banner

Sau 15 năm hoạt động (2008-2023), website Ái hữu Đại học Sư Phạm Sài gòn ngưng việc đăng thêm bài vở và tin tức.

Độc giả muốn lưu giữ bài viết và hình ảnh để làm tư liệu, xin vui lòng truy cập vào các tiết mục đã đăng trên trang web để download.

Xin chân thành cảm tạ sự hợp tác của tất cả các tác giả và độc giả đã dành cho trang web.

20.07.2023
Admin Website Ái hữu Đại học Sư phạm Sàigòn

Tìm hiểu hư thực "Saigon et moi"

do Vũ Hải Hồ dịch thuật

Nguyễn Trần Việt

Như chúng ta đã biết, kể từ sau ngày 30 tháng 4 năm 1975 đến nay, có nhiều chuyện đã được bạch hóa hồ sơ về những ngày cuối cùng Việt Nam Cộng Hòa, nhờ sách báo cũng như sự giải mật tài liệu của chánh phủ Hoa Kỳ, nhân đây để Tìm Hiểu Hư Thực "Saigon et Moi" như thế nào? Xin trích dẫn lần lượt để quý độc giả cùng nhau thẩm định như sau : Mãi đến tháng 4 năm 1991, nguyệt san Diễn Đàn Việt Nam số 4 phát hành tại miền Nam nước Đức, do hai nhóm Hướng Việt và Khởi Hành chủ trương & thực hiện, đăng tóm lược hồi ký của Mérillon Cựu Đại Sứ Pháp tại Việt Nam (Những ngày Cuối cùng của VNCH) từ trang 02 đến trang 07, và viết Lời Toà Soạn (LTS) như sau:
LTS: Tại khách sạn La Fayette, quận 6, Paris, ông Mérillon, nguyên đại sứ Pháp tại Việt Nam Công Hòa cho tới năm 1975, đã ra mắt cuốn hồi ký Saigon et Moi (Sài gòn và Tôi) vào ngày tháng năm nào? trước một số cử tọa thượng thặng như 3 vị cựu Thủ tướng Giscard D'Estaing, Pierre Mesmer, Jacques Chirac (ông Chirac còn là chủ tịch đảng Cộng Hòa RPR), Jacques Hunzinger (Ủy viên ngoại vụ đảng Xã Hội Pháp), Louis Mermas (Chủ tịch Hạ Viện) v.v... Theo một nguồn tin được biết là cuốn sách này đã bị Bộ Ngoại Giao cho lệnh thu hồi. Rút cuộc, chúng ta chỉ được thấy một bản tóm tắt dưới đây do một nhân vật tình cờ có được cuốn đó. Chúng tôi xin đăng bản tóm lược của ông Vũ Hải Hồ, Paris, để biết được ít nhiều thêm về những việc làm của những vị đã, đang cầm vận mệnh đất nước cũng như những thế lực ngoại bang trong những ngày hấp hối của Việt Nam Cộng Hòa.
Ra mắt xong, bị thu hồi, là mất mấy ngày, thế mà báo lại tường thuật theo bản tòm lược (lại mất mấy ngày nữa mới có)!
Báo Viên Giác số 80, phát hành tháng 4 năm 1993 cũng tại nước Đức đã đăng đề tài nêu trên, từ trang 64 đến trang 69, nhưng có thêm phần Lê Đức Thọ Sỉ Mạ Tôi và Các Tướng Lãnh Bị Nhốt Tại Bộ Tổng Tham Mưu, nhưng không có LTS, được biết bài này đã được tạp chí Dân Tộc Việt đăng trước, báo Viên Giác trích đăng lại với tựa như sau :
18 năm sau ngày Cộng Sản cưỡng chiếm miền Nam, nghe lại lời kể của Đại Sứ Pháp Về : Những Ngày Cuối Cùng Của Việt Nam Cộng Hòa (bài này đã đăng quá nhiều báo đăng nên không cần trích ra đây cho mất thời giờ).

Trong khi đó, báo Ngày Nay số 109 tháng 4 năm 1993 đăng từ trang 42 đến trang cuối là 108, phát hành tại Hoa Kỳ cũng đề tài trên, ngoài ra có lồng hình của ông Nguyễn Hữu Thọ và bà Nguyễn Thị Bình, trong Lời Toà Soạn xin trích dẫn như sau :
LTS : Ngày 23-03-1985, tại khách sạn La Fayette, quận 6, Paris, ông Mérillon, nguyên đại sứ Pháp tại Việt Nam Công Hòa cho tới năm 1975, đã ra mắt cuốn hồi ký Saigon et Moi (Sài gòn và Tôi) trước một số cử tọa thượng thặng như 3 vị cựu Thủ tướng Giscard D'Estaing, Pierre Hesmer, Jacques Chirac (ông Chirac còn là chủ tịch đảng Cộng Hòa RPR), Jacques Junzinger (Ủy viên ngoại vụ đảng Xã Hội Pháp), Louis Mermas (Chủ tịch Hạ Viện) v.v... Ngay sau khi biết có tập hồi ký trên, chúng tôi đã nhờ thân hữu tại Paris đặt mua, nhưng không tiệm sách nào có. Theo một nguồn tin được biết là cuốn sách này đã bị Bộ Ngoại Giao cho lệnh thu hồi. Rút cục chúng ta chỉ được thấy một bản tóm tắt dưới đây do một nhân vật tình cờ có được cuốn đó. Chúng tôi xin đăng bản tóm lược của ông Vũ Hải Hồ ở Paris.
Tóm lược cuốn hồi ký của MÉRILLON, cựu đại sứ Pháp tại Việt Nam
Những Ngày Cuối Cùng Của Việt Nam Cộng Hòa
Vũ Hải Hồ
Nếu chúng ta so sánh Lời Tòa Soạn của báo Dìễn Đàn Việt Nam và báo Ngày Nay, thì thấy tên các nhân vật Pháp khác nhau: Pierre Mesmer/ Pierre Hesmer - Jacques Hunzinger/ Jacques Junzinger (Ủy viên ngoại vụ đảng Xã Hội Pháp). Đặc biệt báo Ngày Nay xác nhận đăng thêm : "Ngay sau khi biết có tập hồi ký trên, chúng tôi đã nhờ thân hữu tại Paris đặt mua, nhưng không tiệm sách nào có"

Riêng báo Đất Mẹ 56 phát hành tháng 4 năm 1995 tại Houston, Texas USA do ông Nguyễn Phi Thọ làm chủ nhiệm & chủ bút cũng đăng đề tài trên từ trang 21 đến trang 33, với Lời Toà Soạn xin trích dẫn như sau:
LTS: Nhân ngày 30 tháng 4 năm 1995, tưởng nhớ một kỷ niệm đau buồn : Miền Nam Việt Nam bị rơi vào tay Cộng Sản, hàng trăm ngàn quân cán chính phải đi vào vòng lao tù cả đến hàng chục năm. Đây là hậu quả của một nhóm người không có khả năng lãnh đạo đất nước, đã tự ý quyết định những giải pháp ngu xuẩn trong những giờ phút hấp hối của VNCH. Lời kể lại của cựu Đại Sứ Pháp Mérillon chứng minh rằng : Đất nước rơi vào tay Cộng Sản không phải vì quân lực VNCH yếu kém, nhưng rõ ràng chỉ vì cái đám "cào cào" vô tài bất tướng, không có khả năng lãnh đạo, hèn nhát trong tinh thần và quyết định còn thua cả thằng bé đánh giầy 10 tuổi. Chúng tôi hy vọng rằng, sai hai mươi năm, dân tộc Vìệt Nam ôm mối hận chưa nguôi, sẽ là bài học cho những ai ở hải ngoại, nếu cảm thấy mình không đủ tài sức và phong cách, thì đừng vì có tự do mà muốn làm lãnh tụ. Hãy lượng sức mình trước khi muốn dìu dắt hai triệu ngươì Việt di cư theo mình trong những mưu đồ bất chánh. Khi tướng Dương Văn Minh nhảy lên làm Tổng Thống, bất chấp hiến pháp, là ông đã có ý định đầu hàng Cộng Sản chứ không như ông tuyên bố sau này : Không muốn biến Sàigòn thành một biển máu. Lý do thứ hai, tướng Minh hy vọng sau khi dâng miền Nam cho Cộng Sản, ông sẽ có một chỗ ngồi tốt lành trong chính phủ Hà Nội (hoặc có thể trong chinh phủ một GPMN), và rồi được CSVN ca ngợi. Hy vọng này phát xuất từ sự tin tưởng vào người em ruột của ông là tướng Dương Văn Nhật (*) đang phục vụ trong quân đội Cộng Sản Hà Nội. Nhưng tiếc thay, đại sứ Mérillon đã so sánh khả năng của tướng Dương Văn Minh chỉ bằng một em bé đánh giầy 10 tuổi, thì tướng Dương Văn Nhật cũng chỉ là một em bé bán đậu phộng 8 tuổi. Tướng Nhật chẳng là cái gì trong nhóm lãnh đạo của Hà Nội. Một Dương Văn Minh đã bị Đại Sứ Pháp so sánh bằng đứa bé đánh giầy 10 tuổi, thì chúng ta cũng đừng để cho Cộng Sản Việt Nam đánh giá khả năng lãnh đạo người Việt di cư giống như vậy.

(*) Báo Đất Mẹ và báo Ngày Nay đăng chức vụ em tướng Dương Văn Minh là thiếu tướng, trong khi các báo Diễn Đàn Việt Nam và Viên Giác đăng chức vụ là thiếu tá với tên là Dương Văn Nhựt, ngoài ra chỉ có báo Đất Mẹ đăng tên Dương Văn Nhật ? và nhắc lại lời Đại Sứ Pháp Mérillon để mạ lỵ tướng Minh. Riêng báo Phụ Nữ Diễn Đàn số 140, năm 1995 trang 71 do Đặng Văn Nhâm viết em tướng Minh là Đại Tá Dương Văn Nhựt ? Và mãi đến ngày 01-09-1996 báo Tuổi Trẻ chủ nhật, số 34-96 năm 14 phát hành tại Việt Nam, có đăng xác nhận em của Đại Tướng Dương Văn Minh là thiếu tá Dương Văn Nhựt tức Mười Ty móc nối Dương Văn Minh để chấp nhận đầu hàng vào ngày 30-04-1975.

