Nói năng chi cũng thừa
Võ Kỳ Điền
Bản tánh tôi là người thiệt thà, chất phác. Bạn bè có người cho là tôi nói nhiều, người thì cho là ít nói. Thiệt ra tôi cũng không biết mình là người nói nhiều hay ít nữa. Gặp câu chuyện đúng tần số thì nói bao nhiêu cũng không đủ. Còn như chuyện không biết hoặc không thích thì một câu, cũng nói không ra. Như lúc nầy đây tuổi già trơ trọi một mình nên buộc phải đành sống chung với một đám tây già với đầm già trong một Viện Dưỡng Lão miệt quê, cạnh một dòng sông lớn. Đa số là sứt càng gảy gọng, bà ngồi xe lăn, ông chống gậy, nói năng ngọng nghịu, có người nói không ra hơi thều thào, mà thều thào bằng tiếng tây Québecois làm sao mà nghe hiểu cho được. Những câu chuyện họ trao đổi thì tôi đành chịu thua, cũng không biết luôn. Lúc nào cũng vậy, chuyện thường bàn nhau là các đội hockey trên truyền hình, đội nào vừa thắng giải Stanley, tài tử ca sĩ nào vừa ra tòa ly dị... Trời ơi, làm sao tôi biết đội nào là đội nào, ca sĩ nào đó đã mấy đời chồng, đời sống tình duyên tài tử nọ ra sao...
Cái kiến thức tôi về xã hội Tây Phương nầy thiệt tinh là bù trớt, làm sao mà xen vô góp vài câu cho vui, nghe cho được. Tôi sống ở xứ nầy gần nửa thế kỷ rồi mà như có ai cắc cớ lấy nước trộn chung với dầu. Hổng lẽ ngồi chung một đám, mình cứ im lặng và cười trừ, quê ơi là quê. Nhưng thiệt ra không có gì là quê hết, bỡi tụi nó có biết tôi là ai đâu. Cứ cho tôi là một ông Tàu già lẩm ca lẩm cẩm, lơ ngơ láo ngáo. Mà thiệt vậy, nhiều khi ngồi ở nhà ăn mà ngủ gục luôn trên bàn, tự nhiên như trong phòng ngủ. Thành ra, đôi khi già cũng sướng thiệt, muốn làm gì thì làm, muốn nói gì thì nói, ăn bận sao cũng được, có ai lại đành trách cứ người già làm chi..
Cũng may còn có ông tây già dễ chịu thường ngồi ăn cạnh bên, có lần ổng thố lộ là một tu sĩ. Trời đất tôi mừng quá, không ngờ ông lại là một linh mục. Chộp được một ý để nói, tôi bèn xen vô góp ý liền:
-Xin lỗi Cha, con không biết.
Và tôi nhìn sang cho rõ vóc dáng thân thể cao lớn, mặt mày đẹp đẽ của ông, rồi kể từ đó tự nhiên tôi xưng hô là con với Papa hồi nào không hay không biết. Rồi trong các chyện đẩy đưa, có lần tôi chọc Cha, nói như vầy:
- Đức Chúa Trời là đấng tạo hóa, tạo ra loài người. Chúa là đấng toàn năng tạo ra con người, không có cái dư mà cũng không có cái thiếu, bộ phận nào trong cơ thể cũng cần phải được dùng. Papa có bộ phận nào không dùng là mình phụ lòng thương của Chúa đó nghen Papa.
Nghe tôi nói xong, ổng nghĩ tới điều gì không biết, cười phá lên. Tôi cũng sướng quá khoái chí trong bụng.
Khi về phòng tôi suy đi nghĩ lại câu chuyện vừa qua và cảm thấy bức rức, sao mình lại vô duyên đến như vậy! Mình muốn dùng thì dùng, còn không dùng thì thôi, đó là chuyện đời tư của người ta, tụi tây tà nó cấm kỵ chuyện nầy lắm. Nói bậy nói bạ làm chi. Thiệt tình là già quá rồi nên nói năng không ý tứ! Thôi để khi nào có dịp thì xin lỗi. Nhưng mà nếu nói năng lạng quạng không khéo nữa thì lại thêm kỳ cục. Mà thôi, im lặng đi, im lặng đi, các người tu hành, người nào tánh tình cũng hiền lành, dễ dàng, tha thứ, khoan dung thoải mái. Đâu có ai lại để ý bắt bẻ một ông già ngoại quốc lẩm cẩm như tôi ở đây... để làm cái gì..
