Tùy bút
"Của nàng"
(Tranh sơn dầu - Nguyễn Tư)
Mùa thu đã về trên những ngọn cây sao trong công viên thành phố . Lá vàng, biểu lộ cho sự tàn phai mất-mát, cuối cùng. Những sợi nắng lao-xao trên những bờ tường cũng màu vàng, loang-lỗ những tấm bích-chương rách nát dán chồng lên nhau làm rõ nét một ý-niệm về thời-gian: Hôm qua , bây giờ và ngày mai… Tất cả đều hiện lên trên một khoảng tường gạch rong-rêu, cuộc đời trải ra ở đó, mà ít ai quan-tâm tới. Người ta vẫn thản-nhiên sống , thản-nhiên thở, thản-nhiên nói cười… Như làn gió thản-nhiên thổi lập-lờ qua ngọn cây sao… Từng mảnh lá vàng thủng nhiều lỗ bay-bay… cuốn trên mặt lộ. Tôi đứng cạnh một công-viên nói chuyện với một người bạn về giờ giấc ở đây và sự trễ-tràng của những thói quen bắt nguồn từ một quan-niệm sống nhiều hơn là những con số ghi trên giấy tờ. Trời hơi lạnh. Nắng hồng. Người bạn chợt cười nói với tôi trong nỗi reo vui:
-Kìa, tới kìa.
-Ừa, khác.
Chiếc áo màu hồng nhạt, sọc trắng, jupe ngắn cùng màu, nụ cười tươi như hoa, tung- tăng với đôi chân chim như một thời quên lãng sương mù ở năm mới vừa 20 tuổi. Dốc Bùi -Thị-Xuân áo ấm xanh da trời ôm cặp che nghiêng nửa mặt:
-Tới đây bao giờ?
-Sớm! Định về vì thấy chẳng có ai!
-Trời! Sao vậy?
-Ừa, đẹp .
-Thôi mà!
-Trẻ thơ.
-Thơ gì nữa!
-Mignone.
-Tội quá mà!
-Thật!
Giá-Băng mỉm cười, cúi xuống lặng thinh, đôi tay nắm chặt chiếc xắc tay buông lỏng. Đôi mắt long-lanh rồi cười lặng-lẽ. Nắng hồng reo vui. Sợi tóc bay-bay thần-thoại. Hàm răng thực đều, đôi mắt có đuôi, ngước lên cúi xuống, cười bâng-quơ… Tất cả đều hồng kể cả nỗi lòng của sáng hôm nay. Tôi nghĩ thế.
Xe chạy gập ghềnh qua những khu rừng quanh co giống con đường đèo xuyên Việt. Nhớ thực nhiều những đêm trăng dãi trên đỉnh Cù-Mông, gối ba-lô nhìn trời, cây súng M16 gác ngang nơi ngực, phập-phồng theo nhịp nhảy của con tim, nghêu-ngao hát rằng:
“Vua Lê dắt lính vô trung
Anh theo Chúa Nguyễn vượt Cù-Mông anh qua đèo…”
……………
“Đèo núi cao trong gió vi-vu …”
Mối tình đẹp như Thơ cửa người con gái út vua Lê-Hiển-Tôn với người anh-hùng áo vải Quang-Trung nơi quê Ngoại tôi trong trí nhớ xa mù… Tiếng trống Tây-Sơn đâu phải chỉ mở hội cho một cõi biên-thùy, mà cũng gieo vào lòng một người để làm nên giấc mơ 16… Xe chạy vào khu nuôi sư-tử… Loại chúa Sơn-lâm tượng-trưng cho quyền lực châu Âu, trong lúc người Đông-phương lại muốn ám-chỉ một loại đàn bà với đầy đủ nét xấu-xa của nó: “Sư-tử Hà-Đông !". Khu sở thú này dành cho những người thừa tiền của không biết làm gì cho hết, nên đến đây để mua cảm-giác mạnh, bằng cách ngồi trong xe nhìn chúa Sơn-lâm qua làn cửa kính. Không hiểu người nghĩ ra cái trò chơi này để lấy 5$, hay để cho người khách kia có dịp tiêu-pha tiền bạc dư thừa? Có lẽ cả 2. Đời sống của người châu Âu chỉ có thế, chỉ bao quanh những bơ sữa và những kiểu áo quần thực hấp dẫn được trình bày trên những đường cong nẩy lửa của những models không ngại cởi truồng mà hình như ngày nào, ở giây phút nào người ta cũng thấy trên TV đến độ những nhà hoạt-động cho “Phụ-nữ quyền” phải lên tiếng trong một xã-hội chỉ chú ý tới “ăn” và “mặc” chứ ít khi nào thấy chương trình về Văn chương, Nghệ- huật, ngoài những phim ảnh cổ xúy bạo động, hễ mở mắt ra là thấy “bóp cò” máu me vương vãi… Nói tóm, họ chỉ chú trọng tới việc làm thế nào để kích-thích tối đa những rung động loạn xạ của những bộ dây thần kinh căng thẳng, nóng bỏng… mà lúc nào chúng cũng chờ đợi kích thích. Càng kíchthích càng tốt, bằng mọi cách, mọi kiểu. Những sợi thần kinh chằng chịt như vậy mà lại rất ít sợi dẫn qua con tim…?!
