Nước mắm Vạn Vân
Song Thao
“Dưa La, húng Láng, nem Báng, tương Bần, nước mắm Vạn Vân, cá rô Đầm Sét”, dân Bắc kỳ hầu như ai cũng biết câu…điểm danh này. Tất cả đều là những của ngon vật lạ do con người làm ra, trừ cá rô Đầm Sét là thứ bơi lội trong nước thiên nhiên. Nhưng không phải vì sự khác biệt này mà tôi muốn nói tới cá rô Đầm Sét trước khi nói về nước mắm Vạn Vân mà vì Đầm Sét nằm trong quê hương làng mạc của tôi. Tôi dân làng Giáp Bát, xã Thịnh Liệt, huyện Thanh Trì, tỉnh Hà Đông. Đó là cái địa chỉ lòng thòng ghi trong khai sanh của tôi. Khi tôi được vài tuổi thì huyện Thanh Trì tách khỏi tỉnh Hà Đông, trở thành Ngoại Thành Hà Nội. Khi tôi trở về thăm làng cũ vào năm 2001 thì quê tôi đã nằm gọn trong thành phố Hà Nội. Làng quê tôi đã thành thị hóa, nhà cửa san sát như nơi phố thị. Chỉ còn ngôi nhà thờ vẫn còn đứng vững. Đây là một trong những thánh đường đẹp nhất tại Hà Nội do một kiến trúc sư người Việt tên Đốc Thân vẽ kiểu.
Tên của làng tôi cũng lôi thôi như vậy. Tên chính thức trên giấy tờ là Giáp Bát, tên dân chúng gọi nôm na là Làng Tám nhưng ngôi nhà thờ làng thì lại mang tên xứ Kẻ Sét. Nói cho rõ thì Giáp Bát là một trong 9 giáp của làng Sét (Thịnh Liệt). Về sau các giáp tách ra thành làng mang tên Giáp Nhất, Giáp Nhị…, dân gọi là làng Nhất, làng Nhì… Giáp Bát là làng Tám. Đầu thế kỷ 19, Giáp Bát là một thôn thuộc tổng Thịnh Liệt, còn gọi là tổng Sét, thuộc huyện Thanh Trì, trấn Sơn Nam Thượng, từ năm 1831 thuộc tỉnh Hà Nội. Năm 1904 đổi thành thuộc tỉnh Hà Đông, từ năm 1942 thuộc Đại Lý Đặc biệt Hà Nội và cuối cùng thành dân…Tràng An. Nói về quê hương bản quán của mình, ai cũng để vào đó một trái tim. Tôi cũng như vậy nên hơi dài dòng về nơi chôn nhau cắt rốn của mình. Nhân tiện cũng nói thêm một chút về cái tôi. Tôi quê quán làng Giáp Bát nhưng nhau của tôi lại chôn tại Sơn Tây. Khi tôi ra đời, ông cụ tôi làm việc tại Sơn Tây nên bà cụ sanh tôi tại đó. Vì muốn khai sanh nơi quê quán cho có gốc gác nên phải chờ một thời gian sau (ông cụ tôi kề lại chỉ khoảng một tháng), tôi mới được làm giấy khai sanh tại làng. Biến cố này khiến tôi không có tử vi để nhờ ông Võ Kỳ Điền giải về hậu vận khiến cuộc đời tôi trôi ngoài vòng tay với của ông bạn họ Võ.
Chừ nói về cá rô Đầm Sét. Một dân làng Sét lâu năm là ông Bùi Đức Thạch nói về cá rô Đầm Sét như sau: “Đất làng Sét thuộc vùng chiêm trũng huyện Thanh Trì (“Thanh” nghĩa là xanh, “trì” là ao). Đầm Sét là tên một cái đầm lớn của làng Sét (làng Giáp Nhị, xã Thịnh Liệt, Thanh Trì nay là phố Giáp Nhị, Thịnh Liệt, Hoàng Mai, Hà Nội). Làng có sông Kim Ngưu bắt nguồn từ hồ Tây chảy qua Hà Nam rồi qua làng Sét nên gọi là sông Sét. Sông Tô Lịch hồi xưa chưa ô nhiễm nên nhánh sông đổ vào đầm làng Sét có rất sẵn phù du, thức ăn cho cá, đặc biệt là loại cá rô trong đầm. Cá rô Đầm Sét nổi tiếng và được chọn tiến vua vào thời Lý, Trần, Lê. Đầm Sét chỉ để thả sen và nuôi cá rô. Cá rô đầm Sét mấy năm lại được tát cạn bắt một lần, thông thường vào mùa đông khi nước đầm cạn, còn vào mùa mưa bão, cá rô ở dưới đầm, ao ruộng nhảy lên bờ, hoặc trườn vào bờ cỏ rất dễ bắt. Những con cá rô béo căng, có con to bằng bàn tay người lớn hoặc to hơn, có con trên đầu có rêu, con nào con nấy bóng mẫy, màu đen, ánh vàng”. Cá rô đầm Sét có thể làm thành nhiều món nhưng ngon nhất là chiên giòn. Bỏ vào miệng, nhai hết cả thịt lẫn xương để cảm được cái vị của thứ cá rô nổi tiếng miền Bắc.
