Tại sao báo chí Huê kỳ
hè nhau công kích Pháp?
Nguyễn thị Cỏ May
Qua bài tuần rồi «Báo chí Huê kỳ có nói dối và xuyên tạc không?», Cỏ May tôi có bị vài độc giả phê phán cho rằng Cỏ May tôi «cuồng Trump», mượn cớ để công kích ông Joe Biden đắc cử Tổng thống Huê kỳ. Xin thật lòng trân trọng ý kiến của quí bạn đọc!
Nay Cỏ May tôi nói tiếp không phải chỉ có nhựt báo NYT xuyên tạc một sự thật đau lòng là Thầy Giáo Samuel Paty hôm 16/19/2020 tại Conflans-Sainte-Honorine bị Hồi giáo cắt đầu. Xin nhắc lại sự sát nhơn này hoàn toàn có chủ trương, chớ không vì bất mãn bức hí họa Mohamed mà ông dùng làm tài liệu dạy học trò về Quyền Tự do diễn đạt. Ngoài ra còn nhiều báo khác của Huê kỳ cũng đang hè nhau công kích thẳng nước Pháp và chánh sách của Tổng thống Macron về các vấn đề thế tục (laicité), Hồi giáo (musulman, không nói đó là islamisme), di dân.
Phản ứng rầm rộ như trăm hoa đua nở chắc phải có lý do của nó. Vậy phải chăng có một chủ trương lớn hơn?
Dư luận báo chí Huê kỳ
Năm 2015, trong vụ Hồi giáo khủng bố nả súng tại Tòa soạn tuần báo trào phúng Charlie Hebdo giết tại chỗ 13 nhà báo và nhơn viên, Pháp đã được cả thế giới ủng hộ, thì nay sự nhiệt tình đó đã không còn nữa mặc dầu ý nghĩa gây ra cái chết không khác. Trái lại còn rùng rợn hơn tuy số nạn nhơn chỉ có một.
Báo chí Huê kỳ cho rằng nay họ không còn nhận ra được ông Emmanuel Macron là nhà cải cách tự do như ông đã hứa lúc tranh cử Tổng thống năm 2017 và lo ngại ông đang ngã hẳn qua hữu phái, mà lại còn có xu hướng độc quyền. Về an ninh, cách quản lý dịch Vũ hán, vấn đề Hồi giáo… cho tới ngoại giao vốn là điểm mạnh của ông, tất cả làm cho hình ảnh một ông Tổng thống của ông đã bị mờ nhạt?
Tờ Atlantic ở Washington nhắc lại chuyện Thầy Giáo Samuel Paty bị một thanh niên cắt đầu đã thúc đẩy ông Emmanuel Macron xác định lại lời hứa của ông hôm xảy ra thảm nạn: «Nươc Pháp sẽ không bao giờ ngưng bênh vực quyền tự do diễn đạt». Khi Atlantic viết một thanh niên, người đọc chắc chắn sẽ hiểu đó chỉ là một thanh niên bình thường, như du đảng hoặc xì ke trong cơn ghiền giết người, chớ không thấy cài nội dung của nó là thánh chiến (djihadisme), một chủ trương tiêu diệt triệt để cái quyền tự do diễn đạt hay các quyền căn bản khác của nền văn minh Pháp và Âu châu mà thanh niên kia là một chiến sĩ thánh chiến. Hồi giáo chủ trương từng bước Hồi giáo hóa Pháp và Âu châu mà khủng bố rất cần để dân chúng Pháp đừng coi thường sự có mặt của họ, là niềm tin thánh chiến đối với người Hồi giáo.
