Cái bóng của gã
Phí Ngọc Hùng
Đến cái tuổi vào thu ngẫn ngẫn với lá bay tường bắc lá bay sang, ai đấy chợt bồi hồi một ngày tóc đã nhuộm một mầu quan san, dăm mùa thu chết nữa là đến cái tuổi quy khứ lai từ với cỏ cây. Qua ngày tháng còn lại lãng đãng là sương khói, cùng mảnh vườn ấy, bắt gặp cái lá vào độ lập đông lạc vào vườn nhà. Ai đó ngẫm chuyện nhân sinh rằng: Khi đã già rồi, tự dưng người ta quên đi mình đã từng một lần hụt hẫng với có nên lên tầu làm một chuyến đi xa….
Và sau đấy cứ lây lất mãi với chuyến tầu ấy có đến sân ga chăng…để thành chuyện.
***
Chuyện là mươi năm trước, bằng vào một buổi tối, “cái tay” đang…tôi nhìn tôi trên vách thì có tiếng “con rận”, bạn của cái tay, rỉ rả bên kia đường dây điện thoại: “Cô nên sống chung với nó, trong cuộc sống vội vã này mỗi lần cô đi đâu về, chỉ có bốn bức tường thôi”. Lời khuyên của con rận làm cô lẫm đẫm nhiều ngày, chẳng là bấy lâu nay cô ghét… nó và ghét kinh khủng.
Nó thì ngược lại, ù lì và cam chịu, mặc cô hất hủi, nó vẫn đeo đuổi cô. Mỗi lần gặp nó, cô lại dĩu môi này nọ, cuối cùng cô cũng phải đưa nó về nhà. Sau đấy cũng quen dần, vì trước đó cả hai tìm hiểu nhau, kiểu tìm hiểu dấm dớ bờ bụi ấy mà. Thật ra hoàn cảnh nó đáng thương hơn là đáng ghét, vì nó bị đời bầm giập, ruồng bỏ như cô vậy. Qua nhiều năm tháng, cô thấy gần gũi nó hơn, cả hai sống với nhau lặng lẽ. Cô sống bên nó, và chỉ mình nó thôi. À mà quên kể, nó, người bạn tình giật gấu vá vai lúc này của cô có một cái tên rất quái.
Tên nó là…”cô độc”.
Tiện tay cô bật cái nút nhạc Quái hơn nữa, bài nhạc vừa lúc chấm dứt bằng câu: “Ôi ! Những người khóc lẻ loi một mình.. “, bởi đã...lẻ loi lại... một mình gì nữa cho rách chuyện. Bởi thế, dấm dúi với tình ảo cho lắm cô cũng phải đi tìm một... thằng cô độc lẻ loi, một mình, bằng xương, bằng thịt nào đấy để lấy làm chồng. Nhưng muốn có chồng là ... thằng người có thật phải dàn dựng một chuyện tình hiện thực trước đã. Chuyện là tất cả những gì đã qua, sau khi chui rúc trong cái đám mờ mịt của mảng tình đầu, và...cũng là mảnh tình cuối đã thành tro bụi trong quá vãng. Nên cô không có hứng thú trở về thăm lại nơi mình đã bỏ đi sau những mùa thu chết. Cô thích những vùng kỳ bí chưa từng nếm trải để nhắm mắt lao vào trong đó mà tiếng Việt bây giờ gọi là tình yêu…nháp ấy thôi. Vì thế cái tay không thể viết những gì chưa hiểu rõ. Nói thật tình, cái tay cũng chẳng biết cái vùng u mê ám chướng ấy hình thù ra sao? Và gọi bằng tên gì trong đời thường? Dạo đó cái tay đã hơn một lần buông bút vì nếu không sa đà, không yêu đến nơi đến chốn, khó mà viết cho thật được. Mặc dù viết để cho một mình đọc, một dấu ấn cho một cuộc tình của một thời, một thưở. Vì rằng mỗi ai mỗi có một quá khứ của riêng mình, cho riêng mình ẩn khuất ở những trang giấy nằm trong ngăn kéo mốc meo.
Khó thế đấy! Chuyện là đang bí rị vì chưa có chuyện tình nào ra hồn để vắt vai... thì.
Thì tình cờ một hôm cái tay thấy “cái đầu“ ngứa ngáy. Bèn đưa…tay gãi đầu. Cái tay mò mẫm tới đỉnh đầu gặp một khoảnh rừng rậm mà người đời gọi là…tóc, và cô gặp một con rận đang nhàn nhã đong đưa giữa hai…cây tóc như quan trạng nằm võng. Con rận dáng người thiên cổ, đeo kính trắng đang đọc thơ Bùi Giáng, thế mới…đau cái đầu. Chưa kịp thủ lễ vấn an, bỗng dưng con rận và cái tay nghe “cái trán“ bàu bạu với cái đầu: “Tại sao anh hói đầu”. Cái đầu triết lý củ khoai: “Tại vì tôi suy nghĩ”. Rồi cái đầu hặm hụi với cái trán: “Tại sao anh hói trán”. Cái trán triết lý vụn: “Tại vì tôi suy tư”. Cái đầu...lắc đầu không hiểu. Cấm giả lịnh giả thị, ai cấm nguời mang bị nói khoác, thế nên cái trán làm như hiểu biết lắm, bèn đủng đỉnh: “Tôi hói vì suy tư sao anh lại…suy nghĩ”.
Nghe như đấm vào tai rồi, làm như sao biết quan mót đái mà hạ võng, quan trạng rận rời cái võng, rít một hơi thuốc, thở ra khói và nhướng mắt bật rật lý sự cùn với cô: Có những điều một người không hiểu, hai người không hiểu, ba, bốn người…cũng không hiểu nốt thì đơn giản như đan rổ là họ có...hiểu quái gì đâu!.
