banner

Sau 15 năm hoạt động (2008-2023), website Ái hữu Đại học Sư Phạm Sài gòn tạm ngưng việc đăng thêm bài vở và tin tức.

Độc giả muốn lưu giữ bài viết và hình ảnh để làm tư liệu, xin vui lòng truy cập vào các tiết mục đã đăng trên trang web để download.

Xin chân thành cảm tạ sự hợp tác của tất cả các tác giả và độc giả đã dành cho trang web.

20.07.2023
Admin Website Ái hữu Đại học Sư phạm Sàigòn

Duyên xưa thắm lại

Vhp Hạ Vũ

"Có phải duyên xưa thì thắm lại"
Hồ Xuân Hương

Đang xem hình đám cưới của con trai thì tiếng điện thoại reng, Hạnh tạm dừng, bắt phôn. Bên kia đầu dây:
- Chào bà, bà có phải là cô giáo Hạnh, ngày xưa dạy ở trường... không? Em là Tửng, học trò cũ của cô đây. Cô khoẻ không, cô?
- Trời ơi, anh! Sao bây giờ anh mới liên lạc với em? Anh tưởng em không nhận ra giọng nói của anh sao mà đóng kịch làm học trò của em?
- Em có biết anh tìm em mười mấy năm rồi hay không, bao nhiêu là khó khăn mới tìm ra đó. Khi anh qua Mỹ, anh ở tiểu bang WA hơn chục năm, sau đổi qua Virginia khoảng hai năm. Anh mới về Nam Cali vài tháng nay thôi, nhờ thằng con Út tìm được job bên này.
- Em cũng tìm anh lâu nay mà không biết ở đâu. Quả thật "Tìm anh như thể tìm chim. Chim bay biển Bắc, đi tìm biển Nam". Từ khi qua Mỹ, em chỉ ở Bắc Cali này thôi, không đi đâu cả. Tại sao anh tìm được em vậy?
- Đố em đó. Em nói đúng anh thưởng em ngàn đóa hoa hồng.
- Chịu thua. Em chỉ cần một đóa mà thôi.
- Cách đây hai tuần anh đi họp Đại hội Không quân, gặp Hoàng. Em nhớ nó chứ? Nó là đàn em của anh và là em ruột của cô Cẩm Vân. Tìm được cô Cẩm Vân là ra em mà. Ông Trời đưa đẩy anh dời nhà về đây và đi họp không quân. Cám ơn Ông Trời.
Hạnh nhắc:
- Và cám ơn nước Mỹ nữa chứ.
- Phải rồi. Em nhắc anh mới nhớ. Cám ơn nước Mỹ và dân Mỹ. Anh vừa mới hưu trí, rảnh rổi vô cùng. Tuần sau anh tới gặp em nghe. Anh nhớ những món quà em gởi cho anh ngon tuyệt vời, ngon nhất trong đời anh. Nhớ làm cho anh món mắm ruốc xào xả ớt với thịt bò nữa đấy. Món này em gởi cho anh trong tù, anh ăn mà chảy nước mắt.
- Tại sao lúc đó anh không nói, để lần sau em bớt ớt lại. Nghe người ta nói ớt có thể ngừa "chói nước" nên em mới làm thật cay.
- Không phải tại ớt cay, mà vì quá cảm động và quá yêu em.
- Anh à, nói oang oang coi chừng bị "sư tử" xé xác đó.
- Y khoa Mỹ đầu hàng căn bệnh của vợ anh nên sau hai năm qua đây, bà ấy về Trời rồi, em ơi. Anh góa vợ mười mấy năm dài! Em cho anh bắt chước Vô Kỵ vẽ chân mày cho em nghe cưng.
- Anh biết tình trạng chồng con em thế nào mà "ăn nói linh tinh" vậy? Coi chừng mấy "quản giáo con" của anh đấy.
- Anh biết hết rồi. Cô Cẩm Vân đã kể tường tận cuộc đời em cho anh nghe. Đừng giấu anh nữa. Sao hồi ở VN em giấu anh? Nếu cho anh biết thì anh làm người nâng đỡ tinh thần em cho em bớt đau khổ. Và... chúng mình đâu phải xa nhau thời gian quá dài như thế này! Mấy đứa con thúc hối anh kiếm "dzợ" từ mấy năm nay lận. Tụi nó sợ săn sóc ông già nên bán cái cho người khác đấy. Anh biết em không chê anh già lẩm cẩm, vì ngày xưa anh ở dưới chín tầng địa ngục mà em không bỏ anh, bây giờ chắc chắn em cũng không bỏ.
Nghe anh nói, Hạnh xúc động chảy nước mắt, nghẹn ngào. Biết bao kỷ niệm ở những năm tháng cũ ùa nhau trở lại.

