Sống và Viết
BƯỚC CHÂN KHÔNG RỜI
Để chỉ sự quyến luyến lúc chia tay, người Mỹ có câu nói “Going but not leaving”. Đi mà không rời. Ngẫm thật chí lý. Dạ thì không muốn, nhưng chân vẫn phải bước. Bước đi mà con tim để lại. “Lên xe tiễn em đi chưa bao giờ buồn thế, trời mùa đông Paris, suốt đời làm chia ly”. Trước khi nhà thơ Cung Trầm Tưởng nghẹn ngào nói với người yêu câu trên đây tại một sân ga ở Paris, Hồng Hà Nữ Sĩ Đoàn Thị Điểm qua bản dịch tác phẩm Chinh Phụ Ngâm của Đặng Trần Côn đã viết: “Cùng ngoảnh lại mà cùng chẳng thấy/ Thấy xanh xanh những mấy ngàn dâu/ Ngàn dâu xanh ngắt một màu/ Tình chàng ý thiếp ai sầu hơn ai”. Rõ ràng là người chinh phu với chiếc áo đỏ như ráng pha trên thân ngựa sắc trắng như là tuyết in đã mang theo ánh mắt trông theo và con tim của người chinh phụ. Còn người ở lại thì ôm mang hình ảnh chàng trong cuộc đời làm chinh phụ của mình. Đi mà không rời. Ở cũng không nguôi.
.Thử hỏi sau cơn sấm sét của một ngày 30 tháng Tư 75 có mấy ai bước đi mà không ngoảnh lại. Rồi suốt nhiều năm tiếp theo. 37 năm rồi vẫn có những cái đầu ngoảnh lại. Và vẫn có những ánh mắt trông theo. Trở lui về thời lập quốc xa xăm của 4892 năm cũ, 50 con theo cha Rồng xuống biển, 50 con theo mẹ Tiên lên ngàn, tránh sao khỏi những ánh mắt ngó mong đẫm lệ. Rồi thời Trịnh Nguyễn phân tranh với Sông Gianh làm lằn ranh chia cách, ngàn giọt lệ chắc đã đẫm ướt đôi bờ. Genève 54 chia hai đất nước, người đi kẻ ở, ruột thắt gan bầm.
Những chia cắt ấy nghĩ cho cùng là những cơn đau lịch sử. Con bịnh đã trải qua những cơn thập tử nhất sinh để vươn vai đứng dậy. Trăm con phải dằn cơn đau , chua xót chia tay để ra đi trấn giữ cõi bờ, từ núi non, đồng bằng ra đến hải đảo. Vết chém Thục Vương ngang lưng Mỵ Châu từ ngàn năm vẫn là vết đau lịch sử. Bao nhiêu những vết thương ấy đã làm nên Thánh Gióng ở làng tre Phù Đổng, làm nên tua tủa cọc nhọn trên sông Bạch Đằng, làm nên 10 năm nằm gai nếm mật trên núi Chí Linh. Nam Quốc Sơn Hà, Nam Đế cư, Tiệt nhiên định phận tại thiên thư, Như hà nghịch lỗ lai xâm phạm, Nhữ đẳng hành khan thủ bại hư. Rồi thì cơn đau Trịnh Nguyễn phải chăng là một định mệnh lịch sử để khiến bờ nam Sông Gianh là điểm khởi hành cho cuộc Nam Tiến để hình thành một giải giang san hình chữ S bây giờ? Tiếp theo là cơn đau Quốc, Cộng cũng là một định mệnh lịch sử để thêm một lần nữa con sông Gianh thay tên đổi họ để tiếp tục làm vết chém ngang lưng một Việt Nam sau hơn tám mươi năm bị đô hộ. Từ đó một nửa dân tộc từ bờ bắc giòng Bến Hải là con bịnh trầm kha sống mà như chết của một oái oăm lịch sử; và hơn một triệu người từ Bắc vào Nam đã thổi một luồng sinh khí mới vào một xã hội Miền Nam vừa trải qua chế độ cai trị Thuộc Địa từ chánh quyền Pháp. Tâm cảm người nửa nước bên này cũng đau nỗi đau chia cắt, nhưng lịch sử miền Nam vẫn có những bước đi dài. Văn hóa, Xã hội, Ngôn ngữ, phong tục tập quán…tại Miền Nam sau 1954 là một vườn hoa đầy hương sắc.
