Nguyễn Văn Phiên tốt nghiệp Kiến trúc Sư tại ĐH Kiến Trúc Sài Gòn.
Nguyên Giảng viên ĐH Kiến Trúc TP HCM (1976-1979).
Định cư và làm việc trong ngành Xây Dựng tại Canada và Hoa kỳ từ năm 1980.
Cái nhà xe của anh Tuệ
1968 là năm bận rộn nhất trong cuộc đời của tôi, bao nhiêu chuyện xảy ra...Tết Mậu Thân,di chuyễn chỗ ở từ Huế vào Nha Trang, chuyển trường từ Nguyễn Tri Phương Huế đến Võ Tánh Nha Trang,học thi Tú Tài II, thi tuyển vào đại học và sau khi được trúng tuyển vào ĐH Kiến Trúc Sai Gòn thì tôi lại dời chỗ ở vào Sai gòn...
Số của tôi thường sống xa gia đình,ít khi sống gần ba má và mấy em của tôi được lâu nhưng vì tôi đã quen với đời sống Hướng Đạo, khó khăn nào cũng vượt qua, nên luôn tự vạch cho mình một hướng đi, tự sắp xếp cho mình một đời sống giản dị ...
Năm đầu của Đại Học không bận rộn cho lắm nên tôi tiếp tục tham gia phong trào Du ca và thường lui tới cái "tổ ấm" Du ca .
Nguyễn Đức Quang, linh hồn của phong trào du ca Việt Nam, anh bắt đầu sáng tác nhạc năm 1961. Nhạc sĩ Nguyễn Đức Quang khởi sự sáng tác những ca khúc về nhạc thanh niên và những vấn đề đất nước. Qua năm 1964, nhạc sĩ Nguyễn Đức Quang đưa ra những ca khúc có chủ đề Tuổi Trẻ, Quê Hương, Dân Tộc… Năm 1965, một số những bài hát của Nguyễn Đức Quang xuất hiện rải rác trên một số ấn phẩm sách, báo và vài tuyển tập, người ta đã thấy có các tập nhạc in bằng ronéo như: Trầm Ca, Những Bài Ca Khai Phá, Ruồi và Kên Kên v.v... và những ca khúc này là nền tảng cho các buổi sinh hoạt tác động của các tập thể thanh niên sinh viên khi đi công tác phục vụ xã hội hay trong những buổi sinh hoạt hội họp, hội thảo. Nhạc sĩ Nguyễn Đức Quang thành lập Phong Trào Du Ca Việt Nam năm 1966.
Dược Sĩ Hoàng Ngọc Tuệ đã dành cho anh Quang và ban Trầm ca, phong trào du ca một căn phòng phía sau nhà để làm nơi sinh hoạt.
Đó là nhà để xe (garage) và nhà bếp của ngôi biệt thự số 114 đường Sương Nguyệt Ánh – Sài Gòn, đó là tư gia của dược sĩ Hoàng Ngọc Tuệ, địa điểm này đầu tiên là “tổ ấm” của Ban Trầm Ca ngay từ lúc ban nhạc chưa có tên. Nói cách khác, dược sĩ Hoàng Ngọc Tuệ chính là vị “mạnh thường quân” đã cưu mang Ban Trầm Ca và Phong trào Du ca ngay từ thời còn trứng nước.
Dược sĩ Hoàng ngọc Tụê
Tôi biết anh Tuệ lúc tôi còn học lớp đệ thất trường TH Ngô Quyền ở Kontum khi anh đến công tác nơi đây.Anh rất hăng say trong những chương trình sinh hoạt cho thanh thiếu niên và rất gần gủi với phong trào Hướng Đạo...
Sau đó tôi ra Huế học lại được biết anh trong trại huấn luyện thanh ca và tác động do nha Thanh Niên tổ chức.
Năm 1967, Phong trào Du Ca tổ chức Đại hội lần đầu tiên tại Sài Gòn. Tôi đã tham dự và Dược sĩ Hoàng Ngọc Tuệ được bầu làm Chủ tịch và đã giữ chức vụ này cho đến khi được thay thế bởi nhà báo Đỗ Ngọc Yến (năm 1972). Tổ chức thanh niên mới mẽ này đã phát triển rộng khắp trên khắp các tỉnh thành ở miền Nam Việt Nam cho đến tận tháng 4 năm 1975 mới ngưng hoạt động tại quốc nội.
Cái nhà xe của anh Tuệ tuy nhỏ, chỉ đủ cho một chiếc xe nhưng lúc nào cũng bận rộn khách ra vào, đó là nơi anh NĐ Quang tạm trú và cũng là nơi các anh nhạc sĩ, du ca viên đến tập dượt, phân công sinh hoạt cho những buổi trình diễn sắp tới... khi nào tôi cũng thấy ngổn ngang những tuyển tập "trầm ca", du ca hoặc sách vở của sinh viên CTKD Đà Lạt.
