Đánh giày và

những thăng trầm của nghề nghiệp


Nguyễn thị Cỏ May

" Dép râu dẫm nát đời trai trẻ
Nón tai bèo che khuất nẻo tương lai "

Ở miền Nam, sau 30/04/75, nghề đánh giày không thể tồn tại vì không còn ai mang giày. Người người đều mang dép nhựt. Ít có ai mang dép râu ngoại trừ những thành phần "30 tháng 4".

Ở Pháp, nghề đánh gìày chỉ mới trở lại cách nay vài năm, hoàn toàn với phong cách mới, sau một thời gian dài vắng bóng. Do quan điểm giai cấp khi đảng xã hội lên cầm quyền vì cho rằng đánh giày là việc làm hạ thấp nhơn phẩm và bị bóc lột chớ không vì lớp sóng phế hưng đất nước. Trái lại, ở Nga, từ thời Poutine, tức hết cộng sản, nghề đánh giày đã phải dần dần thu hẹp và sau cùng dẹp tiệm do áp lực thị trường và thuế vụ. Trong lúc đó, ở nhiều nơi khác như Anh, Mỹ, nghề đánh giày vẫn tồn tại và cải tiến.
Ngày nay, đánh giày ở Pháp trở lại và là một nghề nghiệp đem lại lợi nhuận như bao nhiêu nghề khác. Người hành nghề đánh giày không phải là những đứa trẻ mồ côi, nghèo khổ, người thất học, vói chiếc hộp gổ, tay bết đầy xi-ra, không làm nghề gì khác được, mà là những người có học khá, chọn nghề này vì yêu thích.

danh giay
Đánh giày ở La Défense - Pháp

Nơi hành nghề đánh giày không chỉ là những khu thương mãi sang trọng, khu văn phòng cao cấp, mà nghề đánh giày đã vào thẳng Điện Elysée của Paris và làm mất chức một Cố vấn đặc biệt của Tổng thống François Hollande.

Quyền lực nghề đánh giày
Ông Aquilino Morelle, Cố vấn thân cận của Tổng thống François Hollande đã phải từ nhiệm trong vòng 24 giờ dưới áp lực của cấp trên sau khi bị phát hiện ông đưa vào Điện Elysée một người đánh giày để phục vụ riêng cho ông. Nhưng điều quan trọng và thú vị là chuyện này bổng làm cho nghề đánh giày tưởng chừng đã hoàn toàn bị quên lãng bỗng xuất hiện, không chỉ trên thị trường, mà còn là đề tài thời sự chiếm vị trí hàng đầu trên hệ thống thông tin của Pháp.
Anh thợ đánh giày của ông Cố vấn Aquilino Morelle tên David Ysebaert trả lời báo chí, có xác nhận thêm ông là «Cireur de souliers» (= sửa giày, đánh bóng) chớ không phải là «Cireur de chaussures» (= chỉ làm sạch và đánh bóng).
Thật ra giải thích này không đầy đủ cho lắm. Phải nhìn nhận anh chàng đánh gidep rauày trong Điện Elysée đính chánh nghề của anh rất rõ ràng. Anh là «Cireur de souliers». Chữ «souliers» có nghĩa là giày – nói theo bình dân là «giày tây», tức giày bằng da thuộc, mang vào bao kín bàn chơn. Còn «chaussures» chỉ chung mọi thứ mang vào bàn chơn cho sạch: giày, dép,… Vậy anh chàng David Ysebaert là người dùng cirage bôi vào lớp da đôi giày, đánh lên cho sạch và cho bóng. Phải «giày» mới đánh như vậy. Chớ dép hay giày không phải bằng da thì không thể đánh bằng cirage. Làm cho sạch, như lau chùi hay đem rửa, thì người làm việc này không phải là «Cireur de souliers» được. Dép râu thì không bao giờ phải xi-rê, phải đánh bằng cirage như giày tây.

