banner

Sau 15 năm hoạt động (2008-2023), website Ái hữu Đại học Sư Phạm Sài gòn ngưng việc đăng thêm bài vở và tin tức.

Độc giả muốn lưu giữ bài viết và hình ảnh để làm tư liệu, xin vui lòng truy cập vào các tiết mục đã đăng trên trang web để download.

Xin chân thành cảm tạ sự hợp tác của tất cả các tác giả và độc giả đã dành cho trang web.

20.07.2023
Admin Website Ái hữu Đại học Sư phạm Sàigòn

Một nếp văn minh mới

Nguyễn thị Cỏ May

Trong những ngày cận Tết, báo chí ở Việt nam đã phải lên tiếng "Thẳng thắn nhìn nhận vấn đề những thảm án liên tục xảy ra, con người cư xử với nhau ngày càng tàn bạo có một phần nguyên nhơn từ việc uống nhiều bia rượu và thiếu đọc sách".
Nhưng không biết «thiếu đọc sách» là nguyên nhơn của mải mê bia rượu hay vì «bia rượu» mà thiếu đọc sách? Hay còn nguyên nhơn nào nữa khác hơn? Nhưng tình trạng «mải mê bia rượu» ngày nay ở Việt nam trở thành nghiêm trọng đến mức nào?

Sự chọn lựa đã rõ
Theo báo chí ở Hà nội, năm vừa qua, ngành văn hóa của Nhà Nước thu được 2000 tỷ đồng từ các hoạt động xuất bản với 24000 cuốn sách, 375 loại ấn phẩm. Trong lúc đó, Nhà Nước thu vào được 66000 tỷ động từ sự tiêu thụ 3 tỷ lít bia rượu của dân chúng. Sự thu nhập nhờ những hoạt động đối nghịch với chữ nghĩa, sách vở lại cao hơn 33 lần thu nhập nhờ chữ nghĩa! Ngoài ra, theo điều tra của Google thì người Việt nam, nhứt là lớp thanh niên, vào internet xem những loại phim đồi trụy tinh thần nhiều nhứt so với nhiều nước khác. Phải chăng ý muốn nói đại bộ phận dân Việt nam ngày nay, tinh thần đồi trụy, hiểu biết thoái hóa, cơ thể suy nhược?

Mỗi năm, người dân ở Việt nam chi ra 3 tỷ đô-la để uống bia rượu. Nếu đem khối lượng bia rượu tiêu thụ đó chia cho dân số Việt nam, từ tuổi biết uống nước cho tới tuổi sắp bỏ uống nước, thì mỗi người sẽ nhận đươc hơn 33 lít bia rượu/năm.
Thật ra số tiêu thụ ấy chưa thấm vào đâu nếu so với dân Tiệp và Đức. Dân Tiệp uống 135 lít bia/năm/người, Đức kém hơn, 107 lít/năm/người. Tây bết nhứt: 30 lít/năm/người. Nhưng Tây lại uống rượu chát (vin) nhiều hơn (44 lít/người/năm). Có lẽ nhờ đó mà Tây ăn nhiều bơ, fromage, thịt nguội,… mà lại ít bị bịnh tim mạch hơn người Huê kỳ. Một mẫu người Pháp tay chơi là «tay cầm ly vin, tay kia đở mâm thịt nguôi và fromage».
Nhưng, ở Việt nam, bất kỳ ở đâu, trước nhà, ngoài ngỏ, trong quán nhậu, vào bất kỳ giờ nào, sáng, trưa, chiếu, tối, đầu tuần, cuối tháng, cứ đưa mắt nhìn là thấy ngay có đầy người ngồi nhậu, với thái độ ung dung tự tại vô cùng thoải mái. Đa số là tuổi trẻ.

