Nghĩ quẩn

anhkhiem
Nguyễn Khiêm

Không hiểu sao mỗi lần đọc lại bài của họa sĩ Trần Duy viết về những ngày cụ Phan Khôi bị bọn (gọi là trí thức) tiểu nhân gian manh về hùa nịnh nọt bạo quyền bao vây khủng bố, lòng tôi lại dâng trào một nỗi cảm thương và uất nghẹn.

"Một buổi chiều tôi đến 51 Trần Hưng Đạo thì gặp cảnh: Một quan chức có quyền lực quát đuổi vợ chồng ông ra khỏi số nhà 51 Trần Hưng Đạo. Người này quát lớn:
"Tống cổ thằng già khốn nạn này ra khỏi đây!"
Vợ ông, − bà Huệ ôm chăn màn, sách vở; ông Phan Khôi lảo đảo theo sau. Ra cổng gặp tôi, ông chào và nói:
"Thôi, anh về đi… Buồn không cần thiết!"

Đến buồn mà cũng không cần thiết, kể cả khi hắt bát nước đi vẫn biết là không hốt lại được.
Hôm sau tôi gặp lại vị quan chức hôm qua, nguyên là bạn học cùng tôi thời tiểu học ở Quy Nhơn, Bình Định, tôi hỏi:
"Ăn ở đối xử với nhau như vậy có quá lắm không? Nhất là tầm tuổi ông Phan cũng ngang hàng cha chú chúng mình?"
Ông bạn tôi cười nói:
"Cậu có biết chuyện lên đồng không? Người lên đồng nói những điều không do họ chịu trách nhiệm, họ nói những điều đến từ thế giới khác."
Và cũng nhân câu nói ấy, tôi nhớ có một nhà viết kịch nói với tôi giai thoại về ông này. Nhà ông này có một cái tủ lạnh, lúc vắng ông có người mở tủ lạnh ra thi thấy trong tủ toàn là lưỡi. Có thể vì thế mà ông ta nói được bằng nhiều thứ lưỡi!"

 

Ai cũng đoán được quan chức có quyền trong bài nhận mình nói những điều không cần chịu trách nhiệm là người nào. Thật ra ông Trần Duy đã chỉ ra gần như rõ nhưng chẳng hiểu vì sao không chịu nói thẳng cho rồi. Tôi nghĩ phải có người tổng kết đám gọi là nhà văn nhà thơ bu vào ăn có đánh hội đồng Phan Khôi và nhóm NVGP nhằm củng cố cái ghế quan lại, kiếm chác thêm tiêu chuẩn gạo thịt và đầu tư lý lịch cho tương lai con cháu. Phần lớn họ chết cả rồi nhưng con cháu nay ở đâu, làm gì, giàu có thế lực cỡ nào, dân VN chắc ai cũng muốn được biết. Nhiều người xẻ thịt róc xương Phan Khôi bấy giờ, kẻ thì giấu riệt chuyện cũ, kẻ viết ít trang văn xuôi, mấy bài thơ di cảo gọi là xét lại, bày tỏ nhiều ít hối hận chuyện đê tiện đã làm. Tôi ngạc nhiên dân ta vốn lạt lòng, tử tế, vẫn ca ngợi văn thơ của họ, dù rằng của thời trước chiến tranh. Tôi nghĩ với tư cách tàn tệ, thời gian dài ngậm máu phun người như vậy, họ chẳng đáng được nói tới. Với tôi, đọc cái tên của họ tôi đã ghê.

Ông bạn nhà nho hiền lành Lê Văn Bảy nhắc tôi câu trong Luận Ngữ: Điểu chi tương tử, kỳ minh dã bi, nhân chi tương tử kỳ ngôn dã thiện. Ôi, đợi lúc gần chết rồi mới nói điều phải, chẳng ích gì cho ai, tôi lại hay so sánh văn thơ xu nịnh hồi họ còn thế lực, đâm thất vọng ê chề chuyện gian manh không giới hạn, nghĩ không thể có cái gọi là trí thức XHCN lương thiện được. Còn dân Quảng Nam hãy nên dựng tượng cho Phan Khôi, thực tế còn gian nan thì hãy dựng tượng trong tâm hồn mình bậc vĩ nhân lẫm liệt, đích thị lương tâm của một thời đại đảo điên, dường như chưa hề có từ ngày lập nước.

Một lời dạy quan trọng trong Kinh Thánh đại ý nói các ngươi chớ xét đoán người khác hầu khỏi bị xét đoán. Hơn một lần xem phim Mỹ được nghe những lời đối thoại như "anh lấy quyền gì mà xét đoán em" hoặc "em đâu có quyền xét đoán anh"... Hay thật. Nhưng sống ở đời mà không xét đoán họa chỉ có bậc thánh nhân. Mà chính thánh nhân dạy điều phải trái là xét đoán rồi, còn gì. Nội chuyện đơn giản nói thơ này hay, thơ nọ dở hơn cũng phạm vào phán xét rồi. Vừa gặp người quen nhà báo, anh ta có vẻ tự hào ngầm mình thuộc loại trí thức, tôi khều nhẹ:

- Báo chí mấy ông thời kỳ này nhã nhặn thiệt đó. Bao nhiêu chuyện cướp bóc dân ngang ngược mà chỉ dám bày tỏ rụt rè đề nghị xem lại điều này, đề nghị xét lại chuyện kia… đọc tức anh ách đám cầm bút mọn hèn.

Anh ta hỏi:

- Ông dạy học cho tới ngày về hưu mấy năm nay phải hông?

Tôi ờ. Anh ta tiếp:

- Ông từng phải dạy giảng văn hiện thực XHCN là đỉnh cao văn nghệ của nhân loại y chang sách giáo khoa, không dám sai một ly chớ gì?

Tôi bẽn lẽn nhớ lại mình. Công nhận bọn tạm gọi petit-bourgeois gentilhomme intellectual phần đông yếu hèn quá thể. Bọn petit đã đành, bọn đại “trí thức” XHCH cũng đã đành. (Mấy bữa rày, cư dân mạng thở dài thườn thượt trông thấy bức hình ông trí thức tiêu biểu khom lưng đủ góc vuông không sai một phân bắt tay chủ tịch nước trong lễ đón nhận huân chương văn học nghệ thuật gì đó).

Tôi vẫn ngạc nhiên nhớ đâu trang đầu tác phẩm danh tiếng của Kant, cuối mấy lời tri ân một tay quý tộc trưởng giả mạnh thường quân từng giúp ông hoàn thành tác phẩm, ghi: Votre serviteur - Kẻ đầy tớ của ngài! Không hiểu tình hình xã hội thời đó ra sao và công đức tay quý tộc lớn cỡ nào mà bậc trí thức thượng thừa phải thốt những lời như vậy nữa!

Nguyễn Anh Khiêm
(cựu SV ĐHSPSG, ban Việt Hán, 1965-1969)