Đọc lại sự tích Táo quân

(một bà hai ông)

Võ Kỳ Điền



Nhiều khi tôi lẩn thẩn tự hỏi, chuyện ngàn năm trước và ngàn năm sau có khác gì nhau không? Suy đi nghĩ lại thì thấy chuyện đời xưa có lẽ cũng giống y như nay. Đó là lý do tại sao lại có bài viết nầy. Một buổi tình cờ đọc lại sự tích ông Táo, bà Táo trong kho tàng cổ tích nước nhà, thấy có nhiều chuyện vui. Số là bà Táo có hai ông chồng. Cũng lạ thiệt, thời xưa xứ mình hiếm thấy, ngược lại, một ông hai ba bà thì có nhiều.
Trong cuốn vidéo Paris By Night số 76 hải ngoại, nói về Phong Tục Ngày Tết, có nhắc câu ca dao “Thế gian một vợ một chồng, vợ chồng nhà Táo hai ông một bà”. Cô điều khiển chương trình xinh đẹp có vẻ khoái chí vụ nầy nên hỏi tới hỏi lui vị đồng nghiệp và được trả lời bằng chuyện cổ tich ông Táo bà Táo, nhưng vị nầy không nói thêm nguyên ủy tại sao người xưa đặt ra câu chuyện cổ tích ly kỳ éo le như vậy.

Lan man một kỷ niệm nhỏ, ngày trước lúc học môn Xã Hội Học (Sociologie) với giáo sư Bửu Lịch, tôi còn nhớ rất rõ, giáo sư đã giảng giải rằng trên thế giới nầy, chế độ đa thê hợp lý hơn đơn thê vì người đàn bà lúc nào cũng nhiều và sống lâu hơn đàn ông. Nếu như xã hội quy định một vợ một chồng thì số phụ nữ thặng dư ra đó sẽ như thế nào? Đời sống kinh tế, đời sống tinh thần, đời sống tình cảm, tình dục họ có an toàn và hạnh phúc khi phải sống trơ trọi một mình, không chồng không con? Các bạn cũng nên nhớ giáo sư Bửu Lịch là một linh mục Thiên Chúa Giáo mà người Thiên Chúa thì chủ trương đơn thê. Trong Thánh Kinh đã nói "điều gì Thiên Chúa đã kết hợp thì con người không thể chia lìa". Như vậy một người đàn ông chỉ có thể kết hợp với một người đàn bà, chớ kết hợp với hai, ba, người nữa, đâu có được hoặc ngược lại.
Chỉ bao nhiêu đó mà tôi rất nễ phục Cha Bửu Lịch và nhớ mãi chuyện Cha khen ngợi chế độ đa thê... dù Cha sống đời độc thân! Chuyện lâu quá rồi, trí nhớ hao hụt, không biết điều tôi ghi ra đây có gì sai sót không?

Hình như tôi đã lạc đề. Ở đây câu chuyện bà Táo đâu có đa phu. Bà Táo bị chồng vũ phu say rượu đánh đập tàn nhẫn, chịu đựng không nổi, bỏ nhà ra đi kể như là đã ly thân rồi. Sau đó gặp người thợ săn chăm sóc, thương yêu nên bà bước thêm bước nữa. Chuyện hợp lý hết sức, chớ đâu phải ngoại tình hay phản bội gì người chồng cũ. Khi người chồng cũ sa sút tới nhà ăn xin, bà đã xót thương không nhớ tới mối hận xưa mà đã giúp cho thức ăn và tiền bạc. Người chồng thợ săn thấy vậy đâm ghen tuông. Bị oan ức mà không phân trần được, bà nhảy vào lửa tự tử. Người chồng cũ ân hận về chuyện mình đã gây nên đến đổi vợ phải chết nên đã nhảy vào lửa chết theo. Người thợ săn sau khi biết hết sự tình, đâm hối hận vì chuyện mình gây ra, anh cũng bèn cũng nhảy vào đống lửa để chết theo vợ.
Suy nghĩ cho cùng, cả ba đều là người tốt, sống có tình có nghĩa. Xui là họ vướng phải một thảm kịch gia đình vì hiểu lầm nhau, chỉ có thể lấy cái chết để giải oan được mà thôi. Đó là lý do tại sao Ngọc Hoàng thương tình mà phong chức Táo Quân cho vợ chồng họ. Câu chuyện như một vở bi kịch có hậu như đa số các chuyện cổ tích nước ta. Cái mà tôi muốn nói là tại sao người ta dựng chuyện vua bếp bằng câu chuyện một bà hai ông.