Cá rô chiên giòn chấm với nước mắm Vạn Vân ngon hết biết. Người tạo ra hương vị của nước mắm Vạn Vân là ông Đoàn Đức Ban. Gia tộc họ Đoàn nguyên là dân Thái Bình, có cụ Đoàn Thượng là một danh tướng đời Hậu Lý, được sắc phong Đông Hải Đại Vương. Khi nhà Trần cướp ngôi nhà Lý, cụ Đoàn Thượng đã chiếm lãnh suốt một dải đất từ Bần Yên Nhân đến cửa Nam Triệu chống lại triều đình mới. Cuộc chống đối thất bại, gia tộc phải rời bỏ Thái Bình đến ẩn tích tại đảo Cát Hải, Hải Phòng. Thời đó, người dân Cát Hải chỉ sinh sống bằng nghề làm muối và chài lưới. Sẵn muối và cá, gia đình họ Đoàn nghĩ tới chuyện làm nước mắm. Khí hậu nơi đây với gió và nắng rất đặc trưng của vùng đảo cát nên nước mắm sản xuất ra có hương vị riêng. Thoạt đầu nước mắm làm với quy mô nhỏ chỉ đủ dùng trong họ tộc, rồi phát triển sản xuất đủ dùng cho dân địa phương.
Cuối thế kỷ 18, nước mắm của họ Đoàn mới theo các thương thuyền tới Thị Cầu, thuộc Bắc Ninh. Chuyến về, họ buôn tơ lụa, vải, thóc gạo ngô khoai, củ nâu và nhiều sản phẩm khác về bán tại Cát Hải. Bến Thị Cầu hồi đó là bến đỗ của thương thuyền các vùng duyên hải và vùng Kinh Bắc nên được gọi là vạn. Gần bến là làng Vân nổi tiếng nấu rượu và làm nước mắm ngon. Nhưng nước mắm làng Vân làm bằng cá nước ngọt nên không có vị đậm, sản lượng cũng không nhiều, chỉ đủ dùng tại địa phương. Ông Đoàn Đức Ban là người rất nhạy bén trong thương trường nên nghĩ ngay tới việc mang nước mắm làm bằng cá biển của Cát Hải lên bán cạnh tranh với nước mắm làng Vân. Ông đã thành công. Nước mắm Cát Hải được mọi người ưa chuộng khiến các nơi khác tới bến Thị Cầu buôn nước mắm Cát Hải đi khắp nơi. Với sự phát triển mau chóng của nước mắm cá biển Cát Hải, ông Đoàn Đức Ban mới nghĩ tới chuyện đặt tên cho nước mắm Cát Hải. Để ghi nhớ tới vạn chài gần làng Vân là nơi đã đưa nước mắm của gia đình tới nhiều nẻo đường đất nước, ông đặt tên là Vạn Vân.
Năm 1916, ông Ban thuê mướn để mở một cửa hàng nước mắm tại phố Hàng Hàn, gần cầu Long Biên, Hà Nội để phát triển thương hiệu tại kinh kỳ. Ông đã chọn một vị trí rất đắc địa, gần sông Hồng để dễ chuyên chở, gần chợ Bắc Qua và chợ Đồng Xuân để dễ tiêu thụ. Với những lợi thế này, thêm vào chất lượng thơm ngon của nước mắm Vạn Vân, ông Ban đã đưa sản phẩm của gia đình ra cạnh tranh với nước mắm Nghệ An, Hà Tĩnh, Nam Ô, Phú Quốc và nhiều loại nước mắm khác. Chỉ trong một thời gian, nước mắm Vạn Vân đánh bạt hết các loại nước mắm kia, lãnh chiếm hầu như độc quyền trong mỗi gia đình của đất kinh kỳ. Các nhà sản xuất giò chả, nước phở, các bà nội trợ hầu như chỉ dùng nước mắm Vạn Vân.
Thời đó, nước mắm chứa trong những chum hoặc thùng lớn, khi bán sỉ hay bán lẻ, người ta phải đong rất vất vả cực nhọc lại thiếu chính xác. Ông Ban vốn là người nhạy bén nên đã nghĩ ra cách đóng nước mắm trong chai, dán nhãn hiệu đàng hoàng rất tiện cho việc buôn bán. Nhãn hiệu nước mắm Vạn Vân có ba loại: Rồng Vàng, Con Hổ và Lá Cờ. Ông còn khôn ngoan đăng ký nhãn hiệu tại Nha Kinh Tế Hải Phòng để giữ độc quyền. Nước mắm Vạn Vân trở thành loại nước mắm thịnh hành khắp xứ Bắc Kỳ. Cuốn Staliques Commerciales của Vidy, xuất bản năm 1936, có ghi: “Xí nghiệp Vạn Vân thành lập năm 1916 ở giữa hai làng Can Lộc và Văn Chấn có 10 ngàn chum loại 400 ký đựng chượp để lâu năm mới đem nấu. Nước mắm Vạn Vân được chế biến từ ba loại cá: cá quẩn (một loại cá sardine) cho ra nước mắm thượng hảo hạng, cá nhâm cho ra nước mắm loại hai và cá ruội ra nước mắm loại ba”.