Nhạc sĩ Nguyễn Đức Quang
Ở đây ngoài anh Quang tôi còn gặp các anh huynh trưởng Du ca khác như Đỗ ngọc Yến, Ngô mạnh Thu, Hoàng thái Lĩnh, Nguyễn hữu Nghĩa... anh Yến thì tới đây thường xuyên hơn vì văn phòng làm việc của anh ở ngay đầu đường SNA. Còn NH Nghĩa thì lang thang với tôi khắp Sài Gòn, có thời gian vắng bóng không thấy ông ấy đâu, bạn bè nói đến quán "Thằng Bờm" thì gặp nó.
Trong thời gian này, tôi tham gia phong trào nhưng công việc không nhất định, khi thì anh Quang bảo tôi làm huynh trưởng cho một trại huấn luyện, khi thì bổ sung tôi cho toán du ca Mùa Xuân... đứng hát bên cạnh người ca sĩ nổi tiếng sau này mà không biết, đó là Diễm Chi, người du ca có giọng hát ngọt ngào và truyền cảm...
Trong trường ĐH Kiến Trúc tôi có hai người bạn thân cùng lớp, cả hai đều cư ngụ tại Biên Hoà và rất hăng say với du ca: Đỗ Thanh Tùng và Hoàng Văn Việt, ba chúng tôi thường tổ chức những buổi sinh hoạt thanh ca tác động ở chùa, trường học ở Biên Hoà...
Một hôm Tùng và Việt nhờ tôi giới thiệu 4 học sinh trường TH Ngô Quyền với anh NĐ Quang đó là ĐT Lưu, TV Thuận, chị Vân và Nguyễn Hoàng Hải. Chúng tôi đã hẹn gặp nhau cũng tại cái nhà xe của anh Tuệ... Tôi giới thiệu cho anh Quang từng người, có điều là tôi không biết và không ngờ là Nguyễn Hoàng Hải chính là nhà thơ nổi tiếng Nguyễn Tất Nhiên, nhiều bài thơ của anh đã được nhiều nhạc sĩ nổi tiếng phổ nhạc như Phạm Duy, Nguyễn Đức Quang, Anh Bằng...
Thi sĩ Nguyễn Tất Nhiên
Qua sự giới thiệu nói trên NS NĐ Quang đã làm viêc với NT Nhiên và phổ nhạc hai bài thơ "Thiên Thu" và "Vì tôi là linh mục" ngay, hai bài này được nổi tiếng gần cả hai năm trước khi Phạm Duy phổ nhạc thơ của NT Nhiên với bài đầu tiên "Thà như giọt mưa". Như vậy biết đâu tôi là người đưa đường cho Phạm Duy và NT Nhiên gặp nhau trong thi ca và âm nhạc để rồi chúng ta có những bài nhạc phổ từ thơ để đời...
Sau năm 1975, Nguyễn Tất Nhiên sống ở trong nước cho tới 1981. Trong thời gian này anh học đàn và sáng tác ca khúc với nhạc sĩ Nguyễn Hữu Nghĩa trong bốn năm.
Ngày 3 tháng 8 năm 1992, người ta thấy anh nằm chết trong một xe hơi cũ, đậu dưới bóng cây trong sân chùa tại California. Mộ Nguyễn Tất Nhiên nằm trong Vườn vĩnh cửu thuộc nghĩa trang Westminster phía tây Little Saigon (California), và thường được những người du khách Việt đến thăm viếng. Thật buồn...
Cái nhà xe của anh Tụê đã cho tôi rất nhiều kỷ niệm nhưng trên hết tôi luôn luôn ngưỡng mộ anh chị Tuệ đã hy sinh nhiều trong cuộc sống đễ hổ trợ phong trào Du ca cho tới bây giờ.
Nguyễn văn Phiên
Tháng 11 năm 2019
Chị tôi
Biết bao nhiêu văn chương,thơ nhạc với tựa đề "Chị tôi" của những nhà văn, nhà thơ, nhạc sĩ tên tuổi... nhưng tôi chỉ muốn nói đến người chị bình thường như những người chị trong những gia đình khác...
Gia đình tôi có rất nhiều anh chị em bởi vì ba tôi có đến hai bà vợ, đều là chị em ruột. Tôi là con đầu của bà thứ nhì, tôi kêu bằng Dì, còn chị của Dì tôi kêu bằng Mạ.
Chị Sen là con của Mạ và là người chị độc nhất của tôi, lúc còn nhỏ chúng tôi chơi đùa với nhau rất thân thiết, nào là nhảy lò cò, chơi trốn tìm, oảnh tù tì, bắn súng giả...
