Quận Mười Ba - Paris

Trần Thị Diệu Tâm

Quận 13 là một trong số 20 quận của thủ đô Paris nước Pháp, một quận có dân cư đông đảo buôn bán khá sầm uất, trục chính của quận là Place d'Italie. Đa số người Á Đông thường sinh hoạt suốt dọc hai con phố chính là Avenue D'ivry và Avenue de Choisy, nơi có nhiều siêu thị lớn nhỏ và các cửa hàng ăn uống nổi tiếng.
Trước đây, khoảng 1975, nghe nói khu phố này quán xá lèo tèo, vài cửa hàng người Ả Rập buôn bán không mấy phát đạt, đa số dân cư ngụ thuộc giới lao động bình dân .Nhưng từ khi có dòng người tỵ nạn xuất hiện, vùng này bỗng thay da đổi thịt. Cả khối Việt Miên Lào của Đông Dương xưa, tụ về nơi này sinh sống cùng nhau. Nhớ xưa kia cả ba đều con dân thuộc địa mẫu quốc Pháp, và sau này cùng là nạn nhân của chế độ Cộng Sản, một đàng là Khờ -Me Đỏ, một đàng là Bắc Việt. Người Ả Rập làm sao cạnh trạnh nổi, phải bán nhà cửa đi chỗ khác chơi. Người Việt đến Pháp định cư, đa số gia đình là dân Tây trước kia, hay là nhân viên làm việc cho cơ sở Pháp tại Sàigòn, hoặc có thân nhân con cái du học trước 1975. Số người đến Pháp theo giấy tờ như vậy ít ỏi không nhiều, dòng người boat -people khi đến đảo đều khoái American Dream, ít ai thích French Dream. Hoa Kỳ muốn đền bù cho dân miền Nam vì sự bỏ rơi tháo chạy của mình, đã ô-kê cho nhập cư vào Mỹ hầu hết thành phần cựu quân nhân theo diện H.O. Pháp không có H.O. Người Tàu đến Pháp cũng không nhiều lúc ban đầu, nhưng họ biết tạo thành một tập hợp vững mạnh phát triển với mục đích kiếm tiền sinh lợi, không chia rẽ vì mục đích chính trị. Người Tàu thích buôn bán hơn thích học chữ, phi thương bất phú mà, người Việt thích học chữ hơn thích bán buôn, nên người Việt cứ mãi làm thuê, người Tàu luôn làm chủ.
Đất lành chim đậu, người qua trước bảo lãnh người qua sau, đó là hợp pháp, người Tàu không cần hợp pháp, họ có luật lệ riêng của cộng đồng họ, lúc nào đưa người qua cũng được miễn là chịu chi tiền đậm. Trước đây nghe nói giấy tờ của người Tàu chết được dùng cho người Tàu sống. Trong việc kinh doanh, các người chủ Tàu thuê nhân công, trả lương thấp làm nhiều giờ. Mặc dù luật pháp xứ này luôn bảo vệ người lao động, thường cho người thanh tra kiểm soát nhân viên làm việc có được khai báo đúng theo luật lệ hay không. Tuy nhiên họ không lo bị thanh tra, các chủ nhân ông phớt tỉnh, họ có hậu thuẫn cửa sau. Làm gì được nhau. Mấy ông Tây trước đây không hiểu, không biết hối lộ, nhưng từ lúc có người Tàu hiện diện, họ bỗng dưng hiểu và khoái. Khu phố Á Đông này trở nên béo bở đối với nhân viên hành chánh thuế vụ, nhân viên ngân hàng.
Họ không cần phải học nói tiếng Pháp, người Pháp phải học nói tiếng nước họ, vậy mới là ghê chứ. Các dịch vụ cơ bản đều do người Tàu nắm giữ. Các ngân hàng cũng phải viết phụ thêm ngôn ngữ Tàu. Nhà băng bây giờ rất cần nhân viên biết tiếng Tàu, hay người gốc Tàu để giao dịch. Có tiền mua tiên cũng được, ai cũng sợ ai cũng nể. Đừng cho rằng tiền không mua được hạnh phúc, điều này xưa rồi Diễm. Tiền mua được tất, mua được hết.