Chánh sách văn hóa xã hội của Pháp là hội nhập, không giống Huê kỳ, Canada hay Úc. Nhưng khi nói hội nhập thì Hồi giáo đòi hỏi ngược lại là Pháp hội nhập theo văn hóa Hồi giáo tuy họ là di dân tới Pháp. Pháp chủ trương «thế tục» (la laicité – nội dung dựa trên 3 nguyên tắc: tự do lương tâm, tách biệt Nhà nước với tôn giáo, mọi người bình đẳng trước luật pháp mặc dầu tín ngưỡng khác nhau. Vấn đề này chỉ có ở Pháp do hoàn cảnh lịch sử của Pháp), thì Hồi giáo đòi hỏi căn-tin không được có món ăn thịt heo, dành một ngày hay một hồ tắm riêng cho phụ nữ Hồi giáo, các ngày lễ tôn giáo ghi trong lịch từ mấy thế kỷ nay như lễ Các thánh (Toussaint) phải gọi là lễ mùa Thu, lễ Noël là lễ mùa Đông, lễ Pâques là lễ mùa Xuân. Riêng trong dịp lễ Noël, theo chủ trương thế tục, chánh quyền không được phép trang trí cây thông, máng cỏ... nơi công cộng như cửa vào trường học, văn phòng các công sở... Họ còn đòi pharmacie gở bỏ chữ thâp xanh… vì các thứ đó là những biểu hiệu công khai tôn giáo bị cấm. Trái lại, tới ngày Ramadan, dân Hồi giáo từ nhiều nơi kêu gọi nhau tập trung một nơi ở Paris để làm lễ cầu nguyện. Họ chiếm cả con dường phố dài. Cảnh sát phải chận xe lại suốt cả giờ lễ.
Trước thực trạng Hồi giáo chỉ muốn sống thành cộng đồng Hồi giáo biệt lập, như một nước Hồi giáo trong nước Pháp, TT Macron đưa ra dự luật «séparatisme» (chủ nghĩa ly khai), trước tiên nhằm chống lại Hồi giáo không chịu hội nhập vào đời sống xã hội Pháp. Nhơn dịp lễ 150 năm tuyên bố nền Cộng hòa, trong bài diễn văn tại Văn miếu Panthéon, ông Macron nhấn mạnh ý niệm «lòng ái quốc cộng hòa» (le patriotisme républicain) đồng thời ông cực lực lên án chủ trương chia rẻ: «Nền Cộng hòa bất khả phân không chấp nhận bất kỳ một cuộc mạo hiểm ly khai nào cả».
Thậm chí, trường học ở khu đông di dân Hồi giáo, cha mẹ không cho con em đi học vì chữ Pháp không phải chữ của họ, lịch sử xa lạ… Trẻ con có đi học chỉ vì muốn hưởng trợ cấp an sinh xã hội. Thiệt tình chúng không học, chỉ phá. Sau nhiều năm vẫn không đọc và viết được. Lớn lên, thất nghiệp, du đảng, biểu tình chống phá trật tự xã hội. Những khu phố này trở thành hang ổ của đủ thứ tôi phạm. Cảnh sát có can thiệp thì xảy ra xung đột. Bị thương hay chết thì tội phạm là cảnh sát. Báo chí hơn 8O% khuynh tả bênh vực đám này. Chánh phủ đưa ra luật «séparatisme» (chủ nghĩa ly khai) thì đám này tham gia biểu tình chống, đập phá, đốt xe... ở Paris do phe Tả (cộng sản và vô chánh phủ) tổ chức. Họ chống chánh phủ vì cho rằng luật này làm mất quyền tự do. Và báo Huê kỳ loan tin này với luận điệu bênh vực đám biểu tình.
Công kích Macron, Financial Times viết «Macron là kẻ canh tân gây hổn loạn ngày càng giống đại diện cánh hũu truyền thống của Pháp».
Họ còn công kích Macron ngày càng «dồn thì giờ và nổ lực cho nước Pháp càng nhiều nên đôi khi cách ứng xử và lời nói của ông trở thành khó chịu».
Cũng theo xu hướng này, CNN phê bình ông Macron «Không phải đây là một phong trào mới mẻ gì. Khi ngã sang hũu phái, Macron chỉ dấn thân theo các vị tiền nhiệm cánh hũu».
Trong cuộc vận động tranh cử năm 2016, Trump dồn dập khiêu khích giới truyền thông. Chủ biên Média của NYT, ông Jim Rutenberg, viết một bài báo kêu gọi giới truyền thông hãy tự hỏi cách thông tin trung thực thời sự của mình trước giờ có thật sự hũu hiệu không? Ông nói ngay Trump đang rất nguy hiểm cho chúng ta. Như vậy nếu chúng ta cứ giữ cách tiếp cận khách quan cố hũu thì sẽ vô cùng bất lợi. Từ đó trang «Quan điểm và Tin tức» nhập chung lại. Bà Karen Attiah, Trưởng Ban biên tập của Washington Post, theo sự thay đổi đường lối thông tin mới này, đã viết «Pháp có dự án đánh số những học trò Hồi giáo».
