banner

Sau 15 năm hoạt động (2008-2023), website Ái hữu Đại học Sư Phạm Sài gòn ngưng việc đăng thêm bài vở và tin tức.

Độc giả muốn lưu giữ bài viết và hình ảnh để làm tư liệu, xin vui lòng truy cập vào các tiết mục đã đăng trên trang web để download.

Xin chân thành cảm tạ sự hợp tác của tất cả các tác giả và độc giả đã dành cho trang web.

20.07.2023
Admin Website Ái hữu Đại học Sư phạm Sàigòn

TƯỢNG PHẬT

 

Khi người học trò cũ từ quê nhà trở lại Houston trao cho tôi một bao thơ, trong có lá thơ thật dài của em gái tôi và một tượng Phật Bà Quan Thế Âm, tôi thấy mình choáng váng, muốn ngã quị. Đó là ngày gia đình chúng tôi làm cái thất thứ hai cho má tôi, tức là mười bốn ngày sau khi má tôi mất. Từ ngàn trùng tôi đã âm thầm khóc và cầu nguyện cho vong linh má tôi được sớm về cõi phúc. Bất ngờ nhận được tượng Phật, tôi nghĩ ngay rằng má tôi chưa đi đâu hết mà đang đến với tôi. Má muốn đem tượng Phật, đem cái may mắn đến cho tôi dù má đã xa đời. Trời ơi, người con bất hiếu là tôi đang biền biệt phương nào trong những giờ phút cuối đời của má, để vong linh má phải đi tìm tới tận nơi nầy. Còn nhớ hồi năm 2000 chúng tôi về thăm má tại quê nhà, má đã lẫn nặng, lúc nhớ lúc quên, nói năng khó khăn, thiếu đầu thiếu đuôi. Nhưng có một câu mà má tôi cứ hỏi tôi hoài: “Không biết đến lúc má già con có về được không?”. Mỗi lần nghe câu hỏi đó tôi đã vuốt đôi vai gầy của má, thế cho câu trả lời, vì nghĩ rằng xa xôi quá chỉ sợ về không kịp. Quả thật là không kịp. Má tôi ngã bịnh nhanh quá, ra đi nhanh quá và chôn cất cũng nhanh trước khi một năm mới sắp đến. Cũng là lỗi của tôi, cứ nghĩ má còn ở với con cháu lâu hơn nữa, cứ nghĩ vài tuần lễ nữa sẽ về, như lịch trình đã xin phép ở sở làm, chắc còn kịp. Tôi đã không về kịp thì hôm nay, qua tượng Phật, má tôi đã đến với tôi. Má bao dung của tôi chắc không trách, nhưng tôi thấy cái lỗi của mình quá nặng.

Trên mười trang giấy đầy chữ em gái tôi kể lể từng chi tiết một kể từ ngày má trở bịnh cho đến giờ má nhắm mắt. Dòng cuối, em tôi viết: “Đúng 8 giờ 15 tối ngày 28 Tết má đã bỏ anh em mình mà ra đi!”. Tôi biết em gái tôi đã không cầm được nước mắt khi viết câu nầy nên bức thư phải chấm dứt ở đó, cũng như nước mắt tôi chảy nhiều hơn mỗi lần tôi đọc câu ấy.  Từ nhỏ cho tới giờ em gái tôi chưa hề sống xa mẹ, cho nên bên nầy tôi buồn một thì bên kia em gái tôi phải buồn mười. Mỗi lần nói chuyện với tôi trên điện thoại, em tôi chỉ khóc và khóc. Trên một tờ giấy nhỏ khác em tôi cho hay đã tìm thấy trong mớ tập vở cũ của tôi cái tượng Phật đã được để trong bao thơ với tên người nhận là tôi, nên em gởi sang cho tôi. Bị run tay và mất trí nhớ từ vài năm nay, má tôi chắc phải khó khăn lắm mới nhớ được và viết ra được tên tôi với nét chữ ngoằn ngoèo và dán thơ bằng cơm nguội. Chút cơm nguội khô còn dính trên bao thơ cho biết lá thơ nầy má dán không bao lâu trước ngày má mất. Má tôi trí óc đã lú lẫn mà ở những ngày cuối đời vẫn còn nhớ tới đứa con ở xa. Còn đứa con xa xôi nầy có bao nhiêu lần tưởng nghĩ tới má? Áp tượng Phật vào tim mình, tôi nghe hơi ấm của má. Tôi chợt hiểu rằng vĩnh viễn người mẹ luôn ấp ủ con cái của mình dù mẹ có đi tới đâu, dù con đang ở một chân trời góc biển nào. Và tôi cũng chợt nhớ rằng đã từ thật lâu tôi đã quên hết những cử chỉ, lời nói thương yêu đối với má. Bây giờ cầm tượng Phật trên tay, tôi như đang thấy má, muốn nói “má ơi con thương má” thì còn má đâu để mà nghe!