Tôi xin đưa em đến cuối cuộc đời
Võ Kỳ Điền
Hồi đó cái thời tôi còn trẻ lắm, Sài Gòn mình bỗng dưng có một chuyện thiệt vui. Cuộc chiến lúc đó rất tàn khốc, bom đạn cày nát nơi nơi, từ thành phố cho đến ruộng vườn. Các trang báo hằng ngày đăng không biết bao nhiêu tin chiến sự, từ tỉnh nầy cho tới làng kia... Vậy mà có một hôm, các trận đánh khốc liệt lại được ngưng bớt, chen vào đó một tin đám cưới hấp dẫn. Vui thiệt là vui! Trời đất, đám cưới của ai mà quan trọng đến vậy, tới nỗi làng báo Sài Gòn cả trăm tờ xúm nhau mà đăng tải tin giật gân, hào hứng quá mức. Dĩ nhiên người chờ coi đông đảo lắm, cả miền Nam nầy lận, trong đó thế nào cũng có tôi mà, chuyện hấp dẫn bỏ qua sao được.
Số là ông Chủ Tịch Quốc Hội Việt Nam Cộng Hòa Nguyễn Bá Lương cưới bà chủ hãng xe đò Bửu Hiệp ở Biên Hòa. Ồ, tưởng gì chuyện cưới vợ thì có gì lạ, thường tình mà. Đàn ông góa vợ, đàm bà góa chồng, rổ rá cạp lại thì nên duyên chồng vợ, có gì lạ đâu. Đáng lẽ mình phải chung vui và chúc phúc cho họ chớ. Đúng rồi, người ta cũng đã chung vui và chúc phúc cho ông bà mà.
Người Việt mình tế nhị lắm. Chuyện vui thì mình nhớ chung tay vào, còn chuyện buồn thì san sẻ bớt ra. Đó là lý do của hai chữ “phân ưu và cộng lạc” (chung vui và chia buồn) Dân Sài Gòn lúc đó chung vui cùng ông Chủ Tịch Quốc Hội. Vui lắm. Tuy nhiên bản tánh bộc trực và chất phác, thiệt thà người miền Nam hễ thấy cái gì lạ và ngồ ngộ thì nói liền, không bao giờ dấu kín để lâu trong bụng, dấu hoài chịu sao cho nổi!
Lạ và ngộ trong vụ đám cưới nầy ở chỗ nào. Bà con ơi, ông Nguyễn Bá Lương là một ông già tới sáu mươi mấy tuổi lận, còn bà Bửu Hiệp cũng suýt soát vài ba tuổi. Y như mấy câu hát con nít lối xóm: “ông già lấy le bà già, chiều chiều dắt ra bờ sông” Còn riêng các báo thì xúm nhau viết như vầy: Chủ Tịch Quốc Hội VNCH là một ông già “hồi dương liệt lão”.
Chuyện rõ ràng như vậy đó, tuy đã mấy chục năm qua, tôi còn nhớ như in. Và kể từ đó tôi cứ thắc mắc về mấy cái chữ nầy. “Hồi dương” là gì, có giống như “hồi xuân” không? Rồi “liệt lão“ nữa. “Liệt” có phải trong nghĩa chữ bại liệt, tức là đứt dây thiều, kim đồng hồ không còn chỉ giây chỉ phút nữa, xụi lơ phải không?
Khi một người sắp từ trần, có vài phút chợt tỉnh táo. Giai đoạn đó được gọi là “hồi dương” Sau đó có thể được sống lại và cũng có thể nhắm mắt đi luôn. Tôi nghĩ các ký giả đã dùng chữ không được chính xác lắm. Ở đây ông Chủ Tịch hồi xuân là trở về tuổi xuân phơi phới, đâu có chuyện chết chóc gì ở đây, còn bên trong nội bộ dây thiều có bị liệt hay không thì chỉ có bà Bửu Hiệp biết mà thôi. Các vị ký giả làm sao biết được mà bàn tới bàn lui.
Viết tới đây tôi chợt nhớ tới chuyện hai mươi mấy năm về trước. Lúc đó tôi chừng bốn mươi mấy tuổi, còn trẻ lắm. Trong một buổi họp Văn Bút của tỉnh Québec, tôi bắt gặp bác Trương Bảo Sơn và bác gái đi vào phòng tham dự buổi họp. Bác Sơn lúc đó chừng trên bảy mươi, tóc bạc trằng nhưng da dẻ hồng hào, mặt mày tươi vui. Bác gái khoan thai, chừng mực và đẹp đẽ. Hai ông bà có vẻ đầm ấm gắn bó, thương yêu chăm sóc nhau. Không biết tôi đã nghĩ bậy gì trong đầu và kề tai hỏi nhỏ thi sĩ Lưu Nguyễn
- Bạn nè, đố bạn bác Trương Bảo Sơn còn làm ăn gì được nữa không?
Tại sao tôi lại hỏi như vậy. Thời đó tôi còn quá trẻ và không biết gì hết trơn nên cứ thắc mắc tùm lum. Cái tánh xấu cái gì cũng ưa tò mò. Lưu Nguyễn đã cười cười trả lời tôi còn nhớ:
- Làm sao biết được.
Đúng vậy, bạn lúc tuổi mới chừng bốn mươi, còn nhỏ hơn tôi nữa làm sao mà biết cái vụ nầy.
