Phùng Quán: thèm được làm người
Trần Mạnh Hảo
Sau vụ “Nhân Văn giai phẩm” (1955-1957), Phùng Quán (1932-1995) bị đuổi khỏi quân đội, đuổi khỏi Hội Nhà Văn, bị kiểm điểm quy tội đại phản động vì dám viết bài thơ “Lời mẹ dặn” in trên báo “Nhân Văn” năm 1956 và bài thơ “Chống tham ô lãng phí” viết năm 1957 cũng in trên báo “Nhân Văn”; cả gan dám quần tam tụ ngũ với bọn “đại phản động, đám chống đảng dòi bọ xấu xa, đám hút xách, đĩ điếm gián điệp cho Mỹ Diệm” (lời thóa mạ của báo “Nhân Dân”) gồm: Phan Khôi, Văn Cao, Nguyễn Hữu Đang, Thụy An, Trần Dần, Lê Đạt, Hoàng Cầm, Phùng Quán, Trần Đức Thảo… Xin chép ra đây tên của “đám phản động chống đảng”:
Một số văn nghệ sĩ tham gia phong trào “Nhân Văn giai phẩm”, hoặc không tham gia nhưng từng viết bài đăng trên báo của phong trào này:
Hoàng Yến
Huy Phương
Hữu Loan
Hữu Thung
Lê Đại Thanh
Lê Đạt
Nguyễn Bính
Nguyễn Hữu Đang
Nguyễn Mạnh Tường
Nguyễn Thành Long
Nguyễn Tuân
Bùi Xuân Phái
Cao Xuân Huy
Chu Ngọc
Đào Duy Anh
Đặng Đình Hưng
Đỗ Đức Dục
Hoàng Cầm
Hoàng Công Khanh
Hoàng Huế
Hoàng Tích Linh
Hoàng Tố Nguyên
Nguyễn Văn Tý
Như Mai
Phan Khôi
Phan Vũ
Phùng Cung
Phùng Quán
Quang Dũng
Sĩ Ngọc
Thanh Bình
Thụy An
Trần Công
Trần Dần
Trần Duy
Trần Đức Thảo
Trần Lê Văn
Trần Thiếu Bảo
Trần Thịnh
Trương Tửu
Tử Phác
Văn Cao
Vĩnh Mai
Xuân Sách
Yến Lan
Nhiều văn nghệ sĩ phản đối nhân văn giai phẩm, viết bài “đánh” phong trào “Nhân văn giai phẩm”:
Chính Hữu
Đặng Thai Mai
Đoàn Giỏi
Hằng Phương
Hoài Thanh
Hoàng Trung Thông
Hồ Đắc Di
Hồng Cương
Huy Cận
Lương Xuân Nhị
Ngụy Như Kontum
Nguyễn Công Hoan
Nguyễn Đình Thi
Nguyễn Huy Tưởng
Nguyễn Lân
Nguyễn Văn Bổng
Phạm Huy Thông
Tố Hữu
Trần Hữu Tước
Vũ Đức Phúc
Xuân Diệu
...Nhiều người khác
Trong tập tài liệu "Bọn Nhân Văn Giai Phẩm trước tòa án dư luận" in tháng 6/1959 tại Hà Nội đã tập hợp bài viết lên án phong trào của 83 văn nghệ sỹ, với những tên tuổi như: Tố Hữu, Nguyễn Đình Thi, Phạm Huy Thông, Trần Hữu Tước, Đặng Thai Mai, Nguyễn Huy Tưởng, Hồng Cương, Nguyễn Văn Bổng, Hoài Thanh, Hoàng Trung Thông, Hồ Đắc Di, Vũ Đức Phúc, Quang Đạm, Bàng Sĩ Nguyên, Ngụy Như Kontum, Hằng Phương, Lương Xuân Nhị
Khi bị đuổi ra khỏi ngôi nhà số 4 Lý Nam Đế, trụ sở của tạp chí “Văn nghệ quân đội” bây giờ, Phùng Quán đến ngồi bên một gốc cây ở đường Phùng Hưng hai tiếng đồng hồ. Ông không biết về đâu, ngủ đâu, ăn ở đâu vì không có gia đình bà con họ hàng. Phùng Quán bơ vơ, lẩm bẩm: chỉ còn nước đi ăn mày…
Chú ruột Phùng Quán (tên hoạt động cách mạng là Nguyễn Vạn) đang là cán bộ cao cấp ở ngay Hà Nội đã từ ông vì tội chống đảng “nhân văn giai phẩm”; cậu họ là Tố Hữu đang là hung thần đánh “Nhân văn giai phẩm”…
Phùng Quán tìm tới công viên tạm trú suốt một tuần thì bạn bè tìm được ông. Lúc đó, ông mới 26 tuổi, sức dài vai rộng, đi ăn mày, ai cho? Vả lại, đi ăn mày là nói xấu đảng, rằng chế độ tốt đẹp thế này mà mày đi ăn mày là sao?