***
Hạnh nhớ lại vào ngày nhập học năm cuối trường Sư Phạm ở Huế, nàng được chị Hai Cẩm Vân (một người bạn đồng môn lớn hơn nàng nên được “phong chức” Chị Hai) xin cho được vé đi máy bay quân sự ra Đà Nẵng. Chuyến bay này không đi thẳng ra Huế, mà ghé qua Liên Khương rước mấy chàng phi công nghỉ mát ở Đà Lạt hằng năm đưa về Phi Đoàn Đà Nẵng. Nhờ chuyến bay này đưa duyên, các nàng quen biết với các anh.
Lúc các anh vừa lên máy bay, đã ném những ánh mắt lém lĩnh về phía các cô nàng. Anh chàng mang kính râm ngồi một chỗ hơi khuất nhắm mắt để ngủ (!) bị anh bạn cao gầy cạnh bên thúc hông làm tan "giấc Nam kha." Hai anh bắt đầu to nhỏ với nhau làm Hạnh lúng túng, cảm thấy tay chân thừa thải, không biết để đâu cho ổn. Suốt 45 phút bay, giác quan thứ sáu của nàng báo cho biết mình là mục tiêu của hai anh nên thẹn thùng ngồi không yên.
Lúc xuống máy bay, anh đeo kính lịch sự giúp chị Cẩm Vân xuống trước, kế đến Hạnh, nhưng anh cao gầy chen vào nắm tay nàng đỡ xuống. Sau này Hạnh mới biết anh đeo kiếng đen trầm tĩnh, kín đáo tên Thanh, anh cao gầy, năng nổ, vui vẻ tên Hùng, và anh trắng trẻo, có gương mặt hiền lành, phúc hậu tên Sang. Ba anh là bộ ba thân thiết.
Từ đó, hai bên quen biết rồi đi đến thân thiết. Vào những ngày cuối tuần rảnh rổi Hạnh và các bạn thường theo trực thăng của các anh vô Đà Nẳng vào chiều Thứ Bảy, để Chúa Nhật dung dăng dung dẻ ở các danh lam thắng cảnh Đà thành. Sáng sớm thứ Hai theo các anh trở về Huế tiếp tục việc học. Từ tình thân, đi đến tình yêu chỉ một bước ngắn. Hạnh thầm yêu anh chàng đeo kiếng đen ngắm nàng suốt 45 phút bay từ Liên Khương tới Đà Nẵng. Anh cũng dành cho Hạnh những săn sóc đặc biệt hơn những người khác.
Suốt năm học, Hạnh ở trong tình trạng "tình trong như đã, mặt ngoài còn e". Nàng và cả Thanh đều rơi vào tình cảnh khó xử, bởi vì Hùng cũng yêu nàng và không giấu diếm tình cảm của mình. Cuối niên học đó, Hạnh sắp xa Huế để nhận nhiệm sở dạy học. Hạnh sắp phải xa anh và cơ hội gặp mặt sẽ hiếm hoi.
Vào một tối, nhân công tác mấy ngày ở Huế, anh đưa nàng qua Đông Ba ngồi bên bờ sông Hương hóng gió và ăn chè.
Hạnh đề nghị với anh:
- Em ở đây mấy năm rồi, ăn đủ thứ chè, nhưng chỉ có chè thịt quay là chưa được thưởng thức để xem như thế nào, nghe cái tên, chưa ăn đã thấy ớn. Bây giờ sắp xa Huế rồi, em phải thử một lần mới được.
- Em muốn ăn gì cũng được hết. Mấy chén cũng không "can chi mô" (anh người Miền Nam, dùng tiếng địa phương để chọc Hạnh vì nàng cũng thường đệm mấy tiếng này vào khi nói.)
Anh gọi cho nàng một chén đặc biệt, có nhiều miếng chè thịt quay bọc bột lộc ở ngoài. Hạnh cầm chén lên, ngắm nghía và trù trừ.
- Ăn đi em, không có thuốc độc mô mà sợ.
Được sự khích lệ của anh, nàng múc một miếng, nhắm mắt đưa vào miệng. Lọng cọng thế nào, cả chén chè đổ ụp vào người làm ướt từ trên xuống dưới. Phản ứng nhanh, anh rút khăn tay ra lau tà áo cho Hạnh. Bà hàng chè thật thà nói:
- Còn miếng chè dính trên ngực áo. Ông phủi xuống cho bà.
Như cái máy, anh làm theo lời bà hàng chè. Hạnh đứng chết trân, e thẹn, đồng thời một cảm giác lâng lâng chạy khắp người.
Ở Sài Gòn, nam nữ đi ra ngoài ăn khuya là chuyện bình thường. Nhưng ở Huế, vào thời điểm đó, trời sập tối thanh nam thanh nữ không ai ra khỏi nhà cả. Bà hàng hiểu lầm cả hai là vợ chồng cũng đúng thôi. Anh đã quàng tay ôm vai Hạnh âu yếm nói: "Trời lạnh, thôi về em". Đi khuất bà hàng chè, anh thầm thì bên tai nàng:
- Xin lỗi em. Anh không cố ý. Về tắm kẻo khuya lạnh, dễ bệnh.
Câu nói của bà bán chè làm Hạnh thẹn thùng nhưng đồng thời cũng làm nàng sung sướng, và làm lớn mạnh tình yêu của cả hai. Trên đường về nhà trọ, đi bên anh, nàng cảm nhận một sự ấm áp vây quanh. Nàng chờ đợi một lời tỏ tình của anh, nhưng anh lại chỉ dặn dò nàng năm lần bảy lượt đi bất cứ nhiệm sở nào cũng nhớ cho anh điạ chỉ, đừng để mất liên lạc. Dù sao đây cũng là một lời hẹn ước gắn bó không rời một cách gián tiếp. Hạnh ôm theo hạnh phúc này tạm biệt anh, tạm biệt Huế.
Hạnh được bổ nhiệm làm cô giáo dạy Việt Văn ở một trường trung học tỉnh lẻ tận biên giới miền Nam. Cả hai kẻ Bắc người Nam. Tuy nghìn trùng xa cách Hạnh không cảm thấy đó là một trở ngại lớn. Họ liên lạc thường xuyên với nhau bằng thư từ. Một hôm, anh viết cho Hạnh một bức thư, trong đó anh hứa hẹn sẽ bàn với nàng một vấn đề quan trọng. Hạnh vô cùng sung sướng, ôm lấy niềm hạnh phúc sắp tới đi vào giấc ngủ hằng đêm.
Nàng chờ lá thư hứa hẹn việc quan trọng đó hằng ngày, suốt cả tháng trời. Nhưng... lá thư tiếp theo là thư báo tin anh bị thương, và đang ở quê anh dưỡng thương. Nghe tin anh bị thương, Hạnh đau xót như chính nàng bị thương. Nơi nàng dạy và quê hương anh là hai tỉnh giáp ranh. Xe đò liên tỉnh chạy qua nhà anh hằng ngày. Sáng Thứ Bảy tuần lễ đó, nàng đi chuyến xe sớm nhất đến quê anh để tìm thăm, và dự định trở về với chuyến xe cuối cùng trong ngày.
Ba anh là người tiếp Hạnh và cho biết anh đã đi chơi rồi. Ông rất nhiệt tình cầm giữ nàng ở lại chờ anh về mà chính ông cũng không biết chừng nào. Hạnh khéo léo từ chối, và kêu xe lôi ra khu thương mại đi loanh quanh, hi vọng gặp anh đâu đó. Anh còn đi chơi được, như vậy anh không sao, không bị mất một phần thân thể cho quê hương, và cũng không bị suy sụp tinh thần.
Suốt mấy tiếng đồng hồ tới lui ở khu thương mại này, Hạnh mỏi mệt và đau chân vô cùng. Nàng đến bờ sông ngồi dưới tàng cây rậm nghỉ mệt và trốn nắng. Đang hít thở gió mát từ sông đưa vào thì anh đến bên nàng dí dỏm hỏi:
- Xin lỗi cô. Có phải cô là em song sinh với người “em kết nghĩa” Hạnh của tôi không?
Nàng ngước nhìn anh, ứa lệ. Anh ôm lấy nàng và vuốt tóc an ủi. Hạnh gục vào vai anh khóc nức nở. Chờ cơn xúc động của nàng dịu xuống, anh dỗ dành:
- Anh không sao. Bị thương nơi đùi, không trúng xương, không trúng gân. Đừng bi thảm như vậy. Người yêu của lính thì phải can đảm, và cứng rắn. Kiên cường lên em, đừng làm nhụt chí của anh chứ.
- Xin lỗi anh, em biết và em tự dặn lòng không khóc trước mặt anh. Nhưng... em không kềm nỗi sự xúc động của mình.
Anh nhìn nàng, ánh mắt đượm buồn, ngập ngừng nói:
- Như thế này nếu mai kia… không còn anh trên cõi đời này thì em...
Hạnh vội lấy tay bịt miệng anh, không cho nói tiếp. Anh đã ôm ghì lấy nàng. Run rẩy trong vòng tay ấm áp của anh, Hạnh trao nụ hôn đầu đời cho anh tại bờ sông này, cùng lúc trái tim lên tiếng nói: "Anh ơi, em ước chi thời gian hãy dừng cánh lại, quả đất ngừng quay, và chúng ta quên mất cả đường về..."
Nhưng... không như ước muốn, thời gian trôi quá nhanh! Mới đó mà sắp tới chuyến xe chót 4 giờ chiều, Hạnh đành phải đứng lên bịn rịn từ giã để đi cho kịp chuyến xe. Anh lưu luyến nói:
- Em cho anh xin trọn một ngày của em. Ở lại với anh hôm nay. Ngày mai hẳn về. Chúng mình rồi lại xa cách nghìn trùng. Gặp mặt nhau không dễ đâu em. Đừng bỏ lỡ cơ hội này.
- Em không dự trù đi qua đêm, nên không mang theo áo quần. Vả lại, em không có người quen ở đây, tối ngủ đâu? Em sợ khách sạn có ma, không dám ngủ đêm ở đó đâu.
Anh chọc nàng:
- Anh sẽ nằm ngoài cửa làm cận vệ, thức trọn đêm để canh không cho ma sống ma chết nào "ăn thịt" em cả. Ở lại với anh nghe cưng.
Hạnh giẩy nẩy:
- Không đựơc. Em không ở khách sạn. Ai mà bắt gặp em ở khách sạn, họ đâu biết anh ở ngoài hay trong, họ đàm tiếu, danh dự của em chỉ còn nước liệng xuống sông xuống biển. Cho em đi về. À, mà này, tại sao anh không theo em qua Châu Đốc ở chơi với em trọn ngày mai Chúa Nhật? Sáng Thứ Hai em đi dạy thì anh về. Mình đi Điện thờ Bà Chúa Xứ xin xăm, cầu phước.
- Không, anh không cầu phước mà cầu duyên. Nếu em muốn thì anh chiều ý em, nhưng với một điều kiện. Chịu thì anh theo em đi, không thì em ở lại đây với anh.
- Làm khó em hoài! Điều kiện gì?
- Đi đường, em phải cho anh nắm tay, ôm eo thì anh mới chịu.
- Eo ơi, không được đâu. Học trò của em bên đó nhiều lắm, mà tỉnh lỵ thì nhỏ như bàn tay. Thế nào chúng chẳng đồn um xùm, còn thêu dệt nữa. "Quê" lắm!
- Có sao đâu. Sẵn dịp, mình công bố luôn. Anh sẽ tập hợp một đám học sinh lại, rồi nói rằng: "Cô các em là người yêu bé nhỏ của anh. Anh nhờ các em bảo vệ và giữ gìn giùm anh, đừng cho ai "bắt cóc" cô. Ai làm tròn "công tác quan trọng" này, anh sẽ cho theo cô đi máy bay vòng vòng Đà Nẳng - Tây Lộc chơi cho vui.
- Thôi anh ơi, nói bậy không hè!
- Vậy thì ở lại đây đi, không có học trò em, không có ai quen biết em cả.
Em không muốn ở khách sạn thì anh có chỗ gởi em rồi. Nơi này có hai người lính an ninh canh cho em ngủ. An toàn lắm, đừng lo.
- Nhà ai mà có lính canh gác?
- Nhà ông bà Tỉnh Trưởng, có họ hàng với anh. Được không?
- Họ hàng như thế nào?
- Chú cháu ruột, được chưa cưng. Sao hỏi kỹ vậy? Cô giáo khó tính quá! Thôi bây giờ đi mua bộ quần áo ngủ và vật dụng cần thiết cho em.
Nghe xuôi tai, Hạnh theo anh. Chiều đó cả hai đi xi nê, rồi ăn chiều. Trong rạp hát, anh và nàng say đắm trao nhau những nụ hôn ngọt ngào của tình yêu đôi lứa. Trời sụp tối, anh dẫn Hạnh về nhà giới thiệu với cha mẹ anh. Ông bà là người dân miền Nam chân chất, thật thà, và hiếu khách. Ông bà ân cần hỏi thăm gia cảnh nàng: cha mẹ anh em và nghề nghiệp, rồi chỗ ăn ở của nàng, công việc dạy học như thế nào, có gì vui buồn?... Nghĩa là khéo léo điều tra lý lịch. Cuối cùng là mời Hạnh ngủ lại đêm. Nàng ú ớ, chưa biết trả lời sao thì anh cướp lời:
- Ba má đừng lo. Con lo xong rồi.
Ngồi phòng khách nhà anh nói chuyện trên trời dưới đất tới khuya mà Hạnh không hay biết. Hết chuyện dưới đất trên trời, anh cho biết anh Hùng đã tử trận hơn nửa năm nay rồi. Hạnh đang ngụp lặn trong màu hồng của tình yêu, đám mây đen chợt đến. Chưa hết xót xa việc anh bị thương, tin anh Hùng hi sinh lại đến. Hạnh liên tưởng đến tính mạng của anh, người trai thời chiến, rất mong manh. Phúc đức dày bao nhiêu mới đủ, may mắn lớn thế nào mới vừa, để che chắn cho anh khỏi lằn tên mũi đạn vây bọc hằng ngày hằng giờ? Tim nàng quặn thắt, nhìn anh rưng rưng lệ. Anh an ủi:
- Sao em mít ướt quá! Mạng anh lớn lắm, nhất định anh không sao đâu, em.
Thôi, bây giờ mình nói chuyện khác nghe. Hè sắp tới, em xin đổi đến trường trung học Phan Chu Trinh ở Đà Nẳng để chúng mình được gần nhau. Không có em, anh buồn lắm, và cô đơn chịu không thấu. Chiều tối, không biết làm gì cho hết thì giờ, lại cùng đám bạn đi vũ trường nhậu nhẹt, nhảy nhót. Hư thân mất nết em ơi.
- Khó lắm anh à, thâm niên mới mấy tháng làm sao xin thuyên chuyển! Thêm nữa, từ trường nhỏ ở tỉnh lỵ heo hút đổi tới trường lớn của một thành phố lớn, khó lắm! Nếu Nha Trung học có cho em đổi ra Đà Nẳng thì em phải đi những quận xa xôi, mất an ninh. Chúng mình cũng vẫn kẻ một nơi người một nẻo mà thôi! Thà em ở lại đây vừa an ninh, vừa gần nhà em ở Sài gòn hơn. Chỉ có trường hợp vợ chồng thì Nha Trung học mới giải quyết ưu tiên một mà thôi.
Anh suy nghĩ một thoáng, xong nắm bàn tay Hạnh âu yếm nói:
- Vậy chúng ta kết hôn nghe em. Em có bằng lòng...
Vừa nói tới đây thì Ba Mẹ anh từ phòng bên cũng bước ra. Bà mẹ nói:
- Khuya rồi, con. Cô Hạnh đi suốt ngày chắc mệt lắm. Con là thanh niên không biết mệt, chứ cô ấy là phụ nữ thì khác. Mai nói chuyện tiếp, giờ con sang phòng Ba ngủ, nhường phòng con cho cô ấy đi nghỉ sớm.
- Ba má ngủ trước, con vào ngay.
Nói xong anh xoay qua Hạnh hóm hỉnh tiếp:
- Khuya quá rồi em à, không tới nhà ông "chú Tỉnh Trưởng" của anh được. Thôi ngủ đỡ nhà ông "bác Tỉnh Trưởng" đi. Nhà ông bác này cũng có hai người "lính an ninh" canh cửa. Hai người này có tinh thần trách nhiệm rất cao, lại công minh liêm chính nữa, thi hành nhiệm vụ bất vị thân. Em thấy không, ngay anh là con mà cũng không vị tình. Anh bị ông "lính an ninh già" khóa chân rồi, đã vậy còn bị "bà lính già" chặn cửa kiểm soát chặt chẽ. Không có giấy phép, không được xuất nhập lộn xộn. Em an tâm nhé!
Anh đã đánh lừa Hạnh để được trọn hai ngày một đêm bên cạnh nhau. Hạnh "được" rơi vào cái bẩy êm ái này của anh giăng, sung sướng ôm theo chăn chiếu mùng mền vương hơi hướm của anh đi vào giấc ngủ đẹp.
Chiều hôm sau Hạnh về lại nhiệm sở, lòng phơi phới hân hoan. Cái hôn từ giã tuy có buồn nhưng nàng sung sướng ngập lòng. Cả hai lại tiếp tục thư từ cho nhau. Hạnh nghĩ mình còn trẻ, không muốn lập gia đình sớm nên không thúc hối anh.
Sau đó chiến tranh càng ngày càng leo thang. Thư từ anh gởi tới nàng tỉ lệ nghịch với chiến sự. Hễ cuộc chiến càng ngày càng tăng khốc liệt thì thư từ anh gởi càng ngày càng ngắn dần và ít đi. Mỗi lần có đồng đội của anh nằm xuống là tháng đó anh buồn lắm, không thư từ cho nàng. Hạnh cũng thông cảm với anh và càng viết thư nhiều hơn để an ủi. Thấy vậy, Hạnh nhắc anh chuyện hôn nhân để được ưu tiên thuyên chuyển theo anh, cùng nhau đồng cam cộng khổ, chia xẻ âu lo với nhau. Anh trả lời: "Anh chưa muốn lập gia đình bây giờ, hãy cho anh thêm một thời gian nữa. Em còn trẻ, chờ thêm vài năm, chiến tranh bớt khốc liệt, tính mạng anh bớt bị đe doạ, chúng ta kết hôn không muộn. Anh không muốn em rơi vào hoàn cảnh góa bụa, cuộc đời em đầy buồn lo vất vả khi anh không còn trên cõi đời này. Mỗi lần tưởng tượng cặp mắt em đẫm lệ là anh nguội đi ý muốn lập gia đình." Nghe lời anh, Hạnh chờ. Rồi máy bay anh Sang lái, người bạn thân còn lại trong bộ ba của anh, bị bắn rơi. Anh Sang hi sinh, bỏ lại người vợ quá trẻ và đứa con còn đỏ hỏn, đem đến cho anh một cú sốc nặng. Anh viết thư khuyên Hạnh hãy quên anh, và tìm một người chồng dân sự để sống bên nhau hạnh phúc trọn đời. Anh xin lỗi nàng đã không thể giữ trọn lời hẹn ước trăm năm. Sau đó, anh bặt thư, mặc cho nàng viết gởi không biết bao nhiêu thư từ.
Chờ tới hè năm đó, Hạnh mất cũng khoảng nửa năm sống trong thương nhớ, khắc khoải lo âu. Nhiều lúc nàng nghĩ dại: hay là anh bị thương, trở thành tàn phế, nên xa lánh nàng. Trên đường về Saì Gòn nghỉ hè, nàng ghé qua nhà cha mẹ anh để hỏi thăm tin tức. Được biết anh vẫn còn phục vụ ở đơn vị cũ, nàng quyết định đi một chuyến ra Đà Nẳng tìm anh để giải toả những ưu tư, khắc khoải trong lòng anh. Hạnh đến nhà chú thím Cảnh là nơi mà ngày xưa nàng cùng các bạn vẫn tới ở nhờ mỗi khi từ Huế vào Đà Nẵng chơi. Chú thím coi các nàng như con cháu trong nhà rất thân thiết. Hạnh trút hết nỗi lòng với thím và ngỏ ý nhờ chú đưa nàng vào phi đoàn gặp anh. Chú mang cấp bậc Trung tá, có người bạn thân là Phi Đoàn Trưởng của anh. Nhờ vậy, nàng biết được anh hay tới vũ trường và bị sa ngã vào vòng tay của một vũ nữ. Cô ta cố tình mang bầu để cột chân anh. Vì lương tâm và trách nhiệm anh phải kết hôn với cô ta.
Thế là hết. Hạnh ôm hận ra về.
Nàng cố quên anh chàng "bạc tình lang" này. Tuy nhiên "Giận thì giận, thương thì vẫn thương". Có lúc nàng thông cảm cho anh, và tự trách mình đã không xin đổi nhiệm sở ra Đà Nẵng. Một đôi khi nàng cũng có thoáng qua mỗi ân hận tiếc nuối: Phải chi năm xưa, nàng chịu ngủ lại khách sạn để… anh “sa ngã” với nàng. Anh là người có trách nhiệm cao như ông Phi Đoàn Trưởng nói thì anh phải cứơi nàng thôi. Nhưng rồi nàng lại lắc đầu xua đuổi ý nghĩ đó: “Mình là cô giáo, làm như vậy thì còn mặt mũi nào ngó mặt học trò và đồng nghiệp”. Rồi nàng trút tội cho ông Trời, và đem số mệnh ra an ủi. Nàng nhắc nhở nàng lời khuyên của thím Cảnh “Điều mình tưởng là hoạ biết đâu lại chẳng là phúc cho mình” để thấy rằng mình may mắn thoát cảnh “Gió đưa bụi chuối sau hè, anh mê vợ bé bỏ bè con thơ” v.v... Nàng cứ sớm nắng chiều mưa, nay phải mai trái, lúc giận hờn, lúc tha thứ, lúc kết tội lúc biện hộ như thế một thời gian dài. Dần dà, nỗi đau cũng phai dần theo năm tháng.
Sau đó, Hạnh lập gia đình với một người chồng dân sự, đúng như lời khuyên của anh. Nàng đã cố gắng tìm quên trong công việc dạy học và bổn phận gia đình. Sau đó, vợ chồng nàng cũng tìm cách đổi về Sài Gòn làm việc. Hạnh về một trường trung học gần nhà. Với thời gian, lòng nàng cũng lắng dịu lại. Cuộc sống trong thời buổi chiến tranh mỗi lúc mỗi leo thang làm nàng vất vả trong mưu sinh. Nàng không còn nhớ và đau khổ vì mối tình dang dở nữa. Nàng nghĩ mình đã quên anh, mặc dù nhiều lúc nghe tiếng trực thăng bay trên bầu trời, nàng vẫn ngoái cổ trông theo.

