banner

Sau 15 năm hoạt động (2008-2023), website Ái hữu Đại học Sư Phạm Sài gòn tạm ngưng việc đăng thêm bài vở và tin tức.

Độc giả muốn lưu giữ bài viết và hình ảnh để làm tư liệu, xin vui lòng truy cập vào các tiết mục đã đăng trên trang web để download.

Xin chân thành cảm tạ sự hợp tác của tất cả các tác giả và độc giả đã dành cho trang web.

20.07.2023
Admin Website Ái hữu Đại học Sư phạm Sàigòn

Một năm lại qua

Nguyễn thị Cỏ May

Tối 31 tháng 12, trên chương trình 20 giờ TV, Tổng thống Emmanuel Macron của Pháp đọc diễn văn chúc mừng Năm mới nhơn dân Pháp. Theo thành kiến, người Pháp chúc mừng Năm mới phải sau 12 giờ đêm 31 tháng 12. Cũng như chúc mừng Noël cũng phải sau 12 giờ đêm 24/12.
Trước giờ thì chỉ chúc «vui lễ»! Ông Tổng thống Macron phá lệ!
Năm nay, trong bài diễn văn chúc mừng Năm mới, ông bày tỏ niềm «hi vọng» ở năm 2021 với sư vực dậy, ngay vào mùa xuân tới, sẽ «phát minh một nền kinh tế mạnh hơn, nghĩa là kinh tế Pháp sẽ cùng lúc tạo công ăn việc làm, sáng tạo hơn, bảo vệ khí hậu và môi sinh hơn, và đoàn kết hơn».
Lập tức, cánh tả, đối lập muôn năm, lên tiếng công kích ông Macron rằng ông dám cho họ là những người ngu. Bí thư đảng cộng sản Pháp quả quyết  «năm 2020, mà cả năm 2021, là năm đen, lời chúc rổng tuếch, vậy đâu là hi vọng?». Bí thư đảng «Nước Pháp đứng lên - Debout La France» chê «lời chúc không thực tế»…

Trong năm 2020, tình hình thế giới đầy biến động, đầy bạo loạn do dịch Vũ hán gây ra, mà do tranh chấp quyền lực gây ra cũng có.
Đêm giao thừa năm 2019, ông Macron cũng lên TV chúc mừng «Năm mới tốt đẹp!» và «Năm mới sức khỏe!». Sức khỏe và Tốt đẹp chưa kịp thấy thì đúng vào lúc năm cũ sửa soạn nhường bước cho Năm mới, virus Vũ hán xuất hiện và tràn tới gây tang thương, chết chóc và đảo lộn nếp sống cả nhơn loại mà chưa biết bao giờ kết thúc. Nước Pháp dĩ nhiên không thoát khỏi nạn đại dịch hoành hành như các nước láng giềng Ý, Anh, Tây-ban-nha.

