Nghĩ về bài thơ Trường Sa Hành

của Tô Thùy Yên

 Nguyễn Anh Khiêm

Quần đảo Hoàng Sa mất vào tay người Tàu trung tuần tháng giêng 1974 sau một trận thủy chiến không cân sức giữa quân lực VNCH và lực lượng hùng hậu của hải quân Trung Cộng. Tô Thùy Yên viết bài Trường Sa Hành trong một lần đi công cán ngay tháng ba 1974, tại quần đảo phía nam Hoàng Sa, đảo Trường Sa. Như vậy bài thơ được viết chỉ vài tháng sau tang lễ lớn của 74 sĩ quan và binh sĩ đồng đội. Bài hành đồ sộ dài 64 câu, bài thơ lớn không phải vì dài mà vì tư tưởng nhân bản, chủ đề sâu sắc, chữ nghĩa rực rỡ cùng nghệ thuật diễn đạt tuyệt luân, vượt xa mọi mặt một trời với mấy bài Tống Biệt Hành và Hành Phương Nam được nhiều nhà phê bình và độc giả luôn nhắc tới của Thâm Tâm và Nguyễn Bính.

tô thùy yênMột nỗi buồn sầu và không khí tang tóc bàng bạc khắp các khổ thơ. Một lần tôi hỏi ông vì sao “Thăm thẳm sầu vây trắng bốn bề”, ông giải thích rằng đứng trên đài chỉ huy chiến hạm thấy sóng vây quanh đảo như vành khăn tang. Một người đi du lịch có khi thích thú thấy cảnh đó vô cùng ngoạn mục nhưng ở đây, thi sĩ nhìn đảo khơi theo tâm cảnh u sầu, chưa nguôi ngoai về cái chết oanh liệt nhưng không thể nói không bi thảm của bao thanh niên ưu tú con yêu dân tộc bỏ mình vì sự toàn vẹn lãnh thổ thiêng liêng.

Trường Sa! Trường Sa! đảo chuếnh choáng!
Thăm thẳm sầu vây trắng bốn bề.

Đảo nhỏ bé bập bềnh giữa trùng khơi sóng gió mà nói "đảo chuếnh choáng" thật chính xác và độc đáo. Đêm nằm còn tưởng đảo trôi đi, lời nói như bình thường nhưng là cảm giác của thiên tài. (Tựa như trước đây ông viết "Con đường sắt dài, xương sống quê hương", ôi, mấy ai thấy được đó là cái xương sống của quê hương).
Khổ thơ sau, ông nhắc trực tiếp tới khóc thương, tang chế nhiều lần:

Sóng thiên cổ khóc biển tang chế
Hữu hạn nào không tủi nhỏ nhoi
Tiếc ta chẳng được bao nhiêu lệ
Nên tưởng trùng dương khóc trắng trời.

Ở đây thì trùng dương khóc trắng trời và biển cư tang nhưng  sau đó, ngay trong bài, ông oán trách "Im lặng Lớn" làm ngơ trước nỗi đau tang tóc bất công và phi lý của bao người trai trẻ. Nhiều lần thơ ông cưu mang ý tưởng oán hận kiểu kêu trời không thấu này, chẳng hạn trong bài "Hề, Ta Trở Lại Gian Nhà Cỏ":

Nghĩ tới bao điều thầm lặng lớn,
Mà trí ta không đủ lực đo lường.
Nên ta phó mặc cho trời đất,
Trời đất vô ngôn lại bất nhân.

Hình như sau vụ Hoàng Sa, Tô Thùy Yên càng thương yêu, thông cảm thân phận người lính trẩn thủ lưu đồn nơi hoang đảo bội phần hơn. Ông không tuyên truyền giả đò nhảm nhí của một sĩ quan "tâm lý chiến", một hư danh của quân đội miền Nam, oan ức tựa như sĩ quan "biệt phái", gây bao tàn hại cho cả một lớp người ngày đất nước thu về một mối; ở đây, ông gọi tên sự vật đúng nghĩa nó vốn có:

Lính thú mươi người lạ sông nước,
Đêm nằm còn tưởng đảo trôi đi.

