Thuận An
Điệp Mỹ Linh
Sau khi rời quân y viện, Thắng được cô Năm đưa về nhà nghĩ dưỡng thương. Nhà cô Năm ở trong con hẻm nhỏ, cạnh giếng nước và một khoảng đất trống. Khoảng đất này là nơi để trẻ con quanh xóm, sau giờ học hoặc những ngày lễ và cuối tuần, tụ tập chơi những trò chơi khác nhau, tùy theo lứa tuổi.
Suốt thời gian tịnh dưỡng, Thắng thường ôm guitar dạo và hát những tình khúc chàng ưa thích để nghe một mình vì Nhân và Tuấn – con của cô Năm – đi học; cô Năm chỉ thích cải lương.
Trong khi Thắng tưởng rằng Thắng đàn và hát chỉ để nghe một mình thì một bé gái cứ lấp ló nơi gốc dừa xiêm để nghe lén. Dù không hiểu cô bé thích nghe nhạc hay chỉ là sự trùng hợp, Thắng cũng cảm thấy vui vui và chàng đàn, hát lâu hơn, nhiều hơn; và cô bé cũng lẩn quẩn nơi cây dừa xiêm lâu hơn, nhiều hơn. Khi sức khỏe hồi phục kha khá, một hôm Thắng ra chỗ Nhân và Tuấn đang chơi rồi hỏi:
- Nhân, Tuấn, cho anh chơi vũ cầu với.
- Anh chờ chút. Hết “bàn” này tụi em cho anh chơi.
Trong khi chờ đợi, Thắng đến bên cô bé thường lén nghe đàn, hơi khom người, hỏi thăm:
- Em tên gì vậy?
- Dạ, em tên là Thuận-An.
- Tên Thuận-An đẹp lắm; mà em biết Thuận-An ở đâu không?
Thuận-An hơi nghiêng đầu, đưa tay chỉ về hướng Bắc:
- Dạ, Ba Má em nói Thuận-An ở tuốt ngoài đó lận.
- Ừ, đúng rồi. Khi nào lớn lên, em nhớ về Thuận-An thăm cho biết. Đẹp lắm.
- Bộ chú biết Thuận-An sao?
Thắng thoáng giật mình khi nghe Thuận-An gọi chàng bằng “chú”. Nhưng Thắng cũng không biết phải xưng hô như thế nào, đành nói trỏng,“Biết chứ” rồi chuyển câu chuyện:
- Em thích âm nhạc lắm, phải không?
Thuận-An tròn mắt, ngạc nhiên:
- Sao chú biết?
- Biết chứ.
- Ủa, sao cái gì chú cũng biết hết vậy?
Thắng chưa kịp đáp lời cô bé thì Nhân đã gọi:
- Anh Thắng! Anh ra đánh đôi với em.
Trước khi rời Thuận-An, Thắng nhỏ nhẹ:
- Thuận-An! Khi nào muốn nghe nhạc, em cứ gõ cửa để vào nhà mà nghe; đừng đứng chỗ cây dừa nữa, nha.
Bị Thắng nói đúng, Thuận-An, không những không biết e-thẹn mà lại tròn mắt nhìn theo Thắng rồi nghiêng đầu, cười một cách rất vui thích, rất trẻ thơ.
Sau buổi chiều đó, dù Thắng đã dặn, Thuận-An cũng vẫn không dám gõ cửa khi nghe Thắng đàn và hát. Thuận-An vẫn lấp ló cho đến khi cô Năm gọi:
- Thuận-An! Con làm chi đó?
- Dạ, thưa cô Năm, con muốn nghe chú đó hát.
- Ừ, thì con vô đây mà nghe.
Cô Năm vừa nói vừa nắm tay Thuận-An dẫn lên phòng khách:
- Thắng ơi! Cháu có một thính giả tý hon nè.
Thắng ngưng đàn, vỗ vỗ lên chiếc ghế, cười:
- Thuận-An! Ngồi đây đi.
Thuận-An ngồi xuống. Thắng tiếp:
- Thuận-An muốn nghe nhạc gì? Nhạc ngoại quốc hay nhạc Việt-Nam?
- Dạ, em đâu biết.
- Em không biết nhạc mà thích nghe nhạc, đúng không?
Thuận-An dạ. Thắng ngần ngừ một chốc, cố nhớ một ca khúc nhi đồng để làm vui lòng “thính giả tý hon” này mà nhớ không ra. Thắng nhìn Thuận-An:
- Thuận-An thích bài gì, nói đi.
