banner

Sau 15 năm hoạt động (2008-2023), website Ái hữu Đại học Sư Phạm Sài gòn ngưng việc đăng thêm bài vở và tin tức.

Độc giả muốn lưu giữ bài viết và hình ảnh để làm tư liệu, xin vui lòng truy cập vào các tiết mục đã đăng trên trang web để download.

Xin chân thành cảm tạ sự hợp tác của tất cả các tác giả và độc giả đã dành cho trang web.

20.07.2023
Admin Website Ái hữu Đại học Sư phạm Sàigòn

MỘT NÉN HƯƠNG TỎ LÒNG TRI ÂN TIỀN NHÂN

Cụ PHAN CHÂU TRINH

 

Lê Quang Huy

Nhân dịp kỷ niệm 89 năm ngày mất của Phan Châu Trinh (24.03.1926 – 24.03.2015), Quĩ Văn Hóa Phan Châu Trinh sẽ tổ chức Lễ Trao Giải Thưởng Văn Hóa Phan Châu Trinh (lần thứ VIII, 2015) tại khách sạn Caravelle, Saigon vào chiều ngày 24.03.2015. Trước đó, vào buổi sáng, lễ dâng hương tưởng niệm nhà chí sĩ yêu nước vĩ đại được tổ chức tại đền thờ của ông ở số 9 đường Phan Thúc Duyện, phường 4, quận Tân Bình, Saigon.

Nhà văn hóa, nhà ái quốc Phan Châu Trinh là một trong những nhân vật mà tôi rất ngưỡng mộ. Thỉnh thoảng, tôi lại hí hoáy viết chút ít gì đó về ông để tỏ lòng tri ân của hậu thế, dù rằng những hiểu biết ít ỏi của tôi về ông chỉ có từng ấy, quanh đi quẩn lại thế nào các bài viết cũng có những điểm trùng lắp. Nhưng tự nhủ lòng là dù sao đó cũng là văn của mình, chẳng phải đi đạo văn của ai.

Đầu thế kỷ 20, nước Nam có hai chí sĩ yêu nước họ Phan cùng mưu cầu độc lập dân tộc nhưng lại dấn thân trên hai con đường khác nhau. Khác với chủ trương bạo động giành độc lập của Duy Tân Hội do Phan Bội Châu lãnh đạo, Phan Châu Trinh và các đồng chí phát động cuộc vận động cải cách duy tân ở Trung Kỳ, chủ trương bất bạo động, tìm cách khôi phục đất nước bằng con đường nâng cao dân trí, cải tổ xã hội về mọi mặt, mở mang kinh tế, thành lập các hãng buôn, mở trường dạy học theo lối Âu Tây hiện đại, dạy chữ quốc ngữ và bỏ lối học khoa bảng từ chương lạc hậu, dạy khoa học thường thức và ngoại ngữ, giúp người dân tiếp cận một hệ thống giáo dục – tư tưởng hoàn toàn mới. Chủ trương của phong trào Duy Tân lúc ấy là “Chấn dân khí, khai dân trí, hậu dân sinh” được Phan Châu Trinh đề cao, khi ông và các đồng chí trong phong trào Duy Tân chủ trương giải phóng đầu óc con người khỏi những trói buộc áp đặt về tư tưởng, đòi hỏi dân chủ và dân quyền, từ đó làm tiền đề giải phóng đất nước khỏi ách đô hộ của thực dân Pháp.

Và thế là trong khoảng thời gian đầu thế kỷ 20, dù không có súng gươm, không có chiến tranh trận mạc nhưng hoạt động mạnh mẽ của làn sóng Duy Tân do Phan Châu Trinh khởi xướng đã làm người Pháp và quan lại Nam triều mất ăn mất ngủ và lo tìm cách đối phó tựa như đang đối đầu với một cuộc khởi nghĩa vũ trang.

Chủ trương khai dân trí của phong trào Duy Tân không chỉ đơn thuần nhằm mục đích phát triển giáo dục, truyền bá kiến thức cho người dân đề giúp họ mở mang đầu óc, nâng cao học vấn, từ đó làm cơ sở để thay đổi nếp sống văn hóa, xây dựng một đời sống cao hơn và văn minh hơn. Chủ trương này còn nhắm đến một mục đích cao hơn rất nhiều. Trong một thời gian kéo dài hàng ngàn năm, hệ thống tư tưởng Nho giáo đã được các triều đình phong kiến tại Trung Hoa cũng như tại Việt Nam làm khuôn vàng thước ngọc, làm chuẩn mực cho mọi quan hệ xã hội, mọi giá trị đạo đức, nhân sinh quan … nhằm phục vụ cho lợi ích cầm quyền của mình. Vì thế, chủ trương khai dân trí còn nhắm đến việc giải phóng dân nước Nam khỏi chiếc vòng kim cô kìm hãm của những nội dung lạc hậu trong hệ thống tư tưởng từ phương Bắc này.