Đại Sứ Pháp Mérillon kể về: Những Ngày Cuối Cùng Của Việt Nam Cộng Hòa
Ngoài ra, trong báo Lên Đường phát hành Houston, Texas, U.S.A - hai tháng 1 lần, bộ 1, số 4 từ ngày 15 tháng 4 đến 15 tháng 6 năm 1989 do ông Chính Đạo làm chủ nhiệm, đăng đề tài trên từ trang 32 đến trang 45, nhưng thiếu phần Đại Tướng Dương Văn Minh liên lạc với người em Dương Văn Nhựt và bị Đại Sứ Pháp nói: "... Công việc này không cần đến một đại tướng, trao cho một em bé đánh giày 10 tuổi cũng làm được", xin trích dẫn như sau:
Một Giải Pháp "Trái Độn" cho Việt Nam năm 1975?
Đại Sứ Pháp Mérillon:
Dương Văn Minh Phản Bội
Trần Văn Trà đồng ý hòa hợp với "Big" Minh, nhưng Minh "lẻ tẻ" với Hà Nội?
Vũ Hải Hồ dịch
LTS: Những ngày cuối cùng năm 1974, giữa cao trào chống đối Thiệu ở miền Nam, người ta không thể không chú ý tới lời tố cáo của Thiệu về "một âm mưu" giữa bọn "ngụy hòa" và "thực dân Pháp". Lời tố cáo của Thiệu không phải vô bằng chứng: Tổng Thống Pháp Giscard d'Éstaing, qua đường dây Đại Sứ Jean Marie Mérillon và Trần Văn Hữu, đã muốn dàn xếp môt chế độ chuyển tiếp, trung lập màu hồng cho Nam Việt Nam. Lá bài được người Pháp "đánh bóng" là cựu Đại tướng Dương Văn "Big" Minh, với sự trợ giúp của các tướng lãnh từng phục vụ trong quân đội Pháp như : Phạm Văn Phú, Ngô Quang Trưởng, Trần Văn Đôn.v.v. Một cựu tướng lãnh nhảy dù Pháp tướng Gilles, cũng liên lạc với các tướng Nguyễn Khoa Nam, Lê Nguyên Vỹ. v.v. để thuyết phục họ thành lập một chính phủ liên hiệp với Mặt Trận Giải Phóng Miền Nam. Bởi thế, chính Đại Sứ Mérillon đã gặp Thiệu và dàn xếp với Tòa Đại Sứ Mỹ để Thiệu từ chức vào ngày 21 tháng 4 năm 1975. Đại cương, người ta chỉ biết như thế. Tuy nhiên, trước khi Lên Đường lên khuôn, cựu Trung Tá Trần Thiện Hiệu, chủ tịch gia đình TQLC tại Hoa Kỳ, có nhã ý gởi cho chúng tôi một bản dịch trích từ hồi ký của Đại Sứ Mérillon, xuất bản năm 1985. Dịch giả là ông Vũ Hải Hồ ở Paris. Mặc dù đã tham khảo cuốn hồi ký của Mérillon cách đây ít năm, chúng tôi không dám đoan chắc ông Mérillon đã nói hết sự thực hoặc bản dịch trích đăng sát nguyên bản hay không? Dầu vậy, đây là một tài liệu nên đọc. Trong một số tới, chúng tôi sẽ trở lại vấn đề này. Chúng tôi cũng tăng số cước chú, rất mong quý vị có kinh nghiệm hoặc trực hoặc gián tiếp với kế hoạch "trung lập màu hồng" này, tiếp tay chúng tôi làm sáng tỏ vấn đề hơn.
tham khảo cuốn hồi ký (bản chính)?
Nếu cứ tiếp tục trích dẫn các tạp chí như đã dẫn và các sách ví như : Việt Nam Huyết Lệ Sử của Cao Thế Dung tại trang 849, do Đồng Hương xuất bản năm 1996 và trong sách Đất Việt Người Việt Đạo Việt của Phan Thiết, do Văn Nghệ Tiền Phong Xuất bản năm 1996 tại trang... Tôi đọc Việt Nam Máu Lửa... 251 cũng lồng vào đề tài "Saigon et Moi" thì còn nhiều lắm không thể chấm dứt được...
Và gần đây, người viết đã có dịp đọc bài Việt Nam Cộng Hòa 10 Ngày Cuối Cùng của Trần Đông Phong* trong tạp chí Văn Hóa phát hành tại Nam California Hoa Kỳ tháng 5, 6 và 7 năm 2003, do ông Lý Kiến Trúc làm chủ nhiệm & chủ bút, cho nên có điện thư hỏi ông Trần Đông Phong, được tác giả trả lời qua e-mail đề Wed, 16 Jul 2003 15:50:13 - 0700 (PDT), xin trích dẫn như sau : "Về câu nói của cụ Trần Văn Hương với Đại sứ Martin, tôi đã lấy trong bài của Gs Nguyễn Ngọc An đã được đăng trên báo Thời Luận tại Los Angeles. Tôi hiện có giữ bài đó. Còn về lời của cụ nói với Đại Sứ Mérillon thì tôi trích trong "Saigon et Moi" của ông Mérillon. Chúng tôi ở bên này không hề được đọc cuốn "Saigon et Moi" vì nghe nói đã bị tịch thu ngay sau khi xuất bản, tuy nhiên tại Mỹ có người có được một bản cuốn sách này bản chính hay bản tóm dịch? và đã đăng trên báo một phần nói về những ngày sau khi ông Thiệu từ chức. Nhân tiện, tôi cũng xin nhờ ông nếu có thể thì cho tôi biết thêm về cuốn sách này."
Hơn nữa, trong các Lời Toà Soạn đã dẫn có nhắc đến những nhân vật Pháp tham đự lễ ra mắt quyển sách ngày 23-3-1985 viết không đúng, bởi vì ông Valéry Giscard d'Estaing (đã làm Tổng Thống Pháp 1974 -1981, chớ không phải cựu Thủ Tướng Pháp), ông Pierre Messmer chớ không phải Pierre Mesmer hay Pierre Hesmer, ông Pierre Messmer này làm Thủ Tướng Chánh Phủ từ 1972 - 1974 thời Tổng Thống Georges Pompidou (1969-1974). Riêng ông Jacques Chirac đã từng làm Thủ Tướng Chánh Phủ (1974-1976) thời Tổng Thống Valéry Giscard d'Estaing và (1986-1988) thời Tổng Thống François Mitterrand (1981-1995) và đương thời làm Tổng Thống Pháp từ 1995 đến 2007... Còn ông Louis Mermaz làm Chủ Tịch Hạ Nghị Viện Pháp từ ngày 2-7 năm 1981 đến 1-4-1986 mới đúng tên, chớ không phải tên Louis Mermas... v.v. Sở dĩ tôi nêu ra đây đế thấy cái sai có thể vì sơ xuất họ tên và chức vụ của các nhân vật uy tín trong chánh quyền Pháp để sáng tỏ vấn đề. Hơn nữa, sự trích dẫn các tạp chí, các sách và bài viết vừa qua người viết không nhầm mục đích để bêu xấu ai hết, mà để chứng minh quyển "Saigon et Moi" của Jean Marie Mérillon, Cựu Đại Sứ Pháp tại miền Nam không có, không biết người viết LTS lấy ở đâu mà tham khảo?

  • Để chứng minh quyển "Saigon et Moi" không có, xin quý độc giả tìm đọc tác phẩm "Những Ngày Cuối Cùng Của Ngô Đình Diệm", tác giả là Giáo Sư sử học Hoàng Ngọc Thành và Bà Thân Thị Nhân Đức, trang 622 vả 623, phần Phụ Lục có bản phóng ảnh thư và chữ ký của ông Mérillon, đề ngày 12-11-1990, đại sứ Pháp tại Nga, phủ nhận quyển sách nói trên.

Xin trích dẫn nguyên văn trang 622 như sau :
1. Bức thư trả lời của cựu đại sứ Jean Marie Mérillon tại Sàigòn năm 1975, phủ nhận ông là tác giả quyển "Saigon et Moi" hay bất cứ sách nào khác về Việt Nam. Nguyên nhân là chúng tôi đã không tìm mua được sách "Saigon et Moi", khi qua Ba Lê năm 1989, nên liên lạc với ông Jean Marie Mérillon khi ấy làm đại sứ Pháp tại Mạc Tư Khoa. Xin nhắc lại là các báo Việt tại Pháp có đăng bản tóm tắt của sách "Saigon et Moi" như bản tóm lược của ông Vũ Hải Hồ ở Ba Lê và việc ra mắt sách ngày 23-3-1985 tại khách sạn La Fayette, quận 6, trước một số cử toạ gồm những nhân vật như cựu Tổng Thống Giscard d'Estaing, Jacques Chirac, Pierre Mesmer v.v...
Và trích trang 623 nguyên văn thơ ông Jean Marie Mérillon gởi Giáo Sư tiến sĩ Hoàng Ngọc Thành, đã được sách Ki tô giáo : Từ thực chất đến huyền thoại đăng lại nơi trang 237 do Văn Hóa xuất bản, văn nghệ phát hành năm 1996 tại Hoa Kỳ, do Nguyễn Hồng Ngọc Viết và báo Văn Nghệ Tiền Phong 464, phát hành năm 1995 tại trang 85 do ông Lê Xuân Nhuận viết như sau:
Répuplique Française
------------ --
Ambassade De France
En Moscou, 12th November 1990
U.R.S.S
------------ --
L'Ambassadeur
Dear Dr. Thanh,
Your letter of the 22nd October has just reached me. I was most touched by it and very pleased to hear from you.
As far as the book "Saigon et Moi" is concerned, I must make a point particularly clear. I did not write this book nor have I written any other about Vietnam; therefore the work that you are enquiring about is not mine. However, I am intrigued by this publication and should be glad to have any information relating to it.
Should I visit California, I shall not fait to take advantage of your kind invitation to a Vietnamese dinner.
Wishing your new book every success, I remain.Yours sincerely,
Jean Marie Mérillon
Dr. Hoang Ngọc THANH
4926 Rice Drive
San Jose, CA 95111
Và bức thơ này, đã được báo Phụ Nữ Diễn Đàn số 140, trang 71 phát hành năm 1995 tại Hoa Kỳ do ông Đặng Văn Nhâm viết, đã chuyển dịch sang Việt Ngữ xin trích dẫn như sau:
Cộng Hòa Pháp Quốc, Mát Cơ Va, ngày 12 tháng 11 năm 1990.
Đại Sứ Quán Pháp tại Nga Xô
Tiến sĩ Thành thân mến, Tôi vừa nhận được thơ ông đề ngày 22-10. Tôi xúc động nhiều và rất vui mừng nhận được tin ông. Hiện nay, liên quan đến quyển sách "Saigon et Moi", tôi cần phải đặc biệt xác định rõ vấn đề là tôi đã không viết quyển ấy và cũng không viết bất cứ điều gì khác về Việt Nam. Do đó, điều ông nói ấy không phải chuyện của tôi. Tuy nhiên, tôi cũng tò mò về chuyện xuất bản sách này và cảm thấy thú vị được biết tin tức liên quan đến chuyện ấy. Nếu tôi đến thăm California, tôi sẽ không quên lời mời thân ái đến dùng bữa cơm Việt Nam của ông. Mong ước quyển sách mới của ông thành công mọi mặt. Tôi vẫn luôn là người bạn chân thành của ông.
Jean Marie Merillon
(ký tên)
Hơn nữa, trên báo Ngày Nay số 341, phát hành tại Houston, Hoa Kỳ ngày 15 tháng 4 năm 1996 từ trang A5 đến A7 và lại được báo Thời Báo (Bắc California- Hoa Kỳ) đăng lại toàn bài viết của Ngự Sử, ở trang Tạp Ghi, xin trích dẫn như sau:

Giới Thiệu của Yên Mô
Tháng 4 năm 1989 có tin loan báo đại sứ Pháp tại Việt Nam thời 1975 đã cho ra mắt sách hồi ký "Saigon et Moi" với nhiều tình tiết éo le và rất là có vẻ hợp lý. Năm 1995 khám phá ra là "Con Cá Tháng 4". Bài viết đặc biệt sau đây của tác giả Ngự Sử tại Texas đăng trên Ngày Nay quả thực là những tài liệu mà chúng tôi thấy cần giới thiệu với bạn đọc Bắc California. YÊN MÔ
LTS : Ngự Sử là bút hiệu của một nhà ngoại giao thời Việt Nam Cộng Hòa từng phục vụ tại nhiều nhiệm sở ở Á Châu. Ông định cư ở Houston từ cuối năm 1975.

  • Con cá tháng 4 lớn nhất của người Việt di tản Dựng Đứng lên cuốn "Saigon et Moi" gán cho Đại Sứ Pháp ở Việt Nam Mérillon là tác giả.

Tất cả những chi tiết quanh vụ ông nhà báo Vũ Hải Hồ nào đó đã tạo dựng ra việc Đại Sứ Pháp ở Việt Nam thời 1975 Jean Marie Mérillon viết hồi ký "Saigon et Moi" để bênh Việt Nam Cộng Hòa, kết tội người Mỹ bỏ rơi miền Nam. Bản dịch tác phẩm trên của ông Vũ Hải Hồ hồi 1989 đã được rất nhiều báo Việt ngữ hải ngoại đăng đi đăng lại vào mỗi dịp 30 tháng 4. Mới đây, cựu Đại Sứ Pháp ở việt Nam Mérillon xác định ông không viết cuốn sách đó (Saigon et Moi) và cũng chưa hề viết một cuốn sách nào khác về Việt Nam cả. So sánh việc dựng đứng lên cuốn "Saigon et Moi" với việc ngụy tạo cuốn "Người Việt Cao Quý" trước đây của nhà văn Việt Cộng nằm vùng Vũ Hạnh đảm nhận qua chỉ thị của Trần Bạch Đằng
(Ngự Sử).

