Tùy bút
Có những lần gặp gỡ...
Nguyễn Tư
Gặp-gỡ là gì nếu không phải là sự trùng hợp giữa không-gian và thời-gian trong một sự tình cờ mà người ta ít khi biết trước, cũng có khi là những hẹn-hò lần đầu...Chính điều này đã khiến người ta ngỡ-ngàng mừng rỡ, hay giấu mặt nghẹn-ngào...N nhất là những người đã có một thời dan-díu với nhau về tình cảm nhưng vì một lý do nào đó họ phải chia tay trong niềm đau-đớn và tủi hận dập vùi...Vì cuộc đời có nhiều cách ngăn do chính con người tạo ra, hoặc do hoàn cảnh, cho nên người ta - có khi, không thể gặp nhau trong một khoảng thời gian dài với những đơn-vị được đo bằng "thập niên", như "Mười năm tình cũ” chẳng hạn. Trong đó, con người ngỡ đã quên đi, nhưng mọi dấu xưa lại bỗng nhiên hiện về ra đó khi người ta tình-cờ gặp lại nhau - có lúc như một kẻ lạ với rất nhiều đổi thay, dù cũng có thể bị che đi bằng những "úp mặt bùi-ngùi" để theo đuổi những đau thương riêng lẻ, mà Thượng-đế đã dành cho loài người, là con vật biết ưu-tư không có quyền quên lãng, khi mình đã lỡ "nợ nần" nhau trong kiếp này...
Nói như Lê Thương trong "Hòn Vọng Phu", có những người được sinh ra trên cõi đời này chỉ để "mang mệnh biệt ly", nên suốt đời họ được nối kết bằng những chia cách - chia cách một ngày, chia cách trăm năm, như những nhân vật lỡ-làng trong tiểu-thuyết của F. Sagan, và họ đã nói những câu mà kẻ kia nghe như múc cạn lòng người, nếu họ còn chút tình cho nhau trong những tháng ngày xưa cũ hay vừa mới phôi-pha: "Dans un mois, dans un an tu ne m'aimeras plus" - Trong một tháng, một năm, rồi em sẽ không còn yêu tôi nữa...bởi vì như Nietzsche đã nói: "Trong tất cả các thứ tình cảm của con người, tình yêu là thứ tình cảm đầy lòng ích kỷ nhất, bởi thế khi bị tổn thương, nó cũng sẽ trở thành ít độ lượng nhất", có nghĩa rằng mình tự yêu mình trong kẻ khác, nhiều hơn là mình yêu người như mình TƯỞNG...mà thực ra chỉ là sự chiếm-hữu tha-nhân ..
Tôi đã gặp lại Mai trong những tháng ngày xa mù của ký-ức, và quả thực tôi bùi-ngùi... Mai thầm lặng như xưa, trong cái dáng mảnh-mai với tà áo tím than đang là một cô Giáo tỉnh. Tôi cũng vậy, từ phương xa đến thành phố này cũng chỉ để làm việc vài ngày trong một kỳ thi Tú-tài như một Giám-khảo. Thế thì đẩy đưa nào đã khiến cho tôi gác thi chung với “Mai-ngày-xưa” trong một căn phòng thi, mà thí-sinh chỉ toàn là quân-nhân và tôi là một Trung-úy...
Hôm đó tôi đến muộn vì đường xa, nhưng tôi thực ngỡ-ngàng, pha một chút băn-khoăn lẫn xót-xa khi nhìn lên tấm bảng phân-công trong phòng Chánh Chủ-khảo có tên của một người quen làm Giám-thị II, mà tôi lại làm Giám-thị I .Người Giám-thị II đó chính là Mai! Mai của những ngày buồn sân trường Đại-học, mà cuối cùng cuộc hành-trình tình cảm chẳng đưa đến đâu, ngoài những oán-trách có pha lẫn những giọt nước mắt âm thầm...Tôi đi miệt-mài nơi cuối trời lận-đận, và Mai yên phận lấy chồng với một người đàn ông nàng không yêu, lại học thấp hơn nàng… như chỉ muốn lấp đầy đi một khoảng trống trong tâm-hồn Mai, vốn nhiều xao-động...
Khi tôi bước vào hành-lang vắng hoe, thì đã thấy Mai đứng nơi cửa sổ phòng thi chống tay lên cằm nhìn mông ra bầu trời trắng đục. Dường như nàng đang theo đuổi những ý nghĩ riêng tư của chính mình trong sáng nay, có lẽ vì những xúc-động từ cái tên người Giám-thị I chung phòng, mà Mai đã biết là ai, từ chiều hôm qua nơi phòng Khảo-thí, khi có đến gần mười năm không gặp - một thời-gian khá lâu đủ để những kẻ đã yêu nhau hy-vọng mình sẽ quên đi những dấu xưa lờ-mờ trong trí nhớ...
