Bất chiến tự nhiên thành

Nguyễn thị Cỏ May

«Ba đồng một mớ đàn ông
Đem bỏ vào lồng cho kiến nó tha
Ba trăm một vị đàn bà
Đem về mà trải chiếu hoa cho ngồi» (Ca dao)

Có nhiều người giải thích sự bất bình đẳng giữa nam nữ trong bài hát thể hiện tinh thần phản kháng của nữ giói trong dân gian, chống lại cái trật tự gia đình và xã hội dưới chế độ quân chủ nho giáo «Nhứt nam viết hũu, thập nữ viết vô» .
Đến cuối thế kỷ XIX, nền học thuật theo Tống Nho thật sự chấm dứt, nhường chỗ cho chế độ Tây học, với chữ quốc ngữ phổ biến trên cả nước, thì địa vị người phụ nữ chẳng những được phục hồi mà còn có bề thế uu đãi. Phải biết trọng phụ nữ hay «nịnh đầm» là nét văn minh mới du nhập vào từng lớp thị dân và Tây học. Nhưng đà văn minh này không chỉ dừng ở đó, mà nó từng bước thay đổi hẳn thân phận người đàn ông. Không phải bình đẳng Nam Nữ, mà địa vị người đàn ông tuột xuống hàng chót, tức không còn hạng nào nữa hết.
Ở Pháp, xứ của văn minh «nịnh đầm», thì trong gia đình, công việc hằng ngày lo đời sống gia đình được phân chia đồng đều giữa vợ và chồng. Đó là phước đức cho ngài đàn ông. Vì thường, đàn ông phải lãnh những công việc phức tạp và mất nhiều thì giờ hơn. Khi đàn ông thất nghiệp thì thân phận của chàng không khác gì một chị ở. Có khi còn tệ hơn!
Đã vậy, khi bực mình gây nhau, chị vợ kêu cảnh sát, bảo anh chồng muốn hành hung. Lập tức, cảnh sát đưa anh chồng về bót. Lập biên bản. Và cũng để cô lập kẻ nguy hiểm. Khi cảnh sát cho về, vợ không cho vô nhà. Thân phận đàn ông bắt đầu thấm thía thật sự. Có tiền ở Hotel. Không tiền, không có một hội, một tổ chức xã hội nào giúp đỡ. Cho tới nay, chỉ có hội phụ nữ, hội bảo vệ nữ quyền. Chánh quyền cũng tổ chức những chỗ đón tiếp phụ nữ, cung cấp chỗ ngủ, bữa ăn, áo quần, giúp giải quyết khó khăn bất ngờ cho phụ nữ. Đàn ông chưa có. Hay không bao giờ có!
Nghe nói ở Huê kỳ, nấc thang giá trị xã hội được xếp: trẻ con và người già, phụ nữ, chó mèo, rồi mới tới đàn ông!
Có lẽ điều này đúng nên gần đây, ở Huê kỳ mới vừa xuất hiện quyển sách bán chạy hơn tôm tươi «The Surrendered Wife» của bà Laura Doyle?  Bestseller liền được Jean-Pierre Ricard dịch ra tiếng Pháp dưới tựa vô cùng hấp dẫn «Các bà đầu hàng» (Les femmes soumises - Các bà khuất phục).
Một trái bom nguyên tử nổ! Bởi xưa nay, thử hỏi có một người đàn ông nào dám vổ ngực nói lớn tôi là người chưa hề bị đàn bà xài xể? Các bà luôn luôn cho rằng đàn ông là người hung bạo, lười biếng, vô cảm, vô trách nhiệm, bất lực…
Thì nay quyển sách «The Surrendered Wife» của bà Laura Doyle đã làm cho người đàn ông cảm thấy đúng mình xứng đáng là đàn ông.



