banner

Sau 15 năm hoạt động (2008-2023), website Ái hữu Đại học Sư Phạm Sài gòn ngưng việc đăng thêm bài vở và tin tức.

Độc giả muốn lưu giữ bài viết và hình ảnh để làm tư liệu, xin vui lòng truy cập vào các tiết mục đã đăng trên trang web để download.

Xin chân thành cảm tạ sự hợp tác của tất cả các tác giả và độc giả đã dành cho trang web.

20.07.2023
Admin Website Ái hữu Đại học Sư phạm Sàigòn

Mùa Xuân trong ký ức

Hương Thủy

- Na, lấy cho ôn cái ghế đẩu cháu!
Đang làm dở bài toán đố, Na bỏ viết xuống, lật đật bưng ghế chạy ra. Đằng trước hòn non bộ, cạnh gốc mai già lão, ôn nội đang nhặt lá. Trên cái nền gạch tàu đỏ sẫm, những lá mai màu vàng nâu nằm rải rác.
- Ôn nội nhặt lá mai a?
- Ừ, hôm ni rằm tháng chạp rồi. Năm ni trời khô hanh, nhặt chừ mới hy vọng nở đúng tết cháu nờ. Khi mô cháu được nghỉ?
– Ngày ông Táo về trời ôn ơi. Cô giáo nói lớp của cháu phải học nhiều mới hy vọng đậu vô đệ thất trường công.
- Ừ, ráng vô được trường Thành Nội cho ba mi vui. Tội nghiệp, năm ni biết có về ăn Tết được không…Năm mô cũng hứa …hứa mà mô có thấy…
Ôn nội bỏ dở câu nói, đứng lên cái ghế thấp, vói tay bứt mấy nhánh lá trên cao. Cây mai có tuổi đời bằng ba Na. Ôn nội kể khi ba cất tiếng khóc đầu tiên trong tay bà mụ cũng là lúc ôn đặt bầu mai xuống hố. Qua thời gian, gốc cây sù sì như một con trăn lớn vươn lên năm cành mà ôn đã bỏ công uốn theo thế ngũ thường: Nhân, lễ, nghĩa, trí, tín.
Na biết trong đầu ôn nội đang nghĩ đến ba, người con trai trưởng của dòng họ Hà Thúc đóng quân tận đâu trên Dakley, Dakpao… “Cái tên chi mà đọc muốn trẹo quai hàm”. Ôn hay cằn nhằn mỗi khi nhận thư ba từ tay người bưu tá.
Na cũng nhớ ba lắm. Đứa con gái lên chín mười tuổi nhưng số lần gặp ba chỉ rải rác trên đầu ngón tay. Hai cha con gặp nhau qua thư từ nhiều hơn. Nhất là từ khi Na biết đọc, bao giờ ba cũng giành cho Na một đoạn trong những lá thư gởi về nhà. Mạ thường thở dài khi nghe o Hường bóng gió “Chị lo có con trai đi. Anh Nghĩa là trưởng tộc đó!”.
Thât sự, ba mạ Na cũng sống bên nhau liên tục được ba năm. Đó là thời gian mạ theo ba sau ngày cưới. Đơn vị ba thuộc Liên đoàn II Biệt động quân. Mạ lên tận tỉnh Pleiku xa xôi, thuê nhà ở, chờ ba về sau những cuộc hành quân. Khi đó ba đóng ở Suối Đôi. Mạ kể lúc bấy giờ Pleiku hoang sơ lắm, đàn ông người Thượng còn mang khố và cà răng căng tai. Những ngày cuối tuần , họ ra chợ với gùi măng sau lưng, tay cầm thêm những chú sóc hoặc chim két đủ màu bán lấy tiền mua gạo. Và Na được hoài thai ở xứ “nắng bụi mưa bùn” này.
Nhưng đơn vị ba di chuyển liên miên khắp vùng Cao nguyên Trung phần. Bà nội đau yếu và mất, o Hường đi lấy chồng dưới An Cựu, mạ về Huế sinh nở vừa để chăm sóc ôn nội và ổn định lâu dài. Hằng năm, những lần về phép của ba khi có khi không. Nhất là dịp tết nhất, bao giờ tiểu đoàn cũng trực chiến 100%. Biết chắc ba khó về nhưng Na vẫn chắp tay cầu khẩn “Lạy trời! Cho ba về với con.”
***
Ngày 27 tháng Chạp, Na ngồi coi mạ vớt những lát gừng mới luộc qua một cái rổ cho ráo nước. Trên lò than bên cạnh, thau mứt bí đang xên. Những thỏi bí bằng ngón tay út trong ngần sôi lục ục, mùi đường bốc lên thơm ngào ngạt. Năm nào mạ cũng làm nhiều mứt để ôn nội uống nước trà sáng và gởi cho ba ăn tết muộn.Thẩu dưa món đang bung dần những cánh hoa đu đủ, cà rốt mạ tỉ mỉ cắt tỉa hôm trước. Ở nhà trên, ôn nội lúi húi dọn bàn thờ. Ngoài cổng, có tiếng lao xao rồi giọng o Thơ nói vói qua hàng chè tàu cắt hình chim phượng:
- Mạ con Na ơi! Ba hắn về nì! Ui cha, cái thằng đen như củ súng…
Ba về? Hai mạ con lật đật chạy ra. Ba thiệt rồi! Ba đang đứng với chú Long hàng xóm, người bạn thời nhỏ cùng đá dế bắn chim. Chú làm bên Ty Cảnh sát Gia Hội. Chú nói:
- Thôi vô đi cho cả nhà mừng. Thong thả hai đứa mình nhậu nhẹt. Mồng một tau ra trực. Kỳ ni ráng kiếm một thằng cu cho vui cửa vui nhà.
Ba quay lại, bế xốc Na lên rồi một tay quàng lưng mạ đi vô. Ba cao to trong bộ quân phục da beo, ba lô cộm sau lưng, mũ nâu đội đầu, ba bông mai đen trên cổ áo. Mạ nửa cười nửa khóc: “ Anh về thiệt a!”. Ôn nội đứng trên thềm, mặt tươi rói, chòm râu bạc phất phơ :
- Hèn chi sáng ni ôn nghe con chim kêu “Khách! Khách!”
Mạ hốt hoảng :-  Ui trời! Cái thau mứt… rồi lật đật xuống bếp.
Chiều nớ, nhà Na vui như có hội. Cả cái xóm nhỏ kéo tới hỏi thăm “thằng Nghĩa Cọp đen về phép”. Mạ chạy vội ra chợ Xép mua thêm thức ăn. Ôn Nội châm trà liên tục. Lòng Na reo vang theo khúc nhạc Xuân trong Radio “Mừng Xuân nâng chén ta chúc nơi nơi…”
Từng làn mưa bụi rơi rơi. Na thiếp ngủ trong vòng tay mạnh mẽ của ba.
***
Bao năm đã trôi qua nhưng trong đầu Na vẫn nhớ như in những ngày Xuân Mậu Thân ấy.
Ngày 28 ba giúp ôn nội chà bộ lư đồng trên bàn thờ sáng bóng, tỉa lại hàng chè tàu trước ngõ. Na lẩn quẩn bên cạnh cho ba sai vặt, lâu lâu lại rúc đầu vào để được hôn lên má, để tận hưởng “mùi ba” và để nghe ba huýt sáo bài ca muôn thuở “Đường trường xa muôn vó câu bay dập dồn…”
Ngày 29 ba chở Na ra Phu Văn Lâu coi chợ hoa và mua hai chậu cúc đại đóa về đặt hai bên bậc tam cấp. Buổi chiều, cả nhà ngồi gói bánh tét trên cái phản dưới nhà ngang. Ba không quên gói hai cái bánh ú nhỏ dành riêng cho con gái yêu.
Ngày 30 cả nhà lên núi Ngự Bình thắp nhang mộ bà nội rồi về nhà chuẩn bị cúng Tất niên. Bữa tiệc cuối năm thật ấm cúng. Có nhà o Hường bên An Cựu sang, có chú Long, bác Năm hàng xóm…Cả con đường Ông Ích Khiêm dưới chân cửa Thượng Tứ sực nức mùi nhang trầm. Chú Long nói: - “ Ngày mồng hai, mình rủ nhau chơi xì lát coi đứa nào hên…Nhớ hồi thằng Nghĩa chưa đi lính, hắn chơi bài ăn cả xóm rạt gáo…”. Câu chuyện kéo dài đến xế chiều. Đã nghe những tràng pháo nổ sớm. Ba cũng treo sẵn một dây pháo trước cửa. Không khí tết tràn ngập mọi nhà.Tiếng pháo nổ đì đùng.
Ngày mồng một, ba mạ thủ trại cho ôn nội đi thắp nhang nhà thờ họ Hà và thăm bà con. Ở Huế, con cháu ngày mồng hai mới được ra đường. Cây mai bắt đầu bung cánh. Ba đếm được mấy chục cái hoa có sáu cánh. Ba mừng tuổi cho Na những đồng bạc mới trong phong bao đỏ và cười, nói với mạ: - “ Còn em lì xì cho anh một thằng cu”. Mạ đỏ mặt xấu hổ…
Buổi trưa cả nhà ăn cơm chay. Ôn nội khen năm ni trời hửng, chắc mưa thuận gió hòa rồi ngâm nga sấm Trạng Trình “Thân Dậu niên lai kiến thái bình”. Ba thưa với ôn ngày mai cho cả nhà đi chúc tết bên họ ngoại và bạn bè cũ vì ngày mồng năm hết phép. Ôn nói: – “Về ăn tết được là vui rồi. Đã là chỉ huy thì phải làm gương cho lính tráng".
Đêm mồng một trời tối thui, mưa xuân rắc những hạt như bụi mỏng. Ôn nội thắp thêm nhang trên bàn thờ và giục cả nhà đi ngủ để ngày mai lấy sức đi chơi Xuân…Giấc ngủ đến với Na êm đềm, không mộng mị…