Đêm ngủ công viên, mưa lạnh, ướt như chuột lột, Phùng Quán thèm được đi tù. Đi tù còn có chỗ ngủ, chỗ ăn…Đi tù chính là thiên đường trong mơ của Phùng Quán lúc đó. Khi đuổi ông ra khỏi cơ quan Văn nghệ quân đội, người công an bảo: đi đi, đi mà tự lo lấy cuộc sống, đảng tha bắn, tha tù cho mày vì mày là con liệt sĩ ! Cấm mày đi ăn mày, ăn mày là tội nói xấu đảng nghe chưa?
Cha Phùng Quán là cụ Phùng Văn Nguyện một trí thức yêu nước chống Pháp bị Pháp giết trong lao tù Đà Nẵng năm 1932. Mẹ ông là Công Tằng Tôn nữ Thị Tứ ở vậy thờ chồng nuôi con.
Phùng Quán đi đâu cũng có công an theo dõi. Đảng vẫn nhớ ông, ban cho ông đặc ân là liên tục được đi cải tạo lao động suốt 20 năm ở nhiều tỉnh như Thái Bình, Thanh Hóa, Việt Trì, Thái Nguyên…Mà đi cải tạo lao động theo Phùng Quán nói, còn khổ hơn ở tù…
“Cải tạo lao động” là một cách ở tù mãn đời, tuy không có án nhưng với “tội nhân văn giai phẩm” Phùng Quán đã bị loại ra khỏi xã hội loài người.
Từ nhà tù trá hình của cộng sản, Phùng Quán bước vào một nhà tù ngọt ngào khác có tên là tình yêu. Mối tình Phùng Quán - Vũ Thị Bội Trâm (cùng sinh năm 1932) yêu nhau trước khi Phùng Quán bị nạn- là một mối tình kỳ lạ, bi kịch, hạnh phúc và đau thương là một.
Cô giáo dạy văn cấp 3 trường Chu Văn An (trường Bưởi xưa) Vũ Thị Bội Trâm xinh đẹp, con nhà gia giáo, lấy ai chẳng lấy, điên mới đòi lấy tên đại phản động “nhân văn” chống đảng Phùng Quán. Bố mẹ, anh chị em họ hàng của chị Bội Trâm cấm chị yêu và lấy Phùng Quán, một gã bị xã hội coi không phải là người.
Sao mày lại lấy cái thằng trên răng dưới cát-tút, không nhà cửa, không nghề nghiệp, không lương lậu, không có đến một bộ áo quần sạch sẽ để mặc, liên tục bị đi cải tạo lao động, cái thằng phản động chống đảng thì thà lấy chó còn hơn. Mẹ chị Bội Trâm bảo hàng xóm nói thế. Chị Trâm đòi tự tử. Anh chị Quán - Trâm có lúc tính ra cầu Long Biên cùng nhảy xuống sông tìm lối thoát…
Nhưng Phùng Quán không dám tự tử cùng bạn tình Bội Trâm vì anh hi vọng có ngày về gặp má còn đang ở Huế. Mẹ anh chỉ có mình anh. Năm bố anh bị Pháp giết trong tù Đà Nẵng, mẹ sinh anh, nuôi anh đến 14 tuổi thì anh trốn nhà theo Việt Minh đi chống Pháp năm 1945. Ra tới cầu Long Biên quyết nhảy sông cùng chết với bạn tình Bội Trâm thì anh Quán nghe tiếng má gọi Bê ơi, Quán ơi trong tai mình. Anh toát mồ hôi, bàn với người yêu quay lại sống tiếp vì má, chờ về gặp má. Năm 1970 má anh đã mất tại Huế mà không bao giờ được gặp lại người con trai duy nhất.
