banner

Sau 15 năm hoạt động (2008-2023), website Ái hữu Đại học Sư Phạm Sài gòn ngưng việc đăng thêm bài vở và tin tức.

Độc giả muốn lưu giữ bài viết và hình ảnh để làm tư liệu, xin vui lòng truy cập vào các tiết mục đã đăng trên trang web để download.

Xin chân thành cảm tạ sự hợp tác của tất cả các tác giả và độc giả đã dành cho trang web.

20.07.2023
Admin Website Ái hữu Đại học Sư phạm Sàigòn

Những ngày xưa thân ái

Nguyễn thị Cỏ May

Trên chiến trường Quảng Trị năm 72, giữa cái chết và cái sống gần như không còn biên giới, một bộ đội cộng sản Bắt Việt, về đêm, tay ghì súng, nằm lén nghe qua làn sóng của đài Sài gòn bài hát «Những ngày xưa thân ái»:

Những ngày xưa thân ái anh gởi lại cho ai
Gió mùa xuân êm đưa rung hàng cây lưa thưa
Anh cùng tôi bước nhỏ áo quần nhăn giấc ngủ
Đi tìm chim sáo nở ôi bây giờ anh còn nhớ?

...Dừng chân quán năm xưa
Uống nước dừa hay nước mắt quê hương...

(Phạm Thế Mỹ)

Và anh đã thuộc nằm lòng cho đến những năm cuối thập niên 80, lao động ở Đông Đức, chạy qua Tây Đức tỵ nạn sau khi bức tường Bá-linh sụp đổ, anh còn thinh thoảng vẫn hát một mình hoặc lên hát giúp vui những buổi văn nghệ địa phương của Cộng đồng người Việt nam tổ chức.
Bảo lãnh được vợ con qua, ngày nay, anh và gia đình sanh sống an nhàn, hạnh phúc tại thành phố Hannover. Những người quen giờ đây ít khi được nghe anh hát lại bài hát ấy nữa!

Hannover, những ngày xưa thân ái
Phải đi thăm bạn ở xa khi có thể đi được. Thế là lấy quyết định đi Hannover thăm bạn và Trung Tâm Việt nam Nhân Quyền. Sau đó, qua thăm bạn ở Bá-linh. Tiện đường sẽ qua Prague, Cộng Hòa Tiệp. Hoặc không đi Tiệp mà đi về phía Tây, ghé qua Hòa-lan, thăm nhiều bạn cũng từ khá lâu không có dịp gặp nhau.
Phác thảo chương trình thật vĩ đại nhưng thực tế có chìu lòng người lúc này hay không ? Bạn bè đã hẹn rồi.
Thôi khi đúng ngày lành, thì cứ lên đường rồi tính sau!
Rời Paris, chúng tôi chọn đi quốc lộ, tránh xa lộ Pháp để khỏi nạp tiền mãi lộ. Qua Belgique, ngang qua Luxembourg, tới Đức, nhắm hướng Tây-Bắc đi thẳng. Xa lộ ở ba nước này miễn phí. Theo dự báo trên máy định vị GPS, chúng tôi sẽ tới Hannover vào 5 giờ 30 chiều. Nhưng xa lộ bị kẹt xe bất ngờ, chúng tôi tới hơn 9 giờ tối. Anh Lâm Đăng Châu đã có mặt ở nhà anh chị Sông Lô đợi chúng tôi để cùng ăn cơm chiều. Chị Sông Lô làm sẳn nồi phở đãi khách đi đường xa. Thật đúng điệu Hà nội ở Hannover. Ai cũng hài lòng mỗi người một tô xe lửa. Riêng Cụ Phan nhà ta phải hai tô mà vẫn ngầm ý muốn thêm môt tô nhỏ nữa.
Về nhà trọ được Trung Tâm Việt nam Nhân Quyền dành sẳn tiếp bạn. Phòng ốc khang trang và tiện nghi. Anh em nhắc lại bửa phở Hà nội của chị Sông Lô, ai cũng bảo là ngon tuyệt. Ngon hơn phở ở Paris cả chục lần. Phở nhà phải khác phở chợ chớ! Phải kiếm cớ trở lại ít nhứt cũng một lần nữa cho đả.
Trưa hôm sau, anh Lâm Đăng Châu hướng dẫn chúng tôi tới thăm anh Nguyễn văn Mài và vuờn rau của anh ấy. Anh Mài là người yêu bản nhạc “ Những ngày xưa thân ái ” từ lúc còn đi bộ đội Bắc Việt. Trong một buổi văn nghệ ở Đức, anh hát. Anh Sông Lô, ngạc nhiên vì biêt anh mới từ bên Đông qua, được anh kể lại chuyện bộ đội của anh và trận Quảng Trị năm 72. Anh Sông Lô, Thiếu úy Nhảy dù của Quận đội VNCH, cũng có mặt tham chiến sanh tử trận ấy. Thế là hai người, kẻ bên này, người bên kia, giờ đây cùng cất tiếng hát “Những ngày xưa thân ái ”, kết nghĩa bạn bè, Nam-Bắc một nhà trong lòng người.
Anh Mài cùng theo anh Sông Lô, anh Lâm Đăng Châu sanh hoạt tích cực trong Trung tâm Việt nam Nhân Quyền. Cả ba anh về Việt nam đều bị nhà cầm quyền Hà nội đuổi trở lại nhiều lần chỉ vì ở Hannover mà các anh dám tranh đấu đòi nhơn quyền cho xứ sở của mình.
Anh Lâm Đăng Châu qua Đức du học năm 68, hiện vẫn là Chủ tịch Trung tâm Việt nam Nhân Quyền Hannover từ hai mươi năm nay. Anh liên tiếp ba lần được Chánh quyền Đức tưởng thưởng huy chương về những hoạt động văn hóa và xã hội Cộng đồng.

