Có tuổi chớ không phải già
Nguyễn thị Cỏ May
Trên mục hằng tuần của Việt Luận tuần này, Cỏ May có ý chọn một đề tài rất thời sự nhưng hoàn toàn không liên hệ tới kinh tế chánh trị tuy tinh hình nước Pháp, Âu châu và cả Huê kỳ đang khá nóng bỏng do áp lực khủng bố hồi giáo. Pháp và Huê kỳ đang trong thời kỳ tranh cử Tổng thống. Ở đâu và lúc nào cũng vậy, việc tranh nhau làm Tổng thống, đối với những chánh khách, vẫn quan trọng hơn sự an nguy của đất nước vì có lợi tực tiếp và cụ thể cho bản thân và phe cánh. Còn sự an nguy đất nước là cho đất nước, cho nhơn dân. Trừu tượng vì chỉ là ý niệm.
Thật ra, phải nói đề tài này, trái lại, mang tính thời sự xã hội rất cao vi nó quan hệ tới nhiều người mà số người có tuổi trong tương lai sẽ vượt qua tuổi trẻ tại nhiều nước kỷ nghệ phát triển ở Âu châu.
Nhưng lý do chọn "Có tuổi chớ không phải già", riêng với Cỏ May, là để nhớ lại một người bạn vong niên mà bạn bè ai cũng thương, cũng quí. Cả bạn trong lực lượng võ trang Phật Gìáo Hòa Hảo thời kháng chiến chống Pháp, bạn trong Quân đội VNCH ở Tiểu Khu Kiên Giang và Sa Đéc cho tới ngày 30/04/75, cùng rút vào Thât Sơn, không chịu buông súng theo lệnh của Tổng thống Dương văn Minh, trước khi tan hàng, mạnh ai nấy trốn. Không ai khi nhắc tới ông mà không bày tỏ cảm tình. Đó là "Con người chơi điệu. Đúng là Anh Hai"!
Mỗi khi nghe ai nói "Già" là ông phản đối. Ông bảo đừng nói "Già". Phải nói mình là"thanh niên có tuổi. Già xấu lăm".
Lời của ông chỉ nói chơi vui trong bạn bè lúc đó nhưng không ngờ lại có giá trị là một quan niệm y học ngày nay.
Thưa đúng vậy. Bác sĩ Soly Bensabat chuyên vể "y khoa phòng bịnh và chống già" vừa cho ra mắt quyển sách "Bạn hãy làm người thầy thuốc đầu tiên của chính mình" (Michel Lafon, Paris). Trong sách, ông không đồng ý để cho người có tuổi bị "già" tấn công vì chuyện này ai cũng làm được để tránh cho mình.
Già nhưng phải mạnh khỏe
Ngày nay, người già ở những nước phát triển ngày càng đông. Ra đường, người ta không gặp ngay anh hùng như ở Việt nam, mà gặp người già. Người xưa nói "Thât thập cổ lai hi" nay không còn giá trị nữa. Tuổi lên "lão" phải từ 90. Và thượng thọ phải từ 100 tuổi. Nhưng chắc chắn nấc thang tuổi thọ sẽ thay đổi trong mươi năm nữa.
Cách đây vài tuần, ở Pháp, Bà Elisabeth Collot, vừa mất ở tuổi 113 trong tình trạng sức khỏe tốt như một phụ nữ đương xuân!
Theo quan niệm của nhà Thiền học Cương Điền ở Nhựt bổn thì bà cụ Elisabeth Collot không phải "chết", mà bà đã "sống trọn đời sống" của bà. Chết là lìa đời trước khi thời hạn sống chưa kết thúc. Như trái cây rụng khi chưa già, chưa chín.
Nhưng con người ta sống ngày càng lâu, càng cao tuổi, mà trong tình trạng sức khỏe nào?
Vốn là một chuyên viên nổi tiếng về "stress", Bác sĩ Soly Bensabat gởi cho mọi người lời khuyên vô cùng quí báu "Các bạn hãy thêm cho tuổi thọ của mình những năm tháng cuối đời đầy đủ sức khỏe".
Để thực hiện lời khuyên này, chúng ta không cần vội tới thấy thuốc. Chỉ cần giữ vệ sinh trong đời sống, một chế độ ăn uống thích hợp và để ý sớm những dấu hiệu già xuất hiện là đủ cho mình có được sự thoải mái suốt những năm cuối đời.
Trong sách, ông không có đưa ra những khám phá gì to lớn và mới mẻ hết cả mà chỉ có những lời khuyên giản dị và hiệu quả mà ai cũng làm được. Như chế độ ăn uống, hoạt động cơ thể và sự thư giản. Ông vẫn nhấn mạnh "Không có ai giữ gìn sức khỏe cho bạn tốt hơn chính bạn"!
Mà người giữ gìn sức khỏe tốt cho chúng ta, trước tiên, không ai khác hơn là "ăn uống", tức thực phẩm chúng ta chọn. Vì "con người của mỗi chúng ta được tạo nên bằng chính những thứ chúng ta ăn vào. Vậy chúng ta nên chọn những "vật liệu" tốt để củng cố cái "suờn nhà" của chúng ta cho được bền vững. Ai cũng biết chỉ một hột cát nhỏ kẹt vào bộ máy cũng đủ gây ra tai họa".
