30/04: Ân hận một thời Trường Sơn
Nguyễn thị Cỏ May
Nhà văn Bùi Ngọc Tấn
Tới nay, sau 40 năm, vẫn còn không ít người Việt Nam, cả ở hải ngoại, dân HO nữa, khi nhắc lại một cái mốc thời gian, không thấy ngại dùng tiếng ”giải phóng” hay gọi nhà cầm quyền cộng sản ở Việt Nam là “cách mạng”. Thậm chí có khi tự nhận mình là “ngụy” không hề mặc cảm. Thế mới thấy tác dụng ghê gớm của sức mạnh ngôn ngữ và ảnh hưởng của tuyên truyền chánh trị.
Nhưng “giải phớng” và ”cách mạng”, chỉ ít lâu sau ngày 30/04, bị ngay thực tế xã hội định nghĩa lại chính xác, đúng nghĩa thật của nó.
Hơn ai hết, chính lớp tuổi trẻ ở Miền Bắc bị đảng cộng sản lùa vượt Trường Sơn vào Nam làm chiến tranh giải phóng định nghĩa lại “giải phóng” và “cách mạng” bằng thực tế cuộc sống của bản thân mình sau ngày 30/04/75. "Chị Trung Sĩ", tựa và nhơn vật trong truyện ngắn của nhà văn Bùi Ngọc Tấn là điển hình để phơi bày bản chất cộng sản khi nắm quyền.
Vài hàng về nhà văn Bùi Ngọc Tấn
Cỏ May viết vài hàng về tác giả truyện Trung Sĩ để tưởng niệm nhà văn mới qua đời ngày 18/12/2014, sau những năm tháng chống chọi với bệnh ung thư, đã ghé qua thăm thành phố nhỏ Roissy en Brie ở ngoại ô Paris cùng với bà Hoàng Minh Chính nhân chuyến hai người đi một vòng ngắn Âu châu, trước khi Ông Hoàng Minh Chính đi qua Mỹ chữa bịnh.
Hôm ấy, Bùi Ngọc Tấn ít nói. Người rất khiêm tốn và dễ gây thiện cảm.
Ông vào làng báo khi theo đội Thanh niên Xung phong tiếp quản Hà Nội tháng 10/1954 với vai trò phóng viên cho tờ Tiền Phong. Ông viết văn dưới tên khác để tránh cái lệnh cấm nhà báo không được viết truyện.
Cái dễ thương ở ông là viết, muốn được viết phải né tránh nhưng vẫn giữ khoảng cách với hàng ngũ “nhà văn cung đình”.
Ông xin chuyển về quê quán Hải phòng, với “ước mong thâm nhập công nông để viết được tác phẩm của đời mình”.
Tháng 11/1968, Bùi Ngọc Tấn bị ở tù về tội “tuyên truyền phản cách mạng” trong vụ án “nhóm xét lại chống đảng, làm tay sai cho nước ngoài”. Và tác phẩm dự định viết chưa viết được. Bùi Ngọc Tấn chưa bao giờ là đảng viên đảng cộng sản ở Hà Nội. Ông cũng chưa hề biết cái tội mà ông bị tù.
Đến khi Hiệp định Paris kết thúc chiến tranh ở Việt Nam ký kết, ông được nhà cầm quyền ở Hà Nội trả tự do. Nhưng ra tù, ông lại rùng mình ghê sợ hơn lúc ở tù:
“Ông làm nghề bốc vác, kéo xe bò để sống qua ngày… Ông phát hiện một điều: tất cả những người trên đường không một ai cười. Giống nhau. Xam xám. Đăm chìêu. Đồng phục quần áo. Đồng phục mặt người….
Các ông ấy bần cùng hóa nhân dân ghê quá” . Người bạn của ông bảo “Cuộc sống này gần với cuộc sống loài vật. Đâu phải cuộc sống con người”.
Bùi Ngọc Tấn vất vả tận cùng để kiếm cơm áo nhưng không khổ bằng bị công an theo dõi, cách ly, dọa nạt, tra hỏi dưới nhiều hình thức mọi lúc khi cần, làm cho ông bị ám ảnh như có một người vô hình bám sát ông, cả khi ngủ.