Phong cách nhậu của người Việt nam không giống như người Âu châu. Theo kết quả điều tra, năm 2015, riêng dân Pháp, lớp tuổi trẻ từ 15–24 tuổi, có 12% uống bia rượu. Lớp lớn hơn có 32% uống bia rượu. Còn lại 55% là những người không uống. Và họ chỉ uống vào ngày nghỉ hay dịp lễ lộc. Những người đi làm việc, chiều về, tạt vào Bar, đứng bên Comptoir (Quầy), uống 1, 2 ballon rượu chát (1 chai vin 75 cl rót được 6 ballons 12,5 cl. 1 chai champagne rót được 6,7 coupes) hoặc 1, 2 đờ-mi như khai vị để về nhà ăn cơm cho ngon. Ở Pháp tuy là xứ sản xuất hàng đầu bia rượu, nhưng không thấy dân chúng đông nghẹt suốt ngày trong tiệm lớn nhỏ như ở Việt nam. Ngoài ra, còn có luật cấm vị thành niên mua rượu ở chợ hay tìệm và uống rượu ở quán.
Ở Việt nam, người dân uống rượu như vì «không biết làm gì, nghĩ gì» khác hơn. Uống để mà uống. Như một sanh hoạt hằng ngày phải có để nhắc nhở «ta còn đây». Khi ta uống là ta thật sự «hiện hữu»!
Bạn bè lâu ngày gặp nhau tay bắt mặt mừng: nhậu ; ma chay, cưới hỏi, giỗ chạp: nhậu; có chuyện vui: nhậu; gặp chuyện buồn: nhậu; hết giờ làm việc, đồng nghiệp cùng nhau thư giãn: nhậu; đi công tác phải biết “giao lưu”, “kết nghĩa": nhậu; có khách đến nhà: nhậu… bình thường không làm gì, cũng… nhậu. Có tiền, nhậu theo có tiền. Hết tiền, nhậu nhiều hơn…

Người Việt nam ít đọc sách
Quả thật đây là điều đáng buồn khi thấy người dân không bỏ tiền ra mua sách đọc mà trái lại, có bao nhiêu tiền cũng sẳn sàng chi ra cho ăn nhậu. Họ không cần đoc nhiều phải chăng vì chỉ cần đọc một cuốn hay xem một tờ báo cũng có thể biết 24000 cuốn kia hay 375 ấn phẩm kia nói gì, viết gì rồi? Tất cả báo chí, sách vở, Phát thanh, TV đều nằm gọn trong tay nhà thầu khổng lồ là đảng cộng sản. Mà chính đảng viên cấp lãnh đạo, lại chẳng có mấy người đọc sách. Bởi nhờ không đọc sách, họ mới lên được TW đảng!
Nói tới chuyện sách vở ở Việt nam, Cỏ May nhớ lại năm 1977, vào khu phố lạc-xon của Ba tàu bán ve chai ở Chợ lớn tìm mua phụ tùng máy tàu, tu bổ cho chiếc tàu chuẩn bị vượt biên, thấy cô bé xẩm trẻ, con gái chủ tiệm, đang cầm quyển tiểu thuyết của Quỳnh Dao đoc, bèn hỏi cô đang học lớp mấy và tại sao không đoc sách của chương trình Quốc văn mà đoc Quỳnh Dao?
Cô bé cho biết học lớp 11. Đọc Quỳnh Dao vì đọc sách kia thì – cô vừa trả lời vừa lật quyển sách như để thuyết minh thêm cho rõ ý – ở đầu sách: «ổng» (Hồ Chí Minh), giữa sách: «ổng», ở cuối sách cũng «ổng». Đọc cái gì? Chỉ có liệng đi, vừa làm cử chỉ bằng cách như vứt quyển Quỳnh Dao cô đang cầm trên tay.

