Ký ức học trò
Nguyễn Trần Trác
NT 57-62
Lời giới thiêu: Đây là hồi ký dài của một tác giả có trí nhớ siêu việt. Những ai đã từng sống và học “một ngày Nguyễn Trãi” không thể bỏ qua, nên đọc đến dòng chữ cuối cùng để cùng nhớ với Nguyễn Trần Trác về quãng đời thơ ấu không bao giờ trở lại. Một “Lưu bút ngày xanh” của toàn trường và nhất là các bạn lớp B3-57.
Sau trung học, ông tốt nghiệp ĐHSP Sài Gòn 63-67. Giáo sư nữ trung học Lê Ngọc Hân, Mỹ Tho 67-73, giảng nghiệm viên ĐHKHSG 69-72. Năm 72 ông trình luận án khoa học (thèse) và là giảng sư vật lý ĐHSPSG năm 73. Hưu trí 2005 và từ 2006 tới nay, ông giữ chức Khoa trưởng (Dean) của một Đại học tư ở Saigon. CĐVinh
Tôi vào học lớp Đệ Thất trường Nguyễn Trãi năm học 1957-1958, vì là trường di cư nên như mọi trường khác từ Hà Nội vào, giai đoạn này trường Nguyễn Trãi phải đi học nhờ, và chỉ học buổi chiều ở trường tiểu học Lê Văn Duyệt trên đường Phan Đình Phùng (nay gọi là đường Nguyễn Đình Chiểu) Quận Ba, phía sau là con đường nhỏ Tự Đức. Trường tiểu học này kỳ thủy chỉ có hai dãy nhà gạch khang trang, phòng học rộng rãi đúng tiêu chuẩn nhưng trường Nguyễn Trãi chỉ được mượn một dãy bên trong và một phòng học ở cuối dãy ngoài. Đây chính là phòng học lớp Đệ Thất B3 của chúng tôi trong năm đầu tiên tại trường Nguyễn Trãi. Có lẽ vì thiếu phòng học nên một dãy phòng lợp tôn được xây dựng thêm ở trong cùng, gần phía đường Tự Đức. Lớp Đệ Lục B 3 của chúng tôi trong năm học thứ hai trấn thủ ở dãy này. (Hình dưới: Nguyễn Trần Trác năm 57 đệ Thất NT).
Nhà tôi ở trong một hẻm nhỏ đâm ra đường Chi lăng (gần đường Nguyễn Huệ, nay gọi là đường Thích Quảng Đức).
Mỗi buổi trưa, tôi đi học bằng xe lô-ca-chân, đi hết đường Chi Lăng tới Lăng Ông thì rẽ phải đi theo đường Lê văn Duyệt. Tới rạp Casino Đakao thì rẽ trái đi theo đường Đinh Tiên Hoàng, tuốt luốt tới đường Phan Đình Phùng thì rẽ phải . Đi vài trăm mét thì tới trường. Chiếc bảng tên “Trường Trung Học Nguyễn Trãi” nhỏ bé, khiêm nhượng, để thấp hơn bên cạnh bảng tên “Trường Tiểu Học Lê Văn Duyệt” to hơn, ở ngay trên cổng trường. Thỉnh thoảng lười đi bộ, tôi nhảy xe bus lậu vé, hôm nào xe đông khách quá thì thoát nhưng cũng có hôm bị “sừ” soát vé đuổi cổ xuống giữa đường. Nhờ được học bổng toàn phần (400 đồng/tháng) nên hè năm Đệ Thất tôi mới “tậu” được một chiếc xe đạp. Chiếc xe đạp này đã là người bạn đồng hành của tôi trên các ngả đường Sài Gòn cho tới năm tôi lên năm thứ ba đại học.
Hiệu trưởng trường Nguyễn Trãi thời gian đó là thầy Vũ Đức Thận, người dong dỏng tầm thước, luôn mặc bộ complet màu trắng, tác phong điềm đạm, đúng là một nhà mô phạm thế hệ xưa. Thầy làm hiệu trưởng cho tới năm chúng tôi lên lớp Đệ Tứ thì về hưu. Các giáo sư đứng tuổi phần lớn tốt nghiệp trường Cao Đẳng Sư Phạm Đông Dương ở Hà Nội. Các giáo sư trẻ thì nhiều thầy đang tiếp tục học cử nhân trên đại học. Một số thầy là giáo sư dậy giờ.