Tượng Phật Bà Quan Thế Âm bằng đồng chỉ nhỏ bằng ngón tay út nhưng đối với má tôi nó trọng đại vô cùng. Tượng đã ở trên cổ má từ những ngày má mới chào đời. Má là đứa em gái út của 8 anh trai. Bà ngoại sanh má khi ngoại đã 49 tuổi, sau 12 năm ngưng sanh nở và sau bao nhiêu lần vào ra các chùa chiền, lăng miễu xin phật trời ban cho một đứa con gái. Má thuật lại chuyện bà ngoại cùng với hai người hầu gái một buổi chiều chạng vạng ghé cái miễu hoang nằm bên bờ rạch nhỏ của con sông Kế Sách, sau khi cắm 3 nén nhang vào kẻ hỡ ba cục đá trong miễu, ngoại thấy một vật sáng trước mặt, ngoại cầm lên coi thì thấy đó là tượng Phật Bà Quan Thế Âm nhỏ xíu. Hai người hầu gái trước đó cũng làm như ngoại nhưng họ không thấy một đóm sáng nào. Những miễu trong thôn ấp thường được dựng lên sơ sài để thờ mấy cục đá coi như là thổ địa. Nhưng miễu nầy lại có tượng Phật là điều lạ, ngoại không dám lấy về dù trong thâm tâm rất muốn. Đêm đó về nhà ngoại nằm mơ thấy có con bướm vàng bay vào bụng ngoại rồi bay lộn trở ra. Ba đêm liên tiếp như vậy. Chuyện ấy rồi cũng qua đi cho tới ba tháng sau thì mọi người bỗng nhớ lại cái tượng Phật và con bướm vàng khi ngoại thổ huyết nặng, ngoại ọc ra từng bụm máu tươi. Ông ngoại nghĩ tới tượng Phật và cái bào thai không thành nên khuyên mọi người nên trở lại cái miễu hoang ở Kế Sách để cầu nguyện. Sau khi cắm 3 nén nhang vào kẻ hỡ 3 cục đá như lần trước, bà ngoại và những người tháp tùng chờ một nguồn sáng từ đâu đó trong miễu. Không có một vệt sáng nào hết. Chờ một hồi lâu cũng không có gì mọi người phải rời khỏi miễu vì đã quá khuya. Khi mọi người đã an vị trong khoang ghe bầu thì ông ngoại mới nhớ là đã để quên cây dù dưới gốc cây mù u bên miễu. Đi chưa tới gốc mù u thì ông ngoại đã thấy một đóm sáng thật nhỏ ở đoạn đường ngắn chừng sải tay giữa gốc mù u và cái miễu. Tưởng là con đom đóm, thoạt đầu ông ngoại không chú ý; khi đến thật gần, đóm sáng vẫn còn, nhìn kỹ thì đó là tượng Phật Bà. Ông ngoại trở lại ghe kêu bà ngoại trở lên bờ thỉnh cái tượng Phật. Bà ngoại không muốn lấy, ông ngoại bảo đó là vật Trời Phật cho mình, không lấy thì ban ngày ban mặt người trong làng cũng thấy và họ sẽ lấy thôi. Đem về nhà, ngoại đeo tượng Phật vào cổ. Ba tháng sau thì ngoại có mang. Đúng 10 tháng 10 ngày sau thì má mới ra đời. Ngoại nói má là đứa con cầu tự. Ngoài cái tên cúng cơm, ông ngoại