Việt nam ngày nay có gần 30 triệu người dân chưa bao giờ biết sách là gì, 44% dân số thỉnh thoảng đọc, thì coi đó như không đọc sách vì đọc sách không thể nào «đọc cơ hội» được.
Theo kết quả điều tra phổ biến gần đây thì người Việt nam một năm chưa đọc hết 1 cuốn sách (chỉ đọc 0,8 cuốn sách/năm), thấp hơn nhiều so với các nước trong khu vực. Ở nhà quê, gần như không có người đọc sách báo. Nhưng nếu tính theo cách tính số người tìêu thụ bia rượu thì ở Việt nam, ngày nay, có 90 triệu người, đem số sách bán được năm 2014 là 24000 cuốn chia cho 90000000 thì kết quả sẽ là một người, trong một năm, đọc được 0,00027 cuốn sách!

Thế mà Việt nam lại có 480 trường đại học, hàng trăm viện nghiên cứu, hơn 20000 tiến sĩ đủ loại, cả thứ «tiến sĩ xây dựng đảng cộng sản», tỷ lệ sinh viên trên dân số cao ngất ngưỡng?
Thực tế này đã giải thích rõ vì sao sinh viên Việt Nam sau khi học xong vẫn thiếu kiến thức, vì sao những bằng cấp Cao Đẳng, Đại Học của chế độ cộng sản chưa bao giờ có giá trị và vì sao bạo lực ngày càng gia tăng, đạo đức luân thường xuống cấp nghiêm trọng… Người dân thường ỷ lại ở sức mạnh của đồng tiền trong việc đối xử với nhau.

Đất nước đã tụt hậu nhiều mặt so với Lào, Campuchia, Myanmar, đó là sự thật chứ không còn là nguy cơ như báo động trong những năm trước đây. Giảm rượu bia khó. Phát động phong trào đọc sách ngày hôm nay lại càng khó hơn vì làm điều này, trước hết phải đem lại cho sách báo có nội dung bằng những điều thiết thực, khai hóa dân trí theo tinh thần khoa học toàn cầu,… Mà khi phục hồi những giá trị đạo đức nhơn bản thì chủ nghĩa cộng sản đem bỏ đi đâu? Người cộng sản phải không nói dối, không lật lọng, không ngang ngược thì làm sao họ còn là cộng sản nữa? Đây quả là thứ nghịch lý sanh tử với người cộng sản. Vả lại sách vở, báo chí là sản phẩn của chế độ mà bản chất của chế độ là cộng sản. Người dân đang công khai chối bỏ cộng sản thì không thèm đọc sách báo là tự nhiên.
Rượu bia là những thứ cay nồng, độc hại mà còn dễ chịu hơn nếu phải tiếp xúc với thứ chữ nghĩa theo định hướng xã hội chủ nghĩa. Vì thứ này, nó còn ghê tởm hơn, còn độc hại hơn bia rượu!
Kể ra nếu lấy bia rượu thay thế sách vở, biết đó là một thứ chọn lựa liều mạng, tự sát, nhưng về chiều sâu, nó có lý ở một cách ứng xử nào đó để hiểu thực tế của đất nước Việt nam ngày nay.