Năm 1939 là một bước ngoặt lớn cho nước mắm Vạn Vân khi hãng mở đại lý bán nước mắm tại Paris, thủ đô của Pháp để xuất khẩu nước mắm qua Pháp và một số nước Âu châu. Hãng xuất khẩu hai loại nước mắm: premier jus de sardine và nước mắm cô đặc poudre de saumure. Bà Đoàn thị My, con gái út của ông Ban cho biết:“Ðể xuất khẩu nước mắm sang Pháp thời ấy là điều không đơn giản. Với sản phẩm nước mắm Premier jus de sardine, Hãng Vạn Vân phải đặt nút li-e và máy dập nút chai ở Pháp rồi đưa về nước để đóng chai và xuất khẩu. Do giá thành cao, một chai nước mắm thượng hạng Premier jus de sardine xuất khẩu có giá đắt ngang loại nước hoa thông thường của Pháp mà vẫn được thị trường nước này chấp nhận”.
Năm 1932, giữa lúc công cuộc làm ăn đang phát triển vượt bậc, gia sản gồm nhiều nhà cửa, đất đai, cơ sở thương mại tại Hà Nội, Hải Phòng, ông Đoàn Đức Ban lâm bệnh và qua đời. Ông có tất cả bốn người con: Đoàn Đức Trình, Đoàn thị Tề, Đoàn Đức Chuẩn và Đoàn thị My. Ông con cả Đoàn Đức Trình nối nghiệp cha trông coi xí nghiệp. Ông đổi tên cơ sở Vạn Vân thành Đoàn Vạn Vân và đổi quy trình làm nước mắm. Thay vì chỉ đổ muối một lần, nay ướp muối tới ba hoặc bốn lần khiến cá phân hủy nhanh hơn, ngấu hơn, cho ra nước mắm ngon hơn. Nước mắm Đoàn Vạn Vân được người tiêu dùng tìm đến nhiều hơn. Tháng 4 năm 1945, chính phủ Trần Trọng Kim mời ông Trình tham gia nội các với chức vụ Thứ Trưởng Kinh Tế nhưng ông từ chối, chỉ nhận tham gia Hội Đồng Kinh Tế Lý Tài Đông Dương. Sau khi cộng sản tiếp thu miền Bắc, chuyện làm ăn cá thể bị cấm cản dần. Ngày 23/10/ 1959, Ủy Ban Hành Chánh thành phố Hải Phòng ra quyết định thành lập Xí Nghiệp Công Tư Hợp Doanh Nước Mắm Cát Hải. Cái tên Vạn Vân vang dội bao nhiêu năm bỗng trở thành dĩ vãng!
Trong bốn người con của ông tổ nước mắm Vạn Vân có ba người nối nghiệp nhà, riêng ông con trai thứ ba Đoàn Đức Chuẩn không dây mùi nước mắm. Ông chính là nhạc sĩ Đoàn Chuẩn, một công tử Hà Thành nổi tiếng hào hoa, với những bản nhạc lẫy lừng trong kho tàng âm nhạc Việt Nam. Ông chỉ dây chút mùi vị Vạn Vân khi cho in cái quảng cáo nước mắm trên bìa sau của những bản nhạc. Con trai ông, ông Đoàn Đức Liêm nhớ lại: “Thời ấy, gắn liền với những bản nhạc của cha tôi luôn in kèm quảng cáo về hãng nước mắm Vạn Vân. Tiếc thay, qua thời gian, những bản nhạc của cha tôi in quảng cáo hãng nước mắm Vạn Vân gia đình đều không giữ lại được. May mắn đến năm 2002, một người quen cũ là Nguyễn Ngọc Khôi đã tìm được một bản và gửi cho chúng tôi với lời đề tặng: “Kính tặng gia đình cố nhạc sĩ Đoàn Chuẩn”. Khi gia đình nhận được bản nhạc này, cha tôi mới mất năm trước”. Bản nhạc quý giá này là bản “Ánh Trăng Mùa Thu”, phía dưới nhạc sĩ Đoàn Chuẩn có ghi: “Viết ở Đống Năm để kỷ niệm những ngày ở Khuốc Thu 47”. Với bản nhạc được viết vào năm 1947 này, giới yêu nhạc Đoàn Chuẩn mới biết bản “Ánh Trăng Mùa Thu” này mới là bản nhạc đầu tay của nhạc sĩ. Từ trước tới nay người ta vẫn cho là bản “Tình Nghệ Sĩ” được viết vào năm 1948 là bản nhạc đầu tay của Đoàn Chuẩn. Bản “Ánh Trăng Mùa Thu” được in tại nhà in Continentale, Hải Phòng. Trám hết mặt bìa sau là cái quảng cáo nước mắm Vạn Vân với các chi tiết: xuất xứ, nơi sản xuất, các đại lý tại Hà Nội, Hải Phòng và Paris.