Trước ngày phát hiện bị xơ gan cổ trướng, tôi (TMH) ra Hà Nội. Anh Quán rủ đến chòi ngắm sóng của anh và chị Bội Trâm ăn cơm uống rượu, thức với nhau một đêm cùng đọc thơ, tâm sự…
Đêm ấy, chỉ có hai anh em uống say và đọc thơ cho nhau nghe. Có khi cả hai cùng nói, cùng đọc thơ, chẳng cần ai nghe, cứ uống, cứ đọc. Anh Quán đọc bài “Lời Mẹ dặn”, “ Đêm đọc thơ Đỗ Phủ cho vợ nghe”…Anh Quán vừa đọc vừa khóc. Anh chỉ khóc với thơ, khóc với tình yêu thôi…Công nhận, giọng đọc thơ bằng tiếng Huế của anh Quán hay tuyệt, có thể là người đọc thơ hay nhất nước…
…Hảo à, mình có bạn thân nhất là Xuân Đài nhưng chưa hề kể những điều này với Đài đâu ! Mình chưa được sống Hảo ạ. Mới là thí dụ sống, thí dụ yêu. Năm nay 64 tuổi đời, mình chỉ thèm nhất là được làm người…Có ai coi mình là người đâu, trừ Bội Trâm và mấy thằng bạn như Xuân Đài, Tuân Nguyễn và mấy ông anh như Văn Cao, Phan Khôi, Trần Dần, Hoàng Cầm, Lê Đạt…
Mình yêu Bội Trâm và cô ấy yêu mình kinh khủng lắm. Mình đã nhốt cô ấy vào một nhà tù dã man nhất có tên là Phùng Quán…
Mình sống chui cả đời, lấy vợ chui, đám cưới chui, nghĩ chui, viết chui, in chui. May mà mình có bà mẹ nuôi tên là Tưởng Dơi ở Nghi Tàm.
Mình và Trâm cưới nhau chui ở nhà mẹ nuôi, chỉ có bốn người dự là Xuân Đài, vợ chồng Tạ Vũ - Nguyễn Thị Điều, bạn Vũ Trung. Đêm tân hôn động phòng không có vì Tạ Vũ say, nằm ngủ cùng với cô Điều trên chiếc giường tre mẹ nuôi dành cho cô dâu chú rể…
Nói ra chuyện này, chắc anh Quán đã say lắm: lấy vợ cả tuần chưa động phòng. Có phòng đâu mà động. Mẹ Tưởng Dơi nằm dưới bếp, cách vài bước là chiếc giường tre mẹ dành cho cho con nuôi và con dâu mới.
Chỉ cần ngồi lên là chiếc giường tre cọt kẹt là mẹ nuôi thức. Trong tâm lý sợ sệt và ức chế tận cùng, nó không cương nổi Hảo ạ… mần răng được. Lấy vợ mà vợ vẫn ở nhà mẹ đẻ, mình ở vất vưởng lúc công viên, lúc tá túc nhà bạn bè, lúc về nhà mẹ nuôi, còn có chỗ nào mà làm tình với làm tội nhau Hảo ơi…
Lấy vợ cả tháng mà Bội Trâm vẫn còn trinh trắng, mình buồn lắm. Chúng mình hẹn nhau ngoài công viên. Ngồi trong bóng cây và bụi rậm công viên che chắn lúc 9 giờ tối, mình hôn cô ấy và nó lên bình thường. Mình đè vợ ra động phòng ngay trên cỏ công viên…May mà công an không bắt được. Mình đã được làm người chưa Hảo?
Suốt 20 năm, chúng mình thi thoảng vẫn hẹn hò ngoài công viên, giải quyết chuyện vợ chồng trên cỏ, vậy mà cũng sinh được cháu Quyên con gái và cháu Quân con trai…
Đến khi vợ được trường Chu Văn An cấp cho chỗ ở năm 1981 là cái chái nhà kho thì mình lại phải lên Thái Nguyên cải tạo lao động ba năm…
Anh Quán kể, ngày nào anh cũng quỳ lạy Hồ Tây, hồ Trúc Bạch đã cứu gia đình anh khỏi chết đói. Phùng Quán là vua câu cá trộm. Anh đã câu được nhiều chục tấn cá bán đi mua gạo mua sữa nuôi hai con. Suốt 20 năm câu cá trộm, nhiều lần anh đã bị bảo vệ bắt đánh hoặc giải về đồn công an…Anh nổi tiếng là “cá trộm, văn chui, rượu chịu”…
Suốt 30 năm bị cấm làm người, cấm sống, cấm nghĩ, cấm viết, cấm hạnh phúc, cấm in ấn… anh Quán đã phải nhờ người khác đứng tên tác phẩm của mình. Truyện anh viết đứng tên em vợ anh là anh Vũ Quang Khải; hoặc đứng tên Đào Phương, Nguyễn Huy…thì mới được in, mới có nhuận bút kiếm cháo nuôi con. Truyện anh dự thi về Liên Xô mang tên Vũ Trọng Khải được giải thưởng là cái xe đạp Liên Xô anh mới có xe đạp đi. Anh viết hàng chục truyện ngắn mang tên người khác, ăn chia nhuận bút 50/ 50…Có một người đã đứng tên cho Phùng Quán viết 70 cuốn truyện tranh in ra đàng hoàng là nhà thơ Thanh Tịnh đồng hương Huế, thủ trưởng cũ, mà ông Thanh Tịnh không lấy một đồng nhuận bút nào của anh. Chuyện này hồi đó mà lộ ra thì không chỉ Phùng Quán mà đại tá Thanh Tịnh chủ nhiệm tạp chí Văn nghệ quân đội cũng phải đi tù vì tội nối giáo cho giặc.