Hay làm «ruồi đực tìm rượu gìải sầu»?
Câu chuyện «Ruồi đực tìm rượu giải sầu» là câu chuyện khoa học do University of California ở San Francisco, thực hiện với hằng trăm con ruồi và công bố kết quả nghiên cứu trên tờ báo chuyên đề The American Journal of Science (trên internet).
"Họ bắt một con ruồi cái vừa mới làm tình xong, nhốt vào một cái lọ. Sau đó họ bắt một con ruồi đực bỏ chung vào với con ruồi cái, rồi theo dõi hành động của hai con ruồi. Con ruồi đực muốn ân ái nhưng con ruồi cái, vì vừa mới làm tình xong, mệt mỏi nên không hứng thú tí nào nữa, nó bay chỗ khác. Nếu nó bị con ruồi đực bay đuổi theo và bắt được, thì nó quyêt liệt chống cự, hoặc chìa bộ phận đẻ trứng của nó cho con ruồi đực kinh hoàng, không đến gần nữa.
Họ làm thí nghiệm này với những con ruồi đực trong bốn ngày liên tiếp, mỗi ngày ba tiếng đồng hồ, và con ruồi đực luôn bị con ruồi cái không cho sơ múi gì cả. Sau ngày thứ tư, họ cho con ruồi đực vào một cái lọ riêng, cho nó được lựa chọn hai thứ thức ăn, một là thức ăn thường và thức ăn có tẩm rượu, thì con ruồi đực, bị con ruồi cái không cho âu yếm, lúc nào cũng chọn thức ăn có rượu. Nhiều con “nhậu” cho đến xỉn luôn. Họ tiếp tục cuộc thử nghiệm, lần này cho những con ruồi không được làm tình trong bốn ngày trước vào chai có ruồi cái ưng làm tình. Sau khi được ân ái, những con ruồi đực này chọn thức ăn không có rượu.
Nghiên cứu thêm nữa, các nhà nghiên cứu khám phá trong óc của con ruồi có một chất gọi là NPF. Họ suy luận là, khi được làm tình, óc con ruồi đực bị kích động và tăng trưởng chất NPF, nên làm nó cảm thấy sung sướng, thoải mái. Ngược lại, nếu nó không được làm tình, bị thiếu chất NPF, nên nó phải tìm những thức ăn có rượu, để kích động chất NPF trong não bộ.
Ông Ulrike Heberlein, người hướng dẫn cuộc nghiên cứu, tuyên bố là, phản ứng của đàn ông cũng không khác gì những con ruồi đực: Nếu bị vợ hay bồ không cho làm tình thì đàn ông sẽ tìm giải sầu trong ly rượu".

Vậy phải chăng dân Việt nam chọn ăn nhậu sáng, trưa, chiều, tối vì sách báo không thể đọc nổi, mà hú hí với vợ hay bồ cũng không được đãi ngộ, thì còn cách nào thú vị hơn là “ làm ruồi đực” mà tìm rượu giải sầu trong ly bia rượu?

Nguyễn thị Cỏ May


NÓI VỚI VIỆT KIỀU

Tác giả Chung Mốc hiện đang cư trú tại Thủ Đức, Việt Nam, gửi bài qua một thân hữu chuyển đến. Trước 1975, tại miền Nam, ông là một nhà giáo, một huynh trưởng hướng đạo sáng giá. Bài viết của ông, như tựa đề, viết theo cách nhìn của bà con quê nhà nhìn những Việt kiều Mỹ khi họ về thăm lại quê quán.

 