còn gọi con gái là Trích Tiên, nàng tiên bị đọa xuống dương trần để làm con nhà họ Lê của ngoại. Về sau tôi cứ nghĩ cái tên Trích Tiên này đã vận vào má suốt đời để má trở thành nàng tiên mắc đọa quanh năm sầu khổ. Từ ngày có đứa con gái út, ông ngoại tôi không còn cái tật rượu chè, trai gái. Trong hai năm liền, ngoại tôi miễn hẳn việc thâu lúa ruộng của cả mấy chục tá điền ở rải rác khắp vùng đồng ruộng ở Bãi Xàu, Kế Sách, Vũng Thơm... thuộc tỉnh  Sóc Trăng. Còn bà ngoại thì đi khắp chùa chiền đình miếu đem tiền bạc thóc gạo bố thí. Má tôi trở thành con gái rượu của ông ngoại, được cưng chiều như trứng mỏng, tối ngày không ngồi trên lưng ngoại thì cũng cỡi trên vai 8 ông anh. Lúc bốn tuổi má tôi đã ngồi ghe bầu hay ngồi ngựa với ông ngoại đi thăm các sở ruộng mênh mông. Ngoài chuyện làng nước, tối ngày ông ngoại lẩn quẩn ở nhà chơi với con gái. Lúc má tôi được hơn 5 tuổi thì bà ngoại tôi trở bịnh nặng rồi mất. Ông ngoại tôi buồn bã trở lại rượu chè và mất sau đó không lâu. Trước khi mất ông ngoại tôi nhờ vợ chồng người bạn đồng liêu làm hương chủ ở Cần Thơ đem má tôi về làm con nuôi. Đi đưa má tôi về làm con nhà họ Nguyễn có bầu đoàn thê tử của cả 8 ông anh ngồi chật cả chiếc ghe chài mấy trăm giạ có mui và có giàn hát máy hát suốt đoạn đường sông. Đi kèm theo ghe lớn còn có hàng chục ghe nhỏ của những tá điền, làm rộn rã những khúc sông đoàn ghe đi qua. Má tôi được đưa về làng Thường Đông, cách quận Cái Răng hơn một giờ chèo ghe cùng với bốn cái rương gỗ to cẩn xa cừ và tượng Phật Bà trên cổ. Hôm đó ông bà ngoại nuôi mở đại tiệc mừng có đứa con gái nuôi. Gian nhà khách to lớn cùng cái rạp che lá dừa trên sân phơi lúa rộng hàng trăm chiếc đệm chật ních người, có cả quan cai tổng và quan bố chánh về dự. Đờn ca hát xướng 2 đêm 3 ngày liền. Một con lân trắng, một con lân đen và bốn ông địa thay nhau múa suốt buổi. Trống lân vang dội tới cuối làng. Xác pháo đỏ ngập sân. Sau nầy má nói tuy mới 6 tuổi nhưng hôm đó má buồn khóc như mưa, mấy ông lân và mấy ông địa làm đủ trò cho má cười, nhưng má chỉ có khóc, má chỉ muốn theo các ông anh trở về nhà cũ. Trước đó hai năm, Cậu Hai tôi cũng được đem về làm con nuôi từ một gia đình ở Cái Côn vì ông bà ngoại nuôi tôi có nhiều ruộng đất mà không có mụn con nào. Sau đó cũng nhờ có cậu Hai lúc nào cũng chơi đùa bầu bạn nên má cũng nguôi ngoai. Rồi má cùng