  • Xin trích đoạn những phần liên quan đến ông Vũ Hải Hồ tạo dựng quyển "Saigon et Moi" do ông Ngự Sử viết như sau :

... Trong tình huống thao thức trăn trở như thế, thì như nắng hạn gặp mưa, đùng một cái vào đầu năm 1989, Cộng đồng di tản được tin người Đại Sứ biết quá nhiều Jean Marie Mérillon đã long trọng cho ra mắt ngày 23-03-1986 cuốn hồi ký "Saigon et Moi" tại khách sạn La Fayette, quận 6 Paris, trước một cử tọa gồm các chính khách hàng đầu của Pháp như : Giscard d'Éstaing, Jacques Chirac, Pierre Mesmer... Nhưng, sau đó cuốn sách này bị Bộ Ngoại Giao Pháp lập tức thâu hồi? Nhưng may mắn thay, một Việt kiều còn giữ được một cuốn và một ông Vũ Hải Hồ nào đó đã dịch ra và phổ biến cho báo chí hải ngoại vào đệ nhất tam cá nguyệt 1989. Ông Vũ Hải Hồ đã tiết lộ những chi tiết ra mắt sách kể trên trong phần đầu của bản dịch, nhưng không hiểu vì lý do gì ông lại không cho biết các chi tiết liên hệ đến hình thức nội dung của cuốn sách (bìa mỏng hay dầy, bao nhiêu trang, bao nhiêu chương, có hình ảnh ảnh gì, nhà xuất bản nào?.v.v). Bản dịch của ông cũng không nói rõ là trích đoạn hay tóm lược tác phẩm của Mérillon. Nhìn chung, bản dịch của ông Vũ Hải Hồ xem ra có vẽ là một bản tóm lược, lời văn đôi lúc có vẻ trúc trắc, luộm thuộm, dữ kiện lắm khi xem ra không ăn khớp và lạc lỏng, nhưng tình tiết thì hấp dẫn, có lúc ly kỳ như tiểu thuyết gián điệp, đôi khi lại mùi mẫn như tuồng cải lương. "Saigon et Moi" qua ngòi bút dịch thuật đã được phổ biến đúng thời điểm (gần tháng 4 đen) nên đã lập tức trở thành một "instant hit", được nồng nhiệt đón nhận bởi các cộng đồng người Việt di tản trên khắp năm châu Chẳng khác nào bài thơ "ông đồ" của Vũ Đình Liên được chiếu cố trường kỳ trên các báo Việt vào mỗi dịp Tết, mỗi năm cứ đến dịp tháng 4 đen là thế nào cũng có hàng chực tờ báo tranh nhau đăng tải "Saigon et Moi" do Vũ Hải Hồ dịch với những lời bàn khi thì lâm ly, lúc thì thống hận. Phần lớn phản ứng đầu tiên của độc giả di tản là thấy "đã" quá, đúng y chang như mình nghĩ. Người nào người nấy cảm thấy dường như bao nhiêu dồn nén ấm ức từ hồi bỏ xứ ra đi đến gìơ đã được giải tỏa. Vấn nạn về cái chết tức tưởi của miền Nam Việt Nam xem ra đã có thể nhờ tác phẩm này mà tìm ra giải đáp.
....
Sự đón nhận đầy thiện cảm của Cộng đồng di tản hải ngoại với bản dịch này do đó cũng dễ hiểu. Có lẽ vì vậy, không mấy ai lưu ý tới các dữ kiện không phù hợp với thực tế, mặc dù vào thời điểm bản dịch lưu hành đã có nhiều tài liệu sách báo liên hệ đến những ngày cuối cùng của miền Nam Việt Nam đã được xuất bản, khiến việc kiểm chứng không đến nỗi khó khăn. Hơn nữa, tên của vị Đại Sứ Pháp đã tạo một tác dụng tâm lý khiến độc giả chấp nhận các dữ kiện trong tác phẩm không chút thắc mắc.
...
Ngoài vấn đề các dữ kiện không phù hợp với thực tế như đã dẫn, cái thắc mắc căn bản nhất là sự ra mắt của một cuốn hồi ký chính trị của một nhân vật ngoại giao quan trọng như như vậy, lại được tổ chức long trọng như ông Vũ Hải Hồ tiết lộ, mà sao không được đăng tải trên bất cứ một tạp chí văn học chính trị nào của Pháp cững như Hoa Kỳ? Ở một nước có truyền thông tự do như Pháp, liệu có thể có việc thu hồi toàn bộ một cuốn sách đã ra mắt trước một cử tọa gồm có các vị tân cựu nguyên thủ quốc gia như vậy không? Báo chí Việt Ngữ tại hải ngoại phần vì thiếu phương tiện, phần vì dễ chấp nhận các bài vở soạn sẵn mà lại hợp tâm ý độc giả, nên sáu bảy năm cứ bổn sao soạn lại không cần thắc mắc gì cho mệt. Mãi đến năm 1994 khi cuốn "Những Ngày Cuối Cùng của Tổng Thống ngô Đình Diệm" của ông Hoàng Ngọc Thành và Bà Thân Thị Nhân Đức xuất bản tại Hoa Kỳ, trong phần phụ bản (trang 622-623) có in một bức thư đề ngày 12-11-1990 của ông Jean Marie Mérillon, phủ nhận ông là tác giả của cuốn "Saigon et Moi". Lý do là vì năm 1989 ông Hoàng Ngọc Thành qua Paris tìm mãi không ra quyển sách đó, ông đành liên lạc với chính tác giả là ông Mérillon lúc đó đang là Đại Sứ Pháp tại Mạc Tư Khoa. Trong bức thư ông Đại Sứ Mérillon viết:

"Riêng về cuốn sách "Saigon et Moi", tôi xin khẳng định rõ ràng là tôi không viết cuốn sách đó và cũng chưa hề viết một cuốn sách nào khác về Việt Nam cả. Do đó tác phẩm mà ông hỏi không phải của tôi. Tuy nhiên, tôi cũng tò mò muốn biết tác phẩm ấy và rất mong muốn nhận được các tin tức liên quan đến nó".

Mặc dù đã có sự xác nhận trên giấy trắng mực đen nhự vậy, một số báo hải ngoại phát hành thượng tuần và trung tuần tháng 4-1995 vẫn còn rải rác in lại bản dịch của ông Vũ Hải Hồ với nhiều lời bàn Mao Tôn Cương.
Hiện tượng ngụy tạo một dịch phẩm từ một "tác phẩm ngoại ngữ ma", làm chúng ta không khỏi liên tưởng tới một vụ tương tự xảy ra trước đây 30 năm tại Sàigòn. Đó là dịch phẩm "Người Việt Cao Quý" do cô Hồng Cúc dịch và do nhà Cảo Thơm ấn hành vào khoảng thượng bán niên 1965 tại Sàigòn. Điểm tương đồng giữa dịch phẩm "Người Việt Cao Quý" và dịch phẩm "Sàigòn và Tôi " là :
"Dịch phẩm chỉ được phổ biến sau khi nguyên tác ra đời từ 4 đến 5 năm. Nguyên tác "Người Việt Cao Quý" ở Ý từ năm 1960, bản dịch được phổ biến năm 1965. Nguyên tác "Sàigòn và Tôi" ra mắt tại Pháp từ năm 1985, bản dịch ông Vũ Hải Hồ phổ biến trên báo chí hải ngoại vào năm 1989. Không một người Việt nào ngoài một "đệ tam nhân" vô danh hoặc dịch giả "Sàigòn và Tôi" thấy nguyên tác.
Cô Hồng Cúc cho biết bản gốc tiếng Ý in trên một tờ báo văn hóa nào đó tại Ý, một người bạn của cô dịch ra tiếng Pháp và gửi về Việt Nam cho cô (chưa ai ngoài cô Hồng Cúc thấy bản tiếng Pháp đó). Ông Vũ Hải Hồ được một "việt kiều" cho coi ké nguyên tác và nhờ đó dịch ra tiếng Việt. Nguyên tác viết bởi một người Tây phương đã sống lâu năm tại Việt Nam và có cảm tình với đất nước và dân tộc Việt.
"Người Việt Cao Quý" theo dịch giả, có tên Ý là "Per Comprendere il Vietnam e Vietnamita" viết bởi "Pazzi" một người Ý đã ở Việt Nam khoảng 20 năm và đã có đủ thì giờ hiểu người dân kỳ diệu và khả ái này.
"Sàigòn và Tôi" có tên Pháp là "Saigon et Moi", theo dịch giả viết bởi cựu Đại Sứ Pháp Mérillon, người đã có rất nhiều kỷ niệm và có nhiều quan hệ mật thiết với Việt Nam. Người đã chọn Sàigòn làm bạn hữu tâm giao.
"Người Việt Cao Quý" được đăng làm nhiều kỳ trên báo "Đất Tổ" ở Saigòn, sau đó được in thành sách bởi nhà xuất bản Cảo Thơm.
"Sàigòn và Tôi" được phổ biến rộng rãi trên các báo chí hải ngoại chưa được in thành sách. Dịch giả thường lấy một bút hiệu ít người biết của một cây bút quen thuộc.

Điểm khác biệt duy nhất giữa "Người Việt Cao Quý" và "Sàigòn và Tôi" là :
- Tác giả "Người Việt Cao Quý" có một lý lịch bất minh.
- Tác giả "Sàigòn và Tôi" là một nhà ngoại giao Pháp nổi tiếng.....
Điểm qua làng văn làng báo hải ngoại không thấy có một nhà văn nhà báo lấy bút danh là Vũ Hải Hồ. Xét kỹ thì thấy nó có trùng với một trong những bút hiệu mà soạn giả cải lương kiêm ký giả Trần Trung Quân đôi lúc sử dụng trong khi làm tờ Sàigòn Thời Báo tại Houston, Texas trong những năm 1985-1988. Ký giả Trần Trung Quân rời Hoa Kỳ về Pháp vào khoảng cuối năm 1988. Bản dịch "Saigon et Moi" được phổ biến từ Pháp vào đệ nhất tam cá nguyệt năm 1989. Vũ Hải Hồ là ai?..... (toà soạn tạm không đăng phần này). Với một người có những biệt tài như vừa kể, thì việc dàn dựng một tác phẩm về tháng 4 đen, thực chẳng khó khăn gì. Trên thực tế có khá nhiều dữ kiện có thể dựng thành một khung vững chãi cho một vở kịch đầy tình tiết éo le như "Saigon et Moi". Các sơ hở nếu có chỉ vì kiến thức chính trị giới hạn của ông đã bị năng khiếu hư cấu vô bờ lấn át. Với tất cả ưu nhược điểm của ông, chủ đích dàn dựng "Saigon et Moi", có lẽ nhằm trong ý hướng diễn nghĩa những ngày bi thảm cuối cùng theo như ông nghĩ là đã xảy ra. Cũng có thể, trong cơn ngẫu hứng động cỡn tháng 4 (April Fool), ông đã thả ra một "con cá tháng tư" (Poisson d'Avril) : "Saigon et Moi", đem những ngày tang tóc ra để mua vui vài trống canh?!
Ngự Sử
tháng Tư 1996

Trong khi đó, báo Ngày Nay số 341 phát hành tại Houton Hoa Kỳ, ngày 15 tháng 4 năm 1996, còn có ghi Lời Toà Soạn, xin trích dẫn như sau :
LTS : Trong phần kết của bài trên, tác giả Ngự Sử đã dựa trên một số dữ kiện trong quá khứ (ở hải ngoại) về biệt tài tạo dựng dưới hình thức phóng sự của một nhà báo (hiện ở Pháp). Nhà báo này đã cho xuất bản ít nhất hai tác phẩm liên quan tới các biến cố chính trị trong cuộc chiến Việt Nam vào thời đệ nhất Cộng Hòa cũng như nhiều bài phóng sự giả tưởng khác về các vụ hải tặc Thái Lan hiếp phụ nữ thuyền nhân Việt Nam... Ông Ngự Sử đã kết luận rằng người có tên Vũ Hải Hồ nào đó đã tạo dựng ra cuốn sách ma "Saigon et Moi" chính là nhà báo chuyên viết phóng sự chính trị giả tưởng nêu trên. Tuy nhiên, vì một vài vấn đề khá tế nhị trong giai đoạn hiện nay. Ngày Nay xét thấy chưa phải lúc để công bố phần kết luận bài viết của tác giả Ngự sử.