Tôi được xếp vào lớp Đệ Thất B3, phòng học ở một góc ba tó, đầu dãy ngoài về phía đường Phan Đình Phùng. Lớp chúng tôi trong học kỳ một có 59 mống, học kỳ hai còn 58. Không biết một nhóc đi đâu mất. Tôi ngồi khoảng giữa lớp, dãy ngoài sát hành lang, cạnh nhóc tì Đinh Quốc Thiệu. Cậu bạn này rất lí lắt và chắc cả lớp còn nhớ vì có bệnh mồ hôi tay. Bàn tay lúc nào cũng ướt sũng mồ hôi nên khi chép bài luôn luôn phải lót khăn mùi-xoa ở dưới. Sau này tôi có tới nhà Thiệu một lần, ở khu Bàn Cờ. Hiện nay bạn bè cũ còn ở Việt nam hay ở nước ngoài không ai có tin tức gì về Thiệu. (hình dưới: các bạn NT57 dưới cột cờ trường tiểu học Lê Văn Duyệt).
Giảng dạy chúng tôi từ năm Đệ Thất tới năm Đệ Ngũ chỉ có các thầy và thời gian đó trường Trung học Nguyễn Trãi chỉ nhận nam sinh. Sau này, khi về trường sở mới ở bên Khánh Hội mới nhận thêm nữ sinh vì vậy bây giờ tôi mới có cái duyên, năm thì mười họa, nhận được mail thăm hỏi của một, hai “sư muội” từ xứ Cờ Hoa xa xôi.
Năm Đệ Thất B3 tụi nhóc chúng tôi được thụ giáo với các thầy:
Thầy Hoạt (người gày, nhỏ, đi dạy bằng chiếc xe đạp Peugeot) dạy Quốc văn, thầy Đồng dạy Sử, thầy Huy dạy Địa lý, thầy Tô Đình Hiền dạy Đức dục, Công dân, thầy Phạm Quýnh dạy Toán, thầy Quỳ (cao lớn, đi dạy bằng xe lambretta) dạy Anh Văn (thời đó gọi là Sinh Ngữ), thầy Diệu (người trắng trẻo, nho nhã ) dạy Pháp văn, thầy Hiển dạy Lý Hóa và Vạn vật. Dạy Vẽ thì suốt bốn năm chúng tôi học tại Nguyễn Trãi đều là thầy Thịnh Del và Nhạc thì bao giờ cũng là thầy Tiến tức nhạc sĩ Chung Quân.
Thời đó, các thầy vô dạy trong giờ học đầu tiên không bao giờ tự giới thiệu nên thường chúng tôi không biết họ của các thầy.Vì vậy, các bạn thông cảm không phải người viết dám vô lễ khi nhắc tới tới các thầy mà không viết đầy đủ họ tên.
Chúng tôi học hết năm Đệ Thất thì Bộ Quốc Gia Giáo Dục có cải tổ việc học ngoại ngữ. Từ năm sau các lớp bậc trung học đệ nhất cấp chỉ cần học một ngoại ngữ: Anh văn, Pháp văn hoặc Hán văn. Do đó, học sinh bốn lớp Đệ Thất chạy qua chạy lại lung tung. Đa số học sinh chọn Anh văn, Pháp văn thì ít hơn. Cũng có vài bạn của lớp Đệ Thất B3 như Nguyễn Ngọc Côn, Nguyễn Đức Quang... chọn Hán văn.
Lên lớp Đệ Lục B3, chúng tôi được bố trí học ở dãy nhà tôn phía sau. Tuy phòng học không được mát mẻ như ở dãy nhà gạch nhưng được cái rất tiện lợi là dễ... “cúp cua”. Chỉ cần len lén đi khoảng hai chục bước là tới bức tường thấp ở phía đường Tự Đức, quẳng cặp táp ra trước rồi phi thân phóng qua bức tường là đã sang “thế giới tự do”, chạy khoảng mươi phút thì tới rạp xi-nê “pẹc-ma-năng” Assam trên đường Đinh Tiên Hoàng, bỏ ra 5 đồng mua vé là có thể ngồi coi tới tối. Một bộ phim chiếu ở rạp này và rất gây ấn tượng với tôi dạo ấy là một phim thời chiến tranh thế giới thứ hai, có tên “Le temps d’aimer et le temps de mourir”. Cảnh kết của bộ phim là lúc người lính Đức, trong lúc đang đọc bức thư của người yêu gửi tới từ Berlin thì bị bắn chết. Chàng ngã xấp xuống ven một dòng suối, cố gắng vô vọng dướn tay theo bức thư đang từ từ trôi theo dòng nước. Người bắn là một tù nhân Nga mà chàng vừa giải phóng. (hình bên: Thông Tín Bạ NT của Nguyễn Trần Trác) .
