Nhà văn Hồ Trường An tên thật là Nguyễn Viết Quang. Sinh ngày 11/11/1938 tại Vĩnh Long. Định cư tại Pháp năm 1977. Đã cộng tác với nhiều tạp chí văn chương trong và ngoài nước và là tác giả 60 tác phẩm gồm truyện ngắn, tiểu thuyết, tiểu luận và bút ký.
Ông qua đời ngày 27 Tháng Giêng, tức Mùng Ba Tết Canh Tý 2020, tại Troyes, Pháp.

 

Vài nhận xét


Thế giới văn chương Hồ Trường An
 
Võ Kỳ Điền


Nhà văn Hồ Trường An

... Tôi là một người đầy ham muốn và khá tò mò, và tin rằng nhiều độc giả cũng có tánh nầy, hể đọc tác phẩm nào mình yêu thích thì bất cứ điều gì liên quan tới tác giả cũng muốn biết hết, mà phải biết cho thật rõ mới chịu (cũng như khán thính giả tò mò muốn biết đời tư của các tài tử, cải lương, điện ảnh Holywood, phim bộ Hồng Kông, cầu thủ hockey hay đá banh vậy). Nhớ lại những năm về trước, có lần tôi viết thơ cho Hồ Trường An (HTA) để điều tra cho kỹ -chơi với bạn lâu lắm rồi, hình dáng của bạn ra sao tôi không hình dung ra được, mấy hình đăng trên sách báo, cái thì mập, cái thì ốm, mắt mũi không rõ nét, khi nào rảnh làm ơn gởi cho vài tấm chụp thiệt đàng hoàng, để coi dung nhan mùa hạ (hay thu?) của bạn hiền ra sao.
Sau đó tôi liền nhận được ảnh của HTA chụp chung với nhiều bạn bên Tây, trong đó chỉ biết có chị Nguyễn Thị Vinh. Trong hình, còn thấy ba bốn đấng nam nhi trạc tuổi trung niên, ông nào cũng giống nhau vì đen thui, cũng bụng bự bự, không đoán được HTA đứng ở giữa hay ở bìa. Thôi đành ngắm cô trẻ trẻ đứng gần chị Vinh vì cô nầy ốm ốm, cao cao, thon thon và đẹp ơi là đẹp, trong bụng vẫn còn thắc mắc không biết HTA là ông đen nào trong hình, dĩ nhiên cũng tò mò muốn biết cô trẻ đẹp đó (sau nầy biết tên là Mỹ Nương) quen với bạn mình ở mức độ nào, có thân thiết nhau không, biết đâu chừng...

Nhớ có lần học giả Lâm Ngữ Đường đã nói "một người biết đọc sách xét kỹ tác giả từ trong ra tới ngoài như người ăn mày lật áo ra để tìm rận. Một số tác giả luôn luôn kích thích độc giả như một chiếc áo đầy rận của người ăn mày. Ngứa ngáy là một cái thú trên đời". Đó là ông nói về điểm thích thú của người đọc. Tôi cũng là một trong hằng ngàn độc giả có được cái đam mê đọc sách đồng thời là một người bạn bút mực khá gần gũi của HTA trong giai đọan phôi thai của nền văn học hải ngoại vào thập niên 80, nên chuyện tìm hiểu HTA là một ngứa ngáy đầy thú vị.

Tôi sở dĩ nói lòng vòng như vậy vì tôi mê văn HTA, muốn biết rõ con người HTA và cố gắng tìm tòi nét đặc biệt nào trong bút pháp mà anh đã tạo nên tên tuổi và tìm được một chỗ đứng vững vàng trong văn đàn hải ngoại nầy. Nhìn cái cây xanh trĩu lá hoa, ta phải thấy được bên dưới lớp vỏ nâu sần sùi, luân lưu đầy mạch nhựa non tươi mát. Cây hết nhựa hay không còn chút nhựa nào thì chỉ còn dành cho lò sưởi... Cũng vậy chất liệu quí báu để nuôi cây tươi tốt là nhựa non bổ dưỡng, còn chất liệu để nuôi một tác phẩm nghệ thuật là bút pháp và khí hậu ấm áp của nó, cũng như máu nóng đối với cơ thể. Máu là điều kiện ắt có nhưng chưa đủ, muốn đủ là phải nóng, điều nầy cần thiết hơn. Cũng vậy muốn trở thành nhà văn phải chú ý đến trước hết là bút pháp và khí hậu của tác phẩm mình tạo ra, tức là cách viết đặc biệt của riêng mình.

