Trần Bang Thạch là bút hiệu của Nguyễn Công Danh,
cựu SV Đại học Sư phạm Sàigòn, ban Anh văn, khóa 1967-1970.
Hiện ông đang định cư tại Houston, Texas - USA.
Viết ngắn
Thân gởi các bạn ĐHSP, nhân mùa Giáng sinh
T. B. T.
1.THANKS & GIVING
Sáng sớm Thứ Sáu hôm nay, một ngày sau Lễ Thanksgiving, một mình ngồi trước máy truyền hình. Người nữ duy nhất trong nhà đã rời nhà từ sáng sớm; chắc nàng đang ở đâu đó tại Macy’s hay JCPenney với những cái nồi, cái chảo. Mong là nàng không nhìn thấy mấy cái hột lóng lánh bằng đầu ngón tay cái trong tủ kính nhấp nháy đèn màu!
Đa số các màn ảnh chiếu cảnh người ta sắp hàng dài cả mấy trăm thước trước các cơ sở thương mại lớn; có cả cảnh người ta lăng xăng bên trong tiệm, buông cái nầy, bắt cái kia rồi chất đầy lên xe đẩy. Duy nhất có 1 đài chiếu sinh hoạt của một tổ chức từ thiện. Trông thì thật lạc lõng, nhưng nghĩ thì thật thâm thúy vô cùng. Đài số 2 chiếu cảnh những người, có cả các em bé nguyên là những bịnh nhân ốm yếu, đang phân phát những túi nylon màu xanh lục in hình em bé chìa tay xin, trong có món quà nhỏ và những chi tiết về hội thiện nguyện này. Đó là sinh hoạt của những người trong Chương Trình Thanks & Giving của Bịnh Viện St.Jude Children’s Research Hospital. Chương Trình kêu gọi sự tham gia thiện nguyện và giúp đỡ tài chánh của mọi người nhằm tạo điều kiện chữa trị bịnh tật cho trẻ em kém may mắn. Hàng ngàn em còn sống được đến ngày nay cũng nhờ Chương Trình này. Điển hình là bé Alex ở Texas. Em bị bướu trong óc ngay sau một thời gian ngắn ra đời. Thanks & Giving Program đến với em đúng lúc và ở với em, nâng em đứng dậy trong cõi đời. Nay Alex là em bé 5 tuổi khỏe mạnh, thích chạy nhảy và đá banh dù đã trải qua nhiều lần giải phẫu óc và 45 tuần lễ hóa trị.
Mùa Thanskgiving làm người ta không khỏi nghĩ tới Thanks và Giving. Phải chăng là Cảm Ơn và Cho Đi cũng cùng nghĩa với Cho và Nhận, với Tương Thân Tương Ái, với Lá Lành Đùm Lá Rách…Từ khi chào đời, trong giòng sống của mình, có ai mà không NHẬN; còn CHO thì chưa chắc ai cũng có.
Một bài đồng dao mà trẻ con vài tuổi đã biết hát:
Thank you, thank you, very much
For everything that I can touch…
Thanks a lot for Nature’s food
And for when I’m feeling good
Thank you, thank you very much
For moms and dads and friends and such.
Thật ý nghĩa vô cùng: “Thanks for everything that I can touch”.
Tin tức hôm nay cho hay: Hôm Thứ Tư Nov.26, người già nhất thế giới: Đại Lão Bà Edna Parker ở Shelbyville, Indiana đã từ giã Cõi Đời, hưởng đại thọ 115 tuổi và 220 ngày. Sinh thời với 42185 ngày dưới thế, chắc hẳn bà đã NHẬN không biết là bao nhiêu và chắc đã CHO cũng không ít. Mình chỉ mới sống có phân nửa cái niên kỷ của Bà mà đã thấy đôi vai đã oằn vì NHẬN hơi nhiều mà CHO thì chẳng được bao nhiêu. Kính chúc bà Parker NHẬN một ân sũng cuối cùng: linh hồn bay thênh thang về Cõi Trời.
Nhiều năm rồi, năm nào cũng vậy, một ngày trước ngày Thanskgiving, tôi hay làm một việc rất nhỏ mọn, tạm gọi là CHO.
Chẳng hạn như trao vài đồng cho người bán báo góc đường để lấy tờ nhựt báo 75 xu dù mình đã có tờ báo ấy trong xe, như mọi ngày. Năm nay, hai ngày trước, ngày Thứ Tư, trên đường đi làm về, tôi tắp xe vào tiệm fastfood ở ngả tư, băng qua lộ, nói chuyện với người Mỹ già, tay luôn cầm tấm bảng viết ngoằn ngoèo 3 chữ: VN WAR VET. Sau đó tôi nắm tay ông băng qua đường vào tiệm thưởng thức mấy cánh gà chiên. Rồi chúng tôi chia tay với lời chúc Happy Thanskgiving cho nhau.
