banner

Sau 15 năm hoạt động (2008-2023), website Ái hữu Đại học Sư Phạm Sài gòn ngưng việc đăng thêm bài vở và tin tức.

Độc giả muốn lưu giữ bài viết và hình ảnh để làm tư liệu, xin vui lòng truy cập vào các tiết mục đã đăng trên trang web để download.

Xin chân thành cảm tạ sự hợp tác của tất cả các tác giả và độc giả đã dành cho trang web.

20.07.2023
Admin Website Ái hữu Đại học Sư phạm Sàigòn

___________________________

TÔI ĐI HỌC

 

Buổi học đầu tiên chấm dứt. Người thầy dạy là một nữ giáo sư còn thật trẻ, có lẽ chưa quá ba mươi. Đúng ra là giáo sư Susan Smith dùng hai tiết học vừa qua để làm một orientation, vừa làm quen với sinh viên, vừa giới thiệu giảng khóa Kinh Tế Nhập Môn mà bà phụ trách.
Bây giờ thì tôi mới có dịp nhìn ngắm chung quanh.Tôi đã đến đây nhiều lần lắm rồi. Trường đại học này đâu có lạ gì với tôi. Ba đứa con tôi đã đi học và tốt nghiệp ở đây. Tôi cũng đã có mặt nhiều lần ngay tại giảng đường này để tham dự lễ tốt nghiệp của các con, các cháu của mình, hay của các bạn bè, thân hữu. Vợ tôi còn có cái máu ghiền được nhìn ngắm những tân khoa với mũ áo chỉnh tề, mặt mày rạng rỡ. Nàng nói tất cả những tương lai, những hy vọng, những niềm vui đang hiển hiện ngay trước mắt mình, thấy thích làm sao! Cả đời mình không có được, bây giờ nhìn con cháu xênh xang mũ áo như thấy chính niềm vui của mình vậy. Tuy tôi đã có mặt nơi đây cả chục lần hơn, thế mà hôm nay tôi thấy mọi vật hình như đã đánh phấn tô son để thành những thực thể hoàn toàn mới, xinh như một cô gái đang thì. Tại sao lạ vậy? Có lẽ tại  lòng tôi đang rộn lên những niềm vui mới. Hay nói như Thanh Tịnh: Hôm nay tôi đi học.

 