Bỗng khi không, con rận há họng gật gù:
Thế giới có triệu điều không hiểu
Càng hiểu không ra lúc cuối đời
Chẳng sao, khi đã nằm trong đất
Đọc ở sao trời sẽ hiểu thôi.
(Mai Thảo)
Nghe xong, cô râm ran… Ừ thì con rận cũng đúng thôi. Rời võng rồi, con rận rủ rê cô đi tìm chồng về thổi cơm chung. Ừ thì cứ lấy chồng cái đã, có chết ai đâu ! Rồi thì tình yêu sẽ tới sau, cô hiểu vậy, vì đọc ở sao trời sẽ hiểu thôi và cho rằng như thế. Thế nhưng từ mẩu đối thoại ấy, chẳng ai cấm đoán cô vẽ vời nhân vật của cô sau này ít nhất phải có cái trán biết suy tư, cái đầu biết suy nghĩ. Thêm cái gọng kính trắng, và…biết hút thuốc lá nữa lại càng hay. Và nếu khôn như rận như các cụ đã…dậy khôn thì lại càng hay hơn nữa.
Hốt nhiên cô âm ỉ theo người thơ Thanh Tâm Tuyền: “Tôi không còn cô độc“.
Thế là cả hai làm một chuyến phiêu lãng quên mình lãng du từ Bắc xuống Nam bằng xe lửa. Buồn môi ngứa miệng cô láo quáo hỏi hai đường rầy xe lửa song song có gặp nhau không. Con rận trầm ngâm một lát, và lừng khừng triết lý củ sắn rằng: Hai đường song song gặp nhau ở vô cực trong cõi vô cùng. Với gặp nhau ở vô cực, trong đầu cô bật ra âm hưởng: “Mưa vẫn rơi rơi cho đời biển động“. Cùng trong cõi vô cùng vơi âm vọng: “Ngày mai sỏi đá cũng cần có nhau“. (Trịnh Công Sơn). Sau đấy con rận dắt díu tay từ…tóc, xuống…trán, ngang qua…tai. Tay chả hiểu sao ở vùng đất này tên bắt đầu bằng chừ “t” hay “m” như mặt, má, mũi, mồm, miệng, môi, mắt. Khi không trái nắng trở trời, cô nghĩ đến thiên hạ sự thường nói rằng mắt là cửa sổ của tâm hồn, cô hoang tưởng thêm nhân vật mai này ngoài đôi mắt lặng lẽ như ao thu. Mắt gắn bó với mồm miệng…Cô buột miệng hát nho nhỏ ngày mai sỏi đá cũng cần có nhau và cô nghĩ ngay trong đầu: Chạy trời không khỏi nắng nhân vậtấy phải là…là Bắc kỳ.
Cả hai leo dốc, xuống đồi và đi xuống nữa tới vùng phồn thực hoang vu cỏ cây, hoa lá. Vừa lúc trời tối có trăng sao cả hai ngừng chân ở đây. Con rận ngả lưng xuống bãi cỏ, nhìn lên bầu trời cao, và tỉ tê chuyện tình mưa không ướt đất nắng không ấm đầu của...nó cho cô nghe:
“…Con rận kể về chị rận có chồng. Chị cố trốn chạy khỏi tình yêu của nó dành cho chị.
Nhưng đêm đêm, vầng trăng mọc trên đỉnh…đầu. Trăng đẹp quá khiến chị không chịu nổi nồi niềm gì đó đang thức dậy trong chị. Chị rận không thể thờ ơ trước tình yêu của nó. Chị lao theo tiếng gọi của tình yêu. Nhưng những lời ong tiếng ve của mấy bà chí, bà chấy như đám mây đen trong khoảnh khắc che khuất vầng trăng của chị. Trăng lại hiện ra, lại toả sáng ngập tràn, và chị rận lao ra khỏi khu rừng tóc. Chị nghĩ: Chỉ có một con đường là chị chạy trốn khỏi vầng trăng. Nghĩa là chị phải chạy trốn khỏi cái đẹp của tình yêu ngược ngạo. Chị rận bỏ cánh rừng tóc vào sống trong hang núi tối tăm. Nhưng cái đẹp của vầng trăng luôn luôn chan hòa trong chị. Bởi thế, càng ở trong tăm tối thì trăng càng sáng ngập tràn…”.
Chuyện vừa kể đến đây bỗng có một con rận cái khác ở cái tuổi 16X trăng tròn từ hang hốc, bụi rậm chui ra làm quen với nó. Trăng tròn vành vạch và đẹp biết bao. Nó nhỏm dậy đốt điếu thuốc đi theo trăng. Nó đi theo trăng nhưng trăng có đi đâu. Chỉ có con rận trăng tròn đang lẽo đẽo theo nó. Trăng đang ở trên đầu. Nó đi miết. Một lát sau, nó quay lại thấy con rận cái có nét ỡm ờ như trăng. Thế là nó chép miệng “tách” một cái và thở ra...trên hai vai ta đôi vầng nhật nguyệt và ở lại với con rận cái không…đi đâu cho đời mỏi mệt với cô nữa.
Thế nhưng cô chẳng quên cái lúc bịn rịn chia tay, con rận cầm tay cô và ngậm ngùi:Đã đi đã đến cuối trời - Đã về như vẫn muôn đời đã đi. Chính câu thơ của Bùi Giáng ấy vận vào người cô sau này. Từ con đường sói mòn cô tìm ra một lối đi, ấy là mỗi người mỗi có một người bạn đường, mỗi nơi trú ẩn của riêng mình, mặc dù chỉ là mảnh đất khuất nẻo ở một vùng đất hoang vắng nào đó. Nhưng bây giờ, cô đành rong ruổi một mình trên cô lý về một bến cô liêu. Trên con đường lẻ bóng, từ bạn đường đến bạn đời, cô loay hoay trăn trở tìm cách gây dựng một mái ấm gia đình thật an nhiên bình dị. Thế nhưng cô cứ vật vờ vẽ một mẫu người đàn ông mà theo cô phải bương bả, bương trải. Chẳng lẽ người như cô lại đi yêu…con cù lần ngồi chết dí một chỗ hay sao. Như một lần con rận triết lý cù nhầy về người đàn ông cho ra đàn ông như thế này đây: Người đàn ông khi cuối đời ra nghĩa địa nằm mà không có một người tình cuối tiễn đưa thì chẳng phải là một người…đàn ông.