Ngày 30-4-75 cả nước lao đao. Chồng nàng đi tù vì tội "biệt phái" tức là CIA dưới cái nhìn của Nhà Nước Cộng Sản, sau khi ra tù lại lo việc vượt biên. Và chuyến vượt biển đó không bao giờ tới bến. Hạnh đau buồn vì mệnh bạc của mình!
Nàng tìm chị Cẩm Vân để có người chia xẻ nỗi lòng. Tới lúc đó nàng mới biết chị có người em là đàn em của anh, và cho biết anh đang ngồi tù cải tạo. Tin này đem đến nàng một cú sốc nặng nề. Hạnh tưởng tình yêu của mình đối với anh chết rồi. Nhưng không, nó không chết. Nó chỉ nằm ngủ, và bây giờ nó thức giấc, đang vươn vai. Nước mắt nàng lại rơi vì hoàn cảnh tù đày của anh, vì những kỷ niệm ngọt ngào của “thuở ban đầu lưu luyến ấy”.
Hạnh nhờ người bạn hiện sống cùng quê với gia đình anh xin địa chỉ trại tù của anh để gởi thư. Nàng viết bức thư "hô khẩu hiệu" đúng theo yêu cầu của Nhà Nước XHCN, vì nàng không dám biểu lộ những suy nghĩ, tình cảm thật của mình, và không muốn bức thư bị liệng vào thùng rác. Tuy thế lần này, anh không chạy trốn nàng nữa. Anh hồi âm cho nàng. Trong thư, anh lướt qua một vài kỷ niệm khiến nàng vô cùng xúc động vì biết anh còn yêu mình. Cả hai người ở trong thế kẹt, phải ngậm đắng nuốt cay, không thể bộc lộ cho nhau biết tình cảm của mình. Có miệng mà phải câm, và chỉ khóc thầm.
Tiền bạc và đồ đạc trong nhà đã "sạch sẽ" sau khi lo cho ông chồng vượt biên. Hạnh vơ vét gói ghém gởi ngay cho anh những thực phẩm và thuốc men cần thiết trong gói quà hạn chế 5 kí lô. Nàng biết khi nhận được, anh sẽ đau lòng vô cùng, nhưng nàng không thể làm khác được. Nàng sợ anh không chết vì đói thì cũng chết vì thiếu thuốc men. Sau đó, theo quy định, cứ ba tháng, Hạnh gởi cho anh một gói quà, và liên lạc với nhau qua những bức thư "hô khẩu hiệu" cho đến một ngày nàng nhận được một lá thư gởi từ một đơn vị của bộ đội mà tên người gởi lạ hoắc. Hạnh vội bóc ra xem. Đó là thư của anh gởi cho nàng báo tin anh được chuyển trại về Nam. Anh ném bức thư này ở một ga xe lửa với hi vọng đồng bào nhặt được gởi giùm. Có lẽ một cậu nghĩa vụ quân sự nhặt được, rồi gởi cho nàng. Tấm lòng người dân miền Nam vẫn còn đầy ắp thương mến những sĩ quan QL VNCH. Và, trong lòng anh vẫn còn đầy ắp thương nhớ nàng nên khi chuyển trại, anh lật đật tìm cách báo tin cho nàng. Điều này chứng tỏ Hạnh vẫn còn có một chỗ đứng không nhỏ nhoi chút nào trong tim anh.
Sau 10 năm lưu đày, anh được ra tù, nhưng bị chánh quyền dưới quê quản chế và bị vợ con "quản chế". Hạnh rút lui để anh hưởng hạnh phúc gia đình. Lại bặt tin anh, nhưng lần này nàng an tâm, vì không còn sợ anh bị đói khát hay thiếu thuốc men khi đau yếu bệnh hoạn nữa.
Hạnh có người chị di tản sang Mỹ năm 1975 bảo lãnh đoàn tụ với chị. Khi nàng nộp đơn xin xuất ngoại đoàn tụ thì bên Giáo dục Thành phố có chính sách buộc những thầy cô giáo nộp đơn đi nước ngoài phải nghỉ dạy. Lý do là tư tưởng vọng ngoại, ôm chân đế quốc, không thể giáo dục tốt cho học sinh yêu nước yêu chế độ XHCN được. Nàng đành nghỉ dạy và "phe phẩy" ở chợ trời (chữ của Việt Cộng gán cho những người buôn bán ở chợ trời).
Một buổi sáng, sau khi nấu cơm nước sẵn để con đi học về có cái ăn uống, Hạnh chuẩn bị ra chợ trời "phe phẩy", thì anh đến tìm nàng. Hạnh sững sờ nhìn anh, rồi nghẹn ngào không nói được một lời trước sự bất ngờ này. Anh giơ tay toan ôm lấy nàng nhưng rồi rút tay lại, nói:
- Sao? Bà chủ không mời khách ngồi à?
Hạnh bỏ buổi hàng, ở nhà chuyện trò với anh. Được biết anh bị quản chế hai năm ở quê. Vợ anh quen sống an nhàn, tiếp theo là bà chủ, từ nhỏ đã không quen lao động, đột ngột biến thành nông dân, nên sau nhiều năm "lao động là vinh quang" đã mang bệnh trầm kha. Hết thời gian quản chế, anh đem vợ con lên Sài Gòn tạm trú nhà họ hàng để kiếm sống, và trị bệnh cho vợ. Hiện anh đang "chạy sô" Anh văn cho những gia đình có nhu cầu. Con anh vừa đi học, vừa cơm nước, vừa săn sóc mẹ. Phần Hạnh, nàng chỉ kể sơ hoàn cảnh sinh sống của mình: đã nộp đơn xin đi đoàn tụ, và đang chờ kết quả. Anh đinh ninh nàng được chồng bảo lãnh đi Mỹ, nàng cũng không cải chính. Khi ra về, anh âu yếm nắm lấy bàn tay Hạnh, nhưng nghẹn lời làm nàng nhớ lại ngày xưa nơi phòng khách nhà anh, anh đã nắm lấy tay nàng đề nghị kết hôn. Từ đề nghị đến thực hiện mấy chục năm rồi mà chưa thành! Từ đó Hạnh chỉ còn cách khóc lẻ loi một mình và thầm mong anh đến thăm nàng thường xuyên.
Nhưng…
Sau đó anh gởi Hạnh lá thư từ biệt và xin nàng thông cảm cho anh vì anh sẽ không chiến thắng được chính mình nếu gần gũi Hạnh thường xuyên. Anh muốn nàng đem được con qua Mỹ và sống cuộc đời hạnh phúc (!) bên chồng. Anh sợ oan nghiệt ràng buộc mà cả hai không tháo gỡ nỗi. Anh không muốn vì anh mà Hạnh rơi vào hoàn cảnh trái ngang. Ngày xưa, anh đã lỡ lầm để nàng chảy nhiều nước mắt, giờ không muốn nàng chảy thêm nước mắt nữa. Anh không ghi địa chỉ người gởi. Thế là cả hai lại bặt tin tức nhau. Anh không biết rằng chỉ một năm sau đó, mẹ con Hạnh lên máy bay rời Tổ Quốc.
Hạnh nhớ anh da diết nhưng không biết đâu mà tìm, đành buông tay! Mẹ con nàng cực khổ gian nan để mưu sinh trong xã hội mới, lần hồi cuộc sống được ổn định. Xã hội Mỹ đã cho mẹ con nàng nhiều cơ hội để vươn lên. Nàng có việc làm đủ sống. Hai đứa con nàng hiếu thảo, ngoan ngoãn, chăm học. Sau khi tốt nghiệp Đại Học, chúng có công ăn việc làm vững vàng. Hạnh tự an ủi: "Trời không cho ai toàn vẹn cả. Hễ được điều này thì mất cái khác. Mất đường tình duyên thì được đường con cái. Con cái như thế này là quý lắm rồi. Đây là phần thưởng quý báu mà con nàng đã đền đáp cho sự hi sinh tình riêng của nàng. Cám ơn nước Mỹ! Cám ơn các con!"