Năm 2012, tại Paris, truyện “Biển và Chim bói cá” của Bùi Ngọc Tấn được Festival Livre et Mer phát giải thưởng. Nhân dịp này, Ông François Bourgeon, kịch sĩ và nhà văn, người sáng lập giải thưởng, nói về Bùi Ngọc Tấn:
“Từ khi lập ra giải thưởng này, tác phẩm của Bùi Ngọc Tấn đã làm chúng tôi thỏa mãn. Tác giả là người Việt nam. Ông tặng cho chúng ta một tác phẩm nhân bản… Bùi Ngọc Tấn biết cái giá của tự do…” (Bùi Ngọc Tấn, Hậu Chuyện Kể Năm 2000 , NXB Tiếng Quê Hương , Virginia , USA 2004).
Trung sĩ Lan Anh
Trong truyện này, Bùi Ngọc Tấn viết về cuộc đời của Trung sĩ Lan Anh, một phụ nữ trẻ đẹp ở Hà Nội, theo lệnh đảng cộng sản, vượt Trường Sơn vào miền Nam làm chiến tranh cách mạng để giải phóng đồng bào miền Nam thoát khỏi Mỹ Ngụy kìm kẹp, không đủ cơm ăn, áo mặc. Sau ngày 30/04/75, hết chiến tranh, đất nước thống nhứt dưới chế độ xã hội chủ nghĩa, Lan Anh tìm được việc làm “bốc dỡ cá”. Vìệc làm vất vả vì phải làm việc trong hầm lạnh và nặng nhọc. Nhưng có việc làm vẫn hơn thất nghiệp như bao nhiêu người khác.
Làm việc được hơn bảy năm, cơ sở đánh cá dẹp tiệm vì tàu hư, biển hết cá. Cơ quan giải tán. Mọi người từ sếp tới công nhân đều được vứt hết ra vỉa hè, tự do đi tìm việc làm khác.
Lan Anh tìm được vìệc làm trong một nhà hàng ăn sang trọng. Làm tiếp viên (làm điếm trá hình).
Một hôm, Lan Anh gặp lại người bạn thân cũ lúc ở Trường Sơn. Anh này làm tài xế đưa sếp và khách của sếp tới đây để đãi đằng theo tập quán làm ăn kinh doanh của thời mở cửa. Hai người bạn cũ xa cách nhau lâu ngày, nay tình cờ gặp lại nên mừng rỡ vô cùng. Lan Anh tự nhiên nắm tay người bạn. Và cũng một phần do phản ứng tự nhiên của nghề nghiệp khi tiếp khách. Nhưng, Lan Anh vội buông tay bạn ra, thụt lùi lại và biến mất khi bạn kêu “Trung sĩ”, tên gọi thân mật lúc ở Trường Sơn và cũng là cấp bực trong quân đội nhân dân của Lan Anh.
Vài phút sau, Lan Anh trở ra với áo đầm mỏng, không tay, tiến tới người bạn cũ:
“Khi nãy, anh gọi em Trung sĩ làm cho em xấu hổ quá. Em phải đi thay đồ, bỏ chiếc quần bò đi để trông cho hết ngố”.
Từ lâu lắm rồi, không có ai gọi Lan Anh theo cấp bực trong quân đội. Nay bạn cũ gọi làm cho nàng giựt mình, nghĩ cách ăn mặc giống như bộ đội cách mạng của mình trước đây là ngố, là nhà quê thô kệch. Xấu hổ lắm.
Cũng chính anh bạn này, ngày Sài gòn được “giải phóng”, đã chở Lan Anh và các cô bạn của Lan Anh từ Trường Sơn ra trên một đoạn đường dài tới quốc lộ.
Ngồi trên xe, mọi người trố mắt nhìn nhà cửa, xe cộ ngược xuôi… Các cô y tá, hộ lý ấy như bay lên. Không phải họ đang ngồi trên xe nữa, mà bay lên tận trời xanh kia kìa. Ai mà không thấy ngay trước mắt mình, cả một thiên đàng đang mở cửa đón chào.