Bất chiến tự nhiên thành
Huê kỳ và thế giới đều biết cuộc diễn hành vĩ đại của phụ nữ ngay sau khi Donald Trump thắng cử, bà Laura Doyle, nhà tâm lý học Huê kỳ, liền lên tiếng kêu gọi đình chiến, chấm dứt ngay trận chiến Nam Nữ.
Lịch sử nữ quyền chỉ mới bắt đầu ở Pháp từ thế kỷ XX. Tới giữa thế kỷ XX, người phụ nữ Pháp mới có quyền bầu cử, mới có quyền đi làm việc mà không cần giấy cho phép của chồng, mới có quyền đứng tên chương mục ngân hàng.
Nay, điều kỳ lạ là bà Laura Doyle đi khắp nước Mỹ để vận động cho Câu lạc bộ «Những ngưởi phụ nữ đầu hàng» của bà.  Trong lúc vận động, bà Laura Doyle không quên phổ biến một cẩm nang để giúp các ông chồng trước giờ quá ê càng bà vợ của mình, nay thấy có thể yêu bà ấy trở lại.  Quyển sách «The Surrendered Wife» liền đó vượt Đại dương qua Pháp phổ biến giúp khôi phục lại địa vị đàn ông và đồng thời hàn gắn bao nhiêu gia đình sắp đổ vỡ.
Trong suốt nhiều năm dài, người chồng bị hạ bệ. Đời sống vợ chồng lâm nguy. Nay bà tìm cách giúp cải thiện. Bà sẵn lòng giúp người phụ nữ tìm thấy lý đo đẹp là chịu khuất phục chồng.
Bà không làm điều gì mới lạ hay phi thường. Bà chỉ vui vẻ, có khi khôi hài, khuyên vợ chồng hãy trở về với những giá trị truyền thống: «Anh, Đàn ông, anh hãy quyết định». Em, Đàn bà, em sẽ bảo  «Em theo ý của anh». Nghĩa là tốt nhứt, để giữ chồng, các bà luôn luôn biết nói «Amen» trong mọi trường hợp, trong mọi việc!
Và điều cực kỳ hệ trọng trong đời sống vợ chồng là phải «yêu nhau» một lần mỗi tuần, mặc dầu các bà không cảm thấy thích đi nữa.
Các bà đừng bao giờ lấy sáng kiến, mặc dầu mình có đầy sáng kiến tuyệt vời đi nữa. Các bà hãy giao cho chồng ngân sách gia đình. Như đừng thèm làm GPS. Cứ để cho anh ta lạc đường hoặc sụp ổ gà vài lần cho ê càng.

Bà Laura Doyle nhiều lúc đưa ra những lời hướng dẫn trái ngược với chủ thuyết nữ quyền nhưng đồng thời, nó lại làm cho người đàn ông suy nghĩ và vụt thấy nền tảng gia đình không vững, tự nhiên họ sẽ hỏi tại sao mình cư xử như vậy?
Đôi khi trong việc hướng dẫn các bà trong Câu lạc bô, bà Laura Doyle giải thích ngay trong việc lựa chọn mua quần áo, cứ để cho hắn tự do chọn lựa cho hắn. Như vậy, mình cư xử với hắn là người lớn, người trưởng thành. Chớ không phải như một thiếu niên cần sự hướng dẫn. Đừng quên đàn ông có tự ái lớn tự cho mình là ngon lành từ lúc còn con nít. Chị em mình nên biết từ khước sử dụng khả năng nhạy cảm vượt trội của phụ nữ mà nên thấy mình có ý muốn làm vui lòng anh chồng. Nếu chị em mình cứ để các anh chàng có trách nhiệm, chắc chắn chúng ta sẽ ngạc nhiên vì sẽ có nhiều điều hay bất ngờ.
Ở Pháp, trước phong trào nữ quyền Femen (những phụ nữ thoát y biểu tình xông vào Nhà Thờ Đức Bà Paris, xông vào Vatican), một nhóm đông phụ nữ Pháp, mặc y phục trắng, biểu tình, kêu gọi hãy tôn trọng lý thuyết «Đàn ông và Đàn bà là sự bổ túc cho nhau» như là chơn lý. Vì nếu chỉ có đàn ông hoặc đàn bà mà thôi thì vũ trụ sẽ đi đến tự hủy diệt.
Và thiên chức của đàn bà là hướng về sự sống, sự tồn tại. Nói cách khác, đàn bà không có chọn lựa nào khác hơn là làm mẹ.