Na tỉnh dậy trong cái lay nhẹ của ba. Ba thì thầm: - “Ôm cổ, ba cõng con!”
Trong cơn ngái ngủ, Na vẫn nhận ra ba đưa mình ra nằm trên chiếc chiếu dưới bộ ngựa gõ dày. Ba không quên trải cho con gái cái chăn ấm. Tiếng nổ ran, lâu lâu lại nghe những tiếng “ầm, ầm” vang dội.
- “Ai đốt pháo dữ rứa ba?”
– “Tiếng súng đó con”.
Căn nhà chìm ngập trong bóng tối. Trên bàn thờ vẫn còn chấm nhang đỏ le lói. Mạ lo lắng:
– “Đánh nhau à anh? Hưu chiến mà?”.
Ba không trả lời, lẩm bẩm:
– “Tiếng tiểu liên AK 47… Tiếng thượng liên… Chúng nó tấn công Huế rồi…”
Bây giờ thì tiếng súng vang đâu mạn An Hòa và Hữu ngạn thành phố. Na nghe rõ cả tiếng rít của hỏa tiển 122 ly bay qua mái nhà. Qua cửa bức bàn, bầu trời lóe sáng bởi những tia đạn đan chéo. Căn nhà rung lên. Na nắm chặt tay ba. Ba nói với mạ:
– “Chắc anh phải làm một cái hầm cho nhà mình trước khi trả phép”.
Trời tờ mờ sáng. Tiếng súng có ngớt hơn nhưng xóm nhỏ yên lặng một cách đáng sợ. Ngoài đường vắng ngắt. Nhà ai cũng kín cửa. Mạ nói:
– “Để con xuống bếp nấu nước cho ôn cúng sớm”.
Ôn gạt tay:
– “Để coi tình hình ra răng đã”.
Mạ cắt những lát bánh tét cho cả nhà ăn với dưa món nhưng ai cũng quấy quá cho qua bữa. Ba chất thêm bộ bàn ghế chắn chung quanh cái hầm bất đắc dĩ. “Coi như hết tết!”. Na nghĩ thầm.
Rồi bất chợt, xế chiều tiếng ầm ầm nổ vang bốn phía. Từ ngoài cửa Thượng Tứ, Đông Ba, trong Đại Nội, bên tê sông Hương… Mái ngói hàng xóm rơi sàn sạt. Ba nói với ôn nội:
– “Ngó bộ đánh lớn rồi ôn… Đó là tiếng phóng lựu B40 của chúng nó… Sao nghe tiếng súng Carbin M1 của mình thưa thớt quá!…”.
Điện tắt tối om. Không ai dám thắp đèn. Sau vườn nhà Na nghe tiếng chân chạy rầm rập, tiếng “chóc… chóc...” của loại súng gì nghe rất lạ… Ba ôm chặt Na trong bóng tối… Giấc ngủ của đứa bé mới lên mười tuổi được một ngày lâu lâu lại giật thót vì tiếng nổ…
Na tỉnh dậy vì tiếng thút thít của mạ:
– “Làm răng bây chừ anh. Tụi hắn chạy ngoài đường. Đông lắm, em thấy rõ ràng”.
Ôn thở dài lo lắng:
– “Nhè Tết nhất mà đánh nhau. Đồ vô hậu!”.
Ba nói:
– “Chắc anh phải tìm cách vô trại Trần Cao Vân trong Mang Cá”.
Mạ nói:
– “Anh đừng đi. Nguy hiểm lắm. Em sợ…”.
Một ngày dài lại trôi qua.
Sáng mồng bốn, ngoài đường ồn ào rồi tiếng loa vang lên: “Đây là tiếng nói của Liên Minh Mặt trận Giải phóng Miền Nam… Quân ta đã hoàn toàn làm chủ thành phố Huế… Đồng bào ai ở nhà đó…"
Ôn thất thanh “Thôi rồi con ơi!”. Ba nghiến chặt răng.

Ba giờ chiều mồng năm, bên nhà chú Long nghe có tiếng khóc òa. Ôn nội dòm qua cái chấn song:
- “Chúng hắn bắt thằng Long rồi. Chắc ai chỉ điểm… Con ơi! Trốn đi. Mãnh hổ nan địch quần hồ…”.
Ba leo lên rầm thượng, tay cầm khẩu súng Colt. Mạ nói:
– “Em lạy anh, anh đưa cho em…”
Đêm xuống. Cả nhà hầu như không ai ăn uống gì. Mạ pha cho Na một ly sữa nhưng miệng Na đắng ngắt. Cô bé hình dung ra một cái gì đó nghiêm trọng đang diễn ra với nhà mình, với mọi người, với Huế.
Ba nhảy xuống, đưa tay phủi mạng nhện trên áo:
– “Con phải đi thôi ôn à! Ở đây thế nào cũng bị bắt. Một liều ba bảy cũng liều… Con đi tìm đồng đội chơi lại tụi nó”. Mạ nói:
– “Làm răng anh đi được. Chỗ mô cũng có tụi hắn”.
– “Anh sẽ lần vô Ngã tư Âm Hồn, qua đường Nguyễn Hiệu, qua hồ Tịnh Tâm. Chắc chắn chúng nó không bao giờ chiếm được Mang Cá, đầu não của Sư đoàn I…”.
Ôn thở dài:
– “Biết như thế ni thì chẳng mong con về ”.
Ba mặc thêm một cái áo thun dài tay, áo khoác xanh bên ngoài. Mạ bịn rịn:
– “Thôi anh ơi, ở lại đây sống chết có nhau…”.
Ba cương quyết:
– “Anh không thể ngồi một chỗ để chúng bắt”.
Mạ nước mắt vòng quanh.
Ba hôn lên hai má Na hàng chục cái rồi ôm mạ nói:
– “Đừng lo cho anh. Ở nhà chăm ôn và con. Chuẩn bị sẵn một số vật dụng cần thiết. Nếu thấy không an toàn thì chạy qua nhà o Thơ, bên nớ có cái hầm bao cát”.
Ôn nội mở cửa nhà bếp, dòm quanh năm phút rồi vẫy ba. Bóng ba khuất vào đêm tối sau vườn…