cậu Hai đi học trường làng rồi trường quận. Khi cậu Hai đi học ở chợ Cần Thơ thì má ở nhà để ngoại dạy công dung ngôn hạnh, chờ đến khi lấy chồng. Má nói má bớt cô đơn cũng nhờ cái tượng Phật, má như thấy mẹ ruột lúc nào cũng ở bên cạnh mình, vỗ về, an ủi. Má nói đó là vị thần hộ mạng của má. Còn tôi thì từ ngày còn nhỏ đã coi tượng Phật chính là má tôi. Tôi nhớ khi đã sáu bảy tuổi rồi mà tôi vẫn thích nằm trong lòng má, tay mân mê tượng Phật má lúc nào cũng đeo trên cổ, gọi má là Phật Bà. Má tôi thì gọi tôi là Na Tra bởi lúc nhỏ tôi là thằng bé mũm mĩm, đầu chừa ba vá cho tới khi biết mắc cỡ khi tắm sông ở truồng. Năm tôi lên chín tuổi thì ba tôi có vợ hai. Vào một ngày mưa giông tầm tã, sau lần nói chuyện với ba tôi mà trong đó má tôi khóc nhiều hơn là nói, má tôi rời nhà chồng ở Xẽo Môn cùng với hai anh em tôi, đem theo mấy bộ đồ và món nữ trang duy nhứt là cái tượng Phật Bà. Trước khi rời nhà chồng, má tôi bắt tôi cùng với má vào nhà từ đường lạy khắp nơi có bàn thờ, rồi lạy ông bà nội mỗi người bốn lạy coi như là mẹ con tôi xin được ông bà tha cho tội bất hiếu, đã không thể ở đây để thờ phụng ông bà. Tôi không quên được con đường đất trơn trợt từ Rạch Xẽo Môn dẫn tới chợ Bang Thạch nằm trên liên tỉnh lộ 4. Người đàn bà yếu ớt vừa mới sanh con hơn hai tháng, từ nhỏ chỉ biết may vá thêu thùa, bánh mứt, chưa một lần rời khỏi đôi guốc, đôi dép; bây giờ phải bồng con nhỏ vừa khóc vừa đi như chạy dưới mưa, chân trần bấm từng tấc đất để khỏi bị té. Lúc bắt đầu học làm thơ hồi 14 tuổi, bài thơ đầu tiên của tôi nói về suối nước mắt của má đã đổ xuống nhiều gấp trăm ngàn lần nước mưa của cả bầu trời quê nội hôm đó, suối nước mắt để khóc cho thân phận mình. Hôm ấy tuy còn nhỏ, té lên té xuống, mà tôi đã biết dìu má và biết nhìn tượng Phật trên cổ má  khấn thầm cho trời đất thương mẹ con tôi mà chấm dứt cơn mưa để mẹ con tôi bớt khổ. Tới quốc lộ, bên trái là về Cần Thơ với cha mẹ nuôi, bên phải là về Sóc Trăng với các anh ruột, má tôi cuối cùng lên xe về hướng Sóc Trăng, rồi dừng lại nửa đường. Sau nầy tôi mới biết là má không muốn bất cứ người thân nào của hai bên ngoại biết hoàn cảnh gia đình bất hạnh của má, số phần của má thì chỉ có má là người nhận chịu, nên khi xe đò Cosara ghé trạm kiểm soát ở ngả ba An Trạch thì má bồng con xuống xe, đón xe bò đi rẽ vào một sóc Miên cách quốc lộ vài cây số.

