Nguyễn thị Ngọc Dung (bút hiệu Đỗ Quyên), tốt nghiệp ban Việt Hán - Đại học Sư phạm Huế. Bà đã giảng dạy tại trường Nữ Trung học Nha trang Võ Tánh và trường Ngô Quyền (Biên hòa).
Định cư tại Canada từ năm 1983.Tốt nghiệp Cao học Giáo dục tại Đại học Ottawa về ngành counselling. Hiện làm "cố vấn tâm lý gia đình" tại cơ quan MOSAIC, Vancouver.
NGƯỜI HOẠ SĨ VÀ ... TÔI
Lời Người Viết: Đã từ lâu, tôi muốn viết về một ngưòi hoạ sĩ tài hoa, đồng thời cũng là bạn đồng nghiệp cùng trường thuở trước; mà không hiểu sao vẫn chưa thực hiện được. Tôi tự biết hội hoạ không phải là lãnh vực của tôi; nhưng cứ mỗi lần được ngắm tác phẩm của chị, tôi cũng không thể nào làm ngơ mà không…vương vấn ít nhiều. Tôi cũng tự biết không có kiến thức chuyên môn thì e rằng nhận xét của mình không đủ sâu sắc, thì không biết phải “ăn làm sao, nói làm sao” cho phải. Và tôi đã chia xẻ ý nghĩ này với chị, thì chị rất thoải mái bảo rằng "Không sao, mỗi người có những cảm nhận khác nhau, đâu bắt buộc phải là hoạ sĩ..." Và tôi thầm nghĩ, kiến thức thuộc về trí tuệ, còn cảm nhận là thuộc lãnh vực con tim. Đâu cần phải hiểu, phải biết, mới thích? Giống như một bài thơ nếu là thơ “có hồn” thì con người có chút cảm xúc cũng vẫn dễ cảm được. Nếu Thơ là để cảm, không cần hiểu, thì hoạ cũng thế. Chỉ cần có tâm hồn là để cảm nhận. Vả lại, tự trong thâm tâm, người viết “tản mạn” như tôi không có tham vọng làm công việc phân tích tác giả và tác phẩm (là việc làm của những nhà chuyên nghiệp, thuộc phạm vi “Thẩm định Nghệ Thuật”. Ở đây, ngưòi viết chỉ muốn nêu lên một vài cảm nhận chân thành của mình (mà cảm nhận thì mỗi người một khác), đối với việc làm cao quý của một người tha thiết với Chân -Thiện - Mỹ, và nhất là về một người mà tôi hằng quý mến. Thưởng thức tác phẩm nghệ thuật, biết rõ phẩm chất của tác giả mà không nói lên thì quả là không công bằng. Hơn thế nữa, đi tìm cái hay, cái đẹp của ngưòi đời là việc làm với nhiều niềm vui. Đem niềm vui ấy ra chia xẻ với tất cả, cũng là một niềm hạnh phúc...
DUYÊN GẶP GỠ
Tôi được biết người họa sï khi bắt đầu bước chân vào trường Nữ Trung Học NhaTrang và sau khi tốt nghiệp Đại Học Sư Phạm ở Huế. Lúc đó, tôi chỉ biết chị với tư cách là một đồng nghiệp, mặc dù chị học ở Huế, nhưng thuộc về trường Cao Đẳng Mỹ Thuật, lại ra trường trước tôi mấy năm, nên những ngày sống ở Huế, tôi không được biết, mãi cho đến lúc sau này…Trong số những vị đồng nghiệp đàn chị mà tôi quý mến hồi ấy, ngoài chị Ngọc Hương một giáo sư Vạn Vật rất đàng hoàng mà tôi coi như người chị, thường hay đi dạy về chung đường, chị Phạm thị Hải chững chạc, chân tình và dễ mến; và nhất là cô bạn thân xinh xắn - CTTN Thị Nghĩa - mà tôi thường hay giao du … thì chị là một trong những nguời tôi đặc biệt cảm tình, vì tính tình phóng khoáng, cởi mở, dễ chịu; nhất là phong cách thoải mái. Tính tôi ngày đó hay nhút nhát, mới trình sự vụ lệnh ở nơi nhiệm sở đầu tiên, mà gặp đồng nghiệp cởi mở cũng là một điều khiến tôi cảm thấy an tâm. Dĩ nhiên còn nhiều các vị đàn anh, đàn chị kỳ cưụ ra trường trước tôi nhiều năm, mà kể ra thì không hết được. Tôi dạo ấy được liệt vào hàng những giáo sư Trung Học trẻ tuổi, cùng với cô bạn Nghĩa, đến trường sau tôi hai năm, vì hai năm trước cô còn dạy ở Bùi thị Xuân Đàlạt. NhaTrang - Đàlạt có thể nói gần nhau …trong gang tấc, vì trong trí nhớ mơ hồ của tôi, chỉ cách nhau một cái đèo chính: Đèo Ngoạn Mục (còn gọi là “Đèo BelleVue”). Dĩ nhiên là không đơn giản như thế, vì còn một số chặng đường khác nữa, nhưng so với Sài gòn và Huế thì Nha Trang-Đàlạt khá gần, về không gian, và về “tình” thì như là tình anh em vậy. Tôi lẩn thẩn ví như thế, một phần tại gia đình tôi, bản thân tôi vốn “thân” với Đàlạt đã từ lâu…
