banner

Sau 15 năm hoạt động (2008-2023), website Ái hữu Đại học Sư Phạm Sài gòn ngưng việc đăng thêm bài vở và tin tức.

Độc giả muốn lưu giữ bài viết và hình ảnh để làm tư liệu, xin vui lòng truy cập vào các tiết mục đã đăng trên trang web để download.

Xin chân thành cảm tạ sự hợp tác của tất cả các tác giả và độc giả đã dành cho trang web.

20.07.2023
Admin Website Ái hữu Đại học Sư phạm Sàigòn

 Chùm hoa cosmos

Lưu An

Chương 3
Đoàn trở lại Cần Thơ khi mặt trời đã xế bóng, ánh tà dương đã ngả dài trên những lùm cây bao quanh thành phố. Công việc đầu tiên là vào phòng tắm, dùng làn nước lạnh tẩy rửa đi cái mệt nhọc còn sót lại từ những bữa ăn nhậu, thức khuya trong suốt tuần lễ nghỉ phép vừa qua ở Sàigòn. Sau bữa cơm tối đơn sơ, vội vàng ở cái quán bình dân quen thuộc ngay đầu ngõ, Đoàn phải chong đèn xem lại bài vở, sửa soạn cho việc giảng dậy, làm việc vào sáng ngày mai.
Công việc dồn dập đến với Đoàn trong suốt gần 2 tuần lễ tiếp theo. Ngoài việc dậy học, chia cắt việc làm cho nhân viên thuộc quyền, Đoàn còn phải đón tiếp vài vị giáo sư ngoại quốc đến thăm viếng đại học, hướng dẫn họ đi thăm quan một vài cơ sở nông nghiệp trong tỉnh. Trong 2 tuần lễ bận rộn đó, anh hoàn toàn quên lãng cuộc tao ngộ, quen biết vừa qua với Mai, cô giáo mới của tỉnh thị Vĩnh Long. Người mà anh đã có chút cảm mến ngay lần đầu mới gặp vì vẻ ngây ngô, đôi môi mọng đỏ hơi cong hấp dẫn. Đặc biệt đôi mắt đen nháy hiền lành ẩn hiện ánh nhìn có vẻ buồn buồn vô cớ. Anh cũng quên khuấy việc hứa hẹn điện thoại giới thiệu cô ta với vợ chồng Chính.
Mãi đến ngày thứ sáu của tuần lễ công việc vẫn bề bộn, chẳng có dấu hiệu gì để nói đến chữ rảnh rỗi. Đã thế lại lại gặp bao nhiêu chuyện bực bội.  Người nhân viên cơ hữu của phòng thí nghiệm, bất thình lình xin nghỉ phép thường niên,  xin về quê lo chuyện đồng áng và giải quyết chuyện gia đình vì thằng con trai bỏ học đầu quân đi lính. Tờ đơn xin cung cấp tài chánh cho chương trình làm việc của phòng, bị cấp trên cắt giảm đến mức tối đa. Cô thư ký bị lũ sinh viên tinh nghịch, đùa dỡn đến nỗi phát khóc, không dám đến giảng đường thu gom bài kiểm... Tất cả những cái bực mình đó dồn dập đến quây lấy làm cho Đoàn càng bận rộn mệt mỏi hơn. Sau bữa cơm trưa vội vàng, cố làm cho xong vài việc quan trọng không thể kéo dài sang tuần lễ kế tiếp được, Đoàn đang định về nhà sớm để nghỉ ngơi. Vừa cầm lấy chiếc cặp, sửa soạn ra khỏi phòng thì tiếng điện thoại reo. Nhăn mặt khó chịu, Đoàn định bỏ đi luôn, nhưng lưỡng lự một tí rồi miễn cưỡng nhắc ống nghe lên. Từ đầu máy bên kia giọng của Chính:
-  Allo, Đoàn đó hả, khoẻ mạnh không? Chính đây. May quá gặp được cậu, nếu không chẳng biết làm sao liên lạc được.     
- A, Chính đó hả ? Bận rộn quá, đang bực mình vì những chuyện trời ơi đây. Sửa soạn ra về thi cậu điện thoại đến. Có gì lạ không? Bà xã và mấy xấp nhỏ khoẻ chứ ?
- Cám ơn, vẫn bình thường như mọi lần. Vừa rồi cô Mai, người mà cậu gặp trên đường cô ta xuống Vĩnh Long dậy học đó, còn nhớ không ?  Khoảng hơn tuần lễ trước, cô ta có liên lạc với Hồng, nói sơ sơ về cuộc gặp gỡ với cậu và đưa cho tụi này lá thư của cậu, giới thiệu cô ta với gia đình mình...
Đoàn giật mình khi nhớ về lời hứa mà mình đã hoàn toàn quên lãng. Anh vội vàng cắt ngang lời Chính:      
- Trời ơi, suốt mấy tuần lễ vừa qua, mình bận quá Chính ạ, đã quên khuấy lời hứa với cô ta là sẽ điện thoại trực tiếp với vợ chồng cậu để giới thiệu và nhờ cậu và Hồng gíup đỡ cô ta nếu cần.
- Không sao, chẳng có gì quá đáng cả. Ngay buổi sáng thứ hai, khi vừa đến trường nhận việc, Mai đã điện thoại đến sở làm cho Hồng rồi. Cũng ngay lúc nghỉ trưa hôm đó hai bà đã rủ nhau đi ăn tiệm rồi, cậu chẳng có gì để lo lắng cả.  Hai bà thân thiện rất nhanh, gần như  cứ vài ngày lại gặp nhau một lần. Mai cũng đã đến nhà tụi này mấy lần rồi, ăn cơm và chơi đùa với mấy đứa nhỏ.