Bằng tiền câu cá trộm, viết văn chui suốt 30 năm, Phùng Quán đã góp với chị Bội Trâm nuôi sống mình và gia đình trong hoàn cảnh còn khổ hơn cả ở tù.
Chị Bội Trâm yêu Phùng Quán như người đàn bà yêu đàn ông, yêu và lấy anh để anh khỏi tự tử, yêu như nô lệ yêu chủ nô, yêu vô điều kiện, vượt lên mọi ghen tuông thường tình. Chị Bội Trâm biết hết các nhân tình của anh như Hương Quân, Hà Khánh Linh… Vẫn mời các tình nhân của chồng đến nhà chơi, cùng đi chợ nấu ăn, chị chị em em vui vẻ. In ra cuốn “Trăng Hoàng cung” Phùng Quán viết trong cơn điên tình với nữ văn sĩ Hà Khánh Linh, Bội Trâm còn gửi sách vào Huế cuốn này tặng Hà Khánh Linh với lời đề tặng: “Thân yêu tặng em Hà Khánh Linh, nàng thơ của anh Quán, là hứng khởi cuối đời cho anh ấy làm thơ. Cám ơn em”…
Đọc lại cuốn sổ tay nhòe chữ của chồng, chị Bội Trâm sau khi anh Quán mất, đã biết được mối tình đầu cháy bỏng của chồng với thiếu nữ tên Nhủ năm 1955 ở Sầm Sơn. Chị Bội Trâm bèn nhờ người tìm tới tay bà Nhủ còn sống ở Sầm Sơn, tặng người tình xưa của chồng toàn bộ sách của anh, với lời đề tặng: Cám ơn chị Nhủ mối tình đầu của anh Quán, gợi hứng cho anh viết cuốn tiểu thuyết “Vượt Côn đảo” năm 1955. Chị Nhủ gửi tặng chị Bội Trâm 5 con mực khô to nhất với lời nhắn: em vẫn còn yêu anh Phùng Quán.
20 tuổi thành công vang dội với tiểu thuyết “Vượt Côn Đảo”, được giải thưởng của Hội Văn Nghệ Việt Nam năm 1955-1957 cùng với Tố Hữu, Tô Hoài, Nguyên Ngọc…Phùng Quán được báo chí của đảng cho lên voi với mấy chục bài báo tôn vinh, khen ngợi là nhà văn của đảng, nhà văn nhân dân, là hạt giống đỏ cách mạng vinh quang…
Đùng một cái, vì hai bài thơ “ Lời mẹ dặn” và “Chống tham ô lãng phí”, Phùng Quán đang trên lưng voi của đảng bèn ngã xuống hàng chó đẻ của địch, kẻ phản động chống đảng bẩn thỉu khả ố nhất, xấu xa ghê tởm nhất…
Xin in lại hai bài thơ này:
LỜI MẸ DẶN
Tôi mồ côi cha năm hai tuổi
Mẹ tôi thương con không lấy chồng
Trồng dâu, nuôi tằm, dệt vải
Nuôi tôi đến ngày lớn khôn.
Hai mươi năm qua tôi vẫn nhớ
Ngày ấy tôi mới lên năm
Có lần tôi nói dối mẹ
Hôm sau tưởng phải ăn đòn.
Nhưng không, mẹ tôi chỉ buồn
Ôm tôi hôn lên mái tóc
- Con ơi
trước khi nhắm mắt
Cha con dặn con suốt đời
Phải làm một người chân thật.
- Mẹ ơi, chân thật là gì?
Mẹ tôi hôn lên đôi mắt
Con ơi một người chân thật
Thấy vui muốn cười cứ cười
Thấy buồn muốn khóc là khóc.
