Thằng bạn mày tao


Phí Ngọc Hùng

Lợn đầu cau cuối rõ ra viết về một thằng bạn đồng môn, bạn đồng canh đồng tuế, bạn chơi đồ cổ, bạn hồ trường, bạn chữ nghĩa không dễ xơi như…ăn trứng luộc. Thằng tôi đồ là viết về một “thằng bạn mày tao” có quá nhiều nhiễu sự như thế mà vật lộn với chữ nghĩa thì lực đực trông thấy. Nhiễu nhương hơn nữa là chẳng biết hành ngôn hành tỏi thế nào cho đúng phép tắc để tránh cái vạ văn chương. Khó thế đấy.
Ừ thì hay là hãy ngụp lặn với chữ nghĩa như:
Như Sơn Nam viết về thầy phái viên Trần Văn Cò báo Chim Trời đi tìm bạn đọc ở xóm Cà Bây Ngọp trong truyện ngắn Tình Nghĩa Giáo Khoa Thư vậy. Vậy là đôi lời bộc bạch qua…bạn đồng môn với tình nghĩa giáo khoa thư cũng xuôi chèo thuận mái với thằng bạn mày tao. Mà đã mày tao thì gọi là “nó”, theo thuyết chính danh định phận của người Khổng Khâu, tạm cho là chính danh quân tử đi. Trộm nghĩ chả nề hà gì…
Ha! (chữ này vay mượn của nó) Khác với thầy phái viên báo Chim Trời chèo chiếc tam bản trên sông rạch…Chuyện mây vẫn bay ngày vẫn trôi đi là từ tháng Tư năm 1977, nó chèo thuyền vượt biển qua thẻo đất tạm dung này thủ vai người di tản buồn.
Đứng ở mũi thuyền, có một ông thuyền nhân nhìn mây nước ngâm nga:
Bể vô tận xá chi phương hướng nữa
Thuyền ơi thuyền xin ghé bến cô liêu
Và thuyền ơi thuyền mà nó xin ghé bến cô liêu là Trấn Kinh Bắc D.C. Mười năm sau, năm 1987, thằng tôi ghé phố chợ ở Trấn Kinh Bắc thăm người di tản buồn. Thì người lưu vong da vàng đang tất bật với cái thực đơn hành trần nước béo. Chỉ một cái vẫy tay phất phơ, hai ba câu chào hỏi thuộc thể loại giống như một bát phở bánh chương lềnh bềnh, mỡ nguội đóng váng. Vì vậy thằng tôi chả lấy đó làm vui cho mấy.
Mười lăm năm sau, ghé chốn cũ lần nữa. Nó không có mặt ở hàng quán. Bèn để lại mảnh giấy ngập hờ hững: “P.N.H, bạn Nguyễn Trãi muốn gặp” và để lại số điện thoại nhà thằng bạn. Học phớt đời như nó, hiểu là thằng tôi…chẳng gặp cũng chả sao. Chiều về đến nhà bạn, bạn cho hay nó “điện” năm thì bẩy lượt. Bèn lấy đó làm vui kể gì.
Ha! Thế là nón lá áo tơi ra quán chợ, ôn lại những ngày mưa gió cũ để sau này thành bạn “lỳ một lam - làm một ly”. Hồi cố quận mươi niên, một ngày không nắng thì mưa nhận được một gói quà của thằng bạn mày tao. Quà cáp gì mà gói kỹ khiếp! Bố khỉ, băng keo giây nhợ chằng chịt, hì hục tháo gỡ cả ba, bốn phút đến hốc người!
Mở chẻ hoe trắng phớ ra là: Một cái niêu, một cái đĩa Bát Tràng và một chai vang.