Còn nhớ, khi mới ra trường, đến trình sự vụ lệnh ở Trường Nữ Trung Học Nha Trang, gặp Bà Hiệu Trưởng Buì Ngoạn Lạc, mà tôi nghe đồn là rât “nghiêm”. Bà dáng gầy gầy và đẹp, nét đẹp cổ kính Á Đông, không chê vào đâu được. Nhưng tôi cũng” ngài ngại” làm sao vì bà “nghiêm” quá, hồi ấy tôi vốn còn “non”, lại vốn nhút nhát, nên cứ e dè, mặc dù chả “ai” làm gì mình. Nhưng suốt mấy năm dạy ở Trường Nữ, tôi lại thường xuyên được bà Hiệu trưởng tin cậy (?) hay sao mà hay cử tôi đi chấm thi các nơi, khi thì tại trường “Le Petit Lycée”, khi thì thì về Sàigòn làm giám khảo kỳ thi Văn Chương Phụ Nữ hằng năm. Và năm nào cũng được “vinh dự” gửi đề thi Tú Tài về Bộ Giáo Dục cho môn Việt Văn. Thế là cứ Xuân Thu nhị kỳ tôi lại thong dong đi chấm hai kỳ thi (Văn Chương Phụ Nữ, khoảng tháng ba, nhân dịp Lễ hai Bà Trưng, đầu năm âm lịch; và kỳ thi Tú tài cuối mỗi niên học). Lai một dip cho tôi về Saigòn thăm anh em, gặp bạn bè, đi phố xá, mua sách tài liệu. Thời ấy còn phong trào mua sách cũ. Vì sách tài liệu cũ mới quý. Tôi thường ra chợ bán sách cũ ở đường Phạm Ngũ Lão…Nếu cái thời sinh viên - trước đó vài năm - vui như thế nào thi thời kỳ đi dạy lúc mới ra trường cũng vui chẳng kém, vi được đi đây đi đó, thú vị vô cùng... Chẳng phải tại tôi giỏi giang gì, vì lúc đó, ở Đệ nhị cấp trong trường có các giáo sư như cô Lâm Thu Tuyết giàu kinh nghiệm, cô Trần thị Yến, Thầy Ngô văn Lại, ra trường trước tôi mấy năm, đâu phải chỉ có mình tôi? Nhưng hình như lúc đó có lẽ chị Tuyết bận gia đình, khó đi xa, còn thầy Lại thì lúc ấy hoàn cảnh chiến tranh nên mấy nam giáo sư phải biệt phái đi huấn luyện quân sự. Thành ra đến lượt tôi là “lính mới” nên được bà Hiệu Trưởng “chiếu cố” cử đi chỗ này chỗ kia. Một phần có lẽ tại mới ra trường, nên còn có thể hăng hái được? Dù lý do gì đi nữa, đó vẫn là những kỷ niêm đáng ghi nhớ thuở ban đầu của nghề dạy học của tôi.
Tôi cũng chưa quên những buổi nhà trường khai giảng đầu năm và nhất là những buổi lể phát phần thưởng long trọng cuối năm, tôi thường là người bị “bắt cóc” lên đọc chương trình, giới thiệu quan khách. Quan khách “tai to mặt lớn” thường xuyên của Trường ngày ấy trong những dịp lễ lớn là Đại Tá Tỉnh Trưởng, - tôi còn nhớ Tỉnh Trưởng Khánh Hoà lúc bấy giờ là Đại Tá Lý Bá Phẩm - và một vài nhân vật đại diện Toà Thị Chính Thành Phố (giống như City Council” ngày nay). Vừa run, vừa nhát, nhưng bị (hay được?) đề cử, tôi nào dám “cưỡng lệnh” Bà Hiệu Trưởng? Nhưng rồi cũng “đóng” xong vai trò - tuy đơn giản, nhưng không có không được ấy - bên cạnh thầy Châu làm “MC”...
Thời gian ấy tôi chỉ biết là chị dạy môn hội hoạ, chứ không có dịp tìm hiểu về tài của chị. Và, tuy quý chị, tôi cũng ít có dịp để “tâm tình”bao giờ. Hồi đó tôi cũng chưa biết biểu lộ gì nhiều. Có lẽ thế giới nội tâm của tôi hồi đó còn mải để ý đến nhiều phưong diện nên chưa "tập trung mũi nhọn" vào một khiá cạnh nhất định nào của cuộc đời...Trừ một số lần chúng tôi tham dự lớp gia chánh do chị mở để thực tập nhũng món ăn thời thượng đặc biệt. Nếu tôi còn nhớ, hồi đó chị có tổ chức tại trường, vào giờ rảnh trong ngày, một vài buổi nấu ăn - mặc dù chị không phải giáo sư nữ công gia chánh- mà muốn trình bày một số món đặc biệt dành cho các đồng nghiệp muốn học hỏi thêm về gia chánh. Ngoài món bánh “pâté chaud” thịnh hành hồi ấy, chị còn giới thiệu một món đặc biệt, có tên rất lạ là "Tổ Cút Thượng Sơn Đào". Tên gọi cũng hay, mà ăn cũng rất ngon. Đó là một kiểu món ănTầu gồm có những tổ chim cút làm bằng khoai tây thái chỉ chiên dòn tan, trong đó có nhân xào gồm toàn “légumes” thái từng lát mỹ thuật, như dưa leo, măng, cà rốt v.v….Tất cả đều thái lát mòng, dài và to như hình chiếc lá cây, cùng với thịt heo nạc cũng thái thành từng lát mỏng và dài, xào với hành tây, cho thêm gia vị xì dầu và dầu hào. Trứng cút trang hoàng để bày lên trên mặt diã và bỏ vào trong giỏ hình tổ chim. Hành, ngò bày lên trên diã cho thơm và vị rất hấp dẫn. Đặc biệt, với món sauce sền sệt với dầu hào pha chút bột năng: Món “Tổ cút thượng sơn đào” ngon tuyệt trần. Món này ăn rất tiện, như là một trong những món ăn chơi (“hors d'oeuvre”, hay nói theo kiểu Mỹ là “appetizer”)…
TÌNH NƠI ĐẤT KHÁCH
Thế rồi bẵng đi mấy chục năm, vật đổi sao dời, mỗi người một phương, chúng tôi không có dịp gặp nhau. Mãi cho đến năm 2004, trong một kỳ Hội Ngộ Võ Tánh-Nữ trung Học, tôi có dịp gặp lại những học sinh và đồng nghiệp cũ. Và, lần này tôi gặp lại chị. Sau nhiểu năm trôi nổi, nước nhà gặp “cơn bĩ ”, đành phải “nước non ngàn dặm ra đi”, ai nấy đều vội vàng lìa xa thành phố thân yêu, mỗi người một phương trời, chẳng nghĩ đến ngày gặp lại … Để rồi một hôm, hội ngộ trên đất khách, tôi đã được gặp lại tất cả, lần đầu tiên, sau 29 năm xa cách. Niềm vui tràn trề.