Lớp Đệ Lục B3 có 60 trò, Ban giáo sư có một số thay đổi: thầy Tô Đình Hiền năm nay dạy Quốc văn và Công dân, dạy Sử là thầy Quang, Anh văn là thầy Phạm Chung (thầy Chung là giáo sư dạy giờ, đang học đại học, nghiện hít dầu Nhị Thiên Đường nhưng không bao giờ có ve dầu trong túi, khi vô lớp vừa ngồi xuống ghế, hỏi “Có đứa nào mang dầu Nhị Thiên Đường không?”. Tác phong của thầy khá bụi đời. Có khi thầy đi cả xe đạp vào lớp, dựa xe sau bục giáo sư). Thầy Xương dạy Toán. Các môn Lý, Hóa, Vạn vật do thầy Bùi Thái Trừu phụ trách. Dạy Địa lý là thầy Tuyền. Lớp chúng tôi là lớp chọn sinh ngữ Anh văn nhưng vẫn được học thêm Hán văn do cụ Tú Anh dạy. Cụ đỗ tú tài Hán học thời xưa.
Thời gian này, Bộ Giáo Dục có chủ trương đẩy mạnh sinh hoạt hiệu đoàn. Thầy Tô Đình Hiền là Hiệu đoàn trưởng mà lại dạy môn Quốc văn, còn trò Trác thì cả hai kỳ thi bán niên đều nhất môn học này nên được thầy quan tâm. Thầy khuyến khích đám học trò làm bích báo. Các trò như trò Trác, trò Phạm Văn Hà rất hăm hở. Trò Trác đảm đương vai trò chủ nhiệm kiêm chủ bút, trò Hà có hoa tay nên là họa sĩ của tờ báo lo phần vẽ vời trang trí. Tuy nhiên cũng có thầy không thích mấy trò hiệu đoàn cho là vô bổ.
Sang năm học 1959-1960, chúng tôi lên học lớp Đệ Ngũ B3. Học kỳ 1 có 50 trò, học kỳ 2 còn 48, có lẽ do một số bạn xin chuyển trường. Lớp học thoáng mát vì là phòng thứ hai ở dãy nhà gạch phía trong gần văn phòng. Dạy Việt văn năm nay là thầy Đặng Ngọc Hạnh, nhà thầy ở một hẻm trên đường Lê Văn Duyệt Quận Ba, tôi có tới thăm một lần. Người thầy hơi đẫy một chút nên đám học trò gọi là thầy Hạnh Béo để phân biệt với thầy Hà Đạo Hạnh là thầy Hạnh Gầy dạy các môn Toán, Lý, Hóa, Vạn vật. Trong chương trình Việt văn năm này chúng tôi được học tác phẩm bất hủ Chinh Phụ Ngâm. Dạy Hán văn năm nay là thầy Nguyễn Trọng Hàn, thầy Hiệu trưởng của tôi tại trường tiểu học Hàng Than Hà Nội, dạy Công dân là thầy Hy, Anh văn là thầy Rật, Sử Địa là thầy Diệu. Năm học này tôi ngồi cạnh bạn Nguyễn Thúc Hỗ. Bạn người nho nhỏ, hơi lém lỉnh cứ tưởng khi lớn lên hai đứa cũng sẽ sàn sàn như nhau, ai ngờ bây giờ bạn là một Dược sĩ “đại gia” ở Cali. Cung hỉ, cung hỉ!
Trong năm học này, thầy Hà Đạo Hạnh là giáo sư hướng dẫn của lớp. Tết năm đó nhà trường tổ chức cho các lớp thi đua làm bích báo Xuân. Hai trò Trác và Hà lại đảm nhận hai vai trò chính của tờ báo. Anh em họp bàn chọn hai, ba cái tên cho tờ bích báo. Cuối cùng phải đến nhà riêng của thầy Hạnh Gầy để thỉnh thị ý kiến. Thầy khuyên nên chọn tên tờ bích báo là Xuân Việt. Tôi không nhớ tờ Xuân Việt của lớp Đệ Ngũ B3 năm đó có được giài gì không? Bạn Phạm Văn Hà chắc cũng không nhớ.