Cứ theo nó như ông đồ bùn chữ như chấu chát thì cái niêu tên “Hán bản địa”, có từ đời Tây Hán mặc dù tái tạo mới đây. Cái đĩa Bát Tràng vẽ hình con cá có dấu ấn đỏ chữ “Trung” mà bà cụ nó mang vào từ Bắc vào Nam năm 54, sau năm 75 đến tay nó.
Còn chai vang to vật thì dùng để làm “một ít ly”. Hiểu theo hồ trường là…“y một lít”.
Bòn mót thêm với cái đĩa Bát Tràng khiến thằng tôi ngẫn ngẫn không phải là ít, vì dẫu gì cũng là đồ gia bảo nhà nó. Nay nó dấm giúi cho thằng tôi. Một ngày nó tạt qua Trúc gia trang, tôi bắt gặp nó đứng lẫn đẫn cả một hồi lâu trước cái đĩa của bà cụ nó.
Còn cái của nợ quý hồ tinh bất quý hồ đa thì mãi sau này mọt sách mọt chữ, ăn vẹt ở mòn ba chữ Nho nhe thằng tôi mới thông hanh ra là chả phải là “Hán bản địa”. Vì giống giuộc này có những giọt men xanh nhiễu đọng trên men sứ tam thái, còn đây chỉ là cái niêu gốm đất sét. Thế nhưng đâu đó vẫn còn một cái tên, mỗi lần đi qua hành lang mù u thiếu áng sáng, va vào mắt là cái niêu Tàu tàu lại với một nhớ hai quên nào đấy.
Trở lại một ngày thằng bạn mày tao tạt qua Trúc gia trang, thằng tôi đã lươn khươn trước với nó là có món tiết canh vịt gia truyền. Ấy vậy mà cả bữa ăn, nó chỉ óc ách đưa cay ba miếng thịt vịt chấm nước mắm gừng. Hỏi cớ sự cho ra nhẽ, nó nhấm nhẳng:
- Tao đếch biết ăn tiết canh.
Chả nhẽ nhăn răng cạp đất, nó dậy:
- Mày ăn không chết, tao ăn cũng không chết.
Qua câu: “Tao ăn cũng không chết”. Lần đầu tiên thằng tôi nghe…“cái chết” từ nó.
Phùng trường tác hí xong, nó giựt gọng:
- Ta ra ngoài vườn đi.
Thằng tôi hong hanh nhớ ra câu này nó nói với ông bạn già của nó trong chuyện con ve sầu về…cuộc sống với cái chết. Hốt nhiên cái đầu củ chuối thằng tôi nhớ đến mẩu đối thoại giữa nó và ông bạn già: “Đối với tôi thì cuộc sống của con ve sầu thật huyễn hoặc. Nằm ở dưới lòng đất 17 năm, rồi ngoi lên mặt đất, lột xác để bay lượn, ca hát. Đủ một giai đoạn. Rồi chết”. Ha! Con ve sầu với nghiệp dĩ có cái tên…kim thiền thoát xác. Con ve sầu từ trong lỗ nẻ chui lên bám vào vỏ cây xù xì, đôi khi đeo tòng teng dưới nhánh cây. Cái đầu có hai con mắt nhô ra long lanh. Bèn trộm nom nhòm nó:
Thằng bạn mày tao cũng có hai con mắt long lanh của…con ve sầu.
Thằng tôi đang âm ỉ với con ve sầu, bỗng nó “quăng”…con vịt ra!
Nó thêm mắm thêm muối với ông bạn già: “Ông có thấy ai ăn thịt gà, thịt vịt…tái không?”. Ừ thì như nó từ chuyện này xọ qua chuyện kia. Chuyện giẻ rách là từ đĩa tiết canh như có túc duyên, bắt qua chuyện lập thân tối tiểu thị văn chương, qua mục…bạn chữ nghĩa, nó xúi thằng tôi dắt trâu qua hàng rào viết về quê nó: Làng Kẻ Noi.

