Theo dòng năm tháng
Nguyễn Trần Trác
Mùa hè năm học 1966-1967, tôi tốt nghiệp Đại Học Sư Phạm và được bổ nhiệm về dạy tại Nữ Trung học Lê Ngọc Hân, Mỹ Tho, tỉnh Định Tường. Đây là một thành phố xinh xắn, duyên dáng, nằm bên bờ sông Tiền. Giữa sông là những dải cồn xanh ngắt. Phía bên kia là thị trấn Trúc Giang thuộc tỉnh Kiến Hòa ( Bến Tre). Nối hai bờ sông là những chuyến Bắc của bến Phà Rạch Miễu. Từ khi có cây cầu văng nối hai bờ, cách nay khỏang một năm, bến phà này đã ngưng hoạt động, để lại một chút bâng khuâng cho những người hoài cổ.
Dạo ấy, xe đi Mỹ Tho nằm ở bến xe Petrus Ký, gần hãng giày Bata. Để đi xuống Mỹ Tho, có thể đi xe đò, giá vé 15đ. Muốn đi nhanh hơn thì đi xe lô của hãng Minh Chánh, giá vé 20đ. Xe lô là những xe Hoa Kỳ,loại xe du lịch lớn, được cải tạo làm xe chở khách. Đi xuống tới bến xe Mỹ Tho, khi đó ở trong thành phố ,gần cầu Bạch Nha, chỉ mất hơn một giờ đồng hồ. Cứ 5 phút là có một chuyến xe rời bến. Ra khỏi Sài Gòn, qua mũi tầu Phú Lâm, tới huyện Bình Chánh đã thấy hai bên đường ruộng lúa mênh mông, phong cảnh thật thoáng đãng (bây giờ nhà cửa đã san sát, bụi bậm). Những cầu lớn trên đường như cầu Bình Điền, cầu Bến Lức, cầu Tân An đều là những cầu sắt, hẹp, xây dựng từ thời Pháp, xe chỉ chạy được một chiều. Ở hai đầu cầu có hai người lính có nhiệm vụ quay cái bảng báo hiệu giao thông. Khi các xe nhìn thấy bảng Stop, màu đỏ thì phải dừng lại ,nhường cho xe bên kia đi qua. Khi thấy bảng xanh thì chạy qua. Tới cuối thập niên 60, đầu thập niên 70 thế kỷ trước, nhà nước cho xây dựng các cầu bê tông rộng rãi để thay thế. Xe có thể chạy hai chiều thoải mái.
Khi tôi xuống trường trình sự vụ lệnh, người tiếp tôi để xếp thời khóa biểu là cô H, giám học (sau này, cô chuyển về Sài Gòn, làm việc nhiều năm ở Nha Trung Học, thời giám đốc là thầy Đàm Quang Thiều). Cô H là giáo sư Pháp văn, người trắng trẻo, xinh xắn. Cô nói: "Tiếc quá, anh về trường hơi trễ, đã sắp xong thời khóa biểu. Đành nhờ anh dạy hộ sáu lớp Đệ Lục và hai lớp Đệ Tam, một lớp ban B và một lớp ban A. Và anh chịu khó dạy hộ các môn Lý, Hóa và Vạn Vật". Thế là, ngòai hai môn Vật Lý và Hóa Học, tôi phải mua thêm sách Vạn Vật để thầy đọc trước, trò học sau. Năm đó, ở Đệ Lục, các em học con ve sầu, con châu chấu , con chuồn chuồn, hoa bông bụp... Dạy Vạn Vật thì phải vẽ hình nhiều, được cái là tôi cũng hơi có hoa tay nên chắc các em học trò nhỏ, nếu chấm điểm thầy cũng cho là “dạy được”. Các em rất dễ thương, xinh xắn và hồn nhiên.
Nửa năm ta dạy lớp Đệ Lục
Học trò xinh xắn, hồn như gương
Thường đàn chim nhỏ ta thường ngắm
Tung tăng chân sẻ lúc tan trường
Từng đôi mắt sáng ngây thơ lạ
Từng giọng chim non ríu rít vui
Ta nghĩ đời ta rồi mãi mãi
Vui cùng phấn trắng bảng đen thôi.
Cũng có nhiều kỷ niệm vui vui. Tôi được cụ thân sinh đặt tên là Trác, lấy ý từ câu “Ngọc bất trác, bất thành khí” (ngọc mà không được mài dũa thì cũng không thành vật dụng gì). Ấy thế mà,trong một lần thầy trò vui vẻ chuyện phiếm, một em hỏi : “Sao tên thầy xấu thế?”. Hỏi : Xấu như thế nào? Em trả lời : “ Người ta thường nói: Tổ trát, mà tên thầy lại là Trát”. Té ra, các em học sinh miền Nam thường lẫn lộn chính tả giữa các từ tận cùng bằng phụ âm “c” và bằng phụ âm “t”. Tôi phải giải thích cho em về sự nhầm lẫn chính tả nói trên. Từ đó,trong các niên học sau, giờ học đầu tiên, khi tự giới thiệu với các em học sinh, tôi nói rõ “Trác tận cùng bằng c nhé, không phải là t”.
Trong một lớp, có một em khá xinh xắn,tên là Việt nhưng họ là Trác,và tên đệm lại là Ái. Mỗi lần gọi lên trả bài : Trác Ái Việt , tôi lại buồn cười về sự oái oăm của tên cô học trò.
Ở Đệ Tam, môn Vạn Vật, các em học về Địa Chất học: đất, đá, các hiện tượng địa chất, v.v... với học sinh lớp 10 ngày nay thì các em Đệ Tam thời đó trưởng thành hơn, có ý thức tự học hơn rất nhiều. Tôi dạy lớp Đệ Tam A vào buổi sáng; lớp Đệ Tam B, buổi chiều.
Trong trường, có nhiều thầy cô từ Sài Gòn xuống dạy nên chị H, giám học, rất thông cảm, xếp thời khóa biểu gọn trong nửa tuần. Nửa tuần còn lại ở Sài Gòn, người thì đi dạy thêm, người thì ghi danh học lên cao học. Qua học kỳ I thì tới thời gian nghỉ Tết, thầy trò trong mấy ngày cận tết cứ tíu tít về liên hoan. Giờ cuối cùng tôi dạy là giờ học thứ năm của một chiều thứ bảy. Vừa xong buổi liên hoan với các em học sinh, tôi đi thẳng ra bến xe đề về Sài Gòn.
Bến xe trong buổi chiều muộn của một ngày gần tết, trông vắng và buồn, chỉ còn một chuyến, có lẽ là chuyến chót, đang nằm chờ khách. Tôi đang ngồi trên xe thì thấy hai em học trò nhỏ, chở nhau trên xe đạp, ra bến, đứng ngơ ngác trong cảnh chiều vắng và rộng của bến xe trong ngày tất niên. Tôi nhận ra hai em học sinh của mình nên bước xuống để các em trông thấy. Các em chạy ùa lại, nói vài lời chúc tết ngượng ngập và tặng thầy một món quà nhỏ.
Một nét đẹp văn hóa Tết hàng năm của Sài Gòn là chợ hoa Nguyễn Huệ trong những ngày cận tết. Chợ họp trên con đường chính ở giữa, chạy dài từ bùng binh phun nước trước tòa Đô Chính tới bến Bạch Đằng. Đi chơi chợ hoa thì phải đi buổi tối. Trong ánh đèn sáng rực dọc đường Nguyễn Huệ, cơ man nào là các loại kiểng, loại hoa quý cho mấy ngày tết : Những cây mai cổ thụ hoa vàng rực rỡ, những chậu cúc đại đóa trắng hay vàng, các loại thược dược mơn mởn, các giò lan quý “muôn mầu muôn vẻ lại muôn hương” ( thơ Nhất Linh) v.v...
Đi chợ hoa Nguyễn Huệ vừa là để ngắm hoa, vừa là đề ngắm khách du xuân. Ai cũng ăn mặc đẹp: các chị, các cô thường mặc áo dài, thêu hay vẽ rất mỹ thuật, nam thì tươm tất ,lịch sự như đi dự lễ hội. Thật là “ngựa xe như nước, áo quần như nêm”. Mặc dù chiến tranh nhưng mọi người đều an tâm vui tết, vì trước đó hai bên đã có thỏa thuận hưu chiến 36 tiếng để dân chúng được vui xuân.
Đêm 30 tết, khi cúng giao thừa xong thì pháo bắt đầu nổ ròn rã , hầu như cả đô thành đua nhau đốt pháo, khói pháo bay mù mịt các khu phố.Dân chúng không ai biết, đó cũng là lúc 84.000 quân cộng sản miền Nam và Bắc Việt đã đồng lọat mở các cuộc tấn công khắp nơi, từ vùng phi quân sự ở phía Bắc cho tới bán đảo Cà Mâu ở phía nam. Cuộc công kích đã xảy ra ở năm trong sáu thành phố lớn, ba mươi sáu trong bốn mươi tư tỉnh lỵ, sáu mươi tư trong 242 huyện lỵ và ở ngay cả thủ đô Sài Gòn. Trong các thành phố và các tỉnh bị công hãm, lực lượng Việt Nam Cộng Hòa, với quân số thiếu hụt do một số đông rời đơn vị về nhà nghỉ tết, đã phải chiến đấu ngoan cường để bảo vệ các cơ quan hành chính và quân sự.
Mặc dù bị tấn công bất ngờ nhưng quân đội VNCH cũng như Hoa Kỳ đã nhanh chóng nắm lại tình thế và tổ chức phản công. Với hỏa lực vượt trội và tính cơ động cao, họ đã đẩy được lực lượng VC và Bắc Việt ra khỏi các thành phố và các tỉnh lỵ và gây cho phía cộng sản các tổn thất nặng nề. Tướng Westmoreland đã nhanh chóng nhận định cuộc tấn công của cộng sản đã hoàn toàn thất bại (sau năm 1975, cán bộ tuyên huấn ở Hà Nội vào lên lớp chính trị cho trí thức ở Sài Gòn cũng nói thật : Cuộc tổng công kích Mậu Thân của ta, tuy có ý nghĩa to lớn về chính trị, nhưng bị thiệt hại rất lớn về lực lượng, hầu hết các cơ sở của ta đều bị phá vỡ).
Nhưng các tin tức vể cuộc tổng công kích đã như một tiếng sét làm rung chuyển nước Mỹ. Sự kiện đối phương đã có thể bất thần thực hiện một cuộc tiến công dữ dội như vậy ở khắp Miền Nam VN đã làm tan tành cái ảo tưởng về một chiến thắng gần kề cho cuộc chiến. Nhiều người Mỹ choáng váng, giận dữ và bối rối vì nhận ra rằng họ đang dính líu vào một cuộc chiến không lối thoát ở Đông Nam Á. Mặc dầu bị tổn thất nặng nề nhưng Hà Nội đã ghi được một chiến thắng quyết định về tâm lý và về chính trị trước Hoa Kỳ và đồng minh Việt Nam Cộng Hòa. Tết Mậu Thân thực sự đã là một bước ngoặt trong chiến tranh Việt Nam. Tổng thống Johnson đã buộc phải từ bỏ chiến lược leo thang chiến tranh, giảm ném bom Bắc Việt, để đối phó với các khủng hoảng chính trị. Những tháng đầu tiên của 1968 là thời gian quan trọng nhất trong toàn bộ lịch sử về sự dính líu dài đằng đẵng của Hoa Kỳ tại Việt Nam.
Giai đoạn một của cuộc Tổng Công Kích-Tổng Khởi Nghĩa (TCK-TKN) bắt đầu từ tháng 10/1967 với hàng loạt cuộc tấn công ở các vùng ngoại vi của Nam Việt Nam: Sông Bé, Lộc Ninh ở gần biên giới Kampuchia, Đak -Tô ở cao nguyên Trung Phần, Cồn Thiên ở nam vùng phi quân sự, nhắm mục đích kéo bớt lực lượng Mỹ và VNCH ra khỏi các trung tâm đông dân, nơi sẽ là mục tiêu công kích của họ vào giai đọan hai. Trong thời gian này, người Mỹ ghi nhận mức độ thâm nhập của quân miền Bắc qua đường mòn Hồ Chí Minh tăng nhanh. Westmoreland cho rằng quân cộng sản sẽ tấn công hai tỉnh ở bắc Trung Phần, Quảng Trị và Thừa Thiên, do đó, điều thêm quân tăng cường cho căn cứ Khe Sanh.
Ngày 10 /01/1968, Trung tướng Frederick Weyand, sĩ quan chỉ huy Mỹ ở quân đoàn III, cảnh báo Westmoreland rằng các tin tình báo cho biết Cộng quân đang di chuyển lực lượng từ các vùng biên giới về Sài Gòn và các thành phố khác. Trước cảnh báo này, Westmoreland điều một số đơn vị lính Mỹ về vùng ven Sài Gòn. Ông ta cũng thuyết phục tướng Thiệu giữ lại một nửa quân số VNCH để trực chiến trong thời gian Tết. Có lẽ nhờ vậy mà Sài Gòn không bị cộng quân tràn ngập trong những ngày tết Mậu Thân. Tuy nhiên, Westmoreland vẫn tin rằng cộng quân sẽ tấn công các tỉnh ở bắc Trung Bộ.
Giai đọan hai của TCK-TKN bắt đầu từ nửa đêm 30/01/68 (đêm giao thừa Tết âm lịch). Tại Sài Gòn, quân cộng sản tấn công Dinh Tổng Thống, tòa Đại Sứ Mỹ, Bộ Tổng Tham Mưu quân đội VNCH gần sân bay Tân Sơn Nhất, đài phát thanh, sân bay Biên Hòa.
Lỗ thủng ở tường rào tòa Đại Sứ Hoa Kỳ do bộc phá của đội cảm tử VC trong vụ tổng công kích Mậu Thân.
Lúc 2g45, sáng ngày 30/01, một nhóm đặc công VC đột nhập tòa Đại Sứ Hoa Kỳ và bị chặn đánh bởi đội quân cảnh Mỹ, bảo vệ tòa Đại Sứ. Cuộc chiến đấu kéo dài hơn 6 tiếng rưỡi đồng hồ. Cả toán đặc công bị tiêu diệt và bị bắt.
Một người lính thủy quân lục chiến trong cuộc chiến trong từng con phố, từng căn nhà tại mặt trận Huế.
Đây là thành phố cổ kính,thơ mộng ,cố đô của Việt Nam ,nhưng cũng là nơi diễn cuộc chiến dằng co, khốc liệt, đẫm máu nhất trong biến cố Mậu Thân. Sáng ngày 31/01, khoảng 7.500 lính cộng sản bất ngờ tràn ngập, áp đảo lực lượng phòng vệ của VNCH, và chỉ trong vài giờ, họ chiếm được Hòang Thành và một phần thành phố bên kia sông Hương. Ngày hôm sau, quân đội VNCH và lực lượng đồng minh Mỹ phản công với sự yểm trợ của không quân và pháo của các chiến hạm Đệ Thất hạm đội. Ngày 02/03/1968, trận chiến tại Huế mới chấm dứt: hơn 8000 lính hai bên tử trận trong cuộc chiến kéo dài một tháng. Khoảng 75% dân chúng Huế mất nhà cửa do bom đạn. Mùi tử khí váng vất trên cảnh hoang tàn đổ nát. Huế được cứu nhưng đã bị tàn phá.
Căn cứ Khe Sanh của Thủy Quân Lục Chiến Mỹ
Sáng ngày 20 tháng 01,quân Bắc Việt từ những cao điểm xung quanh nã pháo, rocket vào căn cứ Khe Sanh do Thủy Quân Lục Chiến Mỹ trấn đóng, mở màn cho trận chiến khốc liệt nhất mùa Xuân 1968. Tin tức về trận chiến tràn ngập trên các trang nhất của báo chí Mỹ trong suốt thời gian căn cứ bị quân Bắc Việt vây hãm. Tướng Giáp của Bắc Việt quyết tâm biến Khe Sanh thành một Điện Biên Phủ thứ hai nhưng ý đồ này hoàn toàn bị thất bại. Quân Bắc Việt phải rút khỏi Khe Sanh sau 77 ngày tấn công và vây hãm, sau khi thiệt hại nặng nề. Ước tính 10.000 quân Bắc Việt vừa bị chết vừa bị thương; đổi lại, hơn 200 Thủy Quân Lục Chiến Mỹ tử trận.