***
Ngày đứa con sau lập gia đình, Hạnh nhận được thiệp chúc mừng của anh, vẫn không có địa chỉ người gởi. Hạnh sốt ruột đứng ngồi không yên. Sau đó vài ngày anh mới điện thoại, mở đầu bằng cách xưng là học trò cũ của Hạnh. Nàng biết anh cố ý khôi hài, nhưng không thể nào ngăn nổi tiếng khóc.
Trong điện thoại, nghe nàng khóc quá, anh hoảng:
- Đừng khóc, em! Giai đoạn đau buồn qua rồi. Bây giờ mình hãy sống cho mình.
Và lại cố hát đùa:
- Chắc chắn tuần tới "anh theo nàng về dinh". "Đừng bỏ anh một mình. Trời lạnh lắm, trời lạnh lắm... sao đành… bỏ anh…"
- Máu diễu của anh tới già cũng không chừa.
- Năm tới em nên xin nghỉ hưu non. Chúng mình đi thăm Đà Nẵng - Huế - An Giang, tìm gặp lại học trò cũ của em, và xin xâm "cầu duyên" với Bà Chúa Xứ nghe em.
- Được rồi. Chuyện đó từ từ tính.
- Cho anh hôn một cái lấy hên. Bye nghe cưng. Hẹn gặp nhau sớm.
Tuần sau hai con của nàng làm bữa tiệc nho nhỏ để đón "Bác Thanh đi lạc mấy chục năm mới trở về với mẹ”, xong chúng "lặn" mất. Anh đến cầm theo lá thư "gởi gấm cha của chúng cho cô" đầy đủ chữ ký của ba đứa con anh...
Mấy chục năm dài dằng dặc trôi qua, anh và nàng mới kết nối xong sợi tơ hồng đứt đoạn nhiều phen. Cám ơn Trời - Phật - Chúa đã ban phước lành cho cả hai. Cám ơn nước Mỹ đã cho cả hai cơ hội tốt đẹp. Hạnh phúc đến với anh và nàng, tuy muộn màng còn hơn không.
Vhp. Hạ Vũ
(Viết cho ngày Valentine)

