banner

Sau 15 năm hoạt động (2008-2023), website Ái hữu Đại học Sư Phạm Sài gòn ngưng việc đăng thêm bài vở và tin tức.

Độc giả muốn lưu giữ bài viết và hình ảnh để làm tư liệu, xin vui lòng truy cập vào các tiết mục đã đăng trên trang web để download.

Xin chân thành cảm tạ sự hợp tác của tất cả các tác giả và độc giả đã dành cho trang web.

20.07.2023
Admin Website Ái hữu Đại học Sư phạm Sàigòn

Ông văn nghệ

Song Thao

Nhà phê bình Nguyễn Hưng Quốc gọi ông là “Ông Bụt Sách”. Tôi gọi ông Thành Tôn là “Ông Đạo Sách”. Hai ông nhân tình của sách này bị cột chặt vào nhau từ kiếp nào không biết. Kiếp này họ bên cạnh nhau từ ngày còn ở trong nước tới khi ra hải ngoại. Chuyện dây dưa này tôi sẽ nói sau.
“Ông Văn Nghệ” tôi nói tới đây là Đại Đức Từ Mẫn hay ông Võ Thắng Tiết. Muốn gọi thế nào cũng được. Lần đầu gặp ông tại Quận Cam, tôi gọi ông bằng “thầy”, ông nhỏ nhẹ vào tai tôi: “Đừng gọi tôi bằng thầy!”.

Thực ra ông đã từng là thầy. Ông đi tu từ năm 13 tuổi. Khi đó ông đang theo học tại trường Thạnh Mỹ Lợi ở Giồng Ông Tố, Gia Định. Rồi trường bị Nhật bỏ bom tan nát. Ông phải nghỉ học đi chăn trâu. Một bữa ông đang ở ngoài đồng thì cha ông gọi về đưa lên chùa tu. Thế là ông đi tu tuy ông là con trai độc nhất. Ba người kia đều là gái. Ông rất ham mê đọc sách tuy vẫn không trễ nải việc kinh kệ.
Cơ duyên với sách đến với ông vào đầu năm 1964. Năm đó, phu nhân bác sĩ Hiệu, một nữ Phật tử thuần thành, muốn cúng dường cho vài thầy ở Sài Gòn một số tiền. Số tiền này là tiền bà bán một căn villa khá lớn ở khu cư xá Lữ Gia, Sài Gòn, sau khi chồng mất, để qua định cư tại Mỹ với con trai. Con trai bà cũng là một bác sĩ tại Mỹ căn dặn bà không mang tiền bán nhà theo mà hiến tặng cho các cơ quan từ thiện. Số tiền bán được khá bộn. Bà tặng cho thầy Nhất Hạnh 35 ngàn, một số tiền được coi là rất lớn vào thời điểm đó. Thầy Nhất Hạnh họp với một số thầy để bàn coi sẽ sử dụng số tiền này như thế nào. Họ quyết định lập một nhà xuất bản mang tên Lá Bối. Thầy Thanh Tuệ được chọn phụ trách nhà xuất bản này. Thầy Thanh Tuệ sống rất đơn giản. Thú vui của thầy là sách và giao du với giới văn nghệ sĩ. Nói tới thầy Thanh Tuệ, thầy Từ Mẫn cho biết : “Thầy là một tu sĩ nhưng cũng còn là một nghệ sĩ nữa”. Thầy thân thiết với Bùi Giáng, Phạm Công Thiện và đam mê sách của nhà sách Xuân Thu. Nhà sách Xuân Thu trước đó mang tên Albert Portail, chuyên nhập cảng sách báo ngoại quốc. Thầy Thanh Tuệ mê sách tới độ mỗi khi nhìn thấy một cuốn sách ngoại quốc trình bày đẹp hay lạ mắt, in trên giấy tốt, là nhắm mắt mua dù giá cả ra sao. Thầy mang sách về săm soi một cách thích thú.
Sách của nhà Lá Bối bán rất chạy nhưng sau một năm tổng kết tình hình tài chánh đã không có lời mà còn thua lỗ nợ nần. Thầy Nhất Hạnh quyết định giao nhà Lá Bối cho thầy Từ Mẫn. Thầy Thanh Tuệ sau đó đã lập một nhà xuất bản khác đặt tên là An Tiêm.