Thấy im lặng, không có tiếng động nào từ phía bên kia máy, Chính đoán là Đoàn đang lắng nghe. Anh nói tiếp :
- Dễ thương, lịch sự lắm! Hồng khen ông có mắt tinh trường và chọn lựa khéo lắm đó. Nàng còn bảo những tên đàn ông xấp xỉ 30 như ông mà đã chấm điểm thì khỏi ai chê đựợc!
Đoàn cười to, trả lời Chính:
- Cho tôi xin ông bà. Đã có gì đâu để nói đến chữ khôn và dại. Chỉ với mấy tiếng đồng hồ nói chuyện lăng nhăng trên xe đò mà thôi. Vợ chồng ông làm ồn ào như tôi đã quen nhau hàng năm trời rồi. Thôi, dẹp chuyện đó sang một bên đi, tôi đang đói bụng và bực bội vì công việc bù đâu đây.  Có chuyện gì quan trọng không?
- Dĩ nhiên phải có chuyện mới điện thoại kiếm ông chứ. Vào khoản buổi trưa ngày mai, thứ bẩy, vợ chồng mình định mời cậu đến nhà tụi này làm một chầu thịt nướng, ăn nhậu lai rai. Đại khái thì vẫn là những mặt mũi quen thuộc mà cậu đã quen biết rồi. Vợ chồng Chương, đàn anh Quốc gia hành chánh của Hồng, bên ty quan thuế. Vợ chồng Hiếu, bác sĩ bệnh viện Vĩnh Long. Cặp bài trùng Thiên, Tuyết cùng làm với Hồng ở toà thị chánh mà cậu rất thích đó, nhớ không? Cuối cùng là ông bà Bính cùng dậy học với mình ở trường kỹ thuật, cậu cũng đã gặp nhiều lần trong các cuộc cắm trại rồi.
Vớí giọng nói đùa nghịch, Chính cười nói tiếp:
- Đặc biệt có thêm một người khách lạ với mọi người, nhưng không lạ với cậu, đó là cô Mai. Dĩ nhiên là nhân vật chính trong bữa nhậu, chỉ có cậu và cô ta còn độc thân trong bữa ăn ngày mai mà thôi. Mai không nói ra nhưng Hồng cho biết cô ta rất mến ông bạn và muốn gặp gỡ để cám ơn cái gì đó. Chắc chắn ông bạn phải đến, chẳng có lý do gì để vắng mặt phải không ?
Đoàn ngẩn ngơ với lời mời chân tình của Chính, anh không biết trả lời ra sao. Khoảng gần tháng một nay, mỗi buổi sáng thứ bẩy, Đoàn đã nhận lời một người bạn để dậy hộ anh ta môn việt văn tại trường sư phạm cấp tốc trong tỉnh trong thời gian anh ta đi thụ huấn quân sự. Dĩ nhiên Đoàn rất muốn đi, tham dự cuộc vui chơi. Muốn gặp lại bóng dáng của một cô giáo mới vào nghề tên Mai, người đã để vào trí nhớ mình khá nhiều ấn tượng.  Đoàn cũng muốn nhìn xem sự đổi thay của cô ta  sau 2 tuần lễ dậy học ra sao và cũng muốn được ngắm nhìn lại đôi mắt đen láy, hiền hậu, thoáng buồn không lý do trên khuôn mặt trái xoan của nàng.  Nhưng biết làm sao hơn khi phải bận rộn vì công việc mà anh không thể bỏ qua để nhận lời mời của Chính được. Ngần ngừ một chút, Đoàn trả lời:
- Chính ơi, thật tiếc quá, dạo này, mỗi buổi sáng thứ bẩy mình có giờ dậy học thêm mãi đến 12 giờ rưỡi mới xong. Rất muốn đi, rất muốn gặp lại cô Mai cũng như anh chị và bạn bè lắm... Nhưng xin mọi người cho mình khất vào dịp khác, chúng ta sẽ gặp nhau vào bất cứ ngày chủ nhật nào, tiện lợi cho tôi hơn. Nhân tiện cũng nhờ vợ chồng cậu nhắn lời hỏi thăm đạc biệt của mình đến cô Mai và xin hẹn gặp lại cô ấy trong dịp tới. Cũng nhờ cậu xin lỗi cô ta về sự quên lời hứa không gọi điện thoại đến cậu vừa qua của tôi.   
Hình như đang đứng gần máy điện thọai, nghe được lời từ chối của Đoàn. Hồng cầm lấy ống nghe từ tay của Chính, nàng nói với giọng nửa đùa, nửa thật :
- Đâu có thể từ chối một cách đơn giản như thế được ông bạn! Chính ông đã làm quen, tán hưu tán vượn với người ta, giới thiệu người ta với gia đình chúng tôi. Bây giờ người ta muốn gặp lại ông để cám ơn, thân thiện với ông, ông lại tìm cách từ chối. Thật là lạ lùng, thái độ từ chối của ông dù hợp lý thế nào, cũng làm cho người ta buồn lòng  và hiểu lầm về ông đó, ông Đoàn ạ..
Ngừng lại một chút, chờ đợi phản ứng của Đoàn, nhưng vẫn thấy im lặng. Có lẽ biết Đoàn đang lưỡng lự, Hồng tiếp :  
- Sớm hay muộn ông phải đến đây mới được, chẳng thể chối từ được đâu. Tụi này chờ ông đó.
Cảm thấy không từ chối được, Đoàn đành phải nhận lời :
- Vâng tôi sẽ đến với mọi người, nhưng chắc vào khoảng trước 3 giờ chiều, sau khi dậy học xong.  Nhờ anh chị nói với mọi người và cô Mai thông cảm vì việc đến trễ của tôi, làm mất vui bữa tiệc.
Buông tiếng thở dài mệt mỏi Đoàn tiếp:
- Bận quá chị Hồng ạ, nhờ chị nói với mọi người  chắc chắn tôi sẽ đến, xin đừng chờ cơm tôi nhé.