Trung Tâm Việt nam Nhân Quyền tọa lạc trong một tòa nhà lớn, cùng chung với nhiều Trung tâm, tổ chức của nhiều sắc dân khác cùng làm việc về văn hóa xã hội cho kiều dân của mình.
Vườn rau của anh Mài rộng 350 m2, với cái nhà cất bằng vật liệu nhẹ chiếm mất 50 m2, phần đất còn lại, anh trồng nhiều thứ hoa màu thuần túy Việt nam. Chợ có thứ gì, anh có đủ những thứ đó.
Bửa trưa hôm đó, chị Mài đải khách sà-lách rau vườn nhà và súc-xích Đông Đức nổi tiếng nướng lửa than. Bạn ở xa tới, lần đầu tiên được ăn món gốc xã hội chủ nghĩa, ai cũng thấy ngon vô cùng. Có lẽ vì sản phẩm làm phục vụ thị trường tư bản! Và người bạn của chúng tôi phải ăn bốn cái, hơn 1 kg, để hoan nghênh sản phẩm xhcn đổi mới. Mà ăn súc-xích Đức thì phải uống la-de Đức nữa thì mới đúng điệu gốc dân chơi chánh hiệu Cầu Ba cẳng, Chợ lớn cũ.
Tối kéo về nhà anh Sông Lô ăn cơm tối. Có thêm ông bà Hải nên thật vui. Cụ Hải gốc Thiếu tá Quân đội VNCH, lớn tuổi, quên nhiều nhưng thơ tình của Cụ làm (Thi bút Hoài Thu) thì Cụ đọc không thiếu một chữ. Thơ thật ướt át, dầm dề? Dễ cảm lòng người:
“… Em ạ! Đêm qua không ngủ được
Chỉ vì mơ mãi dáng em thôi
Anh gom tất cả bao thi tứ
Để tặng riêng em một chút lời.”
(Hoài Thu, Kiên nhẫn nghe em)
Sáng hôm sau, cùng ăn sáng với nhau để tạm từ giả. Nhà thơ Hoài Thu đề tặng chúng tôi mỗi người một thi tập do Trung Tâm Việt nam Nhân Quyền xuất bản 1990.
Lên xe ra xa lộ thẳng Bá-linh. Mùi phở Hà nội, mùi thơm súc-xích Đông Đức, mùi rau muống xào tỏi như vẫn còn bám sát theo người phải đi khỏi Hannover cho kịp 15 giờ.

Bá-linh thống nhứt
Đêm 12 rạng sáng 13 tháng 8 năm 1961, bức tường ô nhục dựng lên chia đôi Bá-linh thành Đông-Tây bị hơn 300.000 dân Đức kịch liệt phản đối. Máu đã đổ trên bức tường này khi gần 5000 người đã tìm cách vượt qua biên giới, trên 200 người đã ngã xuống trả giá cho tự do.
Nhưng 28 năm sau, bức tường ô nhục ấy đã bị người dân Đức chỉ dùng búa, vì không cần liềm, đập vỡ ra từng mảnh vụn tronghoi ngo niềm hân hoan dân tộc, dẫn theo cả khối cộng sản Đông âu và Liên-xô sụp đổ trọn vẹn.