Tháng Năm, nóng toé khói.
Ai đã từng đi xa quê hương đều ước mong có dịp trở về, hoài niệm làm người ta xao xuyến đến cháy lòng. Tìm về từ vật chất đến tinh thần, để thấy những cái tưởng mất đi vĩnh viễn nay lại tìm gặp, cái xưa tầm thường nay trở nên quí giá.
Tôi may mắn thường có dịp đón tiếp thân nhân cùng bạn bè về thăm nhà, nhận thấy song song với nỗi vui mừng khi tái ngộ, còn có vài điều tưởng giữa chúng ta, TA và TÂY tự điều chỉnh, để ngày sum họp niềm vui thêm trọn vẹn.
Tôi nhận thấy có mấy dạng Việt Kiều:
1. Người giàu (Có lẽ là giàu thật) quan niệm đi 5 về 10, xênh xang áo gấm về làng, họ hàng cũng được thơm lây. Hàng xóm có lòng đố kỵ cho là nổ : Hồi xưa nghèo không có đôi dép mà đi, giờ tha đi đâu cũng kè kè chai nước lọc, vô nhà ai cũng không dám uống nước dù là nước trà; nước giếng, nước mưa thì chê hôi. Họ đâu còn nhớ tới những ngày kinh tế mới, những ngày đi đào kinh thuỷ lợi nghiêng nón múc một ít nước đục ngầu mà uống. Bây giờ cứ đòi vào nhà hàng máy lạnh sang thiệt là sang để ăn uống cho an toàn khỏi sợ đau bụng, nhưng nếu họ chịu quá bộ ra chỗ đang rửa chén tô, nơi nhà bếp đang lặt rau, làm cá băm thịt, thì tưởng chưa có nơi nào mất vệ sinh hơn thế nữa !. Tôi lấy làm ngạc nhiên và hãnh diện khi người mình mới qua tới xứ người, người lâu thì vài ba chục năm, người mới thì chỉ năm hay mười năm mà nay ai cũng là bác sĩ, kỹ sư, chủ hãng chủ tiệm, tiếng Tây tiếng Mỹ phun phèo phèo, mà hình như không có ai làm thợ hết cả (?). Nếu quả thực như thế thì Mỹ trắng Mỹ đen quá kém, nay họ lại phải xin đi làm công cho người mình nhiều quá, chứ như ở VN mà mấy anh Campuchia qua đây lập nghiệp, không chịu làm cu ly khuân vác từ đời cha tới đời con thì cũng còn khuya mới ngóc đầu lên nổi. Có người qua Mỹ đã lâu nhưng còn e ngại vì tài chánh eo hẹp chưa muốn về thăm quê, vì ngoài tiền vé máy bay ra, còn tiền quà cáp, xe cộ tiêu xài. Nhưng họ đâu biết rằng có tiền cho thân nhân đã quí, nhưng gặp lại người thân sau bao nhiêu năm xa cách còn quí hơn nhiều lắm. Vẫn biết rằng trong đám thân nhân "yêu vấu" kia thế nào cũng có người nói xấu sau lưng: "Việt Kiều về quê mà Trùm Sò thế thì về làm quái gì". Cũng may số người này không nhiều.
2. Người nghèo (Có thể là nghèo giả) than van quá trời vì sợ người nhà vòi tiền, mà có người vòi tiền thật, mè nheo đủ thứ. Họ không chờ cho đến khi gặp mặt mà thư, điện tới tấp khiến mẹ cha, anh em con cái phát chán, vì người ta biết tiền gửi về sẽ bị tiêu pha một cách lãng nhách bởi những người chuyên vô công rỗi nghề, từ sáng tới tối xách xe chạy vòng vòng. Thái độ và cử chỉ bên TÂY thì lịch sự nhã nhặn, cưng chiều vợ con hết mức (theo kiểu nịnh nghề bà lắm nạc) khiến phe TA ở quê nhà xốn con mắt lắm. Nhưng khốn nỗi TA lại cộc cằn thô lỗ, gia trưởng y như xưa, y như cách đây hàng thế kỷ. Hôm nay nhà có cơm khách, khách hỏi:
- Còn các cháu đâu, không ra dùng cơm luôn thể?
- Các bác cứ xơi tự nhiên, các cháu đã có rồi.
Các bác đang xơi, các cháu thập thò ở cửa, Bố quát:
- Xuống bếp ăn với mẹ!
Đứa con giơ tay lên trời:
- Xin thề là dưới bếp hết cả nước lẫn cái rồi bố ạ!!!

*
Bên TÂY gặp nhau ôm hôn chùn chụt, bên TA mà làm thế có ngày chả còn răng ăn cháo. Hôm anh tôi về, thấy mấy trự Việt Kiều gặp người đi đón ở phi trường, lợi dụng cơ hội ôm hôn tùm lum, ảnh nói có nhiều người làm trò khỉ quá.
Rồi sau đó ít hôm ảnh lại nói sao Việt Kiều về cứ phải chứng tỏ mình là Việt Kiều cho oai, lúc nào cũng thấy đeo cái túi mề gà trước bụng, đàn ông lại còn mang quần có dây đeo vai cứ như mấy anh bồi nhà hàng. Họ nói chuyện với nhau hay với con cái cứ xổ tiếng Mỹ làm người nhà phải nghệt mặt ra. Mà làm như thế nghĩ cũng chả ích lợi gì, chỉ tổ cho nhà hàng chém thẳng tay.
Việt Kiều thường phê bình người trong nước đổ đốn, không chịu làm gì cả chỉ ăn nhậu. Nói của đáng tội, cái đó cũng có nhưng vì họ chưa có cơ hội tiếp xúc với những Giám Đốc trẻ không rượu bia thuốc lá; có trách nhiệm, năng lực và lòng tự trọng; những người thợ quần quật với công việc nặng nề; những nông dân chân lấm tay bùn đã làm nên những thay đổi và ấm no hơn những ngày cũ.

