Vài địa danh miền Nam
Võ Kỳ Điền
Đảo Phú Quốc
Tôi là người nhiều ham muốn lúc nào cũng thích tìm tòi khám phá. Cái tật đó có từ lúc nhỏ và vẫn còn mãi cho tới bây giờ. Biết như vậy là khổ lắm và không được, đôi lần cố sửa nhưng tánh nào tật nấy khó mà chừa. Thành ra mấy phim bộ coi vậy mà có lý hết sức, nói câu nào đúng câu đó. Bộ phim nào cũng thường có câu "giang sơn dễ đổi, bản tánh khó dời". Bất cứ chuyện lớn chuyện nhỏ gì mà tôi nghe được thì bằng mọi cách tôi phải tìm tòi khám phá, tò mò săm soi, tìm cách giải nghĩa cho rõ ngọn nguồn, thì mới chịu.
Thời gian gần đây, tôi ưa nhớ lại chuyện xưa, cái thời còn nhỏ xíu mới bắt đầu đi học. Lớp đồng ấu, lớp dự bị, lớp ba, lớp nhì rồi tới lớp nhứt. Có lớp tiếp liên không biết để làm gì và cho ai học. Lúc mới xin vô trường thì phải nộp một tờ trích lục khai sanh, nơi sanh của tôi đã được ghi rõ như vầy: Làng Dương Đông (Rạch Giá) tỉnh Hà Tiên.
Như vậy theo tôi hiểu vào thời Pháp thuộc, tỉnh Hà Tiên lớn lắm gồm cả Rạch Giá và đảo Phú Quốc luôn. Mà ngộ thiệt, cái nơi tôi được sanh ra có tên là Dương Đông, nếu phân tách theo chữ Hán Việt thì có nghĩa là hướng đông của biển. Ông bà ngày xưa đặt tên một vùng đất phải có ý tứ, chớ không thể đặt cho có mà không ăn nhập vô đâu. Có phải vậy không? Coi họa đồ của đảo thì thị trấn Dương Đông ở hướng Tây Bắc của Phú Quốc, hoàn toàn không có gì liên hệ với hướng Đông hết. Có tức mình không chớ, tại sao lại là Dương Đông?
Tôi chịu không nổi cái vụ nầy bèn dọ hỏi hết người nầy tới người kia, không ai biết rõ ngọn nguồn, cho tới khi gặp được người cố cựu ở đảo. Ông chú của tôi. Ông cười và giải nghĩa cho tôi hiểu:
- Con ơi, dương không phải là đại dương là biển, mà là cây dương, tây kêu là cây phi lao đó. Còn đông không phải là hướng đông mà đông là nhiều. Như vậy Duơng Đông nơi con được sanh ra là chỗ có đông cây dương, rất nhiều cây dương, con hiểu chưa.
Nghe xong tôi sững sờ. A, cây dương là cây phi lao (filao - filaos) thường mọc ven bờ cát để chắn gió bão. Ông tiếp:
- Cách làng Dương Đông của con có xã Dương Tơ, có nghĩa là vùng có nhiều cây dương còn tơ, mới lớn. Cách Dương Tơ có ấp Dương Cờ, các hàng đương mọc ven biển từng từng lớp lớp như dựng cờ. Thiệt là tệ, tôi một người con của Dương Đông mà không hiểu gì hết trơn về quê hương mình!
Sẵn dịp tôi hỏi luôn:
- Dạ, ông ơi đảo Phú Quốc của mình thuộc tỉnh Rạch Giá hay Hà Tiên?
Được ông trả lời:
- Thời Tây thì thuộc Hà Tiên, sau nầy thuộc Rạch Giá.
- Rạch Giá thì con hiểu là vùng rạch đó có nhiều cây giá, còn Hà Tiên có phải là vùng biền đẹp Đông Hồ đó thường có tiên xuống tắm phải không. Ông Mạc Thiên Tích ngày xưa thường làm thơ ngâm vịnh mười cảnh đẹp của đất Hà Tiên, Hà Tiên Thập Cảnh.
1- Tiêu Tự Thần Chung - Chuông sớm chùa Tiêu
2- Kim Dự Lan Đào - Đảo Vàng ngăn sóng
3- Lộc Trĩ Thôn Cư - Thôn xóm Mũi Nai
4- Nam Phố Trừng Ba - Bãi Nam lặng sóng
5- Thạch Động Thôn Vân - Động đá nuốt mây
6- Đông Hồ Ấn Nguyệt - Trăng soi Đông Hồ
7- Giang Thành Dạ Cổ - Trống khuya Giang Thành
8- Lư Khê Ngư Bạc - Thuyền về bến Lư
9- Bình San Điệp Thúy - Rừng biếc non Bình
10- Châu Nham Lạc lộ - Núi Châu cò đáp
- Con nghe ai nói vậy?