Kết luận lại, ông chủ tịch Nguyễn Bá Lương, bác Trương Bảo Sơn và tất cả những ông già nào trên sáu mươi tuổi mà cưới vợ thì được gọi là “hồi dương liệt lão”. Có phải vậy không các bạn?
Câu trả lời phải chờ vài chục năm sau. Năm đó tôi vừa được sáu mươi hai tuổi và tôi cũng liều gan... mà cưới vợ đại. Trước khi cưới, tôi nhớ tới ông Nguyễn Bá Lương, bác Trương Bảo Sơn và bạn Lưu Nguyễn. Hiện nay thì tôi đang ở cái tuổi thời đó của các bác nè. Cái tuổi “hồi dương liệt lão” Và tôi cũng đã cưới vợ như các bác đã từng cưới. Tục ngữ đất nước mình có câu ”Cười người hôm trước hôm sau người cười”. Bạn ơi, tôi không cần hỏi bạn nữa đâu, cũng không cần hỏi ai hết, cũng không cần câu trả lời. Mà tôi cũng không lo chuyện dây thiều liệt bất tử. Sáu mươi tuổi là còn trẻ lắm, ai nói già hồi nào. Thiệt tình mấy ông ký giả thời đó...
Đám cưới tôi rất đông vui. Tôi đã chuẩn bị sẵn tờ giấy ghi lại các lời chúc bạn bè phương xa không đến được. Tôi muốn những lời chúc của bạn thân được đọc lên trong hôn lễ như đang có bạn mình hiện diện với vợ chồng tôi trong ngày vui. Anh bạn đọc tờ giấy là giáo sư Đoàn Phế, bạn rất thân, vợ chồng anh là ông mai bà mối, nhờ anh mà tôi được làm quen với vợ, nhờ anh mà tôi có hạnh phúc hôm nay. Anh trịnh trọng cầm tờ giấy bước lên bục và đọc trước hết là:
- Anh Nguyễn Hữu Chung:
Chúc bạn nhiều hạnh phúc bên cạnh người đẹp. Được nâng ly ruọu vui mừng cùng bạn chắc sẽ vô cùng vui, nhưng đường xa vạn dặm, sức già không kham. Nơi vùng Ngũ Hồ xinh đẹp kia xin đừng quên người bạn cố tri.
- Bạn Hồ Trường An :
Vậy là con bướm ngọc sẽ bay vào cánh đồng kỳ diệu. Mến chúc hai bạn một mùa xuân hôn phối bất tận. Tái bút, xin chuyện cho bà xã Ngọc Điệp lời chúc lành thân ái của tôi. Đời đẹp quá, phải không Điền. Thương mến bạn hiền.
- Kiệt Tấn (Bagnolet, Pháp Quốc :
Phải chăng mình có nên ngờ. Rằng người năm ngoái bây giờ là đây
Chúc đôi vợ chồng bạn hưởng mùa xuân mới, dồi dào sinh lực và hạnh phúc lâu bền. Người xưa có nói:
Trăm năm trong cõi người ta
Chữ tình cùng với chữ Viagra một giường.
Cám ơn bạn hiền, hơi đâu mà bạn lo xa vậy. Trong nhà có mấy thùng Viagra và Cialis, để sẵn chờ dùng.
- Đặc biệt nhất là bạn Bùi Bảo Sơn:
Thân gởi anh Võ Kỳ Điền,
Cám ơn anh đã gởi thư mời đám cưới của cháu Võ Tấn Phước và cô Trần Ngọc Điệp. Vậy xin được tin anh rõ là tụi nầy sẽ có mặt. Nhân dịp nầy chúc Anh và gia đình thật là vui trong ngày hôn lễ.
Đọc tới đây ông bạn Đoàn Phế mệt quá nhưng chỉ còn có một người nữa nên cố gắng đọc đại cho xong:
- Nhà văn Trần Viết Đại Hưng ở California đã viết trong thiệp cưới câu hát bài Niệm Khúc Cuối của Ngô Thụy Miên.
Hưng vui mừng cho ông anh từ nay về sau có những ngày vui. Anh nên nói với người đẹp Ngọc Điệp một câu thế nầy trong ngày cưới: dù cho mưa, tôi xin đưa em đến cuối cuộc đời.
Ông bạn đứng trên bục đã cận thị mà lại không đeo kiếng, đọc một hơi ngon lành dù cho trời mưa... ơ... ơ... anh cảm thấy có cái gì sai sai nên tạm ngừng, chậm lại... Tới đây anh nghe có tiếng khách phía dưới cười, anh biết mình đọc lộn, nhìn kỹ lại giấy rồi đọc tiếp: dù cho mưa, tôi xin đưa em đến cuối cuộc đời.
May quá, đúng rồi, đúng rồi. Năm đó tôi vừa đúng sáu mươi hai tuổi nhưng cứ tưởng mình như trai mười tám.
VÕ KỲ ĐIỀN Brossard. QC le 8 sep 2022
Đăng ngày 08 tháng 10.2022