Các cô xúm lại, ùa vào một “cửa hàng mỹ phẩm”, thật ra chỉ là một quán tạp hóa bên đường, bày bán đủ thứ từ bánh kẹo, quần áo may sẵn, ít son phấn, nước hoa rẻ tiền, xà bông thơm của Mỹ như Cadum, Camay, Dove, quần áo lót phụ nữ… Mắt các cô sáng lên. Lần đầu tiên từ ngày rời Hà Nội, nay mọi người mới trông thấy những thứ lộng lẫy, sang trọng đó. Trước đây, những thứ này, trong mơ, cũng không thể hình dung ra được nữa.
Giờ đây, các cô có ai còn đủ can đảm, còn đủ phẩm chất cách mạng để nhớ lại những ngày ở Trường Sơn, săn sóc thương binh, chôn cất bao nhiêu đồng chí hi sinh cho chiến tranh giải phóng đồng bào miền Nam?
Làm nghề hoàn toàn lương thiện, trong sạch
Lan Anh làm tiếp viên trong một nhà hàng sang. Cùng với một nhóm trẻ mười tám hai mươi. Lan Anh lớn tuổi, đáng má của nhóm đồng nghiệp nhưng cô nàng vẫn kiếm tiền được. Ngoài khách hàng là cán bộ cao cấp nhiều tiền tới chọn tìếp viên trẻ, còn có ít khách hàng lớn tuổi. Những người này chọn Lan Anh vì các cô trẻ đáng tuổi cháu, có gọi “anh” ngọt xớt, có âu yếm, cũng chỉ gượng ép, không thể tự nhiên được. Vả lại, tuổi ngoài bốn mươi nhưng Lan Anh còn giữ được gương mặt dễ coi và thân hình khá quyến rũ. Cô vẫn thường ân hận phải chi còn được cái tuổi hai mươi như lúc ở Trường Sơn!
Biết người bạn cũ nghĩ xa xôi về mình, Lan Anh nắm tay bạn và nói, giọng chắc nịch:
“Anh muốn nghĩ về em thế nào thì nghĩ. Em không làm việc gì xấu. Em không ăn cắp, không tham nhũng, không lấy tiền của nhân dân về xây biệt thự. Em chỉ đem bản thân của em ra kiếm sống. Nếu em chết đi ở Trường Sơn như bao nhiêu người khác thì cũng chẳng còn cái thân này để nay đem ra bán kiếm sống và nuôi con ăn học…”.
Như nhau cả
Lan Anh hỏi người bạn tuần tới có đi về Hà nội không để xin quá giang cùng xe . Anh bạn của Lan Anh cho biết có đi, chở ông Giám đốc đi Hà Nội nhưng ông này rất kỵ xe chở phụ nữ và ông đi cùng xe với phụ nữ. Lan Anh không tin có người làm Giám đốc mà lại như vậy. Bạn của cô phải giải thích thêm. Ông này người gầy gò, khắc khổ, nói sa sả, mắng chửi cán bộ vuốt mặt không kịp. Không bia rượu, không thuốc lá, không nhà hàng. Nhứt là không gái, không biết tiếp viên là gì. Tiếp khách, là chỉ cử sếp phó đi. Lúc nào cũng nói đến công việc, nói đến xí nghiệp. Bạn của Lan Anh cố giải thích để Lan Anh hiểu mà đừng nài nỉ xin đi theo xe về Hà Nội. Nhưng Lan Anh, với kinh nghiệm sống dày dặn, không nghe và còn lớn tiếng trả lời:
“Chúng nó như nhau cả. Như nhau… Những thứ bề ngoài như vậy mới là cực gian, cực ác!”.
Lan Anh nói với bạn là cô ta ly dị vì chồng nghiện ngập… Nhưng thật ra, Lan Anh đã thôi chồng vì chọn nghề này mà chồng không đồng ý. Sau khi xí nghiệp cá dẹp tiệm vì biển hết cá, Lan Anh phải xoay sở nuôi gia đình 4 miệng ăn, con trai đi học khá tốn kém.
Với người mẹ, đứa con là tài sản vô giá. Không có thứ gì có giá trị vượt qua đứa con được. Lan Anh làm tiếp viên nuôi bà mẹ già, đứa con trai đi học. Ai bảo là xấu?
Lan Anh là tiếp viên, xã hội thừa nhận. Nhưng những cán bộ đảng viên không phải là thứ “tiếp viên” theo một ý nghĩa nào đó sao?