Nữ Sinh Áo Trắng (Tranh sơn dầu)
(copy right by Thanh Tri Nguyen)
Những cô nữ sinh ngây thơ ngày trước nay đã trưởng thành, và vẫn hồn nhiên như xưa. Các anh chị đồng nghiệp còn đó, tuy chưa đầy đủ hết. Và “Bà Hiệu Trưởng” vẫn còn đây, tuy bây giờ không còn “dáng gầy gầy” như ngày trước, nhưng lại đẹp một vẻ phúc hậu, hiền hoà. Trải qua bao năm tháng, nét đẹp ấy bây giờ lại tươi thắm hơn, vào lúc tuổi cao. Hai ông bà vẫn đẹp đôi; cởi mở và ân cần với học sinh và đồng nghiệp. Bây giờ không cần phải “nghiêm” như trước kia. Nhất là khi thấy bạn bè, học trò cũ và người thân quen hầu như vẫn còn hiện diện đầy đù, trong đó có người họa sĩ, giáo sư, người bạn đồng nghiệp đàn chị quý mến của tôi. Chị vẫn rất tự nhiên, thân thiện, cởi mở và tâm hồn phóng khoáng như ngày nào. Nói chuyện với chị, người ta cảm thấy thoải mái, không ngại bị hiểu lầm. Dường như ở nơi chị có một cái gì rất chân thật, dễ cảm thông, dù rằng chị cũng rất tinh tế.
Tôi cảm thấy, giữa chị và tôi không chi có tình đồng nghiệp chung một mái trường mà là một cái gì khác hơn thế, một tình cảm không cần e dè, ngần ngại. Nhờ thế, tình đồng nghiệp giữa chúng tôi được “nâng cao” thành tình bạn.
Và, người phụ nữ khả ái ấy không ai khác hơn là “cô Thanh Trí ” của trường Nữ Trung Học Nha Trang ngày nào, và là hoạ sĩ tên tuổi của miền Bắc Cali hôm nay. Vật có thể đổi, sao có thể dời, nhưng tấm lòng yêu nghệ thuật và cương quyết sống vì nghệ thuật của chị thì không bao giờ phai. Lòng yêu nghệ thuật ấy có khi lại càng đậm nét hơn, qua những kinh nghiệm về nghề nghiệp và niềm thao thức về cuộc đời, trong những chuỗi ngày lưu lạc trên đất khách.
MỘT NGHỆ THUẬT CHO ĐỜI
Nói đến nhà hoạ sĩ mà chỉ nói có chừng đó thi quả là không đủ… Không đủ, cho tôi, cho chị, và cho mọi người. Càng không đủ, nếu không đề cập đến tài năng về hội họa của chị.
Ấy thế mà trong suốt bao nhiêu năm dài, từ khi xa quê hương, tôi chưa có dip gặp lại chị, mãi cho đến kỳ hội ngộ đầu tiên năm ấy…Tôi tự nhủ nếu tôi không đi dự Hội Ngộ thì chẳng biết đến bao giờ tôi mới có dịp gặp lại bạn đồng nghiệp ngày xưa, chẳng biết bao giờ tôi mới có dịp gặp gỡ những học sinh của thuở ban đầu dạy học. Và cũng chắc gì đã có duyên để gặp gỡ sau này, để giờ đây tôi có dip ghi lai những cảm tình tốt đẹp về chị. Nhưng, như đã nói trên, tôi không phải là nhà chuyên nghiệp về nghệ thuật, nên chả dám bàn, mà chỉ muốn chia xẻ sự cảm nhận chân thành của mình khi nhìn ngắm tranh của chị.
Chúng tôi đã gặp lại nhau tại “Thung Lũng Hoa Vàng” Cali. Trong khung cảnh chứa chan tình thày- trò và đồng nghiệp. Chúng tôi mới thực sự “dừng lại”, hỏi han nhau, mới có dịp liên lạc qua điện thư, điện thoại. Chúng tôi mới có cơ hội gần gũi hơn. Và lúc ấy, tôi mới có dịp “chiêm ngưỡng” tài năng nghệ thuật để ái mộ chị, như chưa từng được ái mộ, để thưởng thức nghệ thuật của chị, như chưa bao giờ được thưởng thức trước đây.