Ở lớp Đệ Ngũ B3 tôi hay đi chơi với nhóm bạn gồm mấy nhóc: Đặng Bằng, Trịnh Dương Hiển, Nguyễn Văn Hải, Trần Ngọc San trong đó Đặng Bằng nhiều tuổi nhất. Thỉnh thoảng cả nhóm kéo tới nhà Trịnh Dương Hiển chơi, ở Khánh Hội. Cạnh nhà Hiển có hai cô hàng xóm, học trường tư thục Đức Trí. Trường Nguyễn Trãi với trường Đức Trí cách xa nhau hàng ki-lô-mếch, tưởng rằng chẳng có dây mơ rễ má gì, ai ngờ sau này nghe đâu như là ông bạn Đặng Bằng và một trong hai cô hàng xóm đã có một mối tình vu vơ của tuổi học trò. Đặng Bằng thuộc loại học giỏi trong lớp. Xong Tú Tài thì xung phong đi biệt kích và bạn mất trong trận mạc. Nhắc tới bạn, tôi chợt nhớ tới những giờ cổ văn khi còn học ở Nguyễn Trãi. Chúng tôi đã cùng say sưa với những câu thơ hào hùng trong tác phẩm Chinh Phụ Ngâm, đã làm quen với những câu thơ cổ Trung Hoa qua những bài thơ đầy khí phách của Nguyễn Công Trứ và càng ngày càng hiểu rằng đó đâu phải chỉ là thơ ca, đâu phải chỉ liên quan tới những “chàng tuổi trẻ vốn dòng hào kiệt” ở một thời đại xa xôi nào đó bên Trung Quốc mà đang liên quan tới thế hệ chúng tôi trong một cuộc chiến ngày càng tàn khốc và những chàng trai trẻ như Đặng Bằng, bạn chúng tôi đã trải qua tất cả bi tráng như những câu thơ cổ mà bạn tôi đã từng được học khi ngồi ở ghế nhà trường:
“Túy ngọa sa trường quân mạc tiếu
Cổ lai chinh chiến kỷ nhân hồi”.
Năm học 1960-1961 chúng tôi lên lớp Đệ Tứ B3, phòng học cùng dãy với lớp 5B3 nhưng xa mặt trời (văn phòng hiệu trưởng) hơn. Năm nay thầy Vũ Đức Thận về hưu, thay thầy là một giáo sư trẻ ở Vĩnh Long chuyển về, tên thầy là Phạm Đăng Châu. Thầy Châu là hiệu trưởng thế hệ mới, có vẻ hãnh tiến. Có lần thầy đi xe hơi tới trường dắt theo cả chó berger. Ấy là các bạn kể thế chứ mắt tôi thì chưa thấy! Trong năm học này, trường Nguyễn Trãi mở thêm bậc Trung học Đệ Nhị Cấp (Tú Tài). Học sinh lớp Đệ Nhất “ma mới” được học tại phòng đầu dãy giữa, gần với văn phòng trường.
(Hình dưới: lớp Đệ Tứ B3-57 chụp với thầy Trừu dịp Tất niên 60. Hàng ngồi có Phong, Nhiếp, Hỗ (Nhiếp và Hỗ dạo đó bé tí!), San, Trà, Thụy, Hải (các bạn gọi đùa là Hynos, bây giờ mà gọi thế bạn ấy giận đấy); hàng đứng có Rậu, Tuấn (hải quân), P.V.Hà (cái đầu ló ra), Trác (đứng hơi cúi nghiêng xuống, quần bạc mầu), Thu, Cát (cười hớn hở), Thông (biệt danh là Thông đen), N.M.Hà (giữa Cát và Thông), thầy Bùi Thái Trừu, N.Đ.Quang, Liêm “béo”. Anh chàng quần trắng không phải B3 mà thấy chụp hình thì đứng vào chụp ké; hàng sau hình nhỏ quá chỉ nhận ra: Sau P.V.Hà là Thái, sau Cát là T.D.Hiển. Nhờ các bạn Tứ B3 nhận diện tiếp hộ các bạn còn lại nhé xem như một câu đố vui).
