Tùy bút
Hỡi người trẻ Việt Nam!
Điệp Mỹ Linh
Vào dịp Thanh Minh, gia đình tôi đi chùa, viếng hài cốt của Bố các con tôi – Cố Hải Quân Trung Tá Hồ Quang Minh!
Vừa rời nơi để hài cốt của Minh, thấy một vị Thầy bước về hướng tôi, tôi cung kính chào. Thầy cười và rất bất ngờ gọi: “Chị Điệp Mỹ Linh!” Tôi hoàn toàn ngạc nhiên: “Dạ, thưa Thầy, làm thế nào Thầy biết con là Điệp Mỹ Linh?” Thầy đáp: “Biết chứ! Nhưng tôi khuyên chị đừng nên viết xúi người ta ‘wuýnh’ nhau!” Tôi ngỡ ngàng, tim thắt lại và lòng cảm thấy bất nhẫn, vội quay người, bước nhanh vào chánh điện. Vì không hiểu tiếng Việt nhiều, các con tôi bước theo tôi nhưng vẫn quay lại nhìn Thầy như ngầm hỏi: “Thầy đã nói gì xúc phạm đến Măng của chúng tôi, phải không?”
Dù bị xúc phạm, sau khi quỳ xuống, chấp tay, nhìn tượng Phật Quan Thế Âm, tôi cảm thấy bình an trong hồn.
Theo tiếng niệm kinh trầm trầm – và cũng vì lời khuyên của vị Thầy, lúc nãy – hồn tôi lui về quá khứ xa xăm như muốn tìm lại những dòng sông xưa, những vùng trời lửa đạn, những bến bờ dấu yêu, những khuôn mặt thân quen của những người đã hy sinh tuổi trẻ, hy sinh một phần cơ thể và rất nhiều người hy sinh cả mạng sống để bảo vệ miền Nam Việt Nam!
Trong những khuôn mặt thân quen, tôi nhận ra nhiều thanh niên mặc quân phục cùng màu với quân phục của Minh, đã cùng sống rồi chết bên cạnh Minh, trên các chiến đỉnh. Khi nào nghĩ đến những người con ưu tú này của Mẹ Việt Nam, lòng tôi cũng ngậm ngùi và biết ơn!
Lòng biết ơn của tôi dành cho thanh niên miền Nam thường làm cho hồn tôi chùng thấp mỗi khi đứng nghiêm, đồng hát Quốc Ca V.N.C.H. Lúc nào cũng vậy, đến đoạn điệp khúc, giọng tôi nghẹn lại và hai hàng nước mắt tuôn dài! Theo tiếng hát nghẹn ngào, tôi tưởng như – dưới bóng cờ – thấp thoáng bóng dáng em tôi, em của Minh và bạn hữu của tôi, đã xông vào lửa đạn, quyết ngăn chận bước chân đẩm máu của “người anh em (!)” từ bên kia Bến Hải.
Tôi cũng biết ơn những vị cựu Chỉ Huy của Minh; vì những vị này biết cá tính năng động, can trường và liều lĩnh của Minh đã bổ nhiệm Minh về các đơn vị tác chiến để Minh có cơ hội cho “quân du kích và bộ đội cụ Hồ” biết thế nào là bản lĩnh của Hải Quân V.N.C.H. trên sông rạch!
Bản lĩnh của Hải Quân V.N.C.H. cũng như bản lĩnh của tất cả quân binh chủng Q.L./V.N.C.H. là: Hễ xung trận thì cho giang đỉnh ủi thẳng vào nơi bị phục kích, hoặc nhảy trên đầu địch bằng chiến thuật trực thăng vận của Nhảy Dù, Biệt Động Quân, để chiến đấu trực diện chứ không thèm lùa trẻ em và phụ nữ đi trước rồi lom khom phía sau để tấn công cơ quan quân sự như Việt Cộng đã thực hiện vào Tết Mậu Thân 1968. Người Lính V.N.C.H. cũng không bao giờ bắn sẻ hoặc pháo kích bừa bãi vào thành phố, vào trường học hoặc bắn trực xạ vào người dân chạy nạn – như “du kích quân và bộ đội cụ Hồ” đã “hồ hởi” thi hành năm 1972 ở Quảng Trị, tạo nên Đại lộ Kinh Hoàng và năm 1975 trên liên tỉnh lộ 7 từ Pleiku xuống Tuy Hòa rồi quốc lộ I, khoảng đèo Hải Vân và con đường ngắn từ Đà Nẵng sang Tiên Sa!