Tôi đến. Mai lặng-lẽ rời khung cửa sổ, bước vô trong, rồi đứng vòng tay tựa lưng vào tường ở cuối lớp nhìn lên, để chờ đợi cái giây phút mà cả Mai lẫn tôi không biết gọi tên nó là gì!? Tôi bước vào cửa phòng thi với lời xin lỗi thường lệ là tôi đến trễ vì đường xa. Đám thí sinh ngước lên nhìn. Mai mỉm cười gật đầu chào tôi với nét mặt buồn hiu-hắt. Tôi nói với đám thí-sinh lính vài lời về lý-do tại sao Bộ đã đưa tôi đến đây để gác thi phòng quân nhân, bởi tôi cũng là lính, vì mấy năm trước đã có nhiều trường-hợp thí sinh quân-nhân vô kỷ-luật đem vũ-khí vào phòng thi để đe dọa Giám-thị dân sự. Và tôi hy-vọng mọi người đừng làm những gì ô danh Quân-đội, dù trong phòng thi, sau khi đã đề-nghị bạn nào có vũ-khí nên đặt hết lên bàn...Đám thí sinh có vẻ vui mừng vì biết người Giám-thị họ là một đồng-nghiệp – “nghiệp” lính , dù tôi chỉ mặc đồ "civil"...
Tôi đến gần Mai hỏi nhỏ vừa đủ để Mai nghe:
-Mai có khoẻ không?
Mai chỉ gật đầu trong lặng thinh với những giọt nước mắt rưng-rưng, mà tôi không hiểu đó là những giọt mừng hay là những lời thống trách? Lòng tôi áy-náy vô cùng, nên để tránh những ngột-ngạt, tôi đến bàn giấy, cầm xấp phiếu thí-sinh lên kiểm-soát từng tấm hình như bổn phận của một Giám-thị, rồi ra cửa lớn đứng một mình...
Một lát sau, Mai theo tôi ra đứng một bên. Nàng vẫn im lặng, dáng nhỏ bé tội-nghiệp. Chiếc "bandeau" màu xanh lam choàng hết vầng trán gầy-gò. Gió thổi bay tà áo tím phất-phơ. Tôi lại hỏi nhỏ giọng e-dè hơn:
-Mai có buồn gì tôi không?
Mai vẫn lặng thinh cúi xuống, lấy mũi guốc nẩy lên những hạt cát nhỏ nằm rời-rạc trên hành lang...Rồi bất ngờ Mai nói giọng run-run như chừng đang xúc-động:
-Em cũng không ngờ là có ngày lại gặp anh ở đây. Em buồn quá đỗi!
Tôi chợt hỏi vẻ lo-âu:
-Tại sao vậy?
Mai nói chậm rãi:
-Dường như em vẫn không quên được anh, dù em đã lấy chồng và đã có một đứa con. Với thời-gian gần mười năm, em chợt thấy nó chẳng là gì, khi em phát hiện ra tên anh trên bảng phân-công chiều qua trong phòng Chánh Chủ-khảo. Tại sao Trời lại phạt em nhiều đến như thế cơ chứ?!
Tôi lấy thuốc ra hút để trấn cơn cảm-xúc bất ngờ, và nói giọng an-ủi:
-Mình nên nói chuyện khác đi, đừng nhắc lại những điều nó đã trôi vào quá-khứ! Mình nên tha-thứ cho nhau, Mai! Chúa đã chịu đóng đinh trên Thánh giá một lần cũng chỉ vì "tội lỗi" của loài người, dù tôi chỉ là một người ngoại Đạo!!
Rồi tôi tiếp:
-Chiều nay, Mai có thể ra phố với tôi một chút được không?
Mai suy nghĩ giây lâu như đang tính-toán điều gì, có lẽ vì Mai là cô Giáo tỉnh này và là cô Giáo đã lấy chồng có rất nhiều người biết ở một xứ, mà mọi cái nhìn khắt-khe đều có thể xảy ra. Nhưng cuối cùng, Mai quyết định một cách nhanh chóng như chừng sợ một cơ hội hiếm-hoi sẽ mất đi, nên nàng vội đáp ngắn-ngủi:
-Dạ được!
Đoạn nàng giải-thích thêm với cái nhìn tôi có vẻ vui hơn, pha một chút tinh-nghịch:
-Vì thành phố này của Mai, mà anh là "khách"!