Từ đó, tôi mới hiểu ra rằng, yếu tố Nghệ Thuật mới là một trong những yếu tố chính trong đời sống của chị. Vì chị sống cho nghệ thuật, vì nghệ thuật và vui với nghệ thuật. Đó là sự lựa chọn của chị từ những ngày còn trẻ tuổi. Sự lựa chọn ấy có ý thức hẳn hoi, không phải vì hoàn cảnh, hay vì lý do bất đắc dĩ…Tình cảm của chị cũng bao la như biển, cao vời như núi, và phơi phới như bầu trời trong xanh. Tình cảm ấy không chỉ giới hạn trong tình gia đình, tình thày trò, tình đồng nghiệp; mà là một thứ tình đến từ trong tim, hay nói cách khác một cái duyên có tự bao giờ. Duyên ấy là “Duyên Nghê Thuật”, dành cho người sáng tạo nghệ thuật và cả cho người thưởng lãm. Hay, có thể nói rộng hơn, cho…đời.
Đi vào Website của hoạ sĩ Thanh Trí: http://www.art2all.net/tranh/thanhtri/tt_chandung.jpg rồi lại đọc sách hội hoạ của chị, và đàm thoại với chị qua điện thoại, tôi mới thật sự “tiếp xúc” với chị để có dịp cảm nhận được rằng cái độc đáo trong tranh của chị không chỉ ở màu sắc, mà ở cả cái “hồn” nữa. Nhờ thế mới thấy trọn vẹn, “con người” của họa sĩ qua những tác phẩm nghệ thuật. Đó là một “con người ” giàu cảm xúc, giàu tình yêu thương. Tình yêu của chị rất bình thường, giản dị, nhưng không tầm thuờng, trái lại, còn cao quý và rộng mở. Đó là thứ tình tự nhiên, như tình yêu thiên nhiên, yêu đất nưóc và con người; mà gần guĩ nhất là tình mẹ yêu con. Những bức tranh về “Mẹ Hiền” của chị khá nhiều, và hầu như tất cả đều cho thấy tấm lòng tha thiết của Mẹ đối với con; chẳng hạn như trong bức vẽ “Đôi tay Mẹ Hiền’, mà lời thơ như thủ thỉ:
Tình mẫu tử trong ngần mắt biếc
Mẹ thương con thắm thiết tình sâu
Đôi tay đôi cánh nhiệm mầu,
Mẹ mang sức sống tô màu ấu thơ
(Đôi Tay Mẹ Hiền)
Tình mẹ yêu con đôi khi lại hòa cùng lòng yêu sóng biển, vừa dạt dào thiết tha, vừa êm dịu và đằm thắm, dưới nét vẽ mềm mại và lời thơ ngọt ngào, để trở thành “Tiếng Sóng Ru Con”.
Ru con dỗ giấc êm đềm,
Bên bờ Thanh Hải sóng đêm rì rào.
Ru con lòng những ước ao
Gởi vào sóng vọng dạt dào nhấp nhô
(Tiếng Sóng Ru Con)
Nhà hoạ sĩ đã gửi gấm tâm tư vào nét vẽ, lời thơ, để lưu lại dấu tích của những năm tháng thăng trầm trong cuộc đời riêng, cũng như trong hoàn cảnh chung của cả nước. Rõ ràng trong họa có thơ, và trong thơ cũng đã có hoạ. Đúng như lời người xưa nói “Thi trung hữu họa”. Ở đây, nhà hoạ sĩ Thanh Trí lại có cả hai, họa cũng như thơ đều đến với nhau trong hầu hết những bức tranh.
NÉT VĂN HOÁ
Một trong những đặc điểm về tranh của hoạ sĩ Thanh Trí là hầu hết đượm nét mềm mại Á đông. Dù là tranh lụa, sơn dầu, hay tranh sơn mài, tranh của chị luôn biểu hiện một sự diụ dàng, đằm thắm, thanh lịch và đầy “nữ tính”: Có lúc mơ hồ như sương khói với “Cô đào say”, hoặc yểu điệu, liêu trai như những cô gái “đùa gió”, hay ngồi “giặt luạ” vào lúc “chiều về trên sông”. Có khi lại rất gần gũi với thực tế, như “Vợ Chồng Mù Tại Suối Tiên Nha Trang”, bình dị như cảnh ngồi hút thuốc lào “Nhả Khói Buồn Bay”... Là những hình ảnh rất quen thuộc, và đượm nét văn hoá. Những nét văn hoá này mang tính đặc thù, bàng bạc dưới nhiều sắc thái: từ cảm xúc nồng nàn trước cảnh trời nước bao la, hay mơ màng lúc ngắm trăng trên bãi biển (“Sóng Vỗ Bờ Trăng”), đến nỗi lòng cô quạnh của ngưòi xa xứ trong “Ngày Xuân Nhớ Quê”, với “Chợ Tết Đầu Làng”... Từ những sinh hoạt đầy dân tộc tính như “Điệu Vũ Trống Cơm”, “Theo Mẹ Đi Chợ Tết” v.v.. đến những hình ảnh rất đơn giản nhưng lại đầy gợi nhớ, vì đã nói lên rất nhiều, phong cách riêng của người phụ nữ Việt Nam. Nào là cảnh mẹ hiền ôm con, ru con ngủ, tắm cho con, hoặc dẫn con đi chợ, hoặc những thiếu nữ yêu kiều ngồi “hong nắng mới”, “bên hồ chải tóc”, hoặc cảnh thiếu nữ “mời trầu”, “tìm bóng”, “cầu nguyện hoà bình”, những nữ sinh áo dài “tắm mưa rơi” v.v... Tất cả đều nói lên một cái gì rất văn hoá và rất “Việt nam”.
Những tác phẩm dưới đây là một vài tiêu biểu cho đặc tính ấy...