Hai nhà xuất bản “chùa” này được coi là đứng đắn, xuất bản được nhiều đầu sách giá trị gồm các tác phẩm của Nhất Hạnh, Bùi Giáng, Phạm Công Thiện, Nguyễn văn Xuân, Võ Hồng, Phùng Khánh, Hồ Hữu Tường, Dương Nghiễm Mậu và nhiều người khác.
Thầy Từ Mẫn cũng là một người của sách. Khi nhận điều khiển nhà xuất bản Lá Bối, thầy đã tìm in những cuốn sách giá trị. Như trường hợp in bản dịch cuốn War and Peace (Chiến Tranh và Hòa Bình) của Lev Tolstoy. Thầy muốn ông Nguyễn Hiến Lê dịch cuốn này. Khốn nỗi thầy không quen biết chi ông Lê và cũng không muốn nhờ ai giới thiệu. Nhà thơ Du Tử Lê, trong bài “Thầy Từ Mẫn và Nhà Xuất Bản Lá Bối”, kể lại: “Một buổi sáng, ông tự tìm tới nhà riêng của họ Nguyễn ở đường Kỳ Đồng, Người bạn đời của dịch giả ra mở cửa hỏi ông là ai, cần gặp ông Lê có việc gì? Ông Lá Bối nói mang ít sách tặng ông Lê và nói chuyện về việc dịch bộ truyện “Chiến Tranh và Hòa Bình”. Bà mời ông trở lại vào buổi sáng hôm sau. Đúng hẹn, ông trở lại. Lần này  ông được họ Lê tiếp đón trong tinh thần tương kính giữa nhà xuất bản và dịch giả. Dù ông Nguyễn Hiến Lê nói rõ, để hoàn tất việc chuyển ngữ, ông cần ít nhất một năm rưỡi. Tuy nhiên thực tế, vẫn theo lời của thầy Từ Mẫn thì, chỉ sau một năm thôi, ông đã nhận được bản dịch bộ truyện “Chiến Tranh và Hòa Bình” của Lev Tolstoy. Phần thưởng lớn bất ngờ mà ông Lá Bối nhận được là chỉ một thời gian sau, bộ sách đã được tái bản”.
Đây là duyên khởi để bắt đầu sự hợp tác lâu dài giữa hai người. Trong cuốn hồi ký của Nguyễn Hiến Lê, dịch giả đã viết về cuộc gặp gỡ này: “Từ đó chúng tôi thân với nhau. Thầy nhỏ hơn tôi, vui vẻ, thành thực, làm việc cẩn thận, trọng chữ tín, có tư cách, kín đáo mà thân mật. Cả Giản Chi và tôi đều khen là đứng đắn nhất trong giới xuất bản. Tôi khởi công dịch “Chiến Tranh và Hòa Bình”, dịch kỹ, non một năm rưỡi thì xong. Xoay được đủ vốn, nhà Lá Bối cho in ngay, đầu năm 1969 ra được cuốn I khoảng 750 trang, rồi ba tháng sau ra nốt ba cuốn sau, do hai nhà in sắp chữ. In 3000 (hay 5000 bản?), vốn khá nặng, mấy triệu đồng thời đó. Nhờ báo chí giới thiệu và khen, nhờ Lá Bối có sẵn một số độc giả đông, nhờ quảng cáo trên màn ảnh Sài Gòn, nên sách bán chạy. Ba năm sau tái bản, nhưng vừa in xong đủ bộ, gởi trong kho trường Thanh Niên Phụng Sự Xã Hội thì quân đội miền Bắc vào khám xét trường tịch thu hết. Thầy Từ Mẫn bị bắt giam để điều tra, hơn một tháng sau mới được thả...Trong số  các nhà xuất bản, hợp tác với thầy tôi thích nhất và chỉ trong bốn, năm năm thầy in cho tôi được khoảng chục tác phẩm mà hai cuốn quan trọng nhất, không kể “Chiến Tranh và Hòa Bình” là “Chiến Quốc Sách” và”Sử Kí của Tư Mã Thiên”, cả hai đều bán chạy, tái bản trong một, hai năm. Giản Chi và tôi ở trong số những nhà văn có nhiều tác phầm nhất trong tủ sách Lá Bối, sau Nhất Hạnh. Như có duyên tiền kiếp. Gần cuối 1979, thầy Từ Mẫn vượt biên chui, tới Thái Lan gởi thư về thăm Giản Chi và tôi. Tháng 7/1980 thầy qua Mỹ”.
Sách miền Nam thuở đó bán chạy nhất không phải là ở Sài Gòn mà ở các tỉnh miền Trung. Thành Tôn là người nhận phát hành sách không công cho hai nhà Lá Bối và An Tiêm ở miền đất khô cằn nhất nước. Anh nói với tôi là hồi đó anh nhận sách hàng ngày. Sau khi anh nhập ngũ, bà xã anh tiếp tục công việc, cũng không công. Để hình dung rõ miền Trung tiêu thụ sách “kinh khủng” đến thế nào, anh cho biết cuốn “Nhan Sắc” của Dương Nghiễm Mậu do nhà An Tiêm xuất bản đã bán trên ngàn cuốn! Hệ lụy của anh với thầy Từ Mẫn còn tiếp tục dài dài khi thầy Từ Mẫn vượt biên, mở nhà xuất bản và nhà sách Văn Nghệ ở Cali.