Nhạc sĩ Đoàn Chuẩn đã trút hơi thở cuối cùng lúc 9 giờ 50 tối ngày 15/10/2001 tại tư gia trên đường Cao Bá Quát, Hà Nội, thọ 77 tuổi. Đây là ngôi nhà ông đã mua để sống cùng con cháu sau khi bị tịch thu hết sản nghiệp vào năm 1957 cùng với sự ngưng hoạt động của hãng nước mắm Vạn Vân. Bà Nguyễn Thị Xuyên, người bạn đời cùng tuổi với ông, chung sống với ông từ năm 1942 khi bà mới 18 tuổi, đã ở bên ông trong giờ lâm chung. Ông qua đời vì chứng tai biến mạch máu não. Một vài dây thần kinh nhỏ trong não ông bị đứt tuy nhiên ông vẫn đi đứng và sinh hoạt gần như bình thường. Với thời gian trí nhớ của ông bị suy yếu dần. Cho tới khoảng ba năm trước khi qua đời ông đã nằm liệt giường và mất trí nhớ. Năm 2000, nhạc sĩ Phạm Duy có tới thăm nhưng ông không nhận ra người bạn từ thời kháng chiến. Những ngày cuối, ông còn không nhận ra được giai điệu của những bài nhạc của chính ông. Đó có thể là niềm đau cuối đời của một nhạc sĩ tài hoa. Từ năm 1957, khi gia sản của gia đình bị tịch thu gần hết, ông ngưng sáng tác. Bài cuối của giai đoạn này là “Gửi Người Em Gái”, sáng tác vào năm 1957. Sau đó, ông ngưng viết nhạc trong suốt 31 năm. Tới năm 1988, khi tình thế dễ thở hơn, ông mới viết thêm được ba bản: Một Gói Nho Khô (1988), Phấn Son (1989) và Mầu Nắng Có Bao Giờ Phai Đâu (1989). Nhớ về giai đoạn 31 năm “rảnh rỗi” này, ông nói rất gọn: “Còn tình gì nữa đâu mà viết!”.
Ông bà có 6 người con, trong đó có hai người cư ngụ tại Canada: cậu con út Đoàn Châu ở Toronto và Đoàn Chính ngụ tại thành phố Montreal chúng tôi. Năm 1990, ông bà Đoàn Chuẩn đã sang thăm con và ở tại nhà Đoàn Chính hơn hai tháng. Nhân dịp này, ca sĩ Khánh Ly ngỏ ý muốn tổ chức một đêm nhạc Đoàn Chuẩn và nhạc sĩ Phạm Duy mời ông qua Mỹ nhưng ông đều khước từ. Ông chỉ vui với những lần giới văn nghệ sĩ tại Montreal tụ tập hát nhạc của ông tại tư gia. Và vui khi gặp lại những điếu thuốc lá 555 ông từng ghiền ngày xưa, sau bao nhiêu năm ông không được rớ tới. Ông nói đùa với nhạc sĩ Trường Kỳ: “Lần này đi thăm con cháu xong rồi về đi ngủ!”.
Thành phố Montreal chúng tôi được tiếng là hiền hòa, anh em văn nghệ sĩ sống với nhau rất có tình. Tôi thường gặp và nghe Đoàn Chính hát tại các cuộc tụ hội, các buổi sinh hoạt cộng đồng và ngay tại nhà riêng của anh. Đoàn Chính cùng gia đình ở lại miền Bắc vào năm 1954 khi cộng sản tiếp thu Hà Nội. Năm 1964, anh tốt nghiệp trung học phổ thông nhưng không được tiếp tục lên đại học vì lý lịch con nhà đại tư bản. Anh phải đi lao động kinh tế tại công trường Phú Thọ. Sau đó, anh theo học về điện và làm việc về ngành này. Cuộc đời tưởng yên bề nhưng năm 1967 anh nhận được lệnh nhập ngũ. Sau ba tháng huấn luyện quân sự, anh bị đưa vào chiến trường miền Nam. Trên đường Trường Sơn khi xâm nhập miền Nam, anh nhặt được truyền đơn chiêu hồi của chính phủ Việt Nam Cộng Hòa do máy bay rải xuống. Anh giấu được một tờ. Trong trận chiến Mậu Thân năm 1968, đơn vị của anh xâm nhập vào tới Hàng Xanh. Khi được lệnh rút lui, anh ra hồi chánh. Anh đã được chính phủ Việt Nam trọng dụng, cho đi dạy nhạc tại Trường Quốc Gia Âm Nhạc.