Vào một ngày mưa gió, với một đứa con đỏ hỏn trên tay và một đứa lúp xúp vừa chạy vừa té, má đã can đảm chấp nhận ngả rẽ cho duyên phận của mình, thì từ đây con đường đời của má cũng dẫy đầy những ngả rẽ, những khúc quanh, những ghềnh thác mà má một đời phải chịu đựng. Khúc quanh lớn nhứt trong đời má chắc chắn phải là việc ly hôn khi tuổi đời chưa tới ba mươi, ở cái thời buổi xã hội coi đó là một điều không chấp nhận được, nhứt là miệng đời chỉ kết tội cho người đàn bà. Họ có thói quen cho rằng người đàn ông có thể năm thê bảy thiếp, còn gái chính chuyên thì chỉ một chồng. Trước mắt nhiều người, thời buổi đó mà má tôi không chịu cho chồng mình có vợ bé mới là điều kỳ cục! Nhưng khi má tôi đã dắt con rẽ vào một sóc Miên toàn là người xa lạ thì người đàn bà tiểu thơ bất hạnh ấy đã có một quyết định cho đời mình. Đó là tham gia phong trào kháng chiến đang rầm rộ nổi lên ở khắp vùng Nam bộ. Người ta nói tới việc đuổi Pháp, việc chống xâm lăng, nói tới tự do, độc lập, dân chủ, hòa bình, cơm ăn áo mặc; nhứt là khẩu hiệu giải phóng người phụ nữ khỏi áp bức, giải phóng người nông dân khỏi bóc lột bởi nạn cường hào ác bá. Chánh trị hay chủ nghĩa nầy nọ thì má tôi đâu có hiểu gì, nhưng má nghĩ tới mình rồi nghĩ tới hàng ngàn những phụ nữ như má, nghĩ tới cả trăm ngàn những thân phận đàn bà hẩm hiu trong những góc tối gia đình phong kiến. Cách mạng đối với má chỉ đơn giản như vậy, không dài dòng Engel Karl Marx Đệ Tứ Đệ Tam hay Nam Tào Bắc Đẩu gì hết. Má hăm hở tham gia hội Phụ nữ Cứu quốc vì chính cái ý nghĩa cao đẹp của các từ ngữ này, hơn là những gì khác nằm sau lưng của nó. Má tôi không phải là cán bộ cốt cán vì có gốc là thành phần tiểu tư sản, nên lúc nào cũng làm phó và cho đến ngày ngưng bắn tháng 7 năm 1954 má vẫn là dự bị đảng viên. Má tôi không màng chuyện đó. Chánh yếu là trong kháng chiến má tôi đã dạy hàng ngàn người đàn bà, trẻ con, người lớn nơi các vùng sâu biết đọc biết viết, biết địa vị con người của mình dù phải sống dưới bất kỳ hoàn cảnh nào; đặc biệt đi đến đâu má tôi cũng nói với người phụ nữ về quyền bình đẳng đối với nam giới, quyền làm vợ, quyền làm người. Má tôi không ra mặt trận, nhưng những thương bịnh binh ở cả hai bên từ mặt trận đưa về, má tôi đều săn sóc chu đáo. Không ai tưởng tượng được tại vùng giải phóng ở Trà Lồng có người nữ cán bộ vừa băng bó vết thương cho thằng Tây Ma-Rốc rạch mặt, vừa nói chuyện với nó bằng tiếng Tây. Có những thằng Tây tù binh non choẹt kể cho má tôi nghe nỗi nhớ mẹ, nhớ cha, nhớ nhà, nhớ người yêu. Nó khóc, má tôi dỗ nó như đứa con nít. Mẹ con chúng tôi theo cơ quan đi khắp khu 9 miền Tây Nam bộ. Bao nhiêu nguy hiểm như có mặt hằng ngày với má, nhứt là khi má đi công tác vùng ven. Một lần trốn dưới một bàu bông súng ngay sát con lộ đám lính Tây đang ruồng bố, má tôi ngậm tượng Phật Bà và thầm nguyện Phật Bà cứu độ. Nhiều lần như vậy, má tôi đều thoát. Chuyện nầy khi người nữ thủ trưởng của má tôi biết được, bà bắt má tôi phải không được tin những điều nhảm nhí như vậy. Còn cái tượng Phật mà má tôi đeo, theo họ, chỉ làm mất bản chất của người cách mạng, cũng không được đeo. Má tôi nhứt quyết không nghe. Sau đó má tôi nhiều lần bị hạ từng công tác, cuối cùng chỉ còn nhiệm vụ là lo cơm nước, lo nuôi heo, gà cho cơ quan. May mắn là mỗi tối dưới ánh đèn mù u má tôi còn được dạy mấy lớp bình dân học vụ mà đa số học viên là trẻ con chăn trâu mướn và phụ nữ quần thô áo vá. Má nói làm được như vậy là đã quá đủ cho cái gọi là lý tưởng của má rồi. Rất đơn giản, má tôi nói cách mạng là làm cho các trẻ chăn trâu ngồi trên chính con trâu của mình và biết ê a đọc sách; là làm cái áo cái quần của người đàn bà lành lặn để ngước mặt mà đi tham gia việc làng việc xã. Tôi nhớ lúc phong trào chống Bảo Đại trong vùng kháng chiến, với bức tranh vẽ Vua Bảo Đại mắc câu, có một ông gì lớn lắm nghe nói từ trung ương ghé qua cơ quan mở hội nghị với các cán bộ cốt cán toàn khu Tây nam Bộ. Xong hội nghị, ông ra tận sàn nước dưới bến sông, nơi má tôi đang rửa một đống nồi ơ, chén bát, nói chuyện với má thật lâu, rồi bỗng nhiên tôi thấy má quày quả bỏ đi, người đại cán đứng ngẩn người một lúc, vỗ mạnh vào cái xắc cốt bằng da bò láng bóng mang bên hông, rồi mới hậm hực bước xuống xuồng chèo, rời khỏi cơ quan. Sau đó tôi có hỏi, má nói vẫn là chuyện cái tượng Phật và những lời đe dọa của một người có tánh lăng nhăng mèo mã gà đồng. Má nói má ghét cay ghét đắng những người như vậy, nhứt là những ai đụng chạm tới cái tượng Phật của má.