Tôi bắt chước thơ Hàn-Mặc-Tử với lời bỡn-cợt:
-...Là"khách đường xa!" phải không? Nên"Áo em tím quá nhìn không ra!"...
Mai cười hiền lành tội-nghiệp. Mái tóc dài vẫn bay ngược về phía sau...Tôi và Mai đến đứng nơi cửa sổ nhìn vào đám thí-sinh quân-nhân đang cặm-cụi làm bài một cách vất-vả, vì thực sự họ có học-hành gì đâu, ngoài những lần đụng trận mịt-mù, những đêm đi kích liên-miên, nhưng họ vẫn còn tiếc nuối bút-nghiên như những thanh niên may-mắn khác còn sống ở phố phường. Tôi xót thương cho người lính và muốn tìm cách giúp họ điều gì đó, dù như vậy là trái với bổn-phận của một người Giám-thị, mà nếu biết được Bộ Giáo-dục có thể truy-tố tôi ra Tòa. Nhưng đối với tôi, điều đó đâu có hề gì, khi tôi đã là một người lính mà số ngày bị phạt "trọng cấm" có thừa. Tôi cầm miếng đề thi có in con dấu đỏ ghi hai chữ"Bản chính" đưa cho Mai xem, và chỉ ngay vào cái đề luận Triết khó nuốt, bàn về quan điểm của H. Bergson:"Trực giác, rốt cuộc chỉ là sự nhớ lại", rồi nói với Mai:
-Đề này thì tụi lính của tôi sẽ thua, nên Mai để tôi "gà" cho chúng nó vài ý kẻo tội-nghiệp. Biết đâu có đứa sẽ không còn sống để lãnh tấm bằng này...Đó là cách Mai"đền ơn chiến sĩ" thực-tế nhất. Mai mỉm cười gật đầu chia xẻ nói:
-Tội!
Cuối giờ, tôi ôm xấp bài thi cho Mai, và nhờ nàng cầm mấy bọc phiếu thí-sinh, cùng những tờ giấy nháp thừa nhiều màu trở về Văn-phòng Chánh Chủ-khảo. Sau khi chờ cho kiểm bài xong, tôi và Mai ra về, sánh vai bên nhau. Trên lối đi Mai vẫn nhỏ bé như ngày xưa, nép sát bên tôi, tay cầm vạt áo dài trước che đôi ống quần trắng phất-phơ trong gió. Giọng bùi-ngùi, Mai bất ngờ hỏi tôi:
-Anh có còn yêu Mai không?
Tôi lặng thinh giây lát, rồi từ-tốn nói:
-Điều đó không quan-trọng gì đối với một đời người. Mình không nên tra vấn, vì mình yêu hay không còn yêu một người khác, nó không tùy thuộc gì vào chuyện người ta có còn yêu mình hay không? Bởi yêu được người là một Hạnh-phúc, chỉ sợ lòng mình không còn đủ nồng để yêu kẻ khác mà thôi! Nói rõ ra là lòng mình chai đá như viên cuội tròn vì đã lăn trên đường đời mỏi-mệt, rồi trở nên nguội lạnh đối với mọi điều, lúc ấy coi như mình đã "chết", mới là việc đáng sợ. Tình yêu, tự nó không phải "còn" hay "mất", "nhớ" hay "quên", "muốn" hay "không muốn", mà nó là một cái gì đó tự tại trong chính lòng mình, muốn nó không có và xua đuổi nó cũng không đi, thực ra chẳng ai hiểu vì sao, như ông Pascal đã nói: "Con tim nó có lý lẽ riêng của nó"!? Vì thế, Mai không nên hỏi tôi như vậy, vô tình làm cho Tình yêu chúng mình trở thành phàm-tục...Tôi không lãng-mạn đâu, vì bây chừ mình không còn tuổi để lãng-mạn nữa. Gặp được Mai, tôi vừa mừng vừa buồn, cũng không hiểu tại sao!? Nhưng thôi, mình nên nói chuyện khác đi Mai! Mai lặng thinh đi bên tôi như hồi gần mười năm về trước một cách nhỏ bé ít-oi...
