Sư sở cuồng và người kỹ nữ

Phí Ngọc Hùng

Ngày ấy không xa lắm với thiên niên kỷ này, thị trấn trà đình tửu quán Ryogoku bên đàng có tay xâm mình tên Seikichi. Cứ theo lời bàn dân thiên hạ đồn đãi tài năng của y không thua kém những bực sư trong nghề như Charibun hạt Asakusa hay Yatshuhei miệt Matsushima. Nếu như Yatshuhei vang danh bốn bể xâm da thịt như một bức tranh thủy mặc nước chẩy mây trôi, thì Charibun kỳ tài về xâm mặt người qua hình thái huyễn hoặc kỳ ảo. Riêng một cõi Nagoya, đường kim của Seikichi xâm da người rất phóng túng, thanh thoát với thư pháp.
Seikichi ngoài là họa sĩ hâm hâm, còn là nhà sư nhiễu sự. Vì vậy mới có chuyện kể lể để viết thành truyện. Như truyện Thiền sư và thiếu nữ của thiền sư Hakuin. Chuyện rằng…
“…Thiền sư Ikkyu kể cho các thiền sinh nghe một bà lão dựng một căn lều cho thiền sư Hakuin tu tập. Một hôm để thử giác ngộ của sư, bà dẫn một thiếu nữ tới để quyến rũ sư. Khi thiếu nữ ôm sư và hỏi: “Thấy sao?”. Sư trả lời: “Cây khô trên đá lạnh…Có chút hơi ấm cho ba đông”. Bị một cơn gió lạnh lướt qua, đột nhiên Hakuin gục xuống, thiền sư thều thào với thiếu nữ: “Hãy sưởi ấm ta với thân thể ngươi”. Cởi áo ra, phơi bầy trọn vẹn, thiếu nữ ôm Hakuin, sư nằm ngủ nhiều giờ trong vòng ôm của thiếu nữ.
Ikkyu luận công án trên cho thiền sinh của mình: “Nếu nữ nhân ấy ôm ta, thì khúc cây khô của ta cũng sẽ dựng thẳng đứng dậy”. Hakuin ngưỡng mộ Ikkyu vì câu nói đó nên ông giải bày với Ikkyu là ông không quan hệ tình dục với thiếu nữ ấy. Nhưng nếu có thì là một thăng hoa của thiền trong đời sống. Hakuin vẽ bức tranh khỏa thân Nhà sư và thiếu nữ tặng Ikkyu. Ở bức tranh, phần đàn ông của sư dựng dậy, và phóng túng qua chữ thư pháp “Ichi” là “Một”. Góc bức tranh có bài kệ: “Vạn pháp trở về Một, vậy Một quy về đâu”. Hakuin dẫn giải công án về chữ Một: “Ngay trong trận bão dữ dội nhất, cái này của Ta vẫn bất động như…một khúc cây khô”.
Và chuyện thiền rối loạn tiền đình ở trên là vậy đấy, thế đó. Nào có khác gì chuyện Sư sở cuồng và người kỹ nữ ở dưới đây. Thế nên nay xin vào chuyện:
Tăng tịch Nhật không có chức sắc, pháp danh. Pháp y là tăng bào Nhật chứ chẳng phải…cà sa Tàu, là họ đội nón u lờ, đi tất vải thô, guốc mộc quai rơm. Bào choàng bên trong mầu nâu đất, bào ngoài là áo choàng như áo giáp của kiếm sĩ. Thắt lưng có miếng vải nhỏ bắt chéo để thị dân biết ấy là…sư. Là sư tu đạo, ngoài kinh kệ không nói làm gì, sư còn phải học đánh kiếm như một kiếm sĩ (Samurai) thời lãnh chúa Ukyo Dayu chiếm lãnh vùng đất này. Ngoài ra, sư còn học y ma thần tướng để biết tiền căn hậu kiếp của thế nhân. Gặp ba tháng mùa tu đạo, về tổ đình. Chín tháng còn lại, sư tự kiếm chỗ mưu sinh lấy, vì tu theo Tào Động nên sư ăn uống như người ta, có gì ăn nấy, có bia, rượu lại còn vui hơn. Trở về cuộc sống đời thường, sư mặc quần “ka-ki”, áo sư sở cuồng“sơ-mi” trắng giản dị như bất cứ ai khác. Nên chẳng mấy ai hay sư là…sư. Ít nữa chẳng may sư có lấy vợ, cũng chỉ là chuyện bình thường của thiên hạ sự.
Riêng Seikichi trông coi một lữ quán và mượn xâm mình làm cái thú phong dật tiêu dao.
Khi rày Seikichi đã là sư ông, là tên gọi một ông sư lớn tuổi. Có thể vì đậm đặc với tuổi tác nên sư có cái chướng tính của một ông sư, nhẽ này ít ai biết. Họ chỉ biết rằng sư có phong thái phóng khoáng và tài hoa của một nghệ sĩ. Thế nhưng muốn là một nghệ sĩ đích thực thì điều kiện tất yếu là phải biết uống Saké, lập dị và nếu có tự kiêu, tự mãn lại càng hay. Chuyện không hay ho cho mấy nằm trong truyện thiền Vô môn quan của thiền sư Vô Môn tên Ekai. Vô môn quan tạm hiểu theo nghĩa…thiền là: "Thiền không có cửa” và diễn giải thoát ý của người Nhật là "Cửa đã mở ra". Ngay cái tên đã là một công án khó hiểu rồi. Bởi lẽ công án chính là ở câu trả lời, và khi đã có một câu trả lời dễ hiểu thì…Thiền đã chết. Vì vậy với sư ông, vô môn quan được quán chiếu rất…thiền chướng là nếu: “Cánh cửa đóng lại thì chẳng có gì để mà nói”.
