Một lần toan tính


Lê Tấn Lộc


«Chỉ có mỗi một vấn đề triết học thực sự nghiêm chỉnh: tự tử…»
(Albert Camus, Huyền thoại về Sisyphe)

Tôi trút các viên đá trong lon ghi-gô lên tấm bố màu xanh ô liu lấy từ bao đựng cát làm hầm trú ẩn, ở căn cứ hỏa lực Trảng Lớn cũ và bắt đầu đếm: một, hai, ba, bốn…Sáu mươi bảy viên đá cuội (từ lúc vào trại tù, mỗi ngày tôi bỏ vào lon một viên đá): sáu mươi bảy ngày đêm thức trắng dờ con mắt. Sáu mươi bảy ngày đêm đối thoại-độc thoại, lý luận quanh co biện minh cho mỗi một bận tâm độc chiếm đầu óc: chết bằng cách nào đây cho thật chắc ăn.
Tuần lễ đầu trong tù, tôi để ý thấy có rối loạn trong cơ thể mình. Tôi nhớ trước đây, mỗi lần nhận dạy học cho trường nào tôi đều hỏi han kỹ lưỡng về các tiện nghi vệ sinh, bởi tôi có tật rất nhuận trường. Thế mà bảy ngày rồi tôi không bài tiết. Kể từ ngày thứ tám, trong khi anh em bạn tù đi moi mót mọi thứ còn có thể thu nhặt thì tôi đi lượm bao cát tích trữ để mưu toan kết liễu đời mình. Đôi khi tôi phải dùng thuốc lá đổi lấy bao cát bắt đầu khan hiếm vì ai nấy đều lo thu hồi chúng để may quần áo!
Khởi đầu, mỗi sáng tôi tình nguyện nấu nước sôi cho toàn trại trong một cái chảo đụng khổng lồ. Nhờ trước đây có rèn luyện thân thể, công việc tuy khá nặng nhọc nhưng tôi làm nổi: kéo nước từ một cái giếng rất sâu, đổ vào ống sắt đựng đạn 155 ly, rồi vác trên vai mang tới trút vào chảo. Giếng cách bếp khoảng bốn, năm trăm thước. Cứ ba giờ sáng là tôi nhúm bếp. Dưới ánh lửa bập bùng tôi tháo gỡ các sôi dây ni-lông từ những bao cát ra để bện dây thừng, nói là để nối sợi dây kéo nước ở giếng. Một tháng sau tôi đã có trong tay một sợi dây lớn bằng ngón tay út, dài khoảng hai sải tay. Bấy giờ tôi mới di chuyển bếp lửa sát chân một tháp điều chỉnh tầm bắn của pháo binh. Giai đoạn một của toan tính.
Tháng thứ hai, tôi la cà làm quen với một số bác sĩ, dược sĩ, giả vờ có triệu chứng bị bệnh sốt rét để xin họ thuốc chloroquine nhà binh, loại 500 mg. Bình thường lúc rất sung sức, ăn uống đầy đủ, chỉ cần năm viên đã đủ để «thăng», vô phương cứu chữa. Mà tôi đã dư trữ được mười hai viên. Giai đoạn hai của toan tính.