- Bài mà chú thường hát đó.
Thắng hơi nhíu mày, không nhớ được bài nào chàng thường hát.
- Bài đó như thế nào, Thuận-An nhắc vài chữ, được không?
- Dạ, bài gì mà…thăm đôi ngày rồi đi…đó.
- Ô, biết rồi. Biết rồi.
Thắng dạo Boléro một đoạn ngắn rồi hát: “Khi nắng nhẹ vươn trên lưng đồi. Xa vắng miền quê bao năm rồi. Về gặp em ngây thơ duyên dáng!...”(1) Nhận ra đúng âm điệu của ca khúc bé thích, Thuận-An vui mừng, chăm chú nghe. Thắng hát xong, Thuận-An, dù chẳng hiểu nội dung ca khúc, vẫn vỗ tay, gương mặt trông rất rạng rỡ:
- Chú dạy em hát bài đó đi, chú.
- Thuận-An còn nhỏ mà hát mấy bài này làm chi?
- Em thích bài đó mà.
- Muốn hát thì phải học nhạc lý chứ đừng nên hát mò.
- Chú dạy em, nhen.
Thắng gật đầu, cười dễ dải. Thuận-An nói rất nhanh: “Dạ, em cảm ơn chú.” rồi Thuận-An chạy vù ra cửa trước. Thắng không hiểu cô bé chạy đi đâu. Cô Năm bước lên phòng khách, đùa:
- Chu cha! Bây giờ thì chú chú, cháu cháu chứ vài năm nữa rồi biết!
- Thuận-An còn bé quá mà, cô.
- Cháu không biết chứ con gái nó lớn nhanh như thổi vậy.
Cô Năm chỉ ngõ sau của ngôi nhà lầu xeo xéo với nhà Cô, tiếp:
- Xung quanh đây nhà ai cũng xoay mặt ra con hẻm này, vì nghèo; chỉ có nhà của Thuận-An là xoay đít ra đây, mặt tiền xoay ra đường chính. Ba Má nó ỷ giàu, khó lắm…
Cô Hai nói chưa dứt câu, Thuận-An xuất hiện:
- Dạ, thưa chú, vở với viết đây.
Nhìn nét mặt hớn hở của Thuận-An, Thắng thở dài nhè nhẹ. Thắng nhìn Thuận-An - và trước khi Thắng có thể phân tích được tâm trạng của chính chàng - những ngón tay của Thắng đã tạo chuỗi âm thanh trầm. Nghe hợp âm trầm rồi thấy nét mặt của Thắng, Thuận-An tò mò:
- Sao đang không chú buồn vậy?
- Vì không đủ thì giờ để dạy nhạc lý cho Thuận-An.
Nghe cô Năm và bà Phúc – Mẹ của Thuận-An – nói chuyện về Thắng, Thuận-An biết Thắng sẽ “ra trận” nhưng Thuận-An không hiểu rõ “ra trận” là gì và cũng không biết tại đâu và bao giờ Thắng đi.
- Chú sắp “ra trận”, phải hôn? Khi nào chú “ra trận”? Rồi chú sẽ đi đâu?
- Ngày mốt. Và sẽ ra Thuận-An.
- Tại sao chú phải ra tuốt ngoài đó lận?
- Lớn lên Thuận-An sẽ hiểu.
Thắng vói tay lấy tập nhạc, lật vài trang, chỉ cho Thuận-An:
- Thuận-An đọc lời ca và hát theo…tôi, nha.
Chẳng đế ý đến sự ngập ngừng của Thắng khi chàng xưng “tôi”, Thuận-An cười rất tươi, sửa thế ngồi. Thắng hát từng câu và Thuận-An hát theo. Thắng không ngờ, chỉ qua vài lần hát theo chàng, Thuận-An có thể hát một mình, không sai nhịp. Thắng cũng không ngờ, sau khi chàng “ra trận”, mỗi chiều, sau khi đi học về, Thuận-An ít ra sân sau chơi với nhóm bạn cùng lứa; Thuận-An ngồi lên thành cửa sổ, hát nho nhỏ ca khúc mà Thắng đã tập cho Thuận-An. Những lúc đó Thuận-An lờ mờ hiểu được phần nào ý nghĩa của lời ca và Thuận-An cảm thấy một chút gì vương vấn cho sự chia xa hay là sự thiếu vắng một cái gì đó, rất mơ hồ. Thắng cũng không ngờ, trong những lần Thắng về phép sau đó, Thắng thấy Thuận-An lớn hẳn lên và đẹp một cách thùy mị, dịu dàng.