Nắng lên cao. Khu Warragamba vẫn đông nghẹt những người, nằm rải-rác, trên những ngọn đồi thấp. Từng dãy cây sao vàng chạch, đang thay lá, để chờ Mùa Đông nảy lộc non, làm tôi nhớ những hàng cây bàng vào Thu ở Nha Trang. Những chiếc lá to, đỏ ối nằm đầy trên những lối đi dọc bờ biển…
Đến bữa ăn trưa, nhóm người VN quây-quần trên những tấm bạt nylon được trải ra, với những thức ăn mà họ mang theo, ngoại trừ tôi là khách mời. Tôi quỳ lên thảm cỏ, bới những hạt xôi trắng ngần, thơm dẻo, vào một chiếc đĩa nhựa ăn ngon lành. Tôi có bao giờ được ăn những thứ này trong nhiều năm rồi! Đôi khi có những chịu đựng tầm thường mà có bao giờ mình nghĩ đến. Mùi mỡ hành, làm nhớ những buổi sáng quê nhà làm SV nghèo ở Saigon ngủ muộn, ra Ngã Sáu ngồi ở quán cóc kêu ly “xây-chừng” đặt trên chiếc ghế vuông thấp lè-tè trên mặt đất, và một gói xôi nhỏ, “khiêm nhường” trong chiếc lá chuối rách tả tơi, cầm cái thìa nhôm nhỏ xíu quậy quậy vào ly café rồi dùng nó múc những muỗng xôi chậm rãi đưa vào mồm, vừa nghĩ đến xấp Cours dày cộm ghi vội ở giảng-đường ĐHSP, bất-giác làm tôi tự hỏi: sao lúc nào tôi cũng nghèo, cũng tả-tơi, cũng lạc-điệu giữa những muôn ngàn đẩy xô, muôn ngàn ùa vỡ?... Tôi vẫn thấy tôi là kẻ ở ngoài! Nắng vẫn hồng, và áo em cũng hồng, mà sao lòng tôi vẫn thấy màu xám tro như màu mây trời lãng-đãng trong một ngày thời tiết xấu. Tôi mỉm cười nhớ lại một đoạn văn nào đó, trong một tài-liệu bằng Anh-ngữ ngày qua: “Nguyen Tu being a teacher, a soldier, an artist, a philosopher, and a wanderer cannot forget his broken’s heart bits left behind and scattered on the roads, the mountains, the rivers, the hamlets of Vietnam. He gathered them in 2 selections of short stories and poems: “Gởi người bên ấy”(To you, who was left behind) and “DÁNG XƯA” (Those days Silhouette) published in Sydney in 1984 and 1985 respectively…” Mắt tôi đậu lại thực lâu ở chữ “a wanderer”. Ừa, đúng đó Giá-Băng! Còn dòng chữ “Broken’s heart bits” thì rõ-ràng, làm tôi nhớ đến cuốn sách em cho “Hãy bay đi những cơn mưa phùn” của một người khét tiếng viết, được bọc bằng giấy tím, với dòng chữ nhắc về nụ cười nàng “Mona Lisa” của Loenard de Vinci…như một gởi trao cho người lận-đận, dù cũng đã có lần nào đó em nói em yêu câu thơ ngàn xưa mà Bạch-Cư-Dị đã viết cho người thương-nữ Tầm-Dương vào một đêm trăng qua sông gặp người tri-ngộ :
“ Cùng một lứa bên trời lận đận…
…………………
…Tay ôm đàn, che nửa mặt hoa…” (Tỳ Bà Hành)