Rất “Việt nam”:
Tắm Mưa Rơi
(copy right by Thanh Tri Nguyen)
và cũng rất “văn hoá”:
Theo Mẹ Đi Chợ Tết
(copy right by Thanh Tri Nguyen)
Có thể nói rằng chất văn hoá thường “trú ngụ” và xuất phát từ “con người văn hoá”. Văn hoá ấy được biểu hiện qua thơ văn, nghệ thuật mà người hoạ sĩ đã thấm nhuần. Chỉ nhìn những tiêu đề chị chọn là đủ hiểu sự phong phú trong tâm hồn. Có những bức tranh phảng phất nét đẹp cổ xưa: Từ “Đốt Lò Hương Ấy” nhắc ta nhớ tới nhân vật Thuý Kiều trong thơ Nguyễn Du, đến “Nỗi Lòng Chinh Phụ” làm ta liên tưởng đến thiếu phụ chờ chồng trong Chinh Phụ Ngâm. Hoặc, gần gũi hơn, là hình ảnh trong ca dao, với cái cảnh “Thương nhau cởi ao cho nhau” v.v..
Tất cả đều mang những đường nét và màu sắc êm dịu, hoà hợp. Bức hoạ dưới đây cũng chung một đặc tính ấy:
Hai cô Nam Kỳ bán Dưa Hấu (Tranh lụa)
(copy right by Thanh Tri Nguyen)
Nếu để ý kỹ, người thưởng lãm có thể thấy tranh Thanh Trí không sôi nổi, đột phá, mà trầm mặc, êm đềm như dòng sông Hương, liêu trai như trong cảnh thần tiên. Nếu đi vào từng bài thơ, từng nét vẽ mà phân tích cũng không thể đủ trong một bài viết. Nhưng quả thật, hoạ sĩ Thanh Trí không chỉ có tài vẽ mà là cả một tâm hồn yêu thơ, yêu nhạc. Chị còn "chơi chữ' trong nhiều bức tranh với những câu thơ óng ả:
“Trăng vàng trải dáng Huyền Trân,
Bên bờ Hương Ngự tình trần non sông.
Vọng hồn công chúa sắc hương,
Một trang Sử Việt đẹp dòng Ô Châu
(Trăng Ô Châu)
Cùng với màu sắc hoà hợp, nét vẽ điêu luyện, tranh của chị thuờng có dáng vẻ huyền ảo, mơ màng và đượm nét văn hoá dân tộc.
BÓNG DÁNG THỜI CUỘC
Mặt khác, nếu bảo một tác phẩm nghệ thuật còn là phản ảnh của hoàn cảnh xã hội và tâm trạng người sáng tác, thì tranh của hoạ sĩ Thanh Trí cũng không ra ngoài thông lệ ấy. Qua những biến động của thời cuộc, cùng những thử thách của đời người, nữ hoạ sĩ cũng từng trải hơn và kinh nghiệm sống phong phú thêm. Những cảm xúc ghi lại cho thấy cả một sự gắn bó với xã hội qua tác phẩm của mình. Bàng hoàng về một "Cuộc đổi đời sau cơn mộng", người hoạ sĩ đã thể hiện lòng mình qua những ngôn từ bóng bảy, lồng vào những vần thơ lục bát đơn sơ nhưng không kém vẻ tao nhã và chân tình...
Điều đặc biệt nữa, xem tranh Thanh Trí không những chỉ "biết ngườì” mà còn có thể thấy được, cảm nhận được cả giai đoạn "tang thương ngẫu lục" của xã hội Việt Nam bấy giờ. Qua một số tác phẩm của chị, người thưỏng thức thấy phảng phất cả một cuộc biến động của những năm sau 1975, ngay tại quê huong, hoặc trên buớc đường đi tìm tự do, với kinh nghiệm sống sâu sắc. Những nét phảng phất ấy lại cứaá đầy chất nhân bản. Và đó mới là điểm đáng quý, và đó cũng là lý do mà người viết muốn nhắc đến.
Tâm hồn nghệ sĩ vốn quen nhạy bén với cuộc sống và trân trọng những gì thanh cao, tưởng như cách biệt với chung quanh; nhưng thực ra không phải. Trưóc cảnh nước mất nhà tan, người nghệ sĩ không thể nào dửng dưng. Trong tác phẩm “Đêm Lửa”, hay “Dưới Trời Ly Loạn”, hoạ sĩ đã ghi lại cái cảnh hãi hùng mà ngưòi dân miền Nam Việt Nam phải trải qua, trước khi lìa xa quê hương: Bức tranh được vẽ trong giai đoạn chua xót ấy của lịch sử, vào năm 1975; đã phiêu bạt nổi trôi theo vận nước; để rồi mãi 25 năm sau (năm 2000) mới được “hoàn lại cố chủ, khi đã bị “sờn, rách, gẫy góc, tang thương” (lời tác giả). Mặc dù vậy, bức tranh càng có một giá trị đặc biệt, giá trị của thời cuộc, đánh dấu giai đoạn lịch sử bi đát của đất nước, của chính tác giả và cũng là của hàng triệu người dân Việt miền Nam. Quả là một kỷ vật khó mua.