Còn một « Năm mới tốt đẹp»?
- Qua cuối tháng giêng năm mới xảy ra một biến cố quan trọng: nước Anh rút ra khỏi Liên hiệp Âu châu, làm mất một năm đàm phán thủ tục.
- Ngày 28 tháng 5, Huê kỳ rơi vào bạo loạn sau cái chết của tên da đen George Floyd ở Minnesota do cảnh sát đè cổ vì phạm tội xài tiền giả và bỏ chạy khi cảnh sát can thiệp. Nạn nhơn là một tội phạm có thành tích. Chuyện chỉ cần đưa ra Tòa xét xử nhưng lại làm điên đảo nước Mỹ chỉ vì chiếc ghế của phòng bầu dục trong Tòa Bạch ốc. Và bầu cử xong nhưng kết quả có nhiều tranh cãi, khó tránh bạo loạn kéo dài. Kẻ bảo bầu cử gian lận, người nói không. Nhưng kẻ nói gian lận là số đông thì vấn đề phải có, và cần phải được giải quyết thỏa đáng để khôi phuc tư cách Tổng thống là thật sự đắc cử.
- Ngày 16 tháng 10, một tên Hồi giáo cắt đầu Thầy Giáo dạy Sử Địa Samuel Paty ở vùng Paris vì ông đã dám dùng bức hí họa Mohamed làm tài liệu dạy học trò Quyền Tự do diễn đạt. Qua 2 hôm sau, cả nước Pháp biểu tình phản đối và bày tỏ sự tôn trọng Quyền Tự do căn bản là một yếu tố không thể tách rời nền văn minh Pháp. Nhưng báo chí Mỹ lại lên tiếng công kích Pháp nhơn danh «thế tục», đàn áp Hồi giáo. Tiếp theo, phần lớn báo chí Mỹ đồng loạt công kích TT. Macron là «Hữu khuynh theo những người tiền nhiệm bảo thủ truyền thống».
- Ngày 7/11, ứng cử viên Joe Biden được cho là thắng cử và Huê kỳ trở thành nước chia rẻ sâu xa chưa từng có. Phe ông Joe Biden muốn kết thúc nhiệm kỳ Tổng thổng của ông Donald Trump. Phe kia thì muốn ông Trump ở lại Nhà Trắng thêm 4 năm nữa. Họ phủ nhận kết quả bầu cử vì cho là gian lận. Nếu vào Nhà Trắng được, ông Biden sẽ phải khó khăn hàn gắn lại hai nước Mỹ mâu thuẩn nhau, phục hồi kinh tế xã hội bi dịch Vũ hán tàn phá cực kỳ nặng. Về đối ngoại, ông sẽ đối phó với đảng cộng sản Tàu như thế nào khi Xi chỉ muốn từng bước áp đặt mô hình «tư bản độc quyền» (le capitalisme autoritaire) của Trung quốc lên thế giới và cả nước Huê kỳ? Liệu ông sẽ có đủ can đảm vì quyền lợi nước Mỹ mà coi nhẹ quyền lợi riêng trong mối «quan hệ» với Tàu từ lâu nay hay không?

Thật sự năm 2020 là một năm kinh tế suy sụp, nhiều nhà nước mang nợ, xã hội xáo trộn sâu sắc, người chết chóc vì bệnh dịch… Nhưng năm «2020 có phải là năm tồi tệ nhứt Lịch sử không?».

Năm 2020?
«Bonne Année!». Khi mọi người gặp nhau hoặc qua điện thoại chúc nhau «Năm mới tốt đẹp!» là Năm mới 2021 đã tới.
Nhìn lại năm cũ, tuần báo Time của Huê kỳ vội viết «Đúng là một năm tồi tệ nhứt trong lịch sử, vì nạn dịch Vũ hán hoành hành». Một sự khám phá lớn và bất ngờ của biên tập viên văn hóa Stéphanie Zacharek!
Nhưng có phải thật sự năm 2020 là năm tồi tệ nhứt trong Lịch sử nhơn loại hay không ?
Cứ cho năm 2020 là năm tồi tệ nhưng chắc chắn không tồi tệ nhứt trong Lịch sử nhơn loại.
Thật vậy, không cần phải ngược dòng thời gian chi cho xa. Trong thế kỷ qua, những năm của Lê-nin, của Hitler, của Staline, của Mao, của Hồ Chí Minh, của Pol Pot... không rùng rợn, không hãi hùng với thảm nạn người cộng sản giết hàng loạt nhơn dân, giết hơn 100 triêu người để thiết lập và duy trì chế độ cướp được của nhơn dân các nơi?
Trước khám phá của tuần báo Time về tầm vóc tồi tệ của năm cũ, ông Macron tuyên bố «Thật khó có được 20 tuổi vào năm 2020». Bởi vì nó có thể «khá hơn trước kia» chăng?
Chẳng lẽ nhiều người ngày nay lại sớm quên thời gian mình đã sống qua như vậy? Những năm 1939-1940 hoặc vào những năm trước đó, như 1914-1918, chiến tranh đã giết hại 20 triệu nhơn mạng mà phần lớn là thanh niên vì tuổi trẻ bi lùa đi lính. Chắc trong ký ức tập thể của nhiều người Việt nam còn nhớ chỉ trong những năm cuối của chiến tranh do cộng sản đem tới Việt nam, Hà nội đã ném hàng vạn vị thành niên vào chiến trường đến nỗi ở nhà quê miền Bắc, ra đồng, chỉ thấy khăn tang trên đầu phụ nữ kéo cày. Thì những năm đó có tồi tệ không? Nhưng «nhứt Lịch sử» chưa?
Ai cũng đều thấy dịch Vũ hán khủng khiếp thật nhưng có bằng nạn Dịch đen (la Peste noire) ở thế kỷ XIV đã giết 1/3 dân Pháp (7 triệu trên gần 2O triệu)? Và cúm Tây-ban-nha (grippe espagnole) giết 400000 dân Pháp trong mùa đông Đệ nhứt Thế chiến?
Hâu quả là nạn đói, trẻ con phải làm việc kiếm sống, trẻ sơ sinh chết như rạ! Có kinh khủng không?