Yêu ai cứ bảo là yêu
Ghét ai cứ bảo là ghét
Dù ai ngon ngọt nuông chiều
Cũng không nói yêu thành ghét.
Dù ai cầm dao doạ giết
Cũng không nói ghét thành yêu.
Từ đấy người lớn hỏi tôi:
- Bé ơi, Bé yêu ai nhất?
Nhớ lời mẹ tôi trả lời:
- Bé yêu những người chân thật.
Người lớn nhìn tôi không tin
Cho tôi là con vẹt nhỏ
Nhưng không! những lời dặn đó
In vào trí óc của tôi
Như trang giấy trắng tuyệt vời.
In lên vết son đỏ chói.
Năm nay tôi hai mươi lăm tuổi
Đứa bé mồ côi thành nhà văn
Nhưng lời mẹ dặn thuở lên năm
Vẫn nguyên vẹn màu son chói đỏ.
Người làm xiếc đi dây rất khó
Nhưng chưa khó bằng làm nhà văn
Đi trọn đời trên con đường chân thật.
Yêu ai cứ bảo là yêu
Ghét ai cứ bảo là ghét
Dù ai ngon ngọt nuông chiều
Cũng không nói yêu thành ghét
Dù ai cầm dao doạ giết
Cũng không nói ghét thành yêu.
Tôi muốn làm nhà văn chân thật
chân thật trọn đời
Đường mật công danh không làm ngọt được lưỡi tôi
Sét nổ trên đầu không xô tôi ngã
Bút giấy tôi ai cướp giật đi
Tôi sẽ dùng dao viết văn lên đá.
(1957)
CHỐNG THAM Ô LÃNG PHÍ
Tôi đã đi qua
Những xóm làng chiến tranh vừa chấm dứt
Tôi đã gặp
Những bà mẹ quấn giẻ rách
Da đen như củi cháy giữa rừng
Kéo dây thép gai tay máu ròng ròng
Bởi đồn giặc, trồng ngô trỉa lúa...
Tôi đã đi qua
Những xóm làng vùng Kiến An, Hồng Quảng
Nước biển dâng cao ướp muối các cánh đồng
Hai mùa rồi, lúa không có một bông
Phân người toàn vỏ khoai tím đỏ;
Tôi đã gặp
Những em thơ còm cõi
Lên năm lên sáu tuổi đầu
Cơm thòm thèm độn cám và rau
Mới tháng ba đã ngóng mau ra Tết!
Để được ăn no có thịt
Một ngày...một ngày...
Tôi đã đi giữa Hà Nội
Những đêm mưa lất phất
Đường mùa đông nước nhọn tựa dao găm
Chị em công nhân đổ thùng
Run lẩy bẩy chui hầm xí tối
Vác những thùng phân...
Thuê một vạn một thùng
Mấy ai dám vác?
Các chị suốt đêm quần quật
Sáng ngày vừa đủ nuôi con...
Một triệu bài thơ không nói hết nhọc nhằn
Của nhân dân lao động
Đang buộc bụng, thắt lưng để sống
Để dựng xây, kiến thiết nước nhà
Để yêu thương, nuôi nấng chúng ta
Vì lẽ đó
Tôi quyết tâm từ bỏ
Những vườn thơ đầy bướm đầy hoa
Những vần thơ trang kim vàng mã
dán lên quân trang đẫm mồ hôi và máu tươi Cách Mạng!
Như công nhân
Tôi quyết đúc thơ thành đạn
Bắn vào tim những kẻ làm càn
Vào lũ người tiêu máu của dân
Như tiêu giấy bạc giả!
Các đồng chí ơi
Tôi không nói quá
Về Nam Đinh mà xem
"Đài xem lễ" họ cao hứng dựng lên
Nửa chừng bỏ dở
Mười một triệu đồng dầm mưa giãi gió
Mồ hôi máu đỏ mốc rêu
Những con chó sói quan liêu
Nhe răng cắn rứt thịt da cách mạng!
Nghe gió mùa đông thâu đêm suốt sáng
Nhớ "Đài xem lễ" tôi xót bao nhiêu
Đất nước đêm nay không đếm hết người nghèo
Thiếu cơm thiếu áo...
Bọn tham ô, lãng phí, quan liêu
Đảng đã phê bình trên báo
Còn bao tên chưa ai biết ai hay?
Lớn, bé, nhỏ, to, cao, thấp, béo, gầy...
Chúng nảy nòi, sinh sôi như dòi bọ!
Khắp đất nước đâu đâu chẳng có!
Đến một ngày Đảng muốn phê bình tất cả
E phải nghìn số báo Nhân dân!