Trưa mồng sáu, có tiếng kêu mở cổng. Năm người xuất hiện trước hiên nhà. Họ đều mặc đồ vải Tô Châu đen, đội mũ tai bèo, khoác súng, hai người đeo băng đỏ. Một người giọng Bắc lên tiếng:
– “Thằng đại úy Ngụy trốn đâu? Mau ra trình diện chính quyền Cách mạng”.
Ôn nội bình tĩnh trả lời:
– “Dạ, mô có ai. Nhà chỉ có ông già con nít…”.
– “Ngoan cố. Có người thấy hắn về phép mấy hôm nay”.
– “Dạ, hắn có về. Nhưng đã đi cúng nhà thờ họ dưới La Chữ hôm mồng một”.
Người cầm súng cắt ngang:
– “Các đồng chí vô kiểm tra. Coi chừng. Lũ lính rằn ri này ngoan cố lắm!”.
Cả toán kéo vô nhà sục sạo. Mạ ôm Na đứng nép một góc nhà. Một tên leo lên tận trên rầm thượng kiểm tra. Hai tên kéo xuống nhà bếp, lui tận sau vườn dòm ngó.
Mười lăm phút sau họ kéo đi sau khi ném vào mặt ôn nội cái nhìn hăm dọa. Mạ thở ra: “Mô Phật!”.
Súng nổ dồn dập. Có tiếng máy bay trực thăng trên trời. Rồi những tràng rốc két bắn xuống dữ dội. Ôn nội nói:
– “Chạy qua nhà o Thơ thôi con!”. Mạ dắt tay Na, tay khác ôm một cái bao băng qua sân. O Thơ kéo hai mạ con vô hầm thì thào:
– “Thằng Nghĩa thoát không? Chúng bắt nhiều người lắm. Túi qua, tau thấy buộc cả dây trước đường. Ai ngờ thằng thợ cúp là Việt cộng nằm vùng. Ghê thiệt”.

Cả mấy ngày trời hai gia đình toàn ăn bánh tét nóng cả ruột. Mạ làm liều ra khỏi hầm nấu cơm vắt thành từng nắm nhỏ. O Thơ lui sau vườn vơ vội mấy cây cải nấu canh. O chạy vô nói:
- “Mạ cha ui! Hắn treo cờ trước cửa Ngọ Môn ngó rõ mồn một. Chắc còn đánh nhau dữ. Cơ chừng ni biết chạy đi mô trời!”
Na dòm lên cuốn lịch mấy ngày không ai xé tính nhẩm: Hôm ni là ngày mồng mười. Đáng lẽ hôm ni mình đã đi học, đã khoe cái kẹp tóc mới, khoe tiền mừng tuổi với tụi con Linh, con Chi… thì bỗng nghe tiếng “ầm ầm” vang dội. Mấy cái ly trên bàn lăn long lóc, thằng Tí con o Thơ khóc thét… Mười lăm phút sau bác Năm chạy vô:
– “Cầu Trường Tiền bị giật sập rồi. Bên Quốc gia sắp phản công. Chạy mau. Ở đây bom thả chắc chết hết…”
– “Chạy mô chừ?”
– “Thì cứ chạy đi rồi tính…”
Cả hai gia đình kéo nhau ra đường. Mới có mười ngày mà khung cảnh đã tan tành, đổ nát. Những bóng người lếch thếch tay xách nách mang, những nét mặt thất thần… Trên con đường ra chợ Xép, xác người chết nằm la liệt, Na nhắm chặt mắt không dám nhìn. Tiệm vải đầu đường Mai Thúc Loan nghi ngút khói. Ra cửa Đông Ba, năm tay du kích ngăn lại nhưng o Thơ cứ đẩy mấy đứa nhỏ ra trước “Cho tụi tui đi tránh đạn mấy chú nờ. Ba mấy đứa chết trong xóm rồi…”. Ngó lên đường Phan Bội Châu, dãy phố sang trọng đổ sụp. Bác Năm chụp cái nón xuống mặt, hai tay bồng hai đứa con dẫn mọi người chạy ra Hàng Bè đi xuống phía Bao Vinh…

Lại gần mười ngày ăn nhờ ở đậu trong nhà mạ o Thơ. Hai con mắt mạ trõm lơ vì lo cho ba không biết bây chừ ở đâu. Ôn nội cứ thở ra. Máy bay thả bom phía thành phố, khói lửa bốc lên nghi ngút. Na hình dung ra ba đang chiến đấu ở đó. Ngày 22 tháng giêng, phía An Hòa vòng vô Bao Vinh xuất hiện những toán lính da beo. Ôn nội nghẹn ngào:
– “Quân ta… Quân ta… Sống rồi… Con ơi!…”
Những người lính cọp đen thuộc tiểu đoàn 21 Liên đoàn I Biệt Động Quân, áo quần vương mùi thuốc súng. Họ cung cấp cho dân chúng những bịch gạo sấy, thịt hộp rồi kéo quân đi. Bác Năm thì thào:
– “Lính ôn Võ Vàng đó. Lính ni đánh ác chiến lắm!”.
Nghe nói sau đó mấy ngày, chính họ là những người tái chiếm Gia Hội và cắm những lá cờ VNCH đầu tiên lên phía Chi Lăng. Sau hơn hai mươi ngày, Na được ăn chén cơm có mùi thịt… Lá cờ VNCH phấp phới trên kỳ đài. Mạ thở ra:
– “Sắp được về nhà rồi!”
Na nghe mừng húm.
Nhưng cũng phải mươi ngày sau đám người tản cư mới được trở vô thành phố. Mạ vừa đi vừa dòm xem thử trong những toán lính đang chốt ven đường có dáng ba không. Vạt chợ Xép gần như thành bình địa. Một đoạn thượng thành đổ sụp. Nhà bếp o Thơ tan nát, một quả bom rơi đúng sau vườn. Nhà ôn nội một mái sạt góc, hòn non bộ giữa sân bể tan, tượng ông tiên đánh cờ văng ra xa mất tiêu cái đầu. Ôi! Hòn non bộ, thế giới kỳ bí tuổi nhỏ của Na với những hang động, ngõ ngách. Cây lão mai bật gốc nhưng ở một nhánh nhỏ vẫn còn sót lại mươi bông hoa. Một màu vàng tàn tạ trên sự hoang tàn, đổ nát.
Vừa đặt cái bao xuống, mạ đã nói với ôn nội:
– “Để con vô Mang Cá tìm nhà con!”.
Ôn nội trấn an:
– “Đang lúc lộn xộn, đàn bà con gái biết chi việc quân sự. Thế mô hắn cũng ghé qua nhà coi ngó vợ con”.
Cả nhà phụ nhau dọn dẹp tạm bợ cho gọn mắt. Mấy người hàng xóm cũng lần lượt trở về xúm lại hỏi thăm tin tức. Thím Long khóc òa:
– “Tụi hắn bắt chồng con lúc chưa có một hột cơm vô bụng. Chừ không biết ở mô mà kiếm… Anh ôi là anh…”. Bác Năm nói có một gia đình xóm Âm Hồn chết trụm cả nhà, chó kéo từng miếng thịt đi khắp xóm. Ông Tăng Duyệt giàu nứt đố đổ vách bên đường Trần Hưng Đạo, chủ nhà xuất bản Tinh Hoa, cũng nằm phơi thây trước chợ Đông Ba. Chuyến ni Huế e “Mười người mất bảy còn ba”. Ôn nội chùi sơ trên bàn thờ rồi thắp bó nhang còn sót lại trong đống đổ nát. Mùi hương thơm làm buổi chiều thêm ảm đạm.
Hai ngày rồi ba ngày, bốn ngày… bóng ba vẫn mù tăm. Ôn nội không giấu nổi sự bồn chồn. Mạ đứng ngồi không yên, tất bật đi dò la tin tức. Mạ cứ lần theo con đường ba nói hôm trước. Từ Ông Ích Khiêm ra chợ Xép, vòng qua Mai Thúc Loan rẽ vào Đinh Bộ Lĩnh vô Cầu Kho… Mạ đi và đi, mòn đàng chết cỏ, lầm lụi sáng chiều rồi trở về cúi mặt khóc thầm. Đơn vị cử người ra hỏi thăm, ông Đại úy xử lý thường vụ nhìn cảnh nhà hoang vắng cũng chỉ biết thở dài… Mạ còn nghe lời người ta, dắt Na đi coi bói ở cô Thanh Ròon trong Thành Nội. Người đàn bà ốm nhom ốm nhách thắp hương khấn vái trước bàn thờ với những hình ảnh kỳ bí và mươi phút sau thở dài nhìn mạ con Na nói khẽ:
– “Rồi sẽ có tin. Lành ít dữ nhiều”.
Chiều đó mạ bỏ cơm, nằm bệt. Hai tuần sau, một anh thanh niên đường Hàn Thuyên ghé tới nói có thấy ba trong đám người bị lũ áo đen bắt giải đi. Anh ta nhận ra vì ba là bạn của ông chú lúc nhỏ hay qua leo cây nhãn nhà anh. Cả nhà nghe nhưng không ai muốn tin đó là sự thật…