Dạy Việt văn lớp Đệ Tứ năm ấy mới đầu là thầy Nguyễn Bá Lương (sau khi thầy hoàn thành luận án tiến sĩ Luật thì chuyển công tác sang bộ Tư Pháp). Dạy thế thầy Lương là thầy Nguyễn Tri Tài. Năm Đệ Tứ chúng tôi được học hai tác phẩm cổ điển là Cung Oán Ngâm Khúc và truyện Kiều. Thầy hiệu trưởng Phạm Đăng Châu trong buổi dạy đầu tiên của thầy Tài đã trịnh trọng đưa thầy vào lớp giới thiệu với học sinh như sau “thầy Nguyễn Tri Tài là bạn của tôi, là một giáo sư nổi tiếng, đang làm luận văn cao học ở đại học Văn Khoa. Tôi mời thầy Tài dạy cho các anh thực ra là dùng dao mổ trâu để giết gà”. Khi thầy Châu ra khỏi lớp, thầy Tài khiêm nhượng nói, đại ý rằng thầy hiệu trưởng quá khen thôi chứ thầy cũng chỉ là một giáo sư bình thường. Nhưng chúng tôi sau khi học thầy đều công nhận lời khen tặng của thầy Châu đối với thầy cũng không phải là quá đáng vì thầy Tài khi giảng truyện Kiều thì cứ thao thao bất tuyệt.
Dạy Toán năm nay là thầy Nguyễn Huy Quán. Thầy Quán người gầy, cao, tính tình nghiêm nghị, nói năng cũng như giảng bài đều nhỏ nhẹ. Thầy là một giáo sư mẫu mực, điển hình của thế hệ giáo sư tốt nghiệp trường Cao Đẳng Sư Phạm Đông Dương. Thầy dạy toán cho cả bốn lớp Đệ Tứ mà tháng nào thầy cũng cho học sinh cả bốn lớp đề toán về nhà làm, mỗi tháng hai lần, nộp bài thầy chấm, tuần sau trả, sửa bài cho học sinh không bao giờ sai chạy. Nhà thầy ở đường Tô Hiến Thành, bên hông trường đua Phú Thọ. Thầy đi dạy bằng chiếc xe gắn máy hiệu Fifs của Đức. Sau này nhiều năm sau 1975, mỗi lần Tết tôi đều tới nhà thầy, vẫn ở đường Tô Hiến Thành để chúc tết và mừng tuổi thầy. Mỗi lần gặp lại thầy đều rất vui và khi tôi cáo từ ra về thầy vẫn lưu luyến muốn giữ lại. Cho tới một năm, Tết tôi bận ở Pháp, khi về Sài Gòn tới vấn an thày thì mới biết thầy đã tạ thế.
Dạy Vạn vật là thầy Bùi Thái Trừu, dạy Lý Hóa là thầy Phạm Quýnh. Hai thầy sau này định cư ở Mỹ và đã mất cách nay vài năm. Dạy Sử và Địa lý là thầy Đặng Ngọc Hạnh. Sau này khi tới chúc tết thầy Quán, tôi có hỏi thăm địa chỉ nhà thầy Hạnh. Thầy Quán cho tôi một địa chỉ ở Thị Nghè nhưng hai lần tôi đi tìm mà không thấy nhà của thầy. Nghe tin thầy mất đã lâu.
Dạy Hán văn vẫn là thầy Nguyễn Trọng Hàn. Dạy Anh văn là thày Qùy. Chắc bây giờ hai thầy cũng đã qui tiên. Dạy thể thao là thầy Bính. Giám thị của năm này là thầy Tùng. Thầy điềm đạm, công tâm, làm việc nghiêm túc nên học trò rất quý. Thầy mất sớm, đám học trò chúng tôi có đến nhà thầy để điếu tang.
Một buổi chiều vào giờ học cuối, sân trường đã tối vì trời đang lên cơn mưa, phòng học đã phải bật đèn thì thầy Tùng bước vào lớp, giới thiệu cô giáo mới chuyển về, dạy môn Công dân. Đó là cô An Hà Châu. Ngày đó cô là một nữ giáo sư rất trẻ. Cô rất đẹp trong chiếc áo dài trắng. Trong giờ học của cô, các cậu học sinh đều tỏ ra ngoan ngoãn, ngay cả các cậu vốn hay nghịch phá. Cô thường dùng viết Bic mực xanh lá cây.