- Con đọc trong sách mà cũng có nhiều người nói ông Mạc Cửu thấy mấy nàng tiên xuống tắm nên đặt tên vùng đất đó là Hà Tiên.
- Ông thì không biết thuyết đó đúng hay sai nhưng vùng đất nầy trước khi Mạc Cửu đến khai phá thì là một sóc của người Miên nghèo họ ở từ trước, có tên là Srok Tà Teng. Ông nghĩ từ chữ Tà Teng biến thành Hà Tiên theo âm của người mình...
Cái tánh ưa tò mò thắc mắc của tôi lại có dịp nghĩ suy. Có lẽ ông chú nói đúng vì địa danh nầy có từ trước khi Mạc Cửu đến. Mạc Cửu là người Minh Hương khi mới đến, đương nhiên nói tiếng Tàu, sau đó lần lần ông tập nói sang tiếng địa phương đang sinh sống. Ông đã tụ tập cư dân quanh vùng để lập làng lập xóm gây dựng cơ nghiệp. Những cư dân đó đa số là những người nghèo khó gồm nông dân, ngư dân ít học hành. Họ đã đến Sóc Tà Teng sống quây quần, nương náu sinh sống bên nhau, rồi thời gian qua làm biến âm Tà Teng biến thành Hà Tiên của tiếng Việt cho dễ nói và dễ nghe, hình ảnh gợi lên cũng đẹp nữa. Không phải tự nhiên tên Hà Tiên tự nhiên mà có.
Cũng vậy khi tôi mới về dạy hoc ở Sóc Trăng, có một đồng nghiệp dạy môn Pháp văn, người gốc gác ở Cù Lao Dung. Cô cũng cùng tên Dung. Có lần tôi hỏi:
- Cô Dung nè, tại sao cù lao cô ở lại có tên là cù lao Dung?
Cô hoàn toàn không biết vì học Marie Curie từ nhỏ, chuyện bên Tây cô rành hơn bên Việt Nam mình.
Sau nầy tôi có dịp nghe đài Truyền Hình Đồng Tháp giải thích địa danh nầy. Đây là một cù lao trù phú của tỉnh Sóc Trăng, đất đai rất phì nhiều vì nó tích tụ toàn là phù sa sông Hậu.
Chuyện là như vầy: Ngày xưa nơi đây có một thiếu nữ tên Dung rất hiếu thảo, nhan sắc mặn mòi chuyên làm việc thiện cho cư dân quanh vùng, nhưng không may bịnh nặng mất sớm. Người người thương tiếc nên lấy tên cô mà đặt cho đảo.
Câu chuyện kể khá hấp dẫn nhưng có thiệt không vậy? Sau đó thì người phát ngôn cũng cho là thuyết đó chưa đủ chính xác, có thể giữa đảo có giồng đất vun cao người dân làm rẩy trên đó, một giồng đất, nên gọi mãi thành tên. Người miền Nam thường phát âm lẫn lộn giữa Vun nầy và Dung kia. Mới nghe qua lời giải thích nầy thì thấy có lý. Một cù lao nổi tiếng của tỉnh Sóc Trăng!
Cùng với cái bản tánh tò mò, tôi cố gắng tìm hiểu, lục lọi trong mớ sách cũ thì thấy từ xưa cù lao nầy người Miên gọi là Kòh Tun, cù lao chim chàng bè. Có sách ghi là Kaôh Tũng, cù lao chim bồ nông. Vậy có phải là từ Tun hoặc Tũng biến âm thành Dung của Việt Nam mình không? Các bạn thấy thế nào?
Mấy cái vụ nầy rắc rối quá, nhức cái đầu, ráng kiếm chuyện gì vui vui một chút. Có lần anh bạn giải thích tên của quê anh. Quận Lấp Vò của tỉnh Đồng Tháp. Anh nói một hơi ngon lành: Ngày xưa, cái thời vua Gia Long chạy vô miền Nam trốn tránh Tây Sơn, tới địa phương nầy, thì các vò đựng nước bị bể, quân sĩ tướng tá không đủ nước để uống. Vua bèn hạ lịnh cho lính hầu kiếm đất sét mà vá lại các chỗ bể nứt. Do đó mà địa phương nầy có tên là Lấp Vò. Còn có thuyết hấp dẫn hơn cho rằng chữ Vò người miền Nam nói sai, đáng lẽ ra phải là Giò mới đúng. Vì lẽ khi quân Tây Sơn rượt, quân chúa Nguyễn chạy trốn vắt giò lên cổ, để lại dấu chưn cực kỳ nguy hiểm. Cho nên vua phải ra lịnh lấy bùn đất khỏa lấp các dấu vết để lại. Đó là Lấp Giò, lâu dần nói sai thành quen là Lấp Vò.