Có lần chị chứng kiến bạn của ba tôi tới chơi, lúc ra về thì ôm tôi và lì xì cho tôi vài đồng nên chị tôi có sáng kiến bắt tôi phải ló mặt, ngửa tay xin tiền những người bạn của ba tôi khi họ đến nhà chơi. Cách "làm ăn" đó trót lọt vài lần thì ba tôi biết được, ông tức giận lấy chổi lông gà quất cho mỗi đứa mấy roi và bắt quì gối hơn một tiếng đồng hồ...
Ba Mạ tôi thường đi Hà Nội,Hải Phòng để buôn bán làm ăn,nhất là trao đổi hàng hóa địa phương, như đổi gạo lấy thuốc lào, cau khô... rồi không biết ba tôi nghe theo lời ai bèn gởi chị Sen vô một trường nội trú ở Hà Nội để học. Có lẽ quá bận rộn làm ăn nên không có thì giờ săn sóc chị tôi.
Đùng một cái Hiệp định Genève được ký kết vào ngày 20 tháng 7 năm 1954, chia cắt Việt Nam làm hai... người dân hai miền có 300 ngày để chọn nơi mình muốn sinh sống...
Và cuộc di cư vĩ đại trong lịch sử VN bắt đầu, ngoài Bắc dân chúng lũ lượt gánh gồng bương bả vào Nam lánh nạn, họ theo những chuyến tàu do Pháp và Mỹ tổ chức... trong khi đó ba tôi mãi luýnh quýnh với cơ sở làm ăn mà quên đi chị tôi vẫn còn trong nội trú khi thời hạn di cư đã quá hạn. Cũng từ đó tôi không gặp chị tôi cho đến sau 1975.
Cuộc chiến tranh tương tàn giữa hai miền bắt đầu và kéo dài hơn 20 năm đã cướp đi sinh mạng của cả hàng triệu người và để lại hậu quả rất nặng nề, kéo dài nhiều thế hệ. Hãy tưởng tượng chị tôi tham gia quân đội miền Bắc còn tôi đi lính ở miền Nam, hai chị em lại phải cầm súng bắn nhau để bảo vệ, để giải phóng quê hương ?
Khi tôi còn ở trung hoc, tôi đến nhà bạn chơi và thấy bạn mình có những người chị tuyệt vời luôn gần gủi em mình, dễ dàng thấu hiểu và chia sẻ mọi thứ với em mình, tôi chỉ ước ao có được người chị như vậy nhưng chị tôi ở xa quá, bên kia vĩ tuyến... tôi trông mong chiến tranh chấm dứt để được gặp lại người chị yêu quý ngày nào.
Nhưng rồi việc gì đến phải đến, chiến tranh đã chấm dứt. Sau 1975 gia đình tôi làm mọi cách để liên lạc được với chị tôi, nhất là ba tôi, ông ân hận vì đã để đứa con gái của mình ở lại ngoài Bắc hơn 20 năm qua.
Khi tôi được biết chị tôi là một nghệ sĩ ca múa nhưng không biết thuộc đoàn hát nào, ngành nào, tôi quyết tâm tìm cho được câu trả lời.
Được tin Đoàn ca múa Hà Nội đã đến TP HCM để trình diễn và đoàn đang cư trú ở Ambassador Hotel, tôi tới chỗ đó ngay lập tức. Gặp ai bước ra từ hotel là tôi hỏi ngay:
- Anh có biết nghệ sĩ Tuyết Nga ở đoàn nào không?
Ai cũng lắc đầu nhưng may quá tôi thấy một người bước ra tôi nhận ra ngay là ca sĩ Trọng Nghĩa, anh vừa mới xuất hiện trên TV tối hôm qua. Tôi hỏi ngay:
- Xin lỗi anh là Trọng Nghĩa ở đoàn ca múa Hà Nội ?
- Vâng đúng rồi tôi là Trọng Nghĩa đây...
- Tôi đi tìm người chị là nghệ sĩ Tuyết Nga, anh có biết chị tôi ở đoàn nào không?
- Ô, Tuyết Nga rất nổi tiếng, chị ấy thuộc Đoàn Chèo Hà Nội... Sẽ vào đây trình diễn trong tháng tới...
Tôi mừng quá vội vàng về báo tin cho gia đình biết.
Tôi vốn thích dân ca và các nhạc cụ cổ truyền Việt Nam nên cố gắng tìm hiểu về ngành Chèo cổ của miền Bắc cũng như Cải lương của miền Nam.
Nhà hát Chèo Hà Nội, tiền thân từ đoàn Lạc Việt (sau đổi thành Kim Lan), hình thành khi Chèo đã là một môn nghệ thuật chuyên nghiệp, đã chịu ảnh hưởng của Kịch nói phương Tây, diễn trong rạp, bán vé cho người xem. Từ đó cho đến ngày nay, chèo Hà Nội vẫn nổi danh là nơi quy tụ những tinh hoa của ngành chèo đất Bắc.