Cô hoài niệm đến những giấc mơ...Trong giấc mơ thoáng chốc, cô chợt bắt gặp một hình bóng của một người đàn ông không rõ nét để có thể sống chung cùng. Tỉnh dậy là cô quên ngay khuôn mặt ấy, cô chợt chao lòng và tưởng niệm người đàn ông của mình như hoài một cố nhân. Bởi lẽ người đàn ông đó phải có túc duyên để gặp gỡ hoặc giả như nếu có cơ may quen biết rồi sau đấy đường ai nấy đi. Rồi tống biệt hành, bỏ lại sau lưng bằng một nụ cười suông, thường là rất nhạt nhẽo của mình, như cô đã từng…
***
Một ngày đi đến tận cùng với đường mưa ướt đất để tìm cho ra một nhân vật trong mộng. Mơ khác mộng. Để rồi cái tay đã gặp hắn. Cô hỏi tên người tình ảo ấy. Chạy trời không khỏi số, trong một thoáng u mặc, giọng hắn sầu chờ sầu, gương mặt hắn buồn nối buồn, cả môi hắn cũng chẳng hé rạng lên một niềm vui. Hắn trả lời tên hắn là…chân trái.
Thoạt kỳ thủy tay và chân, cả hai không biết nhau vì chúng được sinh ra dưới hai hình thể khác nhau với hai bản thể hoàn toàn khác nhau và sống ở hai thổ ngơi, địa giới cũng khác nhau. Gần đất xa trời thì chân ở dưới…đất và tay ở gần…trời. Tay gần với mây xanh cùng trăng sao nên nhậy cảm và ủy mị, thích được vuốt ve, ưa làm dáng cho đỏ da thắm thịt nên chẳng thích nắng nôi mấy. Chân ngược lại thích đi lại khắp nơi phơi thân ra ngoài nắng gió, chẳng quan tâm gì đến thân thể mình. Tựu chung là ở bẩn không thể tả. Ngắn gọn nhân vật ảo của cái tay, méo mó, dị dạng. Tất cả được chắp nối ràng buộc với nhau một cách rời rạc, không mòn nhẵn, hay nói khác đi là…khác thường.
Rắc rối là có hai chân, ấy là chân trái và chân phải: Tay trái quáng quàng nhè ngay chân trái làm…người bạn đường. Vì ngỡ cùng một phía, yêu nhau là cùng nhìn về một hướng. Dần dà chúng yêu nhau thật mới điên người, Tuy nhiên chúng vẫn lóng ngóng cố tìm cách tìm hiểu nhau. Tay vẫn “nói” kiểu tay…Bởi thổ ngơi, địa giới khác nhau, nào có khác gì chuyện chồng Nam vợ Bắc. Như vợ nói ‘’cái tay’’ thì chồng nghe ra là...‘’cái tai’’ chẳng hạn. Chung sự vụ thì tay trái và chân trái cũng đồng ý đi đến quyết định kết liễu cuộc tình vô cùng thơ mộng của mình bằng cái lễ cưới thật…thương tâm. Nhưng phải nói là cái giống đàn ông thường mau chán. Cô gọi con rận hỏi cho ra nhẽ vì nó là đàn ông. Nó hỏi cô thích ăn gì. Cô trả lời: Gà quay. Con rận hỏi tiếp nêu ngày nào cô cũng ăn gà quay. Tháng nào cô cũng ăn gà quay. Năm nào cô cũng ăn…gà quay thì cô có chán không?
***
Lúc này đây cô đang hụt hẫng lại nhớ đến cái ga xe lửa hắt hiu nằm ở đâu đó. Cô gọi con rận nữa, nó vu vơ: “Hai đường thẳng song song không bao giờ gặp nhau, nhưng gặp nhau ở cõi vô cùng”. Gì mà khó hiểu một cách vừa phải như vậy! Chịu trời không thấu, tay đưa…tay gãi gãi đầu ra ý nhờ cái đầu tìm kiếm dùm chuyện tiền duyên hậu kiếp. Nghe hỏi vậy, cái đầu...lắc đầu: ‘’Rằng cô phải ngồi ở sân ga đúng 28 năm hay 10220 cả ngày lẫn đêm mới gặp được người tình trăm năm đang ngó lơ đi qua. Hay nói một cách khác theo xác suất của một nhà toán học, nếu cô ngồi ở quán cà phê góc phố và đếm…Cô đếm đến 1 triệu 700 ngàn người…lẻ 1 mới bắt gặp người tiền duyên hậu kiếp trong đám đông, giữa đám đông”.
Một ngày cô đang đi tìm cái mà người làm nhạc họ Trịnh chẻ câu vót chữ cho nhọn hoắt là “Ngày mai sỏi đá cũng cần có nhau“. Thì ở ngã ba đường, cô gặp…một hòn đá.
Bởi nhẽ cô quắn quả…Ừ nhỉ, khi con người đi hết vòng đời một trăm năm có khác gì được sinh ra một lần thứ hai để bắt đầu một vòng đời mới.Cô lậu bậu rằng có hơi trễ tràng đấy vì đời sống quá ngắn ngủi. Ấy vậy mà mây bay đi, ngày trôi qua, cô vẫn lụi đụi chạy sau thời gian vì mộng khác mơ…Cái đầu...gật đầu: ‘’Mơ khách đường xa, khách đường xa...(Thâm Tâm) rồi ra trên con đường tình ta đi, cô sẽ gặp. Như trên lối đi gặp…một hòn đá bên hè phố.