Bức tường dài 155 km, thành trì cộng sản quốc tế, nay chỉ còn là một vành đai xanh cho người đi xe đạp, vết tích một giai đoạn đen tối của lịch sử Đức.
"Đêm hôm đó, cảnh sát Đông Đức tự động bỏ súng xuống để cho người dân tự do đi qua cửa biên giới. Riêng ở Berlin, từ 21 giờ đến 2 giờ sáng, đã có khoảng 20.000 người vượt bức tường Bá-linh để đi qua Tây Bá-Linh.
Những người Đông Đức tràn vào các siêu thị. Một tình trạng hỗn loạn nhưng hỗn loạn trong sự vui mừng. Người Tây Bá-Linh đón tiếp người Đông Bá-linh trong tình nghĩa đồng bào. Không khí ngày hôm đó đúng là một ngày hội lớn ».
Ông bà Thiên-Mỹ Lâm ở cách bức tường non 1 km nên đã chứng kiến khá đầy đủ ngày hôm ấy.
Như đã hẹn, chiều thứ bảy, 6/8, chúng tôi tới Bá-linh đúng giờ. Chị Hiền từ Francfort đã có mặt ngày hôm trước để chờ đón bạn tại nhà anh chị Thiên-Mỹ Lâm.
Từ khá lâu, bạn bè không có dịp gặp nhau, nay gặp lại, nói cười vui như hội Tết. Cơm chiều, chủ nhà đải khách những món thuần túy Nam kỳ Lục tỉnh : canh chua, cá kho,… Bạn hôm ấy đủ ba Miền đất nước nhưng chị Mỹ Lâm lại ưu ái làm món Nam kỳ. Nhưng người đất Thăng Long hay Hồng Lĩnh, đất Thần kinh hay xứ Quảng đều hài lòng về nghề làm bếp tuyệt vời của chủ nhà đã thể hiện đủ nét độc đáo nền văn minh miệt vườn.
Buổi tối kéo dài tói 2-3 giờ sáng mà mọi người vẫn chưa cạn nguồn cảm hứng. Cụ Phan vẫn là người ăn nói lưu loát, có tài hoạt náo mọi buổi họp bạn. Gặp giới nào, thành phần nào, lớp tuổi nào, cụ cũng hội nhập trọn vẹn được. Cụ kể chuyện tướng HXL ở Vùng II thuyết trình trước phái đoàn quân sự Huê kỳ bằng tiếng Mỹ đặc sệt giọng Huế làm mọi người chỉ có ôm bụng mà cười. Chị Hiền cười nhiều hơn hết và nhờ đó về tới Francfort, chị trẻ lại như đã uống mấy trăm thang thuốc bổ.
hoi biaHôm sau, anh Thiên đưa chúng tôi đi nhìn lại một đoạn chừng 1km bức tường ô nhục còn được giữ làm kỷ niệm. Gần đó là khu lễ hội bia quốc tế Berlin tổ chức từ 5-7 tháng 8, với vài trăm gian hàng và 1200 thứ bia Đức, Tiệp, Ba-lan, Anh, Pháp,… Hội bia bắt đầu từ Công trường Strausberger nơi có 2 di tích đáng nhớ : bức tượng Lénine đứng trước vòi nước bổng bị chặt mất đầu vào biến cố cộng sản tan rả. Không ai để ý cái đầu Lénine vứt ở đâu ? Mãi gần đây, người ta mới phát giác cái đầu ấy chôn trong rừng gần đó, nay được moi lên đem cất vào viện bảo tàng. Kỷ vậy cộng sản. Kế đến, Karl Marx Allée là con đường dài 2km 500, rộng 90m, nơi đi dạo sang trọng của Đông Bá-linh xhcn và cũng là nơi diễn binh ngày lễ lớn. Năm 1949, mang tên Staline Allée, qua năm 1961, lấy tên Karl Marx Allée (Allée nhưng đó là Avenue = Đại lộ). Ngày nay, vẫn giữ để nhắc nhở ngày 17/6/1953, dân Đức nổi dậy biểu tình tại đây chống chế độ cộng sản bị xe tăng Liên-xô nghiền nát. Nhà cửa hai bên được lệnh xây cất phải khác hơn kiến trúc tư bản. Dân Đức gọi đó là kiểu «kiến trúc tìệm bánh ngọt».