Nhà báo Trần Quốc Bảo nhận xét: ca sĩ Đoàn Chính có chất giọng trầm ấm, mạnh mẽ, có thể lên giọng ténor thật cao hay xuống giọng bass thật thấp không chút trở ngại. Thêm vào đó, với kỹ thuật tự tạo bộ phận khuếch âm ngay trong miệng của mình, anh có thể hát không cần micro trong một thính phòng mà tiếng hát vẫn vang vọng trong không gian. Tôi mù tịt về âm nhạc nhưng nghe Đoàn Chính hát mới thấy nội lực anh rất mạnh. Ưu điểm này cũng là nhược điểm khi anh hát nhạc Đoàn Chuẩn. Nhạc của ông bố là nhạc tình mùa thu êm dịu nhẹ nhàng, giọng hát của ông con quá dũng mãnh nên có một khoảng cách khá xa. Đó là tôi nói trộm vía ông bạn nay đã ra người thiên cổ, xin ông bỏ qua. Đoàn Chính mất vào lúc 3 giờ 45 phút sáng ngày 10 tháng 9 năm 2019 tại Montreal sau 74 năm sống một cuộc đời nhiều truân chuyên trong một giai đoạn nhiễu nhương của dân tộc.
11/2022
Website: www.songthao.com
Happy Birthday Mr. President
Song Thao
Ngày 7/10 vừa qua là ngày sinh nhật 70 tuổi của Putin. Ông ăn mừng ngày sống dai này rất long trọng tại thủ đô Moscow. Ngày hôm sau, chiếc cầu nối liền Nga và bán đảo Crimea, bị đánh sập hai nhịp, giao thông gián đoạn. Đây là cây cầu gồm đường xe lửa và đường bộ dài nhất Âu châu được ông Putin long trọng khánh thành vào năm 2018. Trong cuộc chiến do Putin phát động tại Ukraine, cây cầu này là huyết mạch tiếp tế cho quân Nga tại chiến trường. Tên chính của cây cầu là cầu Crimea hay cầu Kerch nhưng người ta thường gọi là cầu Putin.
Sau khi cầu sập, trên mạng xuất hiện một video do ông Oleksiy Danilov, Bộ Trưởng Bộ An Ninh và Quốc Phòng Ukraine post trên Twitter. Video được chia ra hai phần. Phần bên trái là đoạn quay cảnh cây cầu đang bốc lửa, bên phải là đoạn video cô đào cũng bốc lửa Marilyn Monroe hát bài “Happy Birthday Mr. President”. Coi đoạn video này, tôi thầm phục người đã sáng chế ra lối chọc quê ông Putin một cách hóm hỉnh và cay đắng. Ông Putin chắc phải chửi thề khi nhận được món quà sinh nhật này.
“Happy Birthday” là bài hát mà từ trẻ em tới người lớn đều thuộc lòng. Nhưng bài “Happy Birthday Mr. President” này lại khác. Với thân hình uốn éo mời gọi, với chiếc áo bó sát thân hình không có đồ lót, Marilyn Monroe như đang ở trong khuê phòng, đã diễn tả được hết nét sexy của giống cái. Dĩ nhiên ông President được tặng bài hát này không phải là President Putin mà là President Kennedy.
Tiệc mừng sinh nhật của tonton Kennedy vào ngày 19/5/1962, được tổ chức lồng trong khuôn khổ Đại Hội của đảng Dân Chủ nên có tới 15 ngàn quan khách tham dự trong đó có nhiều ngôi sao nổi tiếng. Cô đào Marilyn đã ưỡn ẹo hát bài hát quen thuộc “Happy Birthday” nhưng thay câu: “Happy Birthday to You” bằng câu “Happy Birthday Mr. President”. Ông tonton trẻ tuổi đẹp trai chắc phải rớt tim ra ngoài. Sau đó một chiếc bánh sinh nhật to đùng được mang ra. Tổng thống Kennedy cắt bánh và nói: “Giờ đây tôi có thể buông bỏ chính trị sau khi có được bài Happy Birthday được hát tặng tôi một cách ngọt ngào và đẹp đẽ đến như vậy”. Đệ Nhất Phu Nhân Jacqueline Kennedy rất ít khi tham dự các sự kiện chính trị của đảng Dân Chủ nhưng đêm đó đã có mặt cùng với hai con John và Caroline. Cô đào Monroe đã được chú ý ngay khi bước chân vào khán phòng, khoác tay danh cầm nhạc jazz Hank Jones. Có lẽ vì chiếc áo hết sức sexy. Nàng được tài tử Peter Lawford giới thiệu khi bước lên sân khấu trong chiếc áo khoác lông màu trắng. Monroe từ từ cởi chiếc áo khoác để lộ ra chiếc áo được may sát sạt vào người làm nổi bật những đường cong chết người không có đồ lót. Chiếc áo có đính 2.500 viên đá quý là tác phẩm của một sinh viên mới ra trường tên Bob Mackie. Đây là chiếc áo đầu tay của designer mới 23 tuổi này. Marilyn đã trả 1.440 đô, nếu tính theo trị giá của năm 2022 này thì vào khoảng 13.700 đô. Chiếc áo sau đó đã được nhiều tay sưu tầm săn tìm nên giá phóng lên cao như hỏa tiễn. Trong một cuộc đấu giá vào năm 1999, chiếc áo đã được mua với giá 1 triệu 260 ngàn đô. Năm 2016, viện bảo tàng Ripley’s Believe It or Not mua lại với cái giá ngất ngưởng 4 triệu 800 ngàn đô. Ngày nay chiếc áo được trưng bày tại Ripley’s Hollywood Boulevard.