Về kỹ thuật tác chiến, có thể Hải Quân V.N.C.H. không khác với các quân binh chủng bạn; nhưng Hải Quân có những điều rất khác biệt mà các quân binh chủng bạn không có. Đó là: Rời căn cứ, hậu cứ hoặc đơn vị để đi phố thì Hải Quân gọi là “đi bờ”. Chỉ Huy Trưởng hoặc Chỉ Huy Phó của một đơn vị, được sĩ quan, hạ sĩ quan và thủy thủ gọi là Chỉ Huy Trưởng, Chỉ Huy Phó chứ không gọi theo cấp bậc. Hạm Trưởng hoặc Hạm Phó được gọi là Hạm Trưởng, Hạm Phó chứ không gọi là Thuyền Trưởng, Thuyền Phó hay gọi theo cấp bậc. Giữa sĩ quan với nhau thì sĩ quan cấp thấp thường gọi sĩ quan cao cấp bằng Commandant. Khi tiếp xúc với vị Tướng Hải Quân – dù vị Tướng ấy là Phó Đề Đốc – người đối thoại cũng gọi vị Tướng này là Đô Đốc.
Riêng Minh, dù trước hoặc sau ngày 30 tháng Tư 1975, tôi vẫn nghe Minh gọi những vị Tướng Hải Quân là Commandants; ngoại trừ Đề Đốc Trần Văn Chơn và Đô Đốc Chung Tấn Cang. Trước 1975, Minh gọi hai vị này là Tư Lệnh. Sau 1975, Minh gọi hai vị này là Đô Đốc.
Trong thời gian làm vợ của Minh – ngoài việc thường xuyên tiếp xúc, trợ giúp tinh thần gia đình vợ con các anh hạ sĩ quan và thủy thủ tử trận – tôi cũng hân hạnh được tiếp xúc với nhiều vị Đô Đốc và Commandants chỉ huy trực tiếp của Minh.
Xin kể theo thứ tự thời gian: Vị Commandant đầu tiên của Minh là Hải Quân Trung Tá Hồ Văn Kỳ Thoại; về sau Ông được thăng Phó Đề Đốc. Hải Quân Trung Tá Nguyễn Văn Hoa. Hải Quân Đại Tá Trần Bình Sang. Hải Quân Đại Tá Diệp Quang Thủy; về sau Ông được thăng Phó Đề Đốc. Hải Quân Đại Tá Vũ Đình Đào; về sau Ông được thăng Phó Đề Đốc. Phó Đề Đốc Đặng Cao Thăng. Vị Chỉ Huy trực tiếp cuối cùng của Minh là Hải Quân Đại Tá Khương Hữu Bá.
Khi Minh được thuyên chuyển về Phú Quốc, phục vụ dưới quyền chỉ huy của Hải Quân Đại Tá Khương Hữu Bá – Tư Lệnh Hải Quân Vùng IV Duyên Hải – tôi ở lại Saigon, vì các con tôi bắt đầu lớn.
Khi nào đi Phú Quốc thăm Minh, tôi cũng phải đi bằng Hàng Không Dân Sự xuống Rạch Giá; vì Hàng Không Dân Sự Việt Nam không có đường bay ra Phú Quốc. Tại Rạch Giá, tôi vào Căn Cứ Hải Quân Rạch Sõi, tìm các PCF – Patrol Craft Fast, Duyên Tốc Đỉnh – của các đơn vị đồn trú gần hoặc ngay đảo Phú Quốc vào Rạch Giá công tác hoặc sửa chữa tại Căn Cứ Hải Quân Rạch Sõi để xin “quá giang” ra Phú Quốc. Khi trở về Saigon tôi phải thực hiện hành trình ngược lại.
Trên những PCF “phóng” nhanh như tên xẹt, tung bọt trắng xóa, tôi thầm thương những chiếc Chủ Lực của Duyên Đoàn và những chiếc LCM – Landing Craft Mechanized, quân vận đỉnh – “dềnh dàng” của Giang Đoàn với vận tốc chậm, dễ bị Việt Cộng bắn sẻ và pháo kích.
Đến Phú Quốc, Minh đón và đưa tôi về nơi Minh làm việc.
Mỗi khi rời nơi Minh làm việc để đến Bộ Tư Lệnh Vùng IV Duyên Hải, hoặc từ Bộ Tư Lệnh Vùng IV Duyên Hải trở về, Minh và tôi đều đi ngang trại tù nhốt Việt Cộng.
Là một Phật tử thuần túy, tuyệt đối vâng lời Phật dạy và cũng là một người rất nhạy cảm trước nỗi khổ đau của muôn loài, nhưng không hiểu tại sao, mỗi khi xe chạy ngang trại tù nhốt Việt Cộng, lòng tôi dửng dưng, nếu không muốn nói rằng tôi còn cho là đáng đời! Sau khi phân tích trạng thái tình cảm, tôi mới nhận ra rằng: Vì Việt Cộng là những người chỉ chuyên thực hiện cái ác, dùng mọi thủ đoạn – dù phải hy sinh không biết bao nhiêu thanh niên miền Bắc để thực hiện chiến thuật biển người – để cưỡng chiếm cho bằng được phần đất mà chính phe Cộng Sản của họ đã ký kết tại Genève, năm 1954, để chia nước Việt thành hai miền: Cộng Sản miền Bắc; Quốc Gia miền Nam!