Sáng nay, như thường lệ tôi nổi lửa và kiểm điểm xem còn quên điều gì khả dĩ cản trở tôi chết không êm xuôi chăng. Dây thừng, chảo nước sôi, mười hai viên chloroquine. Phương tiện tự hủy diệt coi bộ bảo đảm hữu hiệu. Liệu có phương hại đến ai không? Chắc không. Tháng rồi, một dược sĩ chui xuống địa đạo phòng thủ, mở lựu đạn nổ banh xác nhưng miểng văng trúng ba anh khác, một lọt tròng mắt, một lói ruột, một gẫy ống quyển. Cả ba sau đó cũng chết vì không có thuốc men trị liệu. Một anh kỷ sư tự thiêu bằng bao thuốc bồi của pháo binh thẩy trọn vào bếp lửa. Hai anh bạn nấu bếp kế cận bị phỏng nặng, chết từ từ trong đau đớn khủng khiếp. Bảy người bỏ mạng, hai tự chọn cái chết, năm bị chết lây. Tôi chỉ tiếc sao lúc đó mình không lởn vởn gần anh dược sĩ hay anh kỹ sư cho đỡ mất công lo nghĩ, toan tính. Sáu mươi bảy ngày đêm vật lộn với ý thức, sáng suốt đến độ tàn nhẫn với chính mình…
Tôi ôn lại trong đầu diễn tiến các động tác phải làm lát nũa đây: ba giờ sáng, nhúm lửa; bốn giờ, nước sôi sùng sục; bốn giờ mười lăm, uống mười hai viên chloroquine; bốn giờ bốn mươi lăm, leo lên tháp canh; bốn giờ năm mươi, cột một đầu dây vào nóc chòi canh, đầu kia thắt thòng lòng tròng vào cổ, chờ cho thuốc ngấm; năm giờ, nhảy xuống như nhảy dù. Nếu dây đứt bất tử, đã có chảo nước sôi bên dưới hứng đón. Nếu nước sôi không luộc tôi đủ chữ thì đã có mười hai viên chloroquine phụ lực đưa tôi an toàn sang bên kia thế giới. Chu đáo quá! Chắc ăn hơn nữa là giờ nầy, trừ mấy tên quỷ sứ đỏ gác ngoài vòng rào chỉ có tôi còn thức toan tính tự hủy diệt. Nếu lũ quỷ vô thường nghi ngờ tôi âm mưu chuyện gì mờ ám thì chúng sẽ nổ súng vào tôi. Thêm một bảo đảm nữa cho cái mưu toan chấm dứt đời mình, vốn đã quá chắc ăn rồi.

Tại sao tôi thèm chết một một cách quá hắc ám đến thế? Tôi điên? Chắc vậy. Mà cái gì làm tôi điên? Từ trước đến nay tôi vẫn tự hào rất vững tinh thần trong mọi cảnh ngộ, chẳng lẽ tôi cam chịu chết chìm ở một lỗ chân trâu sau khi đã đi sông đi biển mà không chết? Tôi không tìm được câu trả lời nào thích đáng. Nhưng điều đó không ngăn cấm tôi thèm chết. Trong đời tôi có hai lần tôi cứu hụt hai người đàn bà tự sát vì tình duyên trắc trở. Người thứ nhất thắt cổ ở một khách sạn. Tôi để ý thấy có mấy tờ báo bị xé vụn thả đầy dưới chân giường. Người thứ hai nhảy xuống sông Tiền Giang Mỹ Tho trầm mình. Tôi cũng để ý thấy cỏ mọc ven sông bị cào cấu nát bấy bỏ thành đống. Họ chắc đã suy nghĩ rất nhiều và tâm can chắc cũng bị cắn xé tan tành như giấy báo và cỏ cây mà họ đã giầy vò cấu xé tơi tả…

Tự tử là một hành vi can đảm hay hèn nhát? Ai dám bảo có câu giải đáp dứt khoát? Kẻ lý luận đời mình không ngừng dự phóng thì cho tự tử là một thất bại, bởi vì với cái chết mọi dự phóng đều bị hư vô hóa. Với người cho rằng đời chỉ đáng sống khi còn có ý nghĩa thì tự tử là một hành vi hợp lý. Nếu có lý do tôn giáo chen vào thì càng rắc rối thêm: Tự tử là thách thức Thượng Đế; tự tử không giải quyết được gì hết vì vòng luân hồi vẫn chưa được giải. Đằng nào người tự tử cũng vẫn phải đơn độc lấy quyết định…
Quyết định vị kỷ? Chỉ có người đã tự tử mới trả lời được. Mà cũng chỉ có cỏ cây, giun dế mới nghe câu trả lời được thôi. Bí mật vẫn bao trùm: có người tự tử hụt thì từ đó được miễn nhiểm, nghĩa là tởn tới già. Có người lại tiếp tục tìm cách tư sát nữa, cho tới khi đạt mục tiêu vĩnh viễn ra đi. Ai đúng? Ai sai? Vấn đề không còn là đúng hay sai nữa, mà là làm hay không làm. Mà làm hay không cũng chỉ do mình quyết định, bởi thế mới gọi là tự tử !

