banner

Sau 15 năm hoạt động (2008-2023), website Ái hữu Đại học Sư Phạm Sài gòn ngưng việc đăng thêm bài vở và tin tức.

Độc giả muốn lưu giữ bài viết và hình ảnh để làm tư liệu, xin vui lòng truy cập vào các tiết mục đã đăng trên trang web để download.

Xin chân thành cảm tạ sự hợp tác của tất cả các tác giả và độc giả đã dành cho trang web.

20.07.2023
Admin Website Ái hữu Đại học Sư phạm Sàigòn

Ký sự

Đi hướng nắng nóng

Chân Diện Mục

Ngày 30 tháng tư là dịp người ta đi chơi nhiều! Chả là vì được nghỉ nhiều!  Đất nước có hơn mười triệu công nhân viên mà!!!  Kể cả những người ăn theo thì tới hai ba chục triệu mà!!!  Mà dịp này là dịp nắng nóng! Nhất là năm nay trời ban cho đại hạn mà! Mà ông trời cũng hơi bị bất công! Nên có tỉnh lãnh đủ cái ân huệ này!

Tôi đi từ Sài gòn tới Phan Thiết. Tuy cũng là tỉnh không mưa và nắng hơi nhiều, rất gắt, nhưng được đầu tư nhiều, nên thanh long tuy không tươi tốt, nhưng nơi đây vẫn phất lên nhờ du lịch. Qua La Gi, tuy nơi này đã “lên” thị xã, nhưng tôi không có thời gian ghé vô. Thành phố Phan Thiết và mũi Né thì quá xôm tụ. Những ông Nga ở Vũng Tầu ghé lên nhiều vì thành phố Vũng Tầu cũ rích, nhàm chán, không còn hấp dẫn mấy ông nữa. Mà mấy ông Âu Châu, Nhật Bản, Hàn, Ấn cũng khoái nữa. Mấy ông khoái vì những trò chơi biển và nhất là cái mầu nước biển ở mũi Né. Nó xanh biếc và tím biếc, đẹp một cách nao lòng! Tôi đã đi chơi rất nhiều bãi biển, nhưng không thấy bãi biển nào đẹp như mũi Né. Năm ngoái tôi đã đi rồi, nhưng năm nay vẫn ngắm biển không biết chán! Những con đường ra ngoại ô và tới các điểm Du lịch đều tím rực một mầu bông giấy. Từ tím hoàng hôn, tím sáng sớm, tím Huế cho tới tím Hoa Sim của Hữu Loan và mầu thời gian tím của ông Đoàn Phú Tứ cũng không đẹp bắng(?). Những đồi cát (đặc biệt là đồi mang tên Đồi Trinh Nữ gợi óc tò mò của du khách)… rồi những thắng cảnh như hòn Rơm, núi Tà Cú đều đầy nhóc người tới hưởng nắng!

Tới Phan Rang thì cả một sự mệt mỏi… não nề… tràn ngập tâm hồn tôi! Nơi này được gọi là Hoang Mạc (!). Cây cối tiêu điều thì khỏi phải nói rồi, nhất là ở huyện giáp ranh tỉnh Bình Thuận là huyện Thuận Nam. Những núi đá phía biến trơ trọi không một ngọn cỏ. Nhìn qua bụi đường mù mịt để ngắm những ngọn núi này ta cũng thấy nao lòng! Khi tôi viết những giòng này thì Ninh Thuận đã hưởng nóng mấy tháng rồi và hứa hẹn còn nắng nóng nữa. Nên các người chăn cừu dê (cho mình và cho chủ) đã phải dắt các đồng chí này chạy xấc bấc xang bang từ miền núi tới các mỏ nước, tới miền xuôi để tìm sinh lộ (!). Rất nhiều sinh linh nhỏ bé này đã chết hoặc ốm nặng. Nghĩ đến đoàn quân rụng lông này… ta lại thấy nao lòng!!! Đức vua Po Sha nư chắc là phải nhỏ lệ!

Trên đường đi Nha Trang, tôi thú nhất là quan sát Cam Ranh. Thị xã này đã “lên" Thành phố rồi. Phải thế chứ! Phải tặng danh hiệu mới cho nó để nó xứng đáng là hòn ngọc của Đông Nam Á và của thế giới (!). Khu phố cũ thì sầm uất, nhà cao tầng mọc lia chia (Tôi nhớ cái tên Ba Ngòi đã từng mời gọi các đaị gia và các kẻ phiêu lưu rất nhiều từ trước năm 1975).  Ngày nay thì những khu mới như Sân bay, Bến cảng, khu Công nghiệp mở mang rất hoành tráng, và đường xá thì rất rộng, rất đẹp! Tôi ngắm hoài cái bán đảo chắn sóng phía ngoài thì thấy nó quả tuyệt vời. Thảo nào Hạm Đội Nga đã từng tuần hành (chạy cong đuôi) vào đây sau khi đã nếm mùi thất bại thảm thương với hạm đội Nhựt ở eo biển Đối Mã.