Nền văn hóa cổ xưa tất cả đều được căn cứ vào triết lý Kinh Dịch. Đó là bộ kinh chi phối tất cả mọi sinh hoạt đời sống con người vùng Đông Nam Á. Nó là một trong "Ngũ Kinh" của Trung Hoa, là một hệ thống tư tưởng triết học của người Á Đông cổ đại. Kinh Dịch được hình thành lúc con người chưa có chữ viết. Các bậc hiền triết cổ đại lúc sơ khai đã lưu lại những ký hiệu tượng trưng cho thế giới và nhân sinh bằng các vạch liền và vạch đứt trên mai rùa hoặc thẻ tre, thời chưa có giấy và viết. Vạch liền tượng trưng cho hào Dương. Vạch đứt tượng trưng cho hào Âm. Hai yếu tố căn bản Âm Dương tạo ra thế giới vật chất nầy. Để diễn tả một yếu tố họ gọi là một quẻ. Quẻ tiếng Hán Việt là Quái. Ban đầu Quái nghĩa là cái thẻ tre để xem bói. Cái thẻ tre được treo lên để làm biểu tượng cho một yếu tố, mỗi yếu tố được vẽ thành ba vạch.
Chỉ có Trời (Quẻ Càn) là thuần dương nên vẽ ba vạch liền và Đất (Quẻ Khôn) là thuần Âm, gồm ba vạch đứt. Ngoài ra các sự vật khác trong Âm có Dương và trong Dương có Âm. Trong trời đất nầy có tất cả là tám yếu tố cấu thành, cho nên có Bát Quái kể ra như sau:

八卦 Bát Quái
Nói dài dòng như vậy để hiểu tại sao người xưa đặt ra chuyện cổ tích Táo Quân là một bà có hai ông chồng. Vua bếp rõ ràng thuộc hành Hỏa. Trong Bát Quái quẻ Ly thuộc hành Hỏa (Lửa, màu đỏ, phương Nam). Như vậy bếp lửa thuộc quẻ Ly. Trong nhà, bếp là nơi quan trọng nhất, nơi nấu nướng thức ăn cho cả gia đình. Không thể gọi là nhà hay gia đình mà không có bếp được.

Quẻ ly
Như vậy chúng ta đã thấy ý tứ của cổ nhân khi đặt ra hình ảnh của Vua Bếp là hai ông một bà. Quẻ Ly gồm ba vạch, hai vạch liền bên ngoài và một vạch đứt ở giửa. Như vậy là hai hào Dương bên ngoài và một hào Âm bên trong. Hai hào Dương bên ngoài là tượng trưng cho hai người đàn ông và hào Âm ở giữa là một người đàn bà trong gia đình.
*Từ căn nguyên Dịch lý đó chúng ta có chuyện cổ tích bà Táo có tới hai chồng.



TB: về vũ trụ quan Kinh Dịch, quẻ Ly thuộc hành Hỏa, màu đỏ, thuộc phương Nam, tượng trưng văn minh, sáng sủa. Đó là lý do lá quốc kỳ đầu tiên đất nước Việt Nam thời chánh phủ Trần Trọng Kim hình Quẻ Ly (hai vạch liền bên ngoài và một vạch đứt bên trong) trong nền màu vàng (màu vàng thuộc hành Thổ) Lấy ý là hành Hỏa sanh Thổ.
Về sau quốc kỳ VN được sửa đổi lại không còn vạch đứt bên trong nữa mà gồm ba vạch liền. Đó là Quẻ Càn (thuộc Kim) lấy ý là Thổ sanh Kim.
Quẻ Ly đóng ở cung Ngọ trên địa bàn Thập Nhị Chi, thuộc phương Nam. Đó là lý do cổng Hoàng Thành Huế được đặt tên là cửa Ngọ Môn (cổng hướng Nam).

1 sept 2022
VÕ KỲ ĐIỀN Brossard QC.


Đăng ngày 06 tháng 09.2022