Với một nhà văn, không có lời nhận xét nào thê thảm hơn khi bị phê bình là cách viết nầy giống giống nhà văn nào đó. Viết văn mà giống người khác là mới tập viết, còn ăn đậu ở nhờ nhà người chớ mình chưa có nhà riêng. Phải cất nhà riêng cho mình, dù nhà lá hay biệt thự, phải do mình tạo ra. Nhà không có nóc, phải nương tựa vách nhà hàng xóm thì chỉ là cái chòi...

Trước hết tôi muốn nói đến khí hậu ấm lạnh của bài văn, đó là cái vốn căn bản để làm văn chương nghệ thuật. Muốn trở thành một tác phẩm, bài văn phải ấm áp, đầy nhiệt tình. Dù kỹ thuật có hay, cách viết có khéo, tư tưởng có cao, chữ dùng có đạt mà khí hậu lạnh tanh thì xấp giấy có chữ viết tèm lem đó phải chịu nằm ở xó kẹt nhà kho chớ không phải được đặt trên kệ sách quí.

Nhưng làm sao để tạo sinh khí cho câu văn? Cũng như Chúa Trời tạo ra loài người, Chúa phải chịu khó thổi hơi nóng cho người đầu tiên được nặn bằng đất sét. Nếu không truyền cho một ít hơi nóng tự bản thân Chúa thì con người chỉ là một cục đất sét có mặt mũi tay chưn nhưng không nhúc nhích. Có nhiều cách tạo hơi nóng cho tác phẩm, có tác giả dùng đối thoại dí dỏm, hoặc đốp chát tưng bừng gây cho người đọc cảm giác tươi vui, có tác giả quan sát tỉ mỉ, phân tách chi ly khiến độc giả ngạc nhiên nhảy dựng lên, có tác giả kiêu kỳ, khinh bạc ngông nghênh, có tác giả thiệt thà, chất phác, bình dị, có tác giả ba trợn, ngang tàng, mỗi người là một sắc thái riêng tư, không ai giống ai. Nhà văn là thượng đế đầy quyền uy với nhiều chất liệu sáng tạo, phải biết tận dụng cách thức riêng để tạo sinh khí cho tác phẩm mình.

Riêng HTA, tôi vẫn thường thấy anh tạo hơi nóng cho tác phẩm, là trong khi sáng tác, coi độc giả như người bạn thân tình để chia xẻ những buồn vui, cùng nhau tâm sự, rồi lần lần đi đến nhiệt tình. Thế giới văn chương HTA không phải là thế giới nghiêm trang của nhà thờ hay chùa nơi đó tác giả khoát bộ mặt ông cha hay thầy tu để giảng đạo mong cứu vớt kẻ tội lỗi hoặc khổ đau; cũng không phải là trường học để thầy giáo phô trương kiến thức uyên bác, giảng bài dạy dỗ cho học trò là độc giả nghe; cũng không phải là chiến trường sắt máu hay chiếu rượu ồn ào để cho tác giả múa may tung hoành, phô diễn những âm mưu lừa lọc, xão trá, hoặc ca tụng thù tạc; cũng không phải là chợ búa mua danh bán lợi để tác giả và độc giả chia nhau từng mớ chữ nghiã, giành giựt chút danh hão; cũng không phải là thế giới của người thành thị giả dạng quê mùa hoặc ngược lại...