Năm 1954 tôi còn bé, nhưng, những lời giảng dạy của Ba tôi – người từng ra “vùng giải phóng” để chống Tây – cho tôi hiểu rằng: Cộng Sản Việt Nam (C.S.V.N.) luôn luôn cổ xúy và nuôi dưỡng tinh thần giai cấp đấu tranh để mọi người đều nghèo như nhau. Tinh thần giai cấp đấu tranh đưa đến chiến dịch Cải Cách Ruộng Đất. Cải Cách Ruộng Đất không những chỉ giết người dân vô tội mà phương cách Đảng và “nhà nước” thực hiện để giết người còn hết sức dã man và tàn bạo bằng cách khích động dân chúng ném đá vào nạn nhân – bị trói – cho đến khi nạn nhân gục chết; hoặc C.S.V.N. chôn sống nạn nhân, chỉ để phần cổ và đầu ló khỏi mặt đất rồi cho trâu bò kéo cày hoặc bừa đi ngang, cào theo đầu của nạn nhân!
Cải Cách Ruộng Đất dã man và tàn ác như vậy thì chính sách “bần cùng hóa nhân dân” làm cho mọi người đều dốt nát như nhau; bởi vì người dốt bao giờ cũng dễ bị tuyên truyền, dễ bị tẩy não hơn người có học thức; vì lý do này, Mao Trạch Đông của Trung Cộng quan niệm “trí thức không bằng…cục phân”! Ngoài ra, C.S.V.N. còn tạo ra sự nghi kỵ lẫn nhau, không ai tin ai. Ngay như thầy cô giáo từ các lớp tiểu học đã dạy trẻ em: Về nhà nghe Cha Mẹ nói gì, ăn gì, gặp ai, v. v… thì mách lại thầy cô để thầy cô trao bằng khen Cháu Ngoan Bác Hồ!
Ba tôi giải thích: Chỉ có những kẻ nghèo mà không có đạo đức, không lương thiện, không học vấn và thua kém mọi bề thì mới dốc hết toàn lực và sinh mạng để cướp đoạt cho bằng được tài sản của những người lương thiện, giàu có, khá giả và học hành hơn họ. C.S.V.N. chính là những kẻ này!
Nếu ai chưa hiểu Cộng Sản thì mời nghe bài Quốc Tế Ca được phổ biến rộng rãi trong thế giới Cộng Sản suốt gần ¾ thế kỷ: “Vùng lên hỡi các nô lệ ở thế gian… Sục sôi nhiệt huyết trong tâm đầy chứa rồi. Quyết phen này sống chết mà thôi. Chế độ xưa ta mau phá sạch tan tành… bao nhiêu lợi quyền tất qua tay mình…” Ngoài bản Quốc Tế Ca, người C.S.V.N. còn được hun đúc từ tấm bé bằng lời ca của bài Quốc Ca: “…Thề phanh thây uống máu quân thù…” để chém giết, để tóm thu lợi nhuận của người miền Nam cho bản thân họ và cũng để tôn vinh ông Hồ Chí Minh.
“Bộ đội cụ Hồ” không những chỉ liều chết để tôn vinh cụ Hồ mà “bộ đội cụ Hồ” lại còn được chính Tố Hữu – ủy viên bộ chính trị, bí thư ban chấp hành trung ương đảng C.S.V.N., phó chủ tịch thứ nhất hội đồng bộ trưởng nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam – cổ xúy lăn vào chỗ chết để tôn vinh hai tên lãnh tụ Cộng Sản Nga và Trung Cộng bằng những vần thơ:
“…Giết, giết nữa, bàn tay không phút nghỉ,
Cho ruộng đồng lúa tốt, thuế mau xong,
Cho đảng bền lâu, cùng rập bước chung lòng,
Thờ Mao Chủ tịch, thờ Sít-ta-lin bất diệt”
Trong khi đó, chúng tôi – người miền Nam – thời mới lớn lại được hun đúc bằng lời ca mang tính cách giáo dục và đạo đức trong bài Học Sinh Hành Khúc của Lê Thương: “…Học Sinh là mầm sống của ngày mai. Nung đúc tâm hồn để nuôi chí lớn. Theo các thanh niên sống vì giống nòi. Liều thân vì nước, vì dân mà thôi…” Khi trưởng thành, thanh niên miền Nam trở thành Người Lính V.N.C.H; và người Lính V.N.C.H. cũng rất hiền lành, chỉ biết “…Thù Nước lấy máu đào đem báo…” để chiến đấu cho Tổ Quốc và bảo vệ Quê Hương – bằng chứng hùng hồn nhất là trận hải chiến Hoàng Sa giữa Hải Quân V.N.C.H. với Trung Cộng – chứ không hề gây chiến và không hề tôn vinh một cá nhân hoặc một đảng phái nào cả.
Vậy thì giữa người Lính V.N.C.H. và “bộ đội cụ Hồ” ai có chính nghĩa và ai có lý tưởng, mọi người Việt Nam trong và ngoài nước đều nhận thức được rồi!