Huế đổ nát tang thương. Công binh bắc cầu phao qua sông Hương. Cây cầu Trường Tiền gãy nhịp đập vào mắt mọi người nhức nhối. Na đi học. Trong lớp nhiều bạn chít khăn tang. Một số bạn giàu có theo gia đình bỏ Huế mà đi. Ngày đầu tiên, cô trò nhìn nhau ngơ ngẩn.
Những cái hố chôn người bắt đầu được phát hiện. Ở Phú Thứ, trên Cầu Lòn, bên sân trường Gia Hội… Mạ tất tưởi đi theo thím Long, người đầy mùi dầu khuynh diệp Bác sỹ Tín, lúc về không ăn nổi cơm, gầy rộc. Ôn nội trở mình với những tiếng thở dài trong đêm… Cả thành phố ngập trong màu trắng của những bộ đồ xô gai. Hương đèn, vàng bạc trở thành mặt hàng bán chạy. Nhà nào cũng có người chết, người mất tích…
Mới sáng sớm, o Thơ chạy vô nhà kêu hớt hãi:
– “Chạy xuống Bãi Dâu coi. Người ta mới đào lên mấy chục xác tề!”.
Mạ lật đật xỏ tay vô áo dài chạy đi. Không hiếu sao Na cũng chạy sau mạ. Ôn nội đang cột lại cổng ngõ cũng bỏ đó…
Cái trại dã chiến được dựng lên bằng những tấm bạt quân đội. Đám đông vây quanh. Tiếng khóc hờ thảm não của những người đàn bà vang lên thê thiết. Một dãy dài xác người được đưa từ chiếc hố sâu nằm trên đất, mặt phủ những tờ giấy trắng. Mùi tử khí bốc lên. Mấy ông phu đào huyệt đặt những di vật của người chết ở trên đầu cho thân nhân nhận dạng. Một chiếc bật lửa hiệu Zippo, một cây bút bic, một cái thẻ kiểm tra cáu bẩn… Mạ nhào vô, lật từng tờ giấy che mặt rồi lại lao ra. Mặt mạ trắng bệch nhưng lạnh căm. Những cái xác… rồi những cái xác… Tất cả đều bị trói thúc ké, bị đập sau gáy… chất chồng nhau trong hố.
Một ôn phu kêu lên:
– “Có thẻ bài trên cổ xác áo xanh tề! Lấy ra coi".
Ôi! Cái áo khoác màu xanh ba mặc trong đêm ra khỏi nhà định chạy vô trại Trần Cao Vân, cái thẻ bài có tên ba và số quân cùng loại máu O Rh+. Ôn nội, mạ và Na ào tới.
Ba ứa máu. Dòng máu đen kịt từ mũi, miệng trào ra chảy xuống nền cát ẩm. Mọi người chung quanh thì thào: “Gặp đúng người thân rồi đó…”
Mạ rú lên: “Anh ơi anh!” rồi ngã lăn ra, hai tay quơ quào vô thức trên cát. Nước mắt đứa con gái chảy quanh nhưng Na không khóc lớn tiếng. Na nhìn ôn nội mặt nhăn nhúm, lặng lẽ phụ những người phu tháo chiếc dây trói từ cổ tay, lau đất cát dính trên người ba, chuyển ba vô cái hòm vừa được đưa tới. Cô Nữ trợ tá quân đội dìu mạ ngồi dậy và cả nhà cùng ba được đưa đi trên một chiếc xe nhà binh…