***
Chuyện chẳng có gì để mà nói tự thưở nào với cái tính ngang chướng trên của sư là: Chẳng phải bất cứ ai muốn xâm là được, kể cả đàn ông con trai lẫn đàn bà con gái. Sư không bao giờ đặt cái kim lên da thịt người khác nếu như người ấy không có một làn da bắt mắt hay một cá tính để thu hút sư, dù họ có đặt xuống bàn lữ quán một bao vải tiền, sư cũng mặc. Vì sư ông chỉ…“nhất quán” xâm một bài thơ Haiku hoặc giả một chữ thư pháp không thôi do sư chọn, để ám quẻ thiên hạ sự với giác duyên: Mọi sự đều tùy duyên, thay đổi vô thường.
Vì vậy thên hạ sự mau miệng gọi sư là sư sở cuồng.
Như một lần có một cô gái đến để xâm mình. Trong khi chờ đợi sư thiền định, cô lục lọi và tìm thấy một trong những bản vẽ của sư còn lưu giữ lại: Đó là bức tranh vẽ Đắc Kỷ, nàng cung phi sủng ái của vua Trụ. Bức tranh diễn tả vẻ yêu kiều và ngang ngược. Vẻ yêu ma của bà phi tay cầm ly rượu, tựa vào lan can ngắm nhìn người tình cũ của mình đang đợi bị hành hình. Vẻ tàn bạo qua hình ảnh người tình là tay chân bị cột chặt bằng xích sắt vào trụ đồng. Mắt nhắm nghiền, đầu lả về phía bà phi trong tư thế đợi giây phút cuối của cuộc đời để đi vào cõi chết.
Cô gái ngắm bức tranh, ánh mắt cô chợt sáng lên, đôi môi run rẩy. Kỳ dị thay, gương mặt cô phảng phất bỗng giống y khuôn mặt bà phi. Cô như đã tìm ra được cái ngã của mình cất dấu nơi đây. Vừa lúc sư có mặt và buông xả: "Bức tranh này phản ảnh cái vô hình, vô tướng của cô đấy! ". Rồi sư sở cuồng nhăn nhúm bảo cô…vạch áo Kimono ra.
Nhìn da ngực cô trắng như tuyết núi Phú Sĩ. Và sư gật đầu…
sư sở cuồngXâm mỗi giọt mực lên trên làn da, nhất là da ngực đối với sư không dễ dàng và…dễ chịu chút nào. Vì bầu ngực không phải khối thịt nằm yên một chỗ, thịt lại mềm, da ngực vừa mỏng, vừa trơn. Mỗi lần châm một mũi, rút một mũi, sư như cảm thấy đang khắc lên trái tim mình những dấu ấn ấp ủ, dấu mặt ẩn khuất đâu đó.
Đường kim dần dần làm hiện lên trên làn da hình một chữ “Xích”.
Chữ xích đây qua Nhật tự chẳng phải là…”xích sắt” ở tranh Đắc Kỷ, hay mầu đỏ của tim vấy máu. Và xích đây là nhìn lén, hoặc cởi truồng. Để mọi sự đều tùy duyên, thay đổi vô thường, để sau này cô gái ấy trở thành một kỹ nữ ở xóm yên hoa tại thị trấn Kaga.
Và một chữ thư pháp của sư sở cuồng, theo thị phi, bỉ thử có thể thay đổi nhân sinh quan hay thay đổi cả một kiếp người như chuyện người kỹ nữ ở trên. Có người cho rằng ấy là…bùa chú. Vì chữ thư pháp này luôn luôn là hai mầu đen, đỏ. Hay chỉ không đỏ thì đen mà thôi.
Nghe được gọi là…”sư sở cuồng”. Sư chỉ ư à vu vơ:
Vậy ư… Rồi thôi.
***
Qua thư pháp, cứ theo sư phải có dăm khoảnh chữ lơ mơ lỗ mỗ với thượng thông thiên văn, hạ thức địa lý, trung trí nhân sự. Thâm nho hơn nữa với gốc gác chữ thuộc bộ nào, bộ mộc hay bộ thủy này kia, kia nọ. Ngộ chữ nhất là chiết tự, tức bổ xẻ chữ như sợi tóc chẻ làm tư nên có ba, bốn nghĩa khác nhau tùy theo bá quan bá tính. Là sư tu đạo, ngoài kinh kệ không nói làm gì với tu thiền, thiền Nhật, thiền Tàu, thiền ba con khỉ bịt tai, bịt mắt, bịt mồm. Là vì tu theo Tào Động, sư không lệ thuộc vào hình thức, gì cũng đọc tuốt, ngay cả Tây Du Ký với Tôn Ngộ Không. Sư sở cuồng còn phải học đánh kiếm, mà đánh kiếm không bằng thanh kiếm mà bằng…cái đầu. Đã rút kiếm ra mà không tra vào vỏ lại là…bay đầu. Thế nên mới có chuyện đệ tử tầm sư dị. Bằng vào một bữa, có một “sư đồ” xách kiếm gỗ đến trai phòng tìm sư.