Từ đó, mỗi khi từ giã Thuận-An để “ra trận”, Thắng thường đi chầm chậm bên Thuận-An, trên những con đường rợp bóng cây muồn vàng, vừa hát nho nhỏ: “…Em nhé, mình thương nhau muôn đời. Anh giữ gìn biên cương xa vời. Đừng buồn khi xa anh em nhé! Thăm em đôi ngày rồi anh đi…” (2) Thuận-An âu yếm nhìn Thắng, thầm mong được tựa đầu lên vai Thắng để lắng nghe lời ca chĩu nặng ân tình hòa với nhịp đập từ trái tim ngập tràn yêu thương của chàng; nhưng Thắng vẫn giữ một khoảng cách vừa phải.
Khoảng cách đó trở nên mênh mông và sâu thẳm khi Thuận-An bất ngờ thấy Thắng trong một bữa tiệc; và dường như cả Thắng và Nhân đều giả vờ như không thấy nàng! Thuận-An thắc mắc: Tại sao Thắng không tìm cách liên lạc với nàng như những lần trước? Tại sao Thắng không đến trường, đứng xa xa chờ nàng như những lần về phép trước đây? Không ai có thể giải đáp cho cô bé vừa biết yêu lần đầu!
Vị chủ nhà cho biết lý do bữa tiệc tối nay là để tiễn đưa những người bạn phải xa Trường, xa gia đình – gồm có Nhân – để vào Trường Sĩ-Quan Thủ-Đức, thi hành lệnh động viên. Thuận-An cảm thấy buồn cho sự ra đi của các bạn và Nhân thì ít mà buồn vì sự thờ ơ của Thắng thì nhiều.
Đến phần văn nghệ, Nhân yêu cầu Thắng. Thắng, vẫn trong bộ quân phục rằn ri bạc màu, bốn túi, bê-rê xanh xếp lại, vắt vào cầu vai áo và giày trận, từ từ đến bên micro. Thắng ôm Guitar, dạo một phân đoạn rồi hát: “Em! Anh xin em một lần cuối. Đừng trách anh, đừng giận anh, nhé em. Em! Anh van em, em nói đi. Em nói đi, em nói sẽ không bao giờ buồn…Nếu ngày mai lỡ chúng mình xa nhau, anh xin hứa lời cùng em lần cuối. Nếu ngày mai nếu chúng mình xa nhau, anh xin muôn kiếp yêu em mà thôi!”(3) Hát xong,Thắng trở lại chỗ ngồi, quay nhìn Thuận-An thật nhanh. Chỉ một tích tắc đó thôi mà Thuận-An đã nhận ra được tất cả u-uẩn trong ánh nhìn của Thắng. Không thể giả vờ lâu hơn nữa, Thắng đành đến bên nàng:
- Thuận-An! Em khỏe không? Mấy hôm nay anh để ý mà không thấy Thuận-An đi ngang nhà cô Năm.
- Dạ, Ba Má em cấm, không cho em đi ngõ sau nữa.
Thắng thở dài nhè nhẹ. Thuận-An hỏi dồn dập:
- Anh về hôm nào? Tại sao anh không cho em hay? Và bao giờ anh trở lại đơn vị?
Thắng không trả lời, chỉ cười buồn. Và Thắng cảm thấy tiếc trong lòng vì Thuận-An không còn dùng động từ “ra trận” nữa! Thắng gọi “Thuận-An!” Thuận-An nhìn Thắng, chờ đợi. Sau một lúc trầm ngâm, Thắng ngập ngừng:
- Có thể…đây là lần sau cùng…anh gặp em.
Thuận-An hoảng hốt, giọng run rẩy:
- Tại sao? Anh…anh đừng làm em sợ!
Nghe giọng Thuận-An như sắp khóc, Thắng không đủ can đảm nói tiếp những gì cần phải nói. Thắng hít vào một hơi dài rồi nói rất nhanh:
- Thuận-An! Đời còn dành cho em nhiều ngạc nhiên lắm. Anh chúc em nhiều nghị lực. Anh phải đi.
Thắng vội xoay người ra cửa trước sự ngỡ ngàng của Thuận-An!