Trong sự kiện 2022 Met Gala, Kim Kardashian đã bước vào hội trường trong chiếc áo này khiến mọi người xôn xao ngưỡng mộ. Nhưng cô đào văm này chỉ được bận chiếc áo thật trong một thời gian ngắn, chỉ vài phút khi xuất hiện trên thảm đỏ. Sau đó cô phải thay vào bằng một chiếc áo giống y hệt nhưng là đồ nhái!
Kim Kardashian có thân hình cũng bốc lửa nhưng lửa hơi lớn hơn Marilyn Monroe. Tuy cô đã phải nhịn ăn cho ốm bớt nhưng khi nong người vào chiếc áo được may đúng kích thước từng ly từng tý một của Marilyn, người ta đã phải dùng thủ thuật cho vừa. Tác giả của chiếc áo, anh Bob Mackie, đã biểu lộ sự bất mãn khi trả lời phỏng vấn của báo Entertainment Weekly: “Tôi nghĩ đây là một lỗi lầm lớn. Marilyn là một nữ thần. Một nữ thần điên loạn nhưng vẫn là một nữ thần. Nàng đã quá nổi tiếng. Không ai được chụp hình có thể giống như nàng được. Chiếc áo đã được may cho chỉ một mình nàng, được thiết kế cho riêng nàng. Không ai khác có thể mặc chiếc áo này”. Bà Alicia Malone, người tổ chức chương trình Turner Classic Movies chuyên trình chiếu những phim kinh điển cũng phát biểu: “Có nhiều điều cần phải cẩn thận trong việc bảo quản chiếc áo vì ngay cả khí oxy cũng có thể ảnh hưởng tới áo. Thông thường những bảo vật này phải được cất trong một môi trường được kiểm soát. Vậy nên đáng báo động khi chiếc áo này được mang ra mặc”. Trong một cuộc phỏng vấn của đài BBC vào tháng 6 năm 2022 vừa qua, Giảng viên về Văn Hóa của Đại Học Falmouth, Tiến Sĩ Kate Strasdin, đã lưu ý: “Người ta không chỉ cầm chiếc áo trong tay mà không làm tổn hại nó cách này hay cách khác, nói chi tới mặc nó. Vậy nên không thể không gây tổn hại dù chỉ mặc trong vài phút trên thảm đỏ. Dầu trên da của cô Kim sẽ tạo nhiều phản ứng với chất tơ lụa dễ tổn thương này”.
Tất cả những diễn tiến với chiếc áo này, Marilyn Monroe không hề biết vì chưa đầy ba tháng sau khi hát sinh nhật tonton Kennedy, nàng đã vĩnh viễn nhắm mắt lìa đời vào ngày 4/8/1962. Cái chết bất ngờ của nữ minh tinh núi lửa không biết do uống thuốc quá liều hay đột quỵ, nay vẫn còn là một nghi vấn. Ngày cuối cùng của Marilyn, ngày 4/8/1962, diễn tiến như sau. Mới sáng ra, nàng đã nhận được nhiều cú phôn đe dọa. Bác sĩ Ralph Greenson, y sĩ riêng của Marilyn viết trong một tài liệu: “Tôi cảm thấy có thể Marilyn buồn vì bị một vài người thân cận bỏ rơi”. Pat Newcombe đã qua đêm hôm trước tại nhà Marilyn, và đã rời nhà vào buổi chiều. Bác sĩ Greenson có hẹn đi ăn tối nơi khác. Marilyn có vẻ bồn chồn vì cô độc. Khoảng 7 giờ rưỡi, nàng phôn cho bác sĩ cho biết là con trai của người chồng thứ hai có điện thoại tới. Peter Lawford cũng điện thoại mời nàng đi ăn tối nhưng nàng từ chối. Lawford sau đó cho biết giọng nói của nàng có vẻ bị líu lưỡi. Lúc trời đã tối Marilyn còn nhận được nhiều cú phôn khác. Marilyn mất vào khoảng từ 9 giờ rưỡi tới 11 giờ rưỡi. Người hầu gái cho biết tới khuya cô nhìn thấy qua khe cửa phía dưới sàn nhà đèn trong phòng ngủ còn sáng. Cửa phòng ngủ bị khóa. Quá nửa đêm, cô kêu cảnh sát đồng thời kêu luôn bác sĩ Ralph Greenson. Ông vội tới ngay nhưng không phá được cửa phòng ngủ. Ông phải phá cửa sổ phòng và thấy Marilyn nằm chết trên giường. Bác sĩ giảo nghiệm tử thi cho biết Marilyn chết vì uống một loại độc dược mạnh, có thể là tự tử.