Giống như chuyện cô gái “Đắc Kỷ” ở trên, sư đồ nức tiếng là một sa môn thông tuệ nên mầy mò lục lọi những bứa họa cũ bắt gặp hai bức tranh thiền. Bức này với lá trúc mỏng như thanh kiếm sắc. Bức kia có dấu triện đỏ, có con ve sầu có cánh bám trên lá bồ đề.                 
Góc tranh đề tựa bài kệ:
Con ve sầu
Bứt hai cánh
Quả ớt

Chỉ bài kệ ngắn không thôi diễn tả được kiếp nhân sinh và thuyết vạn vật nhất thể của nhà Phật. Sư sở cuồng thảo bài thơ của Yoda ở góc bức tranh. Nét bút tung hòanh như những đường kiếm tuyệt luân, sư muốn kẻ cả cho sư đồ thấy rằng công danh sự nghiệp trong cõi đời này chẳng qua là hư ảo phù phiếm của thế tục. Chỉ là giấc mộng đầu sông cuối bãi đấy thôi.
Vậy đấy. Giống một công án thiền, thí chủ nào mà…ngộ chữ được chữ nghĩa như sợi tóc chẻ làm tư của sư là đạt. Là tự chữa được căn bệnh trầm kha của mình, chẳng cần đến bài thơ Tàu tàu dài ngoằng ngoẵng như…thang thuốc bắc. Riêng thư pháp, thị dân rỉ tai nhau rằng sư có hoa tay, nét chữ có thần khí, sư viết chữ như vẽ. Sư vẽ chữ như tranh lên da người đời như tưới mực lên giấy, sư viết cực lẹ, sư vẽ tuyệt nhanh. Chữ nào cũng sắc nét, đường nét vun vút như múa kiếm. Tác phẩm hoàn tất, cái lưng của thí chủ cử động, chữ như hóa cuồng, động đậy theo. Nào có khác gì chén thố Ngọc tố của Minh Tri thiên hoàng, dưới đáy vẽ một nữ lang đang nằm ngủ. Nhưng rót trà vào. Nhìn xuống lòng chén. Qua nước trà lung linh, qua khói trà bốc khói bóng mây, nữ lang như tỉnh dậy và…ngo ngoe.
Vì là đồng môn, là sư đệ nên sư đồ nhờ cậy sư vẽ lên người mình bài thơ thiền Haiku của Yoda trên. Vì rút kiếm ra loáng một cái bay…hai cánh con ve sầu thật là hiếm có trong kiếm đạo. Sư đồ lẫn đẫn với sư rằng…rằng thiền sư Yoda quả thâm sâu với công án thiền: "Vì con ve sầu như người kỹ nữ (Geisha) về chiều thì thậm xấu mà hát thì thậm hay". Khuôn mặt sư sở cuồng rúm ró như cái bị rách rằng Yoda là sư thơ chứ chẳng phải thiền sư. Sư đồ hỏi sư: “Vậy chứ con ve sầu bị cắt cánh có thể hóa thân thành Phật được chăng”.
Vừa mài mực, sư vừa tụng: “Người đời nay tìm con đường ngộ nhập vào thiền bằng vào những công án, trích dẫn đủ loại luận giải. Đó chỉ là giải thiền ngoài cửa miệng, chẳng mang lại một thực chứng nào cả. Ngay bản thân những thiền sư, không vượt qua những vô minh của chính họ thì làm sao có huệ nhãn hay tâm thức điểm hóa người khác”.
Sư quên rằng sư cũng đang nấp bóng cửa thiền môn. Riêng thân sư, không vượt thoát những u u minh minh thì làm sao có huệ nhãn sư đồ được. Nhưng ấy là chuyện hậu sự.
Nhìn làn da trên lưng sư đồ sần sùi như da cóc quả thật cực hiếm. Sư “vẽ” tâm ý, tâm thức của sư lên da sư đồ. Xong, sư đồ nhìn lưng mình qua gương thấy bài thơ Haiku của…Basho:
Quả ớt
Bứt hai cánh
Con ve sầu
Trong một thoáng chốc, sư đồ thoáng hóa ngộ. Chao ơi, Basho chỉ cần đảo ngược hồi văn bài kệ của Yoda, con ve sầu bị cắt hai cánh hóa thân thành trái ớt. Vậy mà đường trường vạn thủy thiên sơn của con ve sầu có khi trọn đời tu dưỡng trên lá bồ đề chẳng đi đến đâu là trở về với cái ngã của chính nó. Nghĩ cho cùng, ngay cả sư đồ chưa chắc đã vượt qua nổi cái kiếp nặng căn của mình. Sư đồ cảm thụ được tri thức nội giới, chẳng do từ những cảm nhận ngoại giới. Có người dốc tâm tu niệm, lòng thành rộng tợ biển, y quyết lớn tợ non nhưng đến lúc nhắm mắt xuôi tay vẫn chưa thành chánh quả. Hiểu theo nghĩa là họ đã…chết trước khi sống. Vì vậy họ phải có túc duyên với nhà Phật, phải có lần nào đó trong đời chứng ngộ ra chỗ tinh diệu của đạo pháp. Trong một sát na, sư đồ ngã mạn giữa mê và ngộ.