Bằng những bước thấp bước cao cô đã gặp... ”gã”. Gã đứng bên đường như một…hòn đá có thật. Hòn đá lặng lờ với khuôn mặt đeo gọng kính trắng đang nhai văn nhá chữ qua bài viết “Lá vàng rơi trên giấy” như…ông đồ già. Một ngày cô đi ngang qua, qua mưa bụi bay và ngửi thấy mùi thuốc lá bay bay theo gió. Hòn đá đeo kính đứng đó, thả khói lên trời cao và cô đã bị hớp hồn từ những hình ảnh mông lung ấy. Với dòng đời nổi trôi, gã đứng đó như tượng đá bên phố đông người qua để đợi ai đấy không ai hay hòn đá đeo kính là… ”cái tay phải”.
Và hòn đá vừa đếm đến 1 triệu 700 ngàn người…lẻ 1. Thì gặp…cô.
Trời hết mưa thì nắng để cô lây dây đến chuyện duyên tình có từ kiếp trước. Gần đây, một nhà phân tâm học dùng thôi miên đi tìm quá khứ của những người yêu nhau. Ông khám phá ra những cuộc tình hôm nay đã có từ kiếp trước. Thảng như ông thôi miên cô: Cô sẽ kể cho nhà phân tâm học nghe cả mấy trăm năm trước, cô đã gặp gã đứng đó như tượng đá bên phố đông người qua và hẹn hò. Kiếp này mặc dù cô đã có chồng. Nhưng khi gặp gã, cô sẽ ngã vào tay gã một cách dễ dàng mặc dù gã…sần sùi, thô nhám hơn chồng cô.
Ừ thì trở lại một ngày phiêu lãng quên mình lãng du cô đã gặp... gã. Cô móc cái điện thoại bánh mì tay cầm hỏi con rận phải làm gì với…hòn đá. Bên kia đầu giây con rận chỉ vẽ cô học theo Bồ Đề Đạt Ma với “cửu niên diện bích”, cô hãy quán chiếu bằng cách nhắm mắt và dòm…hòn đá. Chín giây sau cô ngộ ra “bản lai vô nhất vật” của hòn đá đang chứa chấp một nỗi gì đó mà cô không hay biết. Con rận cho cô hay ít nhất Đông phương và TâY phương cũng gặp nhau ở đây: Với Đông phương ấy là bản lai vô nhất vật vì nhà Phật dậy rằng khi sinh ra đời con người ta chỉ là khối thịt, không mang theo vật gì theo cả. Còn theo Tây phương thì cô là nửa cục thịt của gã. Bằng vào chuyện từ thuở hồng hoang, thượng đế tạo ra trái đất là núi đá và con người là một cục thịt tròn như hòn bi, lớn như bánh xe 18 bánh. Cục thịt hòn bi lăn xuống núi tách ra hai cục thịt kháu nhau: Đó là cục thịt đàn ông và cục thịt đàn bà. Và họ lạc nhau. Sau này hai cục thịt tìm ra nhau và lấy nhau vì vậy cục thịt này là nửa của cục thịt kia là thế.
Sau khi diện bích, cô ngộ ra hòn đá là một nửa của cô hay ngược lại…Từ đó, cô biết mình chẳng lẻ loi, lẻ bóng. Cô cảm thấy yêu đời, yêu…người hòn đá đeo kính. Nhưng bụng bảo dạ, cô không còn là con gái với tuổi học trò nữa, bây giờ cô đã là đàn bà, lại đâm đầu đi yêu…cái tay phải mới khổ cái thân cô vi...vì cái tay phải có...ngón tay đeo nhẫn. Nhức nhối hơn nữa là một lần hòn đá đeo kính rầm rì với cô: “Trong một người đàn ông lúc nào cũng có hai người đàn bà. Một người là người vợ. Một người là người tình”.
Ấy vậy mà cô để cho những lời rì rầm của gã theo gió trôi đi. Vì có gặp, có gần, cô mới tự hiểu rằng đàn bà cũng như đàn ông, mỗi người mỗi có một hình ảnh, một nhân vật ẩn mình trong ngõ ngách của tâm khảm và nếu có túc duyên gặp nhau, để trói buộc vào nhau không rời. Cô thẩn thơ nghĩ rằng, lắm khi vấp phải hòn đá ở ngã ba đường, nhiều khi thay đổi một quãng đời để rẽ qua một khúc quanh khác với ngày sau sỏi đá cũng cần có nhau. Những năm tháng sau đó cô cứ chơi vơi với chuyến tầu đã đến sân ga chưa để chuyện bằng vào từ đầu...
Cô đang bối rối nhìn trời nhìn đất thì có tiếng Hàn Mặc Tử thở ra…
Người đi một nửa hồn tôi chết
Một nửa hồn kia bỗng khật khờ
Trở lại ngày cô bắt gặp trên hòn đá có điếu thuốc lá đang thở ra khói, bên cạnh là cái bút và một xấp giấy và gã bỏ đi đâu không biết. Chỉ biết rằng gã bắt đầu bài viết với chữ “Gã…’’. Thế là cô ngồi xuống bên đường. Cô viết tiếp những trang trải của gã...