Suốt quãng từ Cam Ranh tới Nha Trang cũng là những bãi biển và ngọn núi đẹp. Nha Trang tôi đã tới nhiều lần, nhưng lần này ráng ghé vào khách sạn 5 sao Sun Rise cho… biết! Khách sạn phục vụ từ tóc tai cho tới lông chân, móng chân! Nhưng với giá tiền này thì khách sạn phục vụ cho đa số đại gia nước trong và nước ngoài!  Tôi không dám kể ở đây sợ các vị chửi! Một kẻ ăn theo, ăn ké cũng bày đặt bắt chước các đại gia… rửng mỡ!

Đường về Đà Lạt, không theo lối cũ đèo Ngoạn Mục, mà theo đường mới. Càng đi càng thấy phục dân mình: cần cù và biết làm ăn (toàn là tự phát chứ ít theo quy hoạch, quy héo ở trên). Cứ nơi nào có đường là người dân ào ra để hưởng mặt tiền mặt lộ. Từ Diên Khánh cho tới Lạc Dương đều bừng lên, nhất là Lạc Dương với những trang trại rồi nhà kiếng!

Thái Phiên xưa là một ấp trồng rau thì nay nhà sát vách như thành phố. Tôi đi Đà Lạt mỗi năm. Năm nay không đi ngắm cảnh mà ở nhà hường cái mát lạnh để xả cái nóng bức đã nhiễm vào gan ở mấy trăm cây số dọc đường gió bụi!... Nằm nhà rồi kiếm bạn cũ, ngồi nhâm nhi bên tách cà phê, kể chuyện xưa nay dưới làn sương mù mơn trớn… cũng là cái thú chớ bộ!

Đức Trọng, Di Linh, Bảo Lộc cũng đều bừng lên sức sống để cho thiên hạ lé mắt thán phục sự bương trải và cần kiệm của người Việt! Tôi xài chữ Kiệm để qu‎í vị thán phục và chiêm ngưỡng những "Người Việt Cao Quí" này.  Bảo Lộc rất giầu, nhưng tới đây bạn tìm đỏ con mắt cũng khó thấy những tiệm ăn, cà phê cực sang như các tỉnh giầu khác. Thì ra đây là xứ chăm làm nhưng không ham ăn chơi (hay là họ về Sài gòn ăn chơi?). Cũng như Buôn Ma Thuột, cà phê và trà ở đây dở ẹt! và ít tiệm bán.  Hay là hương trà hương cà phê bay đến xứ nào rồi!?

Nếu bạn vui mừng vì diện tích cà phê và trà lan rộng ra Bào Lâm, Bảo Hà thì bạn lại thắc mắc với ngành dâu tằm đang ngắc ngoải sắp tiêu tùng! Hay là ta không chịu cải tiến! Sợi tơ của một con tằm chỉ có 1200 mét chứ không dài như của con tằm Nhựt Bản tới 2000 mét! Hay ta mãi ăn mày quá khứ! Ta tự mãn với lụa Hà đông đi vào thơ Nguyên Sa và nhạc Ngô Thụy Miên!!!

Cái quốc lộ 20 này là con đường đi tới tương lai ? Những Madagui, Phương Lâm, Định Quán, La Ngà đang rầm rập tiến bước. Rồi Gia Kiệm, Dầu Giây sát cánh chen vai. Sau này sẽ có đường cao tốc. Nhưng bây giờ dân đã đổ xô tới rộn rịch, lố nhố theo kiểu… làm ăn nhỏ!  Nhà thường có vườn, trồng mỗi thứ một ít, nuôi mỗi thứ một vài con! Tiệm ăn cho người lối xóm, người trên rừng xuống và khách vãng lai! Tiệm chạp phô cung cấp đồ gia dụng, đồ học sinh, đồ làm vườn.  Và đặc sản: chìa tay… níu kéo… nói thách… chặt chém… mà người nước ngoài phán rằng: Chỉ có ở Việt Nam!

Chân Diện Mục

 

Đăng ngày 31 tháng 05.2015