Tại Sài Gòn, nhiều khu vực dân cư như khu Bàn Cờ, khu đường Nguyễn Kim ở quận 5, v.v… bị tan nát. Dân chúng nheo nhóc chạy khỏi các vùng lửa đạn. Khu Trương Minh Giảng tôi ở may mắn không xảy ra giao tranh, tuy nhiên dân chúng sợ tình hình kéo dài, nhốn nháo mua lương thực dự trữ. Để tránh nạn đầu cơ của con buôn, chính quyền địa phương tổ chức cửa hàng bán gạo cho dân theo sổ gia đình. Người Sài Gòn thấy chiến tranh không còn là những hình ảnh từ những nơi địa đầu xa xôi, chỉ thấy trên báo chí, mà có thể xảy ra ở bất cứ đâu, bất cứ lúc nào, ở ngay bên cạnh.
Tới mùng 5 tết, mặc dù chưa hết giao tranh nhưng tình hình an ninh ở trong nội thành Sài Gòn đã được kiểm soát, chiến cuộc chỉ còn tiếp diễn ở các vùng ven. Sáng sớm ngày mùng 6 tết, tôi ra bến xe Pétrus Ký để xuống Mỹ Tho, vì đã hết thời gian nghỉ tết. Bến xe vắng ngắt chỉ có vài xe chạy, có lẽ là những xe bị kẹt lại Sài Gòn do binh biến. Khi xe tới gần Phú Lâm thì tiếng súng lại nổ ròn rã. Tài xế nhấn ga cho xe vọt nhanh. Chạy tới địa phận Quận Bình Chánh, gần văn phòng Quận trưởng thì xe phải ngừng lại vì đằng trước là một đoàn xe dài nằm ụ. Mọi người xôn xao hỏi nhau: chưyện gì vậy? Chuyện gì vậy? Trả lời: Đường bị đắp mô! Khoảng một giờ sau, đoàn xe mới từ từ lăn bánh. Xe chạy được vài chục mét, nhìn ra ven đường, tôi thấy hai xác chết nằm sấp mặt trên bờ ruộng.
Xuống tới Mỹ Tho, khi tôi vào trường, vừa bước vào phòng giáo sư thì được bà hiệu trưởng tươi cười chào đón, vì hầu hết các giáo sư ở Sài Gòn còn bị kẹt lại, chưa xuống dạy. Buổi học đầu tiên, các em học sinh cứ nói chuyện tíu tít, quên cả học. Có em còn đem khoe với tôi những tập vở bị cháy xém một phần. Một vài khu ở Mỹ Tho cũng bị nạn binh lửa. Tình hình an ninh ở nội ô Mỹ Tho đã được vãn hồi, nhưng thỉnh thoảng vẫn bị VC pháo kích từ phía Kiến Hòa. Nhiều nhà đã phòng sẵn nơi trú ẩn. Nhà tôi ở trọ, gia đình chủ nhà cũng có một “hầm trú ẩn”. Đó là một bộ ván ngựa khá dày ở tầng trệt. Khi nghe có tiếng đạn pháo kích, cả gia đình nấp dưới bộ ván ngựa.
Mỹ Tho an bình trở lại khi Kiến Hòa đã được bình định, không còn tiếng đạn pháo kích bắn sang từ bên kia sông. Tuy vậy chiến cuộc vẫn còn ác liệt tại Huế và vài địa phương khác. Nhà nước ra lệnh tổng động viên. Các giáo chức là sĩ quan biệt phái nhận được lệnh trở lại quân ngũ. Các giáo sư mới ra trường, đến tuổi quân dịch, cũng được gọi đi huấn luyện khóa sĩ quan dự bị tại trường võ bị Thủ Đức. Đây là thời gian ông Trần Văn Hương, cựu giáo sư Collège de My Tho, làm Thủ Tướng ( Ông Hương rất có uy tín thời đó vì ông được tiếng là liêm khiết và trước đó đã có một thời làm Đô Trưởng Sài Gòn, nhưng ông quá trực tính, không có cái “mánh khoé” và cái mềm dẻo của người làm chính trị, nên ông chỉ ngồi được ghế Thủ Tướng một thời gian ngắn, trước khi bị mấy ông tướng trẻ hãnh tiến lật nhào). Các giáo sư ngoài hai thành phần trên, lần lượt phải tham dự lớp huấn luyện khóa sinh dự bị sĩ quan, 9 tuần, ở Trung Tâm Huấn Luyện Quang Trung. Trường bị thiếu giáo sư nghiêm trọng. Cô giám học đề nghị tôi trả lại sáu lớp Đệ Lục để chuyển lên dạy cả sáu lớp Đệ Tam. Một lớp Tam B học buổi chiều và năm lớp A học buổi sáng. Tôi đã rất quyến luyến các em học trò nhỏ của mình khi phải từ giã.
Ngày xưa, ở các trường Trung học, buổi sáng học từ 7g tới 12g, buổi chiểu học từ 1g tới 6g. Tính theo giờ chứ không theo tiết như hiện nay. Mỗi buổi như vậy học 5 giờ,trong đó có 20 phút ra chơi ở giữa buổi. Khác với học sinh các lớp Đệ Lục, ở Đệ Tam, các em đã là những thiếu nữ ở tuổi 15, 16. Trong các giờ học, các em tỏ ra rất hiền và chăm chỉ, lắng nghe giảng, không nói chuyện ồn ào. Mỗi buổi sáng hay chiều, tôi luôn luôn có niềm vui mỗi khi bước vào lớp dạy.
Các lớp Đệ Tam học ở một dãy phòng tách biệt , chơ vơ ở một góc sân trường,nên được gọi là dãy cù lao. Nhiều buổi dạy chiều, trong tiết học cuối, ngoài sân nắng đã nhạt, đang giảng bài tôi chợt nhìn qua khung cửa sổ, sao thấy bầu trời đẹp quá!
Có những buổi học đẹp như mơ
Trời chiều lồng lộng dáng ngây thơ
Tóc mây một thủa em mười sáu
Ai biết những gì em ước mơ?
Đó là học kỳ hai của năm đầu tiên tôi bước vào nghề dạy học.
Năm học mới,tôi được phân dạy một lớp Đệ Nhất B và một lớp Đệ Nhất A và hai lớp Đệ Nhị.
Dạy được một thời gian thì nhận được lệnh trình diện, cùng nhiều nam giáo sư của trường, đi học khóa huấn luyện dự bị sĩ quan, gọi nôm na là lớp quân sự 9 tuần, tại Trung Tâm Huấn Luyện Quang Trung. Các giáo chức được tập họp thành một tiểu đòan, gọi là tiểu đoàn Trần Quốc Toản (hay thường gọi là tiểu đòan giáo chức), các khóa sinh mang bảng tên mầu vàng (khác với các khóa khác mang bảng tên mầu đỏ). Tôi được phiên chế vào đại đội D. Thủ tục đầu tiên khi tới Trung Tâm là khám sức khỏe. Mọi khóa sinh phải cởi hết quần áo đứng trước mặt một ông bác sĩ quân y, hai tay dơ lên cao. Ông bác sĩ nhìn sơ qua rồi ghi vào y bạ: sức khỏe tốt! (các khóa sinh từ đó, khi gập nhau, chào nhau bằng cách dơ hai tay lên như khi đứng trước ông bác sĩ và cười ha hả. Một tối, giữa khóa huấn luyện, tiểu đòan được tập họp để tham dự một buổi văn nghệ khá đình đám với các ca sĩ tên tuổi vào giúp vui, trong đó có Giao Linh. Mấy cô ca sĩ thấy các khóa sinh chào nhau bằng cách dơ hai tay lên, cũng muốn hòa đồng nên khi lên biểu diễn, thay vì cúi chào khán giả, các cô đứng dơ hai tay lên trời, khiến bên dưới mọi người cười nghiêng ngả). Trong các trung tâm huấn luyện, kỷ luật là sinh viên dự bị sỹ quan khóa sau phải chào sinh viên khóa trước. Nhập gia tùy tục, khi gập các em khóa trước đeo bảng tên đỏ, tôi cũng dơ tay lên mũ chào, nhưng các em cản lại, nói : thôi, thầy ơi, đừng chào tụi em.
Tuy chẳng ham gì cái món tập quân sự nhưng bây giờ nghĩ lại thấy chín tuần đi học quân sự cũng là một kinh nghiệm hữu ích và thú vị. Nào là học tháo ráp súng ga-răng, súng M 16, ra xạ trường tập bắn, tập vượt qua chướng ngại vật. Gay cấn nhất là màn trườn đi dưới hỏa lực. Các khóa sinh hai tay ôm khẩu ga-răng , người sát đất, dùng hai khủyu tay trườn người đi, dưới một lớp dây thép gai, trong khi một ông trung sĩ ngồi ở cuối bãi tập, quạt khẩu trung liên bắn tía lia, đạn nổ ròn rã ở phía trên rào thép gai. Cậu nào trườn đi mà nhổm mông lên cao, hứng phải một viên đạn thì “táng mạng sa trường”. Có ông bạn bảo: đừng lo, họ bắn đạn mã tử đấy, không phải đạn thật đâu. Chẳng biết ông bạn nói có đúng không nhưng chẳng thầy nào dám vừa trườn vừa nhổm mông lên để kiểm tra xem đạn thực hay đạn mã tử.
Ngoài các giờ thực hành, các khóa sinh còn phải ngồi nghe mấy ông huấn luyện viên giảng về lý thuyết. Một buổi, huấn luyện viên là một tay trung úy, giảng về một đề tài gì đó, có nói tới “tần số”. Một khóa sinh không hiểu (cậu này là một giáo viên tiểu học), dơ tay hỏi: Nhờ trung úy cho biết tần số là gì? Cậu huấn luyện viên (chắc nghĩ thầm mình bị khóa sinh hỏi thử, xem mình có hiểu tần số là gì thật không) nên tự ái, nổi sùng trong bụng, phạt cậu khóa sinh tội nghiệp chạy mười vòng quanh hội trường. Cậu này vốn nhỏ con, xong mỗi vòng phải đếm to: một, hai, ba..., chạy mệt lè lưỡi.
Rồi thì tập cận chiến, đi hành quân ngoài bãi với đủ súng ống, đạn dược, quân dụng, như thật. Buổi trưa mệt lử, mỗi người kiếm một bụi cây ngả lưng, bất kể những đám phân bò bên cạnh. Nhiều buổi tối phải đi trực chiến, mang theo súng ống đầy đủ, căng lều ngòai ruộng, ngoài bãi, chia phiên nhau canh gác. Hình như nguyên tắc của quân trường là không để các khóa sinh có thời giờ rảnh rỗi. Nhiều buổi vừa về tới trại, tưởng được nghỉ ngơi thì lại có kẻng tập họp. Buổi tối cuối tuần, chắc mẩm sắp được thư dãn thì loa phóng thanh đã oang oang: "Toàn thể tiểu đoàn tập họp tại sân doanh trại để nghe đại úy tiểu đoàn trưởng “sinh hoạt”. Mặc dù, mỗi cuối tuần, anh em được về nghỉ phép ngày chủ nhật, nhưng đối với tôi, và có lẽ cả các anh em khác, chín tuần học bò lê bò toài tại T.T. H.L Quang Trung là chín tuần gò bó, bức bối, tù túng. Nhiều buổi chiều hành quân dã trại xong, đại đội người nào cũng mồ hôi mồ kê, bụi bặm, ắc- ê về trại, nhìn ra bên ngòai, qua hàng rào kẽm gai, thấy các em nữ sinh trường Lý Thường Kiệt, trong những chiếc áo dài trắng, tan trường về, tôi thấy cuộc đời bên kia hàng rào kẽm gai sao đẹp quá!
Kết thúc khóa học, mọi người được trả về trường cũ để tiếp tục năm học. Tôi, cũng như mọi người, được cấp một thẻ lính với chức vụ là binh nhì. Hai năm sau, được tự động thăng lên binh nhất và tôi đóng binh nhất suốt tới năm 1975.
Thế là sau chín tuần làm lính, tôi được “ trở về mái nhà xưa” Mỹ Tho ở bên con sông Tiền mênh mông.
Đứng ở vườn hoa Lạc Hồng bên bờ sông, nhìn sang bên kia thấy cây cối xanh ngắt cứ tưởng là bờ bên thị xã Trúc Giang nhưng té ra đó chỉ là một dải cồn rộng nổi giữa sông, gọi là Cồn Rồng. Thủa xa xưa thuộc Pháp, người ta tập trung ở đấy các người bị bệnh phong, nhưng bây giờ trại phong không còn dấu tích. Cồn là một khu dân cư xanh tươi trù phú. Xa hơn, gần phía bến bắc Trúc Giang, là Cồn Phụng, giang sơn của ông Đạo Dừa. Cư dân trên cồn này đều là đệ tử của ông Đạo Dừa, nam cũng như nữ đều mặc áo nhuộm nâu, để búi tóc. Ông Đạo Dừa họ tên thật là Nguyễn Thành Nam (lâu ngày, không biết tôi nhớ họ của ông có chính xác không), đã từng du học tại Pháp và có bằng kỹ sư hóa học. Không hiểu cơ duyên nào mà ông trở thành một ông Đạo. Người ta kể, nhiều khi ông tịnh tu, ngồi trên ngọn cây dừa cả tháng, chỉ uống nước dừa. Chẳng biết có thật chăng?
Những ngày dạy ở Mỹ Tho, có những hôm được nghỉ lễ, tôi không về Sài Gòn, ở lại Mỹ Tho, rủ vài đồng nghiệp sang chơi bên Cồn -Phụng của ông Đạo Dừa. Thời gian đó Cồn Phụng như một nơi du lịch, vì nếp sống dân cư, không khí u tịch, tiếng tụng kinh đều đều làm cho khách vãng du như hòa vào trong một không khí là lạ, kỳ bí.
Dịp Tết năm ấy, Ban Đại Diện học sinh đề nghị với Ban Giám Hiệu cho mở hội chợ Tết trong khuôn viên của trường. Ban Giám Hiệu không ưng nhưng không thể từ chối nên bỏ lơ cho các em tự xoay sở. Các em phải dựa vào các thầy, cô. Các lớp Đệ Nhất chủ trương một gian hàng và nhờ tôi làm giáo sư cố vấn, dù tôi không phải là giáo sư hướng dẫn của lớp nào. Mỗi cấp lớp, hay mỗi lớp, tùy theo khả năng, tổ chức một gian hàng. Thật đúng là một lễ hội Xuân của tuổi trẻ: nhộn nhịp, vui tươi, hào hứng. Khách đến thăm hội chợ đa số là thanh niên, thanh nữ mà đông đảo là các cậu học sinh trường Trung học Nguyễn Đình Chiểu. Tôi tuy là giáo sư cố vấn cho gian hàng của lớp Đệ Nhất nhưng thực ra mọi việc đều do các em tự tháo vát. Công việc mệt nhất của giáo sư cố vấn là đứng trấn thủ ở mặt chính của gian hàng vì mấy cậu chen lấn nhau khiếp quá. Cũng trong hội chợ này, cho tới bây giờ, tôi vẫn nhớ mãi bàn tay rất đẹp của một nữ giáo sư dạy triết của trường, ở gian hàng “ Bàn Tay Ngọc”.
*
Kể từ khi những người lính thủy quân lục chiến Mỹ đầu tiên đổ bộ lên bãi biển Đà Nẵng tháng 3 năm 1965, quân số Mỹ tại miền Nam Việt Nam tăng lên rất nhanh. Tới cuối năm 1965, Tướng Westmoreland đã có trong tay 184,000 lính tác chiến.
Mùa hè 1965, Moreland tin rằng quân đội Mỹ và đồng minh VNCH sẽ dành chiến thắng vào cuối năm 1967 và đưa ra một kế hoạch tăng quân, chia làm ba giai đoạn từ 1965 tới 1967.
Đầu năm 1967, lực lượng Mỹ tại Nam VN đã tăng lên tới 390.000 người, cuối năm 1967, Westmoreland có trong tay một lực lượng gần 500.000 lính tác chiến.
Đầu năm 1968, Johnson cử Tướng Earle Wheeler, chủ tịch hội đồng liên quân, tới Nam VN để tìm hiểu về nhu cầu nhân lực, tức thời và trong tương lai, của Tướng Westmorland. Trong chuyến đi này, Wheeler và Westmoreland đã đi đến một thỏa thuận về một yêu cầu tăng thêm 206.000 quân. Tuy nhiên, đề nghị này bị phản đối mạnh mẽ tại Mỹ nên ngày 22 tháng 3, Tổng Thống Johnson chính thức bác bỏ đề nghị tăng quân của Westmoreland. Thay vào đó, ngày 24 tháng 3, ông chuẩn y cho gửi thêm một lực lượng 13.500 quân tới Việt Nam. Ngày 04 tháng 4, Ngũ Giác Đài ấn định: quân số Hoa Kỳ tại Nam Việt Nam không được vượt quá 549.500 người.