.Thêm một bất hạnh đến với cả dân mình. Cơn đau lịch sử Tháng Tư Bảy Lăm đã viết những dòng chữ mới trên trang đời của mọi người, không phân biệt bên này hay bên kia, từ bờ đông sang bờ tây. Những dòng chữ máu bầm. 37 năm rồi vẫn không quên được một buổi chiều trong phòng làm việc tại một thị trấn miền núi, ngó quanh ngó quất chỉ thấy ông Tổng Giám Thị già với mấy người thư ký, hầu hết bạn bè đã bay về Sài Gòn từ những ngày Ban Mê Thuột vừa mất. Trước đó tụm năm, tụm ba giữa các giờ dạy, đứng trước bản đồ nhìn bước tiến của Bắc quân, nhìn những địa phương lần lượt bị mất. Làm sao quên được những cái mốc thời gian ấy. Ngày 17/3 rút bỏ Cao Nguyên. Ngày 29/3 rút bỏ Đà Nẵng. Rồi ngày 3/4 bỏ Cam Ranh, ngày 21/4 bỏ Xuân Lộc. Làm sao không nhớ được từ ông Tổng Thống đến ông Thủ Tướng, ông đại tướng cao nhất Bộ Tổng Tham Mưu lần lượt bỏ chạy. Tưởng rằng mọi sự chấm dứt từ đó. Chấm dứt từ lúc 10 giờ 15 phút ngày 30/4 khi Tổng Thống Dương Văn Minh tuyên bố đầu hàng. Hơn 30 năm rồi vẫn không quên được buổi tối dắt vợ con lén lút xuống chiếc ghe nhỏ đậu dưới bến vắng, không kịp ôm từ giã mẹ già. Ngoảnh nhìn lại chỉ thấy màn đêm mịt mùng. Tưởng mọi sự chấm hết từ cái đêm tối trời ấy.
Rồi những ngày đầu chân ướt chân ráo trên đất nước xa lạ, học từ cách ăn, cách nói, cách sống. Đặc biệt là phải biết quên cái vui chơi, cái hưởng thụ của cá nhân mình để chú tâm làm việc, chú tâm lo cho con cái. Hai điều nầy thì không sơ hở được. Còn việc làm thì còn cơ hội bước tới để làm lại cuộc đời. Làm sao để có những đứa con ngoan, chăm học để xứng đáng với ý nghĩa của một lần bỏ lại quê hương qua cuộc vượt thoát một sống mười chết.
.Cơn bịnh lịch sử thêm một lần nữa đã không vật ngã được con bịnh mang tên Việt Nam. Ngược lại, sau cơn bịnh Tháng Tư Bảy Lăm, 37 năm qua, hàng triệu con bịnh mang dòng máu Rồng Tiên đã hiên ngang đứng dậy trên khắp hoàn cầu. Thế hệ đầu đã xứng đáng và hãnh diện làm kẻ đưa đường cho thế hệ tiếp nối.
Các thế hệ kế tiếp rồi cũng sẽ hiên ngang ngẩng mặt lên đường, chen vai cùng năm châu bốn biển. Đã lên đường những Nguyễn Hữu Xương, Dương Nguyệt Ánh, những Eugene Trịnh, Nghiêm Đạo Đại, Nguyễn Thị Cẩm Vân, Nguyễn Tuệ, Cai Văn Khiêm... Đã và đang tiếp tục lên đường là hàng triệu thế hệ con em kế tiếp.
