banner

Sau 15 năm hoạt động (2008-2023), website Ái hữu Đại học Sư Phạm Sài gòn ngưng việc đăng thêm bài vở và tin tức.

Độc giả muốn lưu giữ bài viết và hình ảnh để làm tư liệu, xin vui lòng truy cập vào các tiết mục đã đăng trên trang web để download.

Xin chân thành cảm tạ sự hợp tác của tất cả các tác giả và độc giả đã dành cho trang web.

20.07.2023
Admin Website Ái hữu Đại học Sư phạm Sàigòn

Chứng bịnh xã hội thâm căn của Pháp


Nguyễn thị Cỏ May

Nước Pháp từ đầu tháng 3 cho tới nay (14-06-2016), nhiều nghìệp đoàn xuống đường biểu tình và đình công liên tục, gây tổn thất xã hội, tính ra lên tới 20 triệu euros ngày, trong lúc nước Pháp sống qua ngày nhờ nợ.
Vừa thấy yên thì liền đó, nghìệp đoàn lại kêu gọi tiếp tục xuống đường nữa, chống Dự luật Lao động của bà Bộ trưởng Lao động El Khomri. Tuần này, biểu tình và đình cộng có thêm công nhơn Métro, Xe lửa, xe đò, xe vận tải tham gia vì những nghiệp đoàn này cũng muốn đưa ra đòi hỏi cho quyền lợi của mình. Riêng Air France và KLM, phi công cũng hưởng ứng đình công tuy quyền lợi của họ không bị ảnh hưởng. Ở đây đình công vì thấy Air France-KLM vừa có lời, mặc dầu mức lời chưa chắc đủ bù tổn thất do mấy vụ đình công phá phách trước đây gây ra.

Mỗi lần biểu tình là có đập phá, đốt xe, gây thương tích cho cả hai bên, người biểu tình và cảnh sát. Cường độ biểu tình gia tăng vì Dự luật, sau khi được chánh phủ tu chính rất nhiều, gần như thay đổi gần hết, được thông qua bằng luật 49.3 mà không đưa qua Quốc Hội biểu quyết. Một hình thức vi phạm dân chủ bằng luật của chế độ dân chủ pháp trị.

Nghiệp đoàn chống ? Chỉ đơn cử một chi tiết. Về khoảng giờ phụ trội. Theo luật cũ thì giờ phụ trội sẽ được trả - theo qui định - từ 10%, 25% tới 50%. Nay, Dự luật El Khomri cho phép chủ nhơn, tùy điều kiện làm ăn của xí nghiệp, có thể thương lượng với công nhơn, thù lao giờ phụ trội có thể thấp hơn qui định theo sự thỏa thuận của hai bên nhưng không được dưới 10% bắt buộc. Nghiệp đoàn cho rằng điều này sẽ giúp chủ nhơn bóc lột sức lao động công nhơn.
Những cuộc biểu tình và đình công kéo dài tới hôm nay, đúng là phản đối Dự luật Lao động, nhưng không tránh khỏi nhằm làm ồn ào cho mọi người biết những yêu sách của họ đưa ra từ lâu mà chánh phủ không quan tâm giải quyết. Nhưng tác hại của suốt 3 tháng biểu tình và đình công lên sự sản xuất xã hội pháp là cực kỳ thảm hại. Thất nghiệp chỉ có tăng. Nghiệp đoàn tranh đấu chỉ nhằm bảo vệ việc làm cho người có việc làm chớ không nhằm giải quyết nạn thật nghiệp là ưu tiên. Vì mục đích thật là chánh trị. Nghiệp đoàn vẫn là công cụ và áp lực chánh trị đảng phái.
Nay nghiệp đoàn hỏa xa tham gia biểu tình vì muốn làm áp lực lên cuộc thương thuyết dự án tư nhơn hóa hoả xa vào năm 2026 , điều này chắc chắn miếng beefteak của họ sẽ nhỏ lại. Hiện nay, công nhơn hỏa xa vẫn hưởng luật của thời xe lửa chạy bằng than củi. Họ nghỉ hưu năm 50 tuổi. Lương hưu được tính trên căn bản của 6 tháng lương cuối. Ngoài ra, còn nhiều quyền lợi khác nữa như đi xe "chùa" cho cả gia đình, cả lúc hưu trí. Mặc dầu ngày nay, lái xe lửa bằng computer, tài xế có thể nhắm măt, nghe nhạc và ngủ trên ghế được.
Nghiệp đoàn hỏa xa đang kêu gọi sẽ đình công hằng tuần ngày thứ tư và thứ năm kể từ tuần này. Một bộ phận Hỏa xa phía Nam Paris (Sud Rail) thông báo sẽ ngưng làm việc từ tuần này cho tới 11/07.
Và họ kêu gọi công nhơn bìểu tình và đình công tránh bạo động, đập phá như trước đây nhưng biểu tình hôm 14-06-2016, số người tham dự lên tới gần cả triệu, đã đập phá nát tan khu thương mãi Montparnasse (Parìs XIV/XV), cả nhà thương Nhi đồng Necker, khu République (Paris X) và các thành phố lớn như Rennes, Lyon, Toulouse…
Trong lúc nước Pháp bị nghiệp đoàn biểu tình, đình công, làm tê liệt sản xuất xã hội, trời mưa kéo dài từ mấy tháng nay, làm ngập lụt nhiều nơi, ảnh hưởng nghiêm trọng tới đời sống dân chúng, bộ sậu chánh quyền lại quan tâm tới việc vận động bầu cử vào đầu năm tới hơn là giải quyết tình trạng xã hội hiện tại là ưu tiên. Tiếp xúc cử tri ở Bordeaux, TT. Hollande đã phải động viên một lực lượng an ninh hùng hậu bảo vệ nhưng vẫn không tránh được một sự viếng thăm dân gượng gạo.
Ông Tổng trưởng Kinh tế thì bị ăn trứng của dân chúng phản đối.
Lại thêm khủng bố Hồi giáo vừa giết chết cả gia đình một sĩ quan an ninh Pháp ở ngoại ô Paris. Trước những thảm cảnh dồn dập đổ ập xuống nước Pháp từ mấy năm nay, vừa thiên tai, vừa nhơn sự, dân chúng có người nhắc tới ngày đăng quang, ngay buổi chiều, ông Tổng thống xã hội (chủ nghĩa) François Hollande, đi qua Berlin họp với bà Thủ tướng Merkel, phi cơ vừa cất cánh thì bị sét đánh phải hạ cánh khẩn cấp vì mất hết điện, đổi phi cơ khác. T.T. Hollande tới trể. Một điềm không lành cho ông Tổng thống mới đắc cử ngày nhậm chức!
Mới biết sức hấp dẩn của chiếc ghế quyền lực là khủng khiếp! Đặc biệt đối với những người xã hội chủ nghĩa thường nhơn danh "cấp tiến ". Vì nhơn dân lao động!