Người Á Châu về đây, giá nhà cửa tăng phi mã, dân bản xứ thấy lời liền bán ngay dọn về nơi khác, vả lại người Pháp lấy làm ngại ngùng không quen với cách nói năng của mấy ông Tàu, ồn ào xi lô xi la, không hề biết pác-đông, méc-xì là gì. Hết đất xây cất thêm, nhà đầu tư bèn tạo dựng các cao ốc ngất trời mấy chục tầng. Chỉ lo thang máy hỏng. Một bà bạn đầm nói mỗi khi đến đây, bà có cảm tưởng đang ở Hong Kong, không còn là xứ Pháp của bà, bà hơi sợ hãi khi bước chân vô khu vực ăn uống này. Tôi hỏi sợ gì ? Trả lời sợ cái văn hóa lạ của người Tàu ! Người Việt sống chung với người nước khác dễ dàng, hòa nhập với người bản xứ. Nhưng Tàu thì không, họ chỉ sống cùng, sống với người cùng xứ sở, họ tạo ra một thứ quyền lực ngầm bảo trợ bao bọc nhau, chính quyền có khi cũng chào thua. Người Tàu chủ yếu hoạt động ở lãnh vực ăn uống và các dịch vụ mua bán thực phẩm, ngành nghề này phát triển tối đa. Giàu nghèo chi cũng cần phải ăn để sống. Giàu ăn ngon, nghèo ăn no. Mấy chuyện khác không quan trọng bằng, cái bao tử mới là trung tâm sự sống.
So sánh nhân dạng các chủng tộc miền Đông Á sống nơi này, người Việt có ngoại hình đẹp hơn cả, kể cả đàn ông lẫn đàn bà, kể cả thanh niên lẫn người lớn tuổi. Và dĩ nhiên phụ nữ Việt xuất sắc hơn cả về nhan sắc. Không phải vì chủ quan, nếu vài người đàn bà cùng độ tuổi đứng cạnh nhau, trong đó có một chị Việt, thì chắc chắn người ta sẽ biết người xinh đẹp hơn cả chính là Việt Nam ta. Đó là chưa nói tới trí óc thông minh của người mình. Đó là chưa nói tới chuyện phát âm giọng nói, nói tiếng Pháp thì người Việt phát âm chuẩn hơn cả, nhờ chữ quốc ngữ viết theo mẫu tự La Tinh. Người Việt phát âm tiếng Anh hay tiếng Pháp đều khá hay và rõ ràng.
Các bạn Pháp có vẻ yêu mến dân Việt hơn, và các dân tộc khác ở quận 13 này cũng có lòng nể trọng chúng ta. Có học có văn hóa cao, tuy nhiên kém tiền cũng thua kẻ ít học mà giàu tiền giàu của. Vào năm 2015, bà đầm Anne Hildalgo, đô trưởng của Paris cho xây một chiếc cổng kiến trúc khắc họa theo nét viết của chữ Môn (theo chữ Hán là cổng, xem hình kèm theo), cái cổng màu đỏ này tọa lạc tại ngã ba phố Avenue de Choisy, phố Vistule và phố Rue de Frères d' Astier de la Vigerie. Cổng môn có tên Pháp là "Arche de la Fraternité Franco- Asiatique", nhịp cầu huynh đệ Pháp Á. Kiến trúc theo lối chữ Tàu có hậu ý. Nịnh tiền thấy rõ!

Gia đình chúng tôi ở vùng phụ cận trung tâm Á Đông này, trong một thị trấn nhỏ. Nếu không lái xe hơi, có thể trèo lên trụt xuống mươi bậc cấp mê-trô là tới. Phương tiện giao thông công cộng ở Paris có thể nói là number one trên thế giới. Nhờ di chuyển bằng đôi chân nhiều, nên đa số không bụng phệ. Mấy đầm con, dáng cô nào cũng thon thả, đầm lớn tuổi còn diện váy ngắn. Nhìn hình đệ nhất phu nhân Pháp mà xem, váy ngắn trên gối cả gang tay, trông bắt mắt lắm dù nay đã 58 cái xuân xanh, lớn hơn tổng thống phu quân 24 mùa đông lạnh. Trong thị trấn này, khi chúng tôi mới định cư, rất hiếm hoi gặp một cư dân người Hoa, nhưng hiện nay, mấy con đường chính đều mọc lên các tiệm ăn với bảng hiệu Restaurant Céleste, Dragon, Sinostar... rồi đến các cửa hiệu bán sách báo, lô-tô, đều vô tay người Tàu.
Tuy nhiên, với chúng tôi, quận 13 là nơi chốn thân thương nhất, đi đông đi tây đi mô cũng tìm về ăn uống. Đó là nguồn sống sinh động nhất, vì nơi đây chúng tôi có thể gặp gỡ bạn bè đồng hương qua buổi đi chợ mua các thực phẩm Việt Nam Châu Á, hay chuyện trò ấm lạnh trong các quán ăn Việt Nam thân mật. Qua đây bao nhiêu năm rồi mà không ăn nổi các món ăn Tây, dù ẩm thực của xứ sở này nổi tiếng là tinh tế. Chỉ ăn được mỗi món bò bíp-tếch, lạt nhách phải thêm maggi, nước mắm. Thú thật chúng tôi cảm thấy mình rất nhà quê khi phải ăn những bữa tiệc cưới Tây, muỗng nĩa, thìa nhỏ thìa lớn, cái dùng trước cái dùng sau, ly nhỏ ly lớn cái rượu này cái rượu kia. Món ăn Pháp chỉ được cái trình bày đẹp mắt, thức ăn có chút xíu mà ngự trên cái đĩa men trắng to chà bá, cho vào mồm hai miếng là hết. Dân Pháp chuộng cái đẹp, cái thẩm mỹ. Ăn món Ta, chỉ cần mỗi một đôi đũa mà gắp được hết. Có khi bốc tay còn ngon hơn nữa đấy! Trở về với con người tự nhiên, rủ bỏ bớt những lỉnh kỉnh phiền toái của thứ gọi là con người văn minh, có khi còn sống vui sống khỏe là khác ! Hẹn hò nhau ở quân 13, để nói tiếng Việt với nhau, để còn thấy nhau, kẻo mai kia mốt nọ ra đi mà không bảo gì nhau. Hẹn gặp nhau hôm nay, vì ngày mai biết ở nơi nao, miền Vĩnh Cữu, miền Vĩnh Hằng, miền Tây Phương Cực Lạc, biết bạn phiêu diêu nơi mô. Những nơi ấy có phở tái gầu gân không ? Có bún bò giò heo không ?
Ông bạn Nho gia Phạm Xuân Hy định cư ngay ở trung tâm phố thị 13 nhộn nhịp này, ai cũng biết ông là dịch giả nổi tiếng của pho truyện Tàu Liêu Trai Chí Dị, trong đó kể về các thư sinh bị các hồ ly tinh biến thành gái đẹp đến chọc ghẹo vào ban đêm, làm chuyện mây mưa suốt khiến các chàng quên học hành bỏ thi cử mang họa vào thân. Không biết trời xui đất khiến sao mà gần khu vực đấy, xuất hiện mấy hang động của hồ ly tinh. Đầu đường phố Avenue D'ivry, xế đối diện siêu thị Paris-Store, các hồ ly này không cần phải chờ đêm tối, họ biến thành các cô môi son má phấn ngay cả ban ngày ban mặt, xi xô tiếng Tàu đứng tụm năm tụm ba nói cười ra vẻ hồn nhiên ngây thơ, họ thả mồi, câu vía đàn ông. Ngày nào cũng đứng lóng ngóng công khai liếc ngang liếc dọc các ông đi qua, các chàng đi lại, ngang nhiên như đây là lãnh địa của hồ ly. Mấy ông có vợ đi kèm chắc không bị chài mồi. Tuy nhiên thằng con trai chúng tôi kể lại, có lần đi ngang qua bị một cô kéo tay, nó ngạc nhiên hỏi lịch sự :Cô cần gì phải không ? Cô gái liền cười duyên trả lời a-mu ! Thằng con trai bỗng hiểu, a-mu là amour, liền dứt tay ra vội băng qua đường tránh. Nghe nói ông già đầu bạc họ cũng không tha. Tôi thắc mắc mấy cô không có các xe bít bùng như ở rừng Boulogne hay rừng Vincennes, thì hành sự chỗ nào, có người cho biết các cô thuê phòng chứa đồ đạc của cư dân Tàu gần đó ở dưới tầng hầm các tòa bin-đinh. Giá cả có lẻ rẻ hơn so với hồ ly Đông Âu, không biết giá bao nhiêu, vì ai dám cho biết chuyện này. Các bà nội trợ đi ngang qua chỗ mấy hồ ly đứng, đều tránh ra, đi nhanh hơn cho khuất mắt. Thấy cô trông còn trẻ lắm, da trắng mỡ, áo quần diện kiểu ba đồng một mớ. Vào mùa đông lạnh ngắt, cô mặc áo choàng ngoài phủ xuống gót chân, hở ra bên trong chỉ mặc đồ lót . Có cô chân cong vòng lùn tịt, xức nước hoa ba đồng một lít. Khi đi ngang qua đám hồ ly đứng chực hớp vía đàn ông nhẹ dạ, ông bạn Nho gia cảm khái nói: " Thật đáng thương, đáng lẽ vai trò của các cô là làm vợ, làm mẹ trong gia đình, chứ đâu phải đứng đây " giọng của ông chậm rãi thương cảm. Tôi thực sự cũng lấy làm xúc động nghe câu ông nói. Nhưng chọn nghề mưu sinh là do tự họ quyết định, đổ lỗi cho số phận chỉ là cách nói chữ thôi.
Bây giờ tiền vốn bên Trung quốc đổ qua mỗi ngày mỗi nhiều, họ muốn đặt thêm nền móng cơ sở tại đây, mà không cần nghĩ đến ngành nghề ấy có lợi hay không, mục đích là đưa người dân họ qua sống. Mai kia mốt nọ biết đâu chẳng có một ông tổng thống Pháp gốc Hoa !
Trần thị Diệu Tâm
Hè muộn / 2021