Những người lính Mỹ đầu tiên đổ bộ xuống bãi biển Đà Nẵng
Buổi tối ngày 31 tháng 3, tại Phòng Bầu Dục của Tòa Bạch Ốc, Tổng Thống Johnson đã đọc một bài diễn văn quan trọng. Ông có vẻ mệt mỏi, nói chậm rải và nhỏ nhẹ hơn bình thường. Vị tổng thống tuyên bố những quyết định quan trọng làm thay đổi cục diện chiến tranh ở Việt Nam và đời sống chính trị ở Mỹ.
1. Johnson nhắc lại đề xuất đàm phán mà ông đã đưa ra hồi tháng 9 tại San Antonio. Ông sẽ ngừng ném bom Bắc Việt Nam ngay khi việc này có tác động tích cực tới các cuộc đàm phán. Tất cả các vụ ném bom ở trên vĩ tuyến 20 sẽ được dừng ngay tức khắc.
2. Johnson thông báo đã bác bỏ đề xuất tăng 206.000 quân của Westmoreland và đã quyết định gửi tới Việt Nam thêm 13.500 quân.
3. Johnson tuyên bố rằng, từ nay, chính sách của Mỹ ở Việt Nam là tập trung các nỗ lực để mở rộng và củng cố năng lực quân sự của quân đội VNCH để họ dần dần đảm đương trách nhiệm lớn hơn trong việc bảo vệ đất nước của họ.
4. Cuối bài diễn văn dài 47 phút này, Johnson thừa nhận nước Mỹ đang bị chia rẽ. Ông cảnh báo dân chúng Mỹ về mối nguy của sự bất đồng và kết luận bài diễn văn, bằng một tuyên bố làm mọi người sững sờ, mà ông hy vọng sẽ phục hồi được sự đồng tâm nhất trí của nước Mỹ:
Với những người con của nước Mỹ đang ở các mặt trận xa xôi, với tương lai của nước Mỹ đang bị thách đố, ngay đây, tại quê nhà, với hy vọng của chúng ta và hy vọng của thế giới cho nền hòa bình đang bấp bênh hàng ngày, tôi không tin rằng mình nên tận tụy một giờ hay một ngày trong thời gian của tôi cho bất kỳ lý do cá nhân nào, hay cho bất kỳ một bổn phận nào khác hơn là các bổn phận trong văn phòng này...
Vì lý do đó, tôi sẽ không tìm kiếm, và tôi sẽ không chấp nhận, sự đề cử của Đảng cho nhiệm kỳ tổng thống tới.
Dù Johnson đã tính tới sự rút lui khỏi chính trường khá lâu trước Tết -68 nhưng ông không hề đề cập tới vấn đề này với bất kỳ đồng sự, bạn bè hay ký giả nào. Johnson vốn có tiền sử về bệnh tim, năm 1955, ông đã trải qua một cơn đau tim chết người và gia đình ông có nhiều người bị bệnh này. Nếu Johnson tìm cách được bầu lại và thắng cử, ông sợ rằng sẽ không thể qua được hết nhiệm kỳ. Tuyên bố trên của Tổng Thống Johnson đã làm bất ngờ cả nước Mỹ và thế giới.
Chiến lược Việt Nam hóa chiến tranh đã được bắt đầu !
Ba ngày sau, Hà Nội tuyên bố sẵn sàng gửi các đại biểu tiếp xúc với các đại diện Mỹ để hai bên quyết định bằng cách nào và khi nào Mỹ chấm dứt việc ném bom cùng các hành động khác chống Bắc Việt Nam. Mặc dầu ngạc nhiên trước phản ứng nhanh chóng của Hà Nội, Washington vẫn đáp ứng tích cực. Cuộc đàm phán giữa Washington và Hà Nội bắt đầu ngày 13 tháng 5 tại Paris, mở đầu cho hòa đàm Paris để chấm dứt cuộc chiến Mỹ tại Việt Nam bốn năm sau đó.
Tháng 5 hàng năm cũng là tháng bắt đầu mùa mưa ở Mỹ Tho. Những cây me ở trước trường Lê Ngọc Hân đã bắt đầu thay lá. Những tàng lá non xanh mướt, đọng long lanh những giọt nước nhỏ, trông thật tươi mát sau những cơn mưa đầu mùa. Những cây phượng vỹ bắt đầu trổ bông đỏ thắm. Học trò các lớp cuối cấp đã cảm thấy nôn nao trước các kỳ thi đang đến gần. Tôi bắt các lớp Đệ Nhất đi học thêm, mỗi buổi một giờ, trước giờ học đầu tiên buổi sáng. Những buổi mai như vậy,sân trường vẫn còn hơi lạnh, thật vắng, chỉ có học trò của tôi tới trường. Lớp học thật yên tĩnh, các em chăm chú nghe giảng, ghi chép. Những lúc đó, tôi cảm thấy yêu nghề biết bao!
Rồi các em sẽ vất vả với các kỳ thi cử, các thầy cô sẽ bận rộn với các lần đi coi thi, đi chấm thi. Kỳ nghỉ hè sẽ qua đi. Có em, có thể tôi sẽ có dịp gặp lại, nhưng cũng có những em, có thể chẳng bao giờ.
Trong khi ở Paris, người ta cứ dằng co mãi về mấy cái thủ tục hội nghị: Hội nghị gồm các thành phần nào? Cái bàn phải hình dạng như ra sao? Các phái đoàn sẽ ngồi ở các vị trí nào?.... thì ở cái thành phố nhỏ nhắn Mỹ Tho, thầy trò chúng tôi bước vào một năm học mới. Tôi được cô C. giáo sư môn Vạn Vật, giám học mới, (thay cô H.đã chuyển về Sài Gòn) phân dạy Lớp Đệ Nhất B, lớp Đệ Nhất A3 và hai lớp Đệ Nhị. Đó là năm thứ ba tôi dạy học ở Mỹ Tho. Vài người bạn được xuất ngũ, biệt phái về dạy học, vô hình chung chúng tôi tạo thành một nhóm giáo sư trẻ, phụ trách các môn học chính ở bậc đệ nhị cấp. Thời gian này, thành phố Mỹ Tho có vẻ rất thanh bình. Nhiều buổi chiều rảnh rỗi, trời đã hết nắng, chúng tôi rủ nhau ra vườn hoa Lạc Hồng, rủ thêm cô D, giáo sư Toán trường Lê Ngọc Hân (cô bạn hiện thời ở Pháp). Chúng tôi thuê một chiếc xuồng máy, chạy quanh cồn Rồng. Buổi chiều nước sông lên mênh mông, xuồng chạy men theo mép nước làm sóng ì oặp đập vào các gốc bần, gốc dừa nước, tạo thành những âm thanh đặc trưng của một vùng sông nước Nam Bộ. Nhiều buổi sáng, tôi thức dậy thực sớm, khi đường phố còn bật đèn, thả bộ ra bờ sông để ngắm cảnh bình minh, khi mặt trời đỏ ối, từ từ nhô lên từ bên kia sông, và ngắm những chiếc ghe của khách thương hồ rập rình trên sóng nước. Sau đó, lững thững đi về để chuẩn bị tới lớp, trên đường, đã thấy học trò lác đác tới trường.
Phần nhiều các nữ sinh chọn học ban A nên trường chỉ có một lớp Đệ Nhất B. Một số ít em chọn học ban C (ban Văn Chương) thì phải gửi sang học chung với trường con trai, Nguyễn Đình Chiểu. Lớp Đệ Nhất B ở trên lầu, vị trí đẹp nhất, nhìn ngay ra cột cờ và chỉ có chưa tới bốn mươi học sinh. Như vậy, một số em đã bị rơi rớt lại ở kỳ thi tú tài một.
Thời kỳ đó, đối với học sinh ban B, hai môn quan trọng nhất là Toán và Lý hóa. Trong các kỳ thi học kỳ cũng như thi Tú Tài hai, bài thi môn Toán có hệ số 5, bài thi Lý Hoá có hệ số 4. Như vậy, khi đi thi, em nào làm được hai bài thi này thì hầu như chắc chắn đỗ, từ đó, học sinh có tâm lý coi thường các môn hệ số nhỏ như Sử, Địa, Vạn Vật,… Với các môn Vật Lý và Hóa Học, tôi giảng cho các em rất kỹ. Ngoài các bài tập cho các em lên bảng làm rồi sửa ngay trong lớp, cứ hai tuần một lần, tôi cho bài để các em về nhà làm, rồi nộp. Tôi chấm bài rất kỹ và công bằng...
Trong thời gian này,tình hình chính trị ở Việt Nam tương đối đã ổn định. Đó là những năm đầu tiên của nền Đệ Nhị Cộng Hòa. Cuộc tranh chấp quyền lực giữa tướng Kỳ và tướng Thiệu đã được dàn xếp. Không biết các ông tướng trẻ (các Young Turks, theo cách gọi của người Mỹ lúc bấy giờ) bàn luận thế nào mà tướng Kỳ, dù bằng mặt nhưng chẳng bằng lòng, chịu đứng làm phó cho Tổng Thống Thiệu.
Ông được cấp cho một biệt thự kiểu Pháp với khuôn viên rất rộng, ở góc đường Hiền Vương-Công Lý, làm dinh Phó Tổng Thống (nay là Nhà Thiếu Nhi Thành Phố). Cũng chỉ để làm kiểng thôi, vì tướng Kỳ vẫn ở ngôi nhà trong trại không quân ở Tân Sơn Nhất, hàng ngày có xe “díp” đưa tới văn phòng làm việc của Phó Tổng Thống tại Dinh Thống Nhất (Dinh Độc Lập thời T.T. Ngô Đình Diệm, được xây dựng mới bởi kiến trúc sư Ngô Viết Thụ, khôi nguyên giải La Mã, sau khi bị hai phi công Phạm Phú Quốc và Nguyễn Văn Cử ném bom năm 1962. Phi công Phạm Phú Quốc là dòng dõi Phạm phú Thứ, Phó sứ trong phái đoàn của Phan Thanh Giản, được vua Tự Đức phái sang Pháp để điều đình chuộc lại ba tỉnh miền tây Nam Kỳ. Sau này, Phạm Phú Quốc hy sinh trong một phi vụ tấn công Vĩnh Linh ở bắc vĩ tuyến 17).
Thỉnh thoảng, có các buổi sáng sớm,ông Kỳ không thèm đi xe “díp” có tài xế lái, mà tự lái máy bay trực thăng, bay vù vù tới dinh Thống Nhất, hạ xuống sân đáp trên sân thượng của dinh mà phía dưới là phòng ngủ của bà Thiệu khiến bà Tổng Thống kêu trời.
Ở Mỹ, tháng 11 năm 1968, Richard Nixon thuộc Đảng Cộng Hòa đã đánh bại Hubert Humphrey, Đảng Dân Chủ, để trở thành tổng thống thứ 37 của Hoa Kỳ.
Sau khi nhậm chức, Nixon gủi một thư cho các nhà lãnh đạo Bắc Việt Nam bầy tỏ ý muốn mong mỏi hòa bình và đề xuất bước hòa giải đầu tiên là sự rút quân song phương của các lực lượng ngoại nhập (Mỹ và Bắc Việt Nam) khỏi Nam Việt Nam và khôi phục lại vùng phi quân sự, coi như ranh giới giữa hai miền Bắc và Nam Việt Nam. Đồng thời, Nixon ủy nhiệm cho Kissinger thông báo cho Đại Sứ Liên Sô tại Mỹ rằng Mỹ đặt ưu tiên cho việc giải quyết các vấn đề Việt Nam trước các thỏa thuận giữa Hoa Kỳ và Liên Bang Sô Viết. Để báo hiệu cho Hà Nội và Moscow rằng chính phủ của mình không bị bó buộc bởi các ràng buộc trước đây, kèm theo các sáng kiến ngoại giao trên, Nixon ra lệnh ném bom các căn cứ trú ẩn của quân Bắc Việt và VC tại các tỉnh phía đông của Kampuchia, sát biên giới với Việt Nam.
Sợ phản ứng ngược của Quốc Hội và dân chúng Mỹ trước việc ném bom một đất nước trung lập có thể dẫn tới việc mở rộng chiến tranh, Nixon ra lệnh phải tuyệt đối giữ bí mật sự kiện trên. Tuy nhiên, ngày 09 tháng 5 năm 1969, việc ném bom Kampuchia bị phanh phui trên tờ New York Times. Nixon cho rằng người cung cấp thông tin phải là một người nào đó trong Hội Đồng An Ninh Quốc Gia và, với sự tán đồng của Kissinger, ông ra lệnh cho J.Edgar Hoover, Giám Đốc FBI, đặt giây nghe lén điện thoại của mười một thành viên của Hội Đồng và bốn viên chức phụ trách truyền thông, báo chí, cùng một số ký giả bị nghi ngờ liên quan tới vụ rò rỉ thông tin mật nói trên.
Tháng Năm 1970, cùng lúc với cuộc hành quân vào Kampuchia, Nixon ra lệnh bí mật ném bom các mục tiêu ở Bắc Việt Nam. Thông tin lại bị tiết lộ, tờ New York Times cho đăng bài về việc tái ném bom Bắc Việt Nam của các máy bay Mỹ. Tháng Bảy 1971,tờ New York Times cho đăng loạt bài “ Hồ sơ Ngũ Giác Đài”, những tài liệu mật của Bộ Quốc Phòng Mỹ, sự can dự lâu nay của Mỹ ở Việt Nam. Những tài liệu này được cung cấp bởi các cựu quan chức của Bộ Quốc Phòng, Daniel Ellsberg và Anthony Russo.
Các nổ lực nhằm chấm dứt chiến tranh ở Việt Nam của Nixon và Kissinger đều không đưa đến một kết quả nào đáng kể. Các cuộc tấn công vào tháng Hai của quân Bắc Việt và VC cũng như các cuộc ném bom vào Kampuchia đều không thể làm thay đổi cán cân cuộc chiến ở Việt Nam. Cả hai chính phủ của Bắc và Nam Việt Nam đều bác bỏ đề nghị rút quân song phương của Nixon. Ngày 08 tháng Sáu năm 1969, lần đầu tiên Tổng Thống Nixon gặp nhà lãnh đạo Nam Việt Nam, tướng Thiệu, tại Midway Island. Sau cuội hội đàm, Nixon tuyên bố sẽ rút ngay 25.000 lính Mỹ khỏi Việt Nam.
Sự giải kết của Mỹ khỏi Đông Nam Á bắt đầu.
Mỹ sẽ tiếp tục cung cấp các trợ giúp về kinh tế, quân sự nhưng Nam Việt Nam từ nay phải tự bảo vệ mình. Đó là nội dung cơ bản của “chủ thuyết Nixon” về Việt Nam hóa cuộc chiến.
Mặc dầu vậy, các hoạt động chống chiến tranh tại Mỹ vẫn lan rộng và được tổ chức với quy mô lớn. Ngày 15 tháng 10 năm 1969, các cuộc biểu tình diễn ra khắp nước, với sự tham gia của, từ 500.000 tới 1.000.000 người, tại Boston Common, Manhattan, Philadelphia, Denver, California,…
Ngày 03 tháng 11, Nixon đọc một bài diễn văn được truyền hình. Đây là bài diễn văn dài nhất, quan trọng nhất tới thời gian đó,trong nhiệm kỳ tổng thống của Nixon. Trong bài diễn văn này, Tổng Thống Nixon đã tuyên chiến với phong trào chống chiến tranh và muốn quy tụ nhân dân Mỹ ủng hộ chính sách chiến tranh Việt Nam của ông.
Tổng thống gay gắt công kích các chỉ trích của nhóm phản chiến. Ông gọi họ là một thiểu số thiếu suy nghĩ đang cố gắng ngăn cản ý chí của đại đa số dân chúng Mỹ. Ông bảo vệ sự can thiệp của Mỹ ở Việt Nam và bảo vệ cuộc chiến Mỹ tại đó. Ông nhắc lại những cam kết với Việt nam của ba chính quyền tiền nhiệm và ông long trọng tuyên bố sẽ ở lại Việt Nam cho tới khi nước Mỹ đạt được một nền hòa bình lâu dài và vinh dự. Ông thuyết phục rằng chính sách Việt Nam hóa sẽ đưa tới nền hòa bình danh dự đó khi có thể giúp người Nam Việt Nam tự bảo vệ mình khi người Mỹ rút đi và làm giảm thiểu số thương vong của lính Mỹ. Ông kêu gọi mạnh mẽ tinh thần yêu nước của nhân dân Mỹ, ý thức danh dự của họ, và lý tưởng về sự vĩ đại của nước Mỹ và kết luận bài diễn văn bằng một lời kêu gọi đầy xúc động đối với quần chúng Mỹ, mà ông gọi là “ đa số thầm lặng vĩ đại", hãy ủng hộ chính sách Việt Nam hóa. Ông kết bài diễn văn: “ Bắc việt Nam không thể đe dọa Hoa Kỳ. Chỉ có người Mỹ mới có thể làm điều đó”.