  • Kế đến, khoảng tháng 10 năm 1996, quyển sách PÉTRUS TRƯƠNG VĨNH KÝ tuyển tập của Cửu Long Lê Trọng Văn ra đời, nơi trang 3, Lời Mở Đầu cũng có nhắc đến ngụy tạo sách "Saigon et Moi" đo Vũ Hải Hồ dịch, xin trích dẫn như sau:

... Rồi các tài liệu, tác phẩm ngụy tạo được tung ra như "Trong Lòng Địch" của Trần Trung Quân, "Ai Giết Hồ Chí Minh" cũng của Trần Trung Quân. Hồi ký Đại Sứ Pháp Mérillon "Saigon et Moi" của Vũ Hải Hồ tức Trần Trung Quân... v. v.
Đó là môt số sách báo đã vô tình đăng báo hoặc tiếp tay trích dẫn quyển "Saigon et Moi" không có do ông Vũ Hải Hồ tức Trần Trung Quân dịch, để lồng vào tác phẩm mà tôi đã mạn phép trích dẫn vừa qua.

(... Tin Paris tự ý không đăng phần nầy vì không liên hệ đến nội dung trên đây. Xin tác giả thông cảm).
Nguyễn Trần Việt

http://www.tinparis.net

(*) VNCH 10 ngày cuối cùng - Trần Đông Phong


Những ngày cuối cùng của VNCH

Tác giả: Jean Marie Mérillon

Dịch giả: Dương Hiếu Nghĩa

Việt Nam và tôi có rất nhiều kỷ niệm, có quá nhiều quan hệ mật thiết suốt đời không phai lạt. Sống ở VN lâu năm, tôi cảm thấy thương xứ sở nầy. Tội nghiệp cho họ, họ có thừa khả năng dựng nước, nhưng cái quyền làm chủ quê hương đã bị các cường quốc chuyền tay nhau định đoạt. Tôi xin lổi người VN. Tôi đã làm hết sức mình nhưng không cứu vản được nền hòa bình cho Dân tộc Việt. Vỉnh biệt Sài gòn...


Cựu Đại Sứ Pháp ở Việt Nam Jean-Marie Mérillon


NGƯỜI ĐI KHÔNG MUỐN LƯU LẠI BẰNG CHỨNG
Đã đến lúc Đại Sứ Martin phải nói thật với tôi: Nước Mỹ cần phải làm gì vào những ngày sắp tới khi Phan Rang thất thủ? Và Mỹ cần xác minh thái độ đối với Dương văn Minh mới hôm qua vừa đòi Nguyễn văn Thiệu từ chức.
Ông Martin đã lưỡng lự rất nhiều rồi mới nói cho nước Pháp hay rằng Hoa Kỳ sẽ bỏ rơi Miền Nam. Còn nước Pháp thì muốn cố giữ Miền Nam bằng một chánh phủ trung lập giả định, biết rằng đó chưa hẳn là một liều thuốc hồi sinh cho toàn thể chánh phủ Việt Nam Cộng Hòa một cách công hiệu, nhưng chẳng còn phương thức cấp cứu nào phù hợp với tình thế lúc đó.

TỐI 18/4/75: Qua điện thoại, lần thứ nhất Ông Martin mới nói ra ý định của Hoa Kỳ. Đối với chính trường nước Mỹ thì chiến tranh Việt Nam đã chấm dứt sau Hiệp Định Paris năm 1973. Vấn đề còn lại là giải thể Hoa Kỳ tại Đông Dương.
Ông Martin muốn nhờ tôi làm trung gian chuyển đạt ý muốn của Mỹ cho phía Việt Cộng. Tôi bèn trả lời:
- "Điều mà ông yêu cầu, tôi sẽ thỏa mãn cho ông 5 tiếng nữa nếu không có gì trở ngại trong việc liên lạc. Tuy nhiên tôi phải phúc trình lên chánh phủ của tôi, vậy ông Đại Sứ gởi cho tôi một công hàm ủy thác làm việc này."
- "Không thể được" người ta không muốn lưu lại bằng chứng.
- "Như thế từ giờ phút này nước Pháp sẽ đảm nhận vai trò hòa bình cho Việt Nam theo chủ thuyết của Pháp."
- "Chúng tôi cám ơn nước Pháp. Với tư cách cá nhơn tôi hoàn toàn chống lại chủ trương của Hoa Kỳ dành trọn quyền thắng trận cho Việt Cộng."
Sau đó chúng tôi chuyển sang phần tâm sự gia đình, hỏi thăm sức khỏe bà Đại Sứ v.v... Đại Sứ Martin cho biết nước Mỹ quá chán ngấy những vụ đảo chánh trước kia nên để cho ông Thiệu từ chức rồi ra đi hơn là đảo chánh. Vai trò của Nguyễn cao Kỳ không còn cần thiết sau khi Hoa Kỳ đã tặng phần thắng cho Việt Cộng.
Ngày 30/4, trước 3 tiếng đồng hồ hạ cờ Hoa Kỳ sau 20 năm bay trên vòm trời Việt Nam, Đại Sứ Martin gọi điện thoại vấn an, chúc tôi ở lại xứ sở này tiếp tục sứ mạng hòa bình, đồng thời khuyến khích tôi "còn nước còn tát."
Công việc đầu tiên của tôi là liên lạc với Phan Hiền trong trại Davis (Tân sơn Nhất) cho biết chánh phủ Cách Mạng Lâm Thời Miền Nam Việt Nam của Huỳnh tấn Phát muốn ấn định rõ thời hạn Mỹ rút quân khỏi Việt Nam. Phan Hiền bèn hỏi lại tôi là nên ấn định vào ngày nào? Sự giàn xếp người Mỹ ra đi cũng làm phiền phức tôi không ít. Ông trưởng phòng CIA xúi ông Tổng Giám Đốc Liên Đoàn Lao Công Việt Nam kiếm khoảng 20.000 người mặc quần áo nông dân biểu tình trước Tòa Đại Sứ Mỹ đòi Mỹ phải ở lại giúp Việt Nam. Ông Trần quốc Bửu hứa sẽ làm được, nhưng rồi chẳng thấy biểu tình chi cả. CIA chưa muốn đi vội, có vẻ muốn ở lại để tổ chức phá rối cộng sản như họ đã từng làm ở ngoài Bắc sau Hiệp định Genève 1954. Trưởng phòng thương mại Mỹ xin gia hạn đến tháng 6 để giúp các hảng thầu, ngân hàng, các nhà kinh doanh di tản các dụng cụ xí nghiệp, cơ xưởng máy móc về Mỹ. Nhưng rồi Đại Sứ Martin nhận được lệnh của Tòa Bạch Ốc là người Mỹ và tất cả những gì liên hệ đến Mỹ phải rời khỏi Việt Nam chậm lắm là cuối tháng 4/75.
Đại tướng Pháp Vanuxem chạy chỗ này chỗ kia với thiện chí cố vấn cho ông Thiệu phản công, nhưng vô ích. Tôi được thông báo Mỹ đã sắp xếp ngày đi cho ông Thiệu đâu vào đó cả rồi. Tướng Vanuxem, người từng chỉ huy ông Thiệu, than thở với tôi: "Thiệu" lủy" không nghe "moa", đánh giặc theo kiểu Mỹ sẽ thua không còn một mảnh đất để thương thuyết với Việt Cộng."
Ngày 18 tháng 4 chúng tôi xác nhận ngày di tản của Hoa Kỳ với Phan Hiền.
Trước khi lập chánh phủ giả định, tôi xét phản ứng của Nga Sô và Trung Cộng. Nước nhiệt thành đầu tiên là Trung Cộng. Thủ Tướng Chu ân Lai điện cho Bộ Ngoại Giao Pháp là sẵn sàng hợp tác với Pháp để xây dựng một chánh thể trung lập tại Miền Nam nếu có thành phần MTGPMNVN tham dự.
Tại Hànội, cuộc vận động với Đại Sứ Nga được xem là mấu chốt của vấn đề. Nhưng Đại Sứ Nga, ông Malichev từ chối, nói rằng: "Chủ quyền xây dựng chính thể Việt Nam do đảng cộng sản Bắc Việt quyết định. Ngoài tình hữu nghị cũng như các sự giúp đỡ Việt Nam, Nga chẳng có quyền hạn gì cả." Lời tuyên bố đó giống như một kẻ ăn trộm nho bị bắt quả tang rành rành mà vẫn cứ chối bai bải là mình chỉ đi dạo mát trong vườn nho mà thôi. Chẳng là vì chúng tôi có đủ tin tức tình báo nói rõ có 5 vị tướng lãnh Nga có mặt trong Bộ Chỉ Huy chiến dịch Hồ chí Minh tại chiến trường Long Khánh. Không lẽ các vị ấy chỉ ngồi uống trà nói chuyện chơi với Văn tiến Dũng hay sao?
Toàn thể các nước Đông Nam Á lo ngại một nước Việt Nam độc lập dù dưới một chánh thể nào trong tương lai. Đối với họ, Việt Nam mãi mãi có chiến tranh bao giờ cũng có lợi hơn một Việt Nam hòa bình thống nhất. Theo quan điểm đó, khối Đông Nam Á tán thành Việt Nam được đình chiến trong trung lập hơn là thống nhất trong độc lập. Quan niệm này lan rộng cả Á Châu, đặc biệt là Nhật Bản, nước Nhật sẽ hết mình đóng góp cho Đông Dương trung lập. Duy có Nam Dương cực lực phản đối. Nam Dương chưa nguôi mối thù Trung Cộng đạo diễn cuộc đão chánh hụt năm 1965, nên bác bỏ giải pháp đình chiến tại Việt Nam có Trung Cộng tham dự.
(Mãi đến năm 1978, tướng Suharto có gởi cho tôi một bức thơ tỏ ý hối tiếc là lúc đó chánh phủ ông đã có nhận xét sai lầm về những ý kiến của chúng tôi).
Mao thì ghét cay ghét đắng Lê Duẫn thân Nga, thành thử những điều kiện Bắc Kinh đặt ra là phải hạ bệ đảng viên thân Nga, cầm chân quân Bắc Việt để dành cho MTGPMN tiến vô Sài Gòn.
Thực ra nền trung lập đối với chúng tôi chỉ coi như tạm thời ngăn cản dòng nước lũ, cho Việt Nam Cộng Hòa tạm dung thân.
Lời giao ước chánh trị khác hẳn với lời giao ước ngoại giao. Bắc Kinh chỉ giao ước bằng miệng là sẽ tìm cách cản trở Bắc Việt chậm nuốt Miền Nam, biện pháp quân sự coi như yếu tố cần phải có. (Rất tiếc chờ mãi đến năm 1978 Trung Cộng mới dùng biện pháp này để dằn mặt Việt Nam).
Phần chúng tôi là phải đáp lời hứa là thành lập chánh phủ liên hiệp gồm 3 thành phần: Quốc gia, Đối lập, và MTGPMN. Chu Ân Lai đưa ra một danh sách: Trương như Tảng, Nguyễn thị Bình, Đinh bá Thi, thiếu tướng Lê quang Ba, trung tướng Trần văn Trà, ngỏ hầu làm lực lượng nồng cốt thân Tàu trong chánh phủ hòa hợp hòa giải dân tộc Việt Nam. Điều kiện họ đưa ra thoạt nhìn thì không thấy có gì trở ngại, nhưng thực hiện lại vô cùng khó khăn. Vì những người này không có thực lực hay quyền hành gì cả. Toàn thể quyền hòa hay chiến đều do Lê Duẫn nắm cả. Trên Lê Duẫn một bực là Mạc tư Khoa. "Dường như đã từ lâu phe quốc gia lẫn phe cộng sản Việt Nam đều đã không có quyết định gì về số phận đất nước của họ".
Móc nối với Trung Cộng thỏa thuận đâu vào đó cả rồi, sáng ngày 22/4 tôi mời phái đoàn Dương văn Minh vào tòa Đại Sứ tiếp xúc với chúng tôi. Phái đoàn này có nhiều nhân vật đang tập sự làm chánh trị, những kẻ chuyên sống nhờ xác chết của đồng bào họ: Huỳnh tấn Mẫm, Hoàng phủ Ngọc Tường, Ngô bá Thành, Ni sư Huỳnh Liên, Lý quý Chung, Vũ văn Mẫu, Hồ ngọc Cứ v.v... Tôi thấy ông Dương văn Minh đã liên lạc quá vội với một thành phần vô ích. Những khuôn mặt này Bắc Việt chưa biết họ, còn hao công giúp Bắc Việt thì chỉ có việc chưởi tầm bậy chế độ Việt Nam Cộng Hòa.
Tôi đi ngay vào vấn đề hỏi chung trước mặt mọi người là: "Chúng tôi hết sức ủng hộ người Việt Nam thành lập một chánh phủ hòa hợp hòa giải dân tộc. Vậy trong những ngày sắp tới có những cuộc thương thuyết xảy ra, quí vị có đồng ý nhận quí vị là đại biểu các khuynh hướng chánh trị ở Miền Nam không? Chiến tranh đang đến hồi dứt khoát phải có kẻ thua người thắng. Hãy cho chúng tôi biết, chánh phủ quí vị tới đây sẽ thua hay Việt Nam Cộng Hòa thua, hoặc MTGPMN thua? "
Huỳnh tấn Mẫm cướp lời Dương văn Minh nói trước:
- "Thưa ông Đại Sứ Pháp, cuộc chiến này Mỹ đã thua, tất cả người Việt Nam chúng tôi thắng trận."
Căn cứ theo lời của Huỳnh tấn Mẫm, tôi đoán ngay hắn là một thứ bung xung trước thời cuộc, háo danh, sẵn sàng làm tôi mọi cho bất cứ chế độ nào chịu cấp phát tước quyền cho hắn. Nếu biết khôn và khách quan nhận định thì hắn phải nói như vầy: "Bọn phản chiến Mỹ thua trận, và tất cả người Việt Nam thắng trận trong một nền hòa bình rơi nước mắt."
Bà ni sư Huỳnh Liên nói nhiều lắm. Bà kể lể "tín đồ Phật Giáo bị kềm kẹp từ 20 năm qua, nếu cộng sản thắng thì đó là lời cầu nguyện của hàng triệu Phật tử Việt Nam."
Luật sư kiêm chánh trị gia Vũ văn Mẫu có vẻ già dặn hơn. Ông đặt tiếng "nếu" ở mỗi mệnh đề để thảo luận. "Nếu" chính phủ tương lai mà trong đó có ông làm thủ tướng thì viễn ảnh hòa bình sẽ nằm trong tầm tay dân tộc Việt Nam v.v..." Ông cũng ngỏ lời cám ơn tôi dàn xếp thời cuộc để lập ván bài trung lập tại Việt Nam.
Đây là buổi thăm dò quan niệm, nhưng những con cờ quốc tế đã gởi cho tôi từ trước không có Huỳnh tấn Mẫm, Ngô bá Thành, Huỳnh Liên, Vũ văn Mẫu và Lý quý Chung. Tôi lễ phép mời họ ra về, ngoại trừ đại tướng Dương văn Minh để thu xếp nhiều công việc khác.
Tiển ra tận thềm sứ quán, tôi có nói mấy lời để họ khỏi thất vọng sau này:
- "Thưa quí vị, thiện chí thành lập tân chánh phủ, điều đó không ai chối cải công lao của quí vị. Tuy nhiên thẩm quyền tối hậu giờ phút này nằm trong tay Hà nội. Nước Pháp chỉ làm một việc có tính cách trung gian hơn là chủ động'.
Mọi người trợn ngược tròng mắt nhìn tôi hết sức ngạc nhiên. Ông Vũ văn Mẫu nói nhỏ với tôi một câu bằng tiếng Latinh "Tôi muốn đi Pháp nếu tân chánh phủ không được Hà nội nhìn nhận."
Khi trở vào, Đại tướng Dương văn Minh ngồi đó chờ tôi, nét mặt sung mãn, tự hào là đã nắm vững thời cuộc. Vừa nghe chuông điện thoại reo, tùy viên giao tế của chúng tôi giới thiệu người bên kia là Võ đông Giang. Đường dây điên thoại viễn liên này kêu qua tòa Đại Sứ Pháp ở Tân gia Ba rồi cũng dùng đường dây này chuyển về Bộ Ngoại Giao Hà nội. Tại Hà nội họ sẽ móc đường dây tiếp vận vô Nam để tiếp xúc với vị Tư lệnh chiến dịch Hồ Chí Minh, vì ông này muốn gặp tôi có chuyện gấp. Tôi đồng ý nhưng phải chờ hai tiếng đồng hồ nữa mới bắt xong đường dây như thế.