Đi tìm đạo, đạo là đường, sư đồ nghĩ muốn đi đường tắt để đạt đạo như con ve sầu nó phải cắt đi hai cánh. Trong một sát na cực hiếm hoi, sư đồ rút thanh kiếm gỗ chặt đứt vô minh trong càn khôn bằng cách hoa kiếm chém phăng…trái ớt của mình và quăng xuống hồ cá Koy ngoài vườn thiền. Thu kiếm tra vào vỏ trả lại cho nhà chùa. Ngửng đầu nhìn gió thổi mây bay, sau một mùa hạ đầy nắng quái. Sư đồ tìm về cái ngã của mình bằng vào đầu đội nón mê, chân đi dép cỏ…đi xuống phố mở một lữ quán có thùng tắm bùn, có rượu Saké nóng.
Từ chuyện sư đồ hoàn tục. Thị dân to nhỏ…“quả ớt” của sư sở cuồng chẳng những không còn nguyên trái nữa, mà bất động như…một khúc cây khô. Nào khác gì sư mõ. Nào có khác gì sư đồ. Nay sư sở cuồng như người cõi trên sống ở một cõi khác, và…sống cũng như chết.
Bị gọi là “sư mõ”. Sư chỉ ư hử buông hai tiếng…buông xuôi:
Vậy ư…Rồi cũng thôi…
***
Vì sư nửa tu nửa tục, nghe nói trong sư từ lâu chôn dấu những cuồng vọng khép kín tự thưở nào. Đó là những khoái cảm ít ai hay biết. Dù chỉ là bài thơ Haiku mà hao tốn cả sáu, bẩy trăm mũi kim đi theo là những gịt máu li ti đỏ tươi. Thí chủ ai nấy đều đau đớn rên rỉ thì sư càng tỏ ra thống khoái. Nếu cái nghiệp của thí chủ lớn như cái vòng kim cô, khó khăn lắm mới thoát ra tham sân si thì chữ thư pháp lớn hơn, bài thơ Haiku dài hơn. Niềm khoái cảm của sư càng bốc cháy qua những mũi xâm. Làm như có một làn sóng âm u từ hỏa ngục được dịp vờn qua những bộ mặt thống khổ của thí chủ, nhấn chìm họ dưới ngục A Tì với rên la, gào thét để sư thống muội cho đã. Và sư phải cầm đến cái kim để đi tìm cái khoái cảm sở cuồng là vậy.

sư sở cuồng
 “Thơ Haiku”
 (Tranh thư pháp)

Ngoài ra, sư còn phải học y ma thần tướng để biết quá khứ vị lai với…”lãnh cảm” chẳng hạn. Thảng như cái nốt ruồi ở cuối mắt, bờ môi theo tường số ám quẻ cho những người đàn bà …”ngoại cảm”. Nếu như một ngày nào đó cái nốt ruồi khi không biến mất tiêu, sư muốn siêu sinh tịnh độ với nhân duyên nghiệp quả của nhân sinh thì sư cũng…tít mù, mù tít!.
Vì vậy sư mới khăn gói gió đưa đi ăn mày chữ nghĩa qua môn học nhân văn gọi là Bản thể trong thuyết tiến hóa ngược ở thiền viện Edo (tên cũ của ToKyo dưới thời Mạc Phủ Tokugawa vào thế kỷ 19). Ấy là bản thể của cái nốt ruồi nằm trên thân thể con người là không có thật, bởi lẽ bản thể của nó chẳng hề tồn tại. Sự tồn tại theo thuyết tiến hóa ngược là khi mất đi thì mọi sự trở lại bản thể trước kia. Vì vậy khi nó mất đi, có người mất định hướng và không thoát khỏi bản thể của mình. Có người hớn hở vì tưởng nhìn thấy lối thoát. Một phản cảm nội tại là khi bản thể mất đi, ảnh hưởng tới một số người mất ý niệm cảm tính, họ tin rằng họ đã…mắc sai lầm. Bởi vậy thay vì lẩn tránh những lỗi lầm, họ luôn cố tình tìm đến những sai lầm. Họ cho rằng nếu tránh được sai lầm này tất nhiên sẽ…phạm lỗi lầm khác lớn hơn.
Sư chắc mẩm vì vậy mới nấy sinh ngoại cảm để có chuyện…”ngoại tình”.
Thị dân biết sư sở cuồng chẳng phải là người nước Sở bên Tàu mà luận chữ Tây chữ u óc ách như cọ nồi, cọ chảo nhẵn thín trên. Nên họ gọi sư là sư cọ chẳng phải vì cái đầu nhẵn nhụi như đít nồi. Rõ ra sư nào có khác gi với sư tàng dậy đời, kẻ cả nên miệng lưỡi dân gian có câu: “Làm bộ sư tàng” là vậy đó. Hoặc như sư mõ ở trên với: “Sư mõ gì với ông sư ấy” là thế đấy!
Nghe được người đời kêu là “sư cọ”. Sư cũng chỉ ơ hờ:
Vậy ư…Rồi thôi…
***
Lại cứ theo lời đồn đãi của thị dân ở thị trấn Ryogoku, thì khát vọng bấy lâu nay của sư là tìm một người con gái có làn da lạ lẫm, để sư đem hết tâm ý của mình xâm một bức họa để đời. Người con gái ấy, đẹp thì càng tốt, nhưng cần nhất phải có một khuôn mặt ẩn khuất, để sư ra tay cải nghiệp. Dễ hiểu là con người ta chỉ có thể thay đổi tính tình hay nếp sống của mình vì một cái nốt ruồi. Hoặc giả như nếu có một biến cố nào đó để nhớ đời. Như bị cả nghìn mũi kim đâm vào da thịt với máu mê chan hòa qua một bài thơ Haiku chẳng hạn.
