VIẾT LÁCH
Chân Diện Mục
Khi cùng bạn luận bàn về tự do báo chí. Mấy ông bạn rất mùng khi có lệnh bỏ kiểm duyệt. Tản Đà nói: Ấy, cứ để cho nó kiểm duyệt mà mình viết được mới giỏi, mới hay chứ!
Một ông bạn thân của tôi (dân cũ mèm) viết rất sớm. Tôi hỏi: sao viết được! Bạn nói: Ấy, bây giờ viết thì phải lách! Người ta vẫn gọi là viết lách mà! Tôi không giỏi lách nhưng vẫn… né, vẫn kỵ húy! Cái thời nó thế… cái thế… nó thế! Chỉ có những người không dùng bút thẳng hay cong, không dùng tay phải hay tay trái, mà viết bằng chân mới là hay. Ai bảo ngông cũng không đúng, ai bảo xược cũng không phải, chỉ là nghí ngoáy chơi thôi mà!!!
Cái quay búng sẵn trên trời
Mờ mờ nhân ảnh như người đi đêm
Người ta cho xuất bản đàng hoàng,nhưng lớn hơn cái kéo có lẽ là cái búa. Cái búa phang cho một cái mới là đau! Có khi ba búa như Trình Giảo Kim! Có khi là đòn hội chợ, thế mới là:
Chữ nghĩa ơi, nghiệt ngã vô cùng!
Người ta phải khổ luyện tay nghề lách, lại phải lựa lúc đúng thời. Con cá rô đơi mưa rào mới lách khỏi ao! Nghĩ rằng mưa thì người ta không ngó ngàng tới, nhưng vẫn có những người đội mưa đi bắt cá rô! Thấy đổi mới, mở cửa, Lê Lựu viết "Thời xa vắng", Nguyễn Khắc Trường viết "Mảnh đất lắm người nhiều ma"! Hai ông này không biết rằng người ta mới mở cửa he hé thôi, vượt qua cửa e rằng của sập lại, gẫy tay!
Bảo Ninh viết "Nỗi buồn chiến tranh" không đụng chạm ông lớn, không ám chỉ ai… Ấy thế mà vẫn bị búa đồng gõ vào đầu! Nguyễn huy Thiệp viết "Phẩm tiết", "Tướng về hưu". Tạ duy Anh viết "Thiên thần sám hối" cũng đã kiêng húy lắm đấy chứ , nhưng ngưới ta vẫn cho là ám chỉ gì, ẩn ý gì?
Trường hợp Linh Nghiệm, Tác giả lách đã khéo người ta vẫn “soi“ bói. Cái ông Trần Huy Quang này viết rằng: Người ta vô “rừng“ tìm Linh vật. Nào biết là Sâm hay Nấm hay cái gì linh thiêng lắm. Người ta cũng chẳng biết mình tìm cái gì? Ấy thế mà có người la lớn: Đây rồi!!! Nhưng các nhà phê bình cứ đề quyết là đi tìm một lí thuyết Thiêng liêng (!) có thể cứu dân (!) cứu nước (!). Rút cuộc tác giả diễu cái sự linh này mà mọi người đi tìm…! Thế mà không mang họa cũng uổng!!!
Huyền Kiêu với "Bầu trời", Hà minh Tuân với "Vào đời", Nguyễn Bình Phương với "Người vắng mặt" là những tác phẩm “có vấn đề“! Đã có vấn đề thì khối kẻ ăn theo! Càng lắm người khen thì càng lắm kẻ chê! Chê thảm thiết! Giả vờ khen để chê! Chưa đọc nhưng nghe người khác chê thì chê! Chê cho có phần! Chê cho bõ ghét! Có khi đọc không hiểu gì nhưng cứ chê bởi… trên chê!!! Có khi người ta chẳng biết tác giả là ai nhưng cứ đánh… ấy là đánh những kẻ bênh vực, những giây mơ rễ má! Mà cũng đánh kẻ đã cho phép xuất bản!!! Ôi! Quả là những trận chiến văn hóa rất thơm tho!