Mấy khổ thơ sau, ông nhắc tới người lính thân tình hơn, rặt giọng phương Nam:

Chú em hãy hát, hát thật lớn,
Những điệu vui, bất kể điệu nào,
Cho ấm bữa cơm chiều viễn xứ,
Cho mái đầu ta chớ cúi sâu.

Rõ ràng mái đầu ông cúi sâu trên số phận hẩm hiu của người lính và dường như cũng vì tiên cảm nỗi đau  mất mát của quê hương đất nước. Ông nói tới thân thế và hoàn cảnh  mình, làm sao ta không nghĩ của cả đồng đội  ông ?

Bốn trăm hải lý nhớ không tới,
Ta khóc cười như tự bạo hành,
Dập giận vác khòm lưng nhẫn nhục,
Đường thân thế lỡ cố đi nhanh.

Quả thật một đời thơ Tô Thùy Yên hay trách phận mình :

Cát bụi đã đành thân tấm mẳn,
Thì danh với phận kể mà chi.
Cảm thương con cá thia lia bại,
Có sót huy hoàng cũng xếp vi.

(Vườn Hạ)

Và một lần khác, ông nói rõ hơn trong bài "Tưởng Tượng Ta Về Nơi Bản Trạch":

Ta bằng lòng phận que diêm tắt,
Chỉ giận sao mồi lửa cháy suông

Đọc đoạn này ta còn thấy thi sĩ, vốn cũng là sĩ quan của chế độ cọng hòa mà thẳng thắn bảo "Dập giận vác khòm lưng nhẫn nhục" thì cũng hình dung được mức độ tự do của một nền văn học không lý tới cái nhỏ nhặt mà luôn tôn trọng sáng tạo của văn nghệ sĩ biết chừng nào ! Thật khó quên lời ông tỏ bày với một chiến binh Bắc quân trong bài "Chiều trên phá Tam Giang" :

Chúng ta khác nào cánh quạt phi cơ
Phải quạt, phải quạt
Chỉ vì nó phải quạt
Ta thương ta yếu hèn
Ta thương ngươi khờ khạo
Nên cả hai cùng cam phận quay cuồng
Nên cả hai cùng mắc đường lịch sử
Cùng mê sa một con đĩ thập thành.

Tuổi thanh xuân của ông, thứ "diêm quẹt không xài vứt xuống dòng sông" (Những Người Chết Vô Tình Cho Lịch Sử) cũng là tuổi xuân hư mất và vô vọng của bao chàng trai trẻ cùng thế hệ :

Ngày. Ngày trắng chói chang như giũa,
Ánh sáng vang lừng điệu múa điên.
Mái tóc sầu nung từng sợi đỏ,
Kêu giòn như tiếng nứt hoa niên.

Bài hành vĩ đại này, không chối cãi là một bài thơ hiện thực nhưng lại luôn luôn có những ảnh tượng đầy ẩn dụ. Đặc trưng nổi trội nhất thơ Tô Thùy Yên vẫn luôn luôn vậy. Những câu mô tả thiên nhiên không đơn giản chỉ tả thiên nhiên mà qua những dòng ghi nhận cảnh sắc đó, ta không khỏi liên tưởng tới phận người. Và đây là số phận của cây cỏ lạ tên, của rong rêu bập bềnh, của cây dừa ngất gió trùng điệp hay cũng là số phần của nhân thế, qua mấy mảnh đời hẩm hiu những « chú em » lính thú ?

Nghe cây dừa ngất gió trùng điệp
Suốt kiếp đau dài nỗi tả tơi.
Mùa đông bắc gió miên man thổi,
Khiến cả lòng ta cũng rách tưa.
Đám cây bật gốc chờ tan xác,
Có hối ra đời chẳng chọn nơi ?

Thi sĩ không những "tủi" vì thân thế lỡ làng, sự nghiệp dở dang, bị hất hủi, hối vì ra đời lạc loài, không nhằm nơi, nhằm lúc mà còn tủi cho phận người bé bỏng, hữu hạn trước sóng thiên cổ, trời đất vô ngôn…

Hữu hạn nào không tủi nhỏ nhoi.