Cũng thế, bức tranh sơn mài “Hỏi Gió Loạn”, hay còn mang tựa đề “Cơn Lốc” dưới đây - cho thấy tất cả hoàn cảnh và tâm trạng ngưòi phụ nữ trong "thuở trời đất nổi cơn gió bụi” hay cũng chính là trong “cơn lốc của cuộc đời”:
“Hỏi Gió loạn” (Tranh sơn mài)
(copy right by Thanh Tri Nguyen)
Nếu bảo rằng “người nghệ sĩ vui nắn phím tơ “ (*) đem lại niềm vui cho cuộc đời thì hoạ sĩ Thanh Trí cũng đã từng đem niềm vui mà “nắn nót” nét vẽ một cách uyển chuyển, vừa mơ màng, tao nhã, lại vừa mang tính hiện thực: Mô tả cơn tai biến bất ngờ của thời cuộc và thân phận người phụ nữ trong cảnh quốc phá gia vong...Thì như thế, ai dám bảo người nghệ sĩ chỉ sống trong “tháp ngà tư tưởng”? Ai có thể nghĩ hoạ sĩ Thanh Trí chỉ “vị nghệ thuật” mà không “vị nhân sinh”?
Hơn thế nữa, hoạ sĩ Thanh Trí tuy cũng “trải qua một cuộc bể dâu” như mọi người, vẫn luôn chứng tỏ một tinh thần lạc quan. Ngay cả trong những lúc gian nan trên đường vượt biển hay sau khi đã định cư, bên cạnh tình yêu quê hương và nỗi nhớ nhà da diết, tâm hồn hoạ sĩ vẫn có chỗ cho tình yêu thiên nhiên. Thanh Trí yêu sóng biển và “mê” tiếng sóng đến nỗi khi không còn được nghe sóng vỗ thi lòng ngưòi hoạ sĩ hơn một lần cảm thấy thiếu vắng, nhớ nhung;
Nhưng lòng Mẹ nhớ biển khơi,
Nhớ từng tiếng sóng à ơi đêm trường
(Tiếng Sóng Ru Con)
Thanh Trí đã thi vị hoá tiếng sóng biển khi ví với tiếng ru con của người mẹ hiền. Điều này đã nói lên tinh thần lạc quan, và tính hồn nhiên của người hoạ sĩ. Tình cảm đối với sóng biển không phải là một tình cảm sợ hãi, mà như một sự xoa dịu, hơn thế nữa, một sự biết ơn. Biết ơn, vì đã tìm được đến bến bờ Tự do. Đó không phải là thứ sóng gào thét giận dữ, mà là tiếng sóng của tình thương:
Tình Trăng, tình biển dạt dào,
Yêu thương sóng vỗ nao nao bến bờ
(Biển và Trăng)
Biển và Trăng (Tranh sơn dầu)
(copy right by Thanh Tri Nguyen)
Phi lạc quan, sẽ khó có đưọc cái nhìn đầy tin tưỏng vào tương lai như thế.
Một điểm mà ai cũng có thể nhận thấy khi vào thưởng lãm “Trang hội hoạ Thanh Trí” là chất nên thơ và sức sống của tác phẩm. Vì, như đã nói ở phần trên, bức tranh nào cũng có thơ “minh họa”; và trong mỗi bài thơ đều có kèm theo bức vẽ. Thêm vào đó là tiếng đàn, tiếng sáo du dương: Nhạc - Thơ - Hoạ như quyện vào nhau, trầm bổng, tạo nên một thế giới thật đặc biệt, nên thơ và thoát tục. Qua đó, người thưởng lãm được dịp thưởng thức đủ cả sắc, thanh, với tất cả tâm hồn. Tranh Thanh Trí, vì thế, khó mà tách rời nội dung với nghệ thuật; vì nội dung nào cũng được hoạ sĩ diễn tả dưới những đường nét mềm mại và uyển chuyển, nhưng đủ để phơi bày thật rõ nét, tâm tư tác giả.
Nói cho rõ hơn, tranh Thanh Trí:
Dù là tranh sơn dầu:
Trăng Ô Châu (Tranh sơn dầu)
(copy right by Thanh Tri Nguyen)
Hay tranh luạ, với nét vẽ mờ ảo như “Hương Sắc Dịu Dàng”:
“Hương sắc dịu dàng”
(copy right by Thanh Tri Nguyen)
Dù tranh sơn mài:
Cầu nguyện Hoà Bình
(copy right by Thanh Tri Nguyen)
Hay trừu tượng, như trong bức hoạ “Tìm Về BờThiện Chân” …
Tìm về bờ Thiện Chân
(copy right by Thanh Tri Nguyen)
...cũng đều cho thấy, dưới nét vẽ dịu dàng thanh tú, là cả một trời cảm xúc, một ước mơ hoà bình, là khát vọng tự do, là sự yêu chuộng những giá trị nhân bản. Có lẽ nhờ vậy mà tranh của hoạ sĩ Thanh Trí tuy tĩnh mặc, mà vẫn có sức sống, có hồn. Điều này chắc chắn phải xuất phát từ trong tâm, một nội tâm trong sáng và lạc quan.
NÉT SUY TƯỞNG
Tranh Thanh Trí “có hồn” vì qua đó, người thưởng thức có thể “đọc” được cảm xúc của người họa sĩ. Với một nội tâm phong phú, và một đam mê nghệ thuật vô cùng, tranh của chị có một sức vươn lên, mạnh mẽ trong cái mềm mại của đường nét. Bức hoạ “Tìm về Bờ Thiện Chân' là một ví dụ. Cảm xúc ấy không chỉ thể hiện qua giấy, cọ, phẩm màu, mà là thứ cảm xúc xuất phát từ nội tâm “toát ra” ngoại cảnh, và ngược lại. Đam mê ấy chính là động lực thúc đẩy chị sáng tạo nên những tác phẩm nghệ thuật đặc sắc.