*
Việt kiều lớn đã thế còn Việt Kiều con, tụi nhỏ về đây gặp khí hậu, thời tiết khác lạ, ăn ngủ trái múi giờ dễ sinh ra dị ứng ốm đau, làm ông bà cha mẹ lo sốt vó.
Thái độ tụi nó cũng kỳ dị lắm, hình như nó không thích được nâng niu âu yếm, đụng vào người là nó co rúm lại, mà người mình có thương thì mới rờ rẫm bóp mông, bóp đít khen nó mập, trắng hồng coi dễ thương hết sức. Ban đầu tôi tưởng tụi nó chê mình ở bẩn, nhưng sau này mới biết là làm vậy không nên, nếu là ở Mỹ có thể bị kết tội child abuse gì đó.
Tụi nhỏ nói tiếng Việt không rành, nó ú ớ bảo là đau bụng, đưa thuốc cho uống cả tiếng sau mới nói là nó "wrong", nó bị đau cổ họng cơ. Có nhiều đứa lý sự và phá trời thần, trẻ con VN mà nói tay đôi với người lớn thế thì có mà nát đít, còn trẻ Việt Kiều nó được tự do tranh luận nếu nó nhận thấy người lớn nói sai. Về VN mà nó làm cứ như ở nhà nó, cái máy quay phim, dàn máy hát ở quê nhà quí lắm, dành dụm biết bao lâu mới mua được, nhưng con cháu Việt Kiều về xài rồi nó quăng vất tứ tung, chọc ghẹo nhau chạy tới chạy lui làm đổ dàn am-pli, cả nhà thấy xót quá mà không ai dám nói gì!
Nói sang cái ăn mới ngộ, đãi Việt Kiều ở nhà hàng, TA ép TÂY ăn thịt.
TÂY than thở: "Tại sao lại ép chúng tôi những thứ mà hàng ngày phải ăn mấy chục năm nay?". Không lẽ kêu măng luộc, rau đay cua rốc, cà pháo mắm tôm, rau muống xào đập tỏi v.v...Những thứ đó quê tôi có đầy ra, bước ra đàng sau vườn loáng một cái có cả rổ, bây giờ thường để cho heo ăn mà thôi, ai nỡ lòng nào đem ra đãi Việt Kiều.
Việt Kiều con thì khác hẳn, vào bàn nó ngồi im như tượng, mặt buồn như Đức Mẹ Sầu Bi ngồi dưới chân thánh giá, hỏi ăn gì thì chỉ lắc đầu. Thấy mấy ông kêu đồ nhậu rắn rùa, chim chuột ... đặc sản, nó chỉ con thạch sùng (thằn lằn) trên tường mà hỏi: "Con đó có ăn không ?"
Người lớn thích ăn tiết canh, mua con heo, con vịt về cắt tiết hay thọc huyết, nhìn thấy cảnh đó nó kinh hãi ôm nhau khóc thét lên. Còn về thịt cầy, nó dặn là đừng bao giờ đánh lừa nó ăn một miếng, bởi vì ăn thịt chó, tim sẽ đau đớn như phạm tội vậy. Về tới SG thả tụi nó vào khu siêu thị thì như cá gặp nước, tụi nó hoạt bát hẳn lên, nói líu lo vì trong đó có bán đồ ăn khoái khẩu của nó.
Ở quê tôi còn có một thứ mà mỗi nhà có Việt Kiều về thăm thì phải lo trước, đó là cái bàn cầu ngồi theo lối Mỹ, nhà cầu kiểu cũ trẻ con ngồi không quen cứ ngã bổ chửng ra. Nhớ hồi cách đây hơn 10 năm, cầu cá dồ chưa bị cấm, có ông Việt Kiều đang ngồi thì bị cầu sập, ông đứng giữa đìa khóc ầm lên kêu Trời kêu Phật, kêu cả thánh quan thầy.