Nỗi ám ảnh con người quá nhỏ nhoi trước thiên nhiên cuồng nộ thường trực bàng bạc trong thơ ông. Ông trích hai câu thơ của S.J Perse làm nền cho cảnh ý bài hành này thật đồng điệu quá. Thiên nhiên trong bài tận cùng dữ dội, âm thanh cuồng nộ, cảnh tượng hãi hùng. Ngoài khổ thơ duy nhất êm đềm

Trong làn nước biển xanh lơ mộng,
Những cụm rong óng ả bập bềnh,
Như những tầng buồn lay động mãi,
Dưới hồn ta tịch mịch long lanh.

Hầu hết các khổ thơ còn lại là về một thứ đất trời gió mây khắc nghiệt, thịnh nộ, chim muông hốt hoảng, cô đơn. Xin trích vài câu tiêu biểu :

Đêm nằm còn tưởng đo trôi đi…
Mùa gió xoay chiều gió khốc liệt,
Bãi Đông lở mất, bãi Tây bồi,
Đám cây bật gốc chờ tan xác
Có hối ra đời chẳng chọn nơi…
Mặt trời chiều rã rưng rưng biển,
Vầng khói chim đen thảng thốt quần.
Kinh động đất trời như cháy đ
o,
Ta nghe chừng ph
ng khắp châu thân…
Nghe cây dừa ngất gió trùng điệp,
Suốt kiếp đau dài nỗi tả tơi…
Ai hét trong lòng ta mỗi lúc,
Như người bị bức tử canh khuya,
Xé toang từng m
ng đời tê điếng,
Mà gửi cùng mây đ
thảm thê…
Mở, mở giùm ta khoảng cách đặc,
Con chim động giấc gào cô đơn…
Ngày. Ngày trắng chói chang như giũa,
Ánh sáng vang lừng điệu múa điên…

Ta dễ dàng nhận ra đặc trưng ngữ nghĩa của nhóm động từ, tính từ tả một thứ thiên nhiên động, cuồng bạo, lạnh lùng và con người với tâm thức buồn thảm, cô đơn, hận tủi trong bài thơ :

- vây, trôi, thổi, rách, bạo hành, khóc, tủi, dập (giận), xoay, lở, tan (xác), rã, quần, kinh động, cháy, phỏng, ngất, xé, gào…

- Chuếnh choáng, thăm thẳm sầu, miên man, rờn lạnh, nhỏ nhoi, khốc liệt, man rợ, tả tơi…

Các loại từ này hiếm khi đứng một mình mà luôn nằm trong một kết hợp đoản ngữ, một phong cách gần như nguyên tắc bất di dịch trong ngôn ngữ thơ TTY. Ai cũng biết danh từ chỉ để gọi tên sự vật nhưng thi sĩ đã kỳ khu biến chúng thành từ diễn đạt đắc địa bằng cách kết hợp từ loại với tài năng thiên bẩm. Đảo giữa biển khơi mịt mùng phải là đảo chuếnh choáng, thảo mộc trên đảo hoang nên phải là thời nguyên thủy, sóng muôn kiếp sóng phải là sóng thiên cổ, biển vừa mới là mồ chôn của bao chiến sĩ nênbiển tang chế, gió khốc liệt, rong óng ả bập bềnh, mặt trời chiều rã rưng rưng biển (ôi từ rã, rưng rưng bình thường sao đặt vào ngữ cảnh này khiến tứ thơ trở nên gợi hình tân kỳ, độc đáo không nói sao cho hết), đống lửa trên bãi hoang phải man rợ, cơm chiều viễn xứ, mảng đời tê điếng, mây đỏ thảm thê, bãi lân tinh thức…

Tôi không thể trích hết các ngữ động và ngữ tính từ, xin độc giả cứ xét ngữ nghĩa các nhóm đoản ngữ này gợi mở tới đâu ta mới càng thấy sự cảm nhận thiên nhiên vô cùng tinh tế, phi thường của ông và cách dụng ngữ tận cùng khổ công chọn lọc, tận cùng thích nghi với văn cảnh từng câu.