Toà cao ốc như một chiếc hộp khổng lồ trùm úp lên hàng trăm ngọn cây xanh trong khuôn viên trường đại học UH. Mấy mươi tòa nhà thấp hơn ẩn hiện giữa những lá, những hoa trên vuông đất rộng nhiều trăm mẫu. Đứng trên từng lầu cao nhất của đại giảng đường Holman, qua khung cửa kính tôi thấy bạt ngàn màu xanh của lá. Tôi cũng thấy màu nắng thật nhạt, thật ngọt ngào trên những dãy mây thấp. Màu chiều cũng lãng đãng quanh đây. Ngoài kia gió chiều chắc cũng đang mơn man từng cánh lá. Các sinh viên lũ lượt rời khỏi giảng đường. Bà giáo sư trẻ đang sắp xếp các giấy tờ, thu gọn các âm bản và máy chiếu. Tôi muốn đứng lại đây, một mình, giữa cái giảng đường rộng mênh mông, cao nghều nghệu như trên mấy tầng trời này. Tôi đang đứng trên màu xanh của lá. Lá. Lá. Lá. Nhìn đâu cũng thấy lá. Những dãy mây mỏng trôi chầm chậm trên đầu cho tôi cái cảm tưởng tôi cũng đang thong thả bước đi trên tấm thảm xanh của một tương lai mới chớm, một hy vọng mới hình thành. Có thật vậy sao? Có thật tôi đã trở lại giảng đường đại học ngày đầu tiên hôm nay? Có cái gì nghe quen thuộc, gần gũi quá mà cũng xa xôi quá. Ba mươi năm, một giấc mộng dài đang trở thành sự thật: Tôi đang tiếp nối những bước đi dang dở từ lứa tuổi thanh xuân. Ba mươi năm trước, tôi đã giã từ trường lớp, giã từ thầy, bạn, bước ra khỏi chiếc cổng xi măng màu gạch cua của một trường đại học nằm trên đường Cộng Hòa, đối diện với Tổng Nha Cảnh Sát Đô Thành, để “vào nơi gió cát”. Từ chiếc cổng vàng thếch, lỗ chỗ nhiều vết đạn, con đường trải đá xanh với hai hàng còng già sụ, da dẻ sần sùi dẫn vào dãy nhà trệt lợp ngói âm dương dùng làm câu lạc bộ và các phòng sinh hoạt sinh viên, rồi tới giảng đường SPCN to như một quả đồi con nổi lên giữa những gian nhà thấp. Trong cái giảng đường khổng lồ này hàng năm bảy trăm con người ngồi chen chúc trên các băng ghế được xếp thoai thoả hình trôn ốc từ nền cho tới gần chạm trần nhà. Vị linh mục giảng dạy môn Sinh Vật với cánh áo dòng trắng tinh, một tay cầm chiếc micro không giây, một tay cầm phấn, vừa vẽ vừa giảng suốt hai tiếng đồng hồ mà không một lần nhìn vào bài soạn. Con đường trải đá xanh đó tôi đã tới tới lui lui hơn ba năm trời. Những buồn vui đã thật đầy như những chồng bài vở quay ronéo dày cộm. Hơn ba năm tôi nhìn cuộc chiến đang mỗi ngày một đến gần. Tôi nghe người ta hát Tôi có người yêu chết trận Pleime. Tôi biết có ông tướng phường tuồng mang theo cục đất khi lên máy bay rời đất nước. Tôi nhìn tôi muôn ngàn vất vả qua những kỳ thi, nhìn người-lính-tôi đang chực chờ ngoài cửa lớp, chỉ chờ một sơ xẩy của người-sinh-viên-tôi là xông vào, cuốn tôi đi theo chiều gió. Tôi nhìn em xanh xao vàng võ trong chiếc áo blouse trắng rộng thùng thình nơi phòng thí nghiệm sinh hóa. Tôi nhìn bạn bè tôi lăng xăng với những cuộc xuống đường, bãi khóa, những đả đảo, hoan hô, những hơi cay và nước mắt. Có những đêm dài tôi phải bó mình trong Đại Học Xá Minh Mạng để tránh lựu đạn cay. Các nhạc sĩ sinh viên Tôn Thất Lập, Miên Đức Thắng đi đến đâu là có dùi cui, có lựu đạn cay đến đó. Bạn bè tôi, những đầu bù, tóc rối, kiếng cận, quần loa ngồi gật gù thâu đêm bên tách cà phê đen, thuốc lá đen và đêm đen trong các quán Xuân Hương, Hầm Gió, Thằng Bờm. Tôi đã khóc trước linh cữu ông thầy dạy Cơ Thể Học bị ám sát trên đường Trần Hoàng Quân, ngay bên cạnh Đại Học xá Minh Mạng. Tin nơi nầy đánh lớn, nơi kia đánh nhỏ. Tin thằng bạn nầy ngã gục, thằng bạn kia vào Thủ Đức….

Những biến động dập dồn trên cả nước đâu có dừng lại trước một cánh cổng trường nào đâu. Cho nên, giữa năm học cuối tôi đã bỏ lại tất cả để lăn vào cuộc chiến, bỏ lại tiếng vélo bình bịch của người em Sinh Hóa. Chiến cuộc và toàn thể Miền Nam bị chết tức tưởi. Tôi cũng tức tưởi chui vào tù; như một định mệnh đã an bài... Cái hụt hẫng này phải đợi đến hơn hai mươi năm nơi xứ người, phải đợi đến hôm nay mới được tiếp nối.

Chiều nay, đứng trên tầng cao của đại giảng đường Holman, tôi như thấy trước mắt con đường trải đá xanh với hai hàng còng già nua của ba mươi năm cũ đang lập lờ uốn lượn bên ngòai vuông cửa sổ. Và, ơ kìa, ở cuối tầm mắt, chỗ vòm cây xanh giáp với xa lộ liên bang I- 45, tôi bỗng thấy thấp thoáng một chàng thanh niên đang đứng dưới vòm cong của chiếc cổng thật quen. Chiếc cổng màu gạch cua trên đường Cộng Hòa mang nhiều thương tích. Chàng thanh niên dừng lại một chút rồi theo con đường trải đá xanh bước vào cái giảng đường to như một quả đồi non. Rồi quả đồi non ấy bỗng tan loãng vào dòng xe cộ hướng về phía Downtown.

 

“ Xin lỗi, tôi...tôi có thể nói chuyện với ông vài phút được không?”