Thực ra thầy Từ Mẫn vượt biên tới 8 lần mới thành công. Tới Mỹ, thầy hoàn tục. Đây là một quyết định đau lòng khiến thầy thấm thía lẽ vô thường của cuộc sống. Thoạt đầu ông Võ Thắng Tiết định cư ở thành phố Los Angeles và được trợ cấp để theo học Anh ngữ trong 18 tháng. Tuy nhiên ông sớm bỏ học vì học đâu quên đó. Một người bạn của ông cùng ở trại tị nạn trước đây viết thư rủ ông về Seattle, tiểu bang Washington, và sẽ lo chuyện ăn ở cho ông. Ông liền khăn gói qua và nhận thấy nơi đây có thể theo tàu đi đánh cá ở Alaska với số lương khá lớn. Tháng 3/1984, một công ty chuyên đánh tôm cá tới Seattle tuyển người làm, ông dự phỏng vấn và được nhận. Ông sống trên tàu được gần một năm thì xin nghỉ. Hồi đó, tiểu bang Alaska cần người tới làm việc nên cuối năm họ tặng một số tiền thưởng là một ngàn đồng. Ông trở về đất liền với số tiền để dành được là 8.500 đô giắt túi. Trong một dịp về chơi Cali, ông gặp nhà văn Võ Phiến. Ông này khuyến khích ông trở lại nghiệp xuất bản. Hai ông Nguyễn Mộng Giác và Lê Tất Điều phụ họa theo. Vậy là nhà xuất bản Văn Nghệ ra đời với số vốn teo tắt kiếm được từ miền băng giá Alaska. Ông share phòng với nhà văn Nguyễn Mộng Giác, tiếp tay đóng gói, gửi bưu điện, phát hành tờ Văn Học.
Ông không giữ lại tên Lá Bối vì cái tên này, theo ông, sau cuộc đổi đời tại miền Nam đất Việt, đã không còn thích hợp với tình cảnh lưu vong của người Việt tại hải ngoại. Ông đã chôn dưới biển sâu pháp danh Từ Mẫn thì cái tên Lá Bối cũng không nên tồn tại. Ông bắt đầu một giai đoạn mới trong đời ông. Ông bộc bạch: “Tôi nghĩ ở hoàn cảnh mới, giai đoạn mới, nên chọn một cái tên mới thì thích hợp hơn”. Cái tên mới của nhà xuất bản trích ra từ tên tạp chí “Văn Học Nghệ Thuật” của hai ông Võ Phiến và Lê Tất Điều. Tờ báo này, khi trao lại cho nhà văn Nguyễn Mộng Giác quản trị, đã đổi tên thành “Văn Học”.
Khi ông Võ thành lập nhà xuất bản Văn Nghệ thì ông Thành Tôn nhất định phải tiếp tay, Ông “Bụt Sách” đã tái xuất giang hồ thì ông “Đạo Sách” làm sao mà ngồi yên được. Thành Tôn, ngoài giờ đi làm kiếm cơm, đã lăn lộn giúp ông Võ Thắng Tiết không quản công lao. Mỗi lần tôi qua chơi Cali, leo lên xe ông Thành Tôn, thế nào cũng có màn ghé tiệm sách Văn Nghệ. Ông Thành Tôn kết với nhà sách như thế nào thì tôi cũng la cà trong tiệm chẳng kể giờ giấc. Hai ông bị sách hớp hồn coi sách như những vật trân quý nhất trên đời. Trân quý nhưng không giữ riệt. Khi chở sách trên xe, dừng xe nơi nào, ông Võ cũng không khóa cửa xe. Ông không sợ bị trộm sách. Nếu may gặp tên trộm sách phải mừng vì người đó còn quý sách! Quý sách là đức tính số một của ông Văn Nghệ. Sau này, khi ông đã gác bỏ nhà xuất bản, ngụ tại một phòng trong nhà Nguyễn Mộng Giác, tôi thường hay gặp ông. Biết ông mê sách, mỗi khi xuất bản cuốn nào, tôi đều nhờ Thành Tôn mang hai cuốn tới tặng Giác và ông. Một lần ông nói riêng với tôi: “Anh gửi một cuốn là được. Tôi đọc chung với anh chị Giác. Cuốn kia anh tặng cho ai biết quý sách. Hai cuốn uổng quá!”.

Nhà xuất bản Văn Nghệ mở hàng in cuốn hồi ký “Đời Viết Văn Của Tôi” của Nguyễn Hiến Lê. Chắc để ghi lại mối duyên văn nghệ giữa hai người nay đã hai phương cách biệt. Cuốn này đã phải tái bản vì bán rất chạy. Nhưng cuốn hồi ký bán chạy kỷ lục là cuốn “Đêm Giữa Ban Ngày” của Vũ Thư Hiên được in vào năm 1997. Sách bán chạy tới ngỡ ngàng. Chỉ 15 ngày sau khi phát hành đã phải tái bản! Ông Võ cho biết: “Nó như một phép lạ, chưa từng xảy ra ở hải ngoại cũng như ở trong nước trước đây”.
Làm xuất bản là ngồi chờ sách tìm tới mình. Nhưng hiếm hoi cũng có trường hợp nhà xuất bản đi tìm sách. Ông Võ là một người ham đọc và biết thẩm định giá trị của sách. Khoảng đầu thập niên 2000, ông tình cờ đọc được một số báo xuất bản tại Canada trong đó có bản dịch từng kỳ cuốn “Tự Do Trong Lưu Đầy” của Đức Đạt Lai Lạt Ma. Ông không biết dịch giả là ai nhưng càng đọc càng thấy thích. Ông nhất định phải tìm ra dịch giả để in cuốn này. Ông liên lạc với nhà báo. Đó là bà Chân Huyền, bút danh của dược sĩ Hà Dương Thị Quyên lúc đó đang ở Montreal. Thiệt tức cười. Người tìm được chẳng xa lạ chi với ông. Bà là phu nhân của nhà thơ Đỗ Quý Toàn. Ông quen thân với cả hai vợ chồng từ ngày còn ở Việt Nam!
Một nhà xuất bản cẩn trọng thì phải đọc nội dung sách trước khi quyết định in. Nhà xuất bản Văn Nghệ có sự cẩn trọng đó. Sách của Văn Nghệ thường là sách chọn lọc. Mà chọn lọc kỹ. Có độc giả đặt mua trước tất cả các sách sẽ xuất bản, không cần biết sách loại chi, tác giả nào, cứ do Văn Nghệ in là được vì tin vào sự đứng đắn của nhà xuất bản. Nếu tính chuyện thương mại, xuất bản sách theo thị hiếu độc giả thì lời lãi nhất định phải hơn. Nhưng nếu nhà xuất bản chỉ lựa in những cuốn sách kén người đọc, chuyện đứng vững được không dễ dàng. Nói về chuyện “chịu chơi” của ông Võ, nhà phê bình Nguyễn Hưng Quốc nhắc lại một chuyện. “Trong số các kỷ niệm tôi có với ông Võ Thắng Tiết, chuyện này làm tôi cảm động hơn cả. Khoảng năm 2001, tôi điện thoại đề nghị ông in cuốn “Văn Học Hiện Đại và Hậu Hiện Đại Qua Thực Tiễn Sáng Tác và Góc Nhìn Lý Thuyết” của Hoàng Ngọc Tuấn. Ông đồng ý ngay tức khắc. Ông cho biết ông đã đọc Hoàng Ngọc Tuấn và rất thích các bài viết của Tuấn. Tôi cẩn thận, nhắc ông hai điều. Thứ nhất cuốn sách của Hoàng Ngọc Tuấn khá dày, hơn 600 trang, lại bàn về nhiều chuyện lý thuyết với văn phong mang tính hàn lâm nên không dễ đọc; và thứ hai, thị trường sách báo bằng tiếng Việt ở hải ngoại đã bắt đầu đi xuống. Tôi cũng nhấn mạnh: in một cuốn sách như vậy có thể sẽ lỗ. Nghe xong, ông cười hề hề, rất thoải mái: “Lỗ thì lỗ, nhưng in được một cuốn sách hay như thế thì vui rồi, lo gì!”. Thế là ông in thật. Đó là một trong những cuốn sách cuối cùng của nhà Văn Nghệ. Sau này, đọc báo, nghe nói ông đóng cửa nhà xuất bản Văn Nghệ, tôi thấy buồn hiu hắt. Đang lúc buồn, tôi lại chợt nhớ tới tiếng cười của ông, tiếng cười hề hề nhỏ nhẹ hiền lành và hồn nhiên vô cùng. Tôi muốn gọi đó là tiếng cười của Ông Bụt Sách”.