Ý muốn nói Pháp làm như Hitler hồi Thế chiến đối với Do thái trong các trại tập trung hay vc giam giữ quân nhơn, công chức VNCH sau 75 trong các trại tập trung lao động khổ sai.
Nhưng đây đúng là một dự tâm nói dối hoàn toàn. Một cách xuyên tạc thô bạo của một nhà báo tả khuynh rập theo cách tuyên huấn của cộng sản!
Khác hơn Huê kỳ, và còn xa lạ hơn với Huê kỳ, Pháp có luật cấm chánh quyền ghi nguồn gốc màu da, chủng tộc cho dân của địa phương. Tới một Thị xã, muốn biết dân số với thành phần rõ ràng, không được. Vì không có chi tiết này. Do luật cấm. Thì chuyện Pháp có dự án đánh số học sinh Hồi giáo chỉ là một sản phẩm đồ sộ của trí tưởng tượng từ một bộ óc không bình thường.
Trước thực trạng của nước Pháp ngày nay trước thảm họa Hồi giáo, nhiều học giả, nhà văn, nhà báo, đang lên tiếng báo động chánh quyền là lãnh thổ pháp đang bị Hồi giáo chinh phục. Hiện tượng thấy rõ khi chánh quyền, nhứt là phe xã hội, từng bước nhường di dân Hồi giáo cho nhiều đòi hỏi của họ. Chỉ vì lá phiếu!
Ông Henri Gaino, đảng viên «Những Người Cộng hòa» (cánh Hũu), công chức cao cấp, vừa bất mãn, đã phải than «Chúng ta có quá nhiều người làm chánh trị (les politiciens – chánh trị xôi thịt), mà quá ít chánh khách (Hommes d'État – tạm hiểu là chánh khách – như De Gaulle. Nhưng với VN De Gaulle là một tai vạ!). Người làm chánh trị (politicien) chỉ nhìn thấy lá phiếu là trên hết nên họ chỉ hoạt động cho mục tiêu duy nhứt là nắm chánh quyền. Như 2 politiciens Biden và Pelosi có thể dễ dàng quì gối công khai trình diễn để xin phiếu!
Báo khác, như Newsweek, cũng dành cho Pháp cùng quan điểm khi phê phán Pháp đàn áp dân thiểu số (di dân) «TT Emmanuel Macron và chánh phủ của ông phản ứng lại cái chết của Samuel Paty bằng cách tuyên bố ủng hộ quyền tự do diễn đạt. Nhưng cùng lúc họ lại coi nhẹ người Hồi giáo quốc tịch Pháp thì có khác gì hơn chính họ tấn công quyền tự do diễn đạt».
Những người công kích Pháp là ai?
Phải nói rõ nước Mỹ hay người dân Mỹ bình thường, cả chánh phủ, không có vấn đề gì với nước Pháp hay ông Macron. Chỉ có truyền thông Mỹ từ năm 2016 «có chuyện» với Pháp ngày càng nghiêm trọng. Họ lo ngại Pháp đàn áp dân da đen và Hồi giáo «Pháp đã trở thành một nơi chiến lược trong cuộc chiến quốc tế xác định bản sắc dân tộc vì chính Emmanuel Macron đã nói rõ không muốn cái mô hình đa văn hóa theo kiểu Huê kỳ». Nhưng những người này là ai? Theo kết quả điều tra của Pew research Center thì có ba phần tư nhà báo của NYT là da trắng, trẻ và xuất thân từ những trường danh tiếng như Harvard, Yale, Princeton. Họ thay thế lớp nhà báo kỳ cụu trước kia. Họ là những người trẻ thuộc gia đình khá giả và cấp tiến. Mà cấp tiến là phải tả khuynh, tức phải xã hội chủ nghĩa nếu không cộng sản.