Để “Xử lí“ cuốn "Chuyện kể năm 2ooo", người ta không dùng kéo, dùng búa mà là dùng… máy nghiền! Đây không phải là góp ý, kiểm duyệt…. Đánh đấm! mà cũng không phải dằn mặt, ra oai… Mà ông này muốn dùng Ỷ Thiên kiếm của Diệt Tuyệt Sư Thái để tiêu diệt kẻ mà ông cho là Ma Giáo!!!
Người ta chôn những tác phẩm trong "Rồng đá" của Vũ ngọc Tiến, "chị Cả Bống" của Phạm Lưu Vũ mà nghĩ rằng không ai khóc. Người ta không khóc tác giả vì vẫn tôn vinh họ là những nhà văn lớn, không khóc tác phẩm vì tác phẩm đã được loan truyền khá nhanh và… in lậu, bán với giá rất đắt!
Bẩm cụ Tản Đà! Thời đó cụ đã coi kiểm duyệt chẳng ra gì! Nhưng bây giờ những góp ý, phê bình, chỉ đạo nó còn cay nghiệt gấp vạn lần kiểm duyệt, Lơ mơ là đi tầu suốt liền!
Á! Mà có chuyện góp ý đã đi đến một thành quả tốt đẹp đáng là một Điểm tốt đế Nhân rộng ra (?). Một họa sĩ vẽ một bông hoa, anh ta rất vừa ý, ngắm nghía hoài! Một người thấy bông hoa bèn góp ý: Hoa nở trong rừng sâu, trong sa mạc rồi tàn, không ai biết đến ư! Hoa “phục vụ“ ai? Họa sĩ bèn vẽ thêm công nông! – Thưởng thức hoa nào phải chỉ có công nông phải thêm trí thức, rồi công nhân mậu dịch quốc doanh… rồi thêm bộ đội nữa cho đủ sĩ nông công thương binh. Người nữa đi qua: ủa, sao bộ đội không có súng… thế là thêm súng… Người sau cùng nói: Bức tranh đầy khí thế chiến đấu…. Sao lại có bông hoa!!! Thế là họa sĩ bèn bỏ bông hoa đi!!! và thế là bức tranh bông hoa đã được hoàn thành xuất sắc!!!
Chỉ có trong hoàn cảnh tự do góp ý, thoải mái tiếp thu mới cho ra những tác phẩm xuất sắc.
Đào Hiếu bị một ông Tây hỏi: Các anh cứ kêu không có tự do ngôn luận, sao các anh có những 700 tờ báo?
Đào Hiếu nói: Có 700 tờ báo nhưng chỉ có một ông Tổng Biên Tập.
Thằng Tây nó cười như điên.
C.D.M.
GÀN
Chân Diện Mục
Đem tâm để hình kia sai khiến
Còn ngậm ngùi than vãn với ai
Ôi! Không có hình làm sao có tâm! Trên đời mấy người không bị sai khiến bởi cái “túi hôi“ này? Đào Tiềm, một vị thánh được hàng triệu người Á Đông kính ngưỡng! Nhưng Thánh Thán lại chê (!). Thánh Thán nói: Bắt chước Đào Tiềm về vui thú điền viên (Không phải như thánh Gióng cưỡi ngựa sắt về trời vui thú điền viên) thì con cháu sau này sẽ… bốc phân thôi!!! Vậy không phải Đào Tiềm GÀN sao? Nhưng chưa bằng ông chúa gàn Khuất Nguyên (Đời đục cả một mình ta trong, đời say cả một mình ta tỉnh) thế mà vẫn bị lão ngư ông chê: Đời đục cả sao ta không rửa chân khuấy cho bùn lên, đời say cả sao ta không húp cả hèm…!
Sông Tương nước chảy trong veo
Thì ta đem giặt cái lèo mũ ta
Sông Tương nước đục chảy ra
Thì ta lội xuống để mà rửa chân
Đến như ông Lỗ Tấn thì chuyên môn nói giọng đâm ngang chày củ! Một mình ông luận chiến với các vị du học từ Mỹ về. ông chê những người này là Nguỵ quân tử. Đánh chó rớt xuống ao thì không nên đánh nữa! Ôi! Những con chó cắn quàng, khi hắn rới xuống ao thì nên đánh tiếp cho chúng chết luôn! Ha Ha! Lỗ Tấn tả xung hữu đột một mình, chẳng kiêng nể ai!