Bài diễn văn của Nixon đã gây tiếng vang mạnh mẽ trong quần chúng Mỹ, đẩy lùi các chỉ trích có khuynh hướng phản chiến trong Quốc Hội, của báo chí và phong trào hòa bình. Nhiều cuộc tuần hành ủng hộ chính sách Việt Nam hóa diễn ra ở nhiều thành phố. Một cuộc thăm dò tiến hành ít lâu sau bài diễn văn cho thấy 77% dân chúng Mỹ ủng hộ chính sách Việt Nam hóa của Nixon.
Ở Việt Nam, phần lớn các trận chiến sau 1969 chỉ liên quan tới các đơn vị chiến đấu nhỏ xảy ra ở các vùng xa xôi và thưa dân, giữa các lực lượng Bắc và Nam Việt Nam. Trong nhiều trận, quân Bắc Việt giữ thế chủ động về chiến thuật nên gây thiệt hại nặng cho quân Miền Nam. Số binh lính Mỹ thiệt mạng trong các cuộc giao tranh trong năm 1969 đã giảm nhiều so với các năm trước đó. Một trong những trận tệ hại nhất của cuộc chiến tranh Mỹ tại Việt Nam xảy ra vào mùa Xuân năm 1969, được ghi nhận trong lịch sử cuộc chiến là trận chiến ở Đồi Thịt Băm (Battle of Hamburger Hill), theo cách gọi của những lính Mỹ tham dự trận chiến. Tháng Ba,các sĩ quan tình báo MACV biết được các lực lượng Bắc Việt đang xây dựng các hệ thống tiếp liệu trong vùng thung lũng A Shau, dường như chuẩn bị cho các cuộc tấn công ở Quân Đoàn I. Sư đoàn không vận 101 của Tướng Zais được lệnh trở lại khu vực để phá hủy các căn cứ tiếp liệu trên. Trong tháng Tư và đầu tháng Năm, binh lính của các đơn vị của sư đoàn được trực thăng vận tới thung lũng A Shau và tìm thấy một số nơi cất dấu tiếp liệu của quân Bắc Việt và các chứng cứ cho thấy quân Bắc Việt đang xúc tiến việc xây dựng các cơ sở tiếp liệu quân nhu trong khu vực thung lũng.
Ngày 19 tháng Năm, một lực lượng hỗn hợp gồm Thủy Quân Lục Chiến Mỹ, một trung đoàn lính VNCH và Lữ Đoàn 3 của Sư Đoàn Không Vận 101 và Bộ Binh được điều tới vùng núi non hiểm trở đầy rừng rậm ở sườn phía tây của thung lủng A Shau gần biên giới Lào. Ngày hôm sau, binh lính của Đại Đội B Bộ Binh khám phá ra rằng quân Bắc Việt đã củng cố một loạt các cao điểm trong vùng rừng rậm. Các cao điểm này được ghi trong bản đồ quân sự của người Mỹ là Đồi 937, tên Việt Nam của đồi này là núi Ấp Bia. Khi Đại Đội B tiến lên sườn đồi thì bị bắn chặn ác liệt bởi đạn súng máy của quân địch, bắn ra từ các công sự ngầm của cộng quân đào trên đỉnh đồi. Đại Đội B buộc phải thối lui. Pháo binh và máy bay được điều động tới, dập pháo xuống các vị trí của quân Bắc Việt.
Trận đánh khốc liệt kéo dài 10 ngày tại Đồi Thịt Băm bắt đầu.
Ngày 13 tháng Năm, hai đại đội của Tiểu Đoàn thứ nhất bộ binh cố gắng chiếm ngọn đồi nhưng bị đẩy lui bởi rocket và súng máy của hai tiểu đoàn của Trung Đoàn 29 quân Bắc Việt, núp trong các công sự bắn xuống. Tiểu đoàn bộ binh được tăng cường thêm lực lượng và cố gắng tấn công lần thứ hai nhưng lại bị đẩy lui. Cuộc chiến chỉ ngừng lại khi các công sự ngầm của cộng quân bị máy bay và trọng pháo dập bom trong ba mươi sáu giờ liên tiếp. Ngày 18 tháng Năm, hai tiểu đoàn lại mở cuộc tấn công lên ngọn đồi, một tiến lên theo sườn phía nam, tiểu đoàn thứ hai đánh lên theo sườn phía bắc. Nhưng thời tiết làm cuộc tấn công phải ngưng lại. Mưa lớn đã làm cho sườn đồi, vốn đã trụi hết cây cối do bom và đạn pháo, trở thành bùn nhão. Các binh lính khi cố leo lên sườn đồi thì lại bị tuột xuống. Cuối cùng, ngày 20 tháng Năm, sau các đợt dập pháo và oanh tạc dữ dội vào các vị trí của địch, một lực lượng bốn tiểu đoàn đã tiến được lên đỉnh đồi và phát hiện quân Bắc Việt đã bỏ các vị trí cố thủ và rút đi từ tối hôm trước. Sau vài ngày chiếm đóng, quân đồng minh cũng được lệnh rút khỏi Đồi Thịt Băm, vì thực ra, vị trí này không có nhiều ý nghĩa về chiến thuật.
Trận đánh Đồi Thịt Băm đã gây chấn động trên báo chí truyền thông Mỹ và gây ra nhiều chỉ trích. Những người lính đã phải tham gia một trận đánh khốc liệt, chịu tổn thất nặng nề vì một mục tiêu mà sau đó nhanh chóng bị bỏ lại. Nhiều người lính đã cay đắng chỉ trích quyết định của cấp chỉ huy rằng đã đòi hỏi ở họ một sự hy sinh vô nghĩa. Tuy nhiên, tướng Zais biện minh rằng trận Đồi Thịt Băm là một chiến thắng, đã tiêu diệt được khoảng 650 cộng quân trong khi lính Mỹ chỉ có 56 người tử trận. Trận đánh Đồi Thịt Băm đã xảy ra trong một giai đoạn chuyển tiếp. Sau đó ít lâu, Tổng Thống Nixon tuyên bố đợt rút quân Mỹ đầu tiên khỏi cuộc chiến Việt Nam.
*
Xã hội Miền Nam Việt Nam, nhất là ở các thành thị, có nhiều thay đổi từ khi Mỹ đổ quân vào. Đồng tiền Việt Nam ngày càng mất giá, do đó, đời sống ngày một khó khăn, nhất là đối với các công chức cấp thấp. Tuy nhìn bề mặt, do có tiền Đô La Mỹ đổ vào, nền kinh tế thương mại có vẻ nhộn nhịp nhưng sự sản xuất thực ra không phát triển. Miền Nam vốn là một vựa thóc mênh mông nhưng bây giờ phải nhập thêm gạo từ Thái Lan. Do tình trạng chiến tranh và chế độ chính trị không ổn định, các nhà đầu tư lớn ngoại quốc không muốn đổ tiền vào Nam Việt Nam.
Lính Mỹ vào Việt Nam càng nhiều, bộ mặt xã hội thay đổi càng nhanh chóng. Người ta đua nhau làm giàu: buôn đồ PX (quân tiếp vụ của quân đội Mỹ), đồ ăn cắp hoặc do các ông lính Mỹ mua về và các bà “vợ” Việt đem bán; xây nhà cho Mỹ thuê (đúng ra là các cô lấy lính Mỹ thuê)…, nhiều người nhờ đó phất lên nhanh chóng. Trong các thành phố lớn, quán Bar, vũ trường, các tụ điểm ăn chơi mọc ra như nấm. Nền kinh tế tiêu thụ cũng đa dạng hơn, nhu cầu đời sống ngày một cao, tủ lạnh, TV trở thành phổ biến trong nhiều gia đình. Trước đây, các công chức trung lưu đi làm thường dùng xe gắn máy của Pháp (Mobylette, Velo Solex), của Đức (Goebel, Puck,…), khá giả hơn một chút thì đi Vespa, Lambretta. Sau này, từ giữa thập niên 60, xe Honda Nhật được nhập vào Việt Nam. Mới đầu là loại Honda Dame mầu đỏ, nhập bán cho quân đội, sau thì nhập đại trà xe Honda Dame xanh, Honda 67,… đánh bạt các loại xe Pháp, xe Đức. Trong thời kỳ này, một nhà tư sản Việt Nam vừa mới đầu tư, xây dựng xong một nhà máy lắp ráp xe gắn máy Đức thì xe Nhật ồ ạt đổ vào. Nhà tư sản phá sản, phải tự vẫn.
Tuy vậy, đời sống ở Mỹ Tho không có nhiều thay đổi, người dân, nói chung, vẫn giữ được nếp sống thuần phác của người Nam Bộ. Dân chúng hoặc phụ huynh học sinh khi gặp chúng tôi vẫn một điều “ông giáo sư”, hai điều “ông giáo sư”. Các học sinh, không biết khi vắng thầy cô thì nghịch phá ra sao, nhưng trong giờ học thì rất ngoan, hiền, dễ mến. Tôi dạy học ở Mỹ Tho được bảy niên khóa và nhận thấy có những thay đổi theo từng thế hệ học trò. Các thế hệ trước, các em có vẻ “người lớn” hơn, giữa các em và thầy cô hình như có một khoảng cách xa hơn, tình cảm trầm lắng, kín đáo. Các thế hệ sau, các em tự nhiên hơn, thầy trò có vẻ gần gũi hơn. Những dịp nghỉ lễ hay tất niên, các em hay tổ chức ở vườn nhà một em nào đấy, mời các thầy, cô tham dự, rồi ngâm thơ, ca hát, chụp hình… Dù đã lớp 12 (bây giờ, không còn gọi là Đệ Nhị, Đệ Nhất mà gọi là lớp 11, lớp 12) nhiều em vẫn rất hồn nhiên. Khi đi dạy, tôi chỉ mặc hoặc áo sơ mi trắng hoặc mầu xanh nước biển nhạt. Một buổi tới lớp, tôi vận chiếc áo xanh nhạt. Trong lúc nghỉ 5 phút giữa hai giờ học, một em nhỏ nhẹ nói với tôi “Em thích thầy mặc chiếc áo này”. Em tên là H. Gia đình em rất giàu ở Mỹ Tho nhưng em sống rất hòa đồng với bạn bè và sẵn sàng giúp khi bạn gặp khó khăn. Sau khi đỗ tú tài, em lên Sài Gòn học Đại Học Luật Khoa, sau đó học Kinh Tế và về sống ở Mỹ Tho. Cách nay ít lâu, tôi nhận được email của một em học sinh cũ, bạn cùng lớp với H trước đây và hiện sống ở Mỹ. Em học sinh này báo cho tôi biết, lần trước, khi về Việt Nam, em được tin H. đã mất cách nay vài năm do ung thư. Em nói em đã bật khóc khi nghe tin bạn mất.
Thầy, trò lớp 12A1 Lê Ngọc Hân (1972-1973) trong một ngày tổ chức trại. Nay người còn, người mất, người ở nước ngoài
(Hình do học sinh chụp, gửi tặng).
Mùa hè năm 1973, tôi được cử làm giám thị hành lang tại một hội đồng thi Tú Tài tại Đà Nẵng. Tôi tới Nha Trung Học, ở đường Nguyễn Bỉnh Khiêm, để lấy sự vụ lệnh và vé máy bay, do Nha Trung học mua sẵn, bay ra Đà Nẵng. Thời kỳ này, Đà Nẵng đã là một thành phố khá hiện đại, kinh tế sầm uất, nhưng đồng thời là một căn cứ quân sự lớn nên đường phố đầy xe díp và lính tráng. Nhan nhản các quán Bar, các tiệm cà phê với các cái tên rất thơ mộng: Chiều Tím, Thạch Thảo,… Đây là thời gian mà nhạc phản chiến, nhạc lãng mạn của Trịnh Công Sơn, Phạm Duy rất được phổ biến, hoặc ngậm ngùi với “Gia tài của mẹ”
“Một ngàn năm nô lệ giặc Tàu
Một trăm năm nô lệ giặc Tây
Hai mươi năm nội chiến từng ngày
Gia tài của mẹ: một bọn lai căng
Gia tài của mẹ: một lũ dày mồ”
(Nhạc T.C.S.)
hoặc than khóc cho một “Mùa thu chết”
“Ta ngắt đi một cụm hoa thạch thảo
Em biết cho mùa thu đã chết rồi!”
(Nhạc P.D.)
Cũng vì bài “Mùa Thu Chết” này mà sau này Phạm Duy bị một ông nhạc sĩ ở Hà Nội tố khổ là ám chỉ Cách Mạng Mùa Thu đã chết. Cũng chỉ là do dốt nát và quen thói chụp mũ mà thôi. Ông nhạc sĩ nọ không biết rằng Phạm Duy chỉ phổ nhạc bài thơ "L’Adieu" của Apollinaire:
J’ai cueilli ce brin de bruyère
L’automne est morte, souviens-t’en...
chẳng dính dáng gì tới cách mạng tháng Tám 1945 ở Việt Nam.
Trong kỳ gác thi, tôi được quen với một cô giáo trẻ người Huế. Giọng Huế của cô rất dễ thương. Xong kỳ gác thi, tôi rủ cô đi chơi Ngũ Hành Sơn. Đây là một thắng cảnh rất đẹp và nổi tiếng, cách thành phố hơn mười cây số, có năm ngọn chính là các ngọn Kim, Mộc, Thủy, Hỏa, Thổ. Chúng tôi trèo lên Nghinh Phong Các, ngắm nhìn những ruộng vườn, làng mạc xinh xinh ở dưới chân núi; leo lên Thạch Động lễ Phật. Đây là một động rất rộng và cao, bên trong có tượng Phật và những thạch nhũ với nhiều hình thù kỳ thú. Dạo biến cố Mậu Thân, mấy ông Việt Cộng cố thủ trong Ngũ Hành Sơn nên thạch động bị dội bom làm đỉnh bị thủng một lỗ lớn. Từ đó, Ngũ Hành Sơn có một Thông Thiên Động. Chúng tôi cũng leo lên Hang Lên Trời nhưng càng lên hang càng hẹp nên phải bỏ cuộc. Mặc dù phải leo cao cũng khá mệt nhưng cô luôn nói chuyện ríu rít. Cô khoe cô là người làng Kim Long ở Huế, một làng nổi tiếng vì các cô gái ở đó rất đẹp. Ngôi làng nằm ven sông Hương và có chùa Thiên Mụ. Cô còn nói thêm “không phải là mèo khen mèo dài đuôi đâu” và đọc cho tôi nghe hai câu thơ tương truyền là nói về tâm sự của vua Thành Thái:
“ Kim Long có gái mỹ miều
Trẫm thương, Trẫm nhớ, Trẫm liều Trẫm đi”
Khi ngồi trên máy bay về lại Sài Gòn, tôi vẫn còn vương vấn với chuyến đi chơi đầy kỷ niệm và với giọng Huế dễ thương của cô giáo trẻ đất Thần Kinh.
Sau các năm 1954, 1955, khi tình hình chính trị ở Miền Nam đã ổn định, chính quyền Ngô Đình Diệm cho khôi phục lại đường xe lửa xuyên Việt. Ngày đó, xe lửa chạy suốt từ Mỹ Tho, Sài Gòn tới thị trấn Đông Hà, cực bắc của Miền Nam, sát vĩ tuyến 17. Nhưng chỉ được vài năm thanh bình. Khi chiến tranh tái phát, đường xe lửa Xuyên Việt bị phá hoại và dần dần tê liệt. Khi tôi ra gác thi ở Đà Nẵng thì tuyến xe lửa Đà Nẵng-Huế vẫn hoạt động. Mỗi chuyến đều có lính đi theo bảo vệ. Trước kỳ gác thi, tôi cùng một anh bạn cũng dạy ở Lê Ngọc Hân đáp xe lửa ra thăm Huế. Đây là cung đường xe lửa đẹp nhất trên con đường xuyên Việt. Một bên là núi, một bên là biển. Nhiều đoạn đường đẹp như tranh thủy mặc. Thỉnh thoảng khoang tàu tối dần lại khi tàu đi vào một hầm đục xuyên núi. Có hầm rất dài, hành khách ngồi im lặng, chờ đợi, cho tới khi toa tàu sáng dần khi đi ra khỏi miệng hầm.
Chúng tôi đi thăm thành phố Huế cổ kính, thăm các lăng tẩm gần như lăng Khải Định, lăng Tự Đức, lăng Thiệu Trị và thăm Đại Nội. Khói lửa Mậu Thân đã làm Kinh Thành tan nát, may mà Ngọ Môn còn nguyên vẹn.