Bác sĩ Bensabat cảnh báo trước nhứt sự độc hại của thực phẩm chúng ta quen chọn cho việc ăn uống hằng ngày như đường. Theo ông, đường nào (glucose, fructose, saccharose, galactose, lactose) cũng độc hại cả, cũng tạo ra các "gốc tự do" là yếu tố chánh của già nua, sản xuất quá nhiều insuline, sanh ra bụng phệ, bịnh tiểu đường. Không nên ăn đường quá 10% của số calories cần thiết trong ngày. Còn đường hóa học, dùng thay thế đường thiệt dành cho người cử đường, ông khuyên nên dứt khoát tránh vì dùng nhiều, nó sẽ trở thành mầm ung thư và bịnh não.
Ông kết luận một cách dí dỏm "Thứ đường tốt hơn hết là... thứ không có đường". Như "nui" (pâtes), bột, bánh mì đen (bánh mì bằng gạo lứt). Ở các nước Đức, Áo, Hòa-lan rất phổ biến. Tây đang bắt đầu bắt chước nhưng chưa từ bỏ ba-guết được.
Thanh toán "stress"
Bác sĩ Bensabat khuyên nên ăn những chất béo từ thảo mộc, như trái olive, trái bơ (avocat), cá, hột óc chó,... , tránh những thứ từ động vật. Ông quan tâm tới sự ích lợi của oméga 3 giúp bảo vệ tim và não. Oméga 3 có nhiều trong cá biển như cá hồi (không phải thứ cá nuôi), cá thu, cá mòi (sardine), cá ngừ (maquereau), và các thứ hột như hột chia, hột gay (chanvre), hột lin, hột colza,...
Nếu thực hiện được lời khuyên này thì "stress" lập tức sẽ tránh được thì vấn đề tim mạch, già nua, sức đề kháng, tình trạng kiệt sức sẽ không còn là điều đáng lo ngại nữa.
Nhưng Bác sĩ Bensabat cũng không quên nhắc phải bìết tìm nguyên nhơn của "stress" thì mới dẹp nó dễ và hiệu quả. Ngoài kiêng cử và chọn những thực phẩm tốt, chúng ta cũng cần phải biết cười. Cười nhiều và thật sự thoải mái. Không phải cười ngoại giao hay cười gượng. Và nhứt là phải làm tình!
Nhưng làm tình, cũng phải cẩn thận vì nó đem lại sức khỏe, sự trẻ trung, nhưng nó cũng gây ra vấn đề.
"Stress" là nguồn gốc của bịnh tật tim mạch ngặt nghèo. Dẹp bỏ "stress" để có sức khỏe tốt bằng cách làm tình. Mà người 60 tuổi trở lên làm tình như ý muốn có thể bị tai nạn về tim mạch.
Vậy chọn sống thọ thì làm tình cách nào đây?
Theo kết quả nghìên cứu của Bs Hui Liu ở Trường Đại Học Michigan dựa trên 2204 người thuộc hai giới, từ trên 57 tuổi, thì thấy những người đàn ông làm tình ít nhứt 1 lần/tuấn sẽ bị tai nạn tim mạch gấp đôi trong vòng 5 năm tới. Trái lại, các bà nhờ làm tình, sự hưng phấn sẽ giúp làm giảm áp huyết, tim mạch mạnh lên.
Vậy các ông cũng nên vì đại nghĩa mà hi sanh thân mình!
Tự kiểm tra mình
Bác sĩ Soly Bensabat quan tâm khuyên mọi người hãy bình tĩnh theo dõi sát tình trạng sức khỏe của mình để kịp khám phá dấu hiệu già nua đầu tiên xuất hiện. Nhưng tránh mang nổi ám ảnh bịnh tật. Thường khi khám bịnh, bác sĩ báo "có bịnh" thì hoảng lên. Lúc đó thì mọi thầy, mọi thuốc đều tốt cả. Tốn kém, không quan tâm. Mà những dấu hiệu "già nua"l à gì ? Là mất sự hăng hái dễ thấy, mất sự dịu dàng, uyển chuyển, mất sự phấn khởi, trí nhớ sút kém, tai mắt kém sớm.
Bs Soly Bensabat cho ngay toa thuôc chữa :"hãy hoạt động mạnh hơn, nhiều hơn!". Để giảm rủi ro bịnh ung thư, suy nhược thể chất và não bộ, tim mạch, xốp xương, tiểu đường, gảy xương háng ở các bà, stress, thì chịu khó tập 50 phút thể dục hoặc 30 phút đi bộ đi mau, ít nhứt 4 lần/tuần.
Ăn uống lành mạnh để thể chất và tinh thần được sảng khoái : ăn nhiều rau cải, trái cây, ít thịt và thịt trắng hơn là thịt đỏ, cá biển, nghệ, quế, rượu chát đỏ nhưng đứng quá 2 ly/ngày (ly bao lớn?), trà xanh.
Bác sĩ Soly Bensabat cũng nhắc thêm "tránh hút thuốc, tự dùng thuốc, lạm dụng những thứ thuốc cảm sốt và đau nhức (paracétamol), các thứ chống sưng. Mùa hè, cũng không nên phơi nắng quá nhiều..."
Nhưng có người tự hỏi cứ làm theo đúng lời dạy của Bác sĩ Soly Bensabat, không biết có chắc sẽ trở thành trưởng lão kế vị lảo bà Elisabeth Collot hay không ?
Nhưng sống theo lời khuyên của ông thì chắc chắn có nhiều người làm được. It ra cũng sớm tránh được cho mình nhiều thứ bịnh tật hiểm nghèo do tập quán sanh hoạt gây ra !
Nguyễn thị Cỏ May
Đăng ngày 22 tháng 09.2016