*
Ngày qua, bất ngờ nhìn một tấm ảnh làm tôi mủi lòng. Tấm ảnh chụp người con gái ấp đầu vào vai một người đàn ông đang quay lưng lại về phía người nhìn. Một cánh tay mềm-mại mang găng trắng của một người đàn bà đẹp nổi tiếng: Củng Lợi, của màn ảnh Trung quốc, ôm choàng một cách thân thương qua vai Đạo-diễn Trương-Nghệ-Mưu - người tình lỡ sau 7 năm hương lửa nồng-nàn, giờ đã đột ngột chia tay mà người ta không biết vì lý do gì!? Khuôn mặt cô đau khổ, mắt nhắm nghiền lại (có lẽ vì cô đang khóc)...do một nhiếp-ảnh gia chụp được tại Đại-hội Điện-ảnh Cannes ở Pháp năm nay, với chủ đề không phải bao quanh các phim ảnh dự thi, mà chính là cuộc đổ vỡ tình cảm của cặp trai tài gái sắc đầy đau thương của xứ Cộng-sản này!
Cả hai người đều thuộc nền điện ảnh Trung-quốc, nên họ bị gò bó rất nhiều trong việc dàn dựng phim ảnh, ngay cả những lần xuất ngoại để lãnh những giải thưởng Điện ảnh của Tây phương trao, như năm 94 trước đây, mà cũng chỉ có một mình Củng Lợi, đại-diện người yêu mình là Trương Nghệ-Mưu đến nhận với những giọt nước mắt buồn tủi...
Trương-Nghệ-Mưu là một Đạo-diễn có tài của Trung quốc. Ông đã làm nhiều cuốn phim có giá-trị Nghệ-thuật cao, được giới phê-bình phim ảnh Tây phương chú ý, mà phần lớn do Củng-Lợi đóng vai chính. Và hai người đã bất chấp mọi ngăn cấm của một xã hội Á-châu đầy khe-khắt, vì Trương Nghệ Mưu đã có gia đình, 2 con, thì mới thấy là tình cảm của họ nó nồng-nàn đến mức nào!? Vậy mà bây giờ họ đành chia tay nhau, đường ai nấy đi! Nhưng điều đáng nói là họ vẫn còn yêu thương nhau lắm. Trong kỳ dự thi Điện-ảnh này cả 2 người đều lánh mặt nhau, dẫu ban tổ-chức xếp họ ngụ chung một khách-sạn như mấy năm trước, nhưng họ đã ra ở riêng và không đá-động gì nhau qua báo chí, còn bảo-vệ nhau khi báo chí khai thác, ngoài những giọt nước mắt âm-thầm chảy dài trên má của Củng-Lợi, khi người ta đề cập đến "người xưa" với nàng! Chính những giọt nước mắt này đã khiến người ta biết họ còn yêu nhau lắm, nhưng vì một hoàn cảnh nào đó quá éo-le, nên phải xa nhau! Trương Nghệ Mưu cũng vậy, phim dự thi "Đong đưa qua nhà của Ngoại" thiếu giá-trị, biểu lộ sự đi xuống rõ-ràng, vì chàng chẳng còn thiết-tha gì đến Nghệ-thuật nữa, khi người yêu đã mất!
Tôi nghĩ trong cuộc đời này, có 2 tội ác mà loài người đã nhân-danh nhiều thứ (vốn có-sau-con-người như Đạo đức, Luật pháp...) để dành cho nhau, nhất là trong những xã hội Á-Châu: một là, bắt người ta phải ăn ở với nhau suốt đời dù không yêu thương gì nhau! Hai là, ngăn cản người ta yêu thương nhau vì bất cứ lý do gì! Trường hợp Củng Lợi và Trương Nghệ Mưu là một, tại sao họ đang yêu thương nồng thắm nhau như vậy mà phải chia tay? Vì sao?
Dù hai người đã lánh mặt nhau, đến không ngụ chung nhau, không đề cập đến nhau khi báo chí chất-vấn, vậy mà trong cuối buổi lễ chiếu phim để kết thúc kỳ Đại-hội Điện ảnh Cannes này, thì Củng Lợi và Trương Nghệ Mưu bất ngờ đã vụt ôm nhau khóc sướt-mướt, làm mọi người cảm động. Nghĩa là họ không thắng được chính lòng mình, không cưỡng lại được Tình yêu mà họ đã dành cho nhau trên trái đất này. Mọi ngăn cấm, mọi đàm-tiếu, mọi đánh lừa chính họ... đều phải ngã quỵ trước sức mạnh vô-biên của cuộc tình đã từng giẫm trên những què-quặt của nền Đạo đức Đông phương, được xây dựng bởi một phần nào đó ý-hệ rất thiếu Nhân-bản, bắt nguồn từ lòng vị-kỷ của chế-độ Phong-kiến Trung hoa, kéo dài hàng thiên-niên kỷ không chút đổi thay, mà người Tây phương cực-kỳ phủ nhận, khi họ thấy con người chỉ thực sự làm người - trước tiên, phải tự do yêu thương và được yêu thương, không có một nhân-danh nào của loài người để ngăn cấm nó cả!