Năm Đệ Tứ, tôi ngồi cạnh Lê Đình Cát. Bạn Cát đặc biệt có một cái cười rất chi là hớn hở. Sau khi đỗ xong Tú tài, Cát đi phi công và bị tử nạn máy bay. Trong năm này, tôi được các bạn bầu làm trưởng ban Xã Hội của lớp. Một lần vận động anh em quyên góp cứu trợ một thiên tai, một hai bạn không chịu góp hay không có tiền góp. Tôi nóng ruột nên trong giờ học Công dân của cô An Hà Châu, tôi đứng lên xin phép cô được nhắc nhở, trong đó tôi chụp cho các bạn không đóng góp một cái mũ to đùng là “ngoan cố”. Cô Châu sau đó nhỏ nhẹ nói với tôi và cả lớp “Em Trác vì nhiệt tình với công việc nên nói thế, các em nên sốt sắng đóng góp nhưng Trác dùng hai chữ “ngoan cố” thì không đúng vì việc quyên góp phải để tự nguyện”. Nhắc lại kỷ niệm này, tôi muốn thưa với cô rằng: “Thưa cô, đã nhiều năm rồi nhưng tới bây giờ em không quên mấy lời dạy này của Cô”.
Noel năm ấy một cậu (lâu quá không nhớ bạn nào) rủ bạn trong lớp đi dự “bal” tổ chức tại nhà vào đêm 24. Mình và Trịnh Dương Hiển đi dự. Gia đình bạn dành phòng khách khá rộng cho tụi nhóc mở “bal”. Khi hai đứa tới thì đã khá đông, toàn cỡ 14 hay 15 tuổi, trai có gái có, quần áo rất “à la mode” trong ánh sáng đèn điện mờ ảo vàng vàng đỏ đỏ. Nào bầy trò vui, nào đàn địch, nào nhảy nhót ca hát... Mình và Trịnh Dương Hiển vốn thuộc loại chân chỉ hạt bột, lần đầu tiên đi “bal” nên cứ ngẩn ngơ như hai chúa Tầu nghe kèn. Ấy là nói ví von thế thôi chứ mấy bạn nhóc đó không thổi kèn tầu mà là harmonica và hát nhạc tây. Không biết ông bạn Trịnh Dương Hiển sau mấy chục năm ở Mỹ đã văn minh hơn, đã nhảy nhót, đã hát nhạc tây được chưa chứ tôi thì vẫn cứ vẫn “quỷnh” như xưa.
Hết năm Đệ Tứ, chúng tôi phải thi lấy bằng Trung học đệ nhất cấp. Sau này phải trải qua rất nhiều kỳ thi: Tú Tài 1, Tú Tài 2 (thi viết xong lại vào vấn đáp), thi tuyển vào Đại học, thi các chứng chỉ Đại học, thi Cao học v.v… nhưng đối với tôi, không kỳ thi nào quan trọng hồi hộp bằng kỳ thi Trung học đệ nhất cấp năm ấy.
(Hình dưới từ trái qua phải hàng đứng: Phạm Ngọc Bình, Chu Đức An, Nguyễn Đắc Song Phương, Nguyễn Huy Chương, Trịnh Dương Hiển, Bùi Thanh Mai, “bị che không nhìn rõ”, Nguyễn Hữu Quốc Hưng, Phạm Tuấn Khải, Phạm Bách Phi (khuỳnh tay); hàng ngồi: Ngô Quang Sán, Ngô Đình Hùng, “không nhớ tên”, Vương Nghiêm, Nguyễn Tiến Lập, Vũ Hữu Hạnh, Quang “không nhớ họ”)
Vượt qua cửa ải thi THĐNC, năm học 1961-1962, chúng tôi lên học Đệ Tam. Vì trường sở thiếu phòng học nên Nguyễn Trãi chỉ mở một lớp Đệ Tam B (Ban Toán) và một lớp Tam A (Ban Vạn vật). Các bạn khác phải chuyển sang trường Chu Văn An hay Võ Trường Toản. Tôi được xếp học lớp Đệ Tam B. Học kỳ 1 có 56 trò nhưng sang học kỳ 2 không rõ từ đâu xuất hiện thêm 3 trò nữa thành ra 59. Ban giáo sư của lớp hoàn toàn mới trừ thầy Minh dạy Việt văn và Công dân là lớn tuổi (thầy mới mất năm ngoái ở bên Mỹ), Cô Trợ dạy Pháp văn năm đó có lẽ chưa tới 30, còn lại các thầy cô khác đều là giáo sư trẻ mới tốt nghiệp Đại học Sư phạm Sài Gòn, trong đó thầy Cường dạy Hình học, thầy Tạ dạy Đại số, thầy Vĩnh dạy Lý Hóa, thầy Kỉnh dạy Sử Địa và thầy Liêu Kim Sanh dạy Vạn vật. Tôi đã chấm phá vài nét và kể vài kỷ niệm về các thầy, cô lớp Đệ Tam B trong bài “Duyên Nợ Nguyễn Trãi” in trong kỷ yếu của đại hội Nguyễn Trãi năm 2012 tổ chức tại Houston nên không dám viết lại ở đây, sợ anh em tốn thêm tiền mua giấy.