Đơn giản như đan rổ thì cô sàng chữ ra câu, sẩy câu ra chữ như thế này đây:
“…Gã…
Bằng vào cái tuổi lá vàng rơi trên giấy...Vào một ngày mưa nhiều hơn nắng bỗng bắt gặp một câu thơ xưa cũ hay mắt ai của quá khứ dường như thật thân quen nhưng cũng thật xa vắng. Tận cùng là mỗi ai đều mang một quá khứ trên lưng, thì cứ tạm gọi là một hình bóng đi. Để rồi chẳng thể chạy trốn một chuỗi ký ức vơi đầy đang nằm ngủ sâu trong ngõ ngách của tâm khảm lũ lượt rủ nhau về trong thoáng chốc, qua cái bóng hắt hiu bên đường, cái bóng hắt bên nay, hắt bên kia khơi dậy ngày nào năm ấy. Và ai chẳng một lần đong đưa với cánh cửa của quá vãng qua…đôi mắt của người xưa và gã cũng vậy. Gã đang cõng quá khứ về một thành phố cũ, ở đấy có những căn nhà hình hộp với hai cửa sổ và…một mắt ai. Con đường quá khứ nối dài và cứ dài ra mãi như một định mệnh rong ruổi, cho mãi tến tận bây giờ.
Phố sá mưa bay, gã gật gừ về cuộc tình nào đấy một lần trong đời:
Này người tình giữa phố
Mắt ai đã biểu tỏ
Hãy đi. Như đã ở
(Đạm Thạch)
Một chiều gã hẹn hò với quá khứ ở một nơi chốn không có thời gian và không gian. Gã đang đứng trong bóng chiều chạng vạng tối. Gã đang nhớ người trong điếu thuốc khói huyền bay lên cây thì bấu vào mắt gã chiếc áo chùm trắng từ đầu tới chân và mỏng tang vật vờ bay ngang qua. Áo em trắng quá nhìn không ra có hai đốm sáng nhỏ nhoi như một mảnh linh hồn lạc mất lối về…Nhìn kỹ hơn gã thấy chỉ là một…cái bóng có dính hai đốm sáng đang nhấp nháy giống hai con đom đóm là...là…hai con mắt đang chớp chớp.
Hai mắt chớp chớp nhìn gã. Thoạt đầu, gã hơi ngỡ ngàng. Gã đốt thêm một điếu thuốc và trông ngóng về cái cửa ra vào hình tượng như cánh của ký ức. Gã ngạc nhiên thấy đôi mắt như nhấp nháy và hóng theo gã, ngầm ra ý hỏi han rằng gã đã đứng ở góc phố này 28 năm hay 10220 ngày đêm thì “người” của…quá vãng đã đến hay chưa? Nghe lạ! Sau mươi giây, sự ngạc nhiên biến thành chập choạng, gã dợm bước tới định hỏi han thì đôi mắt…đi giật lùi. Gã đứng, đôi mắt cũng đứng và đau đáu nhìn gã. Gã giả bộ lùi lại nhanh hơn, đôi mắt bước tới cũng nhanh hơn. Cứ như thế, gã rượt đuổi theo đôi mắt như đuổi theo…một cái bóng của cái tuổi mới biết yêu lần đầu cũ sì cũ xưa.
Mọi người ra vào phòng ăn khá đông. Gã chẳng thấy đôi mắt nào hao hao giống vậy, có những đôi mắt nọ quá lớn, mắt kia lại quá hẹp. Còn đôi mắt của gã là đôi mắt hanh hao sương khói, mỗi khi mở to trông vừa ngơ ngác vừa ẩn chứa một điều gì sâu thăm thẳm để bỗng dưng…gã như muốn chết chìm trong đó. Gã làm quen bằng cách hỏi bâng quơ: “Ăn gì”. Cái bóng thản nhiên trả lời: “Ăn gió”. Thấy mặt gã nghệt ra như rắn ngày, cái bóng liến láu: ‘’Một tối đang ngồi trên sân thượng ngắm trăng, bất ngờ một miếng gí bay vào miệng. Chạm vào đầu lưỡi và…ăn. Cứ thế, cứ mỗi ngày chờ gió. Dần dà quen, nhòm thấy miếng gió nào bay tới gần là hất tay nhẹ vào miệng và ăn như ăn…không khí”.
Và gã bắt gặp đôi mắt mở rất to…
Đôi mắt mở to và hỏi gã: “Uống gì”. Gã lững lờ trả lời : “Uống rượu và…ngắm trăng”. Đôi mắt nhìn ra ngoài ẩn hiện vầng trăng tròn, và gã nhận ra là cái bóng đầy đặn, nhìn kỹ thêm, khuôn mặt cái bóng tròn tròn như mặt trăng. Nhưng gã không nắm bắt được rằng cái bóng đang ngầm đẩy đưa gã về...một đêm trăng mà con rận đã tâm tình với cái tay.
Vì cái bóng không như chị rận chui vào hang hốc để chạy trốn vầng trăng…
Tối về, gã ngồi ngoài vườn ngắm trăng lên. Qua cái ánh trăng non nõn dờn dợn, làn khói thuốc bay lên lượn quanh và tạo thành một gương mặt một ngươi nữ. Làn khói dần tạo nên một người con gái mờ nhân ảo. Không tin vào mắt mình, gã nhìn trân trối vào hình bóng, sợ cái hình ảnh ấy biến đi mất. Gã vội vàng lấy giấy phác hoạ lại chân dung dáng dấp ấy. Khi bức hoạ vừa xong, một làn gió nhẹ thổi tới, xoá…cái bóng của gã..
***
Từ ngày gã quen biết đôi mắt qua cái bóng, gã cảm thấy thiếu vắng một cái gì khó tả. Ngày là gió, tháng là mây, vợ gã vắng nhà, gã mang cái bóng về nhà lúc nào chẳng ai hay. Cái bóng dẫn đôi mắt đầy sương khói theo gã khắp mọi nơi, từ ngoài vườn vào đến phòng ngủ. Một lần trong giấc mơ hoang, cái bóng nhìn ảnh vợ gã treo trên tường và xăm xắn bảo gã: “Này, người kia muốn gặp riêng người này ở chỗ khác không?”. Gã nhìn cái bóng từ đầu xuống chân rồi gật đầu. Gã dòm thấy cái bóng căng mắt nhìn gã từ chân lên đầu và chu miệng như trêu gã rồi.. đi mất. Gã bật dậy không ngủ lại được nữa và bâng khuâng với một mai.