Sao thế gian này nó lại có những cuộc gặp-gỡ đau lòng như vậy, khi người ta yêu nhau một đời, để chỉ có quyền được gặp nhau một lần, rồi thôi, trong đớn-đau, trong tiếc nhớ, mà tôi vẫn tự hỏi: "vì sao"?!! Bất giác, tôi chợt nghĩ đến lời hát bùi-ngùi của một người mong ngóng một người, khi họ đã đường-đột xa nhau và họ tự biết rằng họ sẽ chẳng bao giờ gặp lại nhau nữa, với những mường-tượng cho kẻ đã ra đi ở cuối chân trời - thực ra, chẳng vui vẻ gì, với câu hỏi mà những kẻ yêu nhau không bao giờ dám lên tiếng, nếu họ thành thật: "Nơi em về ngày vui không em, nơi em về trời xanh không em, ta nghe nghìn giọt lệ rớt xuống thành hồ nước long lanh...", khi tự bản chất, ai đã làm người từng đau thương vì Tình, đều cảm-nghiệm được rằng: không thể có nơi nào cho em (hay anh) trên trái đất này, mà "ngày" sẽ "vui", và "trời" vẫn "xanh" cho những "hạt lệ" chia tay vì một cuộc tình đã lỡ cả - dù con người, vì một lý do nào đó có tự lường gạt mình đến cách gì đi nữa, như vòng tay tình cờ của Củng Lợi, bất ngờ ôm choàng qua vai Trương Nghệ Mưu với những giọt nước mắt âm-thầm không nói nên lời, sau những xa cách, những trốn chạy miệt-mài của nhau, mà hẳn họ chẳng bao giờ dám nghĩ tới!...
Tại sao cuộc đời này thì ngắn-ngủi mà người ta lại trao cho nhau những đau khổ dài lâu, đôi khi hết cả một đời, chỉ để rồi sau đó buông xuôi mọi thứ mà về với cát bụi, đã là khởi đầu cho thân xác phù-sinh của họ ở chốn này? Và, tôi cũng đã suy gẫm rất nhiều về một lời đối-thoại bất ngờ trong một phim Pháp do Brigitte Bardot đóng, khi nàng đã đứng hôn người tình mình là một Đạo-diễn dưới một mái hiên kín đáo, mà người chồng nàng đứng trên sân thượng bắt gặp, nhưng anh ta không phản ứng gì. Sau đó, trong một cuộc cãi vã, người chồng đã cho nàng biết anh ta đã nhìn thấy nàng hôn người đàn ông khác như một bí mật mà anh ta làm bằng cớ để tố cáo nàng ngoại tình và thắc mắc tại sao nàng lại không nói cho anh ta biết về nụ hôn vụng trộm đó, thì cô chỉ thanh thản trả lời: "Em biết anh thấy chứ, nhưng em không tin cho anh hay vì đời là thế mà! Vả lại, khi em chết em có nói cho anh biết đâu, hà tất gì một nụ hôn cho người em yêu, mà chính em vẫn không hiểu tại sao!".
Trong thế giới phù-vân này, con người không thể hiểu được nhiều thứ như Spencer, một đại Triết gia Duy-nghiệm của thế kỷ đã lên tiếng, gọi là"bất khả tư nghì" - inconnaissable - như Triết học Đông-phương luôn nhìn đời với một con măt nhắm và một mắt mở, trong đó có một thứ không ai hiểu nổi cả, đó là TÌNH YÊU - nếu thực sự con người đã yêu thương nhau vô bờ như Củng Lợi và Trương Nghệ Mưu, mà thường tình người ta chỉ TƯỞNG mình yêu kẻ khác, hay đúng hơn là mình yêu mình qua kẻ khác mà thôi, như Nietzsche, đã từng nói như thế...
Và, như vậy không biết chúng ta nên buồn hay nên vui, khi đôi tai loài người chỉ để được nghe tiếng những hạt lệ buồn “rớt xuống hồ làm sóng lênh đênh” như những giọt nước mắt tình cờ của Củng Lợi ở Đại hội Điện ảnh Cannes vừa rồi, trên vai Trương Nghệ Mưu, hay những hạt rưng-rưng nơi khóe mắt của Mai trong một buổi gác thi không hẹn trước… thì có khác gì nhau - khi chắc-chắn chúng chợt thoát ra từ những trái tim “đau” - hơn là những nụ cười của trăm năm Hạnh phúc...!???
Nguyễn Tư
Khu vườn Văn nghệ Nguyễn Tư - http://www.kvvnnt.com.au
Đăng ngày 27 tháng 07.2015