- Ừ, ít ra ông cũng nên biết điều như vậy chứ.  Hai hay 3 giờ cũng chẳng thành vần đề, miễn có đến là đươc rồi.
Vừa nói xong, chẳng cần chờ đợi Đoàn trả lời, Hồng cười thoả mãn thay tiếng chào rồi nàng bỏ máy.

Chương 4
Trưa hôm sau, khi vừa dậy học xong. Đoàn vội vàng về nhà thay quần áo, ra phố mua vài món qùa tặng rồi tạt vào quán cơm gần nhà , ăn sơ sài bữa cơm trưa dằn bụng trước khi lấy xe đò đến Vĩnh Long.
Căn nhà của gia đình Chính khá rộng rãi, xinh đẹp, xây theo kiểu một biệt thự nhỏ, nằm giữa một vườn khá rộng, đầy bóng mát với hàng chục cây xoài. Từ quốc lộ liên tỉnh đi qua một chiếc cầu bằng bê tông bắc qua con rạch trước nhà là chiếc cổng chính bằng ghạch đỏ xậm. Bước qua cổng là con đường nhỏ lát gạch, được che phủ bởi giàn hoa bông giấy dẫn đến hàng hiên rộng rãi trước cửa căn nhà ghạch khang trang.vẫn còn giữ vẻ mới xây. Cũng từ hàng hiên, một con đường nhỏ khác bên trái căn nhà dẫn ra phía sau vườn, nối liền với một cái chòi bằng lá mái khá rộng hình nón đứng giữa những cây ăn trái ở góc vườn.Gia đình Chính thường dùng nơi đây cho những cuộc họp mặt bạn bè. Đúng là một nơi lý tưởng để tổ chức những cuộc nướng thịt, ăn bánh, uống trà hay quây quần nói chuyện gẫu. Căn chòi với tàng cây và mái lá che phủ, lại đầy đủ bàn ghế nên những cuộc họp mặt chẳng cần lo lắng đến thời tiết, thời gian. Dù mưa hay nắng, ban ngày hay ban đêm nơi đây đều là chỗ thoải mái để vui chơi.
Đoàn vừa bước vào khỏi chiếc cổng, chưa kịp đóng cổng đã trông thấy Chương chạy vội ra niềm nở nắm lấy tay anh, tay kia quàng lên vai, thân thiện kéo sát Đoàn vào thân mình,vui vẻ Chương nói :
-  Đoàn từ sáng đến giờ, cậu là đề tài chính cho mọi người bàn tán đó...
- Chắc toàn là chuyện không hay của tôi phải không ?
Chương chưa kịp trả lời, từ phiá sau căn chòi , nơi các bà đang quây quần quanh một cái bàn bề bộn với đĩa xoài tượng đã được cắt thành miếng nhỏ bên cạnh đĩa muối ớt đỏ lè. Tiếng nói của Tuyết vang lên:
- Chẳng có một câu nào nói xấu về anh cả. Toàn là những lời khen, nói tốt cho anh mà thôi. Rất đơn giản là mọi người ai ai cũng mong anh cho dự đám cưới vào cuối năm nay đó!  
Rồi cứ thế, người nói một câu, kẻ đùa dỡn vài tiếng... Không khí trở ồn ào với những tiếng cười đùa. Đoàn đến bắt tay từng người bạn đàn ông. Anh cũng chẳng có đủ thời gian để chú ý đến, sắc diện vui mừng, ngượng ngập của Mai khi trông thấy anh bước vào nhà. Mãi một lúc sau, sự ồn ào, cười nói đã dần dần giảm bớt. Đoàn mới đưa ánh mắt thật nhanh, kín đáo nhìn vào nhóm các bà đang ngồi quanh chiếc bàn. Bất chợt, ngay lúc đó, ánh mắt của anh như bị dội ngược trở lại, khi đụng chạm vào nhãn quang từ cặp mắt hiền từ, đen láy của Mai. Nàng cũng đang nhìn anh.
Vẫn tà áo dài mầu vàng nhạt, chấm điểm một vài bông hoa nho nhỏ, dễ thương, nhiều mầu trên hai vạt áo. Vẫn chiếc áo nàng đã mặc trong lần gặp anh lần đầu tiên , lúc ngồi bên nhau trên chiếc ghế chật chội của chiếc xe đò, hơn hai tuần lễ trước. Mai ngồi im lặng, dáng dấp co ro như muốn thu nhỏ lại mot góc trong đám phụ nữ ở cuối căn chòi. Đôi bàn tay nàng vắt chéo lên nhau trên mặt bàn, nét vui mừng hiện rõ trên khuôn mặt cũng như trong cặp mắt hiền dịu, sáng long lanh đang hướng về anh. Nhưng cũng như lần trước Đoàn vẫn thấy trong ánh mắt đó vẫn kín đáo, tiềm ẩn vẻ buồn cố hữu, dễ thương.
Sau khi biết tất cả những ồn ào, đuà dỡn vì sự hiện diện riêng lẻ, chậm trễ của Đoàn đã đi qua, Đoàn chậm rãi đi lại phía chiếc bàn mà Mai đang ngồi. Anh củng chẳng cần chú ý đến những ánh mắt tò mò, những nụ cười nở nhẹ trên môi của vài người bạn khác đang kín đáo nhìn mình. Đoàn đứng ngay bên kia chiếc bàn, đối diện với Mai, vui vẻ nhìn nàng:
- Chào Mai, em khoẻ không? Việc dậy học của em trong hai tuần lễ vừa qua chắc cũng chẳng có gì khó khăn chứ?
- Cám ơn anh Đoàn, em vẫn bình thường.  Còn việc dậy học thì em vẫn chưa quen lắm anh ạ, cũng may, nhờ anh chị Chính giúp đỡ ,chỉ bảo cho nên đỡ được rất nhiều.
