banner

Sau 15 năm hoạt động (2008-2023), website Ái hữu Đại học Sư Phạm Sài gòn tạm ngưng việc đăng thêm bài vở và tin tức.

Độc giả muốn lưu giữ bài viết và hình ảnh để làm tư liệu, xin vui lòng truy cập vào các tiết mục đã đăng trên trang web để download.

Xin chân thành cảm tạ sự hợp tác của tất cả các tác giả và độc giả đã dành cho trang web.

20.07.2023
Admin Website Ái hữu Đại học Sư phạm Sàigòn

Thợ và Thầy đồng một nghĩa như nhau

Võ Kỳ Điền

Nhớ có lần ông bạn đồng nghiệp kể cho tôi nghe một câu chuyện vui. Số là lúc dạy học, có em học sinh đến xin phép thầy để được vào lớp bán tập thơ vừa mới in ronéo xong. Thầy cũng không biết em đó tên gì, học lớp mấy, thơ đó hay dở ra sao, phán đại một câu, tôi nhớ lại không biết có đúng chính xác vậy không: “tụi em còn nhỏ quá mà làm thơ in ấn đơn sơ như vầy làm sao mà bán cho được, ai mà mua!”

Vừa nghe bạn kể xong tôi thấy câu nói đâu có gì sai, đúng sự thiệt mà. Nếu vào trường hợp tôi thì tôi cũng nói y như vậy. Nhưng tại sao tôi nhắc lại câu chuyện nầy, bạn đọc có biết em học sinh liều mạng in thơ bán đó là ai không? Tôi xin nói ngay để các bạn khỏi sốt ruột. Em đó đang học lớp đệ tam trường trung học Ngô Quyền Biên Hòa tên là Nguyễn Hoàng Hải, bút danh khi làm thơ là Nguyễn Tất Nhiên. Dĩ nhiên khi nói tới tên tuổi nầy thì các bạn đã dư sức biết tài năng thiên phú của thi sĩ nầy rồi. Và các bạn cũng dư sức biết luôn tài năng thưởng thức văn nghệ của ông bạn giáo sư của tôi ra sao rồi!

Anh bạn tôi đúng là gặp phải cảnh lỡ khóc lỡ cười. Nhưng đâu phải chỉ có mình bạn gặp cảnh trớ trêu ngang trái đó. Tôi có lần cũng hơi hơi giống như vậy. Số là năm vừa ra trường, tôi được điều động về dạy ở trung học Hoàng Diệu Sóc Trăng. Không biết ông Giám Học coi tướng coi tá tôi thế nào mà mùa Tết năm đó giao cho tôi cái trọng trách làm tờ báo Xuân cho nhà trường. Ồ chuyện gì thì khó chớ chuyện làm báo làm chí cho trường thì dễ quá mà, có gì khó khăn đâu. Hạn cho các em học sinh viết và gởi bài, thầy chỉ cần chịu khó đọc và lựa bài nào khá hoặc đúng tiêu chuẩn thì chọn và đăng, rất là đơn giản...

Đến khi báo được in ra và sắp đưa đi phát hành thì có một em học sinh đến gặp tôi ngay cửa lớp với vẻ mặt cau có khó chịu. Em đeo kính cận rất nặng độ, dáng người ốm yếu mong manh, gương mặt nầy lạ tôi chưa từng gặp em lần nào, ngạc nhiên và chờ đợi. Em hỏi ngay:
- Tại sao bài thơ em viết không được thầy chọn đăng?
Sau khi hỏi tới hỏi lui tìm hiểu, tôi trả lời rất thành thực cho em rõ lý do tôi không đăng bài thơ nầy vì khi đọc tôi không hiểu. Tôi còn nhớ rõ câu đầu bài thơ đó như vầy “Nó giết tôi bằng tri thức hiện hữu”. Vì không hiểu câu đầu nên tôi không đọc tiếp các câu sau.  Tôi cũng biết ngay em bị ảnh hưởng năng nề khuynh hướng hiện sinh thời thượng của thi sĩ Phạm Công Thiện như:
 - tôi giao cấu mặt trời sinh ra mặt trăng.
 - tôi thủ dâm thượng đế sinh ra loài người.
....
Sau vài lời phân trần, em đã nói một câu phê bình thẳng thắn như vầy:
- Thầy xưa quá rồi, thi ca hiện đại không phải như những gì thầy biết và thầy học ở trường đâu!

Các bạn biết không, lúc đó tôi chỉ mới hai mươi ba tuổi thôi, còn trẻ măng hà. Vậy mà bị một em học trò lớp đệ tam chê mình già nua kiến thức như mấy ông cụ, tôi sửng sốt, bực mình nhưng trả lời sao bây giờ, mình hiện đương là thầy nó, hổng lẽ nói thầy cũng giỏi lắm, người ngoài mà nghe được thì kỳ cục... Nhưng mọi sự cũng đã an bài, báo Xuân trường Hoàng Diệu Ba Xuyên năm đó không có bài thơ kia. Tuy vậy câu phê bình của em học sinh đó ám ảnh tôi cho tới bây giờ. Và câu chuyện bài thơ đó, tên của em đó tôi vẫn còn nhớ tới hoài không quên.