Tôi rời đám đông và trèo lên một sườn đồi gần đó nằm ngửa trên cỏ, dưới một tàn cây, đốt từng điếu thuốc. Tiếng trực-thăng đáp xuống và bay lên ì-ầm liên-tục gần đó đưa những người khách hiếu-kỳ chịu bỏ ra 5$ để được bay một vòng trên khu đồi chập chùng mây thấp, làm tôi nhớ những ngày lửa đạn dồn-dập trên quê-hương mà trong đó có tôi là một người lính còn quá trẻ, đứng cầm khẩu súng đầy bụi đỏ ở vùng Cao-nguyên, nhìn theo chiếc trực-thăng tải xác trương sình đầy dòi bọ, vội-vã cất cánh lên cao, dưới những tràng AK đuổi theo không ngớt… Tiếng cánh quạt cành-cành, bụi mù, lá bay và mùi thối nồng-nặc của tử-thi làm tôi ói thốc vào chiếc khăn tay nhà binh màu ô-liu choàng ngang qua mũi. Chiếc nón sắt trên đầu, đè nặng lên tuổi trẻ tôi không bằng những nỗi xót-xa khi nhìn đồng-đội ngã xuống lặng thinh, ngã xuống không rên la, không thù hận… mà có người ví von “nằm chết như mơ”…
Tôi lấy chiếc mũ vải úp mặt lại, cố nhắm mắt một chút. Tôi thở mạnh, để đuổi xô những quá-khứ kinh-hoàng mà thực lòng tôi không hề muốn nhớ. Tôi muốn tôi có những hình ảnh đẹp hơn, dịu-dàng hơn, để cho tôi được sống với phần đời còn lại. Tôi nghĩ tới Giá-Băng, Nắng Hồng và chiếc cầu treo bắc ngang qua thung-lũng… lẩn trong câu chuyện thường bắt đầu 2 chữ “Ngày xưa”. Tôi bước song-song với nàng, vẫn lặng thinh như nắng ấm buổi trưa, và chợt thoáng nghe giọng ngọt ngào như lời tình tự:
- Em vẫn thích “Đường phượng bay” của anh quá chừng!
- Sao rứa?
- Em nhớ …
- Nhớ cái gì?
- Thời đi học.
- Học sao?
- Học thầy
- Thầy nào?
- Thầy dạy Triết. - Triết làm “nhục” người không biết Triết, phải không?
- Ừa, gì nữa?
- Và làm “khổ” người biết Triết-học.
- Ừa, mà em thích, vì nó là môn nền tảng, cho cả Khoa-học.
- Bỏ đi em! Dù phần lớn các Vĩnhân là Triết gia và họ hay điên khùng vì suy-tư quá thể như Nietzsche điên nặng chả hạn, mà lại làm đảo lộn tư-tưởng châu Âu.
- Bỏ không đành đó chứ, bởi có người nói: “Thà làm một Socrate bất-mãn, còn hơn làm một con heo toại nguyện”, nhớ chưa anh?
- Nhớ được những gì?
- Quên hết! Chỉ nhớ mỗi câu đó thôi!
- Ừa, khỏe?!
- Không khỏe đâu nha, vì sợ hãi kinh-khiếp khi thấy cái đầu mình rỗng không, dù cũng có người chưa học Triết bao giờ, hay giỏi lắm chỉ học Triết Đại cương gọi là “khai-tâm” mà thôi ở lớp 12 trước đây thì đã ra điều xỉ vả… hẳn do “mặc-cảm khiếm-khuyết” khi tự thấy mình không đủ sức kham nổi vấn đề giống như người nghèo mạt rệp mà lại ưa chửi “tiền”, phải giàu cái đã thì mới đủ tư cách miệt thị tiền bạc, y chang như anh chàng Ả Q. của Lỗ-Tấn tự thấy mình không đánh nổi thằng vô lại thì bỏ đi và tự an ủi “Mày đánh ông thì cũng bằng như mày đánh Bố mày“ cho tiện việc sổ sách chứ cũng hậm hực đầy mình, nhưng ai nói gì thì nói, sao em vẫn thích Tâm-lý-học quá!
- Nhảm, bày đặt!
- “Hối-hận” và “ hối cải”ở đâu anh? Tâm-lý hở?
- Bá-xàm đi !Trí nhớ “phản động” rồi!
- Ừa, cái đầu hư rồi! Bơ sữa làm hư.