- Anh đã nhờ vợ chồng Chính xin lỗi em, về việc anh đã quên điện thoại giới thiệu em với anh chị ấy như đã hứa. Anh bận quá trong hai tuần lễ vừa qua, mong em thông cảm.
Mai chưa kịp trả lời, Ái vợ của Chương đã lên tiếng:
- Mai à, em đừng tin quá vào những lời biện hộ, xin lỗi của anh ấy mà lầm lẫn.  Đó chỉ là một cái lầm cố ý của người đàn ông nhiều kinh nhiệm. Họ lùi một bước để rồi họ tiến lên hai bước đó.
Nói xong, Ái quay sang nhìn Đoàn với nụ cười chọc ghẹo, nàng hỏi :
- Tôi nói có đúng không anh Đoàn ?
Trong khi Đoàn chẳng biết trả lời sao, Mai đỏ mặt ngượng ngập, thì Hồng đã nói với Aí:
- Không có chuyện anh Đoàn nói dối đâu. Tuần lễ vừa qua, tôi đã điện thoại vào phòng thí nghiệm của anh ấy mấy lần, chị thư ký cho tôi biết anh ấy phải dẫn khách ngoại quốc đi thăm quan ở các tỉnh khác chưa về mà.
Rồi quay sang Mai :
- Mai, chị quên nói với em, nếu em muốn học kinh nhiệm về dậy học, có lẽ chẳng còn ai hơn được anh Đoàn cả. Nếu em muốn thưởng thức thơ tiền chiến, những bài thơ lãng mạn yêu đương, có lẽ em cũng chẳng sai lầm khi yêu cầu anh ấy đâu. Mọi người nơi đây đã từng nghe anh ấy ngâm thơ trong những lần họp mặt, pícnic rồi đó.
Đám đông chợt ồn ào lên sau lời nói của Hồng. Mọi người yêu cầu Đoàn ngâm thơ, đọc thơ để làm qùa xin lỗi sự thất hẹn với Mai và đến trễ với bạn bè. Đoàn đang lưỡng lự vơí ý muốn của mọi người thì Mai nhỏ nhẹ nói với anh:
- Anh Đoàn, em đã được anh chị Chính cho biết tài năng và ý thích của anh về văn thơ. Nếu chẳng có gì khó khăn và phiền phức, em rất sung sướng được nghe anh ngâm cho bất cứ bài thơ nào mà anh thích...
Mai chưa nói hết lời, Thiên, người bạn mà Đoàn rất mến đã ngắt lời:
- Đâu có thể chỉ một bài mà thôi. Phải vài bài mới được chứ cô Mai.
Rồi quay sang Đoàn, Thiên nói thêm :
- Chắc lời yêu cầu của cô Mai chẳng có gì khó khăn với cậu phải không ? Cả ngày hôm nay ai cũng chờ đợi cậu đến để nghe cậu ngâm thơ đó. Theo tôi, cậu  chẳng nên chối từ lời yêu cầu của cô Mai, dù sao cũng là một món qùa để hai người thân thiện nhau hơn.
Mọi người im lặng nhìn Đoàn như chờ đợi sự đồng ý của anh sau lời nói của Thiên. Đoàn hơi cau mày như để chọn lựa, nhớ lại một vài bài thơ cho thích hợp với buổi họp mặt hôm nay. Ngần ngừ một chút Đoàn nói nhẹ với mọi người:
- Cám ơn các anh chị đã tạo dịp may để tôi được gặp gỡ mọi người. Đặc biệt với lời yêu cầu của Mai, tôi xin ngâm một bài thơ mà tôi vừa làm trên xe đò từ Cần Thơ xuống đây:
Ta vẫn là người sống với nhiều ảo giác, Và suốt đới tìm em trong mộng
Em ở đâu ?
Hỡi người người tình si có ánh mắt buồn vu vơ mà ta đã gặp !
Ta đã uống ngọt ngào của những nụ hôn tưởng tượng cho em
Em ở đâu ?
Hỡi người yêu trong mộng, mà ta vẫn chờ mong  .
Hãy về đây cho những con đường, công viên và ghế đá không còn vắng vẻ, buồn tênh vì đã có ta hò hẹn, đợi chờ.
Hãy về đây,
Cho kỷ niệm được thành hình bằng những nụ hôn đắm đuối, ngọt ngào...
Em ở đâu ?
Hỡi người tình mà ta từng yêu thương trông đợi.
Sao em không đến, dù những ngày nắng ấm hay mưa thật buồn
Em ở đâu ?
Hỡi nhan sắc muôn đời ta mơ mộng
Ta sẽ gặp em hay suốt đời vẫn là kẻ đi tìm
Trong huyền thoại hay trong những giấc mơ ?
Ai là người cho ta được biết
Em ở đâu, để những giấc mơ của ta không là ảo giác.
Em ở đâu, hỡi người tình mà ta từng yêu thương trong mộng ?
Ta đợi chờ em,
Với những nụ hôn nồng cháy trên môi.
Với những gì mà tình yêu cần thiết.
Em ở đâu hỡi người ta yêu trong mộng ?
Đoàn đã chắm dứt bài thơ trong sự im lặng và ngẩn ngơ của mọi người. Hình như âm vang trầm ấm của anh vẫn còn lắng đọng vương vấn trong không gian. Những cặp mắt đổ dồn vào anh, mọi người đều thấy con người của Đoàn, lúc này đã hoàn toàn đổi khác. Anh chẳng còn vẻ nhanh nhẹn, bản chất một người hăng say làm việc nữa. Ánh mắt mơ màng như đang trầm mình vào với những ước mơ, nhất là khi Đoàn ngân nga câu "Em ở đâu? Hỡi người tình mà ta từng yêu thương trong mộng?". Trong cái im lăng đó, mọi người như đang dìm mình vào cái lãng mạn của những câu thơ tự do của Đoàn . Giọng ngâm của Đoàn lại vang lên với bài thơ "Trẫm có nhớ Ái Khanh không" của Nhất Tuấn:
Chỉ tại anh nên hôm nay về trễ
Cứ phim hay tài tử trứ danh hoài
Anh quảng cáo và tô mầu giỏi thế
Hõi ai còn nỡ khất hẹn ngày mai
Chỉ tại anh nên trời thu đổi gío
Mimosa...phủ kín mặt đường
Vương đầy tóc em bắt đền anh đó
Gỡ dùm đi, đứng cươì mãi ... ô kìa !