Trong các năm bậc Đệ Nhất Cấp, học sinh học Anh văn theo bộ sách do các giáo sư Pháp soạn. Đệ Thất và Đệ Lục học cuốn L’Anglais vivant 6ème, lên Đệ Ngũ vẫn bộ này nhưng học cuốn 5ème. Mãi năm Đệ Tứ mới học sách Anh văn soạn bởi người Mỹ trong đó giới thiệu về đất nước và con người Hoa Kỳ. Nhưng về phương pháp dạy và học thì chưa đặt nặng mục đích giao tiếp mà thường các thầy tập cho học sinh đọc bài text, học từ mới và dịch nghĩa.
Khi lên Đệ Tam , cách dạy Anh văn và Pháp văn của cô Phụng và cô Trợ làm chúng tôi rất thích thú vì linh động hơn. Các cô cho học sinh luyện nhiều hơn về speaking. Về Anh Văn chúng tôi được học với cô Phụng cuốn L’Anglais par la conversation. Sách khổ lớn, bìa cứng màu vàng. Bài đầu tiên có tựa là “The monarchy” với hình chụp lễ đăng quang năm 1952 của Nữ hoàng Elizabeth II. Về Pháp văn thì chúng tôi được học bộ Mauger. Lớp Đệ Tam và Đệ Nhị học cuốn I, lên Đệ Nhất thì học cuốn II.
Cô Trợ và cô Phụng là hai nữ giáo sư trẻ đẹp mà đám học trò Đệ Tam chúng tôi rất ngưỡng mộ tuy hai cô có tính cách hơi khác nhau: cô Phụng thì cởi mở, tự nhiên trong khi cô Trợ thì nghiêm nghị hơn. Tôi vẫn nhớ một kỷ niệm trong giờ học Pháp văn của cô Trợ. Hôm ấy, chúng tôi hơi ồn ào, cô hơi cau mày la cả lớp:
-Taisez- vous !
Hai, ba trò vẻ mặt hớn hở tranh nhau dơ tay. Cô có vẻ khựng lại, ngạc nhiên nhưng cũng không nói gì, bắt đầu bài giảng mới. Chắc lúc đó cô không hiểu: quái, tại sao mấy trò này lại dơ tay? Sau này, một thằng bạn hỏi mấy đứa kia: “Sao lúc nãy cô la mà tụi mày dơ tay?”
Trả lời: “Tao nghe như cô nói cái gì mà có volontaire trong ấy nên tao bèn dơ tay xung phong lên bảng”.
Mấy năm gần đây, tôi may mắn thỉnh thoảng được liên lạc với cô Phụng ở Mỹ qua e-mail và rất mừng được biết cô vẫn mạnh và thường xuyên góp ý, cố vấn cho các hoạt động của hội cựu học sinh Nguyễn Trãi tại Cali. Rất tiếc là tôi không có những may mắn được biết các tin tức về cô Trợ và cô An Hà Châu dù có nghe phong phanh là các cô cũng đang định cư ở Mỹ.