Với một mai là một tối, gã mơ thấy mình chui ra khỏi cái giường ngủ và hẹn hò với cái bóng trong một cuộc phiêu bồng về một vùng đất mới ít ai hay biết. Trong giấc mơ, gã cõng cái bóng có đôi mắt sương khói đến một nơi vắng bóng người. Mặc dù chỉ là cái bóng, vậy mà sau một hồi lâu hai vai gã bị đau nhức. Gã mang cái gánh nặng ấy trên lưng và gã chẳng hiểu cái bóng có biết gã đưa cái bóng tới một nơi chốn đang chờ đợi. Về một nơi chốn chỉ có…cái giường. Nếu gã nhớ không lầm nhà văn Hery Miller đã cho rằng: “Cái giường không phải để ngủ. Mà là để nói chuyện. Vì ở trên giường, người ta dễ thành thật với nhau nhất”.
Đừng ai hỏi gã đang mang cái bóng đi đâu? Vì gã đang mải mê vật lộn với cái bóng. Đôi khi cái bóng cọ xát vào hai bả vai khiến da gã bắt đầu đau rát. Gã ưỡn lưng và cố đẩy sức nặng cái bóng về phía bên kia. Gã phát hiện một chiếc xương sườn của gã bị lệch sang một bên và đâm thấu vào tới tận dạ dầy gã. Ấy đấy, cái bóng theo huyền sử chỉ là…cái xương sườn của gã nhưng gã vẫn è lưng phải cõng, như chúa Giê-su vác cây thập tự giá. Khách qua đường lẽ dĩ nhiên họ không nhìn thấy...một cái xương sườn đang được vác bởi một ông già….”.
Đến tao đoạn này cô định viết thêm đàn bà không phải là cái xương sườn của đàn ông. Vì cứ theo chuyện cổ đại của người Hy La thời trung cổ thì đàn bà là một cục thịt, là nửa cục thịt khác là đàn ông. Nhưng nghĩ sao lại thôi. Và cô gọt chữ đẽo câu tiếp:
” …Lưng gã mỗi lúc một còng xuống và cái bóng phủ lên lưng gã dầy như cái mai rùa. Không còn ai nhận ra gã nữa vì bóng đêm, gã cứ chúi đầu xuống mà đi với sức nặng của cái bóng ở trên lưng. Dẫu sao gã mới chớm già hay ít nhất đầu óc gã bắt đầu già cỗi. Đối với gã, thời gian không có nghĩa gì cả nhưng gã lần lượt nhìn thấy những người quen gã già đi, rồi vắng bóng. Cả cái bóng cũng vậy. Gã lo sợ một ngày nào đó gã sẽ mất cái bóng vĩnh viễn mà chưa một lần chia sẻ những điều cả hai hằng ấp ủ. Đã nhiều lần gã muốn đến với cái bóng nhưng gã ngại ngùng. Gã lo sợ làm đảo lộn cuộc sống phẳng lặng của cái bóng.
Cái bóng mỗi lúc mỗi đè nặng trên lưng, dưới sức nặng nghìn cân của cái bóng, gã bắt đầu khom lưng mà…bò. Gã biết trước sẽ phải bò ngang qua khúc đường rầy xe lửa trước mặt. Gã như một con ốc sên vụng về chậm chạp dưới sức nặng của cái vỏ. Sau những năm tháng với đường mưa ướt đất, nay gã đang nằm ở cái tuổi nhi nhĩ thuận, hiểu theo nghĩa là chuyện gì rôi cũng qua đi. Vì rằng đã bao ngày tháng gã gần gũi với cái bóng, ngày qua tháng lại với hôm nay sẽ là quá khứ của ngày mai. Ngày ngày cứ chồng chất lên mãi để thành một chuỗi quá khứ nặng nề. Vô hình chung, chính gã đang là con ốc chuyên chở quá khứ kia mà. Chuyện là ai đó trước khi có hiện tại đều có quá khứ, quá khứ nhiều lúc muốn cởi bỏ nó không phải là dễ.
Như chuyện con ốc nhỏ sống cô quạnh trong một vũng đầm lầy với chuỗi tháng ngày, cứ day dứt nó mãi. Cứ mỗi một ngày, trả một ngày cho quá khứ, quá khứ vì thế chồng chất trên lưng con ốc. Một hôm nó nhất định mang quá khứ đi chôn, nó nghĩ chỉ có thế mới có được những nhẹ nhàng thanh thản. Khi con ốc chở quá khứ đến mé đường, bên kia là nghĩa địa, thì nó thấy băng qua bên kia không phải là dễ. Dòng xe như mắc cửi không chừa một khỏang trống để chậm như nó có thể vượt qua. Cuối cùng con ốc tự thấy rằng, nó sẽ bị bánh xe nghiền nát trước khi bò qua bên kia đường. Vì thế nó đành cõng quá khứ trở về nơi đầm lầy nước đọng xưa kia, nó thầm nhủ suốt quãng đời còn lại, đành ôm những quá khứ của riêng mình…
Và gã chỉ muốn cái bóng có chung một quá khứ với gã. Thế nhưng gã lại chao đảo, có lẽ gã chẳng nên phiêu lưu nữa, có lẽ đã đến lúc gã nên chấm dứt những nổi trôi hờ hững này. Gã đang muốn thầm thì với cái bóng rằng: “Có khi chung thủy là một cố gắng tuyệt vọng”. Và gã sẽ rù rì tiếp: “Ngoại tình là yêu một lần nữa mà không cần phải cố gắng“. Rồi thì thầm thêm nữa: “Nếu gian díu với đàn ông có vợ là tội lỗi thì đó là một thứ tội lỗi đầy quyến rũ”.