Chỉ tại anh, em về nhà không ngủ
Trằn trọc hoài thao thức suốt một đêm
Và bỗng thấy hình như là thoáng nhớ
Đến một người không biết lạ hay quen
Chỉ tại anh, nên hôm nay dậy muộn
Sáng thứ hai bỏ mất một giờ đầu
Bốn consigne, cô giáo gìa ác gướm
Còn bắt phạt mấy trăm câu
Ngày thứ tám em vào ngồi chép phạt
Mãy trăm câu mà viết mãi chẳng xong
Bà giám thị cầm giấy xem chỉ thấy
Chúa nhật này "Trẫm nhớ Ái Khanh không?"
Lại một lần nữa tiếng ngâm thơ của Đoàn được kết thúc trong im lặng, ngẩn ngơ của mọi người. Mãi đến một lúc, tiếng khen của Tuyết vang lên đã kéo mọi người trở về với thực tại :
- Hay quá! Tình quá!
Rồi Tuyết bắt chước giọng của Đoàn, nàng ngâm:
Chỉ tại em, hôm nay anh đến trễ
Rồi làm thơ, thay những lời tình ái
Dành cho em, một bài thơ lãng mạn
Để tỏ lời anh mãi mãi yêu em...
Tiếng ồn ào của mọi người vang lên để tán thưởng những câu thơ của Tuyết. Rồi cứ thế, mỗi người nói một câu, mỗi người đưa một lời bình luận... Cuộc họp mặt lại trở về nhộn nhịp với những tiếng cười vui, những câu nói nửa vui đùa, nửa thật đều nhắm vào việc vun trồng cho cuộc quen biết của Đoàn và Mai.
Dù Đoàn đã nhiều lần khôn khéo tìm cách lái câu chuyện của mọi người sang hướng khác để tránh sự ngượng ngập cho Mai. Nhưng cố gắng của anh cũng chỉ ảnh hưởng trong chốc lát. Mọi người lại tìm cách kéo những nụ cười với những câu chọc ghẹo, gán ép vào hai người. Đôi lúc Đoàn cảm thấy ái ngại vì thấy Mai luống cuống, đỏ mặt không một lời đối đáp. Nàng im lặng nhận chịu những lời đùa dỡn nhiều khi quá mức của mọi người. Đoàn cũng chẳng làm sao hơn là kín đáo nhìn Mai như thông cảm nàng.
Có lẽ trong nhóm bè bạn chỉ có Hồng ít chọc ghẹo hai người nhất. Hồng tỏ vẻ thân thiết, tâm sự với Mai như một cặp bạn gái quen nhau, thân tình từ lâu. Trong những câu chuyện chọc ghẹo đó, Hồng luôn luôn là người đưa ra những giải quyết tối hậu bằng những câu nói hết sức tế nhị để mọi người giới hạn. Nhưng đôi khi Hồng phải gắt gỏng với người khác để chấm dứt những câu đùa dỡn quá mức làm cho Đoàn và Mai khó khăn, không trả lời được.
Cũng như những cuộc họp mặt trước đây, bữa ăn nhậu, nói chuyện tàm phào thường kéo đến 8 hay 9 giờ tối, thời điểm đó phà Cần Thơ đã chấm dứt vì vậy Đoàn thường phải ngủ lại nhà của Chính. Sáng thật sớm hôm sau mới lấy xe đò trở lại Cần Thơ để kịp đi làm. Lần này cũng vậy, khi mọi người sửa sọan ra về, kim đồng hồ đã chỉ hơn 8 giờ tối. Bầu trời đã thực sự vào đêm, với sự xếp đặt rõ ràng của mọi người, Đoàn có nhiệm vụ đưa Mai về nhà.          

Vĩnh Long dù là một thành phố lớn, thịnh vượng nhất nhì của miền Nam đất nước, nhưng vẫn quá bé nhỏ nếu so sánh với Sàigòn. Chỉ có vài con đường ở trung tâm thành phố, gần khu bến xe đò của tỉnh thị, được tạm gọi là rộng lớn và xầm uất mà thôi. Còn lại là những con đường nhỏ, ngắn ngủi, âm u vì thiếu đèn đường. Sinh hoạt thương mại trên những con đường nhỏ bé này cũng yếu kém, với vài cơ sở buôn bán lặt vặt cùng với những tiệm ăn uống nghèo nàn, khách khứa lai rai ra vào. Vĩnh Long chỉ là một thành phố hiền hòa với ruộng vườn sông rạch, chẳng có một cơ sở kỹ nghệ, thương mại nào được tạm gọi là to lớn đúng nghĩa cả.
Về đêm Vĩnh Long lại còn vắng vẻ, buồn bã hơn nữa. Sinh hoạt của thành phố hình như bị thu nhỏ lại với vài tiệm ăn nhậu, vài quán cà phê đèn mầu nhá nhem,. Khách ăn uống, phần đông là giới trẻ tuổi hay quân đội từ các trại lính trong và ngoài bìa thành phố . Những cột đèn điện loe loét chạy dọc hai bên đường chẳng đủ chiếu sáng làm cho không gian về đêm tẻ lạnh hơn. Trong cái buồn vắng vẻ đó những tiếng rúc rỉa của côn trùng lại càng làm cho Vĩng Long quê mùa hơn.  Thỉnh thoảng vài ánh đèn chiếu rọi từ những chiếc xe gắn máy hay xe díp quân đội vội vã chạy qua. Chiếu ra những chùm tia sáng xuyên vào bóng đêm lướt nhanh qua những đoạn đường tối đen vắng vẻ... Tất cả những cái đó là biểu tượng chung cho Vĩnh Long cũng như hầu hết các thành phố, thị xã của đồng bằng Cửu Long về đêm hiền hòa nhưng buồn tẻ.