Nhà Văn Nghệ phải thúc thủ vào năm 2003. Cuốn sách in cuối cùng là cuốn “Sử Trung Quốc” của Nguyễn Hiến Lê. Khởi đầu bằng sách của ông Nguyễn, kết thúc cũng bằng sách của ông Nguyễn. Một chu kỳ tròn trĩnh.
Sau đúng chục năm trông coi nhà Lá Bối, ông in được 120 nhan sách. Tháng 7 năm 1975, nhà cầm quyền cộng sản giam giữ ông. Kho sách tại Tân Phú bị tịch thu, xe chở đi suốt hai ngày mới hết sách. Số sách này trị giá 60 triệu đồng tiền Việt Nam Cộng Hòa hồi đó.
Sau cũng đúng chục năm vùng vẫy nơi xứ người, ông xuất bản được 250 tựa sách, nhà xuất bản Văn Nghệ đã phải dừng bước. Ông chia tay với sách một cách tức tưởi. Thuê một chiếc xe bảy chỗ, chạy nhiều chuyến, ông kìn kịt chở những đứa con rứt ruột đi bán ve chai. Ông bình thản cho biết: “Mỗi xe sách cũ như vậy, họ trả tôi hai chục, tính ra khoảng 5 xu cho mỗi cuốn sách”.
Nhà thơ Du Tử Lê vớt vát cho sự kiện đau lòng này: “Tôi tin, rồi đây, các thế hệ sau tôi, sẽ có thêm rất nhiều người đem lòng biết ơn sự cống hiến quý báu, một đời của ông Từ Mẫn Võ Thắng Tiết cho văn học. Tôi muốn nói, dù với tên gọi nào, Võ Thắng Tiết hay Từ Mẫn, thì tên tuổi ông cũng đã thuộc về phía rực rỡ nhất trong lãnh vực xuất bản sách của Việt Nam, nói chung”.

Tôi trộm nghĩ: thấm nhuần lẽ vô thường của đạo, có lẽ ông Võ Thắng Tiết chẳng màng tới chuyện đóng mở một nhà xuất bản. Chuyện như vậy, chuyện phải vậy, lẽ thường. Lần gần nhất tôi gặp ông, dịp Tết năm 2019, tại nhà sách Tự Lực. Anh Đồng của nhà Tự Lực rất chịu chơi. Tết năm nào anh cũng mời bạn bè thân quen tới ăn Tết để nghe tiếng pháo mừng xuân của nhà sách. Từng cối pháo tròn như bánh xe hơi được tuôn ra kín cả khu đậu xe trước cửa. Tiếng pháo giòn giã tới gần nửa tiếng. Ông Võ đứng cạnh tôi và Thành Tôn, nói nhỏ: “Chắc hắn đốt hết tiền bán sách cả năm!”. Giọng ông bình thản. Nhớ chuyện nhà phê bình Nguyễn Hưng Quốc nói tới tiếng cười hề hề của ông Bụt Sách, tôi nghĩ, với ông Võ, chắc chẳng có chi quan trọng trong cõi ta bà này. Nguyễn Hưng Quốc gọi ông là Bụt Sách, tôi lại thích gọi ông là “Ông Văn Nghệ”. Có lẽ hợp với cái hể hả của ông hơn!
04/2022
SONG THAO