Tôi đã dự những phiên toà xử tội
Những con chuột mặc áo quần bộ đội
Đục cơm khoét áo chúng ta
Ăn cắp máu dân đổi chác đồng hồ
Kim phút kim giờ lép gầy như bụng đói
Những mẹ già, em trai, em gái...
Còng lưng rỏ mát lấn vành đai!
Trung ương Đảng ơi!
Lũ chuột mặt người chưa hết.
Đảng cần phải lập những đội quân trừ diệt
Có tôi!
Đi trong hàng ngũ tiên phong.
Phùng Quán in cả hai bài trên báo “Nhân Văn” năm 1956 và 1957.
Hoàng Văn Hoan, lúc ấy giống như vai trò phó vương, là tay mặt của ông Hồ, dưới bút danh “Trúc Chi” đã viết một bài trên báo “:Nhân Dân” chửi rủa, lên án, thóa mạ Phùng Quán hết lời. Tiếp đó, hàng mấy chục bài báo của đám văn nô bồi bút nguyền rủa đề nghị xử bắn tên “biểu tượng hai mặt” đểu giả phản động Phùng Quán.
“Lời mẹ dặn” của Phùng Quán là một bài thơ hay, không hề có ý xỏ xiên nói xấu đảng. Bài thơ chỉ khuyên con người sống tử tế, thật thà: “Yêu thì nói là yêu / Ghét thì nói là ghét” sao lại quy lên phản động chống đảng là sao?
Hóa ra làm người thật thà tử tế là trái ý đảng, là phản động à? Hèn gì ông thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng tuyên bố ông nghỉ hưu để làm người tử tế. Cho nên ngày nay, bói không còn ai tử tế trong hàng ngũ cầm quyền cũng vì đảng từng cấm nói thật, chỉ thích bọn nói điêu, bọn nịnh nên đất nước mới thê thảm dường này !
Còn bài “Chống tham ô lãng phí” là bài yêu đảng tận cùng, yêu vượt chỉ tiêu đảng giao, sao đảng lại bắt tội Phùng Quán mà đầy đọa cả đời ông, đầy đọa vợ con ông đến dường này…?
… Đêm Phùng Quán mở lòng với tôi trên “Chòi ngắm sóng” cuối năm 1994 đầu năm 1995 là lần cuối cùng chúng tôi gặp nhau…
Hảo ơi, đời này mình chỉ thèm được làm người. Bội Trâm ơi, anh làm khổ em, Quyên và Quân ơi, bố làm khổ hai con. Không ai cho bố làm người, không ai cho anh làm người. Anh thèm lắm, thèm được làm người với Bội Trâm chỉ một ngày, có một phòng riêng cho đêm tân hôn, không phải động phòng ngoài công viên như cầm thú…
Hảo ơi, Quán chỉ thèm làm người. Phùng Quán khóc…Đêm ấy gió mùa đông bắc thổi, như tiếng hú đòi được sống, đòi quyền làm người của âm binh ngàn xưa đói khổ vật vờ ngủ đường ngủ bãi kéo về lôi Phùng Quán đi…
Sài Gòn, ngày 24-3-2020
Trần Mạnh Hảo
https://www.facebook.com/doduyngoc
____________
Bà Mẹ nuôi của Phùng Quán
Nguyễn Bùi Vợi
Năm 1960, đi lao động thâm nhập thực tế ở Thái Bình cùng các nhà văn Tô Hoài, Hoàng Trung Thông…về, Phùng Quán bị nhiễm lao. Nằm điều trị ở bệnh viên lao trung ương khỏi bệnh rồi nhưng không biết về đâu vì phòng Văn nghệ quân đội không còn tên anh nữa, Hội nhà văn cũng đã khai trừ anh.Phùng Quán về thôn Nghi Tàm xã Quảng An huyện Từ Liêm (Hà Nội) đến nhà ông cả Hàm là trưởng xóm Đình xin ở nhờ ít lâu. Gia đình ông cả vui vẻ nhận lời vì biết anh là tác giả tiểu thuyết “Vượt Côn Đảo” nổi tiếng. Ông cả Hàm nói với vợ: Tôi cũng có biết anh này có “phốt”. Người ta đầu xanh tuổi trẻ lại có tài ắt là có tật, thôi giúp đỡ người ta, để phúc để đức cho con!
Không có lương, Phùng Quán sắm cần câu, thỉnh thoảng ra hồ câu cá trộm!
Một hôm, anh đi qua trước một túp nhà lá một gian hai chái. Thấy một bà cụ một mình đi ra đi vào, Phùng Quán tạt vào chơi.