Khi đề cập đến lý tưởng và chính nghĩa của người Lính V.N.C.H. tôi chợt liên tưởng đến ý nghĩ thầm kín của tôi khi tôi được Đại Tá Khương Hữu Bá – nhân chuyến về Saigon họp – cho tôi “quá giang” chiếc Cessna đưa Đại Tá từ Phú Quốc về Saigon.
Qua cửa sổ Cessna, thấy những dòng sông hiền hòa len lỏi giữa những ruộng lúa xanh tươi, tôi thầm cảm ơn người lính Nghĩa Quân đã âm thầm chu toàn bổn phận trong những đồn hẻo lánh dọc các bờ sông và vợ của những Nghĩa Quân này phải tiếp đạn cho chồng để giữ an ninh, không cho Việt Cộng vượt sông về phá rối nông thôn. Tôi thầm tạ ơn những người lính Hải Quân đã từng đêm thức trắng trong phiên gác, để thảy lựu đạn quanh các giang đỉnh, không cho người nhái Việt Cộng lặn ra đặt mìn, làm chìm giang đỉnh. Tôi biết ơn các anh Không Quân trong những phi vụ oanh kích “đẹp” như trong xi-nê, những chuyến bay yểm trợ và những chuyến trực thăng tải thương đầy nguy hiểm. Tôi cũng xin cảm ơn những quân nhân thuộc các binh chủng thiện chiến như Bộ Binh, Thủy Quân Lục Chiến, Nhảy Dù và Biệt Động Quân đã lội “bì bỏm” trong sình lầy, tận diệt Việt Cộng để nhà nông được yên lành cày cấy, tạo nên những cánh đồng lúa xanh ngút ngàn trong tầm mắt tôi.
Trong tầm mắt tôi cũng hiện ra từng dãy nhà sàn dọc những bờ sông hoang vắng mà tôi từng đi qua, từng xót xa thương cảm. Nhìn những cụ già hom hem, miệng móm với nụ cười nhân hậu, tôi nhớ Bà Ngoại của tôi. Thế mà, trong số những cụ già dễ thương này đố ai biết được có bao nhiêu cụ bà đã nhẹ dạ, tin lời Việt Cộng, cho Việt Cộng đào hầm trong vườn rồi nuôi chúng để được gọi là “Mẹ chiến sĩ”!
Nếu những chuyến trực thăng cho tôi hiểu thế nào là chiến tranh, thế nào là cảm giác sợ hãi khi thấy Việt Cộng bắn lên trực thăng hoặc thế nào là xót thương khi thấy người Lính V.N.C.H. bị thương được chuyển theo trực thăng để đưa về bệnh viện thì chiếc Cessna lại cho tôi cảm giác yên bình, thanh thản vô cùng.
Nhìn hình ảnh tươi đẹp dưới xa, tôi chợt nhớ thời Ba tôi ra “ngoài nớ” theo kháng chiến chống Tây. Lúc đó tôi còn nhỏ lắm, không hiểu biết gì, chỉ biết đàn ca thôi. Những cảnh đói khát, tang thương đến cùng cực vì đồng ruộng nứt nẻ, khô cằn, con người thì đói khổ, được Ba tôi giải thích rằng Việt Minh áp dụng triệt để chính sách “Tiêu thổ kháng chiến”. Những hình ảnh “ngoài nớ” thật tương phản với thảm mạ non xanh mướt “trong ni” khiến cho lòng thương cảm Quê Ngoại của tôi dâng lên và dòng nhạc xưa chợt trỗi dậy trong hồn. Tôi không dám “ngân nga” vì lòng phi cơ rất hẹp, ngại Đại Tá Bá có thể nghe được. Tuy vậy, trong hồn tôi, bài dân ca Quê Nghèo của Phạm Duy vẫn vọng về: “…Ruộng khô có những ông già rách vai, cuốc đất bên đàn trẻ gầy, có người bừa thay trâu cày….Quê cũ đã nghèo lắm rồi, thêm đói thêm sầu mà thôi…”
Nhờ chuyến Cessna này và cũng nhờ những lần theo các Giang Đoàn Xung Phong, Giang Đoàn Tuần Thám, Giang Đoàn Ngăn Chận v.v… đến tận U Minh, Chương Thiện hoặc biên giới Việt Miên mà tình yêu Quê Hương được khơi dậy, nẩy sinh và vun bồi mạnh mẽ trong lòng tôi.
Khi chiếc Cessna bay ở cao độ vừa phải, trong tầm mắt tôi, những bờ cát mịn màng trông như những giải lụa óng ả, mượt mà ôm sát vòng eo thon của Quê Mẹ thân yêu. Không ngờ, chỉ vài tháng sau, những bờ cát mịn màng đó biến thành những bãi cát ngập máu và xác người! Vũ khí của Nga và Trung Cộng viện trợ cho C.S.V.N. tối tân thật, nhưng nếu không có sự căm thù sôi sục trong lòng những người từ miền Bắc thề “sinh Bắc tử Nam” thì làm thế nào sinh mạng của không biết bao nhiêu trẻ em, phụ nữ và người già vô tội – và không khí giới để tự vệ – ở miền Nam phải gục ngã trong khi những người dân vô tội này chỉ muốn được thoát lên các chiến hạm của Hải Quân V.N.C.H. đang chờ đợi để đưa họ đến nơi an toàn!