Website: www.songthao.com




Xe đạp

Song Thao
 
Chúng ta hầu như ai cũng có những kỷ niệm với xe đạp. Tôi cứ nói đại như vậy, trúng được phần nào hay phần đó. Nhưng nếu hỏi ai không có kỷ niệm với xe đạp, coi bộ không có ai giơ tay. Thôi thì tôi kể kỷ niệm của tôi trước.
Ngay sau khi di cư vào Nam, năm 1954, trường Chu văn An mở lại tại Sài Gòn, chỉ có đệ nhị cấp, từ lớp Đệ Tam tới Đệ Nhất. Tình hình lúc đó rất lộn xộn. Thủ Tướng Ngô Đình Diệm vừa chấp chánh, phải lo ổn định đời sống của trên một triệu đồng bào di cư từ Bắc vào Nam, lại phải lo thù trong giặc ngoài. Lớp học sinh di cư chúng tôi hồi đó, từ 16 tới 18 tuổi, phải tiếp tay chính quyền. Chúng tôi thường xuyên tổ chức những cuộc biểu tình mỗi khi có biến cố xảy ra để ủng hộ Thủ Tướng Diệm. Biểu tình toàn bằng xe đạp. Ai chưa có xe đạp thì đèo nhau, xe hai người, xe ba người. Cuộc biểu tình khí thế nhất là đi bắt tên tướng cộng sản Văn Tiến Dũng tại khách sạn Majestic. Chúng tôi xuất phát từ trường tới khách sạn ở bờ sông Sài Gòn. Biểu ngữ lớn nhỏ rợp trời. Nhỏ thì do các bạn ngồi ở tay ngang xe đạp cầm. Lớn thì giăng ngang do người được đèo trên hai xe đạp song song nhau vác. Khi tới nơi, chúng tôi tập trung phía bên ngoài, hô khẩu hiệu rất khí thế. Khi nộ khí của chúng tôi lên cao, chúng tôi vứt xe đạp ngổn ngang ngoài đường, xông vào khách sạn, tìm phòng của tên tướng cộng sản. Tôi cùng vài bạn xông lên các tầng cao. Khách trọ tại khách sạn hoảng hốt chạy ra hành lang. Có các ông tây chạy thục mạng. Có các bà đầm không kịp mặc quần áo, quấn khăn tắm hoảng hốt chạy ra hành lang. Chúng tôi trấn an các khách của khách sạn và cho họ biết chúng tôi chỉ tìm cộng sản. Xe cứu hỏa tới phun nước dẹp, cảnh sát tung lựu đạn cay. Cuối cùng đám biểu tình tan. Bên phía học sinh chỉ có  một anh bạn cùng lớp Đệ Tam C với tôi bị kíp lựu đạn văng trúng mắt, sau bị hư luôn một con mắt. Chúng tôi vội tìm xe ra về. Không một chiếc xe nào lạc chủ!

Tôi kể kỷ niệm đáng ghi nhớ nhất về xe đạp của tôi. Chắc nhiều bạn cùng tham dự cuộc biểu tình bạo động vô tiền khoáng hậu đó ngày nay vẫn không thể quên được. Một anh bạn hiện ở Cali còn giữ được những tấm hình biểu tình bằng xe đạp hồi đó. Anh gửi cho tôi để nhìn lại thời thanh niên của chúng tôi. Kỷ niệm xe đạp này không phải ai cũng có. Nhưng những kỷ niệm thời tập đi xe đạp thì chắc ai cũng đã trải qua. Đó là những kỷ niệm ngây ngô nhưng…đẫm máu! Hình như trong đầu mỗi đứa trẻ năm sáu tuổi đều có một chiếc xe đạp.
Ông Giáo sư Nguyễn Đăng Mạnh… chậm tiến hơn. Mãi tới năm 13 tuổi mới sờ tới chiếc xe đạp. Vậy mà cũng chẳng nên cơm cháo chi. “Không hiểu sao tôi lại khốn khổ đến vậy trong việc tập đi xe đạp. Hồi mười ba, mười bốn tuổi, học cấp II ở thành phố Nam Định, tôi đã cùng mấy thằng bạn ở chung một nhà trọ tập đi xe đạp. Trèo lên xe, đạp mấy vòng, nhưng cứ hễ thằng bạn giữ hộ xe buông tay ra là ngã đổ kềnh ra đất. Tập mãi không được, đã thế lại còn bị toạc một mảng thịt ở ống chân, đến nay vẫn còn vết sẹo. Sợ quá không dám tập nữa. Một chuyện ai cũng làm được, kể cả đàn bà con gái hay đứa trẻ sáu bẩy tuổi, vậy mà mình không làm được. Nhục quá! Hèn kém quá! Điều này khiến tôi có tâm lý bi quan về năng lực của mình. Nghĩa là thấy mình bất tài, bất lực, chẳng làm nên trò trống gì. Cho nên bị ai coi thường, tuy cũng tức, nhưng liền đó lại tự thấy: nó khinh mình cũng phải thôi. Mình là thằng hèn kém, nó khinh cũng chẳng oan ức gì”.
Không biết đi xe đạp có hậu quả…kinh hoàng như vậy. Ông Nguyễn Đăng Mạnh chịu mặc cảm bị lép vế như vậy cho tới năm ông 24 tuổi, về Hà Nội, nơi mọi người đều đi xe đạp. Ông kể tiếp trong tập hồi ký của ông: “Không biết đi xe đạp thì nguy quá. Mà lộ ra thì xấu hổ chết được! Tôi quyết định, nhất định phải tập, mà phải tập một mình, tập giấu, tập bí mật. Đợi lúc đêm xuống, tôi thuê một cái xe đạp, dắt đến một chỗ vắng vẻ có đường dốc, rồi ngồi lên xe thả cho nó lao xuống và cứ thế đạp phứa đi. Sau nhiều lần ngã, tôi đi được xe đạp. Sướng quá! Thế là có quyết tâm thì cũng không đến nỗi kém cạnh ai”.
Viết tới đây bỗng mất hứng. Không biết có phải vì theo ông Mạnh tập xe đạp vất vả quá hay không. Bèn nghỉ tay, vào chợ Facebook coi có chi lạ không. Có chuyện vui thật. Nhà thơ Phan Huyền Thư vừa post lên một status ngắn mang tên “Gene Trội!”. “Nguyên văn một câu “ cao đơn hoàn tán” của ông Su:” Mẹ ơi, con rất yêu cái bú tí của mẹ vì nó rất đẹp. Nhưng bây giờ con lớn rồi, con đã sắp sửa sáu tuổi và con nặng 27 cân, vì vậy con cần phải có một chiếc xe đạp mới để đạp ở ngoài công viên thay cho chiếc xe đạp cũ của con hồi còn bú tí mẹ. Mẹ ơi con biết là mẹ đang bị già đi nhưng mà bú tí của mẹ vẫn rất đẹp vì con đã lớn nhưng bú tí của con thì vẫn bé tí tẹo teo...” P/s: Con mẹ sề đang nghĩ, thằng con mình có mắt thẩm mĩ thế thì nên mua cho nó chiếc xe đạp mới như thế nào cho xứng tầm đây ???”. Con nhà thơ có khác. Trí tưởng tượng rất phong phú. Từ cái bú tí của mẹ mà liên tưởng tới cái xe đạp. Cũng lạ. Chẳng lẽ chiếc xe đạp chỉ có hai cái bánh xe!