Thế giới văn chương của HTA là thế giới của những người bạn thân tình, cùng chung những đau khổ và hạnh phúc, cùng chung những ước mơ và hy vọng, cùng chung những an ủi và chia xẻ. Anh đã viết ra như vậy và đã sống thực như vậy. Độc giả từng đọc truyện của HTA, bạn bè từng giao tiếp với An, thân cũng vậy, quen sơ cũng vậy, An đều coi như bạn thâm giao, đem hết trái tim cùng ruột gan ra mà cùng nhau chia xẻ buồn vui, không mảy may dè dặt, thủ thế ...
Ở tác phẩm HTA, bất cứ cuốn nào, bài nào, thì độc giả cũng thấy ở mỗi chữ, mỗi câu, mỗi thiên, mỗi tiết, ngay cả ở cách đặt tựa của những truyện ngắn, truyện dài, là những lời thủ thỉ tâm tình của tác giả và độc giả. Như có lần trong một bài tạp ghi viết về những sinh hoạt văn học nghệ thuật ở Montréal, bạn đọc đã ngạc nhiên khi thấy cái tựa đề lạ lùng "Montréal, một thành phố hãy còn trong mường tượng" Chỉ với mấy chữ ngắn gọn, vậy mà HTA nói được biết bao nhiêu điều, như muốn kể trước cho bạn đọc nghe anh đang mơ mộng về một phương trời Montréal xa thẳm, ở đó đang có những người bạn văn, đang chơi trò chơi chữ nghiã, có lẽ rất tưng bừng, phải chi một ngày nào mình đến đó...

HTA đã viết và độc giả theo dõi "Chuyện miệt vườn", "Chuyện quê Nam", "Lúa tiêu ruộng biền", "Đêm chong đèn", "Tạp ghi xanh", "Lá thư mùa thu", "Trên dải tân bồi"... Nói chung những tác phẩm của HTA toàn là những câu chuyện riêng tư vụn vặt của một người bạn là tác giả rù rì rủ rĩ, kể lễ cho bạn hiền, là độc giả nghe, y như hai người bạn thân đang nói chuyện với nhau, ngồi xổm ở quán cóc hay vĩa hè, bên một liếp rẩy hay trên một bờ mương rong rêu, bên chiếc cà ràng đất đầy tro bụi, tất cả xuất hiện trong một không khí đầy ấm áp và nhiệt tình.
Họ nói với nhau cái gì vậy? Có gì lớn lao đâu, toàn là chuyện cà kê dê ngỗng, chuyện con mẹ nầy thương thằng cha kia, chuyện bà hàng xóm kia đánh ghen cô láng giềng nọ, chuyện bếp núc làm tôm làm cá, cách kho thịt làm sao cho ngon, cách phi hành sao cho thơm, về quần áo thì thứ lãnh nào đẹp, loại xuyến nào bền, may mặc đường kim mũi chỉ sao cho khéo, cách trang điểm của mấy cô mấy bà, với các lớp kem lót mặt hiệu nào, làm sao cho da được mịn,... Những người bạn độc giả nầy cũng dễ tánh, ai nấy đều xuề xoà, khi thì lắng nghe kỹ lưỡng, khi thì lim dim mắt nhắm mắt mở, nhiều khi giựt mình ngơ ngác hỏi, bạn kể tới đâu rồi, hình như vụ đánh ghen đó, vụ kho cá bóng kèo kia, rồi vụ nấu canh rau đắng, rau ngổ, rau tập tàng, vụ ma nhát ở Đồng Chó Ngáp... lần trước đã kể rồi mà.

Tác giả cũng với nụ cười hịch hạc dễ dãi, có gì đâu mà bạn phải bận tâm, cứ yên lòng mà nghe kể tiếp. Hình như đức Phật có lần nói, chớ cho bất cứ chuyện gì là quan trọng, đừng để tâm vướng mắc, cứ buông bỏ hết đi, thì sẽ đạt được hạnh phúc ngay trong cõi đời nầy. Đời tự nó đã khổ rồi, tại sao lại phải dằn vặt khổ thêm. Văn chương phải làm cho đời thêm tươi mát đẹp đẽ hơn, đừng nhắc chi chuyện buồn rầu...mệt lắm.
Thử coi cho kỹ trong đống tác phẩm hàng ngàn quyển đã in ra, nhà văn nhà báo nào cũng nói thương yêu quí mến độc giả mà ai lo lắng chăm sóc độc giả kỹ lưỡng bằng HTA không? Tại sao bằng chữ nghiã có sẵn, mình không dọn cho độc giả những mâm thịt cá ê hề, mời họ ăn cho ngon, thêu may quần áo toàn bằng lụa là để họ mặc cho đẹp, rồi chịu khó dẫn cả nhà đi coi hát bóng, coi cải lương, lắng nghe họ cãi nhau cho đã đời rồi nhìn họ yêu nhau thắm thiết... HTA cắt nghiã rõ cho bạn đọc nghiã đen của chữ tiểu thuyết, tiểu là nhỏ mà thuyết là lời nói hay câu chuyện. Đó là viết những chuyện vụn vặt để thể hiện được cái quan trọng là cõi lòng tốt đẹp, trong sáng, dịu dàng, cái tình cảm nhân hậu của con người đối với con người thương mến nhau. HTA đã gởi gấm và đã được độc giả chia xẻ trong niềm tương thân tương ái, ấm áp thân tình.