Hỡi Người Trẻ Việt Nam sinh sau 1975! Vì các bạn chưa được sinh ra để thấy những bờ biển ngập xác người do C.S.V.N. tạo nên bằng hỏa tiễn của Trung Cộng và Nga, năm 1975; các bạn không thấy C.S.V.N. pháo kích ngay vào bệnh viện Long An, năm 1975; và các bạn cũng không thấy – sau khi cưỡng chiếm được miền Nam – C.S.V.N. đã đuổi tất cả thương bệnh binh ra khỏi những quân y viện của V.N.C.H, năm 1975; các bạn không thấy những ngôi mộ tập thể ở Huế, do C.S.V.N. tàn sát – nhiều khi C.S.V.N. không giết mà C.S.V.N. lại chôn sống – dân lành ở Huế, năm 1968; các bạn không thấy C.S.V.N. pháo kích vào trường tiểu học Cai Lậy, giết hại cả trăm học sinh; các bạn không thấy “du kích quân của cụ Hồ” đặt mìn trên quốc lộ để xe đò bị nổ tung, người dân chết nát thây; các bạn không thấy C.S.V.N. trà trộn vào dân rồi thảy lựu đạn vào rạp xi-nê, nhà hàng v.v… Vì các bạn không thấy những thảm cảnh đó và cũng vì C.S.V.N. không dám ghi lại những hành động dã man, tàn ác của họ trên những trang Việt sử cận đại cho nên các bạn thường đặt câu hỏi trên internet: Tại sao người Việt “nước ngoài” cứ tìm cách đánh phá “nhà nước” Việt Nam?
Thưa các bạn trẻ sinh sau 1975. Không đánh phá sao được khi người C.S.V.N. sát hại đồng chủng một cách man rợ chỉ với mục đích đánh cho “Mỹ cút Ngụy nhào”. Mỹ đã cút, Ngụy đã nhào, bây giờ các bạn thấy ai hiện diện nhởn nhơ trên Quê Hương Việt Nam? Ai đầu độc dân tộc và môi trường sống của người Việt Nam?
Câu trả lời là: Tàu Cộng!
Bốn mươi hai năm trước, nhờ vũ khí của Nga và Trung Cộng cùng với sự căm thù trong lòng, “bộ đội cụ Hồ” đã tạo nên những bờ biển ngập máu và xác người miền Nam; đã tạo nên những làn sóng người Việt bỏ xứ ra đi để rồi rất nhiều người bị vùi thân trong biển cả! Sau đó là hình ảnh nhục nhã của những thiếu nữ Việt “phơi mình” cho Trung Cộng và Đại Hàn mua về làm vợ; và biết bao thanh niên xuất khẩu lao động rồi ở luôn nơi xứ người!
Bốn mươi hai năm sau, trên nguồn, Trung Cộng xây nhiều đập nước khổng lồ để ngăn nguồn phù sa, làm cho sông nước miền Nam Việt Nam bị nhiễm nước mặn khiến vựa lúa miền Nam chết dần! Đảng C.S.V.N. lại cho phép Trung Cộng khai thác tài nguyên trên vùng cao, đốn cây và phá rừng Việt Nam một cách bừa bãi; và từ những cơ xưởng đồ sộ của Trung Cộng – từ thác Bản Dốc cho đến mũi Cà Mau – thải ra sông và biển không biết bao nhiêu hóa chất để tiêu diệt nguồn sống của người dân và đưa dân tộc Việt Nam vào họa diệt vong!
Hỡi người trẻ Việt Nam! Bây giờ là thời điểm thuận tiện nhất để các bạn thực hiện lời ca “cũ” bài Quốc Ca của C.S.V.N: “Thề phanh thây uống máu quân thù”! Vâng, quân thù Tàu Cộng đang tràn lan khắp nước Việt, đang đầu độc môi trường sống của dân Việt. Không ai có thể chối cải điều này!
Sau khi cưỡng chiếm miền Nam, C.S.V.N. tịch thu tất cả tài sản của người miền Nam, bắt Cha, Ông, chồng, anh em của người miền Nam nhốt tù và đuổi Mẹ, vợ con, chị em của người miền Nam đi kinh tế mới rồi chính C.S.V.N. đổi lời bài Quốc Ca của họ thành: “Đài vinh quang xây xác quân thù”.
Đúng! Người C.S.V.N. đã thật sự xây “đài vinh quang” trên thân xác của “bộ đội cụ Hồ” và thân xác người miền Nam chúng tôi sau khi “phanh thây uống máu” chúng tôi.