Người mình mà sao
Sáng thứ hai, cậu B tới đưa chúng tôi đi dạo chợ Đồng Xuân. Nay có tới Đồng Xuân VI. B là một thanh niên từng đứng bán thuốc lá ở lề đưởng Đông Bá-linh, bị cảnh sát Đức bắt nhiều lần, gởi trả về Việt nam. Anh vẫn tìm cách trở qua, đều bằng đường bộ, bị bọn dẫn đường hành hạ đủ điều, bắt lội sông giữa mùa đông tưởng đâu đã chết. Tới lần thứ ba, B mới ở lại được nhờ làm hôn thú với một cô gái Việt nam thường trú hợp lệ. Nay anh trở thành triệu phú. Từ tay trắng làm nên sự nghiệp. Bằng khối óc và mồ hôi. Không dựa vào quyền lực - mà anh cũng không có khả năng dựa vào quyền lực - chỉ dựa vào kinh tế thị trường tự do, luật pháp dân chủ của Cộng Hòa Đức. Cả vợ của B cũng vô cùng niềm nở với chúng tôi tuy không thường gặp nhau. Chúng tôi đến thăm nhà ở và cơ sở làm ăn của B.
Trong bửa ăn tối, chúng tôi có dịp quen biết vài người bạn ăn nên làm ra của B ở Berlin. Số thanh niên Việt nam qua Đức làm ăn lúc sau này giàu có không ít. Theo chúng tôi được biết thì số triệu phú ở đây đông hơn hết, rồi mới tới Tiệp, Bungary,… Và cả bạn vong niên của B ở Sài gòn qua du lịch chữa bịnh.
Những người bạn Sài gòn của anh đều khá lịch sự, vui vẻ nhưng qua câu chuyện trao đổi, về cách làm ăn của họ ở Sài gòn, tôi vẫn cố giữ phản ứng tâm lý của mình và lập đi lập lại với tôi «đây là bà con người Vìệt nam của mình». Bởi làm sao nghe lọt tai được một cách người ấy làm giàu là trong nhà ở Q.VI Tp/HồChíMinh lúc nào cũng nuôi ít nhứt 90 cô gái nhà quê, được huấn luyện theo yêu cầu, để cung cấp cho mọi dịch vụ? Việc làm ăn này đáng bị truy tố trước Tòa Án Quốc tế Nhơn quyền. Còn bao nhiêu chuyện kiếm tiền bất lương khác nữa?
Người đi chữa bịnh, khi có kết quả khám nghiệm như chụp hình, thử máu,… vẫn nài nỉ khám lại ở một nhà thương khác cho chắc. Không tin kết quả lắm vì thấy kết quả xấu quá. Phải chăng tâm lý này do ảnh hưởng ở bộ máy y tế của Vìệt nam? Xưa nay, một quốc gia phát triển được đều nhờ hai yếu tố căn bản: y tế và giáo dục. Thế mà hai nơi này ở Việt nam lại là hai ổ tham nhũng vĩ đại và tồi tệ nhứt bởi nạn nhơn trực tiếp là nhơn dân nghèo. Đảng viên cộng sản cho con em học trường tư, đi ra ngoại quốc chữa bịnh. Không bao giờ xử dụng hai sản phẩm xhcn này tại chổ.
Ông Sarkozy, cựu Tổng thống Pháp, thường nói về bản sắc dân tộc. Để biết mình là ai ? Ông có cha ngườì Hungary, mẹ Hi-lạp, sanh trưởng tại Paris. Ông vẫn xác nhận ông là «người Pháp». Mỗi khi đi qua Phi châu, Á châu, ông nhận thấy rõ thêm ông là người Pháp hơn là Đông âu hay Địa-Trung hải. Và dân Pháp đã nhìn nhận ông hoàn toàn là người Pháp nên đã bầu ông thay mặt quốc dân Pháp.
Còn tôi, tuy không phải lai-căng, tại sao tôi vẫn phải xác nhận với chính mình những người bạn Việt nam từ Sài gòn qua, ngồi chung bàn ăn ở đây, là «bà con người Việt nam của mình» ?
Nhưng thật sự họ có phải là người Việt nam không?

Nguyễn thị Cỏ May

 

Đăng ngày 28 tháng 08.2016