Chứng bịnh thâm căn của Pháp
martinezNghiệp đoàn tập hợp sức mạnh công nhơn để cân bằng quyền lực chủ nhơn nhằm bảo vệ quyền lợi chánh đáng của công nhơn trong sự hài hòa với sự phát triển xí nghiệp. Nghiệp đoàn Anh, Đức, Nhựt, Mỹ,… thể hiện rất rõ nhiệm vụ của tổ chức công nhơn. Trái lại nghiệp đoàn Pháp, riêng CGT (Confédération Générale du Travail - Tổng Liên Đoàn Lao động) ra đời từ đầu thế kỷ XX, tự khoác lên mình nhiệm vụ cách mạng. CGT trong mấy ngày qua, vận dụng mọi cách để bắt nước Pháp làm con tin. Dân chúng đều chán ngán trước những vụ biểu tình, đình công, đập phá, đốt xe cộ,… kéo dài như vô tận làm cho người ta thấy Pháp quả là một quốc gia không thể cải tổ chánh trị hay xã hội để tiến bộ. Dù Tả hay Hữu gì lên cầm quyền cũng bất lực. Nghiệp đoàn Pháp là thứ “ông vua du đảng”!
Nay là lần đầu tiên, nhà báo đặt vấn đề hãy tìm cội nguồn của nghiệp đoàn Pháp để hiểu tại sao nghiệp đoàn Pháp luôn luôn chống chủ nhơn chết bỏ. Để biết tại sao xã hội Pháp, kinh tế Pháp bị khủng hoảng triền miên, tăng trưởng ở mức O từ nhiều năm nay trong lúc Pháp là một cường quốc về mặt tài nguyên và nhơn lực.
Năm 1906, tại thành phố Amiens phía Bắc nước Pháp – phía Bắc tập trung kỷ nghệ và hầm mỏ - diễn ra đại hội IX của CGT. Sau 5 ngày thảo luận, Tổng Bí thư Victor Griffuelhes của CGT, đảng viên cộng sản, đã hướng dẫn hội nghị thông qua bản Hiến chương Amiens. Ngày nay, các nghiệp đoàn CGT, FO (Force ouvrière), CFDT và Sud đều tranh đấu theo bản Hiến chương Amiens. Đây là thánh kinh của nghiệp đoàn.
Bản văn vừa là khai sanh, vừa thể hiện rõ CGT là một nghiệp đoàn cách mạng. Một thứ chủ thuyết nghiệp đoàn theo kiểu hoàn toàn của Pháp.
Hiến chương Amiens không thừa nhận nghiệp đoàn nào chỉ chủ trương cải thiện đời sống công nhơn, tức không theo đường lối cách mạng vô sản - bị Jules Guesde, người đem cộng sản vào xứ Pháp, công kích, và cũng không thừa nhận đảng phái chánh trị, không cho đoàn viên gia nhập.
Bản Hiến chương chứa những lời lẽ rất gay gắt. Rất cứng rắn. Theo nội dung bản văn, nghiệp đoàn là phải chuẩn bị một sự giải phóng trọn vẹn, toàn bộ xã hội. Mà giải phóng chỉ thực hiện được khi nào chiếm hữu được tư bản. Hiến chương chủ trương tổng đình công như là phương tiện hành động và nghiệp đoàn, hôm nay là lực lượng công nhơn tranh đấu, mai này, là tập thể sản xuất và phân phối, cơ sở tổ chức lại xã hội.