***
Thế là thằng tôi được thể đắp câu vá chữ với làng Kẻ Noi của thằng bạn mày tao:
Làng Kẻ Noi thuộc tỉnh Sơn Tây qua ca dao “Gái Sơn Tây, yếm thủng tày dần - Răng đen hạt nhót, chân đi cù lèo”. Thằng tôi câu đọng chữ thừa tầm chương trích cú với làng tên Nho phong sĩ khí là làng Cổ Nhuế có nền văn minh Đại La thời Cao Biền. Đến đời Hùng Vương thứ 7, có tên Nôm là Kẻ Noi, tên tục là làng Tó, phát tiết tinh hoa câu đồng dao cổ xưa: “Ông Lỉnh, ông Linh – Ông ra đầu đình – Ông gặp ông Linh…”.
Mặc dù không “khả tín” cho lắm! Thằng tôi còn rúc ráy như chuột cống thế này đây:
Ai đó, chẳng ai hay với đôi quang gánh chẳng may chết vào giờ thiêng được sắc phong “Đương cảnh thần hòang, thượng đẳng thần” nên trong miếu thổ thần có câu:
Khóac tấm áo bào, giang tay gánh vác thiên hạ
Vung hai thước kiếm, tận thu lòng dạ thế gian
Đó là câu đối của Vua Lê Thánh Tông vịnh đôi đũa tre gộc và bộ gánh thúng của dân làng Cổ Nhuế chuyên nghề gánh phân ở Thăng Long thành hoài cổ. Rõ ra trống làng nào làng ấy đánh, thánh làng nào làng ấy thờ, thần hòang làng nó chẳng phải là ai đấy chết vào giờ trùng để được đưa vào miếu đền như thiên hạ đồn đãi:
Mà trên bệ thờ bầy biện đôi quang gánh, đôi đũa tre gộc và…một cục gạch.
Thề trước bàn thờ, nói dối phải tội: Đọc xong áng văn chương kỳ tích, kỳ bí trên, nó…đau chân há miệng rằng quê nó không phải ở Kẻ Noi. Rồi nó đực mặr ra như ngỗng đực vì không nhớ tên tục làng nó là làng gì nữa? Hình như là làng…”Kẻ Nhỡ” thì phải? Tục thật! Thằng tôi nghĩ quái, làng mình tên quái quỷ gì chả hay thì khỉ thật! Hay nó nỡm thằng tôi cũng nên? Nếu vậy thì chỉ có giời biết và nó biết! Nói cho ngay với bạn bè cũng chả lạ gì nó, cái thằng lúc nào cũng tỉnh như ruồi với giả mà…thật. Cũng thật đấy, mà…giả đấy. Hay nói dễ hiểu hơn là giả thật tù mù, chả biết đâu mà lần.
Một ngày nắng lụi, thằng bạn mày tao ghé nhà thằng tôi nữa. Học cụ Tản Đà với chỗ ngồi ngon, món ăn ngon, người ăn ngon và món ăn ngon bữa rày là thịt chó chấm mắm tôm, tép chanh, ớt đỏ nổi lều bều, rất bắt mắt. Lợn rọ chó thui ấy là thịt lợn rừng nướng ướp mẻ, riềng, mắm tôm để hóa kiếp thành…giả cày. Thế mà nó không chịu đụng đũa đụng bát cho thằng tôi nhờ. Hỏi ra từ tấm bé đến nhớn: Nó chả bao giờ ăn…mắm tôm.
Cái thằng bịa. Ha! Bịa như thật. Khiến thằng tôi lại phải khăn gói gió đưa với truyện ngắn Mày Là Thằng Hèn của nó. Trong truyện nó khủng khỉnh cọ đít nồi về món thịt chó Lỗ Trí Thâm, nó sào nấu chữ nghĩa như vày: “Món này phải nấu bằng nồi đất và nấu ít nhất ba lần...”. Cái kim trong bọc lâu ngày rồi cũng lòi ra, nó lòi tói ra rất…thật: “Văn Chi hể hả bày đĩa thịt chó luộc lên bàn. Đó là lần đầu tiên tôi hẩu sực món “sống trên đời”.
Tửu lạc vong bần đâu vào đấy rồi, quơ bao thuốc, nó lụng bụng:
- Thôi ta làm một tuần trà cái đã.
Lại chữ nghĩa của nó trong truyện Kim Thiền Thoát Xác. Con ve sầu đang ngủ yên trong tâm khảm cái thằng tôi, lại ngo ngoe thức dậy: “Làm sao 17 năm nằm ngủ yên trong lòng đất con ve sầu không ăn, không thở. Hiểu theo cái nghĩa chưa chết, vẫn còn đang chuyển hoá để thức tỉnh, để sống lại?”. Đụng đến chữ “ăn”, thôi thì nên hiểu theo nó là cơm nước căng rốn xong, hãy ra ngoài vườn ngồi làm tí “Đồ chuyên trà ấm đất sứt vòi - Cuộc sống rượu be sành chắp cổ”. Vừa nhấp ngụm trà đầu, nó dọ dạy ngay:
- Vương trà 713.
Ha! Cái thằng gật gyạ đáo để thật chứ chẳng chơi. Bỗng khi không thằng bạn mày tao đảo tít mắt như lạc rang, ngỡ nó đi tìm con ve sầu sống lại. Hóa ra nó liếc mắt đưa tình cái tượng ông thiền sư, thằng bạn mày tao chép miệng đến “tách” một cái rõ to:
- Cho tao được chăng?
Trong nhấp nháy, cái đầu đất sét thằng tôi chui ra… cái niêu Hán bản địa, cái đĩa Bát Tràng, và chai vang to đùng. Bèn vào nhà xe khuân ra cái thùng giấy, bê ông thiền sư đặt vào ngồi thòn lỏn trong ấy. Ngỡ điếu đóm xong, thằng bạn mày tao cười bép:
- Tao thử mày vậy thôi.
Xong, nó ngồi củ rũ như cò ốm, rồi thở ra như…bò thở:
- Bây giờ tao cũng chẳng biết thằng nào là bạn tao nữa!
Ha! Thiên cổ chi mê cách mấy, thằng tôi đốn ngộ ra rằng nó ngồi trên…“Đỉnh gió hú” viết Lững Thững Giữa Đời cũng quan quả, quạnh hiu như ai đấy thôi.
Sau trà dư tửu hậu đào xới qua chuyện nhập thế cục bất khả vô văn tự…Bởi nhẽ thằng tôi chót chét tha ma mộ địa rằng: Một là thằng bạn mèo mả gà đồng đây từ lỗ nẻ chui lên năm 1944, nhằm năm Giáp Thân. Hai là với cái thằng nắng không ưa mưa không chịu này, với bất nghi bất ngộ, thì tôi gọi nó là…Ngộ Không.
Quỷ tha ma bắt gì chả biết nữa, nó không chịu đèn cái tục danh mà thằng tôi gán ghép cho nó. Cuối cùng trời không chịu đất, đất phải chịu trời, qua cái buổi khai mê, khai ngộ trên. Cũng ở nó mà ra! Nhờ nó ăn mày đánh đổ cầu ao…
Thằng tôi thừa tự được hai chữ: Ngộ Không.