Sau 1975, C.S.V.N. gọi chúng tôi – những người phải trốn chạy khỏi sự tận diệt dã man của C.S.V.N. – là thứ “ăn bơ thừa, sữa cặn của đế quốc Mỹ”. Bây giờ người C.S.V.N. gửi con cháu sang Mỹ du học, mua bất động sản của “đế quốc Mỹ” và người C.S.V.N. gọi chúng tôi là “khúc ruột ngàn dặm”, vì số ngoại tệ khổng lồ do chúng tôi gửi về Việt Nam.
Chính nhờ số ngoại tệ chúng tôi gửi về mà Việt Nam qua được “thời bao cấp”! Chúng tôi – “bên thua cuộc” – sẽ im lặng, âm thầm gửi ngoại tệ về Việt Nam. Nhưng chúng tôi không thể im lặng khi thấy người C.S.V.N. đánh cho “Mỹ cút Ngụy nhào” chỉ để đón quân thù truyền kiếp của dân tộc Việt – là Tàu Cộng – vào ngự trị, tàn phá Quê Hương và đầu độc người Việt Nam!
Viết đến đây tự dưng lời ca của bài Nhân Dân Cách Mạng Việt Nam bừng lên trong lòng tôi: “…Trên Quê hương đau thương mưu cuộc giải phóng giống nòi. Hận thù bọn Việt Cộng đã cướp mất lẽ sống… Đồng bào Việt Nam! Đứng lên cùng thế giới! Đồng bào Việt Nam! Đấu tranh và kiến quốc! Tự quyết lấy đi thôi, đường sống tiến lên đi! Tiến lên dân tộc Việt ơi!” Khi nhạc sĩ Hùng Lân sáng tác bản này tôi chỉ là đứa bé gái nhút nhát, nhưng vẫn cảm thấy tinh thần dân tộc và tình yêu Quê Hương được khơi dậy mãnh liệt!
Hỡi người trẻ Việt Nam! Khi nào có dịp đi máy bay nội địa, hãy nhìn dọc theo bờ Đại Dương để thấy vẻ đẹp mỹ miều của những giải cát vàng. Chính lúc đó, bạn sẽ đồng ý với tôi: “Những bờ cát mịn màng trông như những giải lụa óng ả, mượt mà ôm sát vòng eo thon của Quê Mẹ thân yêu”.
Khi nhận thức được Quê Mẹ thân yêu đang bị Trung Cộng tàn phá, bạn sẽ cảm thấy tự ái dân tộc bị tổn thương; từ đó tinh thần dân tộc được khơi dậy và bạn chỉ muốn vung nắm tay vào mặt bọn Tàu khựa, quát to: “Hãy trả lại sông, núi, biển, đảo cho ta!”
Hãy hành động trước khi quá muộn, hỡi Người Trẻ Việt Nam!
ĐIỆP MỸ LINH
Những ngày ấy, mỗi người
Tuấn Khanh
30/4/1975 là biến cố của một đất nước, nhưng ngày đó cũng là biến cố riêng của nhiều con người.
Trong dòng chảy tán loạn từ Huế, Đà Nẵng, Nha Trang vào Sài Gòn... có vô vàn những câu chuyện chưa kể. Nguyễn Thị Xuân Phương, cựu phóng viên truyền hình Bắc Việt kể lại rằng bà kinh hoàng nhìn thấy xác thường dân nằm ngập và kéo dài suốt từ đèo Hải Vân xuống Đà Nẵng cũng với dòng người đi bộ, chạy... để tránh Việt Cộng. Còn phóng viên Trần Mai Hạnh của Thông Tấn Xã Việt Nam, người có mặt tại buổi trưa 30/4 với chiếc xe tăng tiến vào dinh Độc Lập, vừa ra một cuốn sách về 4 tháng cuối cùng của cuộc chiến tranh, đã nói rằng cuối cũng thì điều ông tâm nguyện để lại, là sự thật.
Thỉnh thoảng, tôi vẫn tự hỏi vậy thì vào những thời khắc ấy - kể cả sau đó, những người tôi biết - hay không quen - đang như thế nào, làm gì?
Gia đình của nhạc sĩ Hoàng Thi Thơ kể rằng khi ngày 30/4 ập đến, chương trình biểu diễn tại Nhật của đoàn Hoàng Thi Thơ vẫn chưa chấm dứt, vì vậy ông bị kẹt ở lại, sau đó định cư ở Mỹ. Nhưng con và cháu ông thì lại có cơ hội chứng kiến nhiều điều mà đến mấy năm sau vẫn chưa thể kể cho nhau nghe, vì không thể có thư từ liên lạc, rồi đến khi có, cũng không dám kể gì cho nhau, vì thư luôn bị kiểm duyệt.