Sáu tuổi đòi xe đạp là phải. Hồi tôi tập đi xe đạp, chắc cũng ngần ấy tuổi. Trần ai khoai củ lắm chứ không chỉ khen cái bú tí của mẹ mà xong. Muốn có xe đạp phải thuê. Muốn thuê phải nhịn thứ này thứ khác mới đủ tiền thuê một giờ. Một giờ đâu có lâu, vèo một cái đã hết. Ngồi được lên yên xe, cà cà hai chân lê lết trên đường. Mới làm quen với xe đã mất toi một giờ. Chờ tới ngày khác, năn nỉ đứa lớn hơn giữ yên xe cho vững để đạp. Chiếc xe nghiêng qua nghiêng về. “Huấn luyện viên” chạy theo một lúc, mồ hôi vã ra, đòi một chầu kem que. Móc hết túi trên túi dưới, chỉ đủ tiền mua một cây. Ngoắc tên ôm chiếc phích bán kem lại. Chiếc nắp phích được mở ra. Hơi lạnh toát lên. Những cây kem nâu, vàng, hồng, cam thở khói. Biết chọn cái nào. Cái nào trông cũng hấp dẫn, nhỏ bán kem giục giã. Rút vội một cây, đưa hối lộ thằng bạn, không quên năn nỉ cho mút một tý. Sau một hồi lưỡng lự, nó gật đầu. Cái miệng kề cây kem là vi phạm hiệp ước liền: thay vì mút, căng mồm ra cắn ngay một phát. Tên bạn giữ yên xe nổi giận nhưng tình hình yên ắng sau màn năn nỉ. Vừa tốn tiền thuê xe vừa tốn kem cho thằng bạn lớn con, té lên té xuống, máu me đầy khuỷu tay đầu gối mà coi như không phải máu của mình, rồi cũng tới lúc một mình một ngựa nhong nhong. Không gian như đổi mới. Hàng cây hai bên đường đứng im khi đi bộ bỗng trở thành những bóng cây chạy vun vút khi chễm chệ trên chiếc xe đạp.
Phải đợi tới năm 15 tuổi, lên tới lớp Đệ Tứ, mới có một chiếc xe đạp riêng để đi học. Giã từ những ngày leo xe điện từ Chợ Hôm lên tới Bờ Hồ để tới trường. Xe dĩ nhiên là xe cũ do ông bố hoặc các ông anh bà chị truyền cho. Nhưng cũ người mới ta, cũng lau lau chùi chùi, vô dầu vô mỡ, chiếc xích xe có giãn ra, tuột liên miên vẫn cứ vui vẻ dừng xe lắp xích lại. Gặp ngày mưa, về tới nhà là lau chùi trước khi thay bộ quần áo đẫm nước. Đời người đã bước qua giai đoạn mới: giai đoạn vỡ tiếng mọc râu cùng với chiếc xe đạp.