Thăm Huế nhân dịp gác thi tại Đà Nẵng - Trước Ngọ Môn
Điện Cần Chánh, xưa là nơi vua thiết triều, không còn. Ở sân điện vẫn còn hai vạc đồng lớn, tượng trưng cho uy quyền của một triều đại khi còn thịnh trị. Dấu tích điện xưa chỉ còn lại một nền gạch, xác xơ cỏ úa. Tôi ngậm ngùi nhớ lại hai câu thơ của Bà Huyện Thanh Quan
Dấu xưa xe ngựa hồn thu thảo
Nền cũ lâu đài bóng tịch dương
Chúng tôi cũng tới chiêm bái Thế Miếu, nơi thờ các vua triều Nguyễn từ Đức Thế Tổ Cao Hoàng Gia Long tới vua Khải Định. Đây là một tòa nhà rất rộng. Mỗi gian thờ một vị vua với bàn thờ, bài vị riêng, nhưng sao thấy tiêu điều: ngói lệch, cột xiêu, vàng son tróc lở, khói lạnh, hương tàn!
Cung miếu triều xưa đây vắng ngắt
Vẻ uy nghi của một triều đại, có còn chăng, chỉ phảng phất trên hàng đỉnh, chín chiếc, rất lớn, đặt hàng ngang trước Thế Miếu. Đây là những tuyệt tác của nghề đúc đồng đất Đế Kinh. Không chiếc đỉnh nào kiểu cách giống chiếc nào. Xung quanh mỗi đỉnh có đúc nổi các cảnh “Sơn Hà Cẩm Tú”. Dù Huế đã trải qua biết bao cơn binh lửa, chúng vẫn đứng đây như chứng nhân cho những lớp sóng phế hưng.
Từ nhiều năm nay, cơ quan UNESCO của Liên Hiệp Quốc đã bảo trợ cho thành phố Huế phục dựng, trùng tu lại những đền đài đổ nát. Ngày nay, các du khách tới Huế vào thăm Tử Cấm Thành có thể phần nào hình dung được những điện các vàng son của một triều đại xưa mà công, tội vẫn còn nhiều tranh cãi.
*
Những lính Mỹ tham dự trận Đồi Thịt Băm sau này đã nhận xét đầy cay đắng “Not only were American troops leaving South Vietnam, but the offensive spirit was leaving the American army” (không phải chỉ quân đội Mỹ đang rời bỏ Nam Việt Nam, mà tinh thần tiến công cũng đang rời bỏ quân đội Mỹ).
Cho tới 1968, lực lượng quân đội Mỹ ở Việt Nam đã chiến đấu tốt. Quân đội mà Hoa Kỳ gửi tới Việt Nam chiến đấu là lực lượng ưu tú nhất của quốc gia, và không thể nghi ngờ, đó là quân đội tốt nhất thế giới. Họ được trang bị với các loại võ khí kỹ thuật cao, tối tân nhất, được chỉ huy bởi các cấp chỉ huy tài năng, chuyên nghiệp, từ một viên trung sĩ tới các vị tướng. Quân đội này đã chiến đấu dũng mãnh, gan dạ để theo đuổi mục tiêu của họ với một tinh thần và một kỷ luật cao. Họ tin tưởng vào chính nghĩa mà họ đang bảo vệ, tin tưởng vào chiến thắng, và họ đã thắng nhiều trận lớn, gây cho địch những tổn thất nặng nề.
Sự xuống dốc của quân đội Mỹ bắt đầu từ năm 1968 và dần dần xấu hơn trong các năm 1969, 1970 và 1971 là do nhiều nguyên nhân. Chính sách Việt Nam Hóa của Nixon là nguyên nhân chủ yếu của sự suy sụp tinh thần và kỷ luật trong quân đội Mỹ. Tổng thống đặt trọng tâm vào cam kết tìm kiếm một nền hòa bình bằng đàm phán mà không cố dành lấy một chiến thắng quân sự. Việc rút quân của Mỹ đã củng cố quan niệm rằng Hoa Kỳ đang theo đuổi một chính sách-không-chiến thắng trong một cuộc chiến mà có lẽ sẽ sớm chấm dứt đối với họ. Các binh sĩ bắt đầu tự hỏi: Tại sao chiến đấu? Tại sao cam chịu thương vong trong một cuộc chiến mà Washington không cố chiến thắng? Ai muốn là người lính cuối cùng chết tại Việt Nam?
Sự kiện một số đông dân chúng Mỹ không còn ủng hộ cuộc chiến và các cuộc biểu tình phản chiến cũng góp phần làm suy thoái tinh thần binh lính Mỹ đang phục vụ ở Việt Nam. Những người lính tác chiến như Thủy quân lục chiến, rất ác cảm với những người biểu tình chống chiến tranh, gọi họ là một tầng lớp được ưu đãi của những kẻ hèn nhát và phản bội. Nhưng khi nhận ra rằng có hàng triệu người Mỹ không còn tin vào cuộc chiến, không còn nhiệt tình ủng hộ nó nữa thì họ bị hoang mang, nghi ngờ về mục tiêu của cuộc chiến và tự hỏi liệu các hy sinh của họ có đáng gì hay không? Họ cảm thấy bị bỏ rơi bởi một quốc gia đang từ bỏ cuộc chiến mà họ vẫn phải chiến đấu.
Vào năm 1969,một số binh lính phục vụ ở Việt Nam quay ra phản chiến, đeo huy hiệu chống chiến tranh của những người biểu tình, một số người để tóc dài, để râu, vi phạm các qui ước trong quân ngũ. Đào ngũ cũng là một yếu tố làm suy thoái tinh thần và kỷ luật trong quân đội. Trong các năm 1969, 1970 và 1971 có hàng ngàn lính Mỹ đào ngũ. Vào năm 1969, ma túy đã là một vấn đề nghiêm trọng trong quân đội Mỹ ở Việt Nam. Một cuộc điều tra thực hiện bởi Bộ Quốc Phòng vào năm 1969, cho biết có tới 25% lính Mỹ ở Việt Nam đã dùng cần sa. Cuối năm 1969, đầu năm 1970, nhiều lính Mỹ bắt đầu xử dụng các loại ma túy mạnh hơn, như heroin.
Mùa xuân 1970, một sự kiện nổi ra làm thay đổi kích thước của cuộc chiến. Ngày 18 tháng Ba, Thái tử Norodom Sihanouk, lãnh đạo của đất nước trung lập Kampuchia bị lật đổ bởi Thủ Tướng thân Tây phương của ông, tướng Lon Nol khi ông ta đang ở nước ngoài. Từ nhiều năm, Sihanouk theo chính sách dùng Trung Cộng và Bắc Việt Nam để chống lại Hoa Kỳ và Nam Việt Nam. Ông ta đã khước từ đề nghị trợ giúp quân sự của Hoa Kỳ và đã cắt đứt quan hệ ngoại giao với nước này từ năm 1965. Ông còn cho phép quân Bắc Việt lập các căn cứ ở một số tỉnh gần biên giới Nam Việt Nam và cho phép Hà Nội xử dụng cảng Sihanoukville để chuyển vận khí tài, quân nhu cho lực lượng VC ở Nam Việt Nam. Đổi lại, Bắc Việt làm ngơ để Sihanouk dùng quân đội trấn áp quân nổi dậy Khmer đỏ. Sihanouk cũng cho phép lực lượng Mỹ và VNCH truy kích VC và lính Bắc Việt chạy sang Kampuchia, và làm ngơ để Mỹ ném bom các căn cứ và nơi ẩn trốn của quân Bắc Việt trong lãnh thổ của mình. Trò xiếc đi dây của Ông Hoàng đã giúp Kampuchia trung lập tồn tại trong một thời gian dài bên cạnh lò lửa chiến tranh khốc liệt ở sát nách phía đông.
Vốn từ lâu có ác cảm với chế độ thân cộng của Sihanouk, Nixon và Kissinger đón nhận cuộc đảo chánh của Lon Nol với thiện cảm, nhanh chóng thừa nhận chính phủ Lon Nol và tăng cường viện trợ kinh tế và quân sự cho chế độ mới ở Phnom Penh. Lon Nol cho phép quân Mỹ và VNCH truy kích cộng quân qua biên giới Kampuchia, không cho Bắc Việt xử dụng cảng Sihanoukville và ra lệnh cho cộng quân phải rời khỏi các căn cứ, rút khỏi lãnh thổ Kampuchia. Từ nhiều năm, MACV đã đề xuất phải tiến công đường bộ vào Kampuchia để phá hủy các nơi trú ẩn gần biên giới của VC và quân Bắc Việt. Nixon quyết định đây chính là lúc phải làm việc đó. Có hai vùng là mục tiêu cho cuộc tấn công: Khu Mỏ Vẹt, phần đất Kampuchia nhô vào Nam Việt Nam, cách Saigon 30 dặm về phía tây, và khu Lưỡi Câu, vùng đất cách Saigon 55 dặm về hướng tây-bắc. Nixon chấp nhận đề nghị của Tướng Abrams là lực lượng Mỹ sẽ tấn công vùng Lưỡi Câu trong khi lực lượng VNCH, với sự yểm trợ của máy bay Mỹ, sẽ tấn công các nơi trú ẩn của cộng quân tại vùng Mỏ Vẹt.
Nixon tuyên bố quyết định tấn công vào Kampuchia và giải thích cho nhân dân Mỹ trong một bài diễn văn được truyền hình ngày 30 tháng Tư rằng, đó không phải là một hành động mở rộng chiến tranh mà là để bảo vệ cho chương trình Việt Nam hóa, và rằng chiến dịch đó là cần thiết để cứu vãn một chính phủ thân hữu khỏi sự tấn công của cộng sản và cần thiết để bảo vệ lực lượng Mỹ vẫn còn ở lại Nam Việt Nam sau đợt rút quân 150.000 người như dự kiến. Ông tuyên bố:
Tôi thà làm một tổng thống một-nhiệm-kỳ còn hơn làm một tổng thống hai-nhiệm-kỳ nhưng phải trả bằng cái giá là nhìn thấy nước Mỹ chấp nhận sự thất bại đầu tiên trong lịch-sử-190-năm đầy tự hào của nó.
Ngày 29 tháng Tư năm 1970, lực lượng VNCH, với sự yểm trợ của pháo binh và máy bay Mỹ, xâm nhập vào vùng Mỏ Vẹt. Họ tìm được một số quân nhu của địch nhưng cộng quân tránh né đụng độ. Ngày 01 tháng Năm, sau những đợt dập pháo của pháo binh và các đợt rải bom dữ dội của máy bay B52, một lực lượng đặc biệt gồm 15.000 lính Mỹ và VNCH cùng thiết giáp và nhiều tiểu đoàn bộ binh tiến vào vùng Lưỡi-Câu với sự yểm trợ của trực thăng chiến đấu và máy bay oanh kích-thả bom. Cuộc hành quân được đặt tên là TOÀN THẮNG 43. Trận đánh không dữ dội lắm vì VC và lính Bắc Việt đã chọn giải pháp bỏ rơi các căn cứ cùng các kho tiếp liệu, không muốn đương đầu với những lực lượng vượt trội hơn. Trong đợt tấn công này, quân Mỹ được lệnh không được tiến sâu hơn 19 dặm vào trong lãnh thổ Kampuchia.
Chiến dịch TOÀN THẮNG là một thành công về chiến thuật. Một khối lượng lớn quân nhu, khí giới, lúa gạo của cộng quân bị tịch thu hoặc phá hủy. Tất cả các căn cứ của địch đều bị xóa bỏ. Nhưng phần lớn các đơn vị chính của địch đã tránh né đụng độ. Họ rút vào sâu bên trong lãnh thổ Kampuchia và bảo toàn được lực lượng. Cuộc tấn công vào khu Mỏ Vẹt đã đạt được mục tiêu nhưng lực lượng đồng minh không giáng được đòn quyết định vào các lực lượng cộng quân và chỉ làm gián đoạn, chứ không chấm dứt được việc cộng quân xử dụng lãnh thổ Kampuchia.
Trong khi đó, tại Mỹ, quyết định tấn công sang Kampuchia làm cho phong trào phản chiến phát triển mạnh. Ngày 02 tháng Năm, các sinh viên tại Yale phát đi một lời kêu gọi một cuộc bãi khóa trên toàn quốc để đòi hỏi sự triệt thoái ngay tức khắc quân Mỹ khỏi Việt Nam. Hai ngày sau, vệ binh quốc gia Ohio nổ súng vào đám đông sinh viên biểu tình tại đại học Kent, làm chết 04 người và làm bị thương 13 người. Trong những ngày đó, có khoảng hơn một triệu sinh viên bãi khóa, khoảng 1/5 các cơ sở đại học của nhà nước đóng cửa. Thống đốc Ronald Reagan, bang California, ra lệnh cho hệ thống các đại học, nhiều cơ sở đóng cửa trong một tuần. Người ta ghi nhận có tới gần nửa số trường đại học, cao đẳng của cả nước tham gia phong trào phản kháng. Cuộc tấn công sang Kampuchia cùng vụ nổ súng bắn chết sinh viên ở đại học Kent đã gây ra một phong trào chống chiến tranh lớn nhất trong lịch sử giáo dục đại học ở Mỹ.
Đầu năm 1971, với hy vọng làm dịu đi những chỉ trích trong nước, Nixon tuyên bố đẩy nhanh lịch trình rút quân đội Mỹ khỏi Việt Nam. Tuyên bố này gây ra sự phản đối từ cả hai phía: Tướng Thiệu biết rằng kế hoạch Việt Nam hóa không được tiến hành tốt và sợ các hậu quả của việc này, Tướng Abrams thì e ngại về sự an ninh của lực lượng Mỹ còn ở lại Việt Nam. Để đáp trả sự xâm nhập tăng nhanh của quân Bắc Việt, Nixon cho mở rộng việc oanh kích hệ thống đường mòn Hồ Chí Minh trên đất Lào và tái ném bom các mục tiêu được chọn lựa ở Bắc Việt Nam, bao gồm cả các mục tiêu nằm trong khu vực Hà Nội - Hải Phòng.
Các phân tích tình báo của MACV và quân đội VNCH đã dò được vị trí những kho tiếp liệu quân sự lớn của đối phương, một vị trí cách Khe Sanh vào khoảng 30 dặm về phía tây, gần tỉnh biên giới Tchepone của Lào, vị trí thứ hai ở dọc biên giói Nam Việt Nam – Lào, gần đầu phía bắc của thung lũng A Shau. Từ hai căn cứ này, quân Bắc Việt có thể tấn công hai tỉnh phía bắc của Nam Việt Nam, Quảng Trị và Thừa Thiên, và đe dọa thành phố Huế. Trong quá khứ, quân Bắc Việt đã nhiều lần cố thực hiện mưu đồ này nhưng đều bị thất bại do sự can thiệp của quân đội Mỹ.
Tình hình đầu năm 1971 khi quân Mỹ đang rời khỏi Quân Đoàn I, các chỉ huy Việt Nam làm cách nào để đối phó với mối đe dọa ngày càng căng thẳng này? Không chờ quân Bắc Việt tấn công, Tướng Thiệu và Tổng Tham Mưu Trưởng Cao Văn Viên chủ trương “tiên hạ thủ vi cường” tấn công hai vị trí tiếp liệu trên để giải tỏa bớt áp lực của địch ở hai tỉnh phía bắc. Chỉ huy MACV, Tướng Abrams và Tổng Thống Nixon ủng hộ nổ lực trên của VNCH.
Lào cũng là một nước trung lập nhưng trên thực tế,vào thời điểm 1971, Bắc Việt Nam kiểm soát phần lãnh thổ Lào tiếp giáp biên giới Việt-Lào, tạo thành một hành lang để chuyển vận các tiếp liệu quân sự phục vụ cho cuộc chiến của họ ở Nam Việt Nam. Cuộc hành quân vào Lào được đặt tên là LAM SƠN 719, nhằm mục tiêu phá hủy các cơ sở tiếp liệu của quân Bắc Việt tại Tchepone và gần đầu bắc của thung lũng A Shau. Các nhà lãnh đạo quân sự Nam Việt Nam tính rằng, nếu chiến dịch đánh vô Lào đạt được mục tiêu thì cùng với thành quả đạt được trong chiến dịch tấn công vô Kampuchia, VNCH ít nhất sẽ có một thời gian 1 năm không bị đe dọa tấn công, tạo điều kiện cho chương trình Việt Nam hóa. Trong cuộc hành quân LAM SƠN 179, quân đội VNCH sẽ tự đảm đương trận đánh, quân Mỹ chỉ yểm trợ bằng máy bay.