Cái chết tức tưởi của Marilyn có thể là kết cục của một cuộc đời ngắn ngủi nhưng đầy bão tố. Sanh ra vào ngày 1/6/1926 dưới cái tên trên khai sanh là Norma Jeane Mortenson, nàng là con của bà Gladys Pearl. Sau này người ta phải thử DNA mới biết cha nàng là Charles Stanley Gifford. Mẹ nàng bị tâm thần và không có tiền nên phải cho gia đình The Bolenders bảo trợ nuôi nấng. Khi nàng được 7 tuổi, gia đình Bolenders muốn nhận nàng làm con nuôi nhưng mẹ nàng, khi đó đã phục hồi, đưa nàng về nhà. Nhưng chỉ trong một thời gian ngắn, bệnh bà mẹ tái phát và phải vào bệnh viện tâm thần. Bà mất vào năm 1984. Marilyn được bạn thân của gia đình là bà Grace Goddard mang về nuôi nhưng cuộc đời nàng không yên ổn sau đó khi chuyển qua hết gia đình nọ tới gia đình kia. Cuối cùng người ta phải đưa nàng vào viện mồ côi Los Angeles Orphan’s Home. Bà Grace Goddard lại lãnh nàng ra vào năm 1937 nhưng Marilyn bị ông chồng của bà này quấy nhiễu tình dục. Nàng lưu lạc qua nhà bà dì của bà Grace là bà Aunt Ana, rồi trở lại nhà bà Grace khi bà dì quá già yếu không chăm nuôi nổi. Cuối cùng, khi Marilyn được 16 tuổi, nàng phải chọn lựa giữa việc trở lại viện mồ côi hay lấy chồng. Nàng lấy đại anh hàng xóm tên James Dougherty. Họ ly dị vào năm 1946. Hai năm sau, nàng ký giao kèo đóng phim đầu tiên với hãng phim Columbia rồi hãng 20th Century. Nàng đã đóng tổng cộng 30 phim. Phim cuối cùng là phim The Misfits vào năm 1961 với nam tài tử Clark Gable. Đây cũng là phim cuối cùng của danh tài Clark Gable. Ông xuôi tay vào cuối năm 1961. Những ngày cuối đời, Marilyn bị xáo trộn tâm thần và thường tới phim trường trễ hoặc bỏ không tới. Việc này làm hãng phim tổn hại hàng đống tiền. Hãng phim Fox đã chịu không nổi, sa thải Marilyn vào năm 1962 khi cuốn phim Something’s Got To Give đang quay dở dang. Khi đó nàng mới 36 tuổi. Marilyn chết cũng vào năm đó.
Cái chết của minh tinh nổi tiếng vì thân hình quyến rũ đã lụy tới một nhà thơ Việt Nam: “ngài” Bùi Giáng. Ngài than khóc:
Đùng đùng gió giục mây vần
Nghe tin sét đánh thành phần Mông Rô
Khuynh thành phấn điểm son tô
Một thời quán tuyệt Lồ Gồ Marilyn
Sát na quỷ dị uy quyền
Đập tan tành suốt cõi miền bình sinh
Trời xanh úp mặt nghe tin
Thôi rồi! Em Má-Rý-Lyn đi rồi
Một vạn tiếng! Một triệu lời
Một muôn muôn một cũng rồi một ra
Một Cửa Quỷ! Một Nhà Ma
Một Mông Rô đã vội qua đời rồi
Một Cõi Đất! Một Bầu Trời
Một Thiên Tuyệt Bút một đời trung niên.
Sống trên đời vỏn vẹn 36 năm nhưng bóng hình Marilyn Monroe lưu lại rất lâu trong lòng mọi người. Tôi cũng không được miễn trừ. Cảnh phim tôi khoái nhất là cảnh trong phim The Seven Years Itch, khi Marilyn mặc chiếc áo trắng đứng trên nắp thông gió của metro New York. Gió từ dưới thổi lên làm chiếc áo phấp phới khiến lộ ra chút xíu quần lót. Thời đó, chỉ có vậy đã được coi là quá sexy. Tôi coi phim này tại Sài Gòn vào cuối thập niên 1950 và hình ảnh đó không bao giờ phai nhạt.