Như đã trình bày, trong văn giới có tác giả thâm trầm mà khinh bạc, người sắc sảo đến độ chi ly, người thì phù hoa óng chuốt, có người ngông nghênh bất cần đời, người mộc mạc chất phác, người thì thô kệch... Tất cả đều phải thể hiện nét sắc sảo, ly kỳ của ngòi bút mong đạt tới nét độc đáo tài hoa của mình, điều đó khó mà dễ. Nhưng với cách viết giản dị tươi sáng, mà tạo được sự ấm áp thân tình hầu như hiếm lắm và ít người đạt đến được như HTA, tưởng dễ mà thật khó. Nhà học giả nổi tiếng của Trung Hoa, Lâm Ngữ Đường có lần đã nói: "cá tươi không cần gia vị vẫn nấu được món ăn ngon, còn cá ươn thì phải thêm mắm muối càng nhiều càng tốt..."
Coi độc giả như bạn thân, HTA đã làm được nhưng chưa đủ, các tác giả nữ công gia chánh, nhà báo gỡ rối tơ lòng, trả lời thơ tín, rõ ràng họ đâu phải là nhà văn. Cũng vậy những vị học lực thâm sâu, kiến thức quảng bác, bằng cấp cao tột, cũng không phải là nhà văn, họ chỉ là những học giả nổi tiếng. Muốn là nhà văn, như có lần Mai Thảo đã nói, phải là người giàu có, tha hồ tiêu xài chữ nghiã. Mai Thảo nói gì mà rắc rối khó hiểu quá vậy?

Nếu chịu khó suy nghĩ thì đúng thiệt, ông ta nói là làm. Nhà văn Mai Thảo vốn là tay ăn hoang tiêu rộng, phung phí chữ nghiã vì quá sức giàu có. Quả thật, ngôn ngữ là để diễn đạt tư tưởng, tình cảm. Vốn liếng của nhà văn là ngôn ngữ, nếu ngôn ngữ nghèo nàn, khô cạn, héo khô, ngọng nghịu... thì làm sao mà trao đổi, làm sao mà bàn bạc, diễn đạt. Giàu chữ nghiã có nhiều cách hiểu. Muốn diễn tả một ý niệm, nhà văn có thể dùng rất nhiều từ để diễn đạt, dùng nhiều cụm từ phụ thuộc như tĩnh từ (adjectif), trạng từ (adverbe) làm đậm đà thêm ý muốn nói. Đó là cách thường dùng của các nhà văn Tây phương. Câu văn nhờ đó mà trở nên đẹp đẽ, mỹ miều, tinh tế và nhứt là diễn đạt được tới cùng tận chỗ chi ly, sâu kín nhứt của lòng người. Cách ngược lại là cũng có thể dùng vài từ mà diễn đạt được nhiều ý, để độc giả tuỳ trình độ học thức và thưởng ngoạn, tự nghiền ngẫm thấm thiá cái thú vị riêng tư (như cách của các nhà văn Trung Hoa).