Về phía Bắc Việt, tiên đoán Tchepone sẽ bị tấn công, Tướng Giáp của Bắc Việt Nam đã điều tăng cường 20,000 quân tới căn cứ và củng cố lực lượng phòng không, thiết giáp và trọng pháo. Không như ở Kampuchia, cộng quân đã rút lui vào sâu bên trong lãnh thổ Kampuchia, bỏ rơi căn cứ, ở đây, quân Bắc Việt gần Tchepone được trang bị tốt, sẵn sàng nghênh chiến. Ngày 08 tháng 2 năm 1971, các đơn vị thuộc Sư đoàn không vận thứ nhất và Lữ đoàn thiết giáp số 1 của quân đội VNCH, dưới sự chỉ huy của Tướng Hoàng Xuân Lãm, tiến vào đất Lào theo đường số 9, phía tây Khe Sanh. Cuộc hành quân gặp phải khó khăn ngay từ đầu. Bắc Việt Nam đã cài tình báo trong cơ cấu lãnh đạo quân sự cấp cao của quân đội VNCH nên đã được cung cấp đầy đủ các chi tiết của cuộc hành quân. Do đó, yếu tố chiến thuật bất ngờ của cuộc hành quân LAM SƠN 719 không còn. Một bất lợi nữa là thời tiết xấu, nên trong một số ngày, các máy bay Mỹ không thể thực hiện các chuyến bay yểm trợ tác chiến.
Yếu tố chính trị trong quân đội VNCH cũng góp phần phá hoại cơ hội thành công của chiến dịch LAM SƠN 719. Tướng Thiệu ra lệnh cho tướng Lãm phải cẩn trọng tránh các tổn thất nặng nề. Thiệu cho lệnh như trên vì sư đoàn 1 không vận là lực lượng bảo vệ dinh Tổng Thống, lá bài bảo đảm cho an ninh của Thiệu. Sư đoàn này mà bị tan rã thì Thiệu dễ bị lật đổ bởi các đối thủ của ông ta trong quân đội. Tướng Lãm, một quân nhân tồi nhưng tinh ranh chính trị, biết nỗi lo trên của Thiệu, nên sau khi tiến vào đất Lào một khoảng ngắn thì cho quân ngừng lại. Sau khi quân VNCH ngừng tiến công, lực lượng hùng hậu của Bắc Việt mở cuộc phản kích. Trong hai tuần sau đó, quân Bắc Việt được tăng cường và gây tổn thất ngày càng tăng cho lực lượng Nam Việt Nam. Lo lắng cho số phận của lực lượng bảo vệ dinh, Tướng Thiệu lệnh cho Tướng Lãm rút sư đoàn 1 không vận về, và thay bằng một sư đoàn Thủy Quân Lục Chiến ít kinh nghiệm hơn. Việc thay quân này đã làm suy yếu chiến dịch LAM SƠN 719. Vị Tổng Thống của Nam Việt Nam, người đề xướng cuộc hành quân LAM SƠN vào Lào, trên thực tế, đã phá hoại chiến dịch này. Trong thứ tự ưu tiên của Tướng Thiệu, việc bảo tồn tương lai chính trị của mình đã được đặt trên sự thành bại của chiến dịch chống quân Bắc Việt tại Lào.
Cuộc triệt thoái mới thực là một thảm bại. Lực lượng Nam Việt Nam chịu áp lực nặng nề của bộ binh, xe tăng và pháo của quân Bắc Việt. Họ lên kế hoạch rút quân qua một khoảng rừng rậm, núi đá lởm chởm. 8.000 quân thiếu kinh nghiệm của Nam Việt Nam bị truy đuổi bởi 30.000 (có thể là 40.000) quân Bắc Việt. Tướng Giáp đã nhìn thấy một cơ hội khiến lực lượng Nam Việt Nam đại bại và làm phá sản chính sách Việt Nam hóa. Ông ra lệnh tấn công tổng lực vào lực lượng triệt thoái của Nam Việt Nam. Cuộc thối lui chiến thuật của quân đội VNCH nhanh chóng trở thành hỗn loạn và tan tác. Vài đơn vị hoảng loạn bất chấp kỷ luật, vứt bỏ các trang bị, súng ống, chạy bộ về hướng biên giới. Chỉ có lực lượng tập trung của không lực và các nỗ lực quả cảm của các phi công trực thăng Mỹ đã khiến quân tấn công Bắc Việt bị tổn thất nặng nề. Họ đã dập tắt trọng pháo của Bắc Việt, phá hủy các xe tăng địch, kéo quân lính VNCH ra khỏi mặt trận. Nhờ vào các cố gắng phi thường của không quân Mỹ, lực lượng tan tác, mất tinh thần của VNCH mới có thể rút được về Nam Việt Nam. Trong chiến dịch LAM SƠN 179, Mỹ mất 108 trực thăng, 618 chiếc khác bị hư hỏng, 89 phi công và nhân viên phi hành Mỹ tử trận hay được báo cáo mất tích khi thi hành nhiệm vụ, 178 người khác bị thương.
Cuộc hành quân LAM SƠN 719 là một thất bại buồn thảm và làm suy sụp tinh thần binh lính VNCH. Báo chí Mỹ phản ánh cuộc tấn công vào Lào như một thảm họa.
Năm 1971 cũng là năm có cuộc bầu cử tổng thống nhiệm kỳ mới tại Miền Nam. Tướng Thiệu, hiểu rằng kỳ bầu cử trước, ông ta thắng cử với tỉ lệ phiếu chỉ có 35%, lần này muốn đạt một thắng lợi vẻ vang hơn, ông quyết tâm xử dụng lợi thế đương chức của mình để bảo đảm một thắng lợi áp đảo. Rõ ràng là Thiệu nắm được nguyên tắc đầu tiên trong nền chính trị của Miền Nam: bất chấp các nguyên tắc hiến định và hình thức dân chủ, người nắm được chính phủ là người luôn thắng cử.
Khi chiến dịch vận động tranh cử bắt đầu, tướng Thiệu phải đối mặt với các thách thức nghiêm trọng từ hai đối thủ mạnh,đ ó là Tướng Nguyễn Cao Kỳ và Tướng Dương Văn Minh (Minh Lớn). Cả hai ứng viên này đều có hậu thuẫn quan trọng, và một trong hai Tướng đều có khả năng đánh bại Thiệu trong một cuộc bầu cử tự do và công bằng. Tướng Minh được hậu thuẫn bởi nhiều thành phần, nhiều giới, như Phật tử, người Thiên chúa giáo miền Nam, các trí thức không cộng sản và các chính trị gia dân sự. Minh cũng được sự yểm trợ của Mặt Trận Giải Phóng Miền Nam, chủ yếu là vì ông đã từng kêu gọi thành lập một chính phủ liên minh bao gồm cả đại diện của Chính phủ Cách Mạng Lâm Thời Miền Nam. Tướng Không Quân Kỳ, trước đây có tiếng là chống cộng cuồng nhiệt, đã có thay đổi quan điểm quan trọng. Ông ta kêu gọi thừa nhận Chánh Phủ Cách Mạng Lâm Thời Miền Nam và ủng hộ giải pháp đàm phán với lãnh đạo Cộng Sản tại Hà Nội để chấm dứt chiến tranh.
Nhưng bất kể Tướng Kỳ và Tướng Minh đại diện cho ai và ai yểm trợ cho họ, Thiệu dùng bộ máy chính phủ để loại họ ra khỏi cuộc bầu cử. Trên bề nổi, Hoa Kỳ giữ lập trường trung lập trong cuộc bầu cử nhưng ở hậu trường, CIA và Tòa Đại Sứ hoạt động để bảo đảm cho Thiệu được thắng lớn trong cuộc bầu cử. Nixon không dám liều để mất Thiệu và cuộc bầu cử này được coi là thiết thân tới lợi ích của Mỹ ở Đông Dương. Các tướng Minh và Kỳ không muốn bị làm bung xung trong trò bầu cử của Mỹ và Thiệu nên cùng rút khỏi danh sách ứng cử. Cuộc bầu cử biến thành một trò hề độc diễn chỉ có một nhân vật là Nguyễn Văn Thiệu, diễn ra ngày 03 tháng 10 năm 1971. Tất nhiên, Thiệu thắng cử với tỉ lệ phiếu áp đảo (áp đảo ai?). Dân trí thức hay ngồi ở các quán cà phê ở đường Tự Do gọi châm biếm Thiệu là “Nhà Độc Tài Tí Hon”.
Giai đoạn này, dân chúng Mỹ, bất kể chính kiến thế nào, đã quá mệt mỏi với cuộc chiến Đông Dương, chỉ mong muốn nó qua mau. Tuy vậy, cuộc chiến cùng các hậu quả của nó vẫn tiếp tục làm bức bối nước Mỹ. Trong tháng Giêng và tháng Hai năm 1971, Trung úy William Calley phải ra trước tòa án quân sự về vai trò chỉ huy của ông ta trong cuộc thảm sát dân thường tại tỉnh Quảng Ngãi, bao gồm nhiều đàn bà và trẻ em. Sáng ngày 16 tháng 3 năm 1968, lính Mỹ thuộc các tiểu đội 1 và 2 của Đại Đội Charlie, Tiểu đoàn 1, Lữ đòan 11 bộ binh Mỹ đã tập trung dân hai xã Mỹ Lai và Mỹ Khê, gồm các người già, phụ nữ và trẻ em và tàn sát họ bằng súng máy. Số người dân ở hai xã đã bị thảm sát được ước định từ 300 tới 400 người, có tài liệu nói hơn 500 người. Riêng tiểu đội 1 của Calley đã bắn chết hơn 200 dân làng Mỹ Lai trong buổi sáng chết người đó.
Khi Calley đang bị xét xử, tổ chức chống chiến tranh của các cựu chiến binh Mỹ từng tham chiến tại Việt Nam tập họp ở Detroit, bảo trợ cho một diễn đàn, trong đó có hơn 100 cựu chiến binh xác nhận rằng họ có tham dự, chứng kiến hay nghe kể về những tội ác chiến tranh khác tương tự như ở Mỹ Lai.
Xác phụ nữ và trẻ em nằm ở một đường mương gần làng Mỹ Lai
Ngày 31 tháng 3,1971,một tòa án quân sự kết án Calley chung thân khổ sai. Tuy nhiên, y chỉ ở tù 3 năm thì được thả do lệnh ân xá của Nixon.
*
Khi mới xuống dạy ở Mỹ Tho, tôi thuê nhà trọ ở ngay đường Ngô Quyền, cách trường Lê Ngọc Hân khoảng 200 mét nên đi dạy thì đi bộ. Chủ nhà dành cho tôi một phòng riêng biệt lập, ở trên lầu. Tiền thuê nhà là 1.000đ một tháng. Mấy cô giáo ở Sài Gòn xuống dạy cũng ở trọ nhà người dân như tôi. Khi biết tôi thuê nhà hết 1000đ, các cô kêu “sao đắt thế!”. Các cô thuê chỉ hết 700đ/tháng.
Bà chủ nhà rất hiền lành, mộc mạc, thuộc giới trung lưu. Hai ba lần, bà nói với tôi ”Tôi có con cháu ngoan lắm, giỏi lắm. Để tôi giới thiệu với ông giáo sư”. Tuy nói vậy, nhưng có lẽ chỉ thấy tôi cười cười, không nói gì, nên không thấy bà giới thiệu ai và tôi cũng không biết người cháu đó như thế nào. Niên khóa thứ hai, tôi vẫn ở trọ tại đây. Năm ấy, ngoài lớp Đệ Nhất B, tôi còn dạy một lớp Đệ Nhất A. Tại lớp này có một em tên B., trắng trẻo, xinh xắn, nhanh nhẹn và học giỏi. Tôi thường kêu em lên sửa bài tập. Một hôm, tôi đang ngồi soạn bài trong phòng riêng, mặc quần ngắn,cởi trần (vì trời nóng), thì em bất thần ào vô phòng, chào thầy. Quả thật tôi bị quýnh quáng vì học trò nữ tới thăm mà mình lại đang cởi trần, đành vơ vội chiếc áo sơ mi khoác tạm vào và ngồi nói chuyện với cô học trò. Sau này, tôi mới biết, em là cháu bà chủ nhà nên vô nhà một cách tự nhiên. Có điều, tới bây giờ tôi vẫn không biết, người cháu mà bà muốn giới thiệu với tôi là ai, có phải là cô học trò của tôi hay không?
Về vấn đề ăn uống thì đi ăn tiệm. Một bữa cơm trung lưu chỉ phải trả 25đ (cơm bình dân thì 15đ). Sau này, khi có thêm vài giáo sư trẻ về trường, buổi chiều, chúng tôi thường cùng nhau đi ăn ở tiệm ăn Viễn Quang, nhìn ra bờ sông. Đây là một tiệm ăn khá có tiếng ở Mỹ Tho. Cô con gái của chủ tiệm là học sinh của tôi ở Lê Ngọc Hân. Trong nhóm có một anh bạn, hơn chúng tôi vài tuổi, tên là V.Đ.L, dạy Toán, rất thích hát nhạc Trịnh Công Sơn và hát khá hay. Học trò nắm được thóp của thầy nên, khi không muốn học nữa, thì mè nheo đòi thầy hát; mà thầy thì lúc nào cũng sẵn sàng. Phải nhìn anh bạn hát thì mới thấy tất cả niềm say mê của anh đối với âm nhạc. Ngoài ra, tính anh rất thành thật, nhiều khi như ngây thơ, nên đồng nghiệp và cả học trò nữa hay trêu chọc mà anh vẫn không biết. Trong các bữa cơm ăn chung với anh L., mọi người thường rất vui, gợi ra chuyện để cùng góp ý, tranh cãi, rất sôi nổi. Chỉ có điều, chúng tôi tuy thảo luận hăng hái nhưng vẫn giữ được tỉnh táo, cảnh giác. Thảo luận thì thảo luận nhưng ăn vẫn ăn, gắp vẫn gắp, cái nào ra cái ấy; còn ông bạn già thì cãi sùi cả bọt mép, quên cả ăn. Khi câu chuyện đã nguội tàn thì chúng tôi cũng xong bữa. Ông bạn L. lúc đó mới chợt nhớ ra thì đã quá muộn, thức ăn còn đâu!
Sau vài năm, anh L được đổi về trường Nguyễn An Ninh ở Sài Gòn. Anh dạy ở đây nhiều năm sau ngày 30/4/1975 cho tới khi về hưu. Một vài lần, tôi gặp các cô giáo trường Nguyễn An Ninh, hỏi thăm về anh thì các cô nói ”Thầy ấy vẫn chẳng có gia đình nhưng Thầy thích hát lắm. Cứ có lễ hội là thầy ấy lên hát”. Mươi năm trước đây, thỉnh thoảng tôi còn trông thấy anh trên đường phố. Vẫn cặp kính cận dày cộp, vẫn chiếc xe đạp cũ kỹ, anh chầm chậm đạp xe trên đường phố, lúc nào cũng như ngơ ngác. Vâng, cả cuộc đời anh, từ chính thể cộng hòa tới xã hội chủ nghĩa, anh sống cuộc đời rất hiền lành và luôn luôn ngơ ngác trước cuộc sống. Gần đây, tôi được tin anh đã mất được vài năm.
Khi còn dạy học chung ở Mỹ Tho, chúng tôi thường đùa anh “L. ơi,ông đi dạy lương nhiều như thế, lại chẳng có vợ con, làm sao ông tiêu hết. Ông để dành mua vàng, phải không?”. Những lần như vậy, anh có vẻ sợ, nói “ Đừng đùa như vậy, kẻo người ta tưởng tớ giàu lắm”. Chẳng biết bây giờ mất đi, anh có chút gì để lại cho ai không?
Sang năm học thứ ba, khi đã có thêm vài anh bạn mới tốt nghiệp về dạy, chúng tôi thành một nhóm giáo sư trẻ khá hợp ý nhau. Tôi dời nhà trọ của bà chủ nhà dễ mến ở đường Ngô Quyền để cùng các bạn đồng nghiệp thuê chung một appartement, tuy hơi xa trường một chút, nhưng khá rộng rãi, thoáng đãng. Người dạy đầu tuần, người dạy cuối tuần. Các ngày thứ Tư, thứ Năm giữa tuần là có mặt đông nhất. Ở chung như vậy nên rất vui. Thỉnh thoảng, các em học trò, nhà có vườn cây ăn trái, hái cả túi xách trái cây mang tới biếu. Tôi vẫn nhớ những giỏ mận hồng đào, trái to tròn, hồng hồng có sọc trắng, ăn rất ngọt mà các em mang đến tặng. Loại mận này không hiểu tại sao, bây giờ, không còn thấy ở chợ Mỹ Tho.