Xin viết đôi dòng về gió trong thơ TTY trước khi xét tới ba khổ thơ tả gió bài này. Trong 37 bài tập Thơ Tuyển thì có đến 19 bài có tả gió, tập Thắp Tạ cũng đến 14 bài có nói về gió. Đúng là gió thiên hình vạn trạng "miên man thổi" trong thơ ông. Không kể tác phẩm trước và sau năm 1975 chưa được in, thật diệu kỳ, làm sao tác giả có thể tả đươc gió trong vô vàn trạng huống ở hai tập thơ trong 33 bài với gần cả trăm câu thơ, không chỗ nào giống chỗ nào ? Tài quan sát của ông siêu việt đã đành, qua đó ta còn thấy tâm hồn ông phong phú, thi giới ông mênh mông, đề tài dường như bất tận. Nhà phê bình Đặng Tiến khen ngợi mấy câu thơ tả gió của Thanh Tâm Tuyền :

Thổi biệt mù tới
Thổi ta đi
Trong giông bão chan hòa như chẳng nín.

Sao ông chưa một lần nhận xét thiên vạn dạng gió trong thơ TTY? Tôi tin mình không quá đà khi một lần nói chuyện qua email với nhà văn Nguyễn Thị Thảo An rằng có thể lật trang hai tập thơ TTY để bói như người ta bói Kiều. Có đủ trạng huống đời trong đó, tuy vui vầy có ít, buồn tủi bội phần hơn nhưng cũng đâu khác chi Đoạn Trường Tân Thanh ngày trước! Cô nhà văn Thảo An uyên bác có vẻ đồng ý, thật hoan hỉ lắm thay! (1)

Trở lại gió trong bài hành:

Mùa Đông Bắc, gió miên man thổi
Khiến cả lòng ta cũng rách tưa.

Câu 1 đảo ngữ khiến nhạc điệu câu trở nên rắn rỏi, bớt đi vẻ êm đềm của từ láy miên man, mặc dù không từ nào hay hơn miên man tả những cơn gió thâu đêm, ngày ngày bất tận. Thay vì nói lòng ông se buồn trong gió dữ thì lại bảo "lòng ta cũng rách tưa", diễn đạt mạnh mẽ và mới mẻ nỗi buồn đau của tâm thức ông bội phần cụ thể. Khổ thơ thứ sáu ông "nâng cấp" những đợt gió hung tàn đó cùng những tàn phá khốc liệt của nó trên đất cát, cây cối  bằng thứ từ ngữ dữ dội: xoay chiều, khốc liệt, lở, bồi, bật gốc, tan xác. Thanh trắc rắn và gai góc với số lượng lấn lướt thanh bằng trong cả 4 câu nhằm tả một thiên nhiên tàn khốc, lạnh lùng là một chọn lựa có chủ ý của tác giả. Rồi từ "ngất" "đau dài" trong câu "Nghe cây dừa ngất gió trùng điệp, suốt kiếp đau dài nỗi tả tơi". Đó là "từ khóa" về nghệ thuật diễn đạt của câu thơ. Đó là từ bình thường của ngôn ngữ nói nhưng đặt vào đây, câu thơ bỗng sống động, gợi tả lạ thường bởi cái vẻ người của nó. Tôi nhớ tới cặp thất ngôn tả gió với ý nghĩa tương tự và dụng ngữ có nét khác chút ít nhưng không kém phần tuyệt vời trong bài "Tưởng Tượng Ta Về Nơi Bản Trạch" của tác giả:

Tàu chuối xác xơ reo ngất ngất,
Nỗi đời bi thiết xé lưa tưa.

Tôi đã liều lĩnh “phân tích” qua loa thơ TTY với khả năng hữu hạn, chỉ cốt bày tỏ cảm nhận hạnh phúc của kẻ đọc thơ bình thường. Cảm ơn thi nhân về những đóng góp lớn lao của ông bảo vệ vẻ đẹp của Việt ngữ và làm giàu cho một nền thi ca vốn bị dập vùi và tiếp tục bị xóa bôi trong những mưu đồ đen tối triền miên.