Có lẽ bà giáo sư đã đứng sau lưng tôi từ hồi nào. Tôi không nghe tiếng bước chân của bà, nhưng hình như  tôi có ngửi được một mùi hương lạ.
“Dạ, kính chào bà. Xin bà cứ tự nhiên. Tôi là Nguyễn, thưa bà Smith.”
“ Có lẽ tôi hơi đường đột nhưng xin hỏi ông Nguyễn: ông có làm sao không? Ông vẫn bình thường chứ?
“ Dạ…dạ…”
“ Hay là ông đang chờ người đến đón về? Tôi có thể giúp gì được cho ông không, ông Nguyễn?”
“Dạ cảm ơn bà, bà Smith. Tôi không sao đâu. Xin bà yên tâm. Tôi cũng không chờ ai cả. Thành thật cảm ơn bà đã quan tâm.”
“Ông Nguyễn à, ông thấy đó: trời đã tối rồi, mọi người đã rời khỏi giảng đường. Còn ông thì vẫn đứng đây, nhìn bên ngoài cửa sổ.”
“Thưa bà, hôm nay là ngày đầu của một niên học mới. Là ngày đầu, là ngày đầu. Thưa bà”.
“Điều nầy thì tôi biết. Điều tôi không biết là hình như ông có tâm trạng gì đối với ngày khai giảng hôm nay.”
“Thưa bà, tôi muốn sống thêm những khắc giây của ngày hôm nay tại đây, ngày đầu tiên tôi trở lại giảng đường.”
“Chắc ông Nguyễn cũng đã thấy trong số hàng trăm sinh viên vừa ra khỏi lớp, nhiều người cũng đã lớn tuổi, cũng có người ngày đầu tiên tiếp tục những gì đã bỏ dở, như ông. Và họ đã ra về hết rồi, tôi cũng phải rời nơi đây. Chỉ còn ông là nán lại. Điều này thì thật sự tôi không hiểu. Có lẽ mình còn nhiều dịp khác để trò chuyện thêm. Chúc ông Nguyễn một buổi tối an lành.”
“Tôi cũng kính chúc bà như vậy. Kính chào bà Smith.”

Bà giáo trẻ này làm sao hiểu được một trang đời đầy ắp chữ nghĩa đã bị tức tưởi xếp lại, đóng lại trong suốt ba mươi năm. Bà cũng không thể hiểu được cái mộng ước đã được ấp ủ hai mươi năm nơi xứ người. Hôm nay, chính ngày hôm nay, tất cả là sự thực. Trang đời cũ đang được mở ra. Những ước vọng đang hình thành. Phải, bà Smith và mọi người thân mến, tôi muốn đứng đây thêm một chút nữa để thấy bước chân hụt hẫng năm xưa đang lần về lối cũ, muốn nghe hoài tiếng sỏi lạo xạo dưới chân, nghe tiếng trái còng khô rơi nhẹ nhàng trên sân cỏ. Hình như tôi nghe được cả tiếng lào xào của bút giấy, tiếng rào rạo của phấn trắng bảng đen và tiếng vélo bình bịch của em ngoài cửa lớp. Những điều này bà giáo trẻ Smith làm sao nghe được, có phải không? Tại nước Mỹ này việc đi học đâu có khó khăn gì, cho nên bà giáo trẻ của tôi sẽ vô cùng ngạc nhiên nếu biết rằng để có được ngày hôm nay, tôi phải có hàng hai mươi năm để chuẩn bị thực hiện ước mơ này. Sống với ngày này thêm vài phút nữa thật chẳng phí chút nào.

 