Nhưng có "nhứt Lịch sử" chưa?
Báo chí Huê kỳ trong gần đây như đang chuyển hướng mạnh. Khuynh Tả!
Trước đây, trong suốt thời gian dài, báo chí Huê kỳ là mẫu mực cho báo chí thế giới. Ví nó là cái gì ngược lại với  Pravda (Sự Thật), cơ quan ngôn luận của đảng cộng sản Nga, thứ nói dối theo hệ thống nhưng mang tên là «Sự Thật».
Ngày nay, chẳng lẽ báo chí Huê kỳ đã bị «Sự thật hóa» ? (pravdaisées). Nói một thứ tiếng của chánh thống? Chỉ trừ một số ít còn hoạt động ngoài luồng.
Nếu không phải đúng như vậy thì đã không có một New York Times đưa ra chủ trương từ tháng 7 năm 2020 khi viết Black, phải viết hoa khi nói tới người da đen, và viết chữ thường white khi nói về người da trắng. Còn tờ Washington Post, chủ báo là chủ cửa hàng tạp hóa Amazon, công khai nói ông Emmanuel Macron cho đánh số thứ tự học sinh người Hồi giáo để nhận diện thay tên họ. Bỡi vì chánh sách «thế tục» (la laïcité) của Pháp chỉ là biến thể của chủ nghĩa vô thần trong chế độ độc tài cực hũu như Đức Quốc xã.
Cách nói này thật sự không khác gì tờ Pravda của Nga trước đây hay tờ Nhân Dân của Hà nội ngày nay.

Trước thế giới khủng hoảng
Hiện thế giới đang khủng hoảng. Đó là điều ai cũng thấy nhưng nó đúng là nghiêm trọng nhứt trong thế hệ của chúng ta. Chánh phủ các nước, các giới thẩm quyền đang tìm giải pháp cho khủng hoảng. Những quyết định chắc chắn sẽ ảnh hưởng thay đổi bộ mặt thế giới trong nhiều năm. Không chỉ về hệ thống y tế của chúng ta mà còn cả về kinh tế, chánh trị, văn hóa của chúng ta nữa.
Nhưng thế giới ngày mai này sẽ định hình như thế nào, khi bảo tố đã qua? Vì khi hết khủng hoảng, con người còn lại, tai qua nạn khỏi, sẽ sống bình thường. Nhưng trong một thế giới chắc chắn sẽ khác hơn.
Dĩ nhiên vì tiến trình lịch sử cũng sẽ nhanh hơn. Đời sống sẽ như thế nào khi phần lớn người ta làm việc ở nhà bằng điện thoại, liên hệ với nhau qua viễn thông? Tuổi trẻ sẽ thế nào về tâm sinh lý khi trường học các cấp đều đóng cửa, học qua mạng? Bình thường xí nghiệp, Bộ Giáo dục sẽ không bao giờ chấp nhận cách làm việc hay học hành như vậy. Nhưng trong tình hình khủng hoảng nên không có gì còn bình thường hết cả. Nhưng có đúng năm 2020 là năm tồi tệ nhứt Lịch sử nhơn loại không?