Khi dạy học, tuy tôi luôn hòa nhã với học sinh nhưng không bao giờ pha trò trong lớp để học sinh cười hoặc chiều theo mè nheo của các em đòi nghỉ. Có lẽ vì vậy, vài em học trò cho tôi là “khó”, sau này, khi các em đã ra trường, lên đại học, gặp lại tôi, nhắc lại truyện cũ, kể chuyện các thầy cô dạy học ngày xưa. Khi nhắc tới thầy X, em nói “ Dạo ấy, thầy X dễ tính lắm. Tụi em đang học, đòi thầy cho nghỉ là thầy cho nghỉ. Nhưng bây giờ em nghĩ lại (em học sinh này học ngành sư phạm), như vậy là không đúng. Khi đó, các em còn bé nên ham chơi, đáng lẽ thầy phải bắt chúng em học thì thầy lại chiều, cho chúng em nghỉ”. Khi nghe em nói như vậy, tôi mới giật mình, nhưng cũng mừng là ngày đó mình “khó” với các em.
Chúng tôi là công chức hạng A (tức hạng công chức cao nhất trong hệ thống hành chánh ngày xưa). Khi xuống dạy ở Mỹ Tho chẳng ai khai báo gì với địa phương. Mọi người coi đương nhiên là vậy và bao nhiêu năm chẳng có ai hỏi giấy tờ gì. Ấy thế mà một lần bị tai vạ. May là lần ấy tôi ở Sài Gòn chưa xuống. Hôm sau xuống, mới nghe các bạn kể lại. Buổi tối trước đó, chẳng biết sao lại có bố ráp lúc gần sáng. Bốn bạn ở trong phòng còn chưa ngủ dậy thì quân cảnh đập cửa vào kiểm tra giấy tờ (có lẽ là bố ráp tìm trốn quân dịch). Chẳng ai có giấy tờ gì ngoài tấm thẻ căn cước. Chỉ nói được “chúng tôi là giáo sư trường Lê Ngọc Hân” nhưng chẳng ai nghe. Tất cả, cùng một số người khác, được đưa lên xe “Cam-mi-ông” đưa về quân vụ thị trấn. Lúc đó, trời đã mờ mờ sáng. Mấy ông bạn đứng trên xe cho chở đi rất lấy làm bực bội, chỉ sợ có học trò nào đi học sớm, nhìn thấy các thầy bị bắt đưa lên xe cây thì chẳng ra làm sao. Tất nhiên, tới nơi, sau khi xác minh, mấy anh bạn được tự do ra về, sửa soạn đi dạy. Nhưng về tới nhà vẫn ấm ức bèn vào trường thông báo sự việc, đồng thời xin nghỉ dạy sáng hôm đó, đến dinh Tỉnh Trưởng, viết giấy xin gặp. Tỉnh Trưởng tỉnh Định Tường (bây giờ gọi là tỉnh Tiền Giang) thời gian đó là Đại Tá Lê Minh Đảo (Ông L.M. Đảo có dáng dấp trí thức, văn nghệ. Thập niên 50, ông tham gia một ban nhạc chơi cho đài Phát Thanh Sài Gòn). Sau khi nhân viên đưa giấy vào thì một lúc sau, Tỉnh Trưởng Lê Minh Đảo ra tiếp. Nghe mấy ông giáo sư than phiền về sự việc xong, ông Tỉnh Trưởng rất nhã nhặn xin lỗi “các giáo sư vì cấp dưới làm việc quá sốt sắng nên gây ra phiền hà trên” và xin mấy giáo sư thông cảm vì họ cũng chỉ làm nhiệm vụ của mình thôi v.v… Không biết sau đó, ông Đảo có nhắc nhở gỉ thuộc cấp hay không, nhưng có sự kiện là, một vài tối, có một anh lính nào đó đi qua phòng mấy ông giáo sư và chửi đổng bâng quơ với giọng tức tối, cố ý cho mấy ổng nghe.
Tỉnh Trưởng Lê Minh Đảo là người có phong cách dễ mến, thường vẫn đến trường Lê Ngọc Hân dự lễ khai giảng hay phát phần thưởng. Sau, ông lên Thiếu Tướng và là người chỉ huy trận đánh ác liệt ở Xuân Lộc trước ngày Sài Gòn thất thủ. Sau 1975, ông bị đưa đi ”học tập” ở ngoài Bắc. Nghe nói, hiện nay, ông định cư ở Mỹ.
Tuy ở trường dạy học thì rất nghiêm túc, nhưng ở nhà, nhiều khi anh em cũng rất tếu táo. Một buổi tối, trong khi các anh em vẫn ngồi làm việc thì một anh bạn tên là C, lớn tuổi nhất, có lẽ mệt, nên đi ngủ sớm. Một lúc, anh C có vẻ đã ngủ say, tôi chợt có một ý đùa vui, bàn với mấy ông bạn kia và được mọi người hưởng ứng. Thế là, mỗi người một tay, đi tìm hai cây đèn cầy (có sẵn ở nhà vì phòng khi bị cúp điện), bật quẹt, thắp nến. Một cây đem gắn ở đầu giường, một cây thì gắn ở chân giừơng anh bạn đang nằm ngủ, rồi tắt đèn điện. Một lúc sau, anh bạn chợt thức giấc. Lúc đó, quả thực anh rất hoảng hốt, vùng ngay dậy, quơ tay gạt phắt hai cây đèn cầy xuống sàn, thét “đứa nào làm cái gì thế này?”. Bọn tôi lúc đó suýt bật cười nhưng thấy tình hình có vẻ “nghiêm trọng” nên đều phải cố nén. Anh bạn C hiện định cư ở Santa Ana, California.
Bạn C, sau 1975 vài năm mới lập gia đình. Cô dâu là người Mỹ Tho, là cựu học sinh Lê Ngọc Hân. Hôm đám cưới anh, tôi có cái vinh dự được họ nhà trai nhờ làm đại diện xuống Mỹ Tho rước dâu. Đây là một vai trò quan trọng thường được giao cho những bậc cao niên, có vai vế trong họ. Xe rước dâu do các bạn ở Mỹ Tho thuê sẵn hộ, vốn là một xe lô Minh Chánh ngày xưa, nay cho thuê làm xe đám cưới. Những năm sau 75, các xe cộ đều cà rịch cà tàng vì phụ tùng hư không có đồ thay thế. Vì tôi là “trưởng họ” đằng trai nên ngồi cùng xe với cô dâu. Giữa đường thì xe chết máy, tài xế phải hì hục sửa một lát xe mới chạy tiếp được tới Sài Gòn. Khi đoàn về tới, nhà trai mời đoàn đưa dâu bên nhà gái dùng cỗ (trong Nam gọi là tiệc). Tất nhiên, do vai vế “trưởng họ” của mình, tôi được xếp ngồi thù tiếp ông già trưởng họ nhà gái. Trong bữa tiệc, có món xôi gấc. Đây là món xôi có mầu đỏ au, là mầu của gấc. Trên đĩa xôi, người ta thường bày mấy cái hột gấc. Hột gấc rất cứng, chỉ bày lên để trang trí cho đẹp. Người miền Nam không biết món xôi gấc. Nên khi hai bên mời nhau, ông trưởng họ nhà gái lịch sự gắp cho tôi hai cái hột gấc và trịnh trọng: “Mời bác!”
*
Đầu năm 1972, mặt trận ở Việt Nam tương đối lắng dịu. Số binh sĩ Mỹ còn ở lại Việt Nam vào khoảng 140.000 người trong đó chỉ có hơn 20.000 là lính tác chiến. Các cuộc ném bom vẫn tiếp tục ở Bắc Việt, Lào và Kampuchia. Hòa đàm Paris vẫn không tiến triển. Nixon thăm Bắc kinh và dự tính đi Moscow. Trong các chuyến đi này, Nixon tìm cách thuyết phục Bắc Kinh và Moscow làm áp lực với Hà Nội để giải tỏa bế tắc tại hội nghị Paris.
Trong khi đó, ở Hà Nội, Tướng Giáp đã hoàn tất những bước cuối cùng cho một kế hoạch tấn công lớn nhất trong cuộc chiến nhắm vào Nam Việt Nam với hy vọng có thể đập tan quân đội Nam Việt Nam, lật đổ chế độ Thiệu và buộc quân đội Mỹ rút khỏi Nam Việt Nam. Các nhà lãnh đạo Bắc Việt tính toán rằng mùa Xuân 1972 là thời điểm thích hợp để tung ra một cuộc tấn công lớn vì một số lý do như sau:
- Tổng Thống Nixon, vì các nhu cầu chính trị, buộc phải đẩy nhanh lịch trình rút quân và không thể ném số lính tác chiến còn ở lại Nam Việt Nam vào các trận chiến với các sư đoàn quân Bắc Việt.
- Hà Nội cũng tính rằng một cuộc tấn công thành công sẽ dẫn tới sự sụp đổ của chế độ Sài Gòn và buộc Nixon, dưới áp lực phải chấm dứt chiến tranh trước các cuộc bầu cử vào tháng 11, phải rút tất cả quân Mỹ còn lại khỏi Nam Việt Nam.
- Một cuộc tấn công thành công cũng có nghĩa là một thất bại lớn của Hoa Kỳ.
Hà Nội cũng cảnh giác trước chính sách mở cửa của Mỹ đối với Bắc Kinh. Trung Quốc vốn nghi ngờ mối quan hệ giữa Liên Sô với Bắc Việt Nam và coi Mỹ như là một đối trọng cho sự căng thẳng của Trung Hoa với Liên Bang Sô Viết, muốn Hoa Kỳ duy trì sự hiện diện ở Đông Nam Á để cân bằng với lực lượng Sô Viết trong khu vực.
Hà Nội cũng cảm nhận được rằng, sau chuyến thăm Trung Quốc của Nixon, Trung cộng muốn một kết thúc chiến tranh Đông Dương sao cho Nam Việt Nam vẫn tồn tại, Hoa Kỳ vẫn duy trì sự hiện diện tại Đông Dương và Việt Nam bị chia cắt mãi mãi.
Cân nhắc các yếu tố trên và e ngại trước chính sách mở cửa đối với Trung Cộng của Mỹ cũng như những ý đồ của Trung cộng và được sự nhất trí của Bộ Chính Trị Hà Nội, Tướng Giáp tung ra cuộc tấn công, đặt tên là chiến dịch tiến công Nguyễn Huệ, gồm ba giai đoạn, huy động tới 12 sư đoàn bộ binh được yểm trợ bởi xe tăng và các đơn vị trọng pháo. Khoảng 120.000 lính Bắc Việt kết hợp cùng hàng ngàn VC, được điều vào chiến dịch. Ngày 30 tháng 3, đợt tiến công đầu tiên tràn qua vùng phi quân sự, tấn công các vị trí của quân VNCH ở hai tỉnh cực bắc là Quảng Trị và Thừa Thiên. Ba sư đoàn Bắc Việt với tổng số khoảng 30.000 người, trang bị các loại vũ khí hiện đại của Liên Sô gồm rocket, tên lửa, xe tăng và trọng pháo ồ ạt tấn công Quảng Trị và Thừa Thiên. Một lần nữa, lực lượng đồng minh lại rơi vào thế bất ngờ. Mặc dù các nhân viên an ninh vẫn chờ đợi một cuộc tấn công của Bắc Việt nhưng họ không biết chắc khi nào và ở đâu cuộc chiến sẽ diễn ra. Đồng minh cũng không biết gì về qui mô và hỏa lực của địch trong cuộc chiến. Các vị trí của quân VNCH phải hứng chịu mũi nhọn tấn công và bị chiếm bởi các sư đoàn 1 và 3 quân Bắc Việt. Trong vài tuần, tình hình hai tỉnh trở thành nguy kịch. Các lực lượng Bắc Việt đã tràn ngập các vị trí phòng thủ của quân Nam Việt Nam và quét sạch một số căn cứ hỏa lực của Nam Việt Nam. Tình thế của quân VNCH càng tồi tệ thêm khi viên chỉ huy bất tài của vùng I chiến thuật, tướng Lãm, ra lệnh cho sư đoàn 3, có lẽ là sư đoàn yếu nhất, phản công ngay trước các lực lượng vượt trội của quân Bắc Việt, trong các hoàn cảnh hết sức bất lợi về chiến thuật. Hậu quả, sư đoàn này bị quân Bắc Việt tàn sát.
Ngày 01 tháng Năm, những binh lính VNCH không còn tinh thần chiến đấu, cùng gia đình hoảng sợ của họ và dân thường, kinh hãi rút chạy về phía nam. Lính Bắc Việt xả súng vào đám đông đang tháo chạy làm thương vong hàng ngàn lính và dân di tản. Thành phố Quảng Trị thất thủ. Toàn tỉnh nằm trong tay của quân Bắc Việt. Thành phố Huế, cách 40 dặm nằm về phía nam Quảng Trị, bị uy hiếp. Sở chỉ huy Mỹ ở Sài Gòn và Washington đã lo sợ VNCH có thể bị sụp đổ từ áp lực gây ra bởi cuộc tấn công toàn lực của Bắc Việt.
E ngại trước các thành công của quân Bắc Việt và sợ rằng Huế, và ngay cả Đà Nẵng, sẽ bị chiếm, Tướng Thiệu phải thay tướng Lãm bằng Tướng Ngô Quang Trưởng. Có lẽ đây là vị tướng ưu tú nhất của quân đội VNCH. Không dính líu vào các mưu đồ chính trị, rất chuyên nghiệp, và dày dạn trận mạc, Trưởng là một tướng cầm quân ưu hạng, có thể chỉ huy nhiều quân chủng. Ông lập tức tổ chức cuộc phòng thủ cho Huế và cứu vãn được thành phố, và có lẽ, đã cứu vãn cả Miền Nam Việt Nam.
Sau sự bảo vệ thành công ở Huế, Nam Việt Nam phản công tái chiếm thành phố Quảng Trị, mục tiêu quân sự chính của mặt trận phía bắc. Tướng Trưởng củng cố lực lượng và, cuối tháng Sáu, tung ra cuộc phản công. Cuộc tấn công của lực lượng Đồng Minh vào Quảng Trị đã xử dụng một hỏa lực khổng lồ, gồm cả trọng pháo từ các tầu hải quân Mỹ, các cuộc không kích chiến thuật và máy bay ném bom B52. Cuối cùng, Tướng Thiệu lệnh cho Thủy Quân Lục Chiến Nam Việt Nam tiến vào, đẩy lực lượng Bắc Việt ra khỏi thành phố Quảng Trị. Sau năm ngày cận chiến ác liệt trong từng con đường, từng căn nhà của Quảng Trị, quân Bắc Việt phải rút lui. Mặc dù bị tàn phá, đổ nát bởi bom đạn, thành phố Quảng Trị được chiếm lại bởi Nam Việt Nam ngày 16 tháng 9. Một phóng viên Mỹ chứng kiến trận Quảng Trị đã ghi lại sau đó:
“When it was finally recaptured Quang Tri was no longer a city but a lake of shattered masonry... It was another case – on a larger scale than ever before- of destroying Vietnam to save it”
(Cuối cùng, khi Quảng Trị được tái chiếm, nó không còn là một thành phố mà chỉ là một đống đổ nát… Đó là một trường hợp khác, ở qui mô lớn hơn từ trước tới nay, người ta tàn phá Việt Nam để cứu vãn nó).
Đợt tấn công thứ hai của quân Bắc Việt xảy ra vào đầu tháng Tư. Hai sư đoàn quân Bắc Việt thâm nhập vào cao nguyên Trung Phần tại Đak Tô và Tân Cảnh. Trong vài tuần, họ đánh bại quân bảo vệ VNCH và thực hiện hàng loạt cuộc tấn công vào thành phố Kon- Tum. Một sư đoàn khác của quân Bắc Việt với sự trợ lực của lực lượng VC, chiếm được phần lớn tỉnh duyên hải Bình Định. Nếu thành phố Kon Tum thất thủ, quân Bắc Việt sẽ kết nối được với lực lượng Bắc Việt và VC ở Bình Định, và Nam Việt Nam sẽ bị cắt làm hai.
Việc bảo vệ Kon Tum được tổ chức và chỉ huy bởi viên tướng huyền thoại John Paul Vann. Lính bảo vệ VNCH, dưới sự chỉ huy của Đại Tá Lý Tòng Bá, liên tiếp đẩy lui các cuộc tấn công của quân Bắc Việt. Trong khi lực lượng của Đại Tá Bá cầm chân quân đich thì Vann gọi máy bay yểm trợ: trực thăng chiến đấu, máy bay không kích chiến thuật, máy bay thả bom B52 dồn dập ném bom, oanh kích xuống các vị trí của quân Bắc Việt. Đỉnh điểm của trận đánh Kon Tum xảy ra tối ngày 28 tháng Năm năm 1972. Lực lượng Bắc Việt đánh thủng được lực lượng phòng vệ VNCH và tràn vào thành phố. Chỉ những đợt quần thảo dữ dội của B52, cuối cùng, mới dập tắt được cuộc tiến công của lính Bắc Việt để sư đoàn 23 đã tả tơi của Đại Tá Bá vào quét sạch quân Bắc Việt trong thành phố. Không lực Mỹ, đặc biệt là các cuộc tấn công của B52, đã giải cứu Kon Tum.
