cảnh Dương, năm 63, 64 gì đó, Trân được chỉ định làm “Đội Trưởng” đội “Ours” (Gấu) của tôi. Trân còn có cô em gái, tên Thanh Vân, một trong những người đẹp của DBVK Huế, trước Mậu Thân, cũng như Đại học Sài Gòn sau Mậu Thân. Thanh Vân ra trường cùng năm với tôi tại SP Sài Gòn.
Viết hết phần này, cũng vừa đúng lúc Bà Xã và các con tổ chức mừng Sinh Nhật thứ 66 cho Bố. Thế hệ bọn mình giờ đây cũng đang “ngoan ngoãn” bước vào tuổi “Thất Thập Cổ Lai Hy”. Bạn bè ngày xưa, giờ tứ tán, kẻ mất, người còn...
Mong rằng, qua bài viết “không đầu, không đuôi này”, mình đã mang đến cho bạn bè, một nụ cười, một thoáng nhớ, về cái thời gian “ngà ngọc” mà mình đã có được cái duyên gặp gỡ đầu đời.
Trong bài viết, khó tránh khỏi thiếu sót, những chi tiết không chính xác... xin các bạn vui lòng bổ túc. Ngoài ra, tôi biết chắc có một số bạn, vì xa cách quá lâu, đã lọt khỏi trí nhớ ngày càng già nua của tôi, xin các bạn vui lòng liên lạc, để tiện bề thăm hỏi. Sau hết, qua bài viết, nếu có chi tiết nào làm phiền lòng bạn, dù là một cái... nhăn mặt, cũng mong bạn rộng lòng tha thứ .
Cầu chúc tất cả chúng ta thân tâm an lạc, sức khoẻ tràn đầy. Mong có dịp gặp lại.
Viết xong tháng 5, 2016
TRẦN VĂN THUẬN
* * *
Trần Văn Thuận sinh ngày 19/05/1949 tại Huế. Tốt nghiệp ĐHSP Saigon, Ban Pháp Văn, niên khóa 1968-1971.
Cử Nhân Giáo Khoa Pháp Văn, ĐHVK Saigon năm 1970
Dạy học tại: THPT cấp 3 An Mỹ, Bình Dương 1971-1975. Tư Thục Lasan Taberd, Saigon 1973-1975. THPT cấp 3 Tân Uyên, Sông Bé 1976. THPT cấp 3 Lái Thiêu Sông Bé 1977-1979.
Vượt biên năm 1981, hiện định cư tại Houston TX.
Đăng ngày 27 tháng 08.2019