Một cái đáng sợ nữa cho Việt Kiều là muỗi. Xưa kia muỗi chỉ có mùa, bây giờ nhờ kinh tế thị trường nên có quanh năm, nó lại theo trào lưu khủng bố của thế giới nên không kêu vo ve nữa mà chuyên âm thầm đánh du kích, cắn xong một phát là chỗ đó ngứa không chịu nổi. Đối với người trong nước không hiểu vì đã chịu muỗi chích hoài nên cơ thể quen nọc ngứa, hay là tại vì thịt Việt Kiều thơm (tắm bằng xà bông Dove), hay tại muỗi vẫn còn thù dai đối với Đế Quốc, mà cho dù là ban ngày sáng sủa đàn muỗi không cắn ai, lại cứ xà quần bên Việt Kiều như đàn trực thăng sắp đổ quân vậy.
Đi với Việt Kiều nhí thì thật là thê thảm, cho dù bôi thuốc chống muỗi rồi đó, nhưng dính mũi nào là làm độc mũi đó, có khi mưng mủ sưng to như trái chùm ruột. Tôi có đứa cháu kiên nhẫn ngồi đếm được 108 mụn trên một cái chân nhỏ bé !!!
Còn trục trặc ngôn ngữ Việt giữa người trong và ngoài nước nữa chứ. Có nhiều Việt Kiều nghe không hiểu được những từ ngữ "mới". Hồi sau 75 tôi có dịp tiếp xúc với cán bộ hay người miền Bắc mới vô, nghe họ nói tôi buồn cười lắm mà không dám cười, sau đó nhái chơi, rồi dần dần nó ngấm vào giọng nói lúc nào không hay, bây giờ có những chữ mà loay hoay mãi không nhớ ra chữ cũ để thay thế.
Thí dụ: Hôm nay tôi tranh thủ đến thăm anh (cố gắng). TV hôm nay bị sự cố kỹ thuật (trục trặc). Nhưng đến câu "Họ có mặt bằng cho thuê" thì tôi đành chịu không tìm ra chữ nào để thay.
Có anh về nước cầm máy chụp hình hay quay phim thì thấy cái gì hơi lạ là bấm máy liên hồi, thấy người ta nói đi xe khách chất lượng cao (high quality); xe tham quan (tourist); cửa hàng chuyên bán ổn áp (survolter) là cười khinh khỉnh, nhưng chúng tôi thấy họ nói pha tiếng Mỹ lại càng kỳ quái hơn: Đem cái xe tới tiệm để estimate, anh thợ sửa xe dốt nát đâu biết tiếng Tây tiếng U gì đâu, nghe vậy bèn tháo tung chiếc xe ra; bảo tun-ấp thì nghe giống như "ốc" nên lấy đồ nghề ra siết tất cả những con ốc lại. Đàn bà con gái gì mà nói giữa chốn đông người "Tôi không có khe" (care); "Vẫn còn ở chỗ cũ đây, chứ tôi đâu có mu (move)". Cười, bởi vì khe và mu là những chữ dùng để chỉ cơ quan sinh dục của đàn bà.
Có lần được tháp tùng về thăm quê cũ của mẹ tôi ngoài Bắc, gặp đứa em họ đang phụ trách một đoàn thể trong xứ đạo, nó hỏi xin cái máy kích. Tôi hỏi cần đẩy hay kéo cái gì, nó giải thích thì ối giời ơi! đó là cái am-pli và cặp loa để phát thanh, ở ngoài Bắc gọi là cái máy kích âm !!!. Bây giờ họ còn hay nói tắt. Hỏi gia đình thế nào? Trả lời dạo này gia đình chúng em VẤT lắm (vất vả); Món này ăn ngon CỰC (cực kỳ); Thợ xây quát phu hồ: "Lấy cho tao bao Xi (xi măng) !!!