Số là anh em văn nghệ sĩ ở thành phố Montréal nầy có một thông lệ, hễ có một nhà văn nhà thơ phương xa nào đến thăm thì anh em thường hợp nhau đón tiếp hoặc ra mắt sách, nếu không vậy thì gặp gỡ nhau bàn thảo chuyện thơ văn. Không khí rất sôi động, hào hứng, vui vẻ, ấm áp thân tình. Kỳ đó, tôi từ bên Laval -des -Rapides xa xôi gấp gáp tìm chỗ hẹn là một nhà hàng Pháp ở trung tâm thành phố. Khi đến nơi thì khách khứa bạn bè đã đông nghẹt. Tìm một chỗ để ngồi không phải là một chuyện dễ nhưng rốt cuộc rồi cũng xong. Các câu chuyện văn nghệ được bạn bè đưa ra, nhắc tới bàn bạc, chuyện nào cũng hấp dẫn. Tình cờ trong câu chuyện hàn huyên văn nghệ, tôi thoáng nghe qua, khổ chủ buổi tiệc hôm nay Phạm Nhuận có nhắc tới tên một thi sĩ tôi nghe quen quen, làm sao quên cho được.
Đó là thi sĩ Triều Uyên Phượng của thi văn đoàn Sông Hậu ở Sóc Trăng. Thi sĩ Triều Uyên Phượng, cùng thi sĩ Trần Như Liên Phượng, hai tên tuổi nầy có một lúc được bạn bè cùng độc giả nhiều lần nhắc tới trên văn đàn. Tôi bèn hỏi kỹ hơn và được bạn Phạm Nhuận cho biết thi sĩ Triều Uyên Phượng sống trọn vẹn một đời với thơ, sau cuộc đổi đời 1975 nên không biết xoay sở làm sao để sống, rất vất vả khổ cực, có lúc phải ngồi bán từng điếu thuốc lá lẻ ở lề đường....
Tôi thoáng nghĩ lẹ trong đầu, thi sĩ Phạm Nhuận làm thơ ở Huế, còn Triều Uyên Phượng sống ở Sóc Trăng, cách xa nhau cả ngàn cây số, vào thời đó chuyện giao thiệp, chuyện liên lạc nhau khá khó khăn, vậy mà Phạm Nhuận một thi sĩ khá nổi danh lại biết rõ về Triều Uyên Phượng. Trong khi đó thì tôi ở sát bên, lại không hề biết gì hết, các bạn thử nghĩ coi trình độ thưởng ngoạn văn nghệ tôi giới hạn như thế nào và cái hiểu biết của tôi về văn giới giai đoạn đó được cập nhật ra sao?   

Chợt nhớ tới buổi trưa nóng bức ở giảng đường đại học sư phạm, cụ Cử Thẩm Quỳnh cầm cuốn Đường Vào Tình Sử của thi sĩ Đinh Hùng mà phán câu sang sảng:
- Tình sử mà lại có đường vào!
Cũng may những ngày dạy học ở Sóc Trăng, tôi chưa nói câu nầy với thi sĩ Triều Uyên Phượng:
- Tri thức mà lại giết được người!
Tuy tôi là học trò rất kính quí cụ Cử.

Thế mới biết học giả Lâm Ngữ Đường có lý hết sức khi nói: “thầy giáo văn chương mà bàn chuyện thơ văn thì y như mấy ông thợ mộc, thợ hồ bàn chuyện mỹ thuật”. Câu nói thiệt là chính xác, tôi khó mà quên cho được. Vậy mà đôi khi cao hứng quên bẳng, tôi cũng có vài lời nhận định bạn văn nầy, bạn thơ kia, chắc là do thân tình. Khi bắt gặp các bài viết đó, các bạn đừng trách tôi nghen, đọc cho vui và cứ coi như là:
- Thợ và thầy đồng một nghĩa như nhau.

30 avril 2023
Brossard. QC
Võ Kỳ Điền

Tái bút: sau khi viết bài nầy, tôi vào Google kiếm tên Triều Uyên Phượng và bắt gặp khá nhiều bài viết về thi sĩ. Nhưng khi đọc tới bài nầy tôi đã khóc. Mời các bạn đọc trong báo Công An Nhân Dân:
“ Ngày hè Sài Gòn, đi trên phố đông, bạn thơ bắt gặp một lão già còm nhom, áo quần nhàu nhĩ, cũ mèm chìa xấp vé số mời khách. Nhìn kĩ một hồi mọi người mới nhận ra khuôn mặt nhăn nheo, đen sạm vì nắng kia là Triều Uyên Phượng thi sĩ. Trước 1975, nhà thơ Triều Uyên Phượng nức tiếng ở thi đàn Sài thành. Sau 1975, ông về Bình Phước đi kinh tế mới. Nhưng sao ông lại lâm vào cảnh này? Hỏi chuyện mới biết ông đi kinh tế mới thất bại.
Gia cảnh đã vô cùng khó khăn thì bà vợ lại mù lòa, bệnh tật. Thi sĩ mặc cho vợ ngăn cản, hằng ngày ông bắt xe đò từ Bình Phước về Tp HCM rồi lọc cọc đạp xe đi bán vé số. Đồng tiền lẻ nhét trong túi áo, ông dành mua gạo, mua thuốc cho vợ. Bởi thơ đâu gột được ra tiền. Bạn thơ rủ ông đến chơi nhân dịp một buổi triển lãm ảnh tại Văn Thánh.
Ngồi lom lom suốt buổi, ông bỗng nghe người ta gọi tên mình. Bước lên nhận lấy 10 triệu đồng từ Quỹ "Tình thơ", chân ông muốn khuỵu. Nhà thơ Hồ Thi Ca còn nhớ mãi đôi tay run rẩy nhận lấy số tiền rồi lão thi sĩ chực òa lên như đứa trẻ: "Không biết tôi bán vé số đến khi nào mới lãi được chừng này". Bạn thơ cười vang, xúm lại chung vui rồi dặn: "Anh cất tiền cho kỹ chứ đạp xe về Bình Phước coi chừng bị giựt mất à nghen".

Võ Kỳ Điền (vokydien.blogspot.com)

 



Đăng ngày 06 tháng 05.2023