Theo ông Frank Georgi, (Giảng sư tại Đại học Paris I môn Lịch sử và nghiên cứu tại Trung tâm Lịch sử xã hôi thế kỷ XX), Hiến chương Amiens còn hàm chứa giấc mơ về một xã hội mà nền kinh tế phải trong tay nghiệp đoàn. Vì nghiệp đoàn là hiện thân chánh đáng và trực tiếp giai cấp thợ thuyền. Nó cao hơn sự đại diện của dân biểu quốc hội. Nó cho phép CGT xác định mình chính là một tác nhân chánh trị. Chính nghiệp đoàn mới đảm bảo thực hiện cải tổ xã hội. Và sau cùng, chính nghiệp đoàn mới dẩn tới cách mạng. Nên CGT kết hợp, ngoài các đảng phái chánh trị, tất cả công nhơn lao động ý thức tới cuộc tranh đấu nhằm xóa bỏ giai cấp công nhơn lãnh lương và cả giai cấp chủ nhơn.
Trung thành với Hiến chương, CGT lúc bấy giờ chọn đứng riêng tách bạch hẳn với hai tổ chức có sẵn ở nước láng giềng: mô hình Trade unioniste Anh và mô hình Social-démocrate Đức. Theo hai hệ thống này thì nghiệp đoàn không có thiên chức làm chánh trị, mỗi tổ chức có phạm trù giới hạn rõ và tổ chức này tôn trọng tổ chức kia. Ở đó nghiệp đoàn và người làm chánh trị không xung đột nhau, không ngờ vực nhau như ở Pháp. Trái lại là khác.
Nghiệp đoàn Anh vì thế đã thành lập Đảng Lao động năm 1900 để có công nhơn làm đại biểu ở Quốc hội, điều này thuận tiện cho việc phổ biến tư tưởng cải cách trong nghiệp đoàn. Đảng Dân chủ Xã hội Đức họp Đại hội, thừa nhận quyền tự trị của nghiệp đoàn và dành cho nghiệp đoàn những đặc quyền về kinh tế.
CGT tự chọn vai trò cách mạng nhưng so với hai nghiệp đoàn láng giềng thì yếu hơn. CGT có 300000 đoàn viên trong lúc đó, trước Thế chiến I, nghiệp đoàn Anh có hơn 4 triệu. Dễ hiểu vì chủ trương làm cách mạng triệt để thay vì tranh đấu cho quyền lợi công nhơn nên CGT không bắt rể sâu rộng được vào dân chúng lao động.
Cho tới ngày nay, mặc dầu mang nội dung hiếu chiến, Hiến chương Amiens vẫn là bản Thánh kinh của các nghìệp đoàn Pháp. Một bản văn mà các nghiệp đoàn đều qui chiếu trong mọi thảo luận ở Đại hội để nhắc nhở đoàn viên đừng xa rời cơ sở tư tưởng của tổ chức khi đi đến một quyết định quan trọng.

Từ sau Thế chiến, nghìệp đoàn bị nhiều phân hóa, nhiều cài tổ nhưng tất cả đều giữ Hiến chương Amiens làm nền tảng (ngoại trừ CFTC – Liên Đoàn Công nhơn Công giáo).
Các nghìệp đoàn, nhứt là CGT, vẫn bám theo lý thuyết cách mạng mác-xít để cải tạo xã hội, xây dựng một xã hội “người không bóc lột người” tuy điều này chẳng có mấy ai tin. Nhưng thực tế, họ làm "cách mạng" trong suốt 3 tháng qua, trên gần khắp nước Pháp, không gì khác hơn là đập phá, đốt xe, đốt cửa hàng, làm tê liệt sanh hoạt xã hội. Làm cho nước Pháp mang nợ càng thảm hại hơn.

Nguyễn thị Cỏ May

 

Đăng ngày 25 tháng 06.2016