Từ khi rời khỏi cổng nhà của Chính, Mai hình như mất đi vẻ tự nhiên khi đi bên cạnh Đoàn, nàng cuống quít thấy rõ. Cái xách tay và bịch trái cây do Hồng tặng lúc chia tay, hình như bị dư thừa, vướng víu đối với Mai. Đoàn kín đáo nhìn, mỉm cười cùng với tí chút thương hại, khi thấy vẻ ngượng ngùng của nàng. Trong trí tưởng tượng chợt hiện trong đầu của Đoàn. Hình ảnh cô giáo Mai, dáng dấp tiểu thư hãy còn  nguyên vẹn tánh ngượng ngùng của cô sinh viên, ngờ nghệch trong giảng đường đại học, chắc không khỏi phát run khi đứng trước hàng trăm con mắt của lũ học trò khi cô ta dậy học. Anh tự hỏi với dáng dấp hiền lành, quá non nớt này có lẽ Mai sẽ phải khóc lên nếu gặp một vài đứa học trò ngỗ nghịch, cứng đầu, rất thường thấy trong nghề giáo mà cô ta đã chọn lựa .
Với tưởng tượng đó, Đoàn ái ngại đưa mắt nhìn Mai đang yên lặng đi bên cạnh. Quá khứ của chính mình lại trở về trong trí nhớ của Đoàn. Anh nhớ rất rõ lần dậy học đầu tiên, anh cũng phải đứng trước lớp học với hàng trăm con mắt ngây ngô của lũ học trò. Đoàn gần như quên tất cả bài giảng dậy đã được anh sửa soạn, tập luyện rất kỹ ở nhà trước khi vào lớp. Đoàn chợt có cảm giác thương hại, muốn tìm cách nâng đỡ tinh thần Mai, truyền đạt cho nàng một vài kinh nghiệm nghề nghiệp của mình, anh quay sang hỏi Mai:
- Mai có gặp khó khăn gì trong những giờ dậy học đầu tiên không ?
Nghe hỏi đúng vào điều khó khăn của mình, Mai hình như mất hết nét ngại ngùng,nàng vội vàng trả lời ngay :
- Thật khổ anh ạ, thời gian hình như bị kéo dài ra. Em định gặp anh để nhờ anh chỉ điểm cho một vài kinh nghiệm, giúp em thoát khỏi những khoảng trống nặng nề, khiến em không biết xoay trở ra sao. Nhất là vào cuối giờ, khi bài giảng đã được chấm dứt trước thời gian dự tính, nhiều khi còn lại 15 phút hay nhiều hơn nữa.
- Rất đơn giản. Trong những phút dư dả đó, em hãy tìm cách thay đổi vai trò của mình. Từ người giảng dậy sang vị trí của người học hỏi, tò mò về một vấn đề nào đó, mọi chuyện sẽ đâu vào đó ngay .
Mai mở to đôi mắt nhìn Đoàn, tưởng anh nói đùa. Nhưng thấy Đoàn vẫn bình thản, không có dấu hiệu gì dỡn cợt. Nàng thắc mắc:
- Em chẳng hiểu anh nói gì Đoàn ạ. Anh có thể giải thích cho em rõ được không ?
Nhìn vào khuôn mặt ngơ ngác, đôi mặt buồn buồn cố hữu của Mai, Đoàn giải thích:
- Có gì đâu mà khó hiểu? Không một ông thầy, một bà giáo nào có thể xếp đặt bài dậy của mình chính xác đến mức như mình muốn được. Đúng vào lúc tiếng chuông vừa reo hết giờ, cũng vừa chấm dứt bài giảng dậy, rất tự nhiên và chắc chắn là thế. Đặc biệt với những người mới đi dậy học, cái khoảng trống thời gian sót lại đó còn bi đát hơn nhiều. Đôi khi rất lớn, làm cho họ bối rối vì chẳng biết làm gì để cho qua khoảng thời gian nặng nề đó. Em không phải là trường hợp ngoại trừ đâu, đương nhiên ai cũng gặp phải như thế. Nhưng dần dần, với thời gian, kinh nhiệm gia tăng và nhất là biết những mánh lới của nghề nghiệp, ngưòi ta sẽ biết cách kéo dài hay thu ngắn bài giảng để khít khao với ý muốn của mình. Mỗi người phải tự tìm cho mình một phương pháp nào đó để giải quyết cho chính mình. Chẳng hạn kiểm soát bài cũ, ra bài tập hay nói chuyện tàm phào v.v...
Im lặng một chút, Đoàn quay nhìn Mai như dò xét ý tứ của nàng, thấy nàng có vẻ rất chú tâm vào lời giải thích của mình, anh tiếp:
- Với anh, cách thức hay nhất, khéo léo nhất, đỡ mệt mỏi và ít lo lắng nhất, đó là em tìm một vài đề tài nào đó mà em còn mù mờ chưa biết, hay biết rất sơ sài. Rồi đặt vài câu hỏi liên quan đến đề tài đó cho cả lớp thảo luận. Nhưng quan trọng nhất là đề tài đó phải rất phổ biến, bất cứ người học trò nào cũng biết vì nó ở trong phạm vi hiểu biết của họ. Dĩ nhiên ai ai cũng muốn trả lời cho em hiểu. Em chỉ cần im lặng nghe họ nói. Anh chắc chắn họ sẽ tranh dành nhau nói, chỉ dậy cho em. Chẳng hạn như em hỏi về vài sinh hoạt, giá cả, chợ búa, mùa gặt hái, các đặc sản của tỉnh thị v.v... ngay trong địa phương mà học trò biết rõ. Dĩ nhiên em phải tỏ ra rất quan tâm vào những câu trả lời của họ. Em phải vui mừng lắng tai nghe họ chỉ dậy, thỉnh thoảng chêm vào vài câu hay vài thái độ ngạc nhiên, lạ lùng... Anh dám chắc chắn cái khoảng trống thời gian đó dù dài nhiều giờ đồng hồ, cũng được trôi qua dẽ dàng, chờ tiếng chuông reo hết giờ mà thôi.