Quán An Hiên tại Paris

Trần thi Diệu Tâm
 
Đang làm việc tại một cơ sở thuộc nhà sách Hachette, tôi đành bỏ ngang để làm nhà hàng với ông xã ở phố quận 13, Paris. Nghĩ rằng mở một cái tiệm ăn nhỏ tự đứng ra cai quản, coi bộ khỏe hơn đi làm nhân viên dưới quyền điều khiển của sếp đầm khó chịu .
Chọn cái tên cho tiệm ăn giống như tìm đặt tên cho đứa con của mình. Chợt nhớ quê nhà quê mình có một biệt phủ xưa tên gọi An Hiên. Hiên là mái nhà, an là bình an. Ai mà chẳng mong có một mái nhà an bình để sống.
Tôi không phải là người giỏi giang chi về bếp núc. Ở Việt Nam lúc đi học thì lo học chứ đâu để ý chi chuyện làm bếp. Khi lấy chồng thì có chị  giúp việc nấu nướng ngon lành. Việc chi mà phải nhọc tay chân. Qua đây liều mình mở hàng ăn, quả thật mình có lá gan to của con ngỗng béo. Ở xứ sở này, nghề bếp núc nấu nướng lại là nghề có giá trị. Tìm được một người bếp giỏi không phải là chuyện dễ dàng. Tôi phải biến thành nhà bếp, bếp chính. Như thế mình không phải phụ thuộc vào bất cứ bếp chính nào. Chủ nhà hàng sợ nhất là khi quý vị bếp chính se mình nghỉ việc.
Quán ăn nhỏ đủ cho hai vợ chồng và một người phụ bếp. Cuối tuần khách đông có con gái nghỉ học ra phụ, hạn chế phí tổn tối đa may ra mới sống nổi ở xứ Xã Hội khó khăn này. Nghĩ bụng mấy năm học "Quản trị xí nghiệp" ở Đàlạt bộ không quản trị nổi cái quán ăn bé nhỏ này sao. Thật ra nhỏ hay lớn đều cần phải biết cân bằng chi thu, làm nhà hàng phải cần có số thu ít nhất hơn gấp 4 lần số chi, để có thể trang trải gánh nặng về thuế má. Nếu may ra số thu có tỉ lệ cao hơn nữa mới mong có lời. Một bài tính không dễ thực hiện với một người lơ mơ và ít tiền là tôi.