Hơn hai mươi năm trước, vợ chồng chúng tôi đến đây với đôi bàn tay rỗng và ba đứa con, đứa lớn nhất 11 tuổi, đứa nhỏ nhất chỉ mới bập bẹ mấy tiếng ba ba. Trước mắt, chúng tôi phải tạo dựng lại tất cả; ưu tiên là một mái ấm gia đình với đàn con đủ ăn, đủ mặc, đủ học hành. Tình yêu thương, sự giáo dục dạy dỗ từ cha mẹ cũng phải đủ. Những ưu tiên căn bản này có tính tương đối nên từ buổi đầu chúng tôi thực hiện không khó lắm. Chúng tôi không mong mỏi nhiều. Chỉ cần vừa đủ là được rồi. Cái khó là tìm nơi cư ngụ bình thường tại một khu xóm an ninh và có một học khu tốt. Chúng tôi chỉ cần những tiện nghi tối thiểu, một phương tiện di chuyển an toàn để công ăn việc làm được trôi chảy. Xe mới, nhà to,... cho đến nay chúng tôi cũng chưa hề nghĩ đến nói chi lúc chân ướt chân ráo đến thành phố này. Phương án thực hiện của chúng tôi rất gọn: vợ tôi ở nhà săn sóc con cái, chăm lo nhà cửa, giặt giũ, nấu nướng. Thuở đó, khoảng năm tám mươi, tìm việc không khó, nên dù chỉ nhớ lõm bõm vài tiếng Anh, không tay nghề, không một chút kinh nghiệm, tôi vẫn được may mắn nhận vào làm việc cho một nhà máy sản xuất các sản phẩm nông nghiệp với đồng lương của một người thợ không có tay nghề nhưng cũng tạm gọi là đủ để chi phí hàng tháng trong gia đình. Đó là công việc ngoài trời, nặng nhọc, dầm mưa dãi nắng, với mỏ lết dài cả thước tây, với búa kìm nặng trình trịch, bù loong, đinh ốc. Các chủ cả thì bất công, cai kiết thì kỳ thị, khó khăn, mặt mày lúc nào cũng nhăn nhăn nhó nhó, lúc nào ngồi buồn vì chuyện nhà cửa vợ con thì đào bới việc cho người ta làm, bất kể là nắng cháy da hay trời đang mưa ngập đất; các đồng nghiệp thì ma cũ hiếp ma mới, ức hiếp, đùa việc, ganh tị, tham lam, ích kỷ, nói năng tục tĩu, chửi thề chửi bọng lung tung, cần sa ma túy gần như là công khai ngay khi làm việc...

Bước vào cái thế giới trăm phần trăm lao động chân tay này, thằng tôi trung niên mũi tẹt da vàng có chút chữ nghĩa phải cố hết sức mình dùng chân tay lao động gấp đôi để được tự chìm lấp, đủ để được có mặt hàng ngày bên những bao bị nặng hàng trăm kí lô, để được thường xuyên chui dưới gầm những toa xe lửa nối những ống cao su thật nặng với những hệ thống ống đồng chảy vào các bồn chứa có dung tích cả chục ngàn tấn dung dịch đủ loại, từ đường mía, đến đủ thứ át-xít, đủ loại mỡ đặc, mỡ lỏng, u-rê, phân bón.... Tôi cũng phải luyện cái mũi cho quen dần với đủ thứ mùi vị khó ngửi của các hóa chất này, phải luyện đôi màng nhĩ quen với tiếng rầm rầm của hàng chục cái máy vĩ đại nổ cùng một lúc, luyện cái cổ thật cứng để giờ phút nào cũng đội trên đầu cái nón an toàn vừa nặng vừa khó chịu với miếng faceshield bằng mũ trong, che hết mặt mũi. Tôi phải khổ sở biết bao nhiêu với bộ quần liền áo bằng cao su dày mặc hoài bất kể trời mưa hay trời chang chang nắng để chất hóa học không thấm vào người. An toàn hay không thì chưa thấy nhưng mồ hôi mồ kê thì tôi có thể cảm nhận từng giây trên từng vuông da thịt. Bộ đồng phục màu cứt ngựa thì hầu như trên người suốt ngày, suốt tuần.

Nhớ vô cùng thằng bé nhà quê đầu trần, chân đất, quần xà lỏn, lưng trần chạy nhảy tung tăng trên  đường làng mấy mươi năm trước. Ưỡn ngực, vung tay cũng không ôm hết đất trời tinh khiết. Tai có mở rộng cũng không chứa hết tiếng líu lo của từng bầy chim trong vườn cũ. Còn người trung niên bây giờ tìm hoài cũng không thấy một chút mình. Mình bây giờ là một mớ thịt da bọc trong bộ đồng phục ; lâu thật lâu mới ghé Kmart hay Goodwill, thường là mua những cái quần ngắn và áo lót, hiếm khi cần một bộ đồ mới. Mình bây giờ là con ốc trong cỗ máy, lăn hoài, lăn hoài. Ngày nhỏ xem chàng hề Charlie Chaplin đóng vai người thợ máy trong phim Modern Times với những động tác thành thói quen máy móc làm mình vừa cười vừa thương cảm. Bây giờ thì, ta ơi, hãy tự cười thật to để lấy hơi mà phóng tới.