Xin nói thêm một ý này: Đọc đi đọc lại bài hành đồ sộ hoàn chỉnh này, trong hầu hết các khổ thơ, tôi bỗng thấy ra hình như tác giả tiên cảm sự sụp đổ, nát tan của đất nước, một thời kỳ tang thương của quốc gia: chết chóc, tang tóc, trôi giạt, một dân tộc "bị bức tử canh khuya" và mây trời cũng chỉ còn là thứ "mây đỏ thảm thê"!

NGUYỄN ANH KHIÊM
(Cựu SV ĐHSPSG, ban Việt Hán, khóa 1965-1969)

___________________________

 

TRƯỜNG SA HÀNH

Tô Thùy Yên

Toujours il y eut cette clameur,
Toujours il y eut cette fureur...

(Saint John Perse)

Trường Sa! Trường Sa! Đảo chuếnh choáng!
Thăm thẳm sầu vây trắng bốn bề
Lính thú mươi người lạ sóng nước
Đêm nằm còn tưởng đảo trôi đi

Mùa Đông Bắc, gió miên man thổi
Khiến cả lòng ta cũng rách tưa
Ta hỏi han, hề, Hiu Quạnh Lớn
Mà Hiu Quạnh Lớn vẫn làm ngơ

Đảo hoang, vắng cả hồn ma quỉ
Thảo mộc thời nguyên thủy lạ tên
Mỗi ngày mỗi đắp xanh rờn lạnh
Lên xác thân người mãi đứng yên

Bốn trăm hải lý nhớ không tới
Ta khóc cười như tự bạo hành
Dập giận, vác khòm lưng nhẫn nhục
Đường thân thế lỡ, cố đi nhanh

Sóng thiên cổ khóc, biển tang chế
Hữu hạn nào không tủi nhỏ nhoi?
Tiếc ta chẳng được bao nhiêu lệ
Nên tưởng trùng dương khóc trắng trời

Mùa gió xoay chiều, gió khốc liệt
Bãi Đông lở mất, bãi Tây bồi
Đám cây bật gốc chờ tan xác
Có hối ra đời chẳng chọn nơi?

Trong làn nước vịnh xanh lơ mộng
Những cụm rong óng ả bập bềnh
Như những tầng buồn lay động mãi
Dưới hồn ta tịch mịch long lanh

Mặt trời chiều rã rưng rưng biển
Vầng khói chim đen thảng thốt quần
Kinh động đất trời như cháy đảo...
Ta nghe chừng phỏng khắp châu thân

Ta ngồi bên đống lửa man rợ
Hong tóc râu, chờ chín miếng mồi
Nghe cây dừa ngất gió trùng điệp
Suốt kiếp đau dài nỗi tả tơi

Chú em hãy hát, hát thật lớn
Những điệu vui, bất kể điệu nào
Cho ấm bữa cơm chiều viễn xứ
Cho mái đầu ta chớ cúi sâu

Ai hét trong lòng ta mỗi lúc
Như người bị bức tử canh khuya
Xé toang từng mảng đời tê điếng
Mà gửi cùng mây, đỏ thảm thê

Ta nói với từng tinh tú một
Hằng đêm, tất cả chuyện trong lòng
Bãi lân tinh thức âm u sáng
Ta thấy đầu ta cũng sáng trưng

Đất liền, ta gọi, nghe ta không?
Đập hoảng Vô Biên, tín hiệu trùng
Mở, mở giùm ta khoảng cách đặc
Con chim động giấc gào cô đơn

Ngày. Ngày trắng chói chang như giũa
Ánh sáng vang lừng điệu múa điên
Mái tóc sầu nung từng sợi đỏ
Kêu dòn như tiếng nứt hoa niên

Ôi lũ cây gầy ven bãi sụp
Rễ bung còn gượng cuộc tồn sinh
Gắng tươi cho đến ngày trôi ngã
Hay đến ngày bờ tái tạo xanh

San hô mọc tủa thêm cành nhánh
Những nỗi niềm kia cũng mãn khai
Thời gian kết đá mốc u tịch
Ta lấy làm bia tưởng niệm Người.