Bà Edith Cresson, nhờ là bồ nhí của cựu Tổng thống xã hội Mitterrand, được làm Thủ tướng (5/91 -4/92), từng tuyên bố «... xã hội chủ nghĩa là cấp tiến. Chúng tôi theo cấp tiến nên mới là đảng viên xã hội»!
Theo ông Darrell West, Phó Chủ tịch Trung tâm đào tạo «Governance Studies của phòng thí nghiệm Tư tưởng Brookings và tác giả quyển Divided Politics, Divided Nation. Hyperconfllct in the Trump Era» (Brookings Institution Press, 2020), thì ông Biden vốn là người chừng mực, thực tế, nhưng ông lại hứa một khi đắc cử ông sẽ cấp tiến hơn ông Obama. Cũng theo ông Darrell West, thì không có chọn lựa nào khác hơn vì một phần lớn dân chúng nước Huê kỳ đã khuynh tả ngay trước khi dịch Vũ hán xuất hiện. Mặc dầu ông Bernie Sanders và bà Elizabeth Warren đã nổ lực vận động đưa đảng viên Dân chủ ngã theo Tả phái. Theo ông Larry Sabato, Giám đốc Trung tâm Khoa học chánh trị của Đại học Virginia: «Biden sẽ phải cấp tiến hơn cả Obama». Nghĩa là sẽ Tả hơn Tả nữa. Tức cực Tả?
Theo ngôn ngữ chánh trị Pháp, cực tả không gì khác hơn là cộng sản Đệ tam, tức đúng là thứ Léniniste - Staliniste - Maoiste (Có thể thêm Hochiminhiste). Nhưng ở Mỹ xưa nay, đường lối này khó được dân chúng chấp nhận tuy vẫn có đảng cộng sản. Nếu đúng như vậy thì ông Joe Biden khi lèo lái nước Huê kỳ sẽ quẹo trái hết ga? Để chờ coi.
Nay chưa biết chánh quyền mới (nếu có) của ông Biden sẽ khuynh tả tới đâu hay chỉ tả kiểu Dân chủ xã hội như ở các nước Bắc Âu? Nhưng có phải vì ông Biden chủ trương tả khuynh, mà truyền thông Huê kỳ vì ủng hộ cho ông làm Tổng thống nên cực lực chống Pháp và chống thẳng ông Macron là Hũu khuynh?
Riêng một số nhà báo trẻ Huê kỳ vốn thuộc thành phần uu tú của xã hội lại mang nặng mặc cảm tội lỗi tổ tông, trước kia tổ tiên của họ đã bắt dân da đen làm nô lệ. Nay họ bỗng cảm thấy ở họ như có sự bừng tỉnh về một bất công lớn «woke». Họ muốn làm điều gì đó để kịp chuộc tội tổ tông. Tỏ ra thương người, can thiệp giúp đỡ người da đen, người di dân… Nhựt báo NYT từ tháng 7 đã có một thay đổi nhỏ về cách viết. Khi viết da đen họ viết hoa Black. Còn với da trắng thì viết chữ thường white.
Với họ, ai không đồng quan điểm là khơi dậy mặc cảm tội lỗi ở họ, làm cho họ khó chịu nên họ phải phản ứng mạnh.
Dân Pháp bị mang nặng mặc cảm từng làm thực dân. Ngày nay chánh phủ thât sự vất vả với vấn đề da đen Phi châu, dân Bắc phi như Algérie, Maroc ở Pháp... nhưng không dám có biện pháp đúng mức. Ngoài sức nặng của lá phiếu, dĩ nhiên. Đây là miếng mồi béo bở cho phe tả lợi dụng chống đối chánh phủ liên tục, phá tan nát nước Pháp.
Trong lúc đó, dân chúng khi được hỏi kín đáo «đối với dân đen, phi châu Hồi giáo thế nào?», có hơn 75% trả lời «không ưa, không chịu nổi, phải tống đi khỏi».
Khuynh tả, đứng về phía di dân, da đen, thiểu số… ở Huê kỳ hay Pháp là cách chuộc tội tổ tông? Nhưng đâu là quyền lợi đích thực của đất nước, của dân tộc?
Nguyễn thị Cỏ May
Đăng ngày 19 tháng 12.2020