HTA đã áp dụng được cả hai cách nhuần nhuyễn. Tuy anh học khoa học (ngành Dược) nhưng khả năng hiểu biết và kiến thức văn chương Việt Nam và thế giới khá cao, anh đọc rất nhiều sách và trí nhớ phải nói là như máy điện toán. Trong những thơ từ qua lại, nhiều khi tôi phải sững sờ tự hỏi làm sao HTA nhớ nổi các mẫu chuyện vụn vặt xảy ra ở một góc phố nào đó, vào một thời điểm xa lơ xa lắc của quá khứ. Vậy mà HTA đã nhớ rõ mồn một, kể lại từng chi tiết, tên tuổi của từng nhân vật tỉ mĩ có ngọn có ngành không sai sót... Chúng ta thử đọc vài đoạn hầu coi mức giàu có trong kho tàng ngôn ngữ miêu tả của anh:
"-răng năm nào của tôi tuy hô tuy vẫu nhưng vẫn xước mía thật tài tình, nhai ổi ngau ngáu. Mắt tôi tuy hí năm nào hễ khi nhắm mắt ngủ một giấc thoải mái trong veo. Giờ đây bốn chiếc răng giả xinh như hạt lựu, ngời sắc men mịn bóng, dẫu tôi có giận ai, chửi ai thì dám chửi chớ không dám cắn. Mắt tôi thụt sâu để gương mặt tôi sáng hơn, nhưng đôi mắt ấy biết bao đêm mở dài tráu tráu trong bóng đêm vì mất ngủ, và hễ khi tôi nuốt thuốc ngủ vào, đôi mắt vừa nhắm là thấy ác mộng, dị mộng nườm nượp kéo về. Kiệt (Kiệt Tấn ) nhắc lại đôi mắt cũ, hàm răng cũ của tôi, nhưng làm sao hắn trả lại cho tôi hai thứ quí báu đó để tôi nhai xương gà, cạp bắp, gặm giò heo, nhai khô mực, để đêm đêm nhắm mắt là ngủ một giấc êm suông sẻ, óng chuốt."
Hoặc trong Chân Trời Lam Ngọc:
"-Hôm đó chị mặc chiếc áo dài màu rêu sẩm nổi hoa xám bạc. Màu sắc rất chìm, rất nguội nhưng rất trang nhã. Đặc biệt nhất là chiếc khăn choàng hiệu Pierre Cardin màu đen nổi vạch màu hoàng kim, màu xanh lân tinh và màu đỏ yên chi làm cho màu áo khiêm tốn và màu son phấn tranh điểm kín đáo của chị nổi bật xôn xao hẳn lên. Tôi có bảo một anh bạn: bà Diệu Tâm hôm nay chơi trội màu sắc quá."

Qua hai đoạn ngắn trên chúng ta thấy tác giả dùng nhiều danh từ, nhiều tĩnh từ khiến phong cảnh, nhân vật đầy màu sắc lung linh và hình ảnh tràn đầy. HTA thường viết như vậy và lối viết đó trở thành thói quen. Anh phóng bút thoải mái, nghĩ sao viết vậy không sửa đổi, trau chuốt gạn lọc, nhờ vậy nên văn rất tự nhiên. Độc giả chỉ cần đọc vài câu và biết ngay tác giả là ai, không hề lẫn lộn hoặc sai lầm qua người khác. Đám đông quần chúng dễ đón nhận và cảm thấy gần gũi vì chuyện xảy ra y hệt cuộc sống bình dị hằng ngày.
Nhưng đôi khi HTA cũng dùng cách thứ hai, "đạt ý ở ngoài lời" của Trung Hoa. Đó là khi anh cố ý làm văn, khi viết thì câu văn ngắn gọn, chữ nghiã đơn giản, không nhiều tiếng phụ thuộc rườm rà, nhưng gây nhiều hình ảnh. Hình ảnh được tác giả cố ý gợi ra để độc giả tưởng tượng thêm. Một lần trong Lá Thư Mùa Thu (11.1984) HTA đã than thở: -"Giờ, Troyes đối với tôi là đất trích. Nhưng đất trích nầy đẹp quá, không có "lau vàng trúc võ nẫy mầm quanh hiên" như cảnh đất trích của nhà thơ Bạch Cư Dị. Nhưng tôi biết, bắt đầu giữa thu, cây sẽ trụi hết lá, cảnh vật sẽ buồn thảm, bầu trời thường thấp xuống và phủ mây màu chì. Có thể là vào đầu thu ở đây đẹp. Lá vàng như còn rạo rực ánh rạng rỡ. Vào buổi sáng hay buổi chiều, sương lam mỏng vương vất từ chòm cây khóm lá. Vào chơi trong rừng thu như vào cảnh mộng, đến khi trở ra xe thì áo măng tô đã ẩm nước".