Di cư vào Sài Gòn, vẫn cứ xe đạp. Ngày đó ai chẳng đạp xe đạp. Không muốn thì đạp…xích lô! Lên tới Đệ Tam, Đệ Nhị đã cùng bạn bè học làm người lớn. Cắm thêm điếu thuốc lá trên môi, đạp tới các trường nữ để ngắm các em đi ra đi vô mà lòng dạ như đánh lô tô. Có biết tán tỉnh chi đâu. Đâu có được can đảm như ông Quan Dương.
Con ve nó đã nói gì
Khi cây phượng vĩ dậy thì nứt bông
Ngày xưa em còn nhớ không
Hai đứa trên chiếc xe trành đèo nhau
Chở em xổ xuống dốc cầu
Vòng tay khít rịt trói nhau một thời
Ngoéo tay bứt tóc hẳn hòi
Trời gầm cũng quyết không rời nhau ra
Cút ka cút kít cút ka
Tiếng sên xe đạp trưa hè tháng năm
Thăng trầm tiếng bánh xe lăn
Theo tôi cùng khắp nẻo đường quê xa

Khi bắt được cái bằng Tú Tài, được thưởng chiếc xe gắn máy Goebel hai màu vàng đỏ, lòng như mở hội, quên béng ngay mất anh xe đạp. Có mới nới cũ là bản tính con người, nhất là những người lòng non dạ trẻ. Rồi ra đời, ký ca ký cóp cũng bê về được chiếc vespa láng coóng, ra đường cứ tưởng cả Sài Gòn nhìn vào chiếc xe của mình. Gặp lại bạn bè cũ một thời Chu văn An, anh nào anh nấy đều “cơ giới hóa” hết. Chiếc xe đạp thui thủi bước vào quá khứ.

Nhưng quá khứ được lật lại khi những chiếc dép râu tiến vào Sài Gòn một ngày tháng tư năm 1975. Lúc đó lũ chúng tôi là thứ lơ láo, một sớm một chiều mất tất cả cuộc đời. Anh cán bộ tiếp quản cơ quan tôi làm việc nhẹ nhàng nhắc chúng tôi trở về với chiếc xe đạp, phương tiện chuyên chở giản dị, không tốn xăng nhớt. Chẳng ai bắt buộc nhưng hột gạo bỏ vào bụng còn chưa có huống chi xăng nhớt  đổ vào bình xe. Chúng tôi lần lần quay về với chiếc xe đạp. Những chiếc xe “cơ giới hóa” lần lượt rơi vào tay các anh cán bộ, những người đã nhỏ nhẹ khuyên chúng tôi sống hợp với thời…cách mạng.
Xe đạp lại bám với chúng tôi. Cuộc cách mạng…lùi thành công mỹ mãn. Chúng tôi ngày càng đơn giản. Đi dạy học hay đi làm, chúng tôi lại phải nhờ tới đôi chân quay vòng trên xe đạp. Nghe chừng thảnh thơi nhưng có những lần tôi phải đạp tới vài chục cây số tới tận Long An chỉ để mua hai chục ký gạo khi tình trạng ngăn sông cấm chợ khiến Sài Gòn thiếu gạo trầm trọng. Hành trình kiếm gạo cho các con rất gian truân vất vả. Không dám đi trên đường lộ, sợ mấy anh du kích chặn kiếm chuyện, mà phải len lỏi trên những bờ ruộng. Vậy mà cũng dính chấu. Du kích cũng men theo ruộng đuổi bắt, đòi tịch thu. Tôi đưa giấy chứng minh là thầy giáo, vậy mà hết cấp nọ tới cấp kia hạch hỏi. Cuối cùng, có lẽ thấy cái bản mặt tội nghiệp của tôi, họ cho đi. Mang được hai chục kí gạo về, mừng như cha chết sống lại!

Thời khốn khó đó, có cái xe đạp làm chân đã là phúc bảy mươi đời tuy phải đạp tóe phở. Nói vậy theo thói quen chứ có phở đâu mà tóe! Cô giáo Ngọc Hạnh còn tệ hơn nữa, không có cái xe đạp làm chân cẳng. Trong bài viết “Những Kỷ Niệm Khó Quên” cô đã gợi lại sự nhọc nhằn của người thiếu xe đạp: “Trường có thông lệ họp tổ các bộ môn mỗi tuần. Họp xong ai cũng về muộn. Trời tối thui, đường xá vắng tanh. Lâu lâu có chiếc xe lam chạy qua cổng trường đã đầy khách. Tổ Pháp văn của Bích Hà xong trước, tổ Việt Văn của tôi bao giờ cũng về trễ. Dù trễ Hà luôn luôn chờ để đèo tôi về khi bằng xe gắn máy, khi bằng …xe đạp, từ quận tư Khánh Hội về quận nhất Saigon, xong mới về nhà Hà ở Bà Chiểu, Gia định. Biết Bích Hà có con mọn tôi cũng sốt ruột lắm nhưng Hà không đèo về thì chẳng biết bao giờ tôi mới đến nhà, ban ngày tôi còn đi bằng hai chuyến xe lam và chờ rất lâu, ban đêm thì vô phương... Trước kia nhà tôi đưa đón. Hà thương bạn nên “cưu mang”, đèo đi về ngày hai lượt. Cả năm tôi mới được đổi về trường Trung Học Đệ II cấp quận I gần nhà, đi một chuyến xe lam là đến nơi. Bích Hà dịu dàng, nhanh nhẹn, hay giúp đỡ người khác. Ai có tâm sự chuyện trò với Hà là phiền muộn vơi đi nhiều lắm. Giáo sư Bùi bich Hà và giáo sư Nguyễn trung Hối thường đứng lớp thay mỗi khi tôi đi thăm ‘nhà tôi ’ở trại cải tạo hay ở vùng quê tỉnh nhỏ miền Tây - khi được trả tự do nhà tôi phải về thôn quê, không được ở thành phố”.
Trong truyện ngắn “Trên Đỉnh Whistler” của tôi, nhân vật nữ cũng là một cô giáo dạy tại một trường ở tận ngã tư Bảy Hiền trong khi nhà ở tuốt bên Gia Định, ngày ngày phải mất vài tiếng đạp xe tới trường. Vượt biên được, gặp lại người yêu cũ, một người rất thích thể thao, nhất là đua xe đạp. Anh chàng rủ đạp xe, cô đã chối đây đẩy. Chàng không hiểu được tại sao. Cô giải thích: “Nguyên là sau bảy lăm, em phải đi dạy học. Nhà thì tuốt trên ngã tư Bảy Hiền mà trường thì tuốt bên Gia Định, mỗi ngày phải đạp xe từ đầu này tới đầu kia thành phố mệt ná thở luôn. Nhưng mệt thì nghỉ xong là hết mệt. Cái lo là đạp xe như vậy mòn quần hết. Gia tài chỉ có hai chiếc quần đen mặc đi dậy, vải mua thì khó, lương lại chẳng đủ ăn tiền đâu mua vải, nên đạp xe mà chỉ lo cho chiếc quần. Nói thấy tức cười chứ lúc đó em lo cho chiếc quần hơn là lo cho sức khỏe của mình. Thời thế lỏng chỏng đã đưa mình vào những suy nghĩ éo le như vậy! Anh hiểu sao nổi!"