KẾ HOẠCH THỨ NHẤT:
Thành phần chánh phủ hòa hợp hòa giải dân tộc, đồng chủ tịch là hai ông Dương văn Minh và Trần văn Trà. Ba phó chủ tịch là Vũ văn Mẫu, Trịnh đình Thảo và Cao văn Bổng. Tổng trưởng quốc phòng Phạm văn Phú. Tổng trưởng ngoại giao Nguyễn thị Bình. Tổng trưởng tư pháp Trương như Tảng. Tổng trưởng nội vụ Vũ quốc Thúc. Tổng trưởng kinh tế Nguyễn văn Hảo. Tổng trưởng thương mại Lê quang Uyễn. Tổng trưởng tài chánh Trần ngọc Liễng. Xen kẻ nhau nếu tổng trưởng quốc gia thì Đổng lý văn phòng là người của MTGPMN, và ngược lại. Hội đồng cố vấn chánh phủ có: Nguyễn hữu Thọ, Huỳnh tấn Phát, Thích trí Quang, Lương trọng Tường, Hồ tấn Khoa, Linh mục Chân Tín, Cựu thủ tướng Trần văn Hữu.
Hai mươi bốn giờ sau khi công bố thành phần chánh phủ, nước Pháp sẽ vận động các nước Âu Châu, Á Châu và các nước phi liên kết công nhận tân chánh phủ hòa giải Việt Nam, làm chậm lại bước tiến xe thiết giáp Liên Xô mưu toan đè bẹp Sài Gòn.

KẾ HOẠCH THỨ HAI:
- "Thưa Đại tướng, ông Nguyễn văn Thiệu để lại quân đội này còn bao nhiêu người? Hoa Kỳ để lại vũ khí nếu dùng được ở mức độ phòng thủ thì đuợc bao lâu?
Đại tướng Dương văn Minh trả lời là ông chưa nắm vững quân số vì hơn chín năm ông không có dịp biết các bí mật quốc phòng.
- "Thưa Đại tướng, đại tá tùy viên quân sự của chúng tôi sẽ phúc trình cho đại tướng biết sau. Theo chúng tôi, quân lực Việt Nam Cộng Hòa còn đủ khả năng chiến đấu thêm 10 tháng nữa, nếu các nhà quân sự chịu thay đổi chiến thuật từ quy ước sang du kích chiến. Ngay từ bây giờ Đại tướng còn 2 Quân đoàn. Phải dùng hai Quân đoàn này mặc cả cho thế đứng của phía quốc gia. Tôi tung liền giải pháp trung lập đồng thời tạo áp lực ngoại giao ngừng bắn 7 tiếng đồng hồ. Trong khi đó Đại tướng kịp thời chỉnh đốn quân đội và chọn các tướng lãnh có khả năng trường kỳ phản công. Tôi tin tuởng Việt Nam Cộng Hòa chưa thể thua và đích thực Bắc Việt đang lúng túng chưa biết họ sẽ chiến thắng bằng cách nào đây.

KẾ HOẠCH THỨ BA:
Cùng lúc mời thành viên MTGPMN hợp tác trong chánh phủ trung lập, Đại Tướng tuyên bố sẵn sàng bang giao với Trung Quốc và các nước theo chủ nghĩa xã hội, dĩ nhiên trong đó có cả Liên Xô.
Trung Quốc sẽ chụp lấy cơ hội này để cử Đại Sứ đến Sài Gòn ngay sau 24 giờ cùng với tiền viện trợ 420 triệu Mỹ kim là tiền sẽ trao cho Hànội mà nay trao cho chánh phủ hòa hợp hòa giải dân tộc. Kế hoạch này đánh phủ đầu Hànội bằng cách đưa đứa con nuôi của họ là MTGPMN lên nắm chính quyền (một lực lượng mà từ trước đến nay Hànội vẫn ra rã trước dư luận là dân Miền Nam đứng lên chống Mỹ, chớ Hànội không có dính dáng gì hết).
Đi từng bước, lần lượt tân chánh phủ sẽ lật lại từng trang giấy ký ngưng bắn trong Hiệp Định Paris, giao cho Trung Quốc cưỡng ép Hànội vào bàn hội nghị nói chuyện ngưng bắn tức khắc.
Quả thật Trung Quốc muốn cứu sống MTGPMN để xây dựng ảnh hưởng của mình tại Đông Dương. Phe quốc gia cũng muốn cứu cấp Sài Gòn đừng lọt vào tay cộng sản. Như vậy hai quan niệm cùng có một mục đích, còn có thể dàn xếp được là tốt hơn cả, vì đừng để cho bên nào thắng.
Tôi cũng thông báo cho ông Minh hay là tôi đã liên lạc với thành viên MTGPMN. Hầu hết đều tán thành giải pháp giúp họ thoát khỏi vòng quỷ đạo của Bắc Việt. Họ chạy theo Hà Nội là muốn tiến thân sự nghiệp chánh trị bằng con đường hợp tác với cộng sản, nếu giúp họ nắm được chánh quyền Miền Nam thì phương tiện dùng cộng sản Bắc Việt đã quá lỗi thời.
Bà Bình từ đầu đến cuối đã hợp tác chặt chẻ với chúng tôi. Thêm một bằng chứng: 17 ngày sau khi Sài Gòn mất, bà Bình còn tuyên bố trước Liên Hiệp Quốc dụng ý tống khứ đạo quân Bắc Việt về bên kia Bến Hải: "Miền Nam Việt Nam sẽ sinh hoạt trong điều kiện trung lập 5 năm trước khi thống nhất hai miền Nam Bắc." Các nhà phân tích thời cuộc nói chỉ cần 5 tháng Miền Nam sống dưới chánh phủ trung lập thay vì có diễm phúc 5 năm, có lẽ hòa bình Việt Nam sẽ ở trong hoàn cảnh thơ mộng tươi đẹp rồi. Bà Bình bị thất sủng sau lời tuyên bố đó.
Nước Pháp sẽ trao 300 triệu quan chuyển tiếp từ chế độ Việt Nam Cộng Hòa giao cho tân chánh phủ để nuôi sống giải pháp trung lập. Chúng tôi sẽ quyên góp các nước bạn đồng minh Âu Châu một ngân khoảng độ 290 triệu mỹ kim cho các chương trình viện trợ kinh tế, văn hóa, phát triển nông nghiệp, nhân đạo v.v... tổng cộng cũng gần bằng viện trợ của Hoa Kỳ trước đây.
Bấy nhiêu đó cũng đủ nuôi dưỡng tạm thời chánh phủ Dương văn Minh Trần văn Trà, để rồi người quốc gia tranh thủ với cộng sản duy trì một Miền Nam không nhuộm đỏ màu cờ.