Nói xong, Đoàn lại im lặng, sung sướng nhìn thấy rất rõ sự kính phục, mừng rỡ hiện trên khôn mặt trái xoan hiền hậu của Mai. Nở nụ cười đùa cợt anh nói tiếp:
- Không chỉ trong việc dậy học mà còn được áp dụng cho tất cả lãnh vực khác nữa. Chẳng hạn như trên chuyến xe đò mà anh gặp em hai tuần lễ trước, nếu anh chỉ trả lời ngắn gọn "không có chi!" khi em xin lỗi anh về mấy lọn tóc vương vào mặt, vào cổ anh. Rồi anh lại trở về với nét mặt lầm lỳ, nhìn ra chỗ khác, chắc chắn em đâu có dịp để hỏi lý do tại sao anh thường đi trên quốc lộ 4? Làm sao chúng mình quen nhau được Mai nhỉ?
Mai huých nhẹ khủy tay vào nách Đoàn, ngượng ngập mỉm cười ngước mắt lên nhìn Đoàn. Đôi mắt trong sáng hiền lành có tí vẻ dỗi hờn, trách cứ, trong nhãn quang vẫn tiềm ẩn nét buồn nhè nhẹ cố hữu, không lý do mà Đoàn đã nhận thấy ngay từ lúc gặp nàng lần đầu trên chuyến xe đò:
- Em không ngờ anh tính toán đến mức đó Đoàn ạ. Nếu biết như vậy, em không hỏi chuyện anh nữa có lẽ hay hơn...
Đoàn đứng lại, quay  mặt sang phía nàng với nét ánh mắt ngạc nhiên. Anh cắt ngang câu nói của Mai với giọng nói không đùa dỡn, anh hỏi nàng:
- Em không vui khi quen với anh sao Mai?
Mai sững sờ, có vẻ ăn năn với câu nói thiếu khéo léo của mình, tưởng rằng câu trả lời đã làm Đoàn không vui. Nhìn nét mặt thật thà, hiền lành đầy dấu tích ân hận của Mai, Đoàn không nỡ kéo dài cảm giác khổ tâm của nàng thêm. Anh mỉm cười, thay đổi nét mặt cùng với giọng nói êm ả, cảm thông hơn:
- Anh chỉ nói đùa mà thôi. Có những động lực thúc đẩy người ta muốn quen nhau,đốc thúc người ta tự tìm ra những lý do, dịp may để gần nhau, nói chuyện với nhau. Lúc đó anh thích vẻ cuống quít của em khi cố giữa lấy những lọn tóc loà xòa trên nét mặt hiền hậu của em. Giả dụ em không xin lỗi, không hỏi chuyện anh, anh vẫn tìm cách để làm quen với em mà. Khi người ta cảm mến nhau, muốn làm quen với nhau, đâu chỉ có một cách thức, một con đường đua người ta đến với nhau đâu. Tuy nhiên, với anh, ngày hôm đó vẻ ngây ngô, ngượng ngùng của em đã gây cho anh nhiều cảm xúc, cho anh y muốn làm quen với em. Đấy không phải một kỷ niệm rất đơn sơ, nhưng đẹp đẽ khởi đầu cho sự quen biết của chúng mình sao ?
Rồi cả hai im lặng, chậm rãi đi bên nhau dọc theo con đường khá rộng gần toà thị chính, dưới những hàng cây điệp cao ngất, cành lá lòa xòa đưa nhẹ rì rào theo làn gío. Khi vừa qua một góc quanh để vào một con đường nhỏ hơn, Mai ngẩng đầu nhìn Đoàn, đưa bàn tay chỉ về phía trước xa xa:
- Căn nhà hai tầng, tường mầu vàng đậm khá cũ. Trước nhà là một vườn cây khá rộng với vòm hoa giấy che phủ cái cổng bằng tôn cũ kỹ, là ngôi nhà nơi em ở trọ đó. Em mướn hẳn tầng lầu ở phía trên, còn phía dưới là gia đình người chủ nhà.
Không thấy Đoàn trả lời, Mai nói tiếp:
- Khu vực này dù gần trung tâm nhưng yên tĩnh và buồn lắm, anh ạ.
Đoàn vẫn im lặng, cái im lặng mang âm thanh buồn bã đã làm Mai chợt hiểu. Hai người sắp phải từ giã nhau! Cảm giác tiếc rẻ và cô đơn khi sắp phải xa Đoàn cũng chợt đổ ập đến với Mai. Nàng nép sát thân mình vào Đoàn hơn, hai người không nói gì thêm vơí nhau nhưng bước chân của họ hình như bị chậm lại, cố kéo dài thêm giây phút gần nhau. Chợt Đoàn đứng  dừng lại, ngập ngừng tí chút rồi anh gọi nhe:
- Mai !...
- Dạ, cái gì anh?...
Lại im lặng khỏang khắc. Cả hai như nghe thấy tiếng đập trong lồng ngực và hơi thở của nhau. Đoàn nhìn thẳng vào khuôn mặt Mai, anh nói nhẹ:
- Mới có gần 9 giờ, thật tình em muốn về nhà sao?