Cơ sở của Nho giáo – hay còn gọi là Khổng giáo – được hình thành từ thời Tây Chu. Qua đến thời Xuân Thu, xã hội loạn lạc nhiễu nhương, tôn ti trật tự đảo lộn. Lúc bấy giờ, Khổng Tử ra sức phát triển những tư tưởng Nho giáo, hệ thống hóa và tích cực truyền bá các tư tưởng đó với mong muốn mang lại một trật tự - ổn định trong gia đình và xã hội, thiết lập một tôn ti trật tự mà vào thời đó được xem là khuôn vàng thước ngọc. Dần dần theo thời gian, cái tôn ti trật tự Nho giáo đó của Khổng Tử đã vô tình bị biến thành một vũ khí lợi hại cho cho các triều đại quân chủ sau này. Để thực hiện ý đồ củng cố vị trí cầm quyền chuyên chế của mình, các hoàng đế Trung Hoa đã từng bước đưa vào trong hệ thống tư tưởng Nho giáo những ý tưởng về một trật tự triều đình và xã hội theo kiểu chuyên chế, về vị trí độc tôn của một đấng quân chủ và về sự phục tùng tuyệt đối. Và thế là một hệ tư tưởng khởi thủy mang tính nhân bản và hướng thiện nhằm giúp xã hội ổn định bị con người cố tình biến thành giáo điều cứng ngắc kéo dài hàng ngàn năm không gì ngoài mục đích phục vụ cho chính sách ngu dân để bảo vệ triều đình và chế độ chuyên chế bằng một sự trung thành và phục tùng tuyệt đối.

Ở nước Nam, sau khi giành được độc lập sau ngàn năm Bắc thuộc, do không có một học thuyết chủ đạo làm nền tảng cơ sở cho sự cai trị nên các triều đại phong kiến lúc bấy giờ phải du nhập hệ thống chính trị rập khuôn theo kiểu mẫu của Trung Quốc, đồng thời đưa Nho giáo lên địa vị chính thống trong việc điều chỉnh các mối quan hệ triều đình – xã hội – gia đình, là chuẩn mực cho nền giáo dục – học thuật và chế độ thi cử đương thời. Kể từ đó, trong một thời gian rất dài, tầng lớp trí thức khoa bảng nước Nam thời phong kiến ra sức nghiên cứu học hỏi Nho giáo, say mê với những bài học đạo đức, triết lý nhân sinh hay vũ trụ quan rút ra từ Tứ Thư và Ngũ Kinh, lấy việc học tập những tư tưởng giáo điều đó để thi cử làm con đường lập thân. Họ chuyên tâm sùng bái hệ thống Nho giáo mà không hề quan tâm đến một điều:  Nho giáo đã bị lợi dụng để trở thành một ý thức hệ mang tính cưỡng ép để làm cơ sở lý luận giải thích cho sự tập trung quyền lực tập trung vào tay nhà quân chủ (mà xã hội thời đó coi là trên tất cả). Do đó, tư tưởng chính trị trung tâm của Nho giáo được người ta hướng vào một quĩ đạo tập trung là bảo đảm trật tự của chế độ quân chủ chuyên chế được phục vụ bởi lòng trung thành tuyệt đối..

Cho đến mãi đầu thế kỷ 20, nền giáo dục chính thống ở An Nam vẫn còn dựa trên nền tảng Nho giáo lạc hậu giáo điều. Trong khi đất nước đang chìm đắm trong vòng nô lệ của Pháp, trong khi thế giới đang phát triển từng ngày từng giờ thì đa số giới trí thức khoa bảng hủ nho vẫn còn đang “cao chẩm vô ưu”, kê gối cao đầu ngủ chẳng lo âu điều gì trong giấc mơ đẹp của một nền học thuật tầm chương trích cú, trong một nền văn chương cao sang chữ hay nghĩa đẹp dựa theo Tứ Thư và Ngũ Kinh mà quên bẵng đi thân phận của người dân nô lệ mất nước. Và thực tế đó cũng là điều mà người Pháp lúc bấy giờ mong muốn.

Năm 1905, ba ông Phan Châu Trinh – Huỳnh Thúc Kháng – Trần Quí Cáp từ Quảng Nam đi về phía nam để vận động Duy tân, khi đến Bình Định gặp đúng ngày mở khoa thi, các cụ đã mạnh mẽ lên tiếng cho rằng “Cái học khoa cử làm hại người nước ta đã lâu, ngày nay đã thành đồ bỏ mà sỹ phu ta còn chui đầu vào trong như kiến, giấc mộng mê say này không cho một gậy ngang đầu không thể nào thức dậy được”.