Vậy mà mươi năm nay sư cứ làm thơ và mỏi mắt tìm không ra.
Một ngày như mọi hôm, sư dậy sớm ra vườn thiền. Trên vai sư khoác túi vải nặng chĩu những kinh sách và giấy bút. Vì sau đấy nếu có cảm hứng tao ngộ với đất trời, sư sẽ thảo dăm câu thơ. Sư đi bình thản qua những lùm cây. Sương mù phủ khắp lối, bồng bềnh ôm trên cỏ mềm. Hương rượu Saké đang hâm nóng len lén chui ra từ khe giấy rách từ tịnh phòng sát ngay lữ quán. Sư tới ba hòn đá thiên, địa, nhân cạnh hồ cá Koy để tọa thiền. Trong khoảng không tĩnh mịch, sư nghe tiếng lay lắt của gió đùa qua lá cây như gió thoảng mây bay. Trên hòn đá tên “địa” giữa trời và đất. Sư ngồi thiền định theo lối kiết già hàng ma, tay bắt ấn tam muội. Sư ngồi phu tọa trong bất động, tức ngồi để hai bàn chân ngữa gác lên vế, mặt cúi xuống, tai lắng nghe, mắt đuổi bắt làn sương mỏng là là bay trên cỏ. Ngày là gió tháng là mây cô đọng một chút quan hoài, qua những tia nắng muộn màng. Sư quán tưởng nhân thế qua những bọt bèo ngủ yên nơi tàng thức với vạn sự bất như ý và sư trầm ngâm nghe ngóng...
Sư trầm ngâm nghe ngóng, sự cảm nhận tiếng động đâu đây là những bước chân có hơi khác lạ. Sư chậm rãi nhìn khắp chốn, đặt ánh mắt thầm lặng lên từng ngọn cỏ, chồi non rồi ra tới cổng tre đằng cuối vườn. Sư bắt gặp một bóng người đi tới. Càng gần tiếng chân thanh thản dẫm bước một nhưng lại không đều đặn. Từng bước một, từng bước rời dẵm lên lối đi trải sỏi khiến sư lao xao, sư liêu xiêu nghe ra như mõ sớm chuông chiều. Âm thanh lắng đọng trong chân không thì có đấy, nhưng có một cái gì vướng mắc của vô ngã, đang lần mò từng bước trở về với chân ngã. Sư nhìn kỹ hơn và lặng người vì hóa ra người kia…chân cao chân thấp. Mặc dù cao thấp chỉ một chút thôi, nhìn kỹ mới thấy. Vậy mà mắt sư cứ rón rén bám theo những vết chim di. Mặt trời đã bắt đầu nhón nhén rót những tia nắng yếu ớt lên tàn cây Sakura.
Từng gót sen một, từng tiếng guốc rời…Những hình tượng vừa rồi qua những bước chân trên sỏi như ám ảnh sư. Sư sở cuồng góp nhặt sỏi đá đến “Kim liên” là tên gọi nho nhã cho tập tục bó chân của người Tàu. Theo Lâm Ngữ Đường thì những người đàn bà có chân bị khuyết tật thường bị ẩn ức tình dục. Hay nói một cách khác thì họ bị tình dục đòi hỏi hơn những người đàn bà bình thường khác. Sư sở cuồng gục gặc đầu xua đuổi ý nghĩ tà ma ấy ngay đi. Vì nắng vừa mọ mẫm chui qua tàn cây, lươn khươn bò lên thảm cỏ. Theo tia nắng sớm mai, ngước đầu lên một chút nữa, mắt sư vướng víu với một bà mặc quần áo thanh nhã như những bà mệnh phu phu nhân của giới thượng lưu hay quan quyền nào đó ở cố đô. Nhưng qua thiệp bà gửi để hẹn gặp mùa xuân này thì sư để đâu đó nên chẳng nhớ là ai. Sư chỉ nhớ hong hanh bà là kỹ nữ một thời một thưở ở Edo. Khi không cái đầu sư ngật ngừ…
Sư đang ngật ngừ ngả nghiêng qua cơn gió giao mùa, bỗng dưng không đâu sư lây lất về người kỹ nữ về già ở bến Tầm Dương qua thơ Lý Bạch trong bài cổ phong Tỳ bà hành. Trong sư cảm hoài cái thân sư cũng đang bóng xế về chiều nên cảm khái cùng một lứa bên trời lận đận với bà. Với hà tất hằng tương thức? Lọ sẵn quen nhau? Và sư bâng khuâng cảm tác:
Đồng thị thiên nhai luân lạc nhân
Tương phùng hà tất hằng tương thức
(Cùng một lứa bên trời lận đận
Gặp gỡ nhau lọ đã quen nhau)
Thì ra thế. Cùng một lứa. Cùng cơn gió cuối mùa nên tâm tư sư lất phất lay động những bồi hồi, những nôn nao…vì mắt sư vừa chạm vào mặt bà. Qua tri giác ngoại cảm, chui vào đầu sư là một khuôn mặt lãnh đạm ẩn tàng những khắc khỏai, chứa chan những sầu bi. Sư ngỡ là ảo ảnh của sương sớm vì ngay lúc ấy: Sư bắt gặp đây là một tác phẩm sống mà sư đã mong đợi từ lâu. Theo cái nhìn thần tướng, bà có một khuôn mặt lãnh đạm. Qua mắt nhân tướng, sắc diện, thần sắc, là những biến động của kinh mạch, chân khí trong lục phủ ngũ tạng từ đó suy ra trạng thái, bệnh lý, tâm thần. Với sư dường như bà bị…lãnh cảm.