* * *
Vừa cho xe vào driveway, Hưng và Thuận-An thấy bà láng giềng bước sang. Bà láng giềng này chỉ mới dọn về ngôi nhà bên cạnh khoảng vài tuần. Thuận-An dẫn Shaket – đứa cháu nội hơn hai tuổi – ra phía sau xe. Bà láng giềng bước nhanh đến, bắt tay Thuận-An và chào hỏi bằng những câu xã giao của những người mới gặp nhau lần đầu. Thuận-An cười, lắc đầu:
- Không! Chúng ta đã gặp nhau rồi (We have met…), cách nay khoảng một tuần, lúc bà dẫn chú chó đi bộ và tôi đang tưới cỏ. Bà nhớ không?
Bà láng giềng cười rộ lên: “Oh, yeah! Oh, yeah” rồi bà vẫy tay, trở về sân của bà ấy. Hưng cười cười nhìn Thuận-An như thể Hưng vừa khám phá được điều gì thú vị lắm:
- Nói tiếng Anh như vậy mà cũng nói!
- Nói gì?
- Gặp là “mít” (meet) mà đi nói là “mét” (met).
Vì mặc cảm thua kém Thuận-An cho nên lúc nào Hưng cũng cố tìm mọi cơ hội để chỉ trích, chê bai và dè bĩu nàng. Thuận-An chỉ liếc Hưng rất nhanh, ra vẻ xem thường chàng, rồi dẫn Shaket vào nhà. Chẳng nhận ra được ánh mắt của Thuận-An, Hưng vui thầm, vì nghĩ rằng chàng đã bắt được lỗi lầm của Thuận-An.
Vào nhà, Hưng bước sang phòng gia đình, sà ngay vào xô-pha, bấm nút TV. Thuận-An và Shaket thay đồ xong, xuống bếp.
Điện thoại reng. Thuận-An không thể nghe người đầu giây bên kia nói gì, vì âm thanh của TV quá lớn. Thuận-An từ bếp bước ra phòng gia đình, ra dấu cho Hưng vặn TV nhỏ lại. Hưng liếc Thuận-An, vừa điều chỉnh âm thanh TV vừa lầm bầm: “ Tối ngày, hết điện thoại thì computer; người ta chỉ có cái TV mà cũng không cho người ta mở theo ý của người ta”. Ý của Hưng là lúc nào Thuận-An cũng phải chú ý, cũng phải ân cần, cũng phải chăm sóc và tâng bóc Hưng, xem Hưng là kẻ học rộng, hiểu nhiều. Ngược lại, Hưng chẳng cần tỏ lòng thương yêu hay quý trọng Thuận-An; vì Hưng nghĩ, ngày trước Hưng “bán Trời không mời Thiên-Lôi” mà Hưng không có “phòng nhì” và sau khi bảo lãnh Thuận-An cùng các con sang Mỹ, Hưng đã dứt tình với bà bồ để trở về sống với Thuận-An là may mắn cho Thuận-An lắm rồi, còn đòi hỏi gì nữa! Quan niệm về hôn nhân của Hưng là như vậy, cho nên, mỗi khi thấy Thuận-An có niềm vui riêng, không chú ý đến chàng, Hưng chịu không được. Hưng thường tạo những hành động khác lạ để buộc Thuận-An phải để ý đến chàng.
Dù nhận ra được bề trái của Hưng, Thuận-An cũng chẳng biết phải hành động như thế nào; vì nàng đã được giáo dục theo “đạo lý thánh hiền!” “Con gái mười hai bến nước; trong, nhờ; đục, chịu!”
Thuận-An gác điện thoại vừa khi Shaket bước vào bếp, phát ngôn bằng Anh ngữ:
- Ba Nọi! Đi, đi tới gần cầu thang chơi đồ chơi cháu.
Shaket nắm tay Thuận-An kéo đi. Ngồi chơi với Shaket được một chốc, thấy con bé dễ thương quá, Thuận-An ôm cháu, siết nhẹ. Shaket gỡ tay của Thuận-An ra:
- Ba Nọi! Why do you always hold me too tight? It hurts my feelings.
Thuận-An bật người ra thảm, cười một cách thích thú. Hưng tò mò:
- Cái gì mà cười dữ vậy?
Thuận-An lập lại câu nói của Shaket. Hưng điềm nhiên:
- Nó nói như vậy có gì đâu mà cũng cười.