http://havuvhp.blogspot.com


Những chuyện "độc" lạ lùng tại Việt Nam

Văn Quang - Viết từ Sài gòn

Bài này đến tay bạn đọc có lẽ đã vào những ngày đầu xuân năm nay, những chuyện về Tết ở VN đã có quá nhiều báo, nhiều ông đưa tin, đưa hình đầy đủ cả rồi. Lại còn chuyện tận nước Mỹ: ông Trump nhậm chức Tổng Thống Mỹ, ông Obama về vườn, các báo ở VN tường thuật rất đầy đủ không sót một chi tiết nào, từ chiếc giày và chiều cao của vợ ông Trump đến con cái ông Obama bước lên máy bay. Có cái hay là báo chí nhà nước tường thuật giống nhau như sinh viên sĩ quan tập cơ bản thao diễn, đúng răm rắp từng cái dấu chấm, dấu phẩy đến nhận định cũng y chang... Tự do ngôn luận theo đúng chị thị của cấp trên.

Giếng nước màu vàng khè, có váng vàng, khi động đến thì tạo bọt bóng

Vì thế tôi không tường thuật với bạn đọc về chuyện đó nữa. Tôi kể về những chuyện “độc” ở VN ngày nay cho lạ. “Độc” ở đây theo nghĩa đen, “độc chết người.” Trước hết là chuyện ung thư, một thứ bệnh hết thuốc chữa. Không phải do “trời đất” hại ta mà do chính con người hại nhau.
10 làng ung thư có nguồn nước ô nhiễm nặng nhất ở Việt Nam
Theo báo Pháp Luật và Đời Sống, cơ quan của Hội Luật Gia VN: Mới đây, dự án “Điều tra, tìm kiếm nguồn nước hợp vệ sinh phục vụ cấp nước sinh hoạt cho một số làng ung thư của VN” đã công bố danh sách 10 “làng ung thư” có nguồn ô nhiễm nặng nhất.
Dự án trên do Bộ Tài Nguyên và Môi Trường (TN&MT) thực hiện và đã kết thúc giai đoạn 1, đang chờ cấp trên xem xét giai đoạn 2.
Theo dự án “Điều tra, tìm kiếm nguồn nước hợp vệ sinh phục vụ cấp nước sinh hoạt cho một số “làng ung thư” của VN,” các nguồn nước ăn uống, sinh hoạt tại 37 “làng ung thư” đều ô nhiễm nặng.
Cụ thể, khảo sát tại các xã của 37 “làng ung thư” số người chết vì bệnh ung thư là tính trong vòng 5-20 năm trở lại đây:

Hầu hết các bể chứa nước đều nhuốm một màu vàng

- Đã có 1,136 người chết vì các bệnh ung thư. Ngoài ra, còn có 380 người ở các xã lân cận cũng chết bởi ung thư. Nơi có nhiều người chết vì ung thư nhất là 139 người, đó là làng Thạch Khê, xã Thạch Sơn, huyện Lâm Thao (Phú Thọ). Còn ở làng ít nhất cũng có sáu người chết.
Tiến sĩ Hồ Minh Thọ nói với báo Tuổi Trẻ: Số người chết vì bệnh ung thư vừa nêu là tính trong vòng 5-20 năm trở lại đây:

Trạm bơm không hoạt động được

“Qua điều tra, khảo sát của dự án thì điểm chung nhất là các nguồn nước bà con đang sử dụng ở các làng ấy đều bị ô nhiễm, có những chỉ tiêu vượt mức cho phép theo quy định tiêu chuẩn về nước của VN.”
Theo Ts Hồ Minh Thọ, muốn tìm ra nguồn nước sạch để thay thế cho các nguồn nước ô nhiễm tại các “làng ung thư” ấy thì phải tiến hành giai đoạn 2 của dự án.
Ts Thọ nói, “Chúng tôi đã xác định và kiến nghị trước mắt cần thiết phải tiếp tục điều tra, cấp nước sinh hoạt ở giai đoạn tiếp theo cho 10 “làng ung thư” có nguồn nước hiện tại bị ô nhiễm nặng nhất.”
Dưới đây là danh sách 10 “làng ung thư” có nguồn nước ô nhiễm nặng nhất theo khảo sát của dự án “Điều tra, tìm kiếm nguồn nước hợp vệ sinh phục vụ cấp nước sinh hoạt cho một số làng ung thư của VN” công bố:
1. Làng Thống Nhất, xã Đông Lỗ, H.Ứng Hòa, TP Hà Nội.
2. Làng Lũng Vỵ, xã Đông Phương Yên, H.Chương Mỹ, TP Hà Nội.
3. Làng Mẫn Xá, xã Văn Môn, H.Yên Phong, tỉnh Bắc Ninh.
4. Làng Thổ Vỵ, xã Tế Thắng, H.Nông Cống, tỉnh Thanh Hóa.
5. Làng Yên Lão, xã Hoàng Tây, H.Kim Bảng, tỉnh Hà Nam.
6. Làng Cờ Đỏ, xã Diễn Hải, H.Diễn Châu, tỉnh Nghệ An.
7. Làng An Lộc, xã An Lộc, H.Lộc Hà, tỉnh Hà Tĩnh.
8. Làng Phước Thiện, xã Bình Hải, H.Bình Sơn, tỉnh Quảng Ngãi.
9. Làng Xuân Vinh, xã Hoài Mỹ, H.Hoài Nhơn, tỉnh Bình Định.
10. Làng Mê Pu, xã Mê Pu, H.Đức Linh, tỉnh Bình Thuận.
Nỗi lo ung thư của người dân trong các ngôi làng ở Việt Nam thật khủng khiếp, tử thần lơ lửng trên đầu mọi người không kể già trẻ lớn bé. Chúng ta hãy đi tìm nguyên nhân gây ra tai họa này. Không phải do trời đất sinh ra mà chính là do con người. Đây chính là nguyên nhân.
Các khu công nghiệp mọc lên giúp đời sống kinh tế người dân khấm khá, nhưng đồng nghĩa với nó là nỗi lo ung thư của nhiều ngôi làng trên cả nước.