Đại tướng Dương văn Minh không nói chi nhiều, ông lắng nghe tôi trình bày cặn kẻ từng kế hoạch, và nói ông sẵn sàng thực hiện theo quan điểm của chúng tôi. Ông chỉ nêu một câu hỏi duy nhất:
- "Dưới hình thức nào tôi thay thế cụ Trần văn Hương để thành lập nội các để thương thuyết với phía bên kia?"
- "Thưa Đại tướng, cụ Trần văn Hương hôm qua vừa thảo luận với chúng tôi là sẽ trao quyền chánh phủ Việt Nam Cộng Hòa lại cho Đại tướng, nếu Đại tướng có một kế hoạch không để mất Sài Gòn."
Sự thực từ lúc ông Thiệu tuyên bố từ chức, ông Minh đã nhiều lần thúc hối chúng tôi tiến dẫn ông nắm chánh quyền ngay lúc ấy.
Chúng tôi chưa nhận lời yêu cầu này. Chúng tôi chưa nhận lời yêu cầu đó vì chưa tiếp xúc được với thành phần MTGPMN. Hơn nữa ông Minh ra lãnh đạo guồng máy quốc gia không mang điều mà thế giới mong đợi sau khi Hoa Kỳ rút đi. Khi chúng tôi giới thiệu tướng Minh sẽ là nhân vật cho ván bài trung lập của Pháp tại Việt Nam thì cụ Trần văn Hương sửng sốt và tỏ vẻ phiền trách: "Nước Pháp luôn luôn bẻ nho trái mùa! Tưởng chọn ai chớ chọn Dương văn Minh, nó là học trò tôi, tôi biết nó quá mà. Nó không phải là hạng người dùng trong lúc dầu sôi lửa bỏng... Tôi sẽ trao quyền lại cho nó nhưng nó phải hứa là đừng để Sài Gòn thua cộng sản." Có sự hiện diện của ông Trần chánh Thành là người rất am tường thực chất cộng sản, chúng tôi giải thích với cụ là Bắc Việt rất sợ MTGPMN đoạt phần chiến thắng, công khai ra mặt nắm chánh quyền. Chúng ta nên nắm ngay nhược điểm của họ mà xoay chuyển tình thế. Nếu để một nhân vật diều hâu lãnh đạo, Bắc Việt sẽ viện cớ Việt Nam Cộng Hòa không muốn hòa bình rồi thúc quân đánh mạnh trong lúc quân đội chưa kịp vãn hồi tư thế phản công. Tạm thời dùng công thức hòa hoãn thôi.
Cụ Trần văn Hương thông cảm kèm theo lời thở dài tỏ ra mất tin tưởng. Kế hoạch của chúng tôi vô tình đã đè bẹp tinh thần chống cộng sắt đá của cụ. Theo cụ thì giải pháp hữu hiệu là bỏ ngỏ Sài Gòn, tổng động viên những vùng đất còn lại để tiếp tục đánh cộng sản. Chọn giải pháp này sẽ đổ máu thêm, nhưng chiến tranh nào mà không đổ máu, ít nhất Việt Nam Cộng Hòa không thua một cách mất mặt.
Mười năm sau tôi thấy kế hoạch của cụ Trần văn Hương đúng. Nếu lúc bấy giờ các nhà lãnh đạo quân sự Miền Nam đừng bỏ chạy quá sớm, yểm trợ cụ, thì có thể gở gạc được thể diện người Quốc gia Miền Nam.
Tôi kính mến cụ Trần văn Hương, người Việt Nam nhận xét cụ bất tài, già nua lẩm cẩm, song chúng tôi thấy cụ là một người Việt Nam trung tín, sống chết cho lý tưởng, can đảm trước mọi tình huống. Năm 1976, nghe cụ bị bệnh nặng, thiếu thốn phương tiện chữa trị, chúng tôi yêu cầu Tổng lảnh sự Pháp ở Sài Gòn vận động với nhà cầm quyền Hà Nội cho cụ sang Pháp chữa bệnh. Hà Nội còn cần Pháp làm giao điểm tuyên truyền chủ nghĩa xã hội, sẽ không làm khó dễ trong việc cấp giấy xuất cảnh, nhưng cụ từ chối, quyết định ở lại chết tại Việt Nam. Chúng tôi vẫn nhớ lời cụ nói năm 1975: "Ông Đại Sứ à, tui đâu có ngán Việt Cộng, nó muốn đánh tui đánh tới cùng. Tui chỉ sợ mất nước, sống lưu đày ở xứ người ta. Nếu trời hại nước tui mất, tui xin thề ở lại đây và mất theo nước mình." Cụ Trần văn Hương đã giữ lời hứa.
Đại tướng Dương văn Minh ra về, chúng tôi hẹn gặp lại nhau. Trong lúc này, về phía Việt Nam Cộng Hòa, chúng tôi không quên nhắc nhở đại tướng Dương văn Minh gấp rút tổ chức lại quân đội, liên lạc thường xuyên với tướng Nguyễn khoa Nam, khuyến khích vị tướng này giữ vững các vị trí phòng thủ để còn một mảnh đất làm địa bàn ăn nói khi thương thuyết với phía bên kia. Ngay lúc đó tôi biết ông Dương văn Minh cách đây hai ngày đã liên lạc với người em ruột là thiếu tướng Dương văn Nhật, nhờ môi giới để nói chuyện thẳng với Bắc Việt. Vì hấp tấp, nông cạn, ông tưởng em ông có đủ tư cách đại diện cộng sản ngưng bắn tại Miền Nam. Từ chỗ móc nối sai lệch, tình thế đã xỏ mũi ông đến chỗ phá nát bấy hết kế hoạch hòa bình Việt Nam.
(Ghi chú của dịch giả: Dương văn Nhật không phải là một thiếu tướng mà chỉ là một thiếu tá thường, trực thuộc MTGPMN nên không phải là một nhân vật quan trọng. Cộng sản đã cho về liên lạc thường xuyên với Dương văn Minh trước đó như là một liên lạc viên xoàng để săn tin mà thôi, và đã được lệnh kín đáo nằm luôn tại nhà Dương văn Minh từ khi chúng tiến chiếm tỉnh Ban mê thuột. Có lẽ ông Dương văn Minh muốn đưa em ông lên hàng tướng vì lý do thể diện chăng? Sau 30/4/75 chỉ mới là trung tá).

LÊ ĐỨC THỌ THÓA MẠ TÔI:
Chuông điện thoại reo. Đầu dây bên kia tự giới thiệu:
- "Chào ông Đại Sứ, tôi là B trưởng B2 đây."
Tôi chào lại và rất ngạc nhiên không biết B trưởng B2 là nhân vật nào. Thái độ thiếu lịch sự xã giao qua lời giới thiệu tên họ chức phận bằng bí danh của đầu dây bên kia chứng tỏ họ coi thường chúng tôi. Tôi gằn mạnh từng tiếng:
- "Nếu đầu dây bên kia muốn trao đổi câu chuyện với tôi thì nên tỏ ra lịch sự một chút. Khi tiếp xúc với một nhà ngoại giao thì dù thù hay bạn cũng vậy. Thưa ông B trưởng B2, chắc ông thừa hiểu ông đang nói chuyện với Đại sứ nước Pháp, và bắt buộc tôi phải cúp nếu ông không nói tên họ, chức phận. Nguyên tắc của ngành ngoại giao đối lập với ngành gián điệp là không tiếp xúc với hạng người bí mật."
B2 xin lỗi tôi liền khi đó, bảo rằng ông ta sợ CIA phát hiện sự có mặt của ông ở Miền Nam trong lúc hoàn cảnh chưa cho phép ông xuất đầu lộ diện. Ông cũng rất phiền khi bị ép buộc nói tên họ:
- "Thưa ông Đại sứ, tôi là Lê đức Thọ, Tổng tư lệnh chiến dịch Hồ chí Minh."
Thì ra là Lê đức Thọ, con người khuynh đảo trong các cuộc hòa đàm Paris. Tiểu sử Thọ từ năm 1937 chúng tôi có đầy đủ trong tay, duy tôi chưa gặp mặt nên không nhận được giọng nói qua điện thoại. Sau Tết Mậu Thân, Phòng nhì Pháp đã có đủ tài liệu để biết Lê đức Thọ là Tổng chỉ huy bộ máy chiến tranh tại Miền Nam. Y từ Nga trở về hồi tháng giêng 1975, và đi thẳng vào Nam trực tiếp chỉ huy tổng tấn công Sài Gòn. Mà Phòng nhì biết thì CIA cũng biết.
Tôi nói:
- "Chào ông Tổng tư lệnh, qua vai trò trung gian và với thiện chí lớn lao nhất, nước Pháp hết lòng đứng ra hòa giải các phe tranh chấp để sớm đạt được một nền hòa bình tại Việt Nam. Ông Tổng tư lệnh có cần gởi đến chúng tôi những quyết định gì từ phía Bắc Việt nhằm tức khắc giải quyết chiến tranh không? Chúng tôi sẽ chào mừng quyết định của quí vị.’
Thấy mình là kẻ chiến thắng trong canh bạc về sáng, Lê đức Thọ tố xả láng, không cần che đậy bề trái của sự thật nữa:
- "Quyết định của đảng cộng sản chúng tôi là đánh gục Mỹ, thống nhất hai miền Nam Bắc, xây dựng nước Việt Nam theo con đường Mác xít Lê nin nít".
- "Thưa ông Tổng tư lệnh, đó là mục đích. Còn quyết định chấm dứt cảnh cốt nhục tương tàn của người Việt, chưa thấy đảng cộng sản Việt Nam nói tới?"
Lê đức Thọ hùng hồn giảng thuyết (chỗ này ông Mérillon không cho biết Lê đức Thọ nói bằng tiếng gì, vì y nói tiếng Pháp còn kém lắm):
- "Thưa ông Đại sứ, tôi xin nói về chính danh và ý nghĩa cuộc chiến đấu của chúng tôi. Sau khi đánh bại bọn đế quốc Pháp, đảng và nhân dân chúng tôi tiếp tục sự nghiệp đánh bọn ngoại xâm đế quốc Mỹ. Cuộc chiến đấu này từ lâu đã được nhân dân thống nhất thành một phong trào chống Mỹ. Từ ngữ "cốt nhục tương tàn" tôi bảo đảm với ông đại sứ là do bọn tay sai ngụy quyền Sài Gòn khơi lên để kêu gọi lòng thương hại của chúng tôi, chớ không phải lời oán than từ phía nhân dân. Xác nhận như vậy để ông đại sứ thấy rằng chúng tôi chưa hề chính thức hóa một nghị trình hòa giải nào với bất cứ đảng phái nào tay sai trong Miền Nam với quyết định của chúng tôi là để thắng chớ không phải để hòa giải."
- "Thưa ông Tổng tư lệnh, trường hợp này thì vị trí của MTGPMN ở đâu?"
- "Nó sẽ đứng ở chỗ giải tán khi: một là Đại sứ Mỹ bị bắt, hai là cuốn cờ bỏ chạy trước khi người cộng sản yêu nước tiếp thu Sài Gòn".
- "Nếu đúng như thế, MTGPMN không phải là một thực thể riêng biệt, tách rời quyền lực Hà Nội đứng lên chống Mỹ từ 15 năm qua, và các ông đã lừa gạt dư luận quốc tế."
- "Thưa ông Đại sứ, dư luận quốc tế hả? Mà dư luận nào mới được chớ? Nếu dư luận quốc tế thuộc khối tư bản thì không xứng đáng để phẩm bình. Đối với nước Pháp chúng tôi xem là bạn. Thưa ông Đại sứ, chúng ta sẽ bang giao trong tình hữu nghị giữa hai nước."
- "Trung Quốc đang yêu cầu chúng tôi dàn xếp một cuộc đình chiến tại Việt Nam, ông nghĩ sao?
- "Trung Quốc thuộc bọn xét lại, đã biến thể và phản bội nghĩa vụ giải phóng nhân loại qua chủ nghĩa Lênin. Mọi việc nhúng tay vào của Trung Quốc chúng tôi xem đó là hành động thù nghịch. Riêng ông Đại sứ, ngay bây giờ xin ông nhận lời cảnh cáo của chúng tôi. Nếu ông Đại sứ còn tiếp tay với Trung Quốc và các thế lực ngoại bang khác ngăn cản đà chiến thắng chống đế quốc Mỹ ở Miền Nam, thì 24 giờ sau khi tôi đặt chân vào Sài Gòn tôi sẽ trục xuất ông Đại sứ ra khỏi Việt Nam."
- "Làm như vậy ông không ngại gây sự hiềm khích giữa hai nước sao?"
- "Không, Chánh trị và quyền lợi không chú ý tới những vấn đề nhỏ nhặt giữa hai nước. Pháp còn quyền lợi tại Việt Nam. Pháp đừng nên gây hấn với Việt Nam bằng giải pháp trung lập này nọ, cũng đừng nên chen vào nội bộ của chúng tôi."
- "Thưa ông Tổng tư lệnh, ông nên nhớ Pháp ngày hôm nay không phải là Pháp đô hộ ngày hôm qua. Pháp chẳng có quyền lợi gì nếu phải bang giao với một nước Việt Nam cộng sản. Nếu ông cảnh cáo chúng tôi, bù lại xin ông và đảng cộng sản Việt Nam tiếp nhận lời cảnh cáo của chúng tôi là số tiền 300 triệu hằng năm viện trợ Miền Nam và 200 triệu viện trợ nhân đạo cho Bắc Việt sẽ không được chuyển giao nếu giải pháp trung lập bị bác bỏ một cách vô nhân đạo."
Lê đức Thọ có vẻ căm tức, nhưng lần này vì lịch sự, y nói vài lời cáo lỗi rồi cúp điện thoại, đúng với ý muốn của tôi.
Thật ra chúng tôi cũng vẫn biết cuộc chiến tranh này do tập đoàn Hà Nội quản lý từ đầu đến cuối, nhưng không trắc nghiệm được phản ứng ngang tàng của họ mà đại biểu chánh thức là Lê đức Thọ, nhất định nuốt Miền Nam bằng lá bài quân sự.
Sự kiện này đã khuyến khích tôi tìm kiếm những phương pháp cấp thời chỉnh đốn lại quân đội Việt Nam Cộng Hòa giữ vững phòng tuyến để kéo dài thời gian mặc cả.
Tôi rất ghét người cộng sản thiếu quân tử (đó là cái chắc!) khi họ thắng trận. Lê đức Thọ là một điển hình. Năm 1964 Thọ đã từng xin chúng tôi giúp y nói chuyện trực tiếp với Hoa Kỳ, chúng tôi không hề từ chối. Bất cứ điều gì cần đến, nếu thỏa mãn được thì chúng tôi cho ngay. Họ có mang ơn nước Pháp chớ nước Pháp chưa hề chịu ơn họ. Đến khi nước Pháp muốn Việt Nam có hòa bình trên nền tảng trung lập có thành phần quốc gia tham dự, Hà Nội đã bạc ơn từ chối.
Khi xe tăng Nga vượt hàng rào Dinh Độc Lập lúc 11 giờ sáng thì tới 3 giờ chiều Lê đức Thọ ngồi trên xe Falcon đến tòa Đại Sứ Pháp xấc xược đi thẳng vô phòng tôi nói:
- "Mérillon, tôi đến đây tống cổ ông rời khỏi Sài Gòn trước 9 giờ sáng mai".
Tôi gật đầu. Sáng hôm sau ngày 1-5-75, Thọ còn hạ nhục tôi bằng cách cho công an xét va li và bắt tôi phải ra Hà Nội trước khi về Pháp. Tôi phản đối. Khi phi cơ cất cánh, tôi ra lệnh cho phi công bay luôn sang Bangkok thay vì ra Hà Nội.
Hành động sỉ nhục một Đại sứ, Lê đức Thọ và công an Việt Nam phải trả một giá rất đắt. Tổng số ngân quỹ viện trợ nhân đạo hằng năm nước Pháp quyết định để dành mua sinh mạng người Miền Nam Việt Nam không hề cho Hà Nội một cắc nào suốt 10 năm sau.