Hai đứa con của nhạc sĩ Hoàng Thi Thơ là Hoàng Mỵ Thi Thoa và Hoàng Thi Thanh bất ngờ nhìn thấy một đám đông lính Bắc Việt và những thành phần "băng đỏ" đứng trước ngôi nhà của mình tại quận 1, đập cửa, quát tháo. Hai em nhỏ vị thành niên này cùng người cậu của mình bị buộc phải ra khỏi nhà ngay lập tức vì đang ở trong "nhà của tên có tội với nhân dân Hoàng Thi Thơ, nên đã bị chính quyền cách mạng trưng thu".
Tất cả mọi người được sự khoan hồng nên có được 5 phút để trở vào ngôi nhà của mình, lấy 2 bộ quần áo cho mỗi người và ra đi, không kịp đốt nén hương từ giã ông bà. Dĩ nhiên, ngay cả việc đi lấy quần áo cũng có người cầm súng theo kiểm soát vì sợ hai em nhỏ này cất giấu hay tẩu tán tài sản.
Hai đứa con của nhạc sĩ Hoàng Thi Thơ gạt nước mắt ra khỏi nhà của mình, đi cùng một người cậu về Gò Vấp, tới một căn nhà khác của ông Hoàng Thi Thơ. Nơi đó, một người em họ của ông Thơ xuất thần trở thành người của cách mạng, chiếm nhà và chỉ mặt Hoàng Vinh, người cháu của ông Thơ nói là đi cho mau, tha không bắt lại vì "khoan hồng", dù là người nhà của Hoàng Thi Thơ, là thành phần "truỵ lạc".
Với Phương, người nhạc sĩ của đôi song ca Lê Uyên Phương lừng danh, thì ông hoàn toàn rơi vào một cú sốc khác thường. Việc chứng kiến một Sài Gòn hỗn loạn và đổ nát, những con đường vất vưởng xác người cùng với loa phóng thanh ra rả về khái niệm "giải phóng" khiến ông bước sang một giai đoạn khác.
Cảm hứng về nhạc tình, hiện sinh và mộng mơ bị chôn vùi theo mất mát của Sài Gòn. Lê Uyên Phương yêu đương dịu dàng ngày nào giờ đây hình thành hai tập ca khúc Con người, một sinh vật nhân tạo (1973-1975). Mỗi ngày ông ngồi ở cafe vỉa hè, đi bộ dọc theo những con đường phơ phất lá me xanh quen thuộc nhưng giờ đầy các họng súng AK, và tự mình chiêm nghiệm về một thời đại của những kẻ cùng tiếng nói nhưng khác mạch sống.
Cũng như nhiều nhạc sĩ khác bị cú sốc thời cuộc và chuyển khuynh hướng sáng tác tình ca sang hiện thực ca như Phạm Duy (Tỵ nạn ca), Ngô Thuỵ Miên (Em còn nhớ mùa xuân, Biết bao giờ trở lại), Anh Bằng (Nổi lửa đấu tranh, Saigon Kỷ Niệm), Lam Phương (Chiều Tây Đô), Trầm Tử Thiêng (Có tin vui giữa giờ tuyệt vọng, Một ngày Việt Nam)... Phương là một nhạc sĩ khá đặc biệt khi ông dành rất nhiều thời gian viết về những chuyển động quanh mình, về một thế giới mở và tang thương của hàng triệu người Việt, qua tập ca khúc Trại tỵ nạn và các thành phố lớn.
Những ngày ấy, mỗi người, mang vội theo những điều thương mến nhất, bỏ lại tài sản, bỏ lại quê hương... gạt nước mắt chạy đi về vô vọng. Ca sĩ Khánh Ly chạy đến chiếc tàu đi di tản, hành lý quan trọng nhất mà bà mang theo là hai vali đầy những lá thư tình trong đời bà - những lá thư không chỉ là tình yêu mà chứa cả khung trời thơ mộng và bình yên của miền Nam Việt Nam đã mất.
Nhiều văn nghệ sĩ táo tác như bầy kiến bị phá tổ, chạy đến nhà nhau để hỏi thăm tin tức từng ngày về số phận của mình, số phận của thành phố mình đang sống. Họ thì thào với nhau về những biến động khó hiểu từng ngày như Doãn Quốc Sỹ, Duyên Anh, Nhã Ca vừa bị bắt... Rồi ai đó bị thẩm vấn, và ai đó đã lặng lẽ xuống tàu giờ không còn nghe tin tức.
Thương gia đình, không nỡ bỏ xuống tàu vượt biên, nhạc sĩ Y Vân tiễn một người bạn thân lên đường. Nhưng đó lại là một chuyến tàu vĩnh biệt. Và đó là điều khiến ông trầm uất suốt nhiều năm liền, một ký ức sâu thẳm sau 1975.