Trong khi học lớp Đệ Tam thì tôi học thêm các môn Toán Lý Hóa lớp Đệ Nhị để thi nhảy nên cuối năm học thỉnh thoảng cũng “cúp cua” để ôn bài thi. Một lần bị thầy giám học Tạ Văn Ru bắt được, thầy tỏ vẻ thất vọng và la cho một mách. Năm đó may mắn sao đỗ được ngay Tú Tài 1, thầy Ru cũng rất vui và mừng nhưng không dám để tôi học Đệ Nhất tại Nguyễn Trãi (vì Bộ Giáo Dục cấm thi nhảy), tôi phải từ biệt ngôi trường Nguyễn Trãi sang Chu Văn An xin vô học lớp Đệ Nhất. Tôi được xếp vô lớp Đệ Nhất B4, học buổi chiều. Hiệu trưởng Chu Văn An năm đó là thầy Phạm Văn Việt, người to lớn, tương phản với thầy Vũ Đức Thận của Nguyễn Trãi.
Thế là mỗi buổi trưa nắng gắt tôi đạp chiếc xe đạp cà tàng mua từ hè năm Đệ Thất khi học ở Nguyễn Trãi đi theo đường Trương Minh Giảng tới đường Phan Thanh Giàn (khi đó còn cho chạy hai chiều), rẽ tay mặt đạp về phía Chợ Lớn, tới bùng binh ngã sáu thì đi tiếp qua đường Minh Mạng tới trường Chu Văn An ở gần nhà thương lao Hồng Bàng. Tới lớp , nhất là khi gặp giờ học môn Triết thì mắt cứ muốn díp lại, cố gắng nhìn thầy Trần Đức An thấy thầy mờ mờ ảo ảo, đang đứng giảng thao thao, nào là Đạo Đức Học, nào là Luận Lý Học... mà đầu cứ từ từ gục xuống, thỉnh thoảng choàng dậy nhìn trang vở thì chỗ để trắng, chỗ thì chữ ghi nguệch ngoặc. Ấy thế mà thi học kỳ một, môn Triết được xếp hạng nhất, thi học kỳ hai được xếp hạng nhì. Hú vía!
Như vậy, đa số anh em chúng tôi đều có hai “quốc tịch” là Nguyễn Trãi và Chu Văn An. Nếu bắc đồng cân thì chưa biết bên nào nặng hơn. Tuy nhiên sau này gặp nhau trên mạng thấy nhiều bậc đàn anh có ý chê trách rằng nhiều bạn học xong bậc Đệ Nhất Cấp rời trường Nguyễn Trãi sang học Chu Văn An thì sau đó dường như quên là mình đã từng một thời học ở trường Nguyễn Trãi. Nếu có như vậy thì thật đáng tiếc!
Trong con người tôi luôn luôn có hai cậu học trò: cậu học trò NT nhỏ hơn, cậu CVA lớn hơn một chút. Tôi thương yêu cả hai cậu nhưng dường như thân mật hơn với cậu học trò nhỏ vì cậu rất hồn nhiên, dễ thương và nhiều tình cảm. Cậu thường kiếm tôi để tâm sự, để kể chuyện ngày xưa, cậu ngưỡng mộ các thầy cô ra sao, cậu đã được thầy cô quan tâm như thế nào v.v... Cậu cũng kể với tôi về đám bạn bè của cậu, ai thân, ai sơ, những lần rủ nhau đi chơi Sở thú, chia nhau từng cây kem, từng ly đậu đỏ bánh lọt, cả những lần nổi sùng “oánh” nhau... hay những buổi tối rủ nhau cùng với mấy cô hàng xóm dễ thương chơi cầu cơ... Đôi khi cậu buồn rầu chạy lại tìm tôi báo tin thầy giáo này của em, thầy giáo kia của em đã mất hay hồ hởi gặp tôi cho biết đã gặp lại một cậu bạn tưởng là mất tích từ lâu.
Cậu CVA lớn hơn có vẻ ghen tị, đôi lúc “cự” tôi, hỏi “Em là người lo lắng cùng anh những ngày thi vô đại học, sát cánh cùng anh những lúc khó khăn... Không có em thì anh có được như ngày hôm nay không?”
Tôi thấy cậu ta cũng có lý nên phải vỗ về cho cậu đỡ tị nạnh và làm bộ khốn khổ than:
“Biết rồi, khổ lắm, nói mãi!”
Nguyễn Trần Trác
Bài đã đăng trong Đặc san "Kỷ yếu Nguyễn Trãỉ 2014"
________________