Chiếc xe đạp thời… "giải phóng" là phương tiện di chuyển, chiếc xe đạp ở bên đây là… thể dục thể thao. Hai chuyện khác nhau, anh chàng chưa một lần sống với cộng sản làm sao hiểu nổi. Khi chiếc xe đạp có hai mặt, nó khác nhau một trời một vực. Chiếc xe đạp ngày nhỏ của tôi và chiếc xe đạp như cần câu cơm những năm sống dưới chế độ cộng sản là thứ cùng mằng. Tuột xích, nổ lốp, gẫy tay lái, cong vành là chuyện thường ngày. Thứ dùng để vui chơi tập tành là thứ xịn. Nếu là xe hơi thì thứ của chúng tôi không biết có thể so sánh với xe Ladalat ngày xưa được không. Trong khi thứ của những dân chơi xe đạp bên đây là thứ Mercedes-Benz. Tưởng là so sánh chơi chơi nhưng chuyện xe đạp hiệu Mercedes-Benz là chuyện có thật.
Công ty sản xuất xe đạp loại xịn Argon 18 ở Montreal chúng tôi vừa hợp tác với công ty xe hơi Mercedes-Benz để cho ra đời thứ xe đạp Mercedes chính cống. Dĩ nhiên mang cái tên loại đáng nể như vậy phải là thứ số dzách. Xe hơi cũng như xe đạp. Chủ nhân của công ty Argon 18, một công ty hoạt động trong lãnh vực sản xuất xe đạp “cao cấp” tại Montreal từ năm 1989, ông Gervais Rioux, vui mừng cho biết: “Đây là một bước tiến lớn của chúng tôi. Mercedes-Benz chuyên sản xuất loại xe hạng đắt tiền. Họ chọn cộng tác với chúng tôi là một vinh dự cho chúng tôi.”. Hai bên đã thương thảo với nhau trong hai năm sau khi xe của Argon 18 được trưng bày tại một cuộc triển lãm ở Đức. Đây là một cuộc hôn phối giữa kiểu dáng Đức và kỹ thuật Canada. Sản phẩm đầu tiên của công ty phối hợp này là chiếc xe Mercedes-Benz Endurance Bike, gồm hai phiên bản Ultegra và Ultegra Di2 sẽ được tung ra thị trường vào mùa thu này. Khung xe đã được nghiên cứu để có thể trừ khử tới tối đa sự rung chuyển và kiểm soát sự cân bằng. Ông Martin Bremer, sếp chuyên viên vẽ kiểu xe của Mercedes, cũng cho biết là chiếc xe sẽ phối hợp hài hòa giữa sự sáng tạo và óc thông minh. Argon 18 mỗi năm bán tới 12 ngàn chiếc xe cho 80 quốc gia. Với sự liên minh với Mercedes-Benz, họ hy vọng sẽ có được sự bùng nổ thương vụ vì cả hai bên đều có số khách hàng đáng kể.
Giờ mới nói tới chuyện then chốt: giá cả ra sao nhỉ? Sơ sơ khoảng từ 5 ngàn đến 6 ngàn một trự! Muốn mua chiếc xe đạp này, các bạn đừng tìm đến các đại lý xe hơi Mercedes tuy những nơi này cũng sẽ trưng xe đạp trong phòng trưng bày xe hơi của họ. Xe chỉ bán tại các cửa hàng của Argon 18 trên toàn thế giới thôi. Ông Gervais Rioux của Argon 18 dụ khị như thế này: “Những người đã yêu xe hơi Mercedes có thể sắm thêm chiếc xe đạp Mercedes cho đủ bộ. Và những người chưa có xe hơi Mercedes cũng có thể có một sản phẩm của Mercedes-Benz khi mua chiếc xe đạp này”.

Ai muốn bị dụ xin cứ tự nhiên. Tôi xin kiếu. Vì, với tôi, chẳng có chiếc xe nào thân thương bằng chiếc xe đạp thuê giờ loại cùng mằng thời thơ ấu. Tình đầu bao giờ cũng là tình đẹp!
08/2018
SONG THAO

Website: www.songthao.com
https://www.facebook.com/profile.php?id=100007265208765

http://www.songthao.com/phiem

 

 

Đăng ngày 24 tháng 09.2022