Cái tượng Phật nhỏ xíu như vậy mà đã làm cho má xấc bất xang bang suốt mấy năm trong vùng kháng chiến. Cho tới một ngày sau Hiệp Định Genève 1954  má trở về làng Thường Đông nuôi bịnh mẹ thì tai nạn mới hết.

Những năm tháng còn sống trong gia đình, cứ mỗi lần sắp đưa ông táo về trời là tôi có bổn phận đánh bóng tất cả mấy bộ lư đồng, thích nhứt là được tỉ mỉ đánh bóng tượng Phật trên sợi dây chuyền của má. Tôi tẩn mẩn dùng bông gòn hay sợi chỉ thấm dầu bóng lau từ những kẻ ngón tay nhỏ bằng sợi tóc cho tới từng nếp áo, từng giọt nước cam lồ chảy ra từ cái bình nhỏ bằng hột gạo. Mỗi khi đánh bóng xong, tôi muốn được má khen và muốn tự mình đeo tượng Phật vào cổ má, để thừa dịp má không để ý, hun má một cái chụt rồi chạy mất. Còn nhớ năm đầu vào đại học trên Sài Gòn, má tôi đeo tượng Phật vào cổ tôi, nói là để được may mắn. Tới năm sau thì tự nhiên tôi cảm thấy mắc cỡ với đám bạn bè sinh viên của Sài Gòn hoa lệ, vì nghĩ rằng đàn ông con trai mà mang dây chuyền dây cổ với cái tượng Phật sao có vẻ quê mùa tỉnh lẻ quá, nên tôi trả về cho má. Càng lớn, đi học xa, rồi đi làm xa, tôi càng ít nghĩ tới  tượng Phật. Tôi không nhớ là đã bao nhiêu năm tôi không còn nghĩ tới tượng Phật nhỏ xíu ấy nữa. Hai mươi bốn năm ở xứ người, hình như tôi đã quên phứt cái tượng Phật mà hồi nhỏ tôi gọi là Má. Cũng quên luôn mình đã từng được má thương yêu gọi là Na Tra. Có lẽ tôi cũng ít khi nghĩ tới sẽ có một ngày rất gần mình phải mồ côi mẹ.

Hôm nay thì tượng Phật đang áp sát trên ngực trái của tôi, ướt sũng những giọt nước mắt.

TRẦN BANG THẠCH