Từ đó Na vĩnh viễn mất ba. Không còn những dòng thư ngọt ngào, không còn ai để ngóng đợi. Mạ cầm trong tay cuốn sổ quả phụ, ba tháng một lần đi qua Ty Ngân khố lãnh tiền tử tuất. Ôn nội thỉnh thoảng vuốt tóc Na:
– “Tội nghiệp cháu tui, mồ côi mồ cút…”
Mạ xin làm thư ký bên Tòa Hành chính Tỉnh, ngày ngày đi xe đạp qua cầu phao, chiếc khăn tang phất phơ trong gió. Cuối năm, Na thi đậu đệ thất trường Thành Nội nhưng không cảm thấy vui. Ôn nội thắp nhang trên bàn thờ: “Con có linh thiêng, phù hộ cho cháu”.
***
Những mùa Xuân tiếp tục đến rồi đi. Cả thành phố ngào ngạt hương khói trên bàn thờ đặt ở trước nhà, ngoài đường. Có lẽ không có nơi nào trên đất nước buồn như Tết Huế. Nhà mô cũng cúng, nhà mô cũng có tang. Cây cầu Trường Tiền được sửa lại nhưng không còn nguyên vẻ đẹp cũ. Xác chú Long vẫn chưa tìm ra… Nhìn ảnh ba trong bộ quân phục, nhìn dáng vẻ buồn bã của mạ, Na quyết tâm học thật giỏi. Năm nào Na cũng được lãnh phần thưởng danh dự toàn trường. Cô Hiệu trưởng Tôn Nữ Tiểu Bích tuyên dương em học sinh mồ côi học giỏi dưới cột cờ. Ba có biết để mừng cho Na?
Sức khỏe ôn nội ngày càng sa sút. Thỉnh thoảng o Hường từ An Cựu lên thăm ôn rồi ghé tai thì thào chi đó. Na không nghe rõ nhưng ôn nội có vẻ cáu giận:
– “Trai hay gái thì cũng là cháu tau, giọt máu của thằng Nghĩa. Đừng nhiều chuyện…”
O Hường sầm mặt xuống, háy mắt nhìn Na rồi bỏ đi. “Còn cha gót đỏ như son. Một mai cha chết gót con đen sì”. Chưa bao giờ Na thấm thía câu ca dao đến thế.
Một buổi tối, ôn nội kêu hai mẹ con lại gần bộ ván ngựa nơi ôn nằm rồi nói khẽ:
- “Dạo ni ôn thấy trong người không được khỏe… Ôn cũng trên bảy mươi. Chết được rồi nhưng nghĩ thương dâu hiền cháu thảo… không đành”.
Mạ òa khóc:
– “Ôn đừng nghĩ bậy. Ôn phải sống với mạ con con…”
Ôn rút trong túi áo ra một gói nhỏ dúi vào tay mạ:
– “Có chút ni con giữ lại cho cháu, cố gắng nuôi con ăn học nên người…”.
Na ứa nước mắt thương ôn.
Rồi ôn nằm liệt như một cành cây khô hết nhựa. Na ngồi bên ôn đút từng muỗng sâm nhỏ. Ôn thở những làn hơi nhẹ như gió thoảng. O Hường và chồng lên thăm, lấy chìa khóa trong túi ôn mở tủ lục lọi, tìm tòi… Và một buổi sáng ôn nhẹ nhàng ra đi trong những cơn mưa lê thê tháng mười, trên khóe còn vương hai giọt nước mắt.
Đám tang ôn hầu như cả xóm đều có mặt. Ôn nằm cạnh bà nội trên vạt đất đã được chọn sẵn từ trước trên Ngự Bình. Còn mộ ba Na lại ở Nghĩa trang Ba Tầng dành riêng cho những nạn nhân Tết Mậu Thân. O Hường khóc ơi là khóc, kể lể:
– “Cha ui! Cha mất rồi lấy ai hương khói thờ tự khổ lắm cha ui!…”.
Bác Năm nạt:
– “Mi có cho ôn nằm yên không? Đám tang mà còn cạnh khóe…”.
Mạ lặng lẽ lau những giọt nước mắt.
Những buổi tối hai mạ con nằm ôm nhau trong căn nhà rộng. Tiếng thằn lằn chắc lưỡi trên trần nhà. Mạ thì thầm:
– “Gia tài của ba mạ là con gái. Mạ bây chừ chỉ còn con…”
rồi khấn thầm với ôn, với ba phù hộ cho hai mạ con mạnh khỏe, chân cứng đá mềm… Những nén nhang lóe sáng trên bàn thờ như chứng giám.

Thời gian nhanh như một cái chớp mắt. Na lớn lên, qua bên kia sông Hương học đệ nhị cấp trường Đồng Khánh. Mái tóc bum bê đã được để xõa ngang vai. O Thơ trầm trồ:
– “Mi giống hệt mạ mi thời con gái. Gắng học cho mạ nhờ. Có nhiều mụ chồng chết ba bảy hăm mốt đã đi lấy chồng. Không phải như mạ mi mô đó”.
Na biết mạ còn đẹp. Bạn bè hay khen cái dáng nhẹ nhàng, thanh thoát của mạ. Tóc mạ vẫn đen nhánh, đi ngoài đường có người tưởng hai chị em. Những ngày tết nhất, kị quảy, o Hường lên thắp nhang hay nói bâng quơ:
– “Khi mô chị có chi vui, nhớ báo cho tui sắp xếp công việc nhà. Tui nghe người ta nói có ôn ni ôn tê theo chị tề. Chị nhớ giữ ý tứ. Chó đâu chó sủa lỗ không…”
Na ghét cay ghét đắng những câu châm chích của o Hường nhưng mạ cứ lặng yên.
Những lúc rảnh rỗi, mạ thường kể cho Na nghe chuyện ba mạ gặp nhau, yêu nhau như thế nào. Ba lúc nhỏ nghịch thấu trời. Từng bơi bên ni qua bên tê sông Hương trước Phu Vân Lâu, từng leo trộm nhãn dọc hai bên đường trong Tử Cấm Thành, từng lấy áo dài của mệ nội mặc nhát ma mấy o đi gánh nước đêm… nhưng ba cũng nổi tiếng học giỏi nhất xóm. Ba trốn ôn mệ tình nguyện đi Sỹ quan Đà Lạt khi thi đậu tú tài. Ra trường có mười ngày phép về gặp mệ, bị mệ đấm thùm thụp vào lưng còn ba nhấc bổng mệ nội trên hai tay đi một vòng xóm trong tiếng cười của bà con. Ba chững chạc hẳn lên. Nhiều cô ưng ba nhưng ba chỉ để ý đến mạ, người con gái nhà ở bên hồ Tịnh Tâm, có mái tóc dài ngang thắt lưng. Câu tỏ tình của ba với mạ là: “Lấy lính cực lắm, em có chịu thì tui về thưa với ba mạ đi dạm?”. Na cười hỏi “Rồi mạ nói răng?”. Bây chừ kể lại mà mạ còn đỏ mặt:
– “Nói chi được mà nói!…”.
Trong lòng Na ước mơ rồi tương lai cũng có một chàng trai tuấn tú, kiêu hùng như ba sẽ đến với mình… Nhưng trước mắt là phải học cho giỏi như ước nguyện của ba mạ. Mỗi lần được cô Tường Loan, cô Giáng Châu, thầy Châu Trọng Ngô… khen là Na lại nhớ đến lời căn dặn của ôn ngày còn sống.