An Hiên có địa chỉ ngay quận 13, nơi này mọi thứ vật liệu Á Đông đều có người cung cấp đưa tận nơi, chỉ cần đặt hàng qua điện thoại. Nhà tôi có khá nhiều bạn hữu quen biết xưa nay, họ đến ủng hộ khá đông. Không những khách Ta mà có cả khách Tây. Anh ấy đứng két thu tiền, vừa có tiền lại vừa gặp bạn đến chơi mỗi ngày, nên vui lắm. Đa số khách Việt ta đều trả tiền mặt. Tôi rất thích, vì được chạm, sờ và đếm, vui hơn là nhìn những con số qua chi phiếu. Đúng là nhà quê thực tình. Nhưng số tiền giấy đó không phải thuộc về chúng tôi đâu, mà thuộc về thuế má chi phí phải thanh toán. Chuyện tiền bạc bỗng dưng trở thành gánh nặng lo lắng mỗi ngày.
Để cảm thấy cuộc sống nhẹ nhàng hơn, tôi thường vẽ vời trong trí tưởng một cuộc đời khác bên lề, nó đi song song với cuộc đời đầy mắm muối này.. Đó là sáng tạo các nhân vật truyện của mình. Trong lúc nấu nướng với bếp lửa xanh phừng phực cao độ, tôi ước chi được phút giây rảnh rỗi, tiếp tục viết tiếp câu nói trong câu chuyện ngắn dở dang. Không ai ngờ rằng thời gian làm bếp là thời gian tôi mê viết nhất, viết nhanh và viết gọn. Có lẽ viết là một cách thoát ra đời sống thường nhật với những tính toán tiền bạc vật chất, để đến với thế giới khác của riêng mình, cùng đem theo đôi điều suy nghĩ không thể nói ra trong cuộc đời thường.
Nếu cho rằng viết văn là một nghệ thuật, thì nấu bếp cũng là nghệ thuật vậy. Một bên là sản xuất món ăn cho cơ thể, một bên là sản xuất món ăn cho trí tuệ. Món nào cũng thấy cần thiết cho đời. Muốn nấu món ăn ngon, điều quan trọng là nêm nếm gia vị. Muốn viết hay cũng cần gia giảm tình tiết chữ nghĩa. Cả hai loại nghệ thuật này đều cần sự tận tâm tận tình. Một người bạn đến chơi nói đùa "nhà văn bây giờ trở thành nhà ăn". Tôi chẳng phải nhà văn mà cũng chẳng phải nhà ăn, chỉ là mảnh ván cho tôi bám vào trôi nổi trên biển động trăm năm này.
Và hình như cái nhà vững chắc hơn cả đó là Nhà Tôi.
Điều làm cho hai vợ chồng chúng tôi phấn khởi làm việc là sự lui tới thường xuyên của thân hữu thuộc nhiều giới khác nhau. Những người ở xa ghé đến ăn không chỉ vì món ăn mà còn là dịp gặp gỡ. Nhà Tôi là người dạy học ở Sài Gòn, Đà Lạt, do đó học trò cũ khá đông. Có học trò cũ mắt ứa lệ khi thấy ông thầy giáo mình ngưỡng mộ năm xưa, nay vất vả kiếm sống nơi quê người. Nhưng làm việc tốt hơn thất nghiệp xin trợ cấp, trả lời đơn giản. Chúng tôi là những người không hề có mặc cảm, trước kia không tự tôn, nay không tự ti.
Người ta cho rằng quán ăn của chúng tôi là quán ăn nghệ sĩ, cũng đúng. Đa số người có "tâm hồn nghệ sĩ" thích đến đây, ăn xong thêm một tách cà-phê, có thể ngồi chuyện trò cà kê đến chiều với ông chủ quán. Những vị nào độc thân hay gần như độc thân (vì một lý do nào đó không tiện nói ra) thường đến vào buổi tối ít bận rộn hơn, và chúng tôi xin họ ngồi gần nhau để cùng ăn bữa cơm chung như trong một nhà. Như thế giá vừa rẻ cho mỗi người mà tiện cho việc nấu nướng. Vì đứng bếp vào buổi tối, tôi và anh phụ bếp cũng đều oải lắm rồi.

Từ lúc mở An Hiên quán, trong không gian nhỏ bé, chúng tôi được tiếp xúc khá nhiều nhân vật, những vị lãnh đạo cao cấp của quân đội, những nhân vật chính trị, những người giàu có của thời VNCH. Xưa kia dễ dầu gì chúng tôi được diện kiến họ. Những người Bên Ni, Bên Nớ khi đến Paris đều có lần đến "diện kiến" An Hiên !
Cô đầm lai TinTao (giống tên của một loại bia tàu), rất dễ mến thường đưa những bạn bè Pháp đến, có khi là một tác giả cuốn sách nổi tiếng, hay một đạo diễn xi-nê đi tìm vai diễn Á Đông cho phim. Có khi cô đưa một anh đàn ông hào phóng chịu chi cho chai rượu đắt tiền.. Cô có duyên nói năng dịu dàng. Buổi tối, trong ánh đèn lung linh, người ta dễ dàng tâm sự đôi ba điều tình cảm. Những quán ăn ở xứ này đều có chung một khung cảnh ánh sáng trữ tình buổi tối. Có mấy lần Cô Tintao đưa bà Monique, vợ cuối của Hoàng Đế Bảo Đại đến ăn. Sau khi vua chồng mất, bà Monique thấy gầy ốm. Tôi hỏi sao lúc này bà gầy. Bà trả lời rằng "buồn vì chồng mới mất". Không biết có thực không, bà đến hỏi riêng Nhà Tôi "trong tương lai, khi nào tôi có thể có chồng khác ?" ! Bà tặng tôi một tấm hình bà chụp cùng ông Bảo Đại. Tôi cất vào album. Dù sao bà này cũng là một chỗ dựa cuối đời của một vì vua nước tôi. Trước đây hoàng tộc cũng gửi cho chúng tôi một tấm hình của Vua với hoàng hậu Nam Phương rất đẹp chụp thời còn vương triều ở Huế. Tôi luôn mong muốn giữ mãi trong lòng sự cung kính đối với hoàng đế, nên đã từ chối lời đề nghị của một người quen, muốn tổ chức bữa ăn món Huế mời Ngài ngự ở An Hiên Quán. Nghĩ rằng khung cảnh quán không đủ sang trọng xứng đáng mời Ngài.
Chị Bích Hồng có ông chồng về ở Việt Nam, mỗi năm chỉ trở lại Pháp một lần để khai báo thuế má. Cũng xem chị như sống độc thân. Chị thường đến ăn buổi tối, và ở lại cho đến 11 giờ đóng cửa tiệm, chúng tôi đưa xe chị về luôn vì tiện đường. Chị đi du học Pháp từ lâu, gia đình rất giàu có xưa kia ở thành phố Đà Nẵng. Chị là người căn cơ có nhà cao cửa rộng, và thích đầu tư vào nhà cửa. Có một hai ông khách độc thân muốn ngắm nghé chị, nhưng chị dửng dưng. Chị nói "chán đàn ông". Chồng chị về Việt Nam có nhân tình. Một hôm chị bắt được lá thư của cô bồ viết đòi hỏi chồng chị phải thế này thế nọ. Chị bèn đem lá thư sao photocopy, thuê tủ sắt ở ngân hàng để lưu trữ. Chị nói sau này ly dị, chị có bằng chứng tố cáo chồng có lỗi. Chị là người tính toán tiền bạc rất giỏi, tôi thường hỏi han chị nhiều điều không biết. Vì cùng giọng nói, lại là người dễ chịu, chị cần có bạn, tôi cũng vậy. Để giải khuây, chúng tôi thường đảo qua các phố phường Paris thượng vàng hạ cám lúc rỗi rảnh.
Sau thời gian sang bán quán ăn năm 2000, tôi ít gặp chị. Rồi chị gọi điện thoại hỏi tôi có thể cho chị ở tạm một phòng trong nhà được không. Tôi ngạc nhiên, mời chị đến chơi ở lại ăn cơm trưa, nhưng không thể làm theo đề nghị. Chị nói rằng chị rất đau, tôi thật thà hỏi chị đau gì, đâu ở đâu ? Chị khóc trả lời  "sợ cô đơn và không muốn sống một mình"..
Không biết vì buồn chuyện tình hay buồn chuyện tiền, nói chung là buồn chuyện đời, chị Bích Hồng đã tìm đến cái chết một cách quyết liệt không chút luyến lưu.