Phải thừa nhận quyển «The Surrendered Wife» của bà Laura Doyle dám đưa ra những ý tưởng ngược trào luu và quá táo bạo đã không tránh khỏi làm cho nhiều người, cả đàn ông, phải sửng sốt và bàng hoàng.
Báo chí và các đài truyền hình ở Huê Kỳ đều hết lời ca tụng tác phẩm của bà. Tuy nhiên vẫn không tránh khỏi rất nhiều người, đặc biệt là giới nữ quyền, đả kích và chống đối kịch liệt.
Còn các ông nghe thông tin xong, vổ trán, xoa tay, không dám tin ngay đây là thực tế. Chẳng lẽ, bỗng một hôm, lại xảy ra sự thật chấm dứt cảnh vợ xỏ mủi chồng dẫn đi hay sao?
Cuốn sách chính là bản thân tác giả. Từ vai trò một người phụ nữ cấp tiến, quậy phá, thứ bà chằn lửa, chỉ huy, kiểm soát, khống chế, sai khiến chồng thẳng tay, xem chồng như tấm thảm chùi chân ngoài ngạch cửa, nay thì Laura Doyle bổng trở thành một người ăn năn hối cải như chính bà đã tự nhìn nhận (féministe et emmerdeuse répentie).
Đúng vậy.Tác giả đã hồi tâm và đã "ngộ" ra là mình cần phải thay đổi cách cư xử với chồng mới khỏi đi đến chỗ đổ vỡ hạnh phúc gia đình.
Bà thú nhận là từ khi lấy chồng lúc 22 tuổi, bà không ngớt ra lệnh, gắt gỏng, nói xỏ xiên, bươi móc chuyện nhỏ nhặt, hạ nhục chồng về bất cứ mọi sơ xuất, xem chồng như một đứa con nít cần phải bộp tai, đá đít để dạy dỗ nếu ông ta làm không đúng như ý bà muốn.
Nhưng càng ngày ông chồng càng có khuynh hướng tách rời ra xa bà. Vợ chồng mất dần đi sự đồng cảm của buổi ban đầu. Tình yêu phai lợt. Cay đắng chán chường chồng chất thêm lên mãi, từ cả hai phía. Viễn ảnh ly dị đang trở thành thực tế không còn xa...
Để cứu vãn tình trạng sắp đổ vỡ, bà cố tìm hiểu, học hỏi kinh nghiệm từ những cặp vợ chồng thật sự gắn bó yêu thương nhau và đang có cuộc sống hạnh phúc. Bà rút tỉa ra những kinh nghiệm quý báu của họ và đem áp dụng cho trường hợp của bà.
Lạ thay, sau một thời gian ngắn, ông chồng của bà ngày càng trở nên vui vẻ trở lại, tự tin hơn và bắt đầu quan tâm đến trách nhiệm gia đình. Phần bà thì cũng cảm thấy thanh thản, hạnh phúc hơn xưa nhiều.
Tình yêu vợ chồng đã được hàn gắn nhờ bà đã biết thay đổi tư duy, thái độ và cách ứng xử với chồng.
Chơn lý của đời sống gia đình không gì khác hơn là phải tự mình thay đổi chính bản thân mình chớ không phải mong đợi sự thay đổi ở phía người khác.
Bà đã trở nên một «người đàn bà đầu hàng» tuyệt đẹp! Bà quyết định đem chia sẻ kinh nghiệm của mình với các chị em phụ nữ qua tác phẩm «The Surrendered Wife».
Lời sau cùng của Cỏ May tôi « Chị em nào chưa đọc, nên đi mua ngay về đọc, học luôn thuộc lòng, để ở đầu giường, kịp xua đuổi con sư tử thoát ra khỏi người của mình».
Nguyễn thị Cỏ May



Laura Doyle - Người vợ quy hàng

baomai.blogspot.com

Người ta tự hỏi phải chăng cuộc chiến nam nữ bình quyền dây dưa từ mấy chục năm qua đã tới một khúc quanh mới, một thời kỳ hưu chiến tại Hoa Kỳ.
Bước vào đầu thế kỷ XXI, Laura Doyle, một nữ quyền féminist sống tại Nam California và đồng thời cũng là một nhà tâm lý học đã tung ra một quyển sách độc đáo bàn về cách bảo vệ hạnh phúc trong cuộc sống vợ chồng.
Đó là tác phẩm The Surrendered Wife (Người vợ quy hàng) đã trở thành một loại sách bán chạy nhất bestseller ngay lập tức với số bán 100000 quyển chỉ trong tháng đầu tiên.
The Surrendered Wife đã được dịch ra Pháp ngữ với tựa đề là Femmes Soumises (First Editions 2001)

Laura Doyle có lội ngược dòng không?

Chấm dứt giai đoạn thống trị, vợ chúa chồng tôi, xỏ mũi chồng kéo đi? Laura Doyle đề cao sự quay trở về nguồn với những giá trị đạo đức ngày xưa trong đời sống lứa đôi. Chồng là người chỉ huy và vợ là người tuân hành.