Người 20 tuổi năm nay có bất hạnh không?
Điều lạ là tại sao nhà báo ở Huê kỳ không thấy họ đang sống những ngày tháng an lành hạnh phúc? Đời sống của họ thât sự sung mãn, an toàn.
Sau nhiều số báo công kích chánh trị Pháp là khuynh Hũu, có xu hướng độc tài, kỳ thị da đen, đàn áp Hồi giáo hành đạo, ngược đãi di dân lậu… nay tuần báo Time lại nhận định năm 2020 là năm thảm hại nhứt Lịch sử. Không riêng gì những người sanh sau từ Thế chiến II, lớp 20 tuổi vào năm nay cũng thấy không có chết chóc, đói rét, bịnh tật như những năm khác trước đây, như đã nhắc lại trên đây. Điều đó có thể phủ nhận sự nhận xét lệch lạc của biên tập viên văn hóa Stephanie Zacharek của Time. Theo sử gia Huê kỳ, ông J.L. Gaddis, cho rằng từ sau Đệ II Thế chiến là một nền «hòa bình lâu dài», không có một xung đột nào quan trọng giữa các cường quốc. Bạo lực trong xã hội của chúng ta cũng không còn đáng quan tâm cho lắm, và tuổi thọ của người dân các nước kéo dài đáng kể. Những tiến bộ y khoa đã cải thiện đời sống của chúng ta rất nhiều, giúp chúng ta không còn bị quá đau đớn vì những bệnh tật như trước đây. Theo trang Web Human Progress, thập niên 2010 là những năm tốt đẹp nhứt cho nhơn loại, ít thảm họa và giàu có hơn bao giờ hết.

Sanh nhằm thời này có phải là may mắn không?
Nếu nhà báo của tuần báo Time đem năm 2020 so sánh với những năm vàng son gần đây mà nói năm nay là xấu, là khó khăn, thì đúng. Cứ đem năm 2020 so sánh với bất kỳ năm nào từ năm 1989 để kết luận rằng năm nay là thảm hại, thì có thể chấp nhận được.
Nhưng tại sao tác giả lại quên đi chính mình sanh ra trong thế hệ hiện tại?
Lớp trước, những người 70 tuổi, nếu là người Tàu, sẽ thấy kinh hoàng khi nhớ lại những năm 58-63, sau những «Bước Đại nhảy vọt», có hàng mươi triêu người chết đói và dẫn đến nạn ăn thịt người để sống. Lớp người này sau đó còn là nhơn chứng những vụ hành quyết dã man trong chiến dịch Cách mạng Văn hóa do Mao phát động rầm rộ.
Năm 2020, Huê kỳ bị đám da đen nổi loạn, đập phá, đốt nhà cửa, nền dân chủ có xuống cấp, dịch Vũ hán hành hung, tất cả cũng chỉ mới xảy ra vào gần ngày bầu cử Tổng thống. Trước đó, suốt nhiều năm dài, kinh tế và xã hội Huê kỳ đã được cải thiên khá tốt, thất nghiệp còn lối 4%, đồng đô-la mạnh lên... thì có thể cho rằng năm rồi là năm xấu nhứt trong những năm trước đó.
Xưa nay, chơn trời tâm lý của người Huê kỳ chỉ dừng lại ở biên giới xứ Huê kỳ mà họ tưởng là thế giới bên ngoài. Trước thảm nạn đại dịch Vũ hán, dân Huê kỳ hoang mang và lo sợ. Nhiều người quên rằng dịch Vũ hán tàn phá nước phát triển mạnh hơn những nước nghèo như Phi châu, chẳng hạn. Nhưng nhịp nhàng theo tốc độ phát triển của dịch, những nhà khoa học cũng đã nhanh chóng tìm được phương tiện sớm chế ngự virus. Nhờ đó xã hội của chúng ta sẽ sớm phục hồi sau thảm họa này.
Năm 2020 nếu thật sự là năm khó khăn, thiết nghĩ nó cũng không bằng những năm khó khăn hơn hết trong 5 thập niên trước đây!
 
Nguyễn thị Cỏ May
 

Đăng ngày 04 tháng 01.2021