T.T.Y.
(3-1974)

______________________

 

(1) Trích đoạn sơ thảo thư của nhà văn Nguyễn thị Thảo An gửi Thi sĩ Tô Thùy Yên:

.......................................
Nói không quá chứ thơ Việt Nam xưa nay anh đọc lại thấy gì? Ngoài những bài thơ yêu nước của Nguyễn Trãi, của Lý Thường Kiệt chỉ có giá trị trong việc giữ nước, kém về văn chương, thì là những bài nói về cảnh đời của những người chí sĩ bất phùng thời, của những câu thơ thất tình, thất ý... Người Việt chỉ thấy tâm hồn mình tầm thường, chân quê, chất phác,... trong ca dao, trong hò, trong vè,... Triết thì có một chút Khổng, một chút Lão, sau này là một chút Tây,... giống như một "tấm chăn nghèo chắp chằm muôn mảnh vụn". Chẳng có ai thắc mắc tâm hồn dân tộc Việt ra sao? Bởi chẳng ai lưu ý cả.
Nhưng mà khi đọc thơ TTY người ta bỗng giật mình. Thót tim mà nhìn. Hóa ra tâm hồn Việt lớn lao đến thế. Triết học Việt Nam đã có chỗ đứng. Nó là tư tưởng trong thơ TTY. Thơ bàng bạc ca dao Việt, minh triết cho cái tâm hồn cao thượng, sống trên cái lẽ sống nhân sinh thường tình mà thế giới cũng hiếm có dân tộc nào "ngộ" được.
Có ai yêu như người Việt yêu? Tình yêu vô biên dám liều mạng đánh đổi sự sống đời đời. Ca ngợi hành động lựa chọn của Adam và Eva. Tự mình đứng lên, cải mệnh trời, tự định đoạt lấy số mệnh của chính mình. Chấp nhận cái chết để được yêu. Còn hơn sống đời đời như gỗ đá. Trong mắt thế giới Adam và Eva mắc tội tổ tông. Thế nhưng ở VN, thi sĩ VN lên tiếng tôn vinh. Thế giới đã có ai  dám ca ngợi tình yêu như thế?
"Ở, sao chẳng là cặp tình nhân thứ nhất trên trần gian
Sẵn sàng đổi bỏ cả vĩnh cửu,
Đạp vô thường đổ nát mà đi?"

Yêu như thế, thì sống thì người Việt cũng sống khác.
"Nghe im lặng mà sống,
Nhìn trời đất mà vui...
...
Thôi, chẳng tiếc túi vàng đã phung phá
Mà mừng mẩu nến chợt tìm ra..."

Cách sống tạo thành một phong cách. Rất Việt. Con người khác con thú ở chỗ, biết chọn cho mình một phong cách. - phong cách ăn, phong cách sống. Cái nỗi vui vì mẩu nến của TTY chẳng phải ta đã thấy nhan nhãn trong đời thường đó sao. Ở bờ sông, góc hè, hẻm phố,... ở nhà hàng xóm, ở láng giềng,... Nhưng phải đợi thơ lên tiếng người ta mới thấy.
Không phải chỉ với mình mà với tha nhân, với kẻ địch, tâm hồn Việt cũng có tấm lòng lớn lao. Thương kẻ địch. Trên chiến trường là địch, nhưng buông súng xuống là bạn. Còn chiến tranh là địch, hết chiến tranh là bạn.
"Ta địch bạn thù chung bia mộ,
Chung lời thương tiếc tiễn đưa nhau..."

"Cát bụi, sao quên mình cát bụi,
Đành hanh tàn khốc máu xương
Mấy mươi năm chiến tranh, tù rạc,
Cười rộ vô thường một tiếng suông."

"Cười rộ... " Một phong cách đứng trước cái chết. Thái độ chấp nhận, coi thường cái chết của người Việt không lớn lao sao?