-Đừng đổ thừa! “Xe” và “nhà” làm hư.
-Ừa, cũng thế.
- Ở đâu anh?
- Ở bài “Ý thức đạo đức” - phần Morale, nói về triệu-chứng của Lương-tâm.
- “Chữ thầy trả cho thầy” hết trơn.
- Giữ lại cái gì?
- Không muốn nói…
- Xạo! Bữa nay trông em sao “nhỏ” vậy?
- “Lớn” bao giờ?
- Từ ngày biết giữ “cái gì đó” trong lòng.
- Vậy hở? Thế thì “lớn” lâu rồi! Nhưng giờ muốn “nhỏ” lại chút chút, như hôm nay, phải cho em một ngày để em thở bằng chính lồng ngực của em chứ, được không?
- Tạm tạm được.
- Sao lại “tạm”?
- Vì không có cái gì “chắc” trên đời này hết như ông Xuân-Diệu từng viết “Sự thực ngày nay không thực đến ngày mai” mà, phải không ?
- Vậy cái “không chắc” là “chắc” phải không?
- Ừa, nhưng “cái không chắc là chắc” cũng “không chắc” luôn!
- Ừa hé! Khó ghê!
Và, nàng nhìn nghiêng qua tôi với đôi mắt đầy thán-phục, nói một cách vừa thực vừa giễu cợt:
- Ừa, cái đầu của “bồ” em “ớn” quá!
- Vậy hở? Ai biết đâu! Thôi bỏ qua đi không thì “khổ” đó.
Giá-Băng giọng thách-thức:
- Bộ sợ “khổ” hở?
- Sợ cho anh thì ít, nhưng sợ cho em thì nhiều! Bởi trong anh sự khổ hạnh đã “saturé” từ lâu rồi, mà trong Hóa-học người ta gọi là “dung-dịch bảo-hòa” giống như muối em bỏ vào nước lã, khi muối bắt đầu không tan thêm được nữa, thì nó chỉ chìm xuống đáy ly mà thôi… Giờ anh có “khổ” thêm cũng chả sao!
Nhưng tôi vẫn muốn cho Giá-Băng, có một cái nhìn khác, dương tính hơn về nỗi khổ kiếp người, vì nàng là người phụ nữ được Cộng đồng tỵ nạn VN nơi đây, ưa gọi một cách thân mật là “Người đẹp Sydney” khi nàng chưa tới 30 tuổi, tuổi đẹp nhất của người đàn bà Á-châu, dù hình như nàng cũng đã chạm mặt với nỗi buồn tủi về cuộc hôn nhân không do nàng lựa chọn… Nên tôi nói thêm:
- Em có nghĩ, đôi khi “khổ” cũng là một Hạnh phúc hay không? Như “Tình yêu” chẳng hạn, càng trầy vi tróc vảy vì tình bao nhiêu, thì người ta lại xâm mình lao vào tình yêu bấy nhiêu, có khi còn hơn thế nữa, chưa hề thấy ai “tởn” tình yêu bao giờ cả, mà người ta vẫn dùng câu thành ngữ dù có vẻ đùa cợt nhưng không sai mấy là “Yêu thì khổ, nhưng không yêu thì lỗ”, nói như TCS “Người ta không thể không yêu được”. Em đừng tưởng Lan và Điệp, một người cạo đầu vô Chùa rồi thì hết “yêu” nha, chỉ là sự tự lừa gạt trái tim chính mình mà thôi! Thấy Hạnh-phúc trong nỗi đau, Tâm-lý học gọi là “Thú đau thương” – plaisir de douleur – đó em, nghe ra rất nghịch lý trong một hạn từ, trái với “Nguyên lý đồng nhất” trong Logique nha. Ngay như trong Thơ tiền chiến cũng vậy, trong một “cặp đối nghịch”(couple contraire) đáng lẽ nó sẽ cự-nự nhau tới bến như bản-chất, thì nó lại hẹn-hò nhau trong “cùng một trật” (à la fois) để tạo ra Hạnh phúc mới kỳ cục chứ, như: “Em cứ hẹn nhưng em đừng đến nhé” hay “Tình chỉ đẹp những khi còn dang-dở”… có phải là “trái cựa”, là “paradoxe” khủng khiếp không nè, một thứ “Masochisme” trong Phân tâm học của Freud đó em? Dù trên đời này, em đừng tưởng chỉ có những tay “Sadisme” như Néron, buồn thì đốt thành La-mã rồi ngồi phán tỉnh queo “Ôi, cảnh cháy nhà sao mà đẹp vậy nhỉ ?” hay như Lê Long Đỉnh nước mình có thú vui giải sầu là ưa tự róc mía trên đầu trọc mấy ông Sư rồi giả vờ lỡ tay phập xuống cho tóe máu rồi nhìn cười ha hả khoái trá, thời đại này không thiếu những loại người “lấy làm khoái trên nỗi đau kẻ khác” kiểu này đâu nha…
- Nhưng em không tin như thế?