Chữ "bị" ở thế thụ động (passive voice) lại được nói: "Ông ta hơi bị giỏi đấy" ; Món này ăn hơi bị ngon v.v... Ban đầu tôi tưởng chỉ là cách dùng chữ cho khôi hài, không ngờ có những nhà văn lớn dùng trong văn chương nghiêm túc nữa đấy. Thật quái đản !!!
Hôm xem lậu cuốn băng Thuý Nga, thấy ông Nguyễn Ngọc Ngạn nói xỏ người ở nước ngoài hay nói chữ là, thay vì nói "Rất đẹp" thì lại nói "Rất là đẹp". Tôi thì tiếng Anh dốt nát, đành dịch ra là "Very is beautiful"!.
Ngày xưa còn đi học mà làm luận văn xài chữ: thì, là, mà, bị v.v... lung tung như kiểu này chắc thầy vã cho rách mép. Ở VN bây giờ từ quan cho tới anh cùng đinh khố rách đều nghiện chữ "Nói chung" cũng như mấy anh Việt Kiều hay dùng chữ "You know" vậy. Hỏi thăm gia đình khoẻ không thì được trả lời: "Nói chung cũng tốt. Mẹ tôi còn đang nằm bệnh viện còn vợ tôi thì mới chết tuần rồi". Hãy nghe đài BBC phỏng vấn mấy quan chức, hay đọc trong bản báo cáo của mỗi cơ quan, đoàn thể, mỗi ngành không bao giờ thiếu chữ "Nói chung":
- Tình hình chỗ nào cũng vậy, nói chung là tốt, nhưng trong đó còn có một vài bộ phận yếu kém tồn tại ...
Tôi tới thăm gia đình người bạn mới từ nước ngoài về, bố bảo con gọi mẹ ra đây. Thằng con chạy vào trong hét toáng lên: "Momy, dady muốn momy bây giờ". Hồi lâu sau nó lại chạy ra bảo: "Momy đang rửa he". Tôi ngạc nhiên ngẫm nghĩ mãi mới hiểu là má nó đang gội đầu (hair).
Tháng rồi có mấy đứa cháu từ Úc về chơi, tôi dẫn đi ăn nghêu ở Ngã Sáu, trong đĩa nghêu luộc chín há vỏ ra, có con thịt rớt ra ngoài chỉ còn cái vỏ không, đứa bé cầm cái vỏ ngắm nghía một hồi rồi tặc lưỡi: "Không có ai". Ôi ngôn ngữ Việt của Việt Ta và Việt Tây sao mà rắc rối, biến hoá làm vậy!
Ngày vui qua mau rồi cũng đến ngày tiễn đưa người nhà ra phi trường. Người còn ở VN khoái tiễn đưa lắm, lý do là lúc đó người đi rất ngậm ngùi, còn bao nhiêu tiền trong túi cũng móc ra cho hết, thương lắm cơ.
Việt Kiều con ra tới phi trường thì mừng lắm, chúng nhảy cỡn lên múa máy tay chân rồi la to:
- Thoát khỏi Việt Nam rồi! Thoát Việt Nam rồi!
Vậy thì tôi còn mong gì khi chúng to lên, học hành thành tài rồi về giúp đỡ quê hương?

Thủ Đức, 2004
Chung Mốc

http://www.vietbao.com 

 

Đăng ngày 22 tháng 02.2016