Chữ tình lớn lao trong thơ TTY là tình yêu với đất nước, tình dân tộc.
"Hỏi ai, ai có là tri kỷ?
Ai có buồn chớp bể mưa nguồn?
Ta khóc, chẳng qua là khóc lại.
Lệ nào, ôi chẳng của tiền nhân?"
Bàng hoàng chưa? Vì chữ "khóc lại" An ủi cho mình. Những giọt lệ của ta, nỗi buồn của ta cũng từng là của tiền nhân thuở trước. Nỗi đau cùng giống nhau, cùng lập lại trên đời đó thôi.


Nhưng vĩ đại nhất là giọt nước mắt cho kiếp nhân sinh.
"Đời ta sáng mượn ánh tàn dư
Đến từ một hành tinh đã tắt nghỉ.
....
Ôi những thân đá tiên tri già hôn mê vạn đại
Đứng rải
Đường ta đi
Như những thân bằng chờ đưa tang lễ lớn,...
...
Ta cũng khóc một chiều nao,
Ôm chầm lấy đá,
Thương cho ai,
Thương cho ai...

Ôm chầm lấy đá. Thương thay cho chữ "ôm chầm"
....
Sau tiếng thơ Ta Về, anh đã xoa dịu được nỗi đau của người tù. Người tù không còn mấy ai làm thơ tù nữa. Vết thương trong tâm hồn đã bắt đầu lành lặn. Trong ánh tàn dư, con ngưòi bây giờ lần đầu tiên đã cất lên tiếng cảm ơn thượng đế. Cảm ơn đã đưa con người từ một chấm mờ nào đó trong chốn mênh mông nào đó trong vũ trụ được đến đây, được than thở, được hoan ca, được vinh dự, được lầm than mà biết đến kiếp làm người.
Vĩ đại thay tiếng thơ TTY. Vinh dự thay trên đời sao bỗng có TTY. Đọc thơ mà nao nức. Đọc thơ mà bàng hoàng.
TTY, người thi sĩ đã đưa tâm hồn dân tộc đi ra ngoài thế giới. Vinh dự lắm. Hãnh diên lắm.
Còn bao nhiêu điều muốn nói nữa. Nhưng thôi,... để dành viết...

..............................


Ta Về2014-02-12

Ta về một bóng trên đường lớn
Thơ chẳng ai đề vạt áo phai
Sao bỗng nghe đau mềm phế phủ
Mười năm đá cũng ngậm ngùi thay

Vĩnh biệt ta-mười-năm chết dấp
Chốn rừng thiêng im tiếng nghìn thu
Mười năm mặt sạm soi khe nước
Ta hóa thân thành vượn cổ sơ

Ta về qua những truông cùng phá
Nếp trán nhăn đùa ngọn gió may
Ta ngẩn ngơ trông trời đất cũ
Nghe tàn cát bụi tháng năm bay

Chỉ có thế. Trời câm đất nín
Đời im lìm đóng váng xanh xao
Mười năm, thế giới già trông thấy
Đất bạc màu đi, đất bạc màu

Ta về như bóng chim qua trễ
Cho vội vàng thêm gió cuối mùa
Ai đứng trông vời mây nước đó
Ngàn năm râu tóc bạc phơ phơ

Một đời được mấy điều mong ước
Núi lở sông bồi đã mấy khi
Lịch sử ngơi đi nhiều tiếng động
Mười năm, cổ lục đã ai ghi

Ta về cúi mái đầu sương điểm
Nghe nặng từ tâm lượng đất trời
Cảm ơn hoa đã vì ta nở
Thế giới vui từ nỗi lẻ loi

Tưởng tượng nhà nhà đang mở cửa
Làng ta ngựa đá đã qua sông
Người đi như cá theo con nước
Trống ngũ liên nôn nả gióng mừng

Ta về như lá rơi về cội
Bếp lửa nhân quần ấm tối nay
Chút rượu hồng đây xin rưới xuống
Giải oan cho cuộc biển dâu này

Ta khóc tạ ơn đời máu chảy
Ruột mềm như đá dưới chân ta
Mười năm chớp bể mưa nguồn đó
Người thức mong buồn tận cõi xa

Ta về như hạt sương trên cỏ
Kết tụ sầu nhân thế chuyển dời
Bé bỏng cũng thì sinh, dị, diệt
Tội tình chi lắm nữa người ơi