Người đọc truyện Trung Sĩ của Bùi Ngọc Tấn (Truyện ngắn, NXB Hải Phòng 2003, các trang 227-246), ai có thể không suy nghĩ thêm về lời nhận xét: “Trong mỗi chúng ta ít nhiều đều mang chất tiếp viên”.
Chúng ta ở đây, tức cán bộ và đảng viên ở Vìệt Nam, những người đi làm cách mạng để giải phóng thân phận con người thoát khỏi đời sống bị giai cấp cường hào ác bá tư sản bóc lột, một khi có thừa tiền và cần hưởng thụ, họ đều mang trong mình ít nhiều chất “tiếp viên” ?
© Nguyễn thị Cỏ May
Nhà văn Bùi Ngọc Tấn qua đời
Tác giả "Chuyện kể năm 2000", nhà văn Bùi Ngọc Tấn, người được ví như Solzhenitsyn của Việt Nam, vừa qua đời vì ung thư phổi ở tuổi 81.
Thân hữu xác nhận ông đã qua đời sáng thứ Năm 18/12 tại nhà con trai mình ở TP Hải Phòng sau một thời gian bệnh nặng.
Bùi Ngọc Tấn sinh năm 1934 tại Thủy Nguyên, Hải Phòng. Ông bắt đầu sáng tác từ năm 1954.
Ông từng làm báo trong vai trò phóng viên báo Tiền Phong và biên tập viên báo Hải Phòng Kiến Thiết.
Tuy nhiên ông được biết nhiều trong vai trò một nhà văn.
Năm 2012, ông được trao giải thưởng Henri Queffélec tại liên hoan 'Sách và Biển' ở Pháp cho tác phẩm "Biển và chim bói cá".
Tác phẩm này, do nhà xuất bản Hội nhà văn ở trong nước và công ty Nhã Nam ấn hành lần đầu năm 2009, tái bản năm 2010, viết dựa trên những gì ông trải nghiệm trong khi làm việc tại một xí nghiệp thủy sản.
Ông còn nhiều tác phẩm được biết đến như tập truyện Những người rách việc, Rừng xưa xanh lá, Mùa cưới, Đêm tháng 10, Nhằm thẳng quân thù mà bắn, Nguyên Hồng thời đã mất, Một thời để mất, Một ngày dài đằng đẵng...
Solzhenitsyn của Việt Nam
Tuy nhiên tác phẩm gây chấn động nhất của Bùi Ngọc Tấn là "Chuyện kể năm 2000" viết về hệ thống lao tù XHCN ở trong nước. Các báo ở Việt Nam khi đưa tin về cái chết của ông đều không đề cập tới tác phẩm này.
Nhà văn bị tù từ 11/1968 đến 3/1973 với tội danh “Tuyên truyền phản cách mạng” trong vụ án "Xét lại chống Ðảng, làm tay sai cho nước ngoài”. Cùng tội danh này có các thân hữu của ông như nhà văn Vũ Thư Hiên, nhà điện ảnh Huy Vân, nhà báo Vũ Huy Cương, nhà báo Kỳ Vân...
Sau khi ra tù, ông phải làm nhiều công việc để nuôi sống bản thân và gia đình.
"Chuyện kể năm 2000" được Bùi Ngọc Tấn khởi viết từ cuối năm 1990 và tiếp tục hoàn chỉnh gần 10 năm cho tới khi có cơ hội ấn hành vào đầu năm 2000 nhưng vừa in xong đã bị thu gom để hủy.
Cuốn sách một thời gian bị cấm đoán ở trong nước dù chỉ ghi lại thực tế chốn lao tù qua con mắt của một tù nhân.
http://www.bbc.co.uk/vietnamese/
Bùi Ngọc Tấn, nhà văn của khoan dung
Mặc Lâm - RFA
Nhà văn Bùi Ngọc Tấn, tác giả tiểu thuyết "Chuyện kể năm 2000" vừa qua đời hôm 16 tháng 12.2014 vừa qua để lại cho người yêu mến văn chương cũng như tư cách của ông một sự thương tiếc không kể hết.
“Chuyện kể năm 2000”
Bùi Ngọc Tấn sinh năm 1934. Quê nhà văn ở làng Câu Tử Ngoại, xã Hợp Thành, huyện Thủy Nguyên, thành phố Hải Phòng. Ông bắt đầu viết văn