Nghe xong các lập luận nầy, tôi thấy thương vua Gia Long hết sức. Trong Nam mình bất cứ việc gì cũng nhắc tới vua, đổ thừa cho vua. Ông vua lấy tay bấm trái bòn bon nên bây giờ còn để lại dấu. Khi đoàn quan quân khát nước, ông vua lấy kiếm chém xuống đất, nước ngọt tự đất đá phun ra. Khi bị rượt đuổi đói khát, tự nhiên trời cho đàn cá nhẩy vô đầy thuyền, nên gọi là cá linh... Nhiều lắm, kể sao cho xiết, vua Gia Long là “chánh vì vương” mà, có trời phù hộ. Ở Phú Quốc của tôi, chỗ nào cũng có dấu vết của vua để lại, người dân lập miếu để thờ cúng quanh năm.
Trở lại chuyện Lấp Vò. Học giả Trương Vĩnh Ký đã nói như thế nào về cái quận nầy. Ông nói ngày xưa nơi đây người Miên gọi là Srôk Tak Por, người dân làm nghề truyền thống cũ, là Xứ Trét Thuyền, để chống hà ăn. Thuyền đi sông nước lâu năm bị hà ăn mục ván, phải đục bỏ cho sạch và dùng dầu chai để trét lại, để ghe thuyền dùng được lâu hơn. Từ chữ Tak Por biến âm thành Lấp Vò.
Trong các địa danh miền Nam, tôi thấy thú vị nhứt là địa danh Cần Thơ. Nhiều học giả, ký giả viết sách giải nghĩa tại sao lại có địa danh nầy. Các vị đó cho rằng hai từ Cần Thơ là do hai chữ Cầm Thi mà ra. Cầm là đàn hát, còn Thi là thơ ca. Xứ nầy gạo trắng nước trong, cuộc sống người dân sung túc đầy đủ nên những buổi trời trong trăng sáng, người người dập dìu rong chơi trên sông nước. Họ đàn ca hát xướng, vui vẻ hưởng thụ cuộc sống phong phú, sung túc, thanh nhàn. Đó là lý do sông nầy được đặt tên là Cầm Thi Giang và đất nầy cũng trở thành đất Cần Thơ.
Tôi thấy giải nghĩa như vậy có cái gì không ổn. Đâu có đơn giản như vậy được. Cả nước Việt Nam nầy từ Bắc chí Nam sông Hương, sông Hồng, sông Đà, sông Lô, Bắc Ninh quan họ... chỗ nào cũng có đàn ca xướng hát trong những đêm trăng thanh gió mát, đâu phải chỉ có ở Cần Thơ? Nếu như vậy thì tên Cần Thơ chỉ có từ khi người mình định cư trên vùng đất nầy. Thiệt vậy không? Vậy trước khi người Việt mình đến, vùng nầy có ai ở chưa, và họ đã gọi tên của nó là gì?
Nơi đây từ lâu rồi, thời Thủy Chân Lạp lận, người Miên gọi vùng nầy là Srok Trey Kìn Thor có nghĩa là Xứ Của Cá Sặc Rằn. Ở miền Nam cũng gọi loại cá nầy là cá dù tho, cá dừa tho, cá dề tho, cá lò tho... Từ chữ Kìn Thor biến âm ra chữ Cần Thơ. Nhưng đâu phải chỉ ở đây có chữ nầy. Ở dưới miệt lục tỉnh, nhiều sông rạch tỉnh nầy tỉnh kia cũng có tên là rạch Cần Thơ vậy. Có lẽ vì loại cá sặc rằn nầy sinh sôi nẩy nở quá nhiều.
Người xưa thường lấy tên sản vật, cầm thú hoặc tôm cá đặt tên cho địa phương mình sinh sống (Đồng Nai, Trảng Bàng, Cần Thơ, như Dương Đông, Thủ Dầu Một của tôi vậy).
Brossard QC, le 29 sep 2022
VÕ KỲ ĐIỀN
Đăng ngày 09 tháng 11.2022