Nói đến Lỗ Tấn thì không thể không nói đến Phan Khôi! Đúng là một con người ngang như cua! Càng ông lớn thì cụ càng không nể. Mặc cho ông kẹ này giơ cái kéo kiểm duyệt ra và phê bình nặng nhẹ. Phan có giọng bất cần:
Làm sao cũng chẳng làm sao
Dẫu có thế nào cũng chẳng làm chi
Làm chi cũng chẳng làm chi
Dẫu có việc gì cũng chẳng làm sao!
Nhân kỷ niệm Lỗ Tấn, Trung Quốc mời Việt Nam cho người qua. Tuy rất ghét Phan nhưng lãnh đạo vẫn cho Phan đi, vì chỉ có chàng mới đủ chữ Hán và đối đáp đanh thép, không nhục quốc thể! Thăm nhà máy An Sơn, cán bộ Trung Quốc ca tụng trí thức và công nông! Phan “cãi“ lại: Các Mác chỉ ca tụng công nông thôi, còn “trí thức“ là người ta thêm vào sau này! Cán bộ Trung Quốc cứng họng! Đi sứ kiểu này thì… không nhục quân mệnh vậy!!!
Lại một lão gàn nữa khi ta nhắc tới Nguyễn Thông, một tên Bố Chánh lèng xèng khi về Triều đã dám chê lũ Đại Thần là những con vẹt. Đến kẻ quyền nghiêng thiên hạ như Trương đăng Quế chàng cũng chẳng coi ra gì! Khi viết sử Nguyễn đã viết với những suy nghĩ riêng chứ không lập luận theo lối mòn! Những kẻ gàn này luôn luôn bị thăng giáng bất tử. Triều đình đuổi cái gai này lên mạn ngược… tìm đất khai hoang cho bõ ghét!
Tạ duy Anh dám cho con địa chủ yêu con kẻ bị đấu tố. Y Ban viết “I am đàn bà“! Rồi những câu hỏi: Sáng nay có gì lạ không? của nàng khiến người ta nghe những điều “lạ“ này mà muốn cười ra nước mắt!
Võ thị Hảo viết “Dã nhân“, chê những người tiệc tùng nhậu nhẹt xô bồ! đáng tởm! “Người sót lại của rừng cười“ là những cái gai đâm vào mắt những kẻ thích Tô Hồng cuộc đời!
Tiêu Dao Bảo Cự, Hà sĩ Phu là những kẻ thích chằng gây. Văn chương của họ là giọng buồn của kẻ gàn, hoặc láo lếu móc lò thiên hạ. Hết chuyện rủa mất gà đến chuyện vẽ chân dung trí thức:
Bốn anh trí, phú, địa, hào
Chỉ riêng anh Trí lao đao đến giờ
Đảng ta thương trí ngây thơ
Cho công nông trí chung cờ liên minh
Trông lên liềm búa hai hình
Trí ta vẫn chẳng thấy mình ở đâu
Quay sang tìm Phú, Địa, Hào
Thấy ba bụng phệ đã vào đảng ta
Thật đúng là giọng ngang ngang cành bứa!
Tạ Phong Tần không ngang không gàn sao lại tương câu blash lên chẳng có vẻ nữ lưu chút nào:
Mượn thú văn chương khuây thế sự
Đem tài nghiên bút đọ đao cung
Lão gàn đây rất thích câu này của nàng, nhưng những tên Nguỵ quân tử sẽ coi nàng là thứ Gà Mái Gáy!!!
Ah! Lang thang trên mạng vớ được một thi sĩ lạ: Bành Thanh Bần. Chả biết ông có bần không nhưng chắc là ông Thanh. Ông này cũng thuộc loại Gàn bát sách đấy. Nghèo nhưng lại móc ngoéo cả đến lãnh tụ!
Anh có tròn như hòn bi không ?
Thưa cụ con thì phải bánh chưng ra góc ạ!
Liều mạng thật! Nên chừa đi, sửa đi!
Thưa cụ con xin ôm cái gàn này về!!!
C.D.M.
Đăng ngày 21 tháng 01.2017