Hỏi truyện cụ, anh mới biết cuộc đời cụ thật gian nan. Cụ ông uống rượu say, “đi” luôn đến mồng một Tết để lại cho cụ bà một mảnh vườn, một ngôi nhà gỗ 5 gian và 3 đứa con dại. Cô gái đầu lòng tên là Húng mất năm 13 tuổi. Con thứ hai là Nguyễn Văn Thơm vào bộ đội, hy sinh vào năm 1947 ở mặt trận Hà Nội. Con gái út tên là cô Võ bị thiên đầu thống, lòa cả hai mắt, mất năm 30 tuổi, chưa kịp lấy chồng. Trước cụ cũng có một gian hàng bán cơm ở chợ hàng Da nhưng vì con bệnh nặng, gia tài khánh kiệt, cụ phải bán đi cả căn nhà gỗ 5 gian, lấy que chụm lên túp này…
Nghe cụ trưởng Rơi kể vậy, Phùng Quán không cầm được nước mắt. Anh nói với cụ:
– Mẹ ơi, con là bộ đội chống Pháp. Quê con ở Huế. Ba mẹ con đã mất cả, Con ở Hà Nội một mình. Con vẫn ở nhờ ông cả Hàm. Nay thấy mẹ sống một mình, con muốn xin dựa dẫm vào mẹ, không biết con có được mẹ thương không?
Cụ Mùi cười hai hàm răng đen nhức.(Vâng, tên thật của cụ là Nguyễn Thị Mùi, còn có tên là cụ trưởng Rơi vì hồi trước cụ cố đẻ rơi cụ nên đặt tên là Rơi.)
Cụ Rơi xởi lởi nói với Phùng Quán:
– Thế này, anh bộ đội ạ. Các cụ bảo: “ăn hết nhiều chứ ở hết bao nhiêu!” Nhà tôi chỉ có một túp thế thôi đấy. Anh xem có kê được cái giường nữa thì kê, ở cho ấm nhà!
Phùng Quán đi hỏi bạn bè. Nhà viết kịch Phan Vũ (tác giả vở kịch “Lửa cháy lên rồi”) cho anh mượn một cái giường cá nhân kê cạnh cái phản cụ Mùi nằm, còn thừa một lối đi nhưng phải đi nghiêng vì lối đi chỉ rộng chừng 30 phân. Quán kiếm gỗ thùng đóng một cái bàn viết nhỏ đặt sát với của sổ. Ngày ngày anh quay mặt ra hồ, ngồi viết tiểu thuyết.
Hai mẹ con thổi nấu ăn với nhau. Sáng ra, Phùng Quán cho gánh hàng của mẹ nuôi lên xe đạp, dắt lên đường cái. Cụ Mùi bán quà trẻ con như bánh đa, bỏng ngô, kẹo dồi, ô mai các loại… Mùa mía cụ chỉ bán mía. Buổi sáng Phùng Quán thồ mía cây, mía tấm lên đường cái cho cụ, trưa mang cặp lồng cơm ra hàng, chiều ra thồ bã mía về, phơi khô đun nấu. Túp lều có người ra, người vào, có tiếng nói tiếng cười ấm cúng.
Rồi Phùng Quán dẫn người yêu là Bội Trâm giới thiệu với mẹ nuôi. Thấy cô gái lễ phép, lịch sự lại là giáo viên cấp 3, cụ Mùi rất thương. Năm 1962, Phùng Quán và Bội Trâm đến đăng ký kết hôn ở ủy ban hành chính xã Quảng An huyện Từ Liêm Hà Nội.
Hàng tuần, chiều thứ bảy, Bôi Trâm mới về với chồng ở nhà bà mẹ nuôi thôn Nghi Tàm. Ngày thường chị ở nhà mẹ, số 3 hàng Cân, đi dạy học ở trường Trưng Vương phố Hàng Bài Hà Nội. Đến kỳ lương, chị mang về đưa cho cụ.
Một hôm cụ đưa cho chị mười lăm đồng và bảo:
– Cậu Quán đẹp trai nhưng ăn mặc lôi thôi quá. Cô ra chợ sắm cho cậu ấy một bộ cánh, áo pô-pơ-lin, quần si-mi-ly, diện vào xem có oách không nào?
Hai vợ chồng bàn nhau may áo vải, quần ka-ki cho cụ vui lòng, còn dư tiền còn để mà ăn chứ. Một suất lương nuôi hai người rồi!