.Đi tới, nhưng mong sao đừng một ai quên những lần nhìn lại nguồn cội của mình, không một ai quên ngó về một đất nước mà cha ông đã hơn bốn ngàn năm tạo dựng bằng chính xương máu và tâm huyết của mình. Ngó lại để làm nên một lịch sử mới.
* * *
Cũng nhân đây, xin mời chúng ta cùng ngó lại mấy chuyện buồn vui khởi đi từ một ngày đáng nhớ, một ngày Tháng Tư Bảy Lăm:
1.HAI MÀU ÁO TẠI 1 HỘI TRƯỜNG TRONG NGÀY 30/4/2011
Chị ngồi trên chiếc ghế của chiếc bàn tròn cuối cùng kê nơi góc phải hội trường. Chỉ một mình chị. Các bàn ghế vẫn còn trống phía hội trường này. Bên góc trái đã có vài chục người ngồi chuyện trò vui vẻ. Chương trình Tưởng Nhớ Ngày 30 Tháng 4 còn hơn nửa tiếng nữa mới bắt đầu. Hình như tôi chưa hề gặp chị ở đây. Chắc hẳn chị không phải là người thường xuyên đến trung tâm sinh hoạt này. Không phải chị là một trong vài chục người đến hội trường sớm mà tôi để ý đến chị. Chính bộ bà ba đen chị đang mặc và dáng ngồi thẳng, mắt hướng về phía trước và gương mặt trông rất buồn, không một chút phấn son của người đàn bà trên năm mươi làm tôi không thể nào không để ý đến chị. Không biết từ hồi nào tôi có thói quen hay quan tâm tới những người nữ mặc toàn đen với gương mặt buồn. Dấu hiệu của tang chế. Bình thường đàn bà thích ăn mặc đẹp với những màu sáng và khi ra ngoài thì thường có chút phấn son. Gặp chị tại một buổi tưởng niệm, linh tính cho tôi nghĩ rằng người đàn bà nầy chắc có điều gì trắc ẩn. Suy từ chính mình, hôm nay tôi đang mặc chiếc áo trắng. Màu trắng để tang cho một ngày buồn thảm. Màu trắng cũng để tự nhắc mình rằng hãy từ màu trắng sáng nầy mà nuôi hy vọng, mà dắt dìu nhau đi về vùng trời trong sáng hơn.Từ ngày đến Hoa Kỳ hơn 30 năm nay, hàng năm cứ mỗi lần ngày 30/4 đến tôi mặc chiếc áo trắng này. Lúc đầu thì vợ con tôi cũng làm theo để tôi vui lòng, lâu dần họ bỏ cuộc; chỉ còn tôi. Chiếc áo trắng nầy cũng kiên trì theo tôi từ đó, không sờn rách cũng không đổi màu.Từ chiếc bàn kế bên tôi thấy trên bàn, trước mặt chị 1 bao ny-lon đựng mấy tấm ảnh 4x6 đen trắng và cành hoa trắng làm bằng vải, giống như hoa lài. Tôi thầm mong có người nào đó đến ngồi gần chị để chị không cảm thấy lẻ loi và xa lạ.
Gần tới giờ bắt đầu chương trình. Trong hội trường người ra kẻ vào, tiếng nói cười xen với tiếng nhạc nhẹ. Chị vẫn âm thầm ngồi đó. Chiếc bàn chị có thêm hai bà cụ và 1 ông cụ cùng với hai bé gái bốn, năm tuổi, chắc là cháu của ông bà. Các cụ già thường ít nói và các cháu bé thường không làm quen với người lạ nên chị vẫn ngồi đó, không chuyện trò với ai. Chị có vẻ chăm chú nghe các diễn giả nói chuyện, rồi ăn trưa như mọi người và cùng thưởng thức văn nghệ như mọi người. Chiếc bao ny-lon vẫn trước mặt chị. Tôi không đọc được một nỗi xúc động nào trên gương mặt chị. Hay chị có xúc động mà tôi không bắt gặp hoặc chị ém sâu nó vào lòng mình. Hình như chị không thích chuyện trò nên tôi cũng ngại làm quen. Bộ bà ba đen và cành hoa lài trắng vẫn là điều bí ẩn đối với tôi.