Vài ngày sau chiến thắng Kon Tum, John Paul Vann tử nạn trong một tai nạn máy bay trực thăng cách Kon Tum vài dặm về phía nam.
Đợt tấn công thứ ba trong chiến dịch Nguyễn Huệ của Bắc Việt Nam đánh vào hai tỉnh Tây Ninh và Bình Long, phía tây bắc Sài Gòn, thuộc vùng III chiến thuật. Ba sư đoàn VC, sư đoàn 5, 7 và 9, gồm phần lớn là quân đội miền Bắc và được chỉ huy bởi các cấp chỉ huy Bắc Việt, xâm nhập miền Nam Việt Nam từ các căn cứ ở Kampuchia. Sư đoàn 5 VC chiếm Lộc Ninh. Quân Nam Việt Nam phải rút về An Lộc. Không thể chiếm được An Lộc, quân Bắc Việt vây hãm thị trấn. Trận An Lộc kéo dài khốc liệt trong nhiều tuần lễ. Tướng Thiệu, cương quyết phải chặn đứng quân Bắc Việt, ném vào mặt trận phần lớn lực lượng trừ bị chiến thuật và các đơn vị không vận ưu tú để tăng cường lực lượng bảo vệ của thị trấn bị vây hãm. Trận đánh quyết định ở An Lộc xảy ra vào sáng ngày 11 tháng Năm. Các đơn vị của ba sư đoàn cộng quân tung ra các cuộc tấn công vào các lực lượng phòng vệ VNCH. Lập tức, quân Bắc Việt bị dập bom, trước tiên bởi các máy bay chiến đấu-ném bom của Mỹ và VNCH, sau đó là các máy bay B52. Các máy bay B52 quần thảo các lực lượng Bắc Việt trong suốt 24 giờ. Tất cả các đơn vị Bắc Việt Nam, không có nơi ẩn nấp, bị dội bom khốc liệt bởi các siêu pháo đài bay, biến mất trong những đám mây bụi và các mảnh vỡ. Mặc dù vẫn còn các trận đánh lẻ tẻ ở các vùng lân cận An Lộc trong vài ngày sau đó, nhưng trận An Lộc đã chấm dứt. Quân đội VNCH đã chiếm lại được thị trấn.
Một trong những tấm hình kinh hoàng nhất của chiến tranh Việt Nam. Cô bé chín tuổi Phan Thị Kim Phúc vừa chạy vừa kêu khóc trên đường số 1, do bị cháy bởi bom napal trong trận đánh ở Trảng Bàng (Tây Ninh).
Chiến dịch Nguyễn Huệ của Bắc Việt yếu dần vào tháng chín khi Thủy Quân Lục Chiến VNCH quét sạch tàn quân của Bắc Việt ra khỏi thành phố Quảng Trị. Hà Nội đã thực hiện một cuộc tấn công quân sự lớn nhất, hơn bất kỳ trận chiến nào trên thế giới, kể từ khi Trung cộng tham dự cuộc chiến Triều Tiên năm 1950. Nhưng các nổ lực của Hà Nội khi dùng biển người nhằm đè bẹp các đơn vị VNCH đã gặp thảm họa. Tướng Giáp đã tính sai về khả năng chiến đấu của quân đội VNCH. Không lực Mỹ đã gây ra các tổn thất khủng khiếp cho đối phương. Bắc Việt Nam bị tổn thất hơn 100.000 sinh mạng tại mặt trận, hầu hết các xe tăng và trọng pháo của họ bị phá hủy trong ba tháng giao tranh. Nam Việt Nam cũng bị thương vong nặng nề, ước lượng số thương vong trong ba tháng chiến đấu lên tới 25.000 người.
Vài chỉ huy của quân đội VNCH, đặc biệt là Tướng Ngô Quang Trưởng và Đại Tá Lý Tòng Bá, đã chứng tỏ những khả năng quân sự chuyên nghiệp trong các tình huống ngoài mặt trận. Một số đơn vị của VNCH, như các lực lượng không vận, đã chiến đấu dũng cảm dưới hỏa lực của các trận đánh. Các phi công VNCH cũng chứng tỏ có khả năng tốt trong nhiều mặt trận. Tuy nhiên, quân đội Nam Việt Nam cũng bộc lộ nhiểu điểm yếu, thí dụ về trực thăng vận, về pháo binh, về thông tin, tình báo,… và phụ thuộc rất nhiều vào sự yểm trợ của không lực Mỹ.
Cuối tháng 4 năm 1975, khi quân Bắc Việt tiến vào cửa ngõ Sài Gòn, Tướng Ngô Quang Trưởng, cùng Tướng Nguyễn Cao Kỳ, kịp bay ra Hạm Đội 7 của Hoa Kỳ. Sau đó, định cư tại Mỹ. Gần đây, nghe nói ông đã mất. Phu nhân của Tướng Trưởng là con gái của nhà văn Thạch Lam. Cách nay vài năm, bà về Hải Dương, thăm lại ngôi nhà trước kia là Trại Viết Văn của nhóm Tự Lực Văn Đoàn. Bà có chụp một tấm hình, đứng tại con đường mang tên phố là Thạch Lam, thân phụ của bà.
Khoảng năm 1980, tôi có dịp ghé qua thành phố Quảng Trị, vẫn là một thành phố đổ nát tang thương dù đã trải qua tám năm, từ trận chiến kinh hoàng năm 1972. Những con phố không có nhà với những bãi đất trống, đầy cỏ dại, những căn nhà, có còn, cũng chỉ vài bức tường loang lổ... Trường trung học Bồ Đề, ngày xưa là một dãy nhà hai tầng, nay là một nhà hoang với những ô cửa cháy xém, cổ thành Quảng Trị hầu như hoàn toàn đổ nát, chỉ còn sót lại một cái cổng thành,…. Bao nhiêu máu thịt của những người con Việt Nam đã để lại trên mảnh đất này?
“Hồn tử sĩ gió ù ù thổi
Mặt chinh phu trăng dõi dõi soi
Chinh phu tử sĩ mấy người
Nào ai mạc mặt nào ai gọi hồn”
(Chinh Phụ ngâm)
Dân ở đây vốn nghèo, nên sau chiến tranh, chỉ xây dựng những căn nhà nhỏ cấp bốn ở tạm bợ. Ngày nay, sau nhiều năm đổi mới, có lẽ Quảng Trị đã hồi sinh, được xây dựng lại. Tôi mong như thế.
*
Năm 1973, tôi được thuyên chuyển về làm giảng sư trường Đại học Sư Phạm Sài Gòn, nhưng ngoài các giờ dạy ở đại học, tôi vẫn hàng tuần xuống dạy tại trường Nữ Trung học Lê Ngọc Hân Mỹ Tho, cho tới hết niên học 1973-1974. Đây là niên học cuối cùng tôi dạy học tại Mỹ Tho. Năm học này, tôi dạy cả ba cấp, lớp 12, lớp 11 và lớp 10.
Vì chỗ ở mới cách trường không gần như nhà trọ cũ, nên mấy năm học sau này, tôi mang xuống Mỹ Tho một cái xe Velo Solex để di chuyển. Đây là một loại xe, đối với trẻ con Mỹ Tho có vẻ hơi lạ, nên khi tôi chạy xe vào miệt vườn ở ngoại vi thành phố, trẻ con chạy ra xem tíu tít. Ba ông bạn ở chung phòng cũng lần lượt kiếm xe Velo mang xuống xử dụng, vô tình lập thành nhóm giáo sư “Velo Solex”.
Năm học cuối này rất vui, các em từ lớp 10 tới lớp 12, rất hồn nhiên. Nhiều hôm ở Sài Gòn xuống dạy, mang theo cả chồng cours in rô-nê-ô để phát cho học sinh. Những sáng lỉnh kỉnh mang cours như vậy, tôi không đi Velo Solex mà thường đi xích lô tới cổng trường, tay xách chồng cours đi vào. Các em học sinh lớp 12 đang đứng trên hành lang lầu một, trông thấy. Lập tức, hai, ba em ùa xuống, tíu tít tranh nhau xách chồng cours cho thầy. Những lúc như vậy, thầy trò rất gần gũi, như trong một gia đình. Ngày Tết, các em rủ nhau lên Sài Gòn thăm. Tôi đưa các em đi chơi Tết, ghé thăm chùa Vĩnh Nghiêm...
Đưa học sinh lớp 11A5, Lê Ngọc Hân, thăm chùa Vĩnh Nghiêm ngày Tết
Năm 2009, tôi sang thăm Mỹ, ghé San José. Các em tụ họp được hơn mười em ở San José và San Francisco họp mặt, mừng thày trò hội ngộ sau 35 năm. Nhiều em trong hình có mặt trong buổi họp mặt. Các em tíu tít nhắc lại “chuyện ngày xưa”.
Học sinh lớp 12 năm ấy để lại cho tôi nhiều kỷ niệm. Các em quấn quýt như các em bé. Không khí lớp học luôn luôn rất vui.
Ngày 27 tháng 01.1973, Hiệp Định Paris được ký kết,với các điều khoản chính như sau:
1. Một cuộc ngưng bắn khắp Miền Nam Việt Nam được thực hiện tức khắc
2. Đồng thời, Hoa Kỳ ngừng mọi hành động chiến tranh chống Bắc Việt Nam và đồng ý gỡ bỏ, vô hiệu hóa hay phá hủy ngay lập tức tất cả bom mìn cài đặt ở các hải cảng, các thủy lộ của Bắc Việt.
3. Hoa Kỳ đồng ý rút tất cả lực lượng còn lại, kể cả các nhân viên cố vấn, khỏi Nam Việt Nam và tháo gỡ tất cả các căn cứ tại Nam Việt Nam trong vòng 60 ngày.
4. Hà Nội đồng ý giao trả tất cả tù binh chiến tranh Mỹ trong vòng 60 ngày.
5. Quân số 150.000 lính Bắc Việt hiện đang ở Nam Việt Nam được phép ở lại.
6. Hoa Kỳ và Bắc Việt Nam không được gửi thêm quân vào Nam Việt Nam.
Để đạt tới một hiệp định như trên, phải mất tới 4 năm. Trong 4 năm đó, có thêm 15.000 lính Mỹ tử trận, khoảng 150.000 lính Miền Nam và 400.000 lính Miền Bắc hy sinh và hàng trăm ngàn thường dân vô tội ở Nam Việt Nam thiệt mạng.
Vài giờ sau khi hiệp định Paris được ký kết, từ Phòng Bầu Dục của Tòa Bạch Ốc, Nixon đọc một diễn văn gửi cho nhân dân Mỹ, trong đó, ông tuyên bố:
“South Vietnam has gained the right to determine its own future. Let us be proud that America did not settle for a peace that betrayed an ally”.
(Nam Việt Nam đã dành được quyền tự quyết định lấy tương lai của mình. Chúng ta hãy tự hào rằng Hoa Kỳ đã không chấp nhận một hòa bình phản bội một đồng minh)
Tướng Nguyễn Cao Kỳ, người theo dõi bài diễn văn được truyền hình của Nixon, đã có một đánh giá đầy thực tế:
“I could not stomatch it, so nauseating was its hypocrisy and self-delusion…. This is an enormous step toward the total domination of Vietnam and there is no reason why the Communists should stop now… I give them a couple of years before they invade the South”.
(Tôi không thể nuốt được nó, sự đạo đức giả và tự lừa dối mình làm cho người ta buồn nôn… Đây là một bước sai lầm khủng khiếp đưa tới sự thống trị toàn Việt Nam và không có lý do gì Cộng Sản sẽ ngừng lại… Tôi cho là chỉ đôi ba năm, họ sẽ xâm lấn Miền Nam).
Lời Tướng Kỳ đã trở thành một lời tiên tri!
Sau khi hiệp định Paris được ký kết và công bố, ở các vùng nông thôn hay ngoại thành của các tỉnh Miền Nam, hai bên có trò dành dân, “xí” đất. Trong các vùng do Quốc Gia kiểm soát, ở cửa mỗi nhà của dân đều được vẽ một lá cờ vàng, ba sọc đỏ (không biết, vùng VC kiểm soát có vẽ cờ Mặt Trận Giải Phóng hay không).
Một buổi chiều sau ngày hiệp định được công bố, tôi và một anh bạn cùng trường đi dạo một vòng ở vùng ngoại ô Mỹ Tho. Buổi chiều thật vắng và yên lặng, thỉnh thoảng có tiếng súng nổ lẹt đẹt từ xa. Đó là buổi chiều hòa bình đầu tiên sau hiệp định, nhưng tôi vẫn cảm thấy, trong cái yên lặng ấy, có một cái gì bất an, bấp bênh.
Năm học 1973-1974 là năm học đầu tiên nhà nước tổ chức kỳ thi Tú Tài theo phương pháp trắc nghiệm, dân chúng hay gọi là Tú Tài IBM. Vì vậy, trong năm học, ngoài các bài tập, bài thi học kỳ theo truyền thống, tôi ra thêm các đề thi trắc nghiệm để các em làm quen với hình thức thi mới này. Thực ra, Bộ Giáo Dục đã áp dụng hình thức thi trắc nghiệm từ nhiều năm trước nhưng chỉ áp dụng một phần, với những môn hệ số nhỏ, đòi hỏi học sinh thuộc lòng nhiều hơn suy luận, thí dụ: Công Dân, Sử, Địa,…. Năm này, mới áp dụng thi trắc nghiệm cho tất cả các môn thi.
Đây là năm dạy học rất vui của tôi với lớp 12A1, lớp 11A5,… học trò rất hồn nhiên, lí lắt, dễ thương. Dạy các lớp, tôi thường dặn các em: ”Các em không cần đi học thêm ở ngoài, chỉ cần học kỹ bài học thầy giảng trong lớp, làm các bài tập thầy cho. Chỗ nào không hiểu thỉ chịu khó hỏi. Như vậy, các em sẽ đỗ”. Nhiều em nghe lời khuyên của tôi.(Một năm, tôi xuống dạy một lớp đại học tại chức ở Mỹ Tho, một nhóm năm, sáu học sinh tôi dạy năm cuối ở Lê Ngọc Hân, tức là đã cách khoảng hơn 20 năm, biết tin ghé thăm. Thày trò gặp nhau, kể chuyện cũ, nhắc tới người này, người khác, ai mất, ai còn… Một em nhắc lại “Ngày xưa, khi dạy tụi em, thầy bảo đừng đi học thêm ở ngoài làm gì. Em nghe lời thầy, không học thêm ở đâu cả, thế mà năm ấy, bài thi của thầy em được 20 điểm”, 20 là điểm tối đa. Nghe em kể lại như vậy, tôi rất vui).
Thời gian này, nửa tuần tôi dạy ở Đại học Sư Phạm Sài Gòn và hướng dẫn cho sinh viên thực tập giảng dạy, nửa tuần còn lại, tôi xuống dạy ở Lê Ngọc Hân.
Rồi năm học cuối cũng trôi qua. Khi học kỳ hai chấm dứt, một buổi sáng sớm, tôi ra bến xe, từ giã Mỹ Tho.
Trên hành lang, sau giờ dạy cuối
(Hình do học sinh chụp lén, gửi tặng)
***
Cách nay mươi năm, một anh bạn trước cũng là giáo sư Lê Ngọc Hân, dạy môn Pháp Văn. Trong ngày 30/4/1975, anh rời khỏi Việt Nam và sau đó định cư ở Montréal, Canada, về Việt Nam và gặp tôi. Tôi đưa anh bạn về thăm lại Mỹ Tho, gặp một số bạn bè giáo sư cũ. Khi đi qua ngôi trường Lê Ngọc Hân (nay là một trường cấp hai, nam, nữ sinh học chung), chúng tôi ghé vảo thăm. Hàng me trên đường Ngô Quyền trước trường vẫn xanh tươi như ngày nào, nhưng quang cảnh sân trường đã có nhiều thay đổi. Không còn hai cổ thụ, ngày xưa vẫn phủ bóng mát gần kín sân trường. Nhìn lên lầu một, các lớp học với những khung cửa rộng che lưới vẫn như thuở chúng tôi dạy học.
Lúc đó là buổi chiều, học trò đã tan học từ lâu, sân trường vắng lặng, chỉ còn một hai nhân viên về muộn. Ngôi trường ngày xưa đối với chúng tôi biết bao thân thiết nhưng bây giờ sao xa lạ. Anh bạn đứng nhìn quang cảnh, có vẻ trầm ngâm.
“Lâu lắm mới về qua chốn cũ
Trường lớp bâng khuâng, cảnh lạ người
Đâu những trưa hè ngây ngất nắng
Em về, áo trắng lá me rơi...”
Nguyễn Trần Trác