Nhưng chẳng hiểu nghĩ sao, gã vẫn thấy có điều gì đó không ổn.
Cho đến bây giờ đây, gã hầu như đã mất hết khái niệm về thời gian, có lúc cả khái niệm về không gian cũng không còn rõ rệt nữa. Đôi khi gã đi như trong mơ, giật mình không biết là đang ở đâu, đi về đâu. Cả hai không thể kéo dài những hệ lụy khác thường như vậy mãi. Thế nhưng cả hai gặp gỡ nhau, gần gũi nhau chẳng vì những niu kéo của tục lụy trong chốn ta bà. Gã cũng thầm hiểu cái bóng cũng nhận ra những tơ vương không cho phép cái bóng xa rời gia đình. Dường như cái bóng biết đã tìm được một người để gửi gấm, nương tựa qua một người bạn đường như một người bạn đời. Nói cho ngay là gã chần chừ, có lẽ gã không nên đẩy đưa cái bóng lún sâu hơn trong vũng lầy tục lụy thêm. Cả hai tự giới hạn vào những lần hẹn hò, ít nói với nhau nhưng cùng đọc được cảm nghĩ của nhau thì chẳng có chuyện phải chia cách. Cứ để câm nín hiện hữu theo dòng sinh mệnh thầm kín của riêng nó. Và gã cho là như vậy…
Cuối cùng gã cũng bò vào đến trước cổng khu nhà trọ váo nửa đêm. Gã chậm chạp gượng đứng dậy và từng bước một đi về hướng dẫy phòng ngủ trong mê hoặc, cái bóng cứ lầm lũi theo gã đi vào vùng tan hoang kỷ niệm. Mặt trăng từ từ hiện lên qua rặng cây, cái bóng càng lúc càng đậm nét hơn. Chợt gã nhìn xuống và bắt gặp ánh trăng hất bóng gã xuống mặt đường theo từng bước chân ngoằn ngoèo, nghiêng ngả. Hai cái bóng chập chờn bên đường, cái bóng nghiêng bên này, ngả bên kia. Theo những bước chân, gã thấy cái bóng của mình rướn mình chồm tới và bò lên ôm cái bóng kia quấn quýt. Gặp nhau, chúng ôm lấy nhau thao thiết ngỡ không có gì tách chúng ra khỏi nhau. Mặt trăng vừa khuất dạng sau đám mây, hai cái bóng giẫy giụa quằn quại rồi từ từ buông nhau ra. Gã chợt thấy người mình nhẹ tênh, đưa tay sờ soạng thì hốt hoảng nhận thấy rằng cái bóng kia không còn nữa, nó đã bỏ gã mà đi đâu mất. Cái bóng hoàn toàn hóa thân. Mặt trăng ló rạng. Hai cái bóng lại nhập làm một. Sắc tức thị không, không tức thị sắc. Và gã cúi xuống định bế cái bóng vào căn nhà trọ.
Bất chợt ánh trăng có một đám mây mỏng như sợi tơ trời phủ lên và cắt mặt trăng làm hai. Gã cũng như cái bóng, không ai muốn bước qua sợi tơ vương vô hình mà cả hai tự vạch ra từ lâu lắm rồi. Vì rằng nếu cái bóng ngả qua sợi tơ trời chia cắt đôi bờ đôi ngả kia thì nào có khác gì câu ca dao hỡi cô tát nước bên đàng, sao cô múc ánh trăng vàng đổ đi để làm sao vớt lại ánh trăng đã mất. Rồi một ngày nào đó quay lại nhìn, tất cả thuộc về ký ức, chuyện thầm kín bao nhiêu năm như giấc đông miên, khi chân lang thang qua vùng trí nhớ tan hoang, đôi mắt ngày xưa mịt mù đưa. Trong thầm lặng, gã nhẹ nắm tay cái bóng quay trở lại còn đường cũ vừa mới đi qua. Để căn phòng ngủ bơ vơ ở lại đằng sau lưng...
***
Chuyện là ngày hôm sau, cô bắt gặp trên hòn đá có ly cà phê bốc khói và xấp giấy mà cô đang viết dở dang. Gã đangngồi đấynhư biết cùng ai nói câu tâm sự, đá ngủ bên đường gọi chẳng thưa (Vũ Hoàng Chương). Gã viết thêm những gửi gấm còn lại của một cô với một gã...
Đồ chuyên trà ấm đứt sứt vòi, cuộc sống rượu be sành chắp cổ, gã chắp câu nối chữ cho cô với tại đây, đá sống lâu đời nhất, đá rõ điều ta muốn rõ không (Tô Thùy Yên) thế này đây:
...Cô cứ thong dong với đường xưa lối cũ và nhìn lên cao có ánh trăng vàng ệch. Trong những giây phút hóa thân, cô hòa nhập về một vùng hoang vu không một bóng người, chìm đắm trong một thời hoang sơ mà chưa một lần bước chân tới và hòan tòan xa lạ… Để rồi trong cô như thăng hoa, bay bổng hòa lẫn với tiếng cành lá xào xạc trong gió. Dường như hòn đá đeo kính đang thả hồn đi hoang, bay lên với cô, bay lên mãi theo cô. Trên con đường tình ta đi, cô cùng hòn đá đeo kính đang lang thang với những bước chân vô định, ai mà chẳng có lúc buông lơi bồng bềnh thả hồn theo mây khói như gã. Như gã với…cửa động, đầu non, đường lối cũ, ngàn năm thơ thẩn bóng trăng chơi (Tản Đà Nguyễn Khắc Hiếu).