Qua đối thoại với chị mới đây, người viết lại nhận thức thêm một điều, rằng ngưới hoạ sĩ không chỉ vẽ để mà vẽ, mà là vẽ với tất cả tâm hồn. Người hoạ sĩ đã suy tưởng, hình dung, nghiền ngẫm đối tưọng định vẽ. Đối với tranh Trừu tượng, như “Hoa Tư tưởng”, “Giọt Nắng”, cả những khi “nắng sớm” hay những lúc “Chiều tà” thì cũng vẫn có nét thật huyền ảo và có chiều sâu. Nhưng hầu như thể loại nào cũng là cả một quá trình hình thành công phu, trước khi người hoạ sĩ cầm bút vẽ. Nhờ thế mà tranh chứa đựng cả tâm tư của người nghệ sĩ. Xem tranh, biết người là vì thế. Trong hoạ có thơ cũng là vì thế.
Đặc biệt hơn nữa, hầu như bức tranh nào của chị cũng đều có sự “hưởng ứng nhip nhàng” của những vần thơ, do chính chị sáng tác. Cả hai đã giao hoà, phối hợp với nhau để tạo thành những tác phẩm nên thơ và đầy thi vị.
Tình Yêu Hiện Hữu (Tranh trừu tượng)
(copy right by Thanh Tri Nguyen)
Ở một số tác phẩm khác, hoạ sĩ Thanh Trí còn thể hiện một cái nhìn về Đời. Cái nhìn ấy đôi khi mang màu sắc triết lý (“Cánh Võng Thời Gian”, với những “Khoảnh Khắc Riêng Tư”) đôi khi lại mang chất Thiền, sau khi đã trải qua những biến động của hoàn cảnh xã hội. Quan niệm về nhân sinh và vũ trụ cuả chị dần dần trở nên bao la hơn, trọn vẹn hơn: Một tình yêu thiết tha với quê hương mà khi ra đi không thể không mang theo nên dù ở hoàn cảnh nào cũng mãi còn canh cánh bên lòng “Nỗi Nhớ Quê Hương” (tranh sơn dầu),
Tình quê hương gắn liền với tình yêu thiên nhiên tha thiết. Tâm hồn giàu cảm xúc hòa hợp cùng thiên nhiên làm cho mỗi bức tranh của chị đều biểu hiện những nét đẹp thanh tao, tinh khiết, như trăng, như gió, như mây, như trời, như sóng vỗ ngoàì khơi, như trăng soi mặt biển (Sóng Vỗ Bờ Trăng). Thanh Trí yêu cả những lúc trời mưa (Áo Trắng Trời Mưa), hay những khi nắng hạ. Chị đem vào trong hội hoạ, những màu sắc của thiên nhiên, huy hoàng như sáng mùa Xuân (Chợ Tết Đầu Làng), nồng nàn như trưa mùa Hạ, đằm thắm như lá muà Thu...
Như thế, mỗi bức tranh biểu hiện một nét suy tưởng, một tâm tư lắng đọng của tác giả, vì dường như mỗi tác phẩm đều nói lên tâm tình, cảm xúc, và nghe như có âm thanh trong đó: Có khi là tiếng gió thì thầm, có khi là tiếng sóng xôn xao, hay có lúc lại là những lời ru tha thiết như nỗi lòng người mẹ hiền nghĩ đến con thơ và mơ ước một ngày mai thái bình:
Ru con, ru cả biển thương,
Mẹ mơ thế giới bốn phương thái hoà.
(Tiếng Sóng Ru con)
Tranh Thanh Trí sở dĩ có được sức sống cũng là nhờ sự gắn bó thiết tha với nghệ thuật, với tha nhân và với cuộc sống. Với một nội tâm phong phú, giàu cảm xúc, hoạ sĩ Thanh Trí đã từng cảm khái trước thời cuộc, yêu thiên nhiên, yêu đất nước và con người. Cũng xuất phát từ tâm hồn nhạy bén đó, chị có thể cảm xúc từ một biến động của thời cuộc (Lửa đêm, Quê Hương Tôi Hai Bờ đen Trắng), hay từ một vài câu ca dao (Thương nhau Cởi Áo Cho Nhau), từ một đôi câu thơ trong Kiều (Đốt Lò Hưong Ấy), hay trước tình huống của tha nhân (Hoa Điạ Ngục 1 và 2), cùng với lòng yêu chuộng hoà bình, yêu cái Đẹp của cuộc đời (Tìm Về Bờ Thiện-Chân)...
Người hoạ sĩ không làm chính trị, nhưng những bức tranh phản ảnh tâm trạng và hoàn cảnh thực tế của xã hội Việt Nam, thời kỳ sau 1975 (Hỏi Gió Loạn), thì giá trị thời cuộc dù chỉ phảng phất, nhưng cũng đáng ghi nhận. Người hoạ sĩ thuần tuý như chị, không nói lên tiếng nói tranh đấu, nhưng những bức tranh đã nói lên giùm tâm trạng hoang mang, cuộc sống bấp bênh, và tương lai bất trắc của người phụ nữ ở vào thời kỳ ấy, rất nhiều.