Hôm nay, tôi hết còn nhu cầu quanh co. Làm. Nước đã sôi lâu rồi. Tôi đếm lại các viên chloroquine trước khi tống chúng vào miệng. Một ý nghĩ đã dằn vặt tôi bấy lâu nay lại muộn màng chợt thoáng qua đầu tôi: Tội cho vợ con tôi quá! Tôi ngừng tay trong gang tấc…
Cái gì đã giữ tay tôi lại sau sáu mươi bảy ngày đêm ròng rã toan tính không ngưng nghỉ? Ngay bây giờ -giây phút tôi viết tới đây- nếu ai hỏi tôi có lẽ tôi sẽ thao thao bất tuyệt giải thích, trong trạng thái bình tâm, kiểu như người vừa thoát chết sau một cơn bạo bịnh hay một tai nạn hiểm nghèo bình tĩnh kể lại…Nhưng trong cơn mê điên lúc bấy giờ, tôi chỉ thấy mình vừa vụt thoát khỏi vùng u tối ghê rợn. Cùng lúc, từ xa văng vẳng tiếng chuông rộn rã hòa điệu với bản thánh ca: «Cuộc sống con người như cỏ hoa. Một cơn gió thoảng đủ làm nó biến đi. Nơi nó mọc cũng không còn mang vết tích…».

Hôm nay, lẽ ra từ năm giờ sáng trở đi tôi đã là một sự có mặt vĩnh viễn bị bôi xóa. Nhưng cả trại tù đã thức giấc, mặt trời cũng đã mọc, tôi vẫn còn ngồi bất động bên cạnh hàng rào kẽm gai, mắt mờ lệ hướng nhìn ngôi giáo đường ẩn hiện lờ mờ trong sương sớm, bên ngoài vòng rào, nghe tâm hồn bình lặng theo tiếng chuông ngân nga. «Còn khóc được là còn hạnh phúc», tôi thầm nghĩ…Ai có niềm tin thì cho rằng đã có một phép lạ. Ai không tin hoặc chưa tin thì nghĩ tiếng chuông là một âm thanh tình cờ đánh thức tôi, như người đang thiếp ngủ trên tay lái chợt tỉnh đạp thắng kịp khi xe mình sắp lao xuống vực sâu.