Thuận-An cười khẩy, tỏ vẻ không quan tâm đến trình độ hiểu biết của Hưng, quay sang hỏi nhỏ Shaket, cũng bằng Anh ngữ:
- Ai bày cháu nói It hurts my feelings vậy?
- Ba Má cháu nói với nhau, cháu nghe.
Thuận-An cười, dẫn Shaket xuống bếp sửa soạn cơm trưa. Shaket chỉ dĩa chả giò:
- Ba Nọi! I want that.
Thuận-An vừa quay sang, chưa kịp lấy chả giò cho Shaket thì nghe tiếng Hưng từ phòng gia đình:
- An! Có ông bà Mỹ nào gõ cửa kìa.
- Tôi đang dọn cơm. Ông ra hỏi giùm xem họ cần gì.
- Thì ra mà hỏi đi chứ tại sao lại sai tui?
Suốt mấy mươi năm qua, đã quen với lối lý luận kỳ quặt của Hưng, Thuận-An không thèm đôi co. Sau khi “đẩy” được hai người giảng đạo đi, Thuận-An quay sang Hưng, mỉa mai:
- Chắc ông đóng đinh hay là neo nơi cái xô-pha đó rồi.
- Chứ biểu tui làm gì bây giờ? Đi chơi với bạn bè chút đỉnh thì kết tội tui là cờ bạc.
- Cờ bạc thiệt đó chứ kết tội gì! Hồi đó, Ba Má tôi ở xa, không biết, chứ khắp Saigon ai còn lạ gì “Hưng tứ đổ tường”! Ông lớn tuổi rồi mà không chịu khó đi bộ hoặc đi tới đi lui, cứ ngồi riết một chỗ xem phim bộ hoặc đánh bài suốt ngày rồi sinh ra đủ thứ bệnh đó.
- Hứ! Cả tuần tui ngồi trong xưởng, lắp lắp, ráp ráp; cuối tuần không cho tui nghỉ, còn bắt đi bộ!
Hưng dừng lại ở đó, nhưng lại nghĩ, may là ở đây chứ nếu còn ở Việt-Nam mà nói với tui cái giọng đó, tui “dộng” cho vài đạp liền!
Thuận-An chẳng thèm trả lời, đi xuống bếp. Dọn cơm xong, Thuận-An bảo Shaket lên mời ông Nội xuống ăn cơm. Shaket chưa kịp quay đi, Hưng đã nghe câu nói của Thuận-An, vội nói vọng xuống:
- Chờ chút. Sắp hết phim rồi.
Thuận-An chán nản lắc đầu. Nhưng nghĩ lại, Thuận-An thoáng giật mình. Thôi, thà để Hưng xem phim bộ còn hơn là phải nghe Hưng hát theo Karaoke. Ui da! Nghe giọng ồ ồ và chữ nào Hưng cũng bắt chước giọng Bắc, Paris thì hát là “Pa-zi”, Thuận-An chịu không nổi! Đã vậy, đi đến đâu Hưng cũng tìm mọi cách để xin lên sân khấu hát một bài. Mỗi khi nghe Hưng “hét” không thể nào Thuận-An không nhớ lại giọng ca nồng nàn, ấm áp của Thắng thuở xưa.
Âm thanh từ TV không còn. Nghĩ rằng Hưng sắp xuống ăn, Thuận-An đem thức ăn ra bàn. Vừa xuống đến cửa bếp Hưng đã reo lên: “Ô, có gà xé phay” rồi Hưng quay nhanh người, bậm tay đấm nhè nhẹ vào bụng, vừa đi vào nhà tắm vừa nói:
- Chờ chút. Để “đi ca” ăn mới ngon.
Cứ bữa ăn nào có món gì Hưng thích hoặc là trước khi đi dự tiệc hay đám cưới, Hưng cũng bậm tay, vừa đấm nhè nhẹ vào bụng vừa đi quanh nhà một lúc rồi vào nhà cầu, “rặn” è è...
Hưng trở ra, ngồi vào bàn ăn. Gắp một đũa thịt gà đưa vào miệng, vừa nhai ngồm ngoàm Hưng vừa nói:
- Ít rau răm quá. Còn rau răm không?
Thuận-An lấy rau răm để vào dĩa nhỏ, đặt cạnh Hưng. Hưng cười:
- Mommy biết gì hôn?