Xin hãy bấm vào link dưới đây để lắng nghe khúc nhạc của Phan Ni Tấn, phổ thơ Trần Trung Đạo qua nét vẽ của hoạ sĩ Thanh Trí, nghe thật não nùng: http://www.art2all.net/tranh/thanhtri/quehuongtoidoibodentrang.html
“Quê HươngTôi Đôi Bờ Đen Trắng”
(copy right by Thanh Tri Nguyen)
( Thơ: Trần Trung Đạo, nhạc: Phan Ni Tấn, hoạ: ThanhTrí )
Và, cuối cùng là …
NIỀM ĐAM MÊ
Không thể chối cãi rằng Thanh Trí rất yêu nghệ thuật, luôn “đắm chìm” trong thế giới của hội hoạ mà chị chiêm nghiệm, suy tưởng về đối tượng trước khi vẽ. Dưới sự mềm mại của nét vẽ, sự bình thản của tâm hồn là cả một niềm say sưa, thích thú, đam mê. Trong câu chuyện suốt hai giờ đồng hồ với chị mới đây, ngưòi viết càng hiểu thêm về chị và nghĩ rằng (may thay), những điều nghĩ về chị, ghi lại về chị, không phải là không có cơ sở. Sự đam mê hội hoạ của chị được biểu hiện rất rõ qua phong cách, nhân sinh quan và tài năng nghệ thuật. Thanh Trí yêu vẽ vô cùng. Chị đã chọn đúng “nghề”. Nghề ấy lại đúng với sở thích. Và nhất là phù hợp với tâm hồn phóng khoáng của chị. Còn gì hạnh phúc hơn khi chị biết rõ mình muốn gì và ý thức được điều mình đang làm. Chị vẽ không để mưu sinh, từng bức tranh là một bản nhạc, một bài thơ. Và, quả chị đã "sống" trong từng tác phẩm của mình. Nếu bảo rằng người nghệ sï vë "đạt" thì đó đúng là trưòng hợp của chị. Đạt đúng ước mơ, và đạt về nghệ thuật. Cả hai điều này, may mắn thay, đi song song với nhau và, có thể nói, đã đồng hành cùng chị, suốt cuộc đời. Nhìn tranh vẽ của chị, lại biết rõ nhân cách chị, không ai có thể "ghét" được. Nét vẽ nhẹ nhàng thanh thoát thế nào thì đó cũng chính là tâm hồn chị biểu lộ như thế ấy. Rất "sống" và rất linh hoạt. Nghề vẽ của chị vừa là kết hợp của đam mê, vừa là cả một sự chọn lựa. “Đam mê và chọn lựa” theo một phong cách riêng; và đặc biệt mang cá tính rất “thanh trí ”. “Vẽ thật” mà như chơi, “vẽ chơi” mà là thật. Người thuởng lãm, nhờ vậy, cảm thấy thú vị khi nhận ra rằng hầu như bức tranh nào cũng đều thấp thoáng bóng dáng của người hoạ sĩ.
Tóm lại, một trái tim giàu cảm xúc, một lòng đam mê nghệ thuật vô điều kiện, một lối vẽ “bay bướm” và đầy quyến rũ ...Là tất cả, trong “Tranh Thanh Trí”.
Nhưng, người hoạ sĩ ấy, tài không chỉ dành riêng cho xứ Huế thanh lịch, mà còn là con người tài hoa của cả nước. Hơn thế nữa, tài hoa ấy đã trở thành xuyên văn hoá, trong đó, Chân -Thiện - Mỹ đã kết hợp một cách hài hoà và viên mãn, qua nét vẽ, lời thơ, mà người thưởng lãm dù không chuyên nghiệp, vẫn có thể cảm nhận được, cách này hay cách khác…
Nguyễn thị Ngọc Dung
Vancouver, một ngày cuối hạ 2013
Chú thích
* (Hai câu trong bài hát “Lỡ Chuyến Đò” của Anh Việt)
__________________
Hoạ sĩ Nguyễn Thanh Trí
- 1961: Tốt nghiệp ưu hạng khóa 1 trường Cao Đẳng Mỹ Thuật Huế.
- 1962: Tốt Nghiệp Khóa Sư phạm hội họa tại trường Quốc Gia Cao Đẳng Mỹ Thuật Gia Định, Sài Gòn.
- 1993: Tu nghiệp về hội họa, và tốt nghiệp về Design Drafting tại Cosumnes River College Sacramento.
- 2005: triển lãm tranh về thập niên 1980 –1990. Tập “Tranh và Thơ Thanh Trí” được ra mắt tại miền Nam California, USA
- 24 năm dạy hội họa tại các trường trung học ở Nha Trang (Nữ Trung Học Nha Trang, Hàn Thuyên) và Sài Gòn (Nguyễn Du, Văn Hiến). Đến Hoa Kỳ năm 1987, thời gian đầu hành nghề họa sĩ tự do. Đã tham dự trên 40 cuộc triển lãm chung và cá nhân tại Việt Nam và nhiều quốc gia từ 1965 đến 2009.
- Đã được các giải thưởng : “Autumn forest spirit” Mix media Excellence award 2009–“Sleeping in peace” Oil, Honorable Mention, Sacramento Fine Art Center (SFAC), 2009- “ Some Holy Things” Water color, Excellence award, SFAC, 2007- “ Solar Eclipse” Oil, Second Place, SFAC, 2006 – “Silence Color” oil, Second Place The League Of Carmichael Artists Presents Sacramento Fine Art Center 1991-“Old Man” Oil,Honorable Mention, Sacramento Fine Art Center 1990; -“The nature’s color” Oil, Sacramento Fine Art Center 1990- “Reflection” Oil Honorable Mention 1989 ,
- Đã tham dự trên 40 cuộc triển lãm chung và cá nhân tại Việt Nam và nhiều quốc gia từ 1965 đến 2009.
- Tháng 4 năm 2005 triển lãm tranh ( thập niên 80 -90) va ra mắt Tập Tranh & Thơ Thanh Trí tại miền Nam California Hoa Kỳ,.
- Tác phẩm đã xuất bản : Tranh và Thơ Thanh Trí (Hoa Kỳ, 2004).
http://www.art2all.net/tranh/thanhtri/
http://www.art2all.net/tranh/thanhtri/thanhtri.html