- Sao vậy?
- Vì đó là căn bịnh của bọn “Bourgeois” Tây phương.
- Nhưng, đôi lúc đó cũng là Tâm-lý bình thường mà, dành cho trường hợp của những người chưa có kinh nghiệm nhiều về Hạnh-Phúc, được định-nghĩa như một “khuynh-hướng được thỏa-mãn” và họ nghĩ rằng họ không còn có cách gì để vươn lên nữa, nên họ trở nên an-phận trong cái mà họ đang có một cách không muốn, gọi là “chịu đựng” mà phải đành lòng… thường thấy ở những người phụ-nữ Á-châu:
- Một cách tự lường gạt mình như anh đã nói lúc nãy, sao anh?
- Ừa, đúng ra là một cách thế tự-vệ tiêucực đối với đời sống.
- Nhưng đâu có tự lường gạt mình mãi đươc?
- Giống như một người say rượu, chỉ quên đời trong giây lát, rồi lại ê-chề sau đó nhiều hơn, nói như Nguyễn-Du:
“Khi tỉnh rượu lúc tàn canh
Giật mình, mình lại thương mình xót xa”
-Ừa, thế mà họ vẫn lựa chọn cái “Hạnh-phúc khổ đau” đó. Tại sao?
-Vì họ nghĩ “Có cũng còn hơn không!”, bởi mọi người sinh ra là có quyền được Hạnh-Phúc. Họ là những kẻ bị bạc-đãi nhất trên đời, xét theo một nghĩa nào đó… Em có thấy “tội” chưa? Có khác gì cái mệnh-đề 2 của câu tục-ngữ anh nói lúc nãy đâu: “Không yêu thì lỗ”! Nói như cụ Nguyễn Công Trứ ngày xưa cũng nằm trong ý niệm nhân-sinh này, khi ông có nhắc đến chữ “lãi” và “thiệt” trong đó:
“Cuộc hành-lạc bao nhiêu là lãi đấy,
Nếu không chơi, thiệt ấy ai bù ?”
Giá-Băng mỉm cười với đôi mắt có chút long-lanh, im lặng trong giây lâu, rồi nói:
-Đó là lý do em muốn xin anh cơ hội để cho em tự thở với chính lồng ngực của mình, không gì bất hạnh bằng mình phải thở với lồng ngực kẻ khác, bởi vì em có riêng một cuộc đời như mọi người mà mình phải “tự sống với nó”, phải không anh, sao lại để kẻ khác sống giùm cho mình chứ ? Thế mà ….
Buổi chiều tàn, đám người trở lại thành phố, và mỗi người suy nghĩ về đời sống khác nhau. Những vạt nắng hồng đã có nhiều hơi lạnh. Tôi đi bên cạnh Giá Băng, nàng nhìn nghiêng cười tình tứ. Tôi đứng lại, móc trong túi áo một thỏi kẹo bạc hà nhỏ, bỏ vào bàn tay Giá Băng và nói: “Hãy ăn kẹo như trẻ thơ, đêm nay về ngủ yên bình lãng quên đi mọi thứ đã xảy ra trong ngày, kể cả những vạt nắng hồng lấp lánh trên những ngọn cây sao, đang mùa rụng lá. Và chỉ nên nhớ một điều: Quên được nhiều điều là một Hạnh phúc. Ngày mai có thể nắng không còn hồng và em cũng sẽ trở lại lớn khôn như đã lớn khôn. Xin hãy quên đi một ngày được làm trẻ thơ trong đời sống. Chiếc jupe ngắn màu hồng, đôi chân chim, câu chuyện học trò và thỏi kẹo bạc hà hôm qua, chỉ là giấc mơ yên bình trong cơn mộng mị, đã đủ quá rồi, cho những giọt nước mắt phai nhanh...”
Nguyễn Tư