Chẳng hiểu cớ sự gì cái đầu sư lại vất vưởng qua sách Khuê môn nữ nhi kinh với cái tục bó chân để thỏa mãn dục vọng cho đàn ông Tàu. Sư cứ quay quắt vớikhuôn mặt người kỹ nữ ngập những ẩn ức và sư chẳng biết thế nào để cải nghiệp chúng sinh, hạ tế tam độ khổ đây.
***
Bà lặng lẽ bước tới hồ cá nhún nhín nhúng chân xuống nước giống như rửa tay trước khi vào trà thất. Im lặng. Bà lẫn thẫn đi đến ba hòn đá. Im ắng. Ẩn mình dưới hòn đá tên nhân là đám cỏ úa vàng, bỗng có tiếng dế kêu “réc, réc” một hồi dài…Ngừng lại. Rồi “réc, réc”…
Trong trống không, sư vọng động:
Trong đại im
Tiếng dế ăn vào
Thớ đá ..
(Basho)
Bà nhíu mày vì chưa bao giờ nghe nói tới… cõi đại im, dưới hòn đá lại có con dế ẩn mình giống như bà. Sư chỉ tay cho bà bước tới hòn “nhân” và bâng quơ với nó: “Đạo tại tâm chứ không phải cảnh giới, hình hài hay nghi thức”. Xong, sư sở cuồng vô biên, vô lượng giảng hoằng pháp cho…hòn đá nghe Phật pháp cổ sự thế này đây: Xuất thế gian mà không rời thế gian pháp…”. Ấy vậy mà hòn đá như cứ trơ ra với sư và bà ngồi xuống hòn đá.
Sư nhắm mắt trong tĩnh không:
- Bà cần được tịnh độ.
- Để làm gì thưa thầy.
Sư trong hư vô:
- Để tháo bỏ những cái cần tháo bỏ.
Bà hững hờ:
- Có gì để tháo bỏ.
Sư hờ hững:
- Tâm động.
Và sư mở mắt, miệng lâm râm bài kệ:
Cát lên người cô lữ
Cho đường bớt quạnh hiu
Cứ mặc kệ gió chiều
Thổi tiêu sầu vọng lại
Dặm đường còn xa mãi
Hãy thêm một dấu hài
Cứ mặc kệ ngày mai
Xóa trôi tàn vết tích
(Khuyết danh)
Tiếp, sư vén môi, giọng trầm đục:
- Phật đã dậy: “Thân động không chuyển hóa được với tâm động”.
Sư trải tờ giấy lên hòn đá tên thiên. Bà bối rối nhìn trời…Bà nhìn xuống tờ giấy hoa tiên là một bức thư pháp có hai câu “Bất tục tức tiên cốt – Đa tình thị Phật tâm”. Bà lắc đầu ra dấu tịnh độ. Sư độ trì với hòn đá “thiên”, như không có bà ở bên cạnh: Về đa tình thị Phật tâm thì hãy nhìn với cung cách của tha nhân. Hãy bằng vào nhận thức khổ đau hay hạnh phúc qua sự tu tỉnh, trong vòng chuyển hóa luân hồi định nghiệp. Tất cả chỉ là đối cảnh vô tâm với khai tâm.
Và sư khai tâm rằng bằng con mắt trạch pháp của nhà Phật với những khổ đau, hạnh phúc của cuộc đời. Thì xưa kia, Lục tổ nghe kinh Kim Cương, chỉ nghe câu “Ứng vô sở trụ nhi sinh kỳ tâm” liền khai ngộ. Câu ấy có nghĩa là đừng bám vào cái gì mà để lòng vào. Sư hoằng pháp với bà thêm, vẫn cái giọng đủng đỉnh của một ông thầy xem tướng là đã tìm ra cái vô ngã tiềm ẩn của bà cất dấu trong cái siêu ngã. Ấy là tự kỷ ám thị.
Làm như không nghe, bỗng khi không bà hỏi sư:
- Tâm động có triệt được không, thưa thầy.
- Không. Nếu có vướng mắc.
- Tâm diệt thì được gì.
- Tịnh lạc.
- Tình ái có tịnh lạc không.
Và sư u mê ám chướng:
- Có. Với duyên nghiệp.
Bà như hanh thông với duyên nghiệp tích tụ bao lâu vừa nhú ra trong một sát na, trong cái chớp mắt của đời người. Một sát na mau như lốc xoáy, cái chớp mắt dài như một kiếp người. Bà tin cái sát na vi diệu mà sư sở cuồng thuyết giảng sẽ xuất hiện lần này trong đời bà. Cái sát na nhanh hơn một triệu lần ánh chớp trong cái…chớp mắt.
Và bà chớp mắt vì làm như có hạt bụi vướng vào mắt bà…
Cũng làm như có cảm thông với tịnh độ, sư nhíu mày đọc thơ:
Vạn vật khởi từ tâm
Tâm biến ảo khôn lường
Dẫu là bụi trần vương
Nhớ:
Chỉ là hạt bụi
(Khuyết danh)
Bà trộm nghĩ bài thơ đây sẽ được xâm lên người bà. Sư nhướng mắt nhìn bà. Bà nhíu mày vì bài thơ…quá dài. Bà chỉ nhớ: “Nhớ - Chỉ là hạt bụi”. Tuy nhiên bà cũng gật đầu. Sư ừ à.