Một vị khách quen thuộc khác, chúng tôi thường gọi bác Bửu, bác lớn tuổi du học Pháp từ rất lâu, sau khi thành tài về nước giữ chức vụ giám đốc đầu tiên của Truyền Hình Việt Nam. Người vợ của bác là chị ruột của bà Ngô Bá Thành, chủ tịch "Phong Trào Phụ Nữ Đòi Quyền Sống", nổi đình đám chống đối chính quyền thời tổng thống Nguyễn văn Thiệu. Bác giận vợ chi đó, thuê nhà ở riêng tại phố quận 13, vậy là bác độc thân như ai. Bác xem An Hiên như một nơi chốn tìm về không khí ấm cúng, thân tình để hàn huyên những mẩu chuyện đời lý sự. Có chuyện chi vui buồn bác cũng kể cho chúng tôi nghe. Bác đề nghị trả trước hằng tháng số tiền ăn mỗi ngày, nhưng tôi từ chối. Bác hay kể chuyện xưa, cho biết có mấy cô ca sĩ nổi danh đã qua tay bác. Bác cao lớn, học giỏi thiếu gì cô muốn ngã vào lòng. Thỉnh thoảng bác kể về mối tình cũ xa xưa, tôi nhớ nhất là : "Thời trẻ ở Huế, có nhiều buổi chiều tui phải bơi dọc trên dòng sông Hương, chỉ để ôm lấy đôi bàn chân của một mỹ nhân đang ngồi đong đưa bên bến sông vắng người". Chao ơi là tình. Tôi hỏi bác thế chắc chắn là phải hẹn hò trước chứ. Bác trả lời: “Thì cũng có, nhưng thành thói quen, hai người ai cũng muốn gặp gỡ như rứa mỗi chiều”.
Nhà tôi cứ nhớ mãi và lạ lùng cho cuộc hẹn hò trên sông nước này, cho rằng chỉ có thể xảy ra ở cái xứ lãng mạn Huế mà thôi. Tuy chưa bao giờ về thăm quê vợ, nhưng anh ấy thuộc hầu hết các tên tuổi giai nhân quê tôi, và cho rằng không ở đâu các cô gái có những cái tên đẹp và kỳ lạ như xứ Huế.    
Sau thời gian không còn An Hiên nữa, bác Bửu ra đi về bên kia, nơi đó, linh hồn bác không còn chơi vơi giữa khoảng đời chập choạng tuổi già cô quạnh. Một ý kiến cho rằng nếu An Hiên còn, có lẽ bác hay chị BH không ra đi vội như thế. Có những nguyên nhân không đâu lại đưa người ta đến cái chết bất ngờ. Một hôm buổi tối trời mưa buồn, vắng khách, bỗng một vị khách ăn xong về nhà đem cây đàn guitar đến, vừa đàn vừa hát "La paloma", chao ơi nghe mà lòng rưng rưng. Ông khách Tây bàn bên kia thích thú vỗ tay khen ngợi.
Chúng tôi nhớ đến nhà văn Duyên Anh mỗi lần từ Mỹ về, ông kéo lê chiếc vali nhỏ vào quán ăn uống trước khi về nhà. Dù tay bị liệt, sức khỏe yếu sau vụ bị hành hung ở bên đó, nhưng ông vẫn luôn vui sống xem nhẹ mọi chuyện. Làm nhà văn ở bên nhà xưa kia rất được chú ý quý trọng, nhất là những người nổi tiếng, vì đó là những người có tài. Chữ nghĩa hay, đâu phải ai cũng có thể viết được. Ngày xưa, tôi rất phục các văn sĩ, thi sĩ, cho rằng họ là những người đặc biệt có thiên phú. Có lần ông Duyên Anh vào quán ngồi ăn, tôi giới thiệu cho một thực khách về ông. Anh ta trả lời : Tôi không biết ông ấy là ai. Nên không đến chào hỏi. Nhà văn bèn tỏ ý thắc mắc, tại sao lại có một người Việt không biết đến tên tuổi Duyên Anh.