Bắt tay từ giả ông, tôi cảm thấy mình đã NHẬN chớ không phải CHO.
Hôm qua, ngày Thanskgiving, tôi đã gọi điện thoại cảm ơn và chúc lành rất nhiều người, như hàng năm. Riêng đối với người cao niên cựu chiến binh của chiến trường Việt Nam, tôi đã lái xe trở lại cái ngả tư ấy để gặp lại ông, chỉ để nói “ Thank You”. Cảm ơn người đã CHO tôi một phút vui.
2. NGÓ LOANH QUANH SAO CHỈ THẤY NỖI BUỒN?
Những ngày gọi là lễ lạc cuối năm đã qua rồi, từ 3 hôm nay. Thêm một năm nữa đang chực hờ ngoài cửa. Muốn để lại sau lưng hết những muộn phiền, những âu lo…để dang tay đón mừng Năm Mới. Muốn vậy nhưng nào có được! Lòng mình sao cứ xao xuyến, bùi ngùi mỗi khi nhớ tới, mỗi khi nghĩ tới cái ngày Tạ Ơn và Giáng Sinh vừa qua.
Trước Ngày Tạ Ơn, tôi mất người bạn và trước ngày Giáng Sinh tôi mất người thầy, hỏi sao lòng mình không bùi ngùi, lưu luyến!
Trên cột mục của trang web này tôi đã có lần nói về một người homeless, bạn tôi. Bạn tôi hàng ngày sinh sống bằng những đồng tiền kiếm được do việc lau kính những chiếc xe dừng lại chờ đèn xanh ở ngả tư xa lộ 45 và đường 249. Thật sự thì một năm tôi chỉ biếu bạn tôi vài đồng bạc lẻ. Như vậy thì chữ “bạn” tôi dùng ở đây chắc không ổn lắm, phải không? “Bạn” gì mà có vẻ thờ ơ thế? Người đi đường cũng không mặn mà lắm với bạn; có người còn dọa kêu cò bót. Có lần bạn tâm sự với tôi như vậy. Tôi còn thấy trước mắt một chiếc xe bất thần trờ tới suýt đụng vào bạn khi bác tài không muốn bố thí mấy chục xu hay vì không muốn cây lau bẩn thỉu đụng vào kính chiếc xe mới toanh của họ. Gần như mỗi bận đi làm về là tôi gặp bạn, có khi đưa bạn một, hai cái quarters, có khi khoát tay “hi” với nhau rồi chia tay. Nhưng đặc biệt mỗi năm một lần chúng tôi có nhiều thì giờ với nhau hơn. Đó là bữa ăn vào đúng ngày Tạ Ơn. Ngày ấy, dù có đi làm hay không tôi cũng đến cái ngả tư quen thuộc, dừng xe rước bạn tới cái tiệm gà chiên Wings “N” More cách đó một con đường. Tại đây bạn tôi chỉ ăn 3 cái cánh gà chiên; không hơn không thiếu, năm nào cũng vậy. Chúng tôi không nói nhiều nhưng trong mắt mỗi người ánh lên niềm vui khi chúng tôi cùng nhau mừng Thanksgiving. Chúng tôi thật sự không có nhiều chuyện để nói. Chuyện sở sùng của tôi thì không nên nói, mà chuyện Iraq, Iran…hay chuyện kinh tế bây giờ lại càng không nên bàn. Cho nên chúng tôi chỉ nói chuyện mưa nắng; nhiều lắm là nói chuyện con chó Polo của bạn. Bốn năm trước con Polo bị xe cán chết, ấy vậy mà mấy năm sau gặp tôi bạn vẫn nhắc tới nó. Mỗi lần nhắc tới Polo là bạn tôi sụt sùi làm mình cũng mủi lòng. Lần đầu thấy bạn với con chó tò tò theo chân, tôi thầm mắng cái anh chàng cù bơ mà còn đèo bồng mèo với chó, vậy thì ta cho bọn mầy chết đói luôn cho bỏ cái tật làm sang! Sau thấy cái tình của chó và người với nhau tôi mới thông cảm được. Thảo nào bạn tôi thương con Polo đứt ruột. Polo chết từ khuya mà bạn tôi cứ nhắc hoài.