Trong một lần nói chuyện với các anh chị đã qua thời khắc 1975, tôi nói đùa rằng một ngày nào đó nên lập một giải thưởng vô địch về người vượt biển nhiều nhất, vì tôi đã từng biết một chị người Công giáo ở khu Hoà Hưng đã tìm cách đi vượt biên 25 lần nhưng đều thất bại. Im lặng nhìn tôi trong tíc tắc, nhạc sĩ Hoàng Ngọc Tuấn chỉ nhà văn Võ Quốc Linh, nói "đây, người vượt biển 26 lần". Rồi chỉ vào mình, anh Tuấn nói "còn mình, là 27 lần".
Vài năm sau 1975, khi nhạc sĩ Hoàng Ngọc Tuấn tốt nghiệp thủ khoa ngành sư phạm ở Nha Trang, khi bạn bè rủ nhau vui mừng lên bục nhận bằng, thì hiệu trưởng đến bên, ghé tai buồn rầu nói với anh Tuấn "con đừng lên nhận bằng. Công an đã đến tịch thu bằng vì nói gia đình con có vấn đề về lý lịch và có người đi vượt biên".
Nhiều năm sau, nhạc sĩ Hoàng Ngọc Tuấn lang thang khắp các bờ biển miền Nam để tìm đường ra khỏi nước. Niềm tuyệt vọng và khát vọng tự do là sức mạnh lớn nhất giữ anh sống sót qua các trại tù khắc nghiệt nhất.
Ở trại tù nhốt người vượt biển tại Phú Yên, nhạc sĩ Hoàng Ngọc Tuấn bị một cai tù tàn ác luôn tìm cách đẩy anh vào lao khổ, thậm chí dù biết anh là giáo viên, vẫn bắt anh làm công việc mỗi ngày phải hốt phân, gánh đi đổ cho cả trại. Đó là thời gian như địa ngục. Thân thể của ông có tắm bao nhiêu lần cũng không hết mùi hôi, những vết thương nhỏ nhất cứ lở loét chứ không thể lành.
Chuyên đi thứ 27, cuối cùng, nhạc sĩ Hoàng Ngọc Tuấn đến được Úc. Anh xin nhận thêm công việc tiếp nhận và giúp đỡ và người tỵ nạn mới đến, như trả ơn cho những ngày tháng tự do của mình.
Một đêm nọ, nghe tin có một chuyến tàu vượt biên vừa đến. Nhạc sĩ Hoàng Ngọc Tuấn ra nơi tiếp nhận. Khi đang đi lướt qua những người vừa cập bến, anh bất chợt nhìn thấy một gương mặt quen thuộc mà anh khó có thể quên trong đời: đó chính là viên công an cai tù đã hành hạ anh. Sững người nhìn viên cai tù ấy, ngược lại, nhân vật đó cũng bối rối quay mặt đi, né cái nhìn của anh Tuấn.
Nhạc sĩ Hoàng Ngọc Tuấn ôm đầu suy nghĩ suốt nhiều giờ, rồi chọn cách gặp riêng nhân vật cán bộ cai tù đó để hỏi thẳng rằng hắn muốn gì khi đến đây. Chỉ cần một lời tố cáo, cán bộ đó có thể bị trục xuất về Việt Nam, hoặc sẽ bị chính quyền sở tại bắt giữ và đưa ra toà vì tội từng tra tấn và hành hạ tù nhân.
Sợ hãi và tuyệt vọng, viên cán bộ thú thật là hắn đã lỡ yêu một người phụ nữ đã có gia đình là "Mỹ Nguỵ" nên không còn cách nào khác là từ bỏ tất cả, cùng người yêu vượt biển, mà không ngờ có kết cục như hôm nay.
Khi kể cho tôi nghe chuyện này, nhạc sĩ Hoàng Ngọc Tuấn ngừng giây lát, rồi nói rằng "không biết bây giờ tay đó sống ở đâu đó, trên nước Úc này". Anh đã im lặng và điền hồ sơ cho viên cán bộ cộng sản đó cùng người yêu của hắn tỵ nạn ở Úc. Vết thương chưa bao giờ của anh, một người bị hành hạ trong trại giam cũng như bị xô đẩy ra khỏi đất nước mình, cũng đã thanh thản chữa lành với lòng tha thứ.
Thật nhiều điều để ghi lại, từ hàng triệu người sống sót sau biến cố tháng 4/1975. Cứ vào thời điểm này, nhà nước Việt Nam gọi là đại lễ và tổ chức ăn mừng. Còn hàng triệu người Việt khác thì vào tưởng niệm, như buộc phải coi lại cuốn phim bi kịch chung cũng như những đoạn phim cay nghiệt của riêng mình.
Những ngày ấy, mỗi người. Những cuốn phim một chủ đề nhưng có muôn vạn phiên bản ray rứt đến nhiều đời sau.
Và trong một ngày ăn mừng "đại lễ" của nhà nước Việt Nam, tôi chợt nhớ đến viên cán bộ cai tù vô danh ấy. Tôi tự hỏi, ông ta sẽ đứng đâu giữa lằn ranh ngày 30/4 mỗi năm ấy?
Tuấn Khanh
https://nhacsituankhanh.wordpress.com/
Đăng ngày 06 tháng 05.2017