Laura Doyle trả lời thắc mắc của độc giả    

1- Minyanga Nikhoma, Malawi
Đây là một điều sỉ nhục đối với phụ nữ và rất đáng tiếc là nó lại đến từ một người đàn bà. Laura có được hạnh phúc làm tấm thảm chùi chân cho chồng hay không?
Laura Doyle: Cô ta chưa có đọc quyển sách. Rõ ràng đây là những lời trách móc tôi thường nhận được từ những người chỉ mới có nghe đến cái tựa sách mà đã đoan quyết nội dung là gì rồi. Chả có gì là tấm thảm chùi chân cũng như phải quy phục chồng mình. Quy hàng chỉ có nghĩa là mình nhìn nhận người mà mình có thể thay đổi được chính là mình.

2- R. Hawes, UK
Triết lý của Laura Doyle có khuynh hướng giúp người đàn ông lạm dụng ngưòi đàn bà trên khía cạnh tình cảm, xã hội, chính trị và tài chánh.
Laura Doyle: Vấn đề trên có thể đúng nếu những người đàn bà như chúng ta trở thành những thảm chùi chân, nhưng không đúng trong trường hợp họ quy hàng. Đây không phải là việc để ông chồng kiểm soát mình nhưng thật sự ra là chính chúng ta phải ngưng ngay hành động mình kiểm soát ổng.
Trong phần đầu của quyển sách tôi có đề cập đến ba hạng đàn ông chúng ta không nên quy hàng mà cần phải chọn giải pháp ly dị. Đó là những người chồng võ phu, người nghiện xì ke ma túy, rượu chè, cờ bạc và những người không chung thủy.

3- Độc giả
Tôi có cảm tưởng là quyển sách viết cho những người đàn bà có sức mạnh tinh thần chớ không phải dành cho những bà có tinh thần yếu đuối dễ e thẹn. Vậy chúng ta đừng nên lấn áp ông xã mình.
Laura Doyle: Đúng vậy. Chúng ta hãy ngưng sự tập trung vào người chồng và nên từ bỏ ảo tưởng là mình có thể kiểm soát được ông ta, nhưng ngược lại mình phải tự vấn lòng; mình muốn gì, cảm giác của mình thế nào, ý kiến của mình ra sao? Làm được những điều đó có nghĩa là chính mình đang bắt đầu nhận trách nhiệm về hạnh phúc của mình.

4- Độc giả
Phải chăng Laura Doyle viết quyển sách đó tại vì bà là một người phụ nữ mạnh về tinh thần.
Laura Doyle: Khi mới lấy nhau, tôi có thói quen thường xuyên kiểm soát chồng tôi một cách gắt gao. Bắt đầu từ một cặp vợ chồng trẻ tràn đầy hạnh phúc lúc vừa mới cưới nhau để rồi 4 năm sau đó phải đứng trên bờ vực thẳm của viễn ảnh ly dị. Nhưng tôi quyết tâm làm mọi cách để cứu vãn hạnh phúc gia đình mình.    
Thế là tôi đọc sách, nói chuyện với các bà các chị nào đang thật sự hưởng hạnh phúc gia đình và tôi cũng có theo những khóa tâm lý trị liệu. Kết quả, là tôi đã cứu vãn được hạnh phúc của mình.
Tôi bèn đem trường hợp của tôi để viết thành sách hầu chia sẻ và giúp các bạn gái.

5- Johanne, Canada
Đàn bà không thể bằng đàn ông được. Chị em chúng ta có điểm mạnh và cũng có điểm yếu, mấy ổng cũng vậy. Tại sao lại cần phải biến đàn bà ra thành đàn ông? Tại sao chúng ta không cứ vui vẻ an phận trong điều kiện dị biệt và sống với nhau trong sự hài hòa?
Laura Doyle: Đúng vậy. Tôi hoàn toàn tán đồng với ý kiến trên. Tôi rất mãn nguyện mà nhìn nhận có sự khác biệt giữa đàn ông và đàn bà. Tôi rất yêu thích quyển " Men are from Mars and Women are from Venus" của John Gray. Nó giúp cho chúng ta biết rằng đàn ông và đàn bà có những sức mạnh khác nhau. Chúng ta có thể hân hoan mà chấp nhận.