Ngày thứ sáu mươi tám, thật lạ lùng: Tôi đột ngột ra khỏi cơn ghiền chết. Nhưng không có nghĩa là tôi ham sống trở lại. Tôi hết còn toan tính tự sát nhưng vẫn còn thích chết. Đúng hơn, tôi thụ động chờ chết: Lúc kho đạn cũ của Sư đoàn 18 Bộ Binh ở Xuân Lộc phát nổ, một số đông bạn tù của tôi bỏ mạng. Nhằm lúc tôi đang nấu bếp. Ai nấy lo tìm chỗ trú ẩn, chỉ có tôi đứng sừng sững như chờ đạn pháo rớt trúng mình cho xong chuyện. Đêm đó, nằm trong mùng tôi ước ao mùng biến thành hòm bó xác tôi luôn cho tiện!
Đến tháng thứ sáu trong tù, nhân vụ phụ tay khiêng xác một dược sĩ tự tử (lại thêm một dược sĩ đi tìm cái chết!), tôi sống lại hoài niệm thương động ngày thứ sáu mươi bảy ở Trảng Lớn. Anh dược sĩ nầy chắc cũng đã chuẩn bị cái chết của mình rất lâu và rất chu đáo như tôi. Anh nuốt trọn một tuýp Valium 10 trước khi dùng dây kẽm treocổ trên sà nhà rất thấp. Anh vận nội công nhấc bổng hai chân lên (anh vốn là huyền đai đệ tam đẳng Thái Cực Đạo) và chết trong tư thế ngồi xếp bằng, thi thể lủng lẳng là đà mặt đất…
Từ đó, tự nhiên tôi bắt đầu chợp mắt được đôi chút và bắt đầu thấy có bổn phận trường tồn. Nếu quả thật «Vanitas vanitatum et omnia vanitas» (Phù du trong những phù du và tất cả đều phù du) thì tôi chỉ còn có mỗi một việc phải làm trước mắt: sống! Bởi chỉ có một thứ còn trong vòng tay tôi: cuộc đời tôi. Từ bụi tro đến thì tôi cũng sẽ trở về tro bụi, nhưng cứ để theo tiến trình tự nhiên. Thản nhiên sống, thản nhiên chết. Đừng có bày đặt rắc rối lôi thôi!
Bấy giờ tôi mới vỡ lẽ tại sao mình đã thèm chết đến thế: Xảo thuật tẩy não của loài quỉ đỏ thật tinh vi. Chúng không đầy đọa anh liền tức khắc khi anh bước vô vòng kẽm gai. Nhưng chúng chặt đứt mọi liên lạc của anh với thế giớ bên ngoài cho anh chới với, để rồi anh thường xuyên sống cảnh chờ đợi cây gươm Damoclès rớt xuống đầu anh. Nếu trước đây anh có cuộc sống náo động thì sự bất động miễn cưỡng giờ đây làm cho anh mau sa sút về mọi mặt, như chiếc xe hơi đang chạy hết tốc lực đột ngột khựng lại vì bị đứng máy. Độc hại hơn hết là anh chẳng bao giờ có cơ hội ngang nhiên nổi máu anh hùng: Không còn ai biết đến anh nữa (anh có cảm tưởng như vậy), và anh sẽ mòn mỏi chết như một con chó hoang ở một xó xỉnh nào đó. Riêng tôi, nhìn lại tiến trình «thèm chết» tôi nghiệm thấy nó như một nhu cầu chấm dứt sự chờ đợi căng thăng thường xuyên đang tàn phá kinh khiếp tim óc mình.

Từ đó, tôi nghĩ trước sau gì cũng chết, tội gì phải gấp gáp. Hãy sống cái đã! Mà muốn ham sống, phải có một động lực nào mạnh ngang hoặc hơn bản năng sinh tồn: Niềm TinTình Yêu. Cảm xúc và đam mê còn là sự sống còn vươn lên được. Trước mắt là gắn bó với anh em đồng cảnh ngộ, gắn bó với anh em khác cảnh ngộ nhưng cùng một chiến tuyến. Tôi nhập cuộc trở lại với anh em bằng các mà bọn hung thần không thể nào kiểm soát: tâm tưởng. Gặp nhau trong lời nguyện cầu, niềm hi vọng thầm kín trong đầu. Ánh mắt diễn đạt đã đủ để chuyển thông điệp. Cộng thêm những nhạc khúc cố tình đánh lạc nhịp nhưng âm điệu vốn đã quen nghe, những bài thơ đọc hoặc viết ngược, v.v…Có một điều bọn quỷ dữ vẫn biết mà không sao ngăn cản được là cứ tới ngày Phật Đản hay Giáng Sinh, anh em tù ra sân chơi, đứng lặng yên cúi mặt hay ngước nhìn trời cao, thay vì cười nói huyên thiên. Và sư tôn kính dành cho quì vị tu sĩ cùng ngồi tù vẫn nguyên vẹn, có phần tăng trưởng.

Riêng tôi, nhờ bọn ác quỷ tôi tìm lại được TÌNH YÊU tưởng đã chai lì theo ngày tháng, thói quen và NIỀM TIN tưởng đã vĩnh viễn mất với cuộc sống đua đòi trước đây.
Tình Yêu thêm sức cho thiện ý nẩy nở vượt bực nơi tôi, khiến tôi chỉ còn muốn thấy và giữ những gì tốt đẹp ở anh em, nhằm tạo một sinh lực dư thừa khả năng xô ngã bức tường tù túng của những tị hiềm nhỏ nhoi còn ngăn trở anh em chúng ta nắm tay nhau thực hiện
Một niềm tin, một niềm tin sắt đá:
Sẽ có ngày bạo lực tàn hơi…

Đổ-Lá-Đầy-Ấp-Mơ, Xứ Tuyết
Lê Tấn Lộc