Quả là một sự thay đổi lớn lao trong tư tưởng của cả 3 ông. Huỳnh Thúc Kháng, Phan Châu Trinh, Trần Quý Cáp đều là các bậc đại khoa, đều thành danh trong cái lối học hành từ chương cổ hủ ấy. Nhưng một khi đã nhận thấy chính cái học ấy đã làm ngu dân nước ta từ bao đời nay, các ông đã dứt khoát rũ bỏ nó và kêu gọi Duy Tân.

Và sau đó trong một thời gian ngắn, 3 ông đã thành lập ở Quảng Nam hàng chục ngôi trường theo lối Tân học. Trường dạy chữ Quốc ngữ, không dạy theo bài bản Tam Tự Kinh, Minh Tâm Bảo giám mà dạy lịch sử Việt Nam và thế giới, địa lý, bác vật, toán pháp. Nhiều trường còn thu nhận cả nữ sinh, điều mà trước đây hầu như không có. Ở các trường tân học này, học sinh còn được học tiếng Pháp, tiếng Nhật, lại được học cả thể dục và võ thuật. Nhiều trường có tổ chức đời sống nội trú rất chu đáo, nhiều trường thực hiện nguyên tắc “Thả canh, thả học” (mà ngày nay gọi là “vừa làm vừa học”).

Lúc bấy giờ, phong trào Duy Tân của cụ Phan được khởi xướng nhằm đánh thức giới sĩ phu ra khỏi cơn mộng mị của ý thức hệ Nho giáo, giúp họ thay đổi đầu óc và cách nhìn nhận về chế độ và xã hội, ra sức học tập những cái hay cái đẹp của tư tưởng Dân chủ và Dân quyền của Tây phương, quên đi cái trật tự vô lý “Quân – Sư – Phụ” trói buộc và nô dịch con người trong một sự phục tùng vô lối, từ đó dấn thân vào cuộc đấu tranh để giành lại quyền làm chủ cho nhân dân, giành lại độc lập cho nước Nam.

Nhân kỷ niệm 89 năm ngày sinh của ông, xin kính cẩn nghiêng mình thắp một nén hương tỏ lòng kính trọng, ngưỡng mộ và tri ân của hậu thế đối với tiền nhân.

 Lê Quang Huy (18.03.2015)


 phan chu trinh

Hơn 100 năm trước, chí sĩ Phan Chu Trinh, người đã từng sang Nhật, Pháp có dịp nhìn lại xã hội VN, ông đã viết ra những lời tâm huyết này. 100 năm sau, VN đã thay đổi được những gì? Mời các bạn cùng suy ngẫm.

MƯỜI ĐIỀU BI AI CỦA DÂN TỘC VIỆT NAM

PHAN CHU TRINH

1. Trong khi người nước ngoài có chí cao, dám chết vì việc nghĩa, vì lợi dân ích nước; thì người nước mình tham sống sợ chết, chịu kiếp sống nhục nhã đoạ đày.

2. Trong khi người ta dẫu sang hay hèn, nam hay nữ ai cũng lo học lấy một nghề; thì người mình chỉ biết ngồi không ăn bám.

3. Trong khi họ có óc phiêu lưu mạo hiểm, dám đi khắp thế giới mở mang trí óc; thì ta suốt đời chỉ loanh quanh xó bếp, hú hí với vợ con.

4. Trong khi họ có tinh thần đùm bọc, thương yêu giúp đỡ lẫn nhau; thì ta lại chỉ quen thói giành giật, lừa đảo nhau vì chữ lợi.

5. Trong khi họ biết bỏ vốn lớn, giữ vững chữ tín trong kinh doanh làm cho tiền bạc lưu thông, đất nước ngày càng giàu có; thì ta quen thói bất nhân bất tín, cho vay cắt cổ, ăn quỵt vỗ nợ, để tiền bạc đất đai trở thành vô dụng.

6. Trong khi họ biết tiết kiệm tang lễ, cư xử hợp nghĩa với người chết; thì ta lo làm ma chay cho lớn, đến nỗi nhiều gia đình bán hết ruộng hết trâu.

7. Trong khi họ ra sức cải tiến phát minh, máy móc ngày càng tinh xảo; thì ta đầu óc thủ cựu, ếch ngồi đáy giếng, không có gan đua chen thực nghiệp.

8. Trong khi họ giỏi tổ chức công việc, sắp xếp giờ nghỉ giờ làm hợp lý, thì ta chỉ biết chơi bời, rượu chè cờ bạc, bỏ bê công việc.

9. Trong khi họ biết gắng gỏi tự lực tự cường, tin ở bản thân; thì ta chỉ mê tín nơi mồ mả, tướng số, việc gì cũng cầu trời khấn Phật.

10. Trong khi họ làm việc quan cốt ích nước lợi dân, đúng là “đầy tớ” của dân, được dân tín nhiệm; thì ta lo xoay xở chức quan để no ấm gia đình, vênh vang hoang phí, vơ vét áp bức dân chúng, v.v…

 

 

Đăng ngày 24 tháng 03.2015