Quán dốc hơi thu lùa nỗi nhớ
Mười năm người tỏ mặt nhau đây
Nước non ngàn dặm bèo mây hỡi
Đành uống lưng thôi bát nước mời

Ta về như sợi tơ trời trắng
Chấp chới trôi buồn với nắng hanh
Ai gọi ai đi ngoài cõi vắng
Dừng chân nghe quặn thắt tâm can

Lời thề buổi ấy còn mang nặng
Nên mắc tình đời cởi chẳng ra
Ta nhớ người xa ngoài nỗi nhớ
Mười năm ta vẫn cứ là ta

Ta về như tứ thơ xiêu tán
Trong cõi hoang đường trắng lãng quên
Nhà cũ mừng còn nguyên mái, vách
Nhện giăng, khói ám, mối xông nền

Mọi thứ không còn ngăn nắp cũ
Nhà thương-khó quá sống thờ ơ
Giậu nghiêng cổng đổ, thềm um cỏ
Khách cũ không còn, khách mới thưa

Ta về khai giải bùa thiêng yểm
Thức dậy đi nào, gỗ đá ơi
Hãy kể lại mười năm chuyện cũ
Một lần kể lại để rồi thôi

Chiều nay ta sẽ đi thơ thẩn
Thăm hỏi từng cây, những nỗi nhà
Hoa bưởi, hoa tầm xuân có nở?
Mười năm, cây có nhớ người xa?

Ta về như đứa con phung phá
Khánh kiệt đời trong cuộc biển dâu
Mười năm, con đã già trông thấy
Huống mẹ cha đèn sắp cạn dầu

Con gẫm lại đời con thất bát
Hứa trăm điều một chẳng làm nên
Đời qua, lớp lớp tàn hư huyễn
Giọt lệ sương thầm khóc biến thiên

Ta về như tiếng kêu đồng vọng
Rau mác lên bờ đã trổ bông
Cho dẫu ngàn năm em vẫn đứng
Chờ anh như biển vẫn chờ sông

Ta gọi thời gian sau cánh cửa
Nỗi mừng giàn giụa mắt ai sâu
Ta nghe như máu ân tình chảy
Tự kiếp xưa nào tưởng lạc nhau

Ta về dẫu phải đi chân đất
Khắp thế gian này để gặp em
Đau khổ riêng gì nơi gió cát
Thềm nhà bụi chuối thức thâu đêm

Cây bưởi xưa còn nhớ, trắng hoa
Đêm chưa khuya quá hỡi trăng tà
Tình xưa như tuổi già không ngủ
Thức trọn, khua từng nỗi xót xa

Ta về như giấc mơ thần bí
Tuổi nhỏ đi tìm một tối vui
Trăng sáng soi hồn ta vết phỏng
Trọn đời nỗi nhớ sáng khôn nguôi

Bé ơi, này những vui buồn cũ
Hãy sống, đương đầu với lãng quên
Con dế vẫn là con dế ấy
Hát rong bờ cỏ giọng thân quen

Ta về như nước Tào Khê chảy
Tinh đẩu mười năm luống nhạt mờ
Thân thích những ai giờ đã khuất
Cõi đời nghe trống trải hơn xưa

Người chết đưa ta cùng xuống mộ
Đâu còn ai nữa đứng bờ ao
Khóc người ta khóc ta rơi rụng
Tuổi hạc ôi ngày một một hao

Ta về như bóng ma hờn tủi
Lục lại thời gian kiếm chính mình
Ta nhặt mà thương từng phế liệu
Như từng hài cốt sắp vô danh

Ngồi đây nền cũ nhà hương hỏa
Đọc lại bài thơ thủa thiếu thời
Ai đó trong hồn ta thổn thức
Vầng trăng còn tiếc cuộc rong chơi

Ta về như hạc vàng thương nhớ
Một thủa trần gian bay lướt qua
Ta tiếc đời ta sao hữu hạn
Đành không trải hết được lòng ta.

Tô Thùy Yên

(Tác giả là một Sĩ Quan QL/VNCH, Trở Về sau hơn 10 năm ở các trại cải tạo Việt Bắc)