Trong thời gian qua, trên thị trường tràn ngập loại giày làm bằng thứ hợp chất hóa học trông giống như da nhưng không phải da đã ảnh hưởng bất lợi cho nghề đánh giày, trở thành một yếu tố làm cho nghề đánh giày ở Âu châu đã phải bị mai một.
Anh chàng David Ysebaert thuộc tổ chức nghìệp vụ vừa được phục hồi đang làm việc trong Chợ «Au Bon Marché». Cố vấn Aqilino Morelle nhìn thấy cách làm vìệc của anh ta lấy làm thích nên rước đem về Điện Elysée dành đánh giày riêng cho ông Cố vấn. Người đẹp Julie (trong bài tuần rồi) là người thế chỗ từ hai tháng nay.
Nhưng đem một người đánh giày vào Elysée, đánh ba mươi đôi giày, được trả tiền công đúng giá, thì có gì quá đáng không? Có làm tổn thương nhơn phẩm không? Có ảnh hưởng xấu đến chức vụ và việc làm của một Cố vấn Tổng thống không? Hay phản ứng do phát xuất từ mặc cảm «cấp tiến và bình đẳng của tả phái»? Đó là những câu hỏi cần được đặt ra.

Nghề đánh giày ở Pháp có từ bao giờ?
Trước đây, có lẽ học sinh nội trú của những trường lớn như Oxford ở Anh hay trường võ bị Westpoint của Mỹ là những người đánh giày (Cireur de souliers) thật sự và chuyên nghiệp cho chính mình. Ở ngoài đời, nghề đánh giày chưa thạnh hành. Trong hoàng cung, vua chúa có những tên hầu đánh giày cho.
Trước khi có tên gọi chính xác «Cireur de souliers» hay thông dụng «Cireur de chaussures», người đánh giày mang tên «décrotteur» ( người cạy đất, cạy cứt chó) hay «frotteur» (người chà sạch, đánh bóng).
Ngày xưa, đường xá bằng đất và không có lề như ngày nay. Người mang giày chỉ trong ít lâu là giày bết đầy bùn đất cần phải cạy rửa cho sạch. Họ trở thành khách hàng của những người «đánh giày» như ngày nay ta gọi. Những người giàu có, giới quí tộc, đi xe nên tránh được thảm trạng giày bám đầy bùn đất.
Nghề «décrotteur» hay «frotteur» tuy không được trọng thị nhưng lại rất hữu ích cho xã hội.
Đến giữa thế kỷ XIX, đường xá trong thành phố mới được lót đá và dành ra một khoảng trống làm lề đường thì cũng là lúc nghề đánh giày trở thành không còn cần thiết nữa.
Lúc bấy giờ nghề đánh giày chỉ dành riêng cho thiếu niên hoặc người có tuổi và nghèo.

danh giay
Đánh giày ở Paris thời xưa

Tại sao ở Mỹ có nhiều người đánh giày?
Ở Paris, bất chợt bạn cần đánh đôi giày của bạn cho sạch sẽ để tới nơi hẹn quan trọng cho có bộ diện lịch sự không phải là chuyện dễ. Nhưng nếu bạn ở Nữu Ước hay bất kỳ một thành phố lớn nào của Mỹ, thì chuyện này trở thành quá bình thường. Người đánh giày ở Mỹ rất dễ tìm. Trên đường phố, trong siêu thị, nhà ga, phi trường…
Cũng vào giữa thế kỷ XIX, lúc kỹ nghệ ở Mỹ và Anh mở mang, thì giày dép cũng tràn ngập thị trường, đòi hỏi thêm sự bảo trì kéo theo sản xuất những sản phẩm phụ thuộc. Nghề đánh giày xuất hiện rộ lên đầu tiên ở những thành phố kỹ nghệ như Chicago và Nữu Ước. Trên đường phố của hai thành phố lớn này nhan nhản người đánh giày trong lúc đó, chưa thấy như vậy ở Paris.
Một ký giả người Mỹ đặt câu hỏi «Phải chăng có hai mô hình xã hội: một nơi, người ta có thể nhờ đánh giày, còn một nơi, điều này không thể làm được?».
Ký giả nhận định «Nếu trong xã hội không có người đánh giày thì đó là mô hình của thứ xã hội nặng tính bình đẳng và tính tương trợ mạnh, với một Nhà nước mạnh, một mạng lưới an sinh chu đáo, một mức thuế cao, và nạn thất nghiệp cũng cao».
Trái lại, trong một thành phố nghề đánh giày phổ biến thì ở đó thất nghìệp ít và an sinh xã hội không chặt chẽ. Nơi đó, chế độ tư bản mạnh. Đánh giày không phải là hình ảnh của xã hội bất bình đẳng, người bóc lột người, mà là tinh thần trao đổi tự do, cơ hội kiếm tiền. Xã hội không đặt nặng sự phân biệt «nghề trí thức» và «nghề tay chân» mà đánh giày là nghề thấp nhứt trong nấc thang xã hội.