Năm 1963, sinh cháu Đỗ Quyên đầu lòng, Quán bàn với vợ sau hai tháng nghỉ đẻ, đi dạy thì cho con vào nôi, đưa lên đây, anh vừa viết vừa trông con hộ vợ.
Thấy thế, buổi chiều khi Bội Trâm ở trường về, cụ Mùi chỉ Phùng Quán, đọc vè trêu chọc:
Công danh sự nghiệp lờ đờ
Trông con cho vợ còn nhờ miếng ăn!
Lúc ấy, cụ cười nhưng nước mắt lưng tròng. Phùng Quán bảo vợ “công danh sự nghiệp lờ đờ” thì tài thật, nhà thơ chuyên nghiệp đã chắc hạ được hai chữ ấy à?
Đã ấm nơi ăn chốn ở rồi, bạn bè văn nghệ đã bắt đầu lui tới. Phùng Quán ra vườn chặt mấy cành ổi ghép vào nhau thành ghế dựa. Mặt ghế, lưng ghế anh ghép bằng tre cật, ngồi nhiều đen bóng cả lên. Ai đến cũng khen bộ ghế đẹp. Phùng Quán còn ghép cành ổi thành ghế đu, đặt ngoài vườn nằm đọc sách. Thấy bạn bè Phùng Quán khen anh khéo tay, cụ Mùi đặt vè trêu con nuôi:
Người ta sập gụ, tủ chè
Nhà tôi cành ổi… Ngứa nghề xa lông!
Hai chữ “ Ngứa nghề” thật đau đớn, chua chát. Bội Trâm sinh con trai là Quý Quân. Cuối tuần ba mẹ con về với bố với bà. Những hôm ấy, cụ Mùi đi chợ mua thịt, cá, gà, trứng để bồi dưỡng cho các cháu. Có hôm chị Trâm kêu “sao mẹ mua nhiều thế” thì cụ mắng:
– Làm ra được đồng tiền, thấy con cháu nó ăn ngon miệng là mẹ vui. Chết rồi có mang tiền xuống âm phủ được đâu.
Rồi cụ Mùi lại đọc vè, lần này là vè… tự diễu:
Đi buôn từ thuở mười hai
Tôi thề tôi chẳng yêu ai bằng… tiền!
Những lần Phùng Quán đi thực tế hay đi viết ở tỉnh này, tỉnh kia, cụ dặn mang áo len, mang lọ dầu cao con hổ, mang thuốc phòng đau bụng. Cụ dặn đừng nên ăn lòng lợn tiết canh, người ta làm không đảm bảo vệ sinh. Những lúc ấy, Phùng Quán quay mặt đi, giấu những giọt nước mắt.
Năm 1975 giải phóng miền Nam, Phùng Quán về Huế rồi vào thành phố Hồ Chí Minh tìm anh em, họ hàng.
Ở ngoài này, cụ Mùi lên Ủy ban nhân dân xã Quảng An làm di chúc: Sau khi cụ qua đời, con nuôi của cụ là nhà thơ Phùng Quán và vợ là cô giáo Bội Trâm có quyền hưởng thừa kế mảnh vườn một sào và túp lều của cụ. Nhờ người viết xong, cụ điểm chỉ ở cuối trang và xin chứng nhận của Ủy ban nhân dân xã Quảng An. Vợ chồng Phùng Quán xin lễ sống bà mẹ nuôi, tỏ lòng cảm kích trước cử chỉ tốt đẹp của cụ nhưng xin không dám nhận ân huệ đó vì không chắc có phụng dưỡng cụ đến hết tuổi Trời được hay không? Anh chị đề nghị mẹ nuôi của mình đón một đứa cháu trong nội tộc về ở chăm sóc cụ cuối đời và hưởng sự thừa kế.
Năm 1982, cụ Mùi qua đời. Phùng Quán thời gian này đang ở trên vùng núi Thái Nguyên trông coi khu đất tăng gia của Bộ Văn hóa, nhận được tin, về không kịp.
Bội Trâm xin phép mẹ đẻ ở số 3 Hàng Cân cho phép được buộc khăn mặc áo xô để tang mẹ nuôi của chồng mình. Cháu trai Quý Quân đi đầu rước ảnh Bà nội. Năm 2000, người mẹ liệt sĩ cô đơn ấy được nhà nước truy tặng danh hiệu “Bà mẹ Việt Nam anh hùng”.
Nguồn: trannhuong.com
Copy từ fb Nguyễn thị Kim Hiền
https://www.facebook.com/doduyngoc/
Đăng ngày 03 tháng 04.2020