Ấy vậy mà có một lúc giao động, cô bám víu vào những hình ảnh tâm linh và tìm về tục lụy, không phải thuộc về đạo mà là thuộc về đời. Hóa ra cái kiếp người dẫu buồn chán bao nhiêu vẫn là một kiếp nhân sinh. Được sống, được làm người vẫn là một cái gì mơ hồ nhất, nhất là lại có một quá khứ vui buồn ở đằng sau. Và ngay lúc này đây, cô cảm thấy thấy cô có những ẩnức bình thường của đời thường. Và ai chẳng có một lần trong đời.
Rồi cô tự hỏi bây giờ mình cùng hòn đá đeo kính đi đâu đây, thì... Thì cô thấy hòn đá đeo kính đang bay lên, bay lên mãi, bay qua mái chùa cuối đường rầy xe lửa. Cô bay theo, và hong hanh mắt nhìn theo xa xa ẩn hiện ngôi chùa Long Giáng. Và ở đó, một ngàn năm trước, một trăm năm nữa còn vướng víu câu kinh, câu kệ của người xưa, của vua Lê Thánh Tông hoạ thơ với ni cô: “Chày kinh một tiếng tan niềm tục - Hồn bướm ba canh lẫn sự đời”. Ni cô sửa lại thơ vua: “Gió thông đưa kệ tan niềm tục - Hồn bướm mơ tiên lẩn sự đời”.
Đến tao đoạn này, gã muốn cô là ni cô, và gã là Bùi Giáng:
“…Tôi (Bùi Giáng) gạ gẫm con chuồn chuồn, đem phó thác thân xác trần gian của tôi cho con chuồn chuồn trên hai cánh mỏng bay đi rồi trở về đồng ruộng làm mục tử chăn trâu. Con trâu chạy lạc. Tôi chạy về bẩm báo với ni cô cho phép con chuồn chuồn của tôi cư lưu một thời gian. Ni cô đuổi tôi. Thì tôi ra bờ ao nằm ngủ giữa chiêm bao. Chiêm bao lãng đãng…”.
Gã cũng lại thôi như cô không dài hơi dầy chữ nữa. Và đục chữ đẽo câu tiếp.
Với gió thông đưa kệ tan niềm tục, hồn bướm mơ tiên lẩn sự đời, cô để hồn đi hoang đến Khái Hưng viết truyện Hồn bướm mơ tiên mượn cảnh chùa Long Giáng ở Bắc Ninh. Và gã đẩy đưa chuyện có lão trượng đeo ống tranh Giáng Kiều từ chợ cầu Đông đất Thăng Long về ghé sân chùa Bích Câu nghỉ chân. Lão trượng gặp Tú Uyên để có truyện Bích Câu Kỳ Ngộ. Trong truyện“Bích Câu Kỳ Ngộ”của bà Đoàn Thị Điểm sáng tác có câu gió thông đưa kệ tan niềm tục, hồn bướm mơ tiên lẩn sự đời mà bà họ Đoàn dựa vào tích vua Lê và ni cô. Nói cho ngay, những hình ảnh tâm linh và tìm về tục lụy, không phải thuộc về đạo mà thuộc về đời…Cô muốn mình là Giáng Kiều bước ra khỏi tranh để gặp Tú Uyên là… hòn đá đeo kính.
Trở về thực tại, cô hình tượng đến hòn đá đeo kính và cô, cả hai có hai khoảng trời riêng biệt nhưng vẫn hướng về nhau cho mãi đến cuối đời. Người này chỉ cầu mong người kia được an lành ở một nơi chốn bình yên. Dường như thời gian lẩn khuất đâu đây và trộn lẫn những mộng mị. Cô vẫn hoang vu lang thang qua mảnh đời này. Cô tự hiểu rằng, hòn đá đeo kính vẫn ngóng đợi cô từ một miền sâu thẳm của ký ức ở một ngã ba đường hay sân ga nào đó.
Chỉ có cô. Và hòn đá đeo kính.
Với em đi bỏ lại con đường, bờ xa cỏ dại vô thường nhớ em (Bùi Giáng). Tiếp đến thương em không biết để đâu, để trong túi áo lâu lâu lại nhòm (ca dao). Cô mương tượng đến hòn đá đeo kính đi đâu cũng bỏ cái bóng vào…túi quần. Chỉ khi tới ngã ba đường. Hòn đá móc cái bóng ra. Cả hai ngồi trên tảng đá thảnh thơi uống…cà phê Starbucks.
Hậu sự ít ai hay: Hòn đá đeo kính có một người tình là…cái bóng. Kiếp hiện tại nói cho cùng, hòn đá đeo kính bằng lòng với cảnh giới ấy. Tận cùng của cái có là cái không.
Không có có
Có có không
Trước là không hay trước là có?
Gật đầu dấu nghĩa có hay không?
Lắc đầu muốn nói không hay có?
Làm thinh không có có hay không
***
Ấy vậy mà đã bấy lâu nay, chẳng một ai hay biết họ đã nắm tay nhau rong ruổi cho hết một quãng đời tới một ngã rẽ thấp thoáng đằng trước mặt. Từ con đường mòn cả hai tìm ra một lối đi, mỗi người có một người bạn đường, một nơi trú ẩn cho riêng mình, mặc dù chỉ là mảnh đất khuất nẻo ở một vùng đất hoang vắng xa vời vợi.
Bỗng có tiếng còi xe lửa từ xa vang vọng báo hiệu con tầu sắp đến một sân ga nào đấy…
Thạch trúc gia trang
Thu tận, Canh Dần 2010
Ngộ Không Phí Ngọc Hùng
* Ghi chú: Cảm hứng được vay mượn qua một số truyện chớp, truyện cực ngắn trên mạng lưới Tiền Vệ.
Đăng ngày 18 tháng 08.2017