Đánh giày ở Nga
Từ thế kỷ qua, đánh giày, sửa giày là nghề dành riêng cho những người Kurdes Công giáo (người assyrien) ở Mạc-tư khoa. Ngày nay, những cửa hàng đánh giày, sửa giày của họ không còn thấy nữa. Người dân Mạc-tư khoa lớn tuổi còn nhớ ra hình ảnh của những cửa hàng này.
Ngày xưa, nơi đặt của hàng giá rẻ. Ngày nay, thời mở cửa của kinh tế thị trường, nhà đất ở Mạc-tư khoa trở thành vàng. Một cửa hàng như vậy phải đến 3 triêu «rúp»/năm. Tính ra, giá mỗi tháng phải tới 4000 euros. Không thể mua nổi.
Thời « perestroika », giữa thập niên 80 của thế kỷ trước, cửa hàng đánh giày có thể bán thêm thuốc lá và bia. Người ta làm ăn dễ kiếm tiền.
Những người assyriens giữ nghề sửa giày, đánh giày, bán thêm vài phụ tùng… họ đều thuộc nhiều thế hệ nghề nghiệp nối tiếp. Họ sống được vì dân chúng không phải ai cũng có thể đổi giày theo mùa nên ai cũng có giày cần sửa.
Người assyriens là sắc tộc sống ở vùng cao nguyên của Kurdistan, cách Nga hằng ngàn cây số. Họ tới Mạc tư khoa sanh sống vì lúc chiến tranh với Nga, họ ủng hộ Nga nên bị người Hồi giáo Turcs đuổi đi. Nga kêu gọi họ nổi dậy chống Turcs, hứa cung cấp võ khí, tiền bạc, tiếp vận nhưng sau cùng không có gì hết. Hơn phân nửa dân tộc Assyriens bị Thổ tiêu diệt. Và họ là những người chạy thoát từ đó. Sống tỵ nạn ở Nga, họ vẫn giữ tư cách người tỵ nạn chánh trị nên được dân Nga quí mến. Những thế hệ sau, có không ít người thành công hội nhập xã hội Nga.
Ngày nay, những người Assyriens còn giữ nghề đánh giày, sửa giày, phải rút vào ngỏ hẻm. Nhưng họ vẫn có khách hàng do sự tín nhiệm ở cách làm ăn tử tế của họ. Khách hàng mới là lớp trung lưu mới. Có người đem tới cho họ một đôi giày «bốt» già 4000 đô-la nhờ đánh bóng.
Ở Sài gòn, nghề đánh giày bị dẹp cùng với số phận những người bán vé số, bán dạo hoặc có gian hàng trên vỉa hè... do chiến dịch của ông Thị trưởng mới chủ trương làm sạch thành phố, đem danh xưng Hòn Ngọc Viễn đông trả lại cho thành phố.
Khác với những nơi khác, ở Việt nam, nghề đánh giày không bị coi thường hoặc bình thường như bao nhiêu nghề nghiệp trong xã hội, mà lại bị người muốn nhờ đánh giày sợ hãi.
Họ được mời đánh giày mà từ chối khó tránh khỏi bị chửi. Nhận lời, đưa gìày cho đánh, khó tránh bị lột giày, chạy mất. Muốn lấy giày lại, phải bỏ tiền ra chuộc với giá gấp vài mươi lần tiền công đánh đã thỏa thuận.
Đôi khi, khách để ý kẻo bị giựt, thì người đánh giày, ngang nhiên xẻ chiếc giày ra, đưa cho khách xem «giày hư» cần phải dán lại, với giá vài trăm ngàn.
Nếu khách không chịu, đòi bắt đền, thì người đánh giày sẽ bảo «một giọt keo đổi thành một giọt máu»!
Không biết ông Thị trưởng mới chủ trương làm đẹp thành phố có làm sạch sẽ được thành phố từ sau 30/4/75 mang tên Hồ Chí Minh hay không?

Nguyễn thị Cỏ May

 

Đăng ngày 20 tháng 04.2016