Nhưng có ai học được chữ ngờ! Ngày Na mười bảy tuổi, ngày Na má đỏ môi hồng, ngày Na học lớp 12 tràn đầy sức sống… là ngày thiên đường đổ sụp. Chỉ hai tháng trời mà đất nước đổi chủ thay ngôi…
Cả thành phố tràn ngập một màu đỏ gắt, những câu khẩu hiệu sắt máu được viết đầy trên bờ tường, những tay cán bộ nhà quê hò hét…
Ngôi trường Đồng Khánh cổ kính yêu dấu của Na cũng đi xuống một cách tàn tạ. Không còn vẻ quý phái của cô Hiệu trưởng Bích Đào mỗi sáng thứ hai trên cột cờ, không còn dáng dấp mô phạm của thầy Phạm Kiêm Âu dọc hành lang với những tràng tiếng Pháp bay như gió khi vào lớp… Thay vào đó là những khuôn mặt lưỡi cày, ăn mặc nhếch nhác, mở mồm ra là “chủ nghĩa tư bản giãy chết, phồn vinh giả tạo…”.
Thầy cô và học trò ngưng học hành, xách cuốc đi lao động, tăng gia sản xuất. Ngày đi trồng sắn trên núi Thiên Thai, cô Diệu Vân còn cắm lộn đầu và đuôi hom sắn bị một bà răng vẩu mắng là “tàn dư Mỹ Ngụy”… Buổi chiều chủ nhật trồng bạch đàn trước trường Đại học Sư phạm, nhìn từng đoàn xe phủ bạt chở “chiến lợi phẩm” Honda, xe đạp chất chồng như núi ra phía Bắc, thầy Lê Quân Thụy nói bâng quơ “Ngoài ta thiếu gì!”…  Ngày bắt buộc đi theo Đoàn Thanh Niên bài trừ “nền văn hóa phản động”, Na ứa nước mắt nhìn những tác phẩm văn học lớn bị cháy bùng trong tiếng vỗ tay của bọn Cách Mạng theo đuôi…
Mạ mất việc, nấu một nồi cháo trắng cá kho khô ngồi bán dưới gốc cây trước cổng Đại Nội. Khách hàng là những chú đạp xích lô, anh kéo xe bốn bánh, cô thợ may… nhưng không khó để nhận ra vẻ trí thức một thời trên gương mặt đăm chiêu của họ. Nhìn mạ với gánh hàng trên vai mỗi sáng, Na muốn bỏ học nhưng mạ nói mạ làm tất cả miễn sao con vô được Đại học đi làm bác sỹ chữa bệnh cho mạ khi trái gió trở trời… Cuối năm Na đậu trường Y với số điểm Lý, Hóa, Sinh cao ngất ngưỡng.
Nhưng – lại một chữ “nhưng” ác nghiệt -  lý lịch của Na khi đi chứng trên Phường bị tay Chủ tịch xuất thân lái heo “Xác nhận: Con của Ngụy có nhiều nợ máu bị Cách mạng trừng trị trong tết Mậu Thân, không đủ tiêu chuẩn vào Đại học ”. Na về vùi mặt vào gối khóc hết ba ngày. Ba ngày mạ bỏ gánh cháo ngồi bên cạnh Na, mạ sợ con gái thất vọng làm điều dại dột.
Ngày thứ tư Na ngồi dậy tỉnh táo nói:
– “Không học được nữa, thôi thì mạ cho con theo o Thơ đi buôn. Con không muốn làm cái gánh nặng của mạ”.
Mạ thảng thốt:
– “Hiền lành như con đi buôn răng được!”.
Na cả quyết:
– “Mạ cứ để con đi".
Na theo o Thơ đi buôn chuyến từ Huế ra Đông Hà và ngược lại. Hàng đi ra là bột ngọt, vải vóc; hàng đi vô là thuốc lá Samith buôn lậu từ bên Lào về. Hàng họ phải thu giấu kỹ lưỡng, có khi phải buộc trong người để qua mắt bọn thuế vụ. Thoát được thì lời, bị bắt thì khóc lóc van xin, mất nhiều lần thì cụt vốn, thậm chí phải chịu những hành động sàm sỡ… Các trạm thuế như cái chợ, mấy tay quản lý thị trường mặt hất lên trời hống hách. Người đi buôn đa số là phụ nữ, một số có chồng đi “cải tạo” phải bươn chải để bới xách và nuôi con. Phần nhiều các chị đều tận tình giúp đỡ, che chở cho nhau khi qua trạm. Mỗi người đều có chung bi kịch của thời đại. Nhưng đi được ba chuyến thì o Thơ nói mạ cấm không cho Na đi nữa, “nhìn cảnh chướng tai gai mắt nó hư người đi”. Na nhờ bác Năm làm cái tủ thuốc lá ngồi cạnh mạ, kiếm mấy hào bạc Bắc qua ngày.
O Hường bán nhà dưới An Cựu, mang chồng và ba đứa con lên nhập hộ khẩu. O nói:
– “Nhà rộng, hai người ở phí. Con Na mai mốt theo chồng thì có hai thằng cháu trai hương khói cho ôn. Cháu ngoại mà là cháu trai thì cũng tốt hơn là cháu nội gái”.
O Thơ xí một cái dài:
– “Nói rứa mà cũng nói. Tụi nớ mô phải họ Hà…”.
Mạ cắn môi coi bộ suy tính lung lắm.
Nghĩa trang Ba Tầng nhà nước bắt di dời. Tấm bảng đá khắc lịch sử nghĩa trang bị đập bỏ. Bọn họ phủ nhận tội ác đã gây ra trong Tết Mậu Thân cho người dân Huế. Mạ hốt cốt ba đem thiêu và xin Sư thầy trụ trì cho thờ trong chùa Vạn Phước, nơi ngày xưa ba đã quy y. Mạ thầm thì với ba lâu lắm, hai dòng nước mắt chảy dài trên má.
Một chiều tháng ba năm bảy tám, mạ xách chiếc túi nhỏ dắt tay Na nói với o Hường đi về chợ Mai mua gạo ruộng lên nấu cháo cho rẻ. Hai mạ con xuống bến đò ở sau chợ Đông Ba. Nhưng đò không dừng ở làng Chuồn, ở Mậu Tài mà đi thẳng tuốt dưới Thuận An. Đêm hôm đó, hai mạ con ra khơi trên một chiếc gọ, đánh cược tính mạng mình với số phận…
***
Mạ ơi! Rứa là mạ đã xa con vĩnh viễn. Cho đến trước lúc nhắm mắt xuôi tay, trong đầu mạ con vẫn là đứa con gái bé nhỏ của gần ba mươi năm trước. Ngày bỏ nhà, bỏ nước ra đi, trong túi nhỏ mạ xách trên tay chỉ có cái thẻ bài của ba, tấm hình ba đội mũ nâu Biệt Động Quân, tấm ảnh ba mạ ngày cưới và cái chứng chỉ học trình của con. Nhưng nó là động lực để hai mạ con vươn lên trên đất khách quê người. Con không quên hai bàn tay nổi gân xanh của mạ khi hàng ngày phải clean sàn nhà, cũng bàn tay ấy đêm khuya đã tỉ mẩn làm từng thau bánh bột lọc, bánh nậm bỏ mối cho nhà hàng Việt Nam. Con nhớ mãi ánh mắt mừng rỡ của mạ khi con được vào Đại học Berkeley danh giá, nhớ món cá kho thơm phức của mạ khi con không hợp cái bánh Pizza béo ngậy… Con nhớ lắm mạ ơi!
Nhờ ba lượng vàng của ôn nội, nhờ sự liều lĩnh của mạ, mạ con ta đã thoát khỏi cái nhà tù lớn ấy và con đã thực hiện được nguyện ước của ôn, của ba mạ, của riêng mình. Con đã có một gia đình hạnh phúc, một nghề nghiệp vững vàng. Các cháu của mạ đã lớn lên trên một đất nước tự do, không phải trải qua những vất vả về vật chất và khổ nhục về tinh thần như mạ con ta thuở ấy. Tóc trên đầu con đã nhiều sợi bạc nhưng mỗi lần thức giấc nửa đêm con vẫn thèm được dúi đầu vào ngưc mạ, nghe mạ kể chuyện về ba, người cha thân yêu đã bị giết vào mùa Xuân Mậu Thân.
Làm sao quên được khi mỗi lần Tết đến Xuân về bàn thờ nhà ta lại nghi ngút khói nhang và hình ảnh ba nằm trên nền cát ẩm, miệng ứa máu là một nỗi ám ảnh trong con. Ngày ấy đã có lúc con thề sẽ không bao giờ về Việt Nam, về xứ Huế thương đau, về căn nhà xưa dưới chân Thượng thành đã cho con hạnh phúc và nhiều đau khổ.
Nhưng mạ ơi, con sẽ về theo lời trăn trối của mạ lúc lâm chung. Con sẽ đem theo bình tro cốt của mạ. Con sẽ vào chùa Vạn Phước cúng ba, xin sư thầy cho nhận bình tro mạ gởi ngày ấy. Con sẽ thuê một chiếc đò chèo ra giữa dòng Hương giang trước chùa Linh Mụ. Và ở đó, con sẽ nhập hai bình tro cốt làm một rải xuống con sông quê hương để ba mạ mãi mãi bên nhau trong cõi vĩnh hằng…
Hương Thủy