Ngày 27 tháng 4/1975
Chiều ngày 27/4/75, tôi nhận được tin rất phấn khởi: Tướng Trần văn Trà bắn tin nhờ tôi cấp tốc thành lập chánh phủ trung lập và ông gởi gấp hai nhân vật thân tín của ông vào chánh phủ, là bà Nguyễn thị Bình và ông Đinh bá Thi (ông này bị Hà Nội giết vài năm sau bằng tai nạn xe hơi tại vùng Rừng Lá Phan Thiết, sau khi bị Hoa Kỳ trục xuất về tội mua tài liệu tình báo kỹ thuật cho Liên Xô - Lời dịch giả). Tùy viên quân sự của chúng tôi cũng xác nhận là 2 sư đoàn tập kết của Trần văn Trà sẽ vào tiếp thu Sài Gòn, phỏng tay trên của đạo quân Văn tiến Dũng.

CÁC TƯỚNG LÃNH BỊ NHỐT TẠI BỘ TỔNG THAM MƯU:
Chứng cớ mà Trần văn Trà lấn quyền Hà Nội trong mưu đồ Miền Nam tự trị được thể hiện ngay sau ngày 30/4/75. Trần văn Trà chạy nước rút, tự ý thành lập Ủy Ban Quân Quản Sài Gòn Gia Định hầu làm bàn đạp cho MTGPMN nhảy lên nắm chánh quyền trước khi Bắc Việt an bài chế độ cộng sản. Chung một mục đích: Bắc Việt đoạt chánh quyền để bành trướng chủ nghĩa cộng sản, còn MTGPMN cướp chánh quyền với thâm ý tạo sự nghiệp danh vọng cá nhân. Hà Nội có Nga Sô làm điểm tựa, có toan tính theo từng sách lược, còn MT là những chánh trị gia thời cuộc có tính cách giai đoạn nên cuối cùng bị thua trắng tay, bị cưỡng bức phải giải tán, cán bộ bị hạ từng công tác (hay thanh trừng) trong thầm lặng.
Dựa theo quan niệm "còn nước còn tát", chúng tôi không bỏ lở một cơ hội nào có thể duy trì nhịp thở của Việt Nam Cộng Hòa đang hấp hối vào giờ cuối của cuộc chiến. Lúc 9 giờ tối ngày 27/4/75, chúng tôi họp với các tướng lãnh De Séguins, Pazzi, Bigeard, Langlais, Vanuxem, Gilles, Pierre Bodet. Các tướng này đến Sài Gòn ngày 16/4 trong hảo ý phối hợp với các tướng lãnh Việt Nam từng được Pháp đào tạo trước kia để phản công lại Bắc Việt. Họ đến với tư cách cá nhân.
Qua lời xác nhận của tướng Gilles, chỉ huy quân đoàn nhảy dù Pháp trong trận Điện biên Phủ, thì thiếu tuớng Phạm văn Phú không phải thuộc hàng tướng lãnh bỏ lính khi thua trận và chạy dễ dàng như vậy. Tướng Gilles yêu cầu tôi can thiệp với chánh phủ Việt Nam Cộng Hòa trả tự do cho tướng Phú lúc đó đang bị ông Thiệu nhốt chung với các tướng lãnh khác trong Bộ Tổng Tham Mưu. Ông Thiệu đã làm một việc quá nguy hiểm. Đang lúc quân đội cần tướng mà tướng lãnh bị tống giam, như vậy là có ác ý đập tan nát Bộ Tham Mưu Hành Quân của Việt Nam Cộng Hòa.
Ngày 29/4, tướng Phú nằm trong bệnh viện Grall. Tôi điện thoại trấn an ông, yêu cầu ông đừng bỏ đi sẽ tạo thêm tình trạng hỗn loạn hoang mang cho binh sĩ. Ông hứa sẽ không bỏ chạy, nếu không phản công giữ được Sài Gòn thì ông thề bỏ xác tại bệnh viện này. Tướng Phú đã giữ lời hứa. Ông là một tướng lãnh mà chúng tôi hết sức tin tưởng trong ván bài trung lập sau Dương văn Minh. Tối 29/4, được tin Dương văn Minh sẽ đầu hàng cộng sản vào sáng mai, ông đã dùng độc dược tự sát.
Các tướng lãnh Pháp cũng đề nghị tôi thực hiện kế hoạch bỏ trống Sài Gòn qua 2 giai đoạn:
- Giai đoạn 1.- Rút phân nửa quân gồm lực lượng tự vệ, an ninh, cảnh sát, những binh đoàn nhảy dù, thủy quân lục chiến, biệt động quân, và các binh chủng thuộc bộ binh, lén di chuyển lúc nửa đêm, sau lưng cộng sản đi lên các tỉnh Bình Dương, Tây Ninh, Phước Long, với nhiệm vụ tái phối trí lực lượng và bồi dưỡng tinh thần binh sĩ.
Phân nửa kia, gồm Hải quân và Không quân di chuyển về miền Tây để dùng cho các trận chiến sông ngòi, cắt đường tiến của cộng sản tràn xuống Quân khu 4. Mời hai tướng Dương văn Minh và Trần văn Trà công bố chánh phủ trung lập. Sài Gòn là vùng phi quân sự nơi chỉ nói chuyện, thương thuyết bằng giải pháp chánh trị. Sài Gòn không có quân, cộng sản không có cớ đễ tàn phá.
- Giai đoạn 2.- Phản công trên cơ sở du kích, chiếm lại lần hồi đất đai đã mất và chờ quân viện mới. Thay thế chánh phủ trung lập bằng một chánh phủ lưu vong Việt Nam Cộng Hòa. Vai trò Dương văn Minh đến đây coi như chấm dứt. Các tướng Phạm văn Phú, Nguyễn khoa Nam, Lê nguyên Vỹ, Ngô quang Trưởng được xem là thành phần chủ lực cho chiến trường tương lai.
Các tướng lãnh hồi hưu Pháp quả quyết sẽ tìm được nguồn quân viện chẳng mấy khó khăn, qua sự đóng góp của các cựu quân nhân Anh, Pháp, Hoa Kỳ, Do Thái... nếu có lời kêu gọi của Hiệp Hội Cựu Quân Nhân Thế Giới Tự Do.
Sáng ngày 28/4/75, tôi chuyển hết kế hoạch này cho Dương văn Minh và định tối 28 thì sẽ hoàn tất kế hoạch.

KẾ HOẠCH CHƯA ĐƯỢC THỰC HIỆN?
Đại tá tùy viên quân sự của chúng tôi trình bày tỉ mỉ về quân số của đôi bên.
- Quân cộng sản Bắc Việt hiện đang bao vây Sài Gòn gồm các sư đoàn 304, 308, 312, 320, 322, 325 và 2 sư đoàn MTGPMN, 300 thiết giáp, 600 đại bác đủ loại. Tổng cộng quân số khoảng 70.000, tính cả lực lượng trừ bị. Đúng như lời Trung Quốc thông báo, Hà Nội tung hết quân, bỏ ngỏ Hà Nội. Giá lúc ấy Trung Quốc chỉ cần cho một vài sư đoàn diễn binh trên biên giới Hoa Việt thì lập tức Hà Nội sẽ tự ý ngưng chiến và tán thành chánh phủ trung lập rất mau lẹ. Rất tiếc.
- Quân số Biệt khu Thủ đô có khả năng tác chiến, có vũ khí trong tay ước được 100.000. Căn cứ vào vũ khí đạn dược, hỏa lực nặng, tiếp liệu, và tinh thần chấp nhận chiến đấu thì Sài Gòn có thể phòng thủ, cầm cự được chừng 7 tháng.
Trong 7 tháng đó biết đâu tình hình lại chẳng thay đổi theo chiều hướng khác? Chúng tôi đưa ra sự kiện này nhằm bác bỏ lập luận nói rằng cộng sản Việt Nam sẽ thiêu hủy Sài Gòn với số quân gấp 5 lần.
Kinh nghiệm bọn Khmer Đỏ chiếm Phnom Penh ngày 17 tháng 4/75, đã xảy ra tình trạng chém giết hỗn loạn nguy hiểm đến sinh mạng Pháp kiều và các phóng viên ngoại quốc, cần Tòa Đại sứ Pháp che chở. Vì vậy ngày 19/4/75 tôi đã yêu cầu Bộ Ngoại Giao Pháp tăng phái cho chúng tôi một trung đội thủy quân lục chiến từ Nouvelle Calédonia đến Sài Gòn để bảo vệ sứ quán. Lại yêu cầu các vị Lãnh Sự ở Đà Nẵng, Cần Thơ, Đà Lạt, Huế gấp rút kiểm tra lại tổng số Pháp kiều, và phải tiếp tục ở lại nhiệm sở để trấn an dư luận. Khi đó có 722 người là người Pháp chính gốc, 9500 người có quốc tịch Pháp, 11.000 trẻ em lai Pháp sống tại các cơ quan từ thiện. Tất cả 21.000 người này sẽ được đưa về Pháp định cư. Tuy nhiên để cứu thêm mạng người, chúng tôi sẽ gởi cho Hà Nội danh sách đăng ký cho hồi hương thêm những người hồi tịch Pháp, cựu quân nhân tham dự bên cạnh quân đội Pháp trong hai thế chiến, công chức thời Pháp và nhân viên làm việc trong các cơ sở tư nhân Pháp trên lãnh thổ Việt Nam. Mỗi người hội đủ điều kiện như vừa quy định có thể kéo thêm gia đình anh em ruột thịt, con cháu dâu rể bên ngoại cũng như bên nội. Kết quả chúng tôi đem về Pháp tất cả 80.000 người. Để mua thêm người cộng tác với Pháp, mỗi năm chánh phủ Pháp phải trả cho cộng sản máy cày, dược phẩm, các bộ phận bảo trì công ty nhà đèn, thủy cục, nông phẩm v.v...
Chiều 28/4, tướng Pazzi xuống Cần Thơ gặp tướng Nguyễn khoa Nam. Sau đó khi trở về tướng Pazzi cho biết miền Tây rất khả quan, chỉ có quốc lộ 4 tạm thời bị cắt đứt. Tướng Nguyễn khoa Nam đã hai lần yêu cầu ông Dương văn Minh cho phép ông đem quân giải tỏa Quốc lộ 4, phản công, nhưng Dương văn Minh dặn đi dặn lại mấy lần là đừng phản công mạnh, tạm thời ở tư thế chờ, để ông tìm giải pháp chánh trị tại Sài Gòn. Tướng Nam than thở với tướng Pazzi: "Nếu tôi đánh mạnh là bất tuân thượng lệnh, nếu tôi đánh nhẹ thì tinh thần binh sĩ mất hết. Đến giờ này mà bức màng chánh trị còn bịt mắt quân đội. Ông nói lại với tướng Minh giùm là nước tràn bờ mà không cho đắp đê ngăn lại! Ông làm chứng giùm tôi: Quân đoàn 4 chúng tôi không thua. Chính trị Sài Gòn đã trói tay chúng tôi bắt buộc chúng tôi phải thua."
Sáng ngày 30/4/75, sau khi nghe Dương văn Minh đọc bản "trao nước cho giặc", tướng Nguyễn khoa Nam cùng nhiều tướng lãnh liêm sĩ khác đã chọn câu nói của Voltaire để giữ danh dự của người làm tướng; "Còn giữ được danh dự là chưa mất mát nhiều."
Trời đã vào đêm rồi. Đại bác, súng liên thanh nổ gần hơn. Làn sóng người ngơ ngác tìm đường chạy trốn cộng sản nghẹt cứng cả thành phố. Ông Đại tướng Dương văn Minh đâu? Tướng Trần văn Trà đâu? Tại sao những người này không xuất hiện để thành lập chánh phủ liên hiệp? Tôi tự hỏi như thế.
Tôi lo lắng, gọi điện thoại về nhà ông Dương văn Minh. Người trả lời là trung tá Đẩu, chánh văn phòng: "Dạ thưa ông Đại sứ, Đại tướng chúng tôi hiện đi lên Xuân Lộc thương thuyết với người phía bên kia."
Bỗng nhiên đầu óc tôi căng cứng từng mạch máu, tay chân bủn rủn. Ông Minh lên Xuân Lộc có nghĩa là gặp trực tiếp thượng tướng Lê đức Anh, phụ tá Văn tiến Dũng, nơi đây đang có mặt Lê đức Thọ. Tức là ông Đại tướng đi thẳng với phe Bắc Việt. Ông Minh đi trên tư thế nào? Quân không có, quan cũng không, chánh phủ chưa có gì hết. Như vậy chỉ là đi đầu hàng Bắc Việt. Công việc này không cần đến một Đại tướng! Trao cho một em bé đánh giầy 10 tuổi cũng làm được.
Cái hướng mà ông Minh cần đi là hướng Củ Chi, nơi thượng tướng Trần văn Trà đang chờ... Chờ đến kiếp sau!
Những gì mà ông Minh hứa với chúng tôi đã như nước đổ lá khoai. Bao nhiêu kế hoạch, bao nhiêu công trình vận động, phút chốc ông Minh làm tiêu tan hết. Lại còn dối gạt các tướng lãnh yêu nước khác, gây ra sự chậm trễ phản công giờ chót, bởi đa số đều tưởng ông Đại tướng có phép lạ, sáng chế được công thức ngưng bắn tại chỗ để phe quốc gia không bị thua trong nhục nhã.
Thâm ý của ông Minh là muốn đầu hàng, sau đó ngồi ăn, hưởng cho đến già.
(Lời dịch giả.: Thật đúng như ông Mérillon đã nói, từ ngày 30/4/1975 cho đến ngày nay 1996, Dinh Hoa Lan của ông Minh không mất một chiếc đũa, không mất một cành hoa, một bụi cỏ nào.
Khi ông rời Việt Nam để đi định cư ở Pháp với toàn bộ gia đình, ông được tự do mang theo bất cứ thứ gì ông muốn, từ những món đồ cổ đến những kỷ vật, thượng vàng hạ cám... cộng sản phải dùng mấy xe vận tải đưa các thùng tài sản của gia đình ông xuống bến tàu cho ông. Dinh Hoa Lan ở đường Testard, bất động sản riêng của ông được ông giao cho trung tá Khử giữ gìn và quản lý, đến giờ này không một tên cộng sản nào dám đụng đến. Trung tá Khử hiện là chủ một vườn trồng lan tại Thủ Đức, cuối thập niên 80 là tổng thơ ký của Hội Hoa Lan Việt Nam).
Ngày 29/4/1975, 8:00 giờ tối, sau khi nhận lãnh chức Tổng Thống do cụ Trần văn Hương bàn giao lại, ông Minh điện thoại xin lỗi chúng tôi, bày tỏ sự hối tiếc đã không hợp tác được với chánh phủ Pháp. Cách duy nhất mà ông phải chọn là đầu hàng Bắc Việt mới mong cứu sống được thủ đô Sài Gòn.
Tôi lạnh lùng trả lời một câu duy nhất:
- "Thưa Đại tướng, chúng tôi cũng rất lấy làm tiếc. Giờ cuối cùng của chiến tranh Việt Nam cần có một người lãnh đạo cương quyết, dám dấn thân, nhưng chúng tôi lại đi chọn lầm một bại tướng."
Tôi cúp điện thoại ngay, và từ 10 năm qua tôi không hề và cũng không muốn liên lạc với ông ta nữa.

NGÀY 1 THÁNG 5:
Lúc phi cơ xoay qua một độ nghiêng, lấy hướng qua Bangkok, tôi nhìn xuống Sài Gòn lần chót. Tự nhiên trong lòng tôi dâng lên một niềm ngậm ngùi thương tiếc tất cả những gì đang xảy ra dưới đất. Tôi như người bại trận, hay nói cách khác, tôi xin được làm bạn với người bại trận, một người bạn đã không chia xẻ mà còn bắt buộc Việt Nam Cộng Hòa phải gánh chịu hết tất cả... trong những ngày sắp tới.
Việt Nam và tôi có rất nhiều kỷ niệm, có quá nhiều quan hệ mật thiết suốt đời không phai lạt. Sống ở Việt Nam lâu năm, tôi cảm thấy thương xứ sở này. Tội nghiệp cho họ, họ có thừa khả năng dựng nước, nhưng cái quyền làm chủ quê hương đã bị các cường quốc chuyền tay nhau định đoạt. Tôi xin lỗi người Việt Nam. Tôi đã làm hết sức mình nhưng không cứu vãn được nền hòa bình cho dân tộc Việt. Vĩnh biệt Sài Gòn, Sài Gòn vẫn hồn nhiên với những mạch sống dạt dào ơn nghĩa, một khi đã chọn bạn hữu thâm giao.
Năm 1979, Đại sứ Võ văn Sung có thư mời tôi trở lại thăm Sài Gòn. Tôi từ chối với lý do không quen với cái tên Hồ chí Minh. Sài Gòn đã mất, tôi trở lại đó thăm ai? Ở đời có khéo lắm cũng chỉ gạt được người ta lần thứ hai, làm sao lừa dối được người ta lần thứ ba?
Người cộng sản giả bộ ngây thơ (ở một khía cạnh nào đó) nên tưởng nhân loại cũng đều ngây thơ như họ. Liên tục nói dối hàng bao nhiêu năm, tưởng như vậy quần chúng sẽ nhập tâm tin là thật. Họ lầm. Nói láo để tuyên truyền chỉ có lợi trong chốc lát, nhưng về lâu về dài thì chân lý của loài người sẽ đè bẹp họ. Ngày xưa Liên Xô đã xiết chặt sai khiến họ, dùng Việt Nam làm phương tiện đóng góp cho Nga. Họ có muốn thoát ly, có muốn nhờ Tây Phương tháo gở cho họ cũng không được nữa, vì đã từng phạm lỗi lớn là đã lường gạt Tây Phương…
Sau hết, chế độ Việt Nam Cộng Hòa thua, nhưng thật ra người Việt Nam chưa thua cộng sản. Trận chiến chưa chấm dứt vào ngày 30 tháng 4 năm 1975.
Jean-Marie MÉRILLON
Cựu Đại Sứ Pháp tại Việt Nam

https://hon-viet.co.uk

______________

Comments:

Gần đây, các anh chị mới đưa bài Những Ngày Cuối Cùng Của VNCH. Tôi xin có ý kiến về vài này như sau.
Bài này đã loan truyền trên mạng từ mấy năm trước và hoàn toàn bịa đặt.
Trước hết là dịch giả Dương Hiếu Nghĩa. Có phải là cựu đại tá Dương Hiếu Nghĩa không? Không có bằng chứng về dịch giả Dương Hiếu Nghĩa.
Nội dung bài này bịa đặt. Tôi đã hỏi anh Trần Anh Tuấn (trước kia là phụ khảo môn Sử tại DHVK Saigon). Anh Tuấn cho biết: ông cựu đại sứ Pháp tại VNCH không hề viết hồi ký. Anh TAT có bài trên Ái Hữu DHSP SG. Xin anh chị hòi lại anh Tuấn thì rõ.
Tôi đã đọc thư của giáo sư Hoàng Ngọc Thành (trước kia giảng dạy môn sử tại DHSP Saigon) về vụ này, lâu ngày, không nhớ rõ xuất xứ. Giáo sư cho biết đã cố gắng liên lạc với ông cựu đại sứ Pháp, nhưng không được. Vậy thì vẫn chưa có bằng chứng về tính xác thực của bài này...

Trần Thế Đức  (ĐHSPSG, ban Sử Địa)
28/05/2017

"Những ngày cuối cùng của TT Ngô Đình Diệm"  - Hoàng Ngọc Thành

 

Đăng ngày 22 tháng 05.2017
Bổ túc ngày 31 tháng 05.2017