Vở Chèo: "Quan Âm Thị Kính"
Thế hệ diễn viên thứ hai của Nhà hát chính là lứa học trò xuất sắc của các nghệ sĩ thế hệ đầu và họ đã thành danh trên sân khấu chèo vào những năm 65-80. Đó là Nghệ Sĩ Thanh Trầm , Quý Bôn, Xuân Quân, Kim Khánh, Thanh Chức, Văn Chính, Huy Hoàng, Minh Tiếp, Duy Tân,TUYẾT NGA, Ngọc Bích, Minh Toan, Bích Nhuần, Mạnh Phóng, Thanh Tâm, Minh Nguyệt, Ngọc Chung, Phan Hồ… Thế hệ này gắn với những vở diễn nổi tiếng: Cô Son, Quan Âm Thị Kính, Phạm Ngũ Lão…
Chị Tuyết Nga - Ở nhà chúng tôi thường gọi là "chị Sen"
Vài tháng sau thì chị tôi đến TP HCM để trinh diễn và gia đình tôi quá xúc động được gặp lại chị, ai cũng khóc nhất là Mạ tôi, xa đứa con gái mấy chục năm rồi...
Chị tâm sự với tôi về đời sống của chị ở ngoài Bắc, chị nói bằng một giọng nghẹn ngào chị đã từng đi "hiến máu" để có tiền nuôi thân. Rồi chị lấy trong ví ra một tấm hình rồi khoe với tôi:
- Chị có chụp hình với chị Chên đó...
Tôi không biết chị nói gì nhưng sau khi xem hình mới biết đó là Jane Fonda. Bà là một trong những diễn viên Mỹ tiên phong trong phong trào phản đối Chiến tranh Việt Nam có sự tham gia của Hoa Kỳ và từng có mặt tại Hà Nội để bày tỏ sự phản chiến trong giai đoạn Không quân Hoa Kỳ đang mở chiến dịch ném bom dữ dội vào thành phố này. Khi Hoa Kỳ đang phát động chiến dịch ném bom, Jane Fonda đã một mình đến Việt Nam và lưu trú tại khách sạn Thống Nhất (nay là khách sạn Sofitel Legend Metropole Hà Nội). Hai tuần ở Việt Nam, Jane Fonda đã đi thăm Bệnh viện Bạch Mai, khu Trương Định, nhà trẻ 20/10, một số trận địa pháo của phía Việt Nam... Sau này Fonda đã nhiều lần thừa nhận sai lầm và xin lỗi các cựu chiến binh Mỹ về bức hình chụp bà ngồi trên nòng súng phòng không của quân đội Bắc Việt trong chuyến thăm Hà Nội đầy tranh cãi của bà.
Tôi tình nguyện đưa chị tôi đi một vòng thăm Sài Gòn, tội cho chiếc xe Honda PC quá, hai chị em "có da có thịt" nên xe cứ bị xẹp lốp hoài... Lần đầu tiên thấy Sài Gòn, chị tôi đã đi từ ngạc nhiên này đến ngạc nhiên khác, hình như nó hoàn toàn sai lạc với những điều chị đã được học tập trước khi vào đây. Sự phồn vinh của "hòn ngọc viễn đông" là thật chứ không giả tạo.
Sau chuyến trình diễn ở TP HCM, chị tôi đã tìm mọi cách để vào Nam để đoàn tụ gia đình và sinh sống. Vài năm sau đó tôi lại phải xa chị tôi, lần nầy chính tôi là người ra đi.
Bao nhiêu năm qua đời sống của chị tôi vẫn nghèo, làm nghệ thuật có mấy ai trở nên giàu có, tôi càng thấy thương chị hơn, người nghệ sĩ tài hoa nhưng lắm gian truân.
Mỗi người đều có số sướng, số khổ. Tôi thầm nghĩ nếu chị tôi có tên là Lưu Nga thì đỡ hơn là Tuyết Nga...
Lưu Nga cũng là một nghệ sĩ hát Chèo. Bà tên thật là Nguyễn Thị Nga, nhưng khi trở thành diễn viên kịch và nghệ sĩ hát chèo, đã lấy nghệ danh là Lưu Nga. Lưu là họ của mẹ, khi ghép lại thành Lưu Nga, bà muốn ví mình như con thiên nga lưu lạc, hoặc như ánh trăng sáng về đêm, lưu lại cho đời điều gì đó thật dịu dàng, mát mẻ. Bà cũng chính là mẹ của ca sĩ nổi danh Bằng Kiều.
Tôi viết bài này để nhớ đến chị tôi và chúc mừng sinh nhật của chị.
Nguyễn văn Phiên
Colorado 2019
Đăng ngày 15 tháng 04.2020