Thử phân tích đoạn văn ngắn nầy thì thấy ngay văn tài của HTA. Chúng ta hay bất cứ ai cũng có thể tả cảnh mùa thu có có lá vàng, có mây đen màu chì, có sương lam mỏng, có khí trời ẩm đụt, nhưng với tất cả đường nét đó không nói lên được điều gì, đó là những đường nét chết, miêu tả một cảnh vật không sinh khí... Chỉ thêm vào mấy chữ cuối dòng, HTA đã làm cho mọi sự sống động. Tác giả không chỉ vẽ hình ảnh một người lạc loài bơ vơ nơi đất khách, sống hiu quạnh thê lương qua thân xác bên ngoài mà còn vẽ được trong cõi lòng cảm nghĩ nữa. Con người lưu lạc đó cũng biết tận hưởng cảnh đẹp như mộng đang có của phương trời Tây. Cái không khí mùa thu đất Pháp bàng bạc qua văn của Anatole France với hình ảnh chú bé lưng mang cặp sách, nhảy chân sáo tung tăng buổi tựu trường đầu thu ngang qua công viên Luxembourg, lãng đãng với không khí mùa thu Tô Châu, Hàng Châu của Trung Hoa ngàn năm trước. Thi hào Tô Đông Pha đời Tống đã viết lời kết trong Tiền Xích Bích Phú "...khi đồ nhắm hoa quả đã hết, mâm bát bỏ ngổn ngang, cùng nhau gối đầu mà ngủ ở trong thuyền, không biết vầng đông đã sáng bạch tự bao giờ". (hào hạch ký tận, bôi bàng lang tạ, tương dữ chẩm tạ hồ chu trung, bất tri đông phương chi ký bạch)
Người xưa say mèm giựt mình thức giấc, bất giác thấy vầng đông đã sáng bạch. Người nay tuy đang dạo chơi rừng thu - khi trở ra xe thì áo măng tô đã ẩm nước. Hai trạng thái thức ngủ tuy khác mà cảm giác như một. Độc giả cũng bất giác, ngạc nhiên sững sờ thú vị. Viết ngắn gọn được như vậy là tuyệt bút. Đâu cần phải có câu chuyện ly kỳ, tâm sự éo le, tư tưởng siêu tuyệt... mới là văn chương.

Còn bao nhiêu điều chưa khám phá trong thế giới văn chương HTA? Tôi tin là nhiều lắm nhưng do tình cờ đọc lại xấp thư cũ bạn gởi cho, đâm giựt mình. Một ngày cuối thu năm 1993 An đã viết "viết về HTA, xin bạn đừng nên, việc gì phải quậy lên cho độc giả chú ý. Tôi khác mụ X... ở chỗ đó, không quá khiêm tốn để tự hạ mình, không quá hách xì xằng, không khua động... Cố viết sao cho anh em bằng hữu vui, rồi mình cũng vui theo là được. Mà Điền tin đi, hễ mình vui là độc giả vui lây..."
HTA đã viết rành rành như vậy mà thiệt tình, tuy tay tôi không cầm bầu rượu nắm nem mà cũng vì mãng vui nên đành quên mất lời anh dặn dò. Trong mớ trí nhớ hổn độn mù mờ, chợt nhớ hai câu thơ của một người bạn gái văn sĩ:
Người đã nói rồi hay chưa nói,
Người đã nói rồi hay chưa nói ra...
Quả tình mấy ông, mấy bà làm cái nghề thi sĩ, văn sĩ thiệt rắc rối, nói tới nói lui, vòng qua vòng lại không ai hiểu gì hết trơn. Thực sự đến giờ phút nầy, cũng không biết tôi đã viết được chút ít gì về văn tài HTA, người bạn văn sĩ ở bên Tây của tôi chưa. Thôi đành kể như là có nói mà chưa hết ý...

VÕ KỲ ĐIỀN
(Văn Học, tháng 5 1999)

vokydien.blogspot.com

 

 Đăng ngày 12 tháng 12.2022