Khi chương trình chấm dứt, ngó quanh, tôi không thấy chị. Không biết người đàn bà ăn mặc toàn đen ấy đã biến đi từ hồi nào.
Chị đi rồi mà đầu óc tôi vẫn còn vẽ ra nhiều điều về chị. Chị có thể là góa phụ của một người tù đã bỏ thân nơi nào đó trong núi rừng Việt Bắc sau ngày 30/4/75. Chị có thể là người mẹ đã phải thủy táng con mình trên biển Đông. Chị có thể là người vợ trẻ vài mươi năm trước sống trong giây phút hãi hùng khi chứng kiến chồng mình đã liều thân cứu vợ thoát khỏi nanh vuốt của bọn hải tặc khát máu trong vịnh Thái Lan... Anh yêu quí, em bây giờ còn sống mà như đã chết. Những tấm ảnh ngày cưới chúng mình và những tấm ảnh giày saut nón sắt của anh đang sống với em từng giờ từng phút. Từng giờ, từng phút em sống với anh. Còn cánh hoa lài trắng nầy em sẽ mang theo cho đến cuối đời như 1 giải khăn sô cho duyên phận chúng mình. Và bộ đồ đen nầy em mặc hàng năm để tưởng nhớ ngày tang khó 30 tháng 4.
Thưa chị, dù không được nói một lời nào với chị nhưng tôi biết chị. Và biết cả tên chị nữa. Chị chính là một trong hàng triệu phụ nữ Việt Nam sanh ra, lớn lên, lê đôi bàn chân rướm máu trên núi Sọ và gánh chịu muôn ngàn đau thương, oan khiên, khổ nhục của một thời Việt Nam thập tự giá.
Thưa chị, cảm ơn chị đã đến với chúng tôi. Màu áo đen của chị và màu áo trắng của tôi đã hòa nhập tuyệt vời trong ngày tưởng niệm 30/4 hôm nay, nơi đây. Trắng hay đen đều là màu tang chế. Chúng ta cùng để tang cho một cái tang chung. Phải không, thưa chị, chị Việt Nam?
2.CẦU BÀ NỘI
Trong mắt bà Tư căn nhà bây giờ bỗng nhiên trống hoác. Nằm trên giường bịnh bà Tư cũng hình dung được căn buồng bên trái cửa đã đóng kín, cái bàn học kê bên cửa sổ còn xấp bài chưa chấm của con dâu. Chiếc áo lính cũ của con trai còn máng trên vách buồng. Chai sữa nấu bằng gạo rang thằng cháu nội chưa uống hết đang nằm bên cạnh bà đây. Mới hôm qua cả nhà còn đông đủ. Hôm nay chỉ còn một mình bà. Trống vắng.