6- Độc giả
Sử dụng chữ "Surrender" (quy hàng) tạo nên một cảm giác quá tiêu cực. Nó gợi cho chúng ta hình ảnh một tấm thảm chùi chân- nằm đó và chỉ biết quy hàng mà thôi.
Laura Doyle: Tôi không phải là người đầu tiên sử dụng chữ Surrender trong bối cảnh tương tợ. Marian Williamson, Sister Wendy Beckett và Carl Jung và rất nhiều tác giả khá cũng đã từng sử dụng chữ Surrender rồi. Họ nói Quy hàng là điều chúng ta bị bắt buộc phải làm mỗi ngày. Chẳng hạn như trong trường hợp bị kẹt xe trong dòng lưu thông. Chúng ta không thể làm gì khác hơn được. Muốn xe mình đi mau hơn cũng không được, bóp kèn inh ỏi, la hét, chửi bới người khác cũng vô ích, không thay đổi được gì. Chi bằng dùng thời gian đó mở nhạc ra nghe, nghe đọc truyện thì tốt hơn.

7- Jenny W, UK
Phải chăng nhóm nữ quyền (feminist) và nhóm quy hàng (surrender) là hai thái cực tương phản nhau. Có thể nào có một nhóm trung gian không?
Laura Doyle: Tôi là một nữ quyền đồng thời cũng là một người chủ trương cho thuyết người vợ quy hàng nhưng tôi không cho là cả hai nhóm đều là cực đoan. Tôi không nghĩ rằng khi mình cho người phụ nữ một sự lựa chọn, đó là cực đoan. Họ có quyền lựa chọn việc đi làm toàn thời gian, bán thời gian, lập gia đình, không lập gia đình, cưới nhau, không cưới nhau hoặc một sự pha trộn nào đó giữa các cách vừa kể. Tôi không nghĩ quy hàng là cực đoan. Đó chỉ là một khái niệm tinh thần nhìn nhận giới hạn riêng của mình, cho biết có một vài sự việc chúng ta không thể nào sửa đổi được và đó có thể là điều tốt đẹp cho chính mình.

8- Kathy B, USA
Tôi đã quy hàng trong vòng 6 năm. Đó là một sư sai lầm to lớn của tôi. Tôi sẽ không bao giờ làm thế nữa.
Laura Doyle: Tôi đoan chắc là bà ta đã không thực hiện được đúng y những gì tôi đã làm lúc trước. Có tất cả năm nguyên tắc căn bản để quy hàng: đầu tiên là mình từ bỏ việc kiểm soát đời sống của chồng, tôn trọng các quyết định của ông ta trong cách sống, mình phải biết thực hiện việc săn sóc cá nhân mình cho tốt đẹp- có nghĩa là trong ngày mình cần phải có ít nhất ba việc giải trí, mình cần phải biết nhận lời khen tặng và cuối cùng mình cũng nên áp dụng cách tỏ bày sự biết ơn những gì chồng mình đã làm cho mình.

9- Độc giả
Tôi hy vọng ông xã sẽ đối xử mình y như mình đã cư xử với ông ta.
Laura Doyle: Chắc chắn là vậy rồi. Người ta thường đáp lễ lại mình theo cách mình đã cư xử với họ. Trong tiệm, người bán hàng sẽ đáp lại bạn một cách lễ độ và ân cần nếu bạn cũng đã lễ độ với họ trước đó. Bởi vậy, tôi hy vọng là chúng ta có rất nhiều khả năng để tạo nên sự hòa bình và yên vui trong chính tổ ấm của mình.

10- Lesley, USA
Vậy có thể có The Surrendered Husband (Người chồng quy hàng) không?
Laura Doyle: Tôi chỉ có thể viết lên những kinh nghiệm bản thân, của chính mình và của cả hằng ngàn người phụ nữ đã tham dự các khóa học, trong các workshop Surrendered Wife mà thôi.
Theo nhãn quan của một người vợ tôi không có kinh nghiệm của một người chồng nên không thể nào viết ra được hết các vấn đề của một người chồng quy hàng Surrendered Husband.
Nên nhớ rằng, cho dù có người viết ra tác phẩm người chồng quy hàng đi nữa thì các chị cũng không thể nào ép buộc ổng đọc được hay bắt các ổng thực hiện được những lời chỉ dẫn trong sách, nhưng các chị có thể tự mình thay đổi chính con người mình.

baomai.blogspot.com



Đăng ngày 13 tháng 12.2021