Nhiều đêm khuya khoắt, một mình đứng giữa những bộn bề công việc, giữa những dãy xe lửa im lìm, đen ngòm, dài thườn thượt, dưới những cơn mưa nặng hạt, những luồng gió lạnh cắt da, tôi thấy mình bỗng rơi nước mắt. Rồi liền đó, cũng chính tôi, tôi tự nhủ mình: sông có khúc, người có lúc. Chính đó là những lúc tôi biết tôi sẽ phải làm gì. Trước hết là phải quên cái thân tôi hiện tại trong lòng mưa u ám. Quên tôi dưới vòm trời đen kịt giữa khuya đêm nay và hãy nghĩ rằng ngày mai chắc chắn mặt trời sẽ lên chói chang từ phương đông. Ngày mai sẽ là một ngày mới, một ngày hoàn toàn mới.  Và tôi, phải, chính tôi cùng với vợ con tôi tay trong tay cùng đi về hướng mặt trời mọc, cùng ngước mặt chào đón một bình minh chan hòa hương sắc. Tôi ơi, hãy tự nhủ như vậy đi. Không ai có thể làm thế cho mình. Không ai dựng mình dậy được nếu mình cứ thành một thứ ù lì.

Nói và nghĩ thì không khó, nhưng làm thì thật chẳng dễ gì. Con đường dài thăm thẳm hơn hai mươi năm đó vợ chồng con cái chúng tôi cùng dắt nhau qua suối qua sông, lên non xuống biển, vượt ghềnh vượt thác; nhiều khi ngụp lặn trong vũng lầy, té ngã liên miên trên đoạn đường nhân sinh thương khó. Cũng có lúc chúng tôi được tạm dừng chân nghỉ bên đường, để uống một chén trà sen, hân hoan nhìn ngắm ngàn ngàn hoa cỏ rộ nở quanh mình, để nghe chim hót, quyên ca trên từng nhánh đời rộn rã. Chúng tôi biết muôn vàn tâng tiu đoá hoa hạnh phúc lúc nào cũng rực rỡ trong căn nhà nhỏ gọn này; cho dù bên ngoài khung cửa ầm vang mưa sa, bão chớp. Chúng tôi vui muốn khóc những lần thấy hoa sứ hoa mai cứ thay phiên nở rộ trên các báo cáo học lực, trên các phiếu điểm của các con. Vợ chồng chúng tôi ôm nhau mà không nói được lời nào khi thấy hoa quỳnh, hoa ngâu khoe màu rực rỡ trên các bằng cấp trung học, đại học mà các con lần lượt mang về nhà. Vợ tôi đã phải úp mặt vào lòng đôi bàn tay để che giấu niềm hân hoan và nỗi xúc động trong lúc trên khán đài đứa con trai đầu lòng với văn bằng tiến sĩ trong cánh áo chùng mũ rộng đang chững chạc đại diện các tân khoa nói lời cảm tưởng giữa một hội trường to như cái sân vận động. Tiếng vỗ tay rào rào sau đó làm tim chúng tôi muốn ngưng đập. Đêm đó vợ tôi viết vội mấy chữ gởi về quê hương cho cha mẹ chồng: Chúng con cảm ơn Ba Má đã cho chúng con những đứa cháu nội chăm ngoan của ba má. Những dòng thư nầy vợ tôi có dịp viết gởi về quê thêm một lần nữa khi con gái lấy bằng MBA tại UT.Và khi đứa con út đem bằng Ph.D từ Harvard về thì cha mẹ chồng không còn nữa để mà nghe tin vui từ bên kia trái đất!

***

Bà Smith kết thúc bài giảng "Đặc điểm chung Của Thương trường Thế giới" bằng câu nói của nhà kinh tế Mỹ Pete Hutchinson: “Quốc gia nào có mạng lưới thương mãi rộng, dày và chắc sẽ là một tân đế quốc”. Rồi như thường lệ, bà giáo trẻ Smith chờ câu hỏi về bài học vừa rồi. Sau đó, cũng như thường lệ, mọi người lục tục đứng lên rời khỏi chỗ ngồi. Người có tuổi không thích chen chúc nên từ ba tháng nay, tôi luôn là người rời khỏi giảng đường sau cùng. Hôm nay cũng như ngày đầu tiên khóa học, bà Smith vẫn còn ở nán lại trong phòng học. Tôi thì không còn cái háo hức, cái xúc động của ngày đầu trở lại trường ba tháng trứơc. Tôi ngồi nán lại vì không có gì để gấp rút. Bà giáo Smith đóng lại cái laptop, cuốn lại sợi dây điện, rồi đi về phía tôi, phía cuối giảng đường. Một mùi hương đã thành quen thuộc sau ba tháng học môn Kinh Tế Nhập Môn với bà Smith.