An Hiên cũng từng tiếp đón các tên tuổi khác trong văn học nước nhà khi đến Paris. Chị Thụy Khuê (nhà phê bình văn học) có mấy lần đưa Dương Thu Hương, Nguyễn Huy Thiệp đến ăn cơm tối, hai nhà văn này đã làm dậy sóng một thời trong xã hội văn học VN. Tôi khoái truyện ngắn của Nguyễn Huy Thiệp, chữ nghĩa trần trụi, và ác. Đọc chân thiện mỹ hoài chán, đọc cái ác cái xấu thấy hay, vì xã hội luôn tồn tại xấu ác. Viết thiện dễ, viết xấu ác mới khó.
Nhà thơ Cù Huy Cận, tác giả của Tràng Giang, Sóng gợn Tràng giang buồn điệp điệp/ Con thuyền xuôi mái nước song song/ Thuyền về nước lại sầu trăm ngả/ Củi một cành khô lạc mấy dòng. Các câu thơ tôi thuộc nằm lòng lúc còn bậc trung học. Ông đi Paris cùng với phái đoàn, đến An Hiên ăn cơm tối. Ông gọi hai món ăn với nhiều thịt. Trong lúc mọi người trong đoàn chuyện trò râm ran, ông rất lặng lẽ, rất chú tâm vào món ăn không nói một lời nào. Ông ăn đến hết cọng rau cuối cùng phần mình, trong khi người khác bỏ lại vì quá no nê. Ông có dáng mập mạp hơn người, nên chuyện ăn nhiều là tốt là phải cách. Nhưng sao tôi cảm thấy thất vọng quá. Còn đâu hình ảnh cô liêu củi một cành khô lạc mấy dòng.
Những vị tướng những vị chỉ huy của VNCH, hay cả những vị giàu có ngày xưa chúng tôi đâu dễ gì được diện kiến, nay bỗng dưng tới quán ăn. Chúng tôi thật tình cảm động.
Vào một mùa thu năm nào, nhà soạn nhạc Tôn Thất Tiết, người sáng lập Hiệp Hội Âm Nhạc Pháp- Việt đến gặp chúng tôi, cho biết sắp đưa một đoàn văn công và ca nương sang trình diễn "Nhã Nhạc Cung Đình Huế", đề nghị giá tiền tối thiểu bữa ăn cho khoảng 20 người trong thời gian ở tại Paris. Ông cho biết vì ngân sách khiêm tốn, nên phải tiết kiệm tối đa. Nặng tình với quê nghèo, tôi bằng lòng với giá ông đề nghị. Ông Tôn Thất Tiết là người soạn nhạc nền cho các phim của đạo diễn Trần Anh Hùng (Mùi đu đủ xanh, Xích Lô, Mùa Hè Chiều Thẳng Đứng).
Ông là người có tâm huyết phục hồi cho nhạc dân tộc truyền thống mà chính quyền trong nước bỏ quên không đoái hoải tới. Sau khi trình diễn một vòng qua các nước Âu Châu, đoàn về Paris. Tôi có tham dự một buổi, khán phòng đông nghẹt, đa số là tây đầm bản xứ. Khi nghe và nhìn thấy những bản dân ca cổ truyền và điệu nhạc xưa quê mình, lòng tôi như nức nở. Nước mắt cứ chảy dài trong bóng tối. Sau mỗi màn kết thúc, tất cả khán thính giả đều đứng dậy vỗ tay vang dội không dứt. Bên cạnh chỗ tôi, một cặp vợ chồng người Pháp luôn miệng khen ngợi, cho thấy họ rất trân trọng yêu quý giá trị cổ nhạc Việt Nam. Không như người Việt trong nước, rất thờ ơ giá trị ấy của dân tộc.
Buổi tối mùa thu khá lạnh, đoàn đến ăn cơm nóng với món cá kho, canh rau cải, ai nấy suýt soa. Bao ngày qua đi trình diễn các nước Âu Châu, bữa nay mới được ăn bữa cơm quê nhà. Chúng tôi hỏi thăm tin tức chuyện trò. Chị ca nương Thanh Tâm lấy trong xắc một hũ mắm ruốc Huế trộn với cơm ăn cho đậm đà mặn miệng... Chị nói đi đâu tui cũng đem theo hũ mắm ni. Có hôm tôi đề nghị đổi món, ăn bánh mì với thịt nguội Pháp, ai nấy đều lắc đầu. Thấy mấy nhạc công lớn tuổi co ro, chúng tôi về nhà kiếm áo len dạ đem biếu mặc cho ấm, chứ tiền đâu sắm nổi áo quần ở đây. Họ sẽ đem về dùng tại xứ sở suốt đời mưa lạnh. Mấy anh nhạc công trẻ tuổi ăn xong ra ngoài ngồi kiểu "nước lụt" trước quán, miệng hút thuốc lá phì phèo. Báo hại mấy ông cảnh sát đi ngang qua tưởng có chuyện gì không ổn, định biểu tình chăng. Chúng tôi kéo họ vào gấp, một anh nói trọ trẹ: chi mô mà sợ. Có lẽ đấy là lần duy nhất họ được ra nước ngoài trình diễn. Sau này không nghe nói đến nữa.