Mỗi khi nghe Hưng bắt chước các con, gọi nàng bằng mommy, Thuận-An thầm lo, nhìn Hưng. Hưng cười “cầu tài”:
- Phải chi có tý chanh vắt vô dĩa gà rau răm này là “hết sẩy”.
Thuận-An lại lấy chanh, cắt, đem đến bàn. Vừa vắt chanh vào dĩa thịt gà Hưng vừa nhìn quanh. Nhận ra không có ly nước, Hưng muốn gọi mommy một lần nữa, nhưng thấy vẻ mặt không vui của Thuận-An, Hưng đẩy ghế, đứng lên. Thuận-An quay sang Hưng:
- Ông ơi! Sẵn đó ông tắt bếp giùm không thôi soon xúp cạn nước.
Hưng loay hoay một lúc nơi bếp rồi hỏi:
- Tắt như thế nào? Vặn trái hay phải?
Thuận-An bực mình, đứng lên vừa khi điện thoại reng. Thuận-An tắt bếp và ra dấu cho Hưng bắt điện thoại. Hưng bắt điện thoại, cười nói hớn hở. Không hiểu đầu giây bên kia hỏi gì, Thuận-An chỉ nghe Hưng đáp: “Bắt điện thoại chậm là vì tui phải coi soon xúp cho bả không thôi nó cạn nước.” Thuận-An lườm Hưng, lắc đầu. Lại tiếng của Hưng: “Cuối tuần phải phụ bả bếp núc, sân vườn, dọn dẹp nhà cửa không thôi đâu yên thân được với bả!” Thuận-An thở dài. Thuận-An cố và miếng cơm để khỏi phải nghe, nhưng tiếng Hưng lại rõ hơn và Hưng quay nhìn Thuận-An như thể Hưng cũng muốn Thuận-An nghe cho rõ để biết sự thông thái và sự am hiểu thời sự của Hưng: “Không! Chi phí cho mỗi chuyến công du của tổng thống Mỹ là 200 triệu Mỹ-Kim một ngày; nhiều hơn số tiền mỗi ngày Mỹ cung ứng cho chiến trường Iraq.” Thuận-An quay nhìn Hưng với ánh mắt nghi ngờ. Thuận-An nhớ cách nay khoảng hai ba tuần, một bãng tin của CNN trên Net loan rằng: Một nguồn tin không chính xác, phát xuất từ Ấn-Độ, cho hay, chuyến công du Ấn-Độ của Tổng Thống Obama, mỗi ngày, tiền thuế của dân Mỹ có thể phải chi ra khoảng 200 triệu Mỹ-Kim; tương đương với số tiền Mỹ cung ứng cho chiến trường Afghanistan. Hưng chỉ xem phim bộ, vậy Hưng lấy tin tức từ đâu? Thuận-An chợt nhớ, Hưng thường lượm mấy tờ báo Việt ngữ ngoài chợ hoặc nhà hàng về đọc. Thuận-An không hiểu sự xác quyết của Hưng là do bài dịch trên tờ báo Việt ngữ hay là do sự “thông thái” của Hưng! Hưng tiếp: “Mấy hội đoàn ở đây đều mời tui ra mà tui không thèm ra. Tui mà ra thì tui phải ra cỡ toàn quốc chứ tại địa phương tui không thèm; thêm nữa, nhỡ tui trúng cử thì bà xã tui bả cự nự; vì bả ghen dữ lắm, bả sợ rủi người đẹp nào ‘bắt cóc’ tui bả gở không ra.” Không biết người ở đầu giây bên kia nói gì nhưng Thuận-An nghe Hưng cười ha…hả…ra vẻ khoái chí lắm, rồi đáp: “Nói gì nữa. Bả là người canh tù vĩ đại của tui mà.” Không lạ gì tính khoác lác của Hưng, nhưng Thuận-An cũng vẫn chưa quen được lối “đổ vạ” của Hưng! Khi nào bị Hưng gây tổn thương tình cảm Thuận-An cũng nghĩ đến lời của bà Phúc thuở xưa: “Đời lính sống nay chết mai, con đâu muốn con của con không có Cha, phải không? Vậy thì con nghe lời Má, nhận lời cầu hôn của gia đình cậu Hưng đi. Cậu Hưng là con một, khỏi bị đi lính. Cậu Hưng lại đang học đại học ở Saigon. Lấy người trí thức bao giờ cũng ấm tấm thân, con à.” Trong khi Thuận-An bị bà Phúc thuyết phục từng ngày thì thư của Thuận-An gửi về K.B.C. của Thắng không có hồi đáp. Thuận-An nghĩ rằng Thắng đã lập gia đình hoặc là Thắng đã có người yêu khác!