Ma Mậu Thân tại Huế

Minh Trí

Những ai sống tại Huế mà không biết chuyện Ma tại trường Trung-Học Gia- Hội thì không phải là dân Huế.         
Trong cuốn Luyện Văn (trang 99), ông Nguyễn Hiến Lê đã nói: “Tôi chưa gặp ma lần nào (mong lắm mà không được)...”
Có lẽ ông ta muốn thấy ma là để xem cách tả ma của vài tác-giả có đúng hay không. Tôi nghĩ là tôi may-mắn hơn ông ta vì tôi không những đã thấy ma một lần, mà thấy nhiều lần.  Sau đây tôi chỉ xin tường-trình lại đúng 100% những hiện-tượng, những điều tai nghe mắt thấy để tùy qúy vị thẩm-định.
Ma Tại Trường Trung-Học Gia-Hội Huế. Trước khi nói đến ma Mậu-Thân, tức ma tại trường Gia-Hội, tôi xin sơ lược vài nét về biến-cố Tết Mậu-Thân, vì tôi nghĩ rằng những hồn ma tại trường Gia-Hội là do biến-cố đó mà ra.
Khi Việt Cộng tấn công vào thành phố Huế thì tôi đang ở tại Gia-Hội, cạnh xóm nhà vài người bà con ở đường Nguyễn Bỉnh Khiêm. Tôi xin về phép để chung vui Tết với gia-đình; nhưng trước khi lên làng để thăm thầy mẹ, tôi ghé lại nhà người anh thì bị kẹt tại đây. Tôi phải cải trang và trốn chui trốn nhủi từ nhà nọ sang nhà kia. Nghe những người hàng xóm kể lại thì từng nhóm VC nhiều lần vào nhà tôi lục-soát, nhưng may là tôi không có trong nhà.
Sau một thời-gian chừng bảy hay tám ngày, khi được tin đồn Mang Cá đang còn được quân-đội VNCH bảo vệ thì tôi cùng gia-đình người bạn và một nhóm người khác tìm cách trốn về Bãi Dâu rồi vượt sông sang Bao Vinh. Tôi mặc áo quần rách-rưới, đội cái nón rách gãy vành và ôm một cháu bé của một gia-đình trong đoàn vừa run vừa đi. Khi gần đến Bãi Dâu, rất may là chúng tôi gặp những tên VC địa-phương chừng 13, 14 tuổi. Chúng rất dễ-dãi nên chúng tôi đi lọt và đến Bao Vinh an-toàn.
Chừng 1 giờ trưa hôm ấy, hướng về Gia-Hội, chúng tôi nghe rất nhiều tiếng súng nổ của VC xử tử nhân-dân. Thật là hú vía!  Nếu chậm một vài giây thì chúng tôi cũng tiêu-tùng rồi !
Chúng tôi ở đây chừng một tuần hay 10 ngày, luôn ngóng về Gia-Hội. Trong thời-gian này, một anh bạn thân của tôi là viên Đại-Úy làm ở đại-đội Quân-Nhu thường xuyên thăm viếng và giúp đỡ chúng tôi về tinh-thần cũng như vật-chất, và nhất là cho biết những tin sốt dẻo về cuộc chiến.
Khi nghe tin Gia-Hội đã được giải phóng, gia đình bạn tôi và tôi bèn trở về ngay. Anh ta nôn nóng muốn biết ngôi nhà mới xây của anh có bị bom đạn gì không. Còn tôi thì muốn biết chiếc xe Vespa Sprint của tôi mới mua vứt sau hè nhà của người bà con còn hay mất. Tôi nghĩ xe có mất cũng chả sao, chỉ tiếc những thứ quan-trọng cất trong xe. Nhưng rất may, nhà cũng như xe còn nguyên vẹn.
Khi chúng tôi chưa tới trường trung học Gia-Hội, cách chừng 1 km, thì đã ngửi thấy mùi hôi thối nồng-nặc. Đến nơi thì một cảnh rất thương-tâm bày ra trước mắt. Hơn 400 tử thi ửng hồng hay đỏ được sắp sít nhau từ cổng trường vào tận sau hàng tre. Theo lời mấy người đi giúp đào xác kể lại thì một, hai ngày trước đó, thân-nhân đã đến nhận chừng 150 xác đem về mai táng rồi.
Tôi không hiểu chỗ ở đâu mà chôn nhiều như vậy ? Tại Gia-Hội, ngoài trường Gia Hội còn có những mồ chôn tập thể khác: Ba Viên gần chùa Diệu Đế, bãi đất sau chùa áo vàng Tăng-Quang-Tự, Bãi Dâu, nhưng tôi không rõ số lượng tử-thi là bao nhiêu. Mấy đứa em và bà con của tôi thì tôi biết chắc là bị chôn sống ở Kim Long nhưng tôi cũng cố gắng đi quanh một vòng để họa may nhận ra xác người quen nhưng thối quá nên phải dội lui !
Những ai đến nhận ra xác thân nhân thì kỉnh cho các cụ đã đào xác một ít tiền để uống rượu mà thôi. Đêm đến, những xác chưa có người nhận thì bị heo hay chó ăn bớt tay chân! Trong cuốn hồi ký, tướng Westmoreland nói số người bị giết trong vụ Mậu Thân tại Huế là 2800 người. Thật ra, cả Huế và các vùng phụ cận, tổng số người chết là gần 8000 người. Tôi muốn viết thư phân bua với ông ta nhưng chưa có dịp.
Tám, chín tháng sau ngày Tết, hay gần suốt cả năm Mậu Thân, Huế là một thành phố chết … Hầu như mỗi ngày hay mỗi tuần, ở một góc phố, trên một con đường, trên một cánh đồng, trong sân đình, chùa, hay trong sân của trụ sở xã, người ta thấy một nhóm 5, 6 người mặc đồ tang ngồi quanh 1, 2 cái tiểu (hòm nhỏ) bọc giấy điều khóc lóc một cách rất ai oán; tiếng khóc vọng ra cả một vùng!  Họ là những người vừa tìm ra xác thân nhân ở một nơi nào đó. Những người qua đường thường là đồng cảnh ngộ nên dừng lại thăm hỏi.
Mỗi khi thấy những cái quan tài màu đỏ là tôi rùng mình ! Màu đỏ thường tượng trưng cho sự tươi vui, hạnh phúc như màu đỏ của hoa hồng, của thiệp cưới, của bao lì-xi … nhưng màu đỏ của quan tài trông rất là dễ sợ !
Không riêng gì thành phố Huế, tại các quận trong tỉnh Thừa Thiên như Phú Thứ, Phú Vang, Phú Lộc, Hương Trà, Hương Thủy, Phong Điền, v.v… cảnh những đoàn người đi tìm xác thân nhân xôn xao diễn ra hàng ngày.
Những tiếng khóc ai oán, những quan tài đỏ rùng-rợn … cảnh sắc tang tóc đó không bao giờ phai mờ trong óc tôi được !  Còn nóng hổi như mới xảy ra ngày hôm qua !
Không hiểu vì sao mà VC thù ghét dân Huế đến như vậy ?
Vài năm sau, khi nhắc đến biến cố Mậu Thân, vài sĩ quan Mỹ đã nói với tôi rằng: “Số người bị chết oan ở Mỹ Lai đâu có nhiều mà VC thổi phồng lên thành 150, xây lăng dựng bia làm rùm beng lên với cộng-đồng quốc tế ; còn tụi nó giết 8,000 người ở Huế thì sao lại im re ?  Hay là tên người chết quá nhiều nên không thể làm bia đá lớn để mà khắc lên được ?