Tôi thì chắc không được như bạn. Bạn tôi đã ra đi rồi hồi tháng trước, chỉ một ngày trước Lễ Tạ Ơn. Tôi đang nhắc tới bạn tôi hôm nay đây, nhưng biết tôi còn nhắc tới bạn thêm một lần nữa không? Một năm một lần, vào đúng ngày Tạ Ơn, tôi đâu còn thấy bạn tôi, thấy bạn trong tiệm fast food vừa trệu trạo nhai cánh gà vừa nhắc con Polo. Người homeless “bạn đường” của bạn tôi kể cho tôi nghe cái buổi tối trời đổ mưa, bạn tôi băng qua đường vừa lúc chiếc xe trờ tới đụng bạn ngã sấp. Được tin tôi chỉ còn biết quày xe trở về, thầm cầu nguyện bạn được sum họp với con Polo ở một nơi chỉ có người thánh thiện và giàu lòng nhân ái.
Buổi sáng của ngày Lễ Tạ Ơn hôm đó còn đeo đuổi tôi cho tới bây giờ, hơn một tháng rồi.
Một tháng sau, thêm một nỗi buồn nữa kéo tới. Một vị thầy thời trung học của tôi đã ra đi đúng vào ngày Áp Lễ Giáng Sinh.
Người giáo sư Anh Ngữ của trường Trung Học Phan Thanh Giản Cần Thơ và của trường Sinh Ngữ Quân Đội Trần Đức Thắng đã từ giã những môn sinh của mình. Nhà biên khảo lịch sử VN cận đại Trần Đông Phong đã ra đi mang theo nhiều công trình nghiên cứu còn dang dở. Trước mắt tôi còn in rõ những hình ảnh của buổi giới thiệu tác phẩm “Việt Nam Cộng Hòa- 10 Ngày Cuối Cùng” ngày 28-5-2006 tại Trung Tâm Việt Mỹ. Tác giả Trần Đông Phong đứng trên bục mà như cá dưới nước, ông nói thao thao, ông trả lời thỏa đáng những câu hỏi. Tôi có cảm tưởng ông rất tự tin và thoải mái bơi lội trong dòng lịch sử cận đại của nước nhà. Một thính phòng cả mấy trăm người im lặng nghe và hăng hái hỏi. Đọc các công trình nghiên cứu của ông tôi mới biết Tổng Thống Hoa Kỳ Thomas Jefferson năm 1801 đã từng tiếp kiến Hoàng Tử Cảnh để thiết lập mối giao hảo với VN và Đông Dương, biết thêm về Tổng Thống Ngô Đình Diệm và đối lập, về Tinh thần yêu nước và tài năng nghệ thuật của Vua Hàm Nghi, về ý đồ thâm độc của chế độ Hà Nội khi kết án Cụ Phan Thanh Giản, về kẻ sĩ cuối cùng Trần Văn Hương,v.v…Cho nên tôi có cảm tưởng dù thầy trò chúng tôi đã rời xa trường cũ hơn bốn mươi năm, tôi vẫn là người học trò tìm thấy ở Thầy Trần Đức Thắng, trong vai trò nhà nghiên cứu Trần Đông Phong, nhiều điều tôi cần phải học ở Thầy.
Bây giờ thì Thầy đã ra đi. Thầy đi thật rồi. Thầy về Nước Trời 1 ngày trước Lễ Giáng Sinh. Biết trước rằngThầy phải đi, nhưng khi nghe Thầy đi, lòng bổng bàng hoàng. Biết trước rằng 10 phút nói chuyện với Thầy trên giường bịnh qua điện thoại hôm đó là những giờ phút hạnh phúc của tôi, là giờ phút quý báu cuối cùng của Thầy trên đời, nhưng mỗi lần nghĩ tới sự vắng mặt vĩnh viển của Thầy là mỗi lần nghe đau xót.
Có một đoạn văn cuối trong bài Thầy trả lời phỏng vấn của Ban Biên Tập Đặc San 12 phát hành nhân ĐH PTGĐTĐ lần XI – Houston 2007. Đây là những lời tâm sự của Thầy, bây giờ đọc lại thấy đây phải chăng là lời Thầy gởi lại trước lúc ra đi?
“Tôi hy vọng rằng nếu tình trạng sức khỏe còn cho phép, chúng ta nên tìm cơ hội để gặp lại nhau một lần, biết đâu chừng đó sẽ là lần cuối?”
Lễ Tạ Ơn và Lễ Giáng Sinh đã qua rồi mà. Sao tôi cứ nghĩ hoài đến nó như nghĩ đến những nỗi buồn?
3 ngày sau Lễ Giáng Sinh 2010
Trần Bang Thạch