* * *
Mọi người tuần tự ra bãi đậu xe, chỉ còn Thuận-An và Nhân đứng lặng bên nhau. Bất chợi có tiếng gọi từ bãi đậu xe: “Chú Nhân.” Thuận-An và Nhân cùng quay người lại. Thuận-An thấy một thiếu nữ rất xinh, đầu chít khăn tang, đang chạy về phía Nhân. Nhân vừa bước nhanh về phía cô bé vừa nói:
- Thuận-An! Đừng chạy, con.
Sau khi nói chuyện với cô cháu, Nhân trở lại bên Thuận-An:
- Con gái đầu lòng của anh Thắng đó. Qua bên này mới lấy vợ thành ra ‘cha già con muộn’!
- Anh Thắng đặt tên con của anh ấy là Thuận-An à?
Nhân gật đầu. Thuận-An lại khóc, như nàng đã khóc suốt mấy ngày qua, nơi một góc vắng, trong ngôi nhà quàn! Một lúc sau, Thuận-An kể tiếp:
- Sau khi Má em qua đời, em đi thăm Ba em lần đầu tiên ở trại tù Kà-Tum. Ba em cho em biết anh Thắng cũng ở tù tại đó. Anh Thắng là người bị biệt giam nhiều nhất và lâu nhất vì phong thái bất khuất, hiên ngang, ngạo mạn, xem cán bộ, quản giáo và cảnh vệ “như củ khoai” – cụm từ anh Thắng thường nói với mọi người. Hôm trại tù tổ chức kỷ niệm ngày 2 tháng 9, anh Thắng tham gia. Cán bộ bảo tất cả “trại viên” phải trình với ban quản giáo nội dung ca khúc hoặc nội dung những màn kịch trước ngày trình diễn. Anh Thắng ghi danh hát bài Hoa Soan Bên Thềm Cũ. Cán bộ bảo anh Thắng cho biết nội dung. Anh Thắng bảo tựa đề như vậy thì tất nhiên phải ca ngợi loài hoa soan rồi, cán bộ đọc làm chi cho mất công. Đến hôm trình diễn cho toàn trại và nhiều cán bộ cao cấp từ xa về xem, anh Thắng ôm guitar, nói vào micro: “Tôi xin hát ca khúc Hoa Soan Bên Thềm Cũ để nhớ về Thuận-An”. Những người cùng binh chủng Thủy Quân Lục Chiến với anh Thắng nhìn nhau, tưởng rằng anh Thắng nghĩ đến vùng biển nghèo, ngập máu và xác người mà anh Thắng đã vượt qua không biết bao nhiêu khổ nạn mới đưa được đơn vị của anh ấy từ Phong-Điền về đến, để chờ tàu Hải-Quân đón, vào những ngày cuối tháng 03 năm 1975. Riêng Ba em thì hiểu rằng anh Thắng hát bản đó để nhớ em; vì Ba em thường nghe em ngân nga bài này. Khi anh Thắng hát đến đoạn điệp khúc: “…Tới trước ngõ cũ nghe kể rằng giặc tràn qua thôn xóm, gieo bao đau thương bao điêu tàn từ ngày anh vắng xa…” thì có tiếng quát lớn: “Phản động! Phản động! Đấm vỡ mồm nó ngay!” . Anh Thắng bị vệ binh lôi khỏi sân khấu, đánh đập rất tàn bạo, rất dã man mà anh Thắng cũng vẫn im lặng nhận chịu, không kêu than. Sau đó anh Thắng bị lôi xềnh xệch vào nhà biệt giam!
Ba em kể đến đây, em khóc. Ba em cũng khóc. Quản giáo giận, bảo giờ thăm nuôi là giờ đoàn viên hạnh phúc chứ không phải để khóc than. Và quản giáo bắt Ba em rời nhà thăm nuôi ngay lập tức. Trong khi bị vệ binh đẩy ra khỏi nhà thăm nuôi, Ba em nói vội vàng: “Thuận-An! Con tha thứ cho Ba. Ba ân hận lắm con ơi!” . Em giật mình, vì trước khi lâm chung, Má em cũng trối trăn một câu tương tự. Sau đó không lâu, trong khi cùng đoàn tù băng qua suối để vào rừng chặt gỗ, Ba em bị nước cuốn đi…
Thuận-An xúc động quá, nghẹn lời. Nhân nói:
- Anh xin thành thật chia buồn với Thuận-An về sự “ra đi” của hai Bác. Nhưng Thuận-An biết hai Bác ân hận về điều gì hay không?