Đêm qua trời tối đen như mực, cõng thằng cháu nội mới hơn 1 tuổi trên lưng, bà Tư lần mò từng bước trên cây cầu khỉ bắc ngang Rạch Bần. Mưa lớn và gió mạnh. Cầu lắc lư hay chân tay bà lão sáu mươi đi đứng không vững? Cha mẹ thằng bé đã đi trước với 2 đứa con và mấy túi đồ ăn, thức uống. Hồi chiều có tin cơ quan xã đã nghe phong thanh chuyến vượt biên này. Mọi người phải chạy đua với xã đội, hối hả xuống “taxi” đang đậu chờ ở ngoài vàm để đi ra “con cá lớn”. Khi chiếc ghe nhỏ rời bến, bà Tư trở về. Dâu con đã năn nỉ bà cùng đi, bà nói bà phải ở lại để rủi có bề gì thì còn nhà cửa để con cháu trở về. Bà đi thất thểu dưới mưa mà tưởng chừng như mình bay trong gió. Bà thấy thân thể nhẹ tênh mà trái tim thì nặng như chì. Bà Tư đã vừa bứt ruột, nát lòng đưa tiễn những người thân nhứt của bà ra đi. Sống chết thế nào chưa biết. Từ nay một thân già yếu bà Tư cũng không biết mình sẽ ra sao. Bà bước trở lại cây cầu khỉ. Đi mới được nửa cầu, bà muốn đứt hơi, mắt hoa, chân run, bà dựa vào tay vịn để thở. Khi thân cầu gãy, bà Tư mới hoàn hồn, cố gắng hết sức già, bà Tư mới lội được vào bờ, lê lết về nhà. Cơn sốt bắt đầu ngay sau đó.
Tin vượt biên thành công của con cháu nhắn gởi từ Songkla bà Tư không nhận được. Bà Tư đã vĩnh viễn ra đi chỉ hai ngày sau cái đêm mưa tầm tả ấy.
Lối xóm nói cơn sốt không thể vật ngã được người đàn bà nhà quê dạn dày sương gió ấy. Chắc chỉ tại nỗi buồn quá lớn khi bà bỗng chốc mất hết những người thân yêu.
Gần ba mươi năm trôi qua, Rạch Bần đã thay bao nhiêu cây cầu khỉ. Xóm giềng vẫn nghèo xác nghèo xơ. Hôm nay cây cầu đúc bắt qua con rạch vừa xong. Không có lễ khánh thành nhưng một số người ở gần đến chờ giờ khai thông cây cầu. Trong làng ai cũng biết cầu này do một kỷ sư cầu đường trẻ nổi danh của Mỹ tự tay thiết kế và xây dựng cả tháng nay. Đứng trước ba má và anh chị, người thanh niên trạc ba mươi tự tay vén tấm vải điều che mặt bia đặt bên này cầu. Người ta đọc mấy chữ trên tấm bia: “BÀ NỘI, con thương Bà”.
Từ đó người làng gọi cầu nầy là Cầu Bà Nội. Một cây cầu gãy hơn ba mươi năm trước bây giờ đã được bắt lại, đẹp đẽ, vững chắc. Ở một nơi nào đó trên mây, có người đàn bà quê nhìn xuống đàn con cháu, niềm vui bừng sáng một góc trời chiều.
3.CẮT RUỘT THẢ XUỐNG BIỂN ĐÔNG
Con thuyền chật cứng lúc bắt đầu ra Bãi Giá. Bây giờ chắc không ai chợt thấy lòng thuyền bỗng rộng hơn. Mọi người đã đói lã, không còn nghĩ gì ngoài cái ăn. Sau 39 ngày lênh đênh trên biển, hơn một nửa đã vắng mặt vì bịnh và vì đói khát. Xác họ đã làm mồi cho cá mập. Cơn đói khát và mất người thân khiến nhiều người phát điên. Chị Út V. ôm cứng con vào lòng bằng tất cả sức lực còn lại của mình. Con bé mới tuổi rưỡi cũng đang thoi thóp. Từ hai hôm nay những người trên thuyền chỉ muốn ăn thịt con bé. Họ nói dầu gì thì con bé không thể sống được. Chị Út V. biết chị không thể nào chống trả hay kêu gọi nhân tính của họ, những người tìm mọi cách để sống còn. Nửa đêm chị Út V. lần mò ra trước mủi thuyền, nhẹ nhàng thả con trên lượn sóng biển Đông.
Chị thấy từng đoạn ruột của mình đang rỉ máu trên những ngọn sóng vô tình.
Trần Bang Thạch