Điêu khắc gia Seward Johnson chắc cũng giống tôi, và nhiều người khác, khi đã tạc một bức tượng khổng lồ hình ảnh này. Tượng cao tới gần 8 thước, nặng 15 ngàn ký, làm bằng thép không rỉ và nhôm, được đặt tên là “Forever Marilyn”. Marilyn bất diệt! Tượng hoàn thành vào năm 2011 và được đặt tại Pioneer Court ở Chicago. Tôi tới Chicago vào năm 2015, hối hả đi tìm lại nàng Marilyn bất diệt. Tới downtown thành phố rộng lớn Chicago, tôi hỏi thăm nơi đặt tượng. Hỏi người đi đường, hỏi mấy công nhân làm đường, hỏi nhiều nhân viên bán hàng trong các cửa hàng lớn, tất cả đều ngơ ngẩn. Lang thang trên hè phố, tôi vớ được vài cô nàng tre trẻ vui tính và được chỉ tới nơi tới chốn. Vội vã tìm tới thì ôi thôi người xưa đâu tá? Chỗ đặt tượng trống hốc trống hoác. Hỏi thăm vài người trên công viên, họ cho biết tượng đã được rời đi từ năm 2012 rồi.
Lòng ái mộ người đẹp của tôi chỉ tới vậy, nhiều người đắm đuối với thần tượng Marilyn hơn. Chỉ ba ngày sau khi mất, Marilyn được chôn cất tại nghĩa trang Westwood Village Memorial Cemetery. Đây là một nghĩa trang cổ, được thành lập vào năm 1904, ít người biết tới. Người lo tang lễ là Joe DiMaggio, chồng cũ của Marilyn, ly dị vào năm 1954 sau một thời gian ngắn chung sống. Nàng không được chôn dưới đất mà chôn trong một hộc lộ thiên. Bên ngoài hộc chôn nàng được trang trí rất giản dị. Chỉ một bảng tên có ghi năm sinh và năm mất, và một bình cắm hoa. Từ khi Marilyn yên nghỉ tại đây, nghĩa trang hầu như vô danh bỗng nhộn nhịp với những tên tuổi tới tá túc. Có thể kể: Dean Martin, Jack Lemmon, Frank Zappa, Truman Capote, Natalie Wood, Zsa Zsa Gabor, Farrah Fawcett và nhiều người khác. Hộc mộ nàng mang số 24. Trong suốt 20 năm, Di Maggio đã cho cắm hoa hồng đỏ vào bình hoa ba lần mỗi tuần. Ngày nay, những fan của nàng tiếp tục mang hoa, thiệp, thư và nhiều vật trang trí kỷ niệm khác tới đặt nơi mộ. Mỗi năm hai lần, lễ tưởng niệm Marilyn được tổ chức vào ngày sanh của nàng, 1 tháng 6, và ngày mất, 5 tháng 8. Muốn tìm tới mộ của thần tượng rất dễ. Cứ thấy hộc mộ nào có đầy những vết son hôn môi do các fan để lại thì đích thị là nơi an nghỉ của Marilyn.
Thân xác Marilyn đã theo thời gian mai một dần. Nét sexy chắc đã tàn tạ nhưng hình bóng nàng vẫn làm mê mẩn nhiều người. Toàn những người có tên tuổi. Họ không ngại bỏ ra cả đống tiền để được nằm cạnh người đẹp. Thương gia giầu có Richard Poncher tìm mọi cách để được chôn trong hộc mộ nằm phía trên của Marilyn. Ông mất vào năm 1986 khi đã 86 tuổi. Bà vợ góa của ông, bà Elsie Poncher, kể lại với báo Los Angeles Times: “Ông ấy nói nếu tôi không chôn ông ấy nằm sấp phía trên Marilyn thì ông ấy sẽ hiện về ám ảnh tôi suốt đời”. Bà này coi bộ can đảm. Năm 2009, bà rao bán hộc mộ này trên eBay với giá 4 triệu 600 ngàn vì thiếu tiền. May cho ông Poncher là không ai dám mua hộc mộ này nên tới nay ông vẫn nằm úp xuống nàng Marilyn ngửa lên phía dưới. Chỉ hơi phiền là khi bà Elsie mất, bà nằm ngay cạnh ông!
Ông chủ tạp chí Playboy Hugh Hefner là tay chơi thứ thiệt. Ông mua hộc bên cạnh Marilyn vào năm 1992 với giá 75 ngàn đô. Ông nói với báo Los Angeles Times: “Tôi là một tín đồ của thần tượng. Được nằm vĩnh viễn sát Marilyn thiệt là ngọt ngào cho cái chết”. Ông mất năm 2017.
Cầm lòng không đậu, tôi tìm coi lại clip video bài “Happy Birthday Mr. President” do Marilyn trình bày năm xưa. Nàng vẫn hiển hiện như chưa bao giờ nằm xuống dù đã 60 năm lìa xa dương thế. Ngày đó chắc tonton Kennedy khoái chí tử. Ngày nay người ta ghép video này vào với hình cây cầu Putin đang ngùn ngụt khói lửa vào dịp sinh nhật 70 tuổi của ông mắt hí trán sói này là một chuyện bậy bạ, tôi thầm nghĩ như vậy. Sức mấy Marilyn hát mừng ông Tổng Thống nước Nga đang điên cuồng xâm lăng Ukraine! Còn lâu! Nói theo kiểu các bạn trẻ trong nước: Cứ mơ đi!
10/2022
Website: www.songthao.com
Đăng ngày 20 tháng 11.2022