Ung thư gõ cửa, 3 thôn ở Bắc Giang náo động
Báo Dân Việt đưa tin, người dân 3 thôn My Điền 1, 2, 3 (xã Hoàng Ninh, huyện Việt Yên, tỉnh Bắc Giang) khấm khá do khu công nghiệp mọc lên trên địa bàn. Thế nhưng, giờ đây dân My Điền “ăn không ngon, ngủ không yên” bởi rác thải, nguồn nước sinh hoạt ô nhiễm. Người dân nơm nớp sợ hãi vì “tử thần” ung thư gõ cửa…
Theo thống kê chưa đầy đủ của ông Phùng Minh Toản - Trưởng thôn My Điền 1: “6-7 năm qua, ở thôn My Điền 1 đã có tới 60 người chết vì ung thư. Cứ 10 người chết thì 7 - 8 người là nạn nhân ung thư. Các chứng bệnh ung thư đa dạng có nhiều thứ bệnh lạ chẳng biết bệnh gì, tỷ lệ chết trẻ nhiều hơn chết già. Riêng đầu năm 2016 đã có 2 người chết trẻ. Hiện nay, cả 3 thôn đều có nhiều người đang mắc các bệnh ung thư. Điều này khiến chúng tôi nơm nớp lo sợ bệnh tật hoành hành.”
Bà Thân Thị Ngoan (xóm 6, thôn My Điền 2) kể, sinh thời ông chồng bà vốn làm nghề thợ xây. Sức khỏe hơn người, lao động quần quật chẳng mấy khi ông đau ốm. Vậy mà, tháng 3 năm 2015 chồng bà thường xuyên mỏi mệt. Vợ chồng “đùm” nhau xuống Hà Nội khám thì "chết điếng" vì ông bị ung thư dạ dày giai đoạn cuối. Chỉ sáu tháng từ ngày phát hiện ung thư, chồng bà đã nằm xuống.

Xả cạn nước cả bể nổi váng, bám đầy rêu và đất.

Phía sau nhà bà Ngoan, gia đình bà La Thị Cấp đau xót trước cái chết của đứa cháu nội mới 4 tuổi. Năm 2015, cháu Phùng Bảo N đột ngột bị sốt dài ngày. Kết quả y học tại Bệnh viện K3 cho thấy, bé N bị ung thư u nguyên bào thần kinh. Chỉ 2 tháng sau, bé trai kháu khỉnh đã tử vong.
Cùng gánh chịu nỗi đau ung thư, chị Thân Thị Vân (thôn My Điền 2) bảo, chị không thể nào quên được những cơn đau quằn quại của bố chị - ông Thân Văn C. Hai năm trước, ông C bị ung thư phải cắt bỏ 3/4 dạ dày. Chưa đầy hai tháng phát hiện bệnh, ông đã tử vong. Lúc hấp hối, ông trăn trối dặn vợ con phải giữ gìn sức khỏe. Chị Vân vẫn khắc khoải câu nói chua xót của người bố trước lúc lâm chung.

Nguồn nước giếng có màu gạch cua, hôi và tanh nhưng người dân cũng phải dùng để sinh hoạt.

Được biết, từ năm 2003-2008, các Khu công nghiệp (KCN) Đình Trám, Vân Trung được xây dựng hầu hết trên đất của 3 thôn My Điền và một phần đất của xã liền kề. Theo đó, 82% diện tích đất nông nghiệp của 3 thôn bị thu hồi chuyển đổi mục đích phục vụ công nghiệp, chỉ còn lại 17.5 ha. Dân số cả 3 thôn vào khoảng 4,000 người, và 8,000 công nhân thuê trọ.
Hỏi về môi trường sống, ông Lê Xuân Hiệp (Bí thư Chi bộ thôn My Điền 3), ông Toản, bà Cấp, chị Vân, bà Ngoan đều xác nhận vấn đề ô nhiễm môi trường:
“Cả 3 thôn đều có chung một bãi rác lớn án ngữ ở đầu làng. Các xóm đều có các rãnh nước thải đen kịt, ứ đọng. Rác thì có tuần được thu gom 2 lần, có khi cả tháng mới thấy người đến gom 1 lần.”
Không chỉ ô nhiễm về rác, người dân My Điền còn đang phải đối mặt với “họa” suy kiệt và ô nhiễm nguồn nước sinh hoạt. Trước đây, người dân My Điền ăn uống bằng nguồn nước giếng khơi. Thế rồi, nước giếng khơi bị cạn kiệt phải chuyển sang dùng giếng khoan.

Buộc vải ở vòi nước để lọc cặn

Những cơ sở nào gây ra tai họa cho dân
Không thể kể hết tên những công ty doanh nhiệp đang gây ra tai họa cho toàn dân VN, tôi chỉ kể tên vài công ty điển hình trong một làng thôi.
- “Làng ung thư” ở Phú Thọ
Tuổi Trẻ dẫn thống kê của Sở Y Tế tỉnh Phú Thọ, tính từ năm 1991 đến cuối năm 2005, tại xã Thạch Sơn có 304 người chết thì đã có tới 106 người (chiếm 34.86%) chết do mắc bệnh ung thư.
Để tìm hiểu nguyên nhân gây ung thư tại Thạch Sơn, từ cuối năm 2005 đoàn khảo sát của Cục Bảo vệ môi trường và Viện Công Nghệ Môi Trường đã về Thạch Sơn lấy mẫu phân tích đánh giá thực trạng ô nhiễm môi trường.
- Các chất ô nhiễm tập trung chủ yếu xung quanh khu vực Công ty supe phôtphat và hóa chất Lâm Thao và Công ty cổ phần pin ăcqui Vĩnh Phú. Hàm lượng các chất khí lan tỏa trong cả vùng và theo chiều các hướng gió.
- Ngoài ra, môi trường không khí còn chịu ảnh hưởng của khí thải các lò gạch và mùi hôi bốc lên từ cửa xả nước thải của Công Ty Giấy Bãi Bằng đổ ra sông Hồng.
Nguy hiểm hơn cả là việc hầu hết các giếng tại Thạch Sơn đều không đảm bảo tiêu chuẩn chất lượng nước ngầm và nước dùng cho sinh hoạt. Nguồn nước ngầm và các mẫu rau, mẫu cá tại Thạch Sơn đều có hàm lượng kim loại có ảnh hưởng nghiêm trọng tới sức khỏe người dân.
- Đối với các ao, hồ, môi trường đất cạnh bãi thải của Công ty pin ăcqui Vĩnh Phú, đoàn khảo sát phân tích thấy có hàm lượng kẽm (Zn), cadmium (Cd) cao gấp bốn lần tiêu chuẩn cho phép trong đất nông nghiệp.
- Hơn 60 năm trôi qua nhưng những tàn dư của thuốc bảo vệ thực vật (BVTV), thuốc trừ sâu trong chiến tranh vẫn còn sót lại gây ra những hệ luỵ đau thương.
Từ những năm 1954 đến 1978, khu vực Chợ Nhe thuộc thị trấn Nghèn, huyện Can Lộc bị ném bom ác liệt trong thời chiến tranh. Lúc này, kho thuốc bảo vệ thực vật (BVTV) đang được cất giữ tại đây đã được di chuyển về thôn Thái Kiều (Kiều Ấp cũ - PV), thôn Cồn Ngọc và một địa điểm nữa nay thuộc trường Tiểu học Khánh Lộc.
Ẩn họa từ những kho thuốc BVTV chưa được xử lý khiến trong thời gian qua, người dân tại xã Khánh Lộc phải gánh chịu.
Sau khi bơm lên bể được khoảng 30 phút cả bể nước bắt đầu nổi váng. Cũng theo kết quả xét nghiệm, thẩm định nguồn nước ở xã Hoàng Tây có tỷ lệ tạp chất cao hơn tiêu chuẩn cho phép. Ông Trương Văn Khương - Phó chủ tịch UBND xã Hoàng Tây cho biết, trước thực trạng nguồn nước bị ô nhiễm, chính quyền và người dân địa phương đã tiến hành xây dựng nhà máy nước sạch. Tuy nhiên, sau khi kiểm tra nguồn nước vẫn không đạt tiêu chuẩn nên người dân không sử dụng nữa, nhiều năm nay nhà máy nước sạch đang bị bỏ hoang.