Nguồn thực khách đến thường xuyên hằng ngày là giới tài xế taxi, vì trước quán là parking của taxi, đa số người Việt. Họ thích những món ăn ít dầu mỡ, và cùng nhau chuyện trò về công việc. Chúng tôi xem họ như những người thân gia đình, nên các bữa cơm thắm thiết hơn (sau này khi chúng tôi bán cửa tiệm, gặp chúng tôi họ cứ tiếc và nhớ các món ăn của An Hiên, mong chúng tôi mở lại nơi khác, có anh nói nếu cần vốn thêm họ sẻ góp phần vào, vài người khác cũng muốn ủng hộ như vậy).
Ngoài thực khách Việt, còn những khách Tây bản xứ. Những người Pháp có gia đình ông bà xưa kia đã một thời sống tại Viêt Nam, từng yêu mến nước non Việt. Các con cháu từng được nghe kể lại thời vang bóng vàng son ấy. Yêu mến đất nước Việt và yêu luôn món ăn Việt. Một buổi sáng vừa mở cửa, một anh Tây da đen vào, tôi nói nhỏ với phụ bếp : Sáng nay chưa chi mà thấy đen rồi. Tức thời, anh ta quay lại nói tiếng Việt : Đen nhưng ăn cũng trả tiền! Tôi vội vàng cười giả lã, tỏ vẻ thân thiện hỏi thăm: Sao anh nói tiếng Việt giỏi quá vậy? Trả lời: Tôi sinh tại Sài Gòn trước đây, qua Pháp theo diện con lai. Anh ta thường dẫn các bạn da màu đến ăn cơm Việt, (nên nói da màu cho tế nhị hơn, mình không kỳ thị chủng tộc).

Nói về tiệm ăn mà không nói về món ăn là vô cùng thiếu sót. Mấy món tôi chú tâm thực hành là những món bình dân quê nhà: Bún bò Huế, bánh Bèo, bánh Nậm và bánh Bột Lọc. Đặc biệt món bành bèo, tôi không muốn khiêm tốn, vì đó là món được nhiều người hâm mộ. Bánh được làm theo lối cổ truyền công phu, mỏng tang trong bóng, sắp đều đặn trên dĩa, điểm xuyết một lượt tôm tươi giã nhuyễn hồng nhạt, thêm chút hành lá xanh và tóp mỡ vàng óng. Khách ăn một lại muốn ăn hai. Bánh Nậm hay bánh bột Lọc đều được gói với lá chuối tươi chứ không gói bằng giấy nylon. Những loại bánh này do cô con gái út làm ở nhà đem ra tiệm. Cô bé khéo tay làm rất nhanh và gọn gàng. Món bún bò cũng thường được thực khách gọi tên.
Chúng tôi cũng chú ý một bà khách lớn tớn tuổi thường đến tiệm một mình, chỉ luôn gọi ăn món Bún Bò Huế, bà người miền Bắc có dáng quý phải. Nhà Tôi cho biết đó là phu nhân của ông Trịnh Xuân Ngạn, vị chánh án của Tối Cao Pháp Viện thời VNCH, và là thân mẫu của học giả về vật lý thiên văn Trịnh Xuân Thuận nổi tiếng trong lãnh vực này. Sau thời gian đến thường xuyên bỗng không thấy nữa, nghe nói bà đã mất. Kể ra như thế cho thấy rằng cái món bún bò Huế của An Hiên Quán cũng không tệ.
Có hôm chúng tôi vừa đỗ xe xong vào mở cửa, thấy một ông khách đứng chờ. Tôi cho biết tiệm chưa đến giờ mở cửa đón khách. Ông nói : Tôi từ xa đến đây, thôi chốc nữa tôi ghé lại. Sau đó, ông vào ăn bún bò Huế. Vị khách đến sớm này hỏi : "Đây có phải là quán của nhà văn TTDT không ? Tôi muốn gặp". Khi nghe đến tên mình dưới cái vỏ bọc nhà văn, tôi rất e dè, nhất là lúc mình đầy gia vị tiêu hành mắm muối tỏi ớt cay nồng. Hình ảnh thực tế này chẳng có chút nào thơ mộng, chẳng có chút gì bay bổng trên nền trời văn chương nghệ thuật cả. Nhất là dưới cái nhìn của một độc giả từ phương xa tới. Ông nói chuyện cho biết là độc giả ở đâu đó bên xứ Hoa Kỳ, tôi nghe mà ái ngại, tôi chỉ Dạ, rồi vô bếp làm việc. Hiện giờ mình là nhà bếp chứ không ai khác. Có lẽ thất vọng, ông một đi không trở lại.