Thuận-An lắc đầu. Nhân thở dài. Không thể nào Nhân quên được buổi tối xa xưa, sau khi ra phố mua vật dụng cần thiết cho những ngày “vào lính”, trở về, Nhân thấy Tuấn ra dấu cho Nhân đừng vào nhà. Hai anh em vào bếp. Nhân rất ngạc nhiên khi thấy ông bà Phúc, cô Năm và Thắng đang nói chuyện trên phòng khách. Linh cảm được sự quan trọng của cuộc nói chuyện, Nhân lắng nghe. Dường như câu chuyện đang đến hồi kết thúc, vì giọng bà Phúc: “Cậu hứa có cô Năm làm chứng. Cậu đừng quên, nhen, cậu Thắng.” Giọng ông Phúc cố đánh vào tâm lý của Thắng: “Bà…sao! Đại Úy là một sĩ quan; khi một sĩ quan đã hứa thì ‘như đinh đóng cột’, phải vậy không, Đại Úy?”. Giọng Thắng, dường như bị xúc động mạnh: “Thưa hai Bác! Cháu hứa sẽ làm bất cứ điều gì, miễn rằng điều đó đem hạnh phúc đến cho Thuận-An". Bà Phúc khoe ngay: “Cậu nói vậy vợ chồng tôi biết ơn cậu lắm. Nói thiệt để cô Năm và cậu Thắng mừng cho cháu Thuận-An. Đám này con một, cậu ấy đang học đại học tại Saigon. Cha Mẹ cậu ấy muốn tìm nơi môn đăng hộ đối…” . Vì lòng Nhân cũng thầm yêu cô bạn nhỏ Thuận-An, cho nên, nghe đến đây Nhân mất bình tĩnh, lẫn ra ngoài.
Suốt mấy mươi năm qua, Nhân được bạn bè cho biết Thuận-An triền miên sống trong đau khổ vì gặp phải người chồng ít học, vũ phu, chỉ mê cờ bạc và tửu sắc. Nhân thầm buồn cho “cô bạn nhỏ” thuở xưa. Mấy hôm nay gặp lại Thuận-An trong hoàn cảnh đau buồn, Nhân tự hỏi, chàng có nên cho Thuận-An biết về mối tình một chiều của chàng và sự thật về niềm hối hận của ông bà Phúc hay không? Sau nhiều đắn đo, cân nhắc, Nhân quyết định ôm kín mọi điều. Nhân chuyển câu chuyện:
- Thôi, chiều rồi, mình nên đi về, Thuận-An.
- Anh về đi kẻo chị chờ. Em muốn được một mình với anh Thắng trong chốc lát.
- Anh chờ Thuận-An nơi bãi đậu xe. Anh không thể để Thuận-An ở đây một mình.
Còn lại một mình, Thuận-An quỳ xuống, thì thầm với Thắng những điều chỉ giữa nàng và Thắng hiểu mà thôi. Vừa khi Thuận-An lấy khăn giấy lau nước mắt thì một chú Hummingbird từ đâu sà xuống, ngước đôi mắt tròn xoe nhìn nàng. Thuận-An vừa nhẹ nhàng đưa tay về phía chú chim non vừa thầm hỏi: “Có phải anh về đó không, anh Thắng?” . Chú chim bước lui vài bước rồi tung cánh bay lên. Nhìn cánh chim chao lượn, bỗng dưng Thuận-An tưởng như nàng có thể nghe được tiếng ca nức nở: “…It’s hard for me to tell you I love you as I’m standing over your grave. And I know I’ll never hear your voice again…I miss you so much…” . Cánh chim càng vút cao tiếng hát càng vang xa và nhỏ dần rồi tan loãng trong không gian đìu hiu của một buổi chiều!
ĐIỆP-MỸ-LINH
1và 2 .- Hoa Soan Bên Thềm Cũ của Tuấn-Khanh.
3.- Lời Cuối Cho Em của Nguyễn-Vũ.
4.- Missing You của First Lady.
Đăng ngày 25 tháng 04.2015