Sau khi VC chiếm miền Nam, tôi còn được tiếp tục đi dạy một vài năm tại trường trung học Gia-Hội. Và tôi thấy dư âm của Mậu Thân vẫn còn lẫn-quất đâu đây. Đôi khi làm bồn hoa, trồng cây hay cuốc cỏ, học sinh tìm thấy một vài ống xương, một mái tóc, hay một đầu lâu trong bụi tre là chuyện bình thường.                                                                                                                                
Hồi đó, đêm đêm các giáo sư được phân công trực. Một bữa nọ, tôi được phân công trực cùng với anh bạn.  Đến 1 giờ sáng, anh ta bảo tôi:
“Tôi cần về nhà để rửa mấy cuốn phim, anh trực một mình có sợ không ?”
Tôi bèn đáp: “Không sao, anh có việc cần thì cứ về đi !”
Anh ta đi rồi, tôi mới thấy lạnh người ! Tôi vừa nằm xuống được vài phút thì nghe tiếng guốc lóc cóc và tiếng cười trên lầu, ngay trên phòng giáo-sư. Chừng năm phút sau, tôi nghe tiếng guốc đi dọc theo hành lang, tôi liền chạy vụt ra sân ngước nhìn lên thì thấy một vệt trắng, tựa như một cái khăn, loáng lên nơi cửa sổ hai, ba lần rồi biến mất. Tôi nằm xuống lại và cố ngủ nhưng lại nghe tiếng cười nổi lên, lần nầy rất là ghê-rợn ! Tôi chạy ra sân và nói vọng lên lầu:
“Cô nương nào đó, có buồn thì xuống đây nói chuyện cho vui !”      
Không nghe trả lời, tôi vội bước vào. Tôi lại nghe tiếng cười rùng rợn và tiếng rầm rầm của bàn ghế bị xô đẩy. Tôi bèn ngồi dậy, chắp tay nói: “Tôi biết các Bạn bị giết một cách oan uổng !  Nhưng các Bạn chưa chết ! Các Bạn còn sống trong khuôn viên nầy ! Tôi cầu mong vong linh các Bạn sớm tiêu diêu nơi Miền Cực Lạc !” Sau đó tôi đọc mấy câu chú thì tiếng cười im bặt, và tôi ngủ đi khi nào không biết.
Sáng hôm sau, đến trường tôi kể chuyện bị ma khuấy phá cho mọi người nghe thì mọi người đều bảo: “Có lạ gì đâu !   Ai trực đêm cũng gặp hoàn-cảnh như vậy !”
Hai hôm sau, độ lúc 10 giờ sáng, trong khi tôi đang ngồi trong phòng giáo sư thì nghe những tiếng thét rùng-rợn của các nữ sinh từ dãy lầu phía tây. Tiếng thét khủng khiếp, tựa như tiếng thét của người khi bị lưỡi lê đâm vào cạnh sườn. Những tiếng thét đó, tựa như một luồng điện, lan từ phòng nọ sang phòng kia, rồi sang dảy lầu phía đông, kéo dài từ 30 đến 40 phút, có khi lâu hơn, mới chấm dứt.
Chuyện học sinh la hét như vậy mỗi tuần xảy ra vài lần và kéo dài trong ba năm liền; và mỗi lần học-sinh la hét như vậy thì vang động cả thành phố. Các nam sinh thì không la hét, nhưng chúng bảo “trong khi la hét, mặt mày các nữ sinh ngồi bên cạnh trông rất dễ sợ.” Mỗi khi nghe học sinh la hét vang dội thì những người đang đi trên đường Võ Tánh trước mặt trường đều dừng lại xem. Những ai sống tại Huế trong thời gian từ 1976 về sau mà không biết chuyện ma tại trường Gia Hội là điều đáng ngạc nhiên.
Một nữ-giáo-sư, dạy Vật-Lý, đã nói với tôi: “Tôi cố gắng trấn tĩnh hết sức, không thi` đã ném viên phấn và cùng hét với tụi học trò rồi !” Có lẽ ma chỉ trêu các nữ sinh chứ không chọc cô giáo ?  Tôi thì không bao giờ được chứng kiến các nữ sinh trong lớp tôi đang dạy la hét cả, mặc dù nữ sinh các lớp bên cạnh đang la hét rất dữ-dội. Các học-sinh của tôi nói rằng: “Có lẽ vì thấy thầy đang dạy các em nên ma không dám vào trêu chọc tụi em !”
Những cảnh như vậy diễn ra hầu như mỗi tuần vài lần và kéo dài trong ba năm liền nên hầu như mọi người đang sống tại Huế không thể nói là không biết ?
Đến năm thứ ba, vì chuyện kéo dài quá lâu nên một lần nọ, ông hiệu trưởng mời một chuyên viên y tế từ trạm xá Gia-Hội đến để thẩm định tình hình. Anh ta bảo đó là do sự động kinh nhất thời mà thôi, không do ma quái gì cả !  Một vài nữ giáo-sư chi viện từ miền Bắc vào thì không đồng ý; họ quả-quyết đó là do bị ma trêu, vì họ biết một vài trường hợp tương tự như vậy đã xảy ra ở Hà Nội. Tôi hỏi một vài nữ sinh vì sao mà la hét như vậy, thì các em đó luân phiên cho biết rằng:
- “Em cảm thấy một bàn tay lạnh ngắt đang bóp cổ em.”
- “Em thấy ai đang rị tóc em xuống và không thể ngẩng đầu lên được.”
- “Em cảm thấy một bàn tay chụp vào sau ót em và một bàn tay bịt mũi và miệng em lại.”
- “Em thấy hai bàn tay lạnh ngắt đang bóp vào hông em.”
- “Em cảm thấy hai bàn tay lạnh ngắt đang kéo chân em.”
- “Em cảm thấy những móng tay sắc đang bấm vào hông em.”
- “Em cảm thấy một bàn tay lạnh sờ vào má em và nghe như ai hỏi bên tai “Em có yêu anh không ? Có đi chơi với anh không ?” ... v.v...
Khoảng năm 1980 hay 1981, tôi gặp lại vài phụ huynh ở quanh trường và hỏi họ về chuyện la hét của học trò thì họ cho biết như sau:
“Thầy không biết à ? Sau góc trường có một cái giếng sâu, bọn VC đã ném 17 hay 18 thanh niên xuống đó và lấp đất lại. Oan hồn các thanh-niên đó đã trêu chọc các nữ sinh mà thôi. Chúng tôi và một nhóm phụ huynh đã luân phiên nhau đến cái giếng cầu đảo bốn, năm đêm liền nên các cậu mới thôi trêu chọc con cái chúng tôi. Hơn cả tháng nay, đêm nào cũng có phụ huynh đến đó cầu nguyện.”
Khi viết đến đây tôi sực nghĩ rằng: Tại sao trong những năm từ sau 1968 cho đến 1975, các hồn ma vẫn “ở quanh quẩn” trong khuôn viên trường Gia-Hội nhưng không khuấy phá học sinh mà mãi đến 1976 trở đi mới bắt đầu sách động ? Hay là ma thương học sinh Cộng Hòa hơn học sinh XHCN chăng ?
Những cựu học sinh trường Gia-Hội, hiện sống tại San José và ở Nam Cali, mỗi khi nghe lại chuyện Ma Mậu Thân tại trường thì đều rùng mình.
Chuyện ma tại trường trunghọc Gia-Hội hiện nay vẫn còn ăn sâu trong óc tôi, không bao giờ quên được !  Tôi tin rằng vong linh các oan-hồn tại trường Gia-Hội vẫn còn “sống” tại đó. Chết đâu phải là hết ?
Minh Tri'

 

Đăng ngày 17 tháng 01.2022