Một người khách đăc biệt, chúng tôi rất yêu mến, đó là giai nhân xứ Huế có cái tên gợi cảm Diệm My. Người đẹp này thường đến ăn cơm tối sau buổi chiều đi làm về ở cơ sở thuộc bộ Ngoại Giao. My là thiếu nữ có vẻ đẹp rất thanh tú, dáng dấp thanh nhã, là một nhan sắc tôi rất ngưỡng mộ lúc nàng học cùng trường Đồng Khánh, dưới tôi hai lớp. Sắc đẹp của một mỹ nhân không thể dùng những chữ tầm thường diễn tả. Ta chỉ nên cảm nhận, chiêm ngưỡng. Nàng là người thiếu nữ mà Nhà Tôi nhớ mãi, dù anh chỉ được thấy một lần ở Sài Gòn trong hiệu sách Khai Trí trên đường Lê Lợi.
Bây giờ My là khách thường xuyên của An Hiên tha hồ ngắm giai nhân. Mỗi tối đến ăn, nàng đều có một chút quà để dành cho chúng tôi như một nhánh hoa, vài cây bút chì mới, hay một thứ lặt vặt nào đó, thật dễ thương. Trong ánh đèn lung linh của tiệm ăn, nhan sắc nàng khiến cô đầm ngồi bàn bên cạnh đã suýt soa khen ngợi. Buổi tối sau khi ăn xong, My trở về nhà với xe bus gần tiệm, nhiều tối trời đổ tuyết lạnh, tôi e ngại cho nàng. Một vị khách quen biết xin đưa nàng về bằng xe hơi. Nhưng nàng từ chối. My là một người không dễ tính. Nhìn dáng người đẹp lầm lũi bước trong đêm lạnh, thực tình chúng tôi rất thương cảm.
Họa sĩ Trịnh Cung ngồi ăn kể lại : Thời trẻ tuổi lúc ở Huế, hôm đó, khi bắt gặp nàng lúc tan trường, tui đã hấp tấp dựng chiếc xe đạp bên bờ  tường (quên không khóa) để nối gót theo sau nhìn bóng giai nhân. Sau khi nàng vào nhà, tui trở lui lấy xe thì xe đã biến đâu mất, khổ thân tui, chiếc xe đó tui đi mượn của bạn mà!
Một chị bạn có lần kể, chị vào thăm một anh bạn nằm bệnh viện vì cơn bệnh Alzheimer giai đoạn cuối. Chị hỏi "Anh nhớ tôi là ai không ?" Anh bạn nhìn chị một hồi bèn thốt lên: "Diệm My". Trong bóng đêm đen của căn bệnh mất trí nhớ, não bộ của người đàn ông này lại biết gìn giữ bóng hình và tên của một mỹ nhân. Nghe nói dạo nàng ở Paris du học, các anh sinh viên Việt rất đỗi ngưỡng mộ nàng. Ngưỡng mộ, nhưng khó ai thân thiết được nàng. Một lần lấy chồng một lần ly dị dở dang. Tôi chợt nghĩ e nàng là một tiên nữ trên cõi trời cao, vì một phút lầm lỡ, bị Ngọc Hoàng Thượng Đế đày xuống trần gian này. Do đó, đôi lúc thấy nàng chợt vui chợt buồn, đôi mắt đen huyền nhìn về cõi xa xăm nào, như nhớ nhung chốn thiên tiên của mình đã đánh mất. Ôi những người sống lẻ loi một mình...
Đến năm 2000, vào một mùa hè, chúng tôi đi ăn đám cưới ở ngoại ô xa Paris. Tai nạn xảy ra bất ngờ trên con đường đến lâu đài đám cưới, khiến tôi phải nằm nhà ba tháng liền. Xương vai, xương sườn gãy tuốt luốt. Nếu cái xe cam nhông kia tông mạnh hơn một chút, một chút thôi, có thể cột sống sẽ bị gãy đôi, hay tôi phải chết ngay trên ghế xe bên phải. Nằm bất động trên giường suốt thời gian ấy, tôi mới ngộ rằng chết và sống liền kề nhau trong một tích tắc đồng hồ. Vậy chuyện chi mình phải lo toan cho cuộc đời này ? Hãy rũ bỏ hết mọi thứ ràng buộc.
Thứ ràng buộc lớn nhất hiện tại của chúng tôi là cái quán nhỏ này. Đấy là huyết mạch làm ăn buôn bán kiếm sống. Nhưng giờ đây, tiền bạc cũng chẳng có giá trị gì trước hố đen thăm thẳm của cái chết. Mỗi tối sau khi nuốt trọn mấy viên thuốc giảm đau chứa chất morphin, tôi chìm vào cơn mê. Trong đó nhiều lần tôi thấy những người thân gia đình chết từ rất lâu, đến bên giường lay tôi thức dậy, bảo tôi đi theo họ. Tôi có vùng vẫy thoát thân. Tỉnh dậy mới biết mình còn sống.
Kề cận với "La mort", tôi chẳng còn thiết tha chi với chốn bụi hồng này nữa. Vì chết là hết, khỏe ru, đơn giản. Ham chi nữa!
Cảm thán chuyện tai nạn, tôi kể lể sự tình qua bài "Còn lại với đời" như đôi lời tâm sự cho chính mình. Chúa hay Phật đều là nguồn an ủi tôi trên giường bệnh. Và trong lúc thấy được cái phận người mong manh bé nhỏ, tôi quyết định bán tiệm. Đó là một cú sốc đối với Nhà Tôi, và là cú sốc của bạn bè thân hữu. Bảng hiệu An Hiên biến mất không một lời giã biệt.
Sau khi thoát gánh nặng trên vai, tôi bình tĩnh sống thảnh thơi, như luôn chờ đợi một ngày ra đi. Có thời gian nhìn lại cuộc sống gia đình với các con các cháu. Riêng tôi có thời gian đọc sách báo tin tức TV. Thời gian này, qua sự giới thiệu, ông Nguyễn Thanh Hoàng, chủ nhiệm tờ Văn Nghệ Tiền Phong đề nghị tôi viết "Lá Thư Ba Lê", mỗi tháng hai kỳ gửi qua Mỹ. Đây là một tờ báo gây nhiều tranh cãi nhất tại hải ngoại vào thời kỳ có bỉnh bút Lê Triết. Trong thời gian viết báo, vì phải đọc tin hằng ngày qua báo chí Pháp để viết sang tiếng Việt, nên quá bận bịu theo dõi thời sự. Quên bén mất những suy nghĩ về những dự tính viết riêng cho mình. Tôi để mất khoảng thời gian dài nhiều năm mà không "dzăn" ra một câu chuyện lãng mạn nào.

An Hiên Quán là một miền không gian chứa đựng nhiều kỷ niệm của chúng tôi, trong đó biết bao khuôn mặt, biết bao nhân vật nay còn nay mất. Dù không nhắc đến trên khuôn giấy hạn hẹp, nhưng chúng tôi luôn ghi nhớ họ, từng người một, hiện diện trong miền ký ức xa xăm thương nhớ ấy.
Người ta thường nói rằng thời gian đi mất không bao giờ trở lại, nhưng với tôi, thời gian không mất, vẫn luôn ở với chúng ta.
Paris, tiết Sương Giáng, 2019
Trần thị Diệu Tâm


 Đăng ngày 01 tháng 11.2021