***
Tất cả chỉ có bấy nhiêu và không hơn về một thằng bạn đồng môn, bạn đồng canh đồng tuế, bạn chơi đồ cổ, bạn hồ trường, bạn chữ nghĩa. Để có những vu vơ rằng nếu như ai đó viết về một thằng bạn đang sống đã khó. Thì viết về một thằng bạn trong khi đất trời đang lùng nhùng với ở hay đi còn khó khăn hơn nữa…Vì chẳng qua trước sau cũng không ngoài một thóang ngày cũ, một chút cảnh xưa, một hình ảnh trong trí nhớ.
Cảnh xưa là gặp thằng bạn mày tao tháng 9-2012 ở mảnh đất nắng ấm tình nồng. Ngồi quanh bàn trong quán Bún Chả Hà Nội có cả chục người, bỗng nó biến mất. Ngỡ nó ra ngoài nhớ nhà trong khói thuốc? Thế nhưng không, lát sau nó xách về một chai Cognac loại bỏ túi đưa cho thằng tôi. Nó: Cái thằng tuổi trẻ bao lâu mà đầu bạc, trăm năm thân thể bóng tà dương không uống, Nó để thằng tôi độc ẩm. Nói cho cùng, nghĩ cũng ấm lòng qua cái tình hồ trường của một thời một thưở. Hôm sau tại nhà bạn cũ trường xưa, đang ngồi đồng thì nó đứng sau lưng hồi nào không hay và giúi vào tay thằng tôi chai Cognac bự sự khác nữa. Thế là thằng tôi lại được thể đèo bòng một quên hai nhớ với trời đất mang mang, ai là tri kỷ lại đây cùng ta cạn một hồ trường.
Nhớ với quên thì hãy quay quả trở về ngày nó tặng sách cho bằng hữu.
Ấy là tháng 10-2011. Thoáng nhìn tấm ảnh thằng mày tao đeo khăn mà giật mình.

***

Từ tháng 3-2013, sau điện thư của nó:
Quí Cụ: “Tôi bị cancer nó oánh…”.
Từ đó, thằng tôi bắt đầu gom góp những dấu tích cuối đời của thằng bạn mày tao.

***

Điện thoại lần cuối cùng hai thằng vẫn mày tao chi tớ. Trước khi chấm dứt điện đàm, giọng nó như lạc vào cõi không: “Hùng, mày cầu nguyện cho tao”.
Và tôi hiểu là sắp mất nó.

Viết cho ngày 11.7.2013, lễ hỏa thiêu thằng bạn mày tao.
Ngộ Không Phí Ngọc Hùng

 

Đăng ngày 21 tháng 06.2016