Không thấy Mai trả lời, Đoàn nắm nhẹ bàn tay của Mai, nói tiếp:
- Nếu em còn thích lang thang với anh, chúng mình đi với nhau thêm một lúc nữa, rồi tìm vào một quán nước nào đó nghỉ chân và nghe nhạc?
- Vâng, tùy anh...
Hai người đi vượt qua căn nhà trọ, quẹo vào một con đường khác rộng rãi, xầm uất, sáng sủa hơn. Vài quán cà phê đèm mầu, tiếng nhạc dập dình từ trong quán vang tận ra ngoài đường. Mai bước bên cạnh Đoàn như phản xạ tự nhiên, ngay cả khi anh dẫn nàng vào một quán cà phê vắng khách. Đoàn kéo chiếc ghế nhỏ bên cạnh tường, đối diện cho nàng ngồi.
- Anh gọi 2 tách cà phê nhé?
- Không, cám ơn anh, cà phê làm em không ngủ được.
- Còn anh, dù không uống cà phê, nhưng anh biết buổi tối hôm nay anh sẽ không thể nào ngủ được.
Mai không nói, nàng cúi đầu dấu đi vẻ e thẹn. Đoàn im lặng, âu yếm đưa tay vuốt nhẹ bàn tay mềm mại, trắng muốt của Mai. Quay mặt qua nhìn cô bán quán đã đứng bên cạnh bàn có ý chờ đợi, Đoàn nói :
- Chị cho tôi hai ly cam vắt. Nhưng nhờ chị cho thêm vài muỗng đường vào nhé.
Mai trố mắt nhìn Đoàn tỏ vẻ không hiểu. Nàng hỏi:
- Tại sao anh biết em thích uống ngọt?
- Bởi vì anh muốn cuộc gặp gỡ, nói chuyện của chúng ta hôm nay mãi mãi ngọt ngào.
Nói xong Đoàn nhìn thẳng vào khuôn mặt Mai, với nụ cười chọc ghẹo. Dù dưới ánh đèn mầu mù mờ nhưng anh vẫn nhìn thấy mầu đỏ hồng e thẹn trên khuôn mặt của Mai. Cũng dưới bóng tối nhá nhem đó giúp Mai can đảm hơn. Ngước mắt nhìn trả lại Đoàn, nở nụ cười trên môi nàng nói:
- Anh Đoàn, suốt hai tuần lễ vừa qua, em đã được anh Chính, chị Hồng nói rất nhiều về anh,. Nhưng  gặp lại anh hôm nay, đi và nói chuyện với anh, em nghĩ rằng anh chị ấy chưa biết hết về anh thì phải.
Xiết nhẹ bàn tay Mai, Đoàn nhỏ nhẹ trả lời :
- Em tưởng, chỉ với giao tình của một người bạn, dù là tình bạn thân thiết mà dễ dàng biết được tất cả bản chất của nhau sao? Anh không muốn dấu diếm, nhưng tại sao anh phải nói cho người khác biết những gì rất riêng tư, không liên quan gì đến họ?
- Em cũng không ngờ, anh chị ấy mến anh như vậy. Dưới mắt anh chị ấy anh là người có rất nhiều cá tính...
Đoàn vội ngắt lời :
- Thế còn em, thì ngược lại sao ?
Nói xong, Đoàn nắm nhẹ lấy bàn tay của Mai, nhìn vào đôi mắt đen nháy, hiền hậu của nàng anh tiếp :
- Em đừng bao giờ quá tin vào những gì người khác nói quá tốt về anh, không cần thiết và quá sớm để chúng mình nghĩ rằng đã quá đúng để hiểu nhau Mai ạ. Hãy dành cho thời gian và cảm xúc của chính mình, tự khám phá về nhau. Như vậy sẽ thích thú và hấp dẫn hơn. Người ta có thể thâu nhận bất cứ kiến thức nào nhờ chỉ dậy của người khác, nhưng tình yêu chỉ đến bằng sự rung cảm thật lòng và thời gian khám phá mà thôi.
- Không, em chưa hề nhìn anh qua cái nhìn của anh chị Chính, em đã nhìn anh bằng chính những cảm động và suy tư của em. Em nghĩ rằng em không lầm lẫn về anh, ít ra ở một mức độ nào đó.  Có lẽ anh không biết, anh không ngờ, một lần chỉ vài câu nói của anh đã giúp em hiểu  khá rõ về bản chất của anh rồi.
Đoàn ngạc nhiên :
- Lúc nào? Và anh đã nói gì với em ?
Mai không trả lời thẳng câu hỏi của Đoàn. Nàng chậm rãi nhắc lại rất khẽ câu nói của Đoàn trong lần hai người quen nhau trên chuyến xe đò, hai tuần lễ trước:
- Một mối tình thánh thiện như vậy, chẳng cần một tờ giấy hôn thú vô tri, một bộ luật tầm thường làm nền tảng bảo đảm cho nó nữa .
Ngay lúc đó từ góc quán âm thanh bài hát "Mùa Thu Cho Em" của Ngô Thụy Miên được trải dài nhè nhẹ trong không gian:
"... Em có nghe mùa thu mưa giăng lá đổ,em có nghe nai vàng hát khúc yêu đương, và em có nghe khi mùa thu tới,mang ái ân, mang tình yêu tới...... Nắng úa dệt mi em, và mây xanh thay tóc rối, nhạt môi em thơm nồng, tình yêu vương má hồng, Sẽ hát bài cho em, và ru em yên giấc tối, ngày mai khi mưa giăng lưng đồi, chờ em anh nghe mùa thu tới...... Và em có mơ khi mùa thu tới, hai chúng ta sẽ cùng chung lối. Em vơí anh mơ mùa thu ấy tình ta ngát hương......"
Bên ngoài quán, con đường vẫn mù mờ bóng đèn đêm.

(còn tiếp)

Trích truyện dài "Chùm hoa cosmos" - Tác giả: Lưu An - 2003

 

Đăng ngày 26 tháng 05.2021