“ Chào ông Nguyễn. Mạnh giỏi chứ? Mãn khóa học rồi, mình có thể chuyện trò một chút được không?”
“Chắc chắn rồi. Tại sao không, thưa bà.”
“Qua các buổi hội luận và các bài làm của ông, tôi thấy ông rất hiểu biết về các vấn đề xã hội, kinh tế, chính trị... Xin phép được khen ông một lời: ông là một sinh viên xuất sắc. Các đồng nghiệp của tôi cũng có cùng ý nghĩ này về ông. Chúng tôi khâm phục những cố gắng của ông, ông Nguyễn ạ.”
“Xin cảm ơn tất cả quý vị.”

Rồi sau đó thầy trò chúng tôi không nói gì thêm về chuyện học hành, mà nói về trận động đất khủng khiếp mới đây ở Thổ Nhĩ Kỳ, nói về cơn bão nhiệt đới Bret đang ở ngoài khơi vịng Mễ Tây Cơ, chỉ còn cách bờ biển Galveston hơn trăm dặm. Đây là những câu chuyện tôi nói cho qua lề, để tránh nói một chuyện khác.

Điều tôi muốn nói với bà Smith hay bất cứ một giáo sư nào của tôi là: Thành quả bước đầu tôi có được sau ba tháng trở lại trường là hậu quả của những chuỗi sự kiện, là cố gắng của nhiều người. Bắt đầu phải kể là nỗi ấm ức của một người trẻ tuổi bị đứt ngang sự học giữa chừng, lòng dạ lúc nào cũng muốn trở lại trường, không năm nầy thì vài năm nữa, mười năm, hai mươi năm nữa... có sao đâu. Kế đến là không thể không nói tới thời gian chuẩn bị: Trước khi nghĩ tới mình, chúng tôi phải tận lực lo cho đàn con có đầy đủ vốn liếng vào đời bằng đôi chân vững, bằng trí khôn và bằng nhân cách. Các con được như vậy thì sự ra đi của chúng tôi hai mươi năm trước mới có thêm ý nghĩa, và sự nhọc nhằn của vợ chồng chúng tôi là không phí phạm. Cần có thời gian chuẩn bị để tôi, một hảo hán về chiều, tự luyện cho mình thêm nhiều thành công lực cho trận thư hùng cuối đời sắp tới, dù có chậm nhưng không được thua. Phải thắng. Không còn công sức và thời gian để làm lại. Ba mươi năm rời trường tôi đã quên hết những gì đã học. Những giây phút rảnh rổi hiếm quí tôi phải học lại tất cả, học từ sách vở, báo chí, từ các phương tiện truyền thông, và nhất là học từ các con tôi. Lúc các con còn nhỏ tôi nắm tay dắt từng đứa đi lên. Rồi đứa lớn dìu đứa nhỏ. Lúc tôi mang cái tuổi già trở lại giảng đường các con đã quay trở lại nắm tay tôi cho tôi tiếp tục đi tới. Đứa thì nắm tay, đứa thì đun đít.Vợ tôi thì ít khi dìu tôi đi nhưng đã nhiều lần nâng tôi dậy mỗi khi tôi té ngã. Chắc cũng cần phải nhắc tới những cái mặt quạu đeo, khó khăn, nhăn nhó, kỳ thị, sỗ sàng, tục tằn của mấy người cai Mỹ trắng, Mỹ đen, Mỹ vàng nơi nhà máy đã vô hình chung góp phần không nhỏ cho việc trở lại trường của tôi?

Đó là tất cả những gì tôi muốn nói với bà giáo Smith sau lời khen tặng của bà. Tôi còn muốn nói với bà là tôi đang rảo bước trên con đường trải đá xanh với hai hàng còng gìa nua trong khuôn viên một đại học trên đường Cộng Hòa, tôi đang nghe tiếng vélo bình bịch của người tình áo blouse trắng ở cuối dãy hành lang, nơi phòng thí nghiệm sinh hóa.

Mà thôi. Tôi không muốn phải nghe lại câu nói của bà Smith ngày đầu niên học ba tháng trước: Điều này thì thật sự tôi không hiểu!

TRẦN BANG THẠCH
(cựu SV ĐHSPSG, ban Anh Văn, khóa 1967-1970)