Ai mang đau thương đến cho người dân?
Thế rồi thôi, nhà máy cứ nằm đó trơ gan cùng tuế nguyệt, chẳng quan nào từ làng đến tỉnh coi như không biết, mặc kệ nhà máy bỏ hoang cho dân nhìn chơi! Thu đất của dân để làm khu công nghiệp, bất chấp đời sống của người dân, chỉ lo cho cái túi tiền của nhà mình, độc hại không cần biết hay vì ngu không biết, dân khổ dân chết lại đổ cho thời tiết, do trời đất. Chưa có thời đại nào tàn nhẫn đến thế.
Xét qua vài thí dụ trên cho thấy người mang tử thấn đến với dân không phải là ông Trời mà do chính cái đầu to, óc bả đậu của các quan khi cho phép những công ty lớn nhỏ tàn phá môi trường sống của người dân. Nỗi đau này còn in dấu mãi mãi trong lịch sử dân tộc, không thể tha thứ cho những tên quan lại vừa tham vừa dốt như thế được.
Văn Quang (Cuối tháng Giêng 2017)


Nỗi cô đơn của người trí thức

FB Luân Lê

Tôi đi ra đường, ngồi những nơi tôi đến, thường thì tôi nghe được rất nhiều những lời nói phù phiếm, sáo rỗng, phô trương, khoe mẽ và chuyện nhảm nhí đời thường. Tôi không nghe thấy những lý tưởng hay những câu chuyện chia sẻ về đất nước mình hoặc phương cách để thay đổi chúng tốt hơn lên mà có cơ hội tìm kiếm tương lai cho đời mình của những người xung quanh (Luân Lê)
Mình chia sẻ nỗi đau của người Luật sư trẻ qua bài viết này. Trong thực tế, có không ít vị tạm gọi là có học, tuy cũng là hiểu biết đấy, nhưng luôn ngụy biện cho sự tránh né những vấn đề của vận mệnh đất nước bằng những thứ sáo rỗng, mỹ miều. Mình nghĩ, hiểu biết như thế để làm gì, nếu cứ lúc nào cũng chỉ lo cho cái nồi cơm riêng của mình. Và… hêt! Không chút dằn vặt, thức tỉnh XH, cộng đồng chung tay đóng góp những điều tử tế, và có thái độ trước cái xấu cái ác, cái “hắc ám”?

anh-llKhi nghe đến hàng trăm nghìn những sinh viên trẻ Hồng Kông, rồi hàng chục vạn người trẻ Hàn Quốc xuống đường biểu tình phản đối lãnh đạo cao nhất của chính quyền nước họ phải từ chức và chịu điều tra độc lập, phải trao trả quyền lực độc lập về cho nhân dân, tôi thấy đau đớn cho sự im lặng trong thân phận bé mọn của giới trẻ và sinh viên Việt Nam mình.
Hôm nay, sinh viên luật ở Mỹ lại có một hành vi chính trị được coi là quyền đương nhiên đến mức bình thường của một con người mà bất kỳ một công dân Hoa Kỳ nào cũng đều có thể hực hiện – họ chung tay đâm đơn kiện tân Tổng thống Donald Trump ra Toà án bảo hiến để chống lại sắc lệnh vừa mới ban hành của ông ấy khi họ cho rằng nó có dấu hiệu vi phạm vào Hiến pháp nước này. Tôi lại tự đặt câu hỏi, giới trẻ và sinh viên luật của chúng ta đang làm gì và ở đâu khi đất nước cần đến? Chúng đang hưởng thụ và học tập những thứ học thuật cao siêu nào mà không nhìn thấy những thảm trạng trên đất nước mình trong tình cảnh vi phạm pháp luật một cách hiển nhiên và đầy rẫy trước mắt mỗi ngày?
Chúng đang học để làm gì? Để bảo vệ điều đúng đắn và phụng sự quốc gia hay nhất mực im lặng rồi sẽ luồn lách để tìm kiếm cái niêu cơm cho đầy cái bụng và ấm cái tổ của mình sau này?
Tôi hiểu nỗi cô đơn đến tột cùng của những người trí thức chân chính. Bởi lẽ, những tiếng nói của họ có thể lan toả và thuyết phục, đánh thức được những tâm hồn và lương tri xa lạ, không hề quen biết, nhưng thực sự đau đớn là những người thân quen và biết họ trong đời thường lại xem nhẹ, thậm chí chỉ trích hay dè bỉu những tiếng nói lương tâm của những người đang nhìn về và dành nỗi cảm thông cho đồng loại trên tổ quốc mình.
Với người thân quen, họ nhận được sự ngăn trở và xa lánh, với người xa lạ, họ nhận được sự ủng hộ và quý mến, động viên. Những nghịch lý để tạo nên nỗi cô đơn đến cùng cực của người trí thức.
Và còn nữa, đó chính là đặc tính rời rạc của giới trí thức Việt Nam, họ không có tinh thần chung, họ thường soi xét nhau, họ sợ người khác hơn mình, thậm chí sẵn sàng chà đạp nhau để mà thoả cái lòng ích kỷ của bản thân. Còn phần khác thì im lặng trong sợ hãi cốt để yên thân và nghĩ rằng đó là vì thế hệ con cháu để chúng được vô sự như cha mẹ chúng hôm nay.
Tôi đi ra đường, ngồi những nơi tôi đến, thường thì tôi nghe được rất nhiều những lời nói phù phiếm, sáo rỗng, phô trương, khoe mẽ và chuyện nhảm nhí đời thường. Tôi không nghe thấy những lý tưởng hay những câu chuyện chia sẻ về đất nước mình hoặc phương cách để thay đổi chúng tốt hơn lên mà có cơ hội tìm kiếm tương lai cho đời mình của những người xung quanh.
Tuổi trẻ và thế hệ trẻ của chúng ta đang ở đâu và làm gì? Họ học gì và nói gì với nhau trên tổ quốc đầy thương tổn và ngày càng khánh kiệt này?
Họ chỉ lo mưu cầu đời mình mà không tính dựng xây đất nước.
Họ không hiểu giá trị của họ nên thành ra trở nên như những công dân đầu gỗ trên mảnh đất quê hương dung dưỡng chúng.
Ngẩng đầu lên, nhắm mắt lại mà tư duy, mà suy nghĩ và đau đớn với những phận người và mệnh đời. Để hiểu rằng đất nước này là của chính mình, do mình gây dựng và tạo lập nên, mà rồi sẽ trở thành di sản cho con cháu hưởng chung. Đừng cố kiếm tìm và ký sinh trên mảnh đất là tổ quốc của mình rồi âm thầm rời bỏ quê hương trong nỗi hèn mọn đến bạc nhược.
Vì khi ra đi bằng nỗi hèn mạt, thì ở đâu bạn cũng chỉ có sự hèn mạt để sống mà thôi.


https://www.facebook.com


50 điều bất hạnh khi là người Việt Nam

Là người Việt Nam hiện tại là một gánh nặng và một sự bất hạnh không thể tả được. Sau đây là danh sách của những sự bất hạnh đó. Viết bài này tôi rất xấu hổ và đau lòng, nhưng cứ viết thôi:

  1. Đi du lịch phải tốn tiền xin visa, trừ đi những nước Đông Nam Á. Ở Việt Nam có mấy công ty dịch vụ làm visa. Đây là một dịch vụ cực kỳ nhảm nhí vì nó là một gánh nặng cho những chuyến du lịch nước ngoài.
  2. Đi nước ngoài bị nhân viên hải quan/cửa khẩu soi mói vì cái hộ chiếu màu xanh. Đơn giản thôi, dân Việt bỏ trốn nhiều quá nên mất uy tín. Ở Singapore thì làm gái đầy. Dân xứ khác chỉ cần đưa hộ chiếu rồi được cho qua, dân xứ Việt phải đứng trả lời vài câu phỏng vấn.
  3. Bị nhân viên khách sạn ở nước ngoài phân biệt và cư xử thấp kém.
  4. Bị nhân viên nhà hàng buffet và khách sạn nhắc, nhiều lúc ghi bảng tiếng Việt luôn, “xin đừng lấy đồ ăn thừa.”
  5. Đi vô siêu thị phải giữ ba lô ở quầy, hoặc khóa lại, hoặc bị nhân viên bảo vệ soi từ A tới Z vì sợ mình đi ăn cắp.
  6. Cực kỳ khó để đăng ký thành công tài khoản quảng cáo Google Adsense. Phải nhờ người quen ở nước ngoài đứng tên rồi chuyển quyền sở hữu. Còn không thì tốn chục triệu mua một tài khoản xịn khác.
  7. Chạy quảng cáo trên web thì bị gian lận bởi click tặc. Bỏ 100đ thì lỗ hết 100đ. Rất khó để lời vì dân web gian lận quá nhiều. Google có nguyên đội ngũ chỉ để chăm sóc nạn gian lận của Việt Nam.
  8. Ăn tiền quảng cáo trên Youtube và Adsense cực kỳ thấp. $0.01-0.02 mỗi click. Trong khi mấy nước láng giềng thì vài chục cent trở lên.
  9. Chạy quảng cáo Facebook không được vì quá nhiều người quịt tiền. Nên Facebook tẩy chay.
  10. Mua hàng trên Amazon và Ebay không được chuyển trực tiếp về Việt Nam. Nhiều cửa hàng ghi thẳng là không gửi hàng về Việt Nam, người Việt Nam không mua được. Phải tốn tiền trả cho mấy công ty trung gian hoặc xách tay.
  11. Không được đăng ký tài khoản bitcoin ở các mạng nước ngoài.
  12. Thẻ visa/master được các ngân hàng Việt Nam cấp không được chấp nhận.
  13. Trả tỷ giá ngoại tệ cao hơn các nước khác.
  14. Mỗi lần muốn mua ngoại tệ phải đi ra tiệm vàng hoặc chợ đen vì ngân hàng yêu cầu phải có giấy phép để mua ngoại tệ.
  15. Đi xuất và nhập cảnh ở sân bay trong nước thì bị nhân viên hải quan Việt Nam làm tiền.
  16. Chạy xe trên đường lâu lâu phải đóng thuế “vi phạm giao thông” mặc dù nhiều lúc chẳng vi phạm gì.
  17. Trả giá cho xe hơi đắt nhất thế giới, hoặc một trong những nước đắt nhất. Một chiếc ở Việt Nam đủ mua 2-3 chiếc ở nước ngoài.
  18. Mua xăng với giá gấp 2 lần so với thế giới.
  19. Đi mua đồ phải trả giá, không thì bị chém.
  20. Làm tự thiện phải xin phép và có giấy phép mới được hoạt động.
  21. Đi làm giấy tờ thủ tục hành chính phải tốn tiền cà phê và chờ dài cổ. Còn không thì trả tiền cho tụi dịch vụ, tốn nhiêu vài chục phần trăm phí môi giới.
  22. Mua nhà với giá cao gấp 30-50 lần so với thu nhập bình quân. Tỷ lệ bình quân ở xứ khác chỉ 5-20 lần.
  23. Mua đồ điện tử với giá cao hơn những nước khác 20-30%.
  24. Tốc độ internet chậm nhất Đông Nam Á.
  25. Người nước ngoài chỉ biết đến Việt Nam qua 3 thứ: phở, chiến tranh và cộng sản.
  26. Đá banh thì dở như gì mà cổ vũ thì như mấy thằng điên.
  27. Du học thì rất khó để kết bạn với những sinh viên từ các nước phát triển khác.
  28. Đi ra nước ngoài bị chính người dân mình lừa đảo và bóc lột.
  29. Mở doanh nghiệp phải nhiều lúc bôi trơn mới được quyền đóng thuế.
  30. Muốn làm ăn lớn phải nhậu với mấy anh lớn, tốn thời gian và chi phí cà phê.
  31. Ăn lương thấp và trả giá cho hàng hóa cao.
  32. Đường phố chạy xe đầy ổ gà, ổ chuột, ổ voi.
  33. Chạy xe trên xa lộ thì 30-40km phải trả tiền cho trạm thu phí mà đường phố như gì.
  34. Chạy xe phải né người dân vì mọi hoạt động đều xảy ra trên đường phố. Lái xe ở Việt Nam là một môn thể thao mạo hiểm.
  35. Tỷ lệ chết vì tai nạn giao thông cao nhất. Mỗi ngày 30 người chết vì tai nạn giao thông.
  36. Thực phẩm thì không biết cái gì sạch cái gì dơ. Nhắm mắt mà ăn thôi.
  37. Mỗi lần chuyển nhà hay chuyển chỗ trọ phải tốn tiền đăng ký tạm trú, làm hộ khẩu, mặc dù chẳng biết làm cái đó để làm gì.
  38. Đi bệnh viên công phải lót tiền y tá bác sĩ.
  39. Làm đơn xin việc phải đi khám sức khỏe, chuẩn bị cả đống giấy tờ mà chẳng hiểu có nó để làm gì.
  40. Đi du lịch trong nước luôn bị chặt chém. Đi du lịch luôn gặp cái bực.
  41. Nếu là người Thanh Hóa, Nghệ An và Hà Tĩnh thì bì kỳ thị bởi chính người dân của mình. Cái này phải coi lại và hỏi tại sao nhé.
  42. Đi học thì phải đi học thêm hoặc lót tiền thầy cô.
  43. Trả tiền sữa cao nhưng mua bia rượu thì rẻ.
  44. Nếu bạn là con trai đàn ông thì luôn lép vế vì gái Việt rất khoái mấy anh Tây và Việt Kiều.
  45. Bằng cấp trong nước không được quốc tế công nhận.
  46. Học 4 năm đại học nhưng kỹ năng thì thua một đứa lớp 7 ở trời Tây. Chẳng biết học để làm gì.
  47. Ra tiệm thuốc tây mua thuốc hay bị chém giá và mức độ nghiêm trọng của bệnh. Nhiều lúc chẳng có bệnh gì cũng chém luôn là có bệnh để bán thuốc.
  48. Đi đánh cả ở vùng biển nước mình có thể bị “tàu lạ” bắn.
  49. Bất cứ ai nói về chính trị sẽ bị cáo buộc là phản động, mặc dù chẳng biết nghĩa nó là gì.
  50. Và cuối cùng, phải chịu đựng lòng yêu nước mù quáng của đại đa số người dân. Yêu nước là điều tốt, mà yêu mù quáng người ta gọi là hâm.

Thôi viết nhiêu đó thôi, tiếp tục chắc phải tới 1000 điều. Sinh ra làm người Việt Nam trong thời buổi này là một gánh nặng và một sự bất hạnh. Nói thì nói vậy thôi, chứ nếu ai hỏi tôi “mày có tự hào vì mày là người Việt Nam không?” thì tôi sẽ trả lời “dĩ nhiên là tự hào rồi.” Nhưng tôi rất đau lòng vì những bất hạnh mà tôi và những người Việt Nam khác phải gánh chịu.
Đọc tới đây có thể bạn sẽ nói “thế mày đã làm gì cho đất nước chưa?” Nếu có thì tôi chẳng có gì để nói cả. Sinh ra làm người Việt Nam là một sự bất hạnh. Có sao nói vậy thôi.

Ku Búa @ Café Ku Búa

***
Tuy nhiên cụ Tổng Lú khi đi thăm thôn Tiên Du, Bắc Ninh lại phán rằng: "Mặc dù bây giờ ra đường lắm chuyện khó chịu, nghe báo chí nói rất nhiều chuyện tiêu cực hàng ngày, rất là bực mình. Tệ nạn tham nhũng, cán bộ hư hỏng có cả nhưng nhìn tổng quát lại đất nước ta có bao giờ được thế này không? ...".
Hì hì hì... Cái thằng Ku Búa láo lếu thật!

http://cafekubua.com

 

Đăng ngày 13 tháng 02.2017