Vậy ư…Rồi thôi…
***
Từng vết kim một. Rồi từng vết kim khác như những vết dao khắc. Mặt trời lay láy rọi vào tịnh phòng như muốn đốt cháy lưng bà. Bà cắn răng, không vật vã, không một giọt nước mắt. Trong khi sư đem cả tâm hồn nghệ thuật vị nhân sinh vào từng nét chấm phá. Từng giọt máu hòa lẫn với hai mầu đen, đỏ của tác phẩm để đời vờn nhau nhẩy múa…theo khói lởn vởn chui ra từ nồi hâm rượu Saké bỏ quên trên bếp lửa.
Từ hơi hướng Saké, sư lan man với chén quỳnh trong Tỳ bà hành của Lý Bạch khi bị đi đày ở quận lỵ hẻo lánh Giang Châu, gặp người kỹ nữ già một chiều trên bến nước bến sông Bồn:
Bến Tầm Dương canh khuya đưa khách
Quạnh hơi thu lau lách đìu hiu
Chủ xuống ngựa, khách dừng chèo
Chén quỳnh mong cạn, nhớ chiều trúc ti.
Trời quá ngọ từ lúc nào, sư cứ mải miết chẳng hay chiều trúc ti đã buông xuống…
Mái tóc bà xổ tung xuống hai gò má. Nhưng hai bờ vai chịu đựng chẳng mảy may động đậy. Dồn hết tâm sức vào tác phẩm, mặt sư trắng bệch rồi tái dần, chuyển qua xanh nhạt, xanh như lá cây Sakura. Trong sư trống rỗng những ngổn ngang và sư cũng chẳng biết là gì. Sư cứ miên mải, quên đi những thống khoái khi hành hạ những thí chủ khác mấy năm mù u. Có một lúc chân tay da thịt đụng chạm qua xát, xoa, lăn, vê. Sư bị bấn loạn, bị đẩy đưa vào cõi ta bà và thế tục. Giữa thực và ảo. Sư miên man đẩy đưa về dòng đời và biển. Chưa có giông bão, mặt biển im ắng lạ lùng, nhưng chính lúc ấy, làn sóng ngầm đang chuyển động ở dưới đáy. Đời các nhà sư cũng vậy, chỉ phẳng lặng ở bên ngòai và chỉ đợi một cơn giông. Trong não bộ sứt mẻ, sư sở cuồng nóng hổi với đời thường, với da thịt đàn bà, mà chưa một lần nếm trải. Sư quay cuồng với tập tục bó chân qua Lâm Ngữ Đường. Từng gót sen một, từng tiếng guốc của người kỹ nữ cùng những ẩn ức tình dục. Tất cả chỉ thoáng qua sách vở nên đều lễnh đễnh với sư.
Lễnh đễnh theo ánh sáng bóng xế của một ngày tàn vờn lên lưng bà…Mảng lưng bà lấm tấm mồ hôi lung linh như những nhụy hoa anh đào trong một ngày nhạt nắng. Nhưng mồ hôi hòa với mực ngấm vào da thịt qua vết chích, ngâm ngẩm xót, ngâm ngấm đau. Hốt nhiên, bờ vai bà giật giật. Ấy chỉ là giao thoa vô hình, vô tướng của thân thể nửa kín nửa hở của tấm lưng trần trắng như…hạc trắng. Tay sư cũng giật giật theo giao tình nửa tu nửa tục. Cũng vì những cái giật giao hòa ấy, dăm ba sợi tóc lạc lõng lòa xòa vương vấn qua khuôn mặt của bà, toát ra một vẻ man dại khiến sư ngẫn ngẫn giao tình, giao động.
Thêm những giao động, vì có một làn gió đi hoang chui qua mảng giấy rách ngăn vách tịnh phòng, dăm ba sợi tóc lạc loài vắt qua tay sư. Sư giật mình nhớ lại chuyện trong kinh điển, lần ấy Lục Tổ Huệ Năng đến chùa kia, mọi người đang nghe giảng kinh. Bỗng có ngọn gió thổi đến làm lay động lá phướn. Một ông tăng nói: Gió động. Một ông tăng khác nói: Phướn động. Thế là mọi người đua nhau tranh cãi.. Lục Tổ bấy giờ mới bước lên nói rằng: Không phải gió động, cũng chẳng phải phướn động. Chỉ có cái tâm của chư vị động mà thôi.
Cái tâm của sư đang động đậy cùng đất trời đang chen lẩn vào đêm…
Từ trong bóng đêm, tận trong đáy của tâm thức, tâm cảm sư sở cuồng dương như bị lung lay. Cái đầu sư lại nổi trôi về mặt nước biển đang lặng sóng như nước hồ cá Koi. Phẳng lặng như khuôn mặt vô cảm của sư. Cuộc đời sư bình lặng quá. Nhưng thực sự ngọn lửa trong sư đang âm ỉ, chỉ đợi một cơn gió nồm, gió nam là bùng lên. Rồi thì trong vô thường, vô ngã, có một con thiêu thân bay tới và…ngã vào ngọn đèn dầu, Ngọn đèn gặp con thiêu thân, gặp da thịt, bùng lên như một tia chớp…Sư biết là tâm động, tà niệm đã khơi. Sư lắc đầu xua đuổi cái ý tưởng tà ma ấy đi. Mắt sư đậu lên trên lưng nhễ nhại của bà…không có cái nốt ruồi nào cả.
Sư pháp tọa và nhiếp mình vào chính niệm vào cái nốt ruồi không có ấy. Sư nhắm mắt quán tưởng vào cái nốt ruồi là hạt bụi, lớn lên dần như hạt sỏi, rồi to bằng hòn đá. Cuối cùng cái nốt ruồi bự sự như núi Tu Di. Miệng sư lẩm nhẩm tụng kinh bát nhã, hết cứu nhân độ thế cho ai đó, đến cứu khổ cứu nạn cho cái nghiệp chướng của chính sư.
Và sư đắm chìm trong tình cuồng, trong gieo duyên giải nghiệp. Trong sư đang muốn tách bến phàm trần nhập vào thể tánh. Trong một chớp mắt, tay sư vung bút lên. Bỗng dưng sư khựng lại…Sư khựng lại với gã sư đồ có thanh kiếm gỗ: "Vì con ve sầu như người kỹ nữ về chiều thì thậm xấu. Thế nhưng hát thì thậm hay". Mà con thiêu thân đây đâu có xấu tí nào đâu. Bất giác miệng sư sở suồng lầu nhầu: “Sư mõ gì với gã sư đồ ấy”. Tâm viên ý mã xong nhiễu sự ấy rồi: Cái nhiễu sự của một người bình thường. Quá bình thường đến khó hiểu, đến một lúc nào đó chẳng hiểu nổi như sư đây...Sư đổi lại thế ngồi kiết già, vun vén bào tăng lại cho gẫy gọn, nề nếp. Rất lắng đọng trong tâm tưởng, thong thả cúi xuống. Và cũng rất an nhiên tự tại, sư chậm rãi hạ bút và…Chấm…một dấu chấm li ti như…hạt bụi.
Tay buông bút, sư vật người ra, không hẹn mà gặp, bà và sư đều lăn ra chiếu lặng ngắt. Ánh trăng chui qua khung cửa sổ tre rơi xuống sàn đất thô. Trăng vàng vọt vật vờ bò lên manh chiếu cói…Ánh trăng leo lên tấm lưng bà loang loáng những vệt mờ ảo vàng ong ong.
Dấu chấm rún rẩy như vừa thoát ra cái kiếp lai sinh và đang ngọ nguậy để tồn sinh.
***
Bao lâu thì sư chợt tỉnh…Sư chẳng hay biết.
Sư chỉ hay biết qua nửa tối, nửa sáng, người kỹ nữ vừa bước từ phòng tắm ra. Bà đứng trước mặt sư. Khuôn mặt nhân hậu của bà không còn những khắc khoải phiền muộn nữa. Bà xoay lưng lại sư. Bà kéo cái áo Kimono quá nửa lưng. Bà hỏi sư về…cái dấu chấm.
Sư ngúc ngắc cái đầu vì tâm động nên có dấu ấn là dấu chấm. Vạn vật khởi từ tâm. Tâm bị động nên dấu chấm mới đầu là hạt bụi, lớn dần như hạt cát, mai này to bằng cái nốt ruồi. Thế nên đừng để tâm cảm giao động, da thịt chuyển động theo tâm, làm mất đi cái nốt ruồi. Tuy nhiên nếu có mất đi chăng nữa thì bản thể trở về với bản thể của nó. Bản thể nó là một chữ…

sư sở cuồng

“Tâm” (Chữ thư pháp)
Nghe thủng xong, bà từ từ quay lại muốn nói với sư điều gì nhưng còn ngại ngùng. Bà nhìn sư từ dưới lên trên, từ trên xuống dưới. Sư nhủ thầm chắc là bà muốn bái vọng gì đây.
Vừa lúc bà ngần ngừ, ngập ngọng:
- Thầy ơi…hết…hết…tự kỷ ám thị rồi.
À ra thế, hóa ra bà đã khai thị được chữ nhất tự thiên kim của sư. Bà khai ngộ được cái tâm bệnh của mình qua một chữ “Tâm”. Bà đã chứng ngộ. Bà vừa trở về với cái ngã của đời thường. Sư mỉm cười, nụ cười rất hiếm hoi trên khuôn mặt nặng những trầm mặc khép kín, đầy rẫy những méo mó héo hắt của sư.
Miệng sư lúng búng gì nghe không rõ…Nhiễu sự óc ách là thế đấy, là thế đó. Cũng vừa lúc bà buông rơi mảnh Kimono xuống chân. Bà âm vọng, âm ỉ:
- Thầy…thưởng lãm….tác phẩm của thầy đi.
***
Tịnh phòng chìm trong tĩnh lặng. Sự thể…có hay không với “Vậy ư như sư đã từng buông xả khi va chạm với tha nhân. Nhiễu sự ấy cho đến nay chẳng một ai biết là…không hay có.
Hiểu theo Vô môn quan là cánh cửa đóng lại thì chẳng có gì để mà nói.
Thôi thì đành vay mượn câu kệ nhà Phật: Không là…có. Có là…không.

sư sở cuồng

“Không”  (Chữ thư pháp)

Trúc gia trang
Xuân phân, Mậu Tý 2008
(thêm bớt 2013)
Ngộ Không Phí Ngọc Hùng

Nguồn: Sư Triệt Học lận đận nơi nao của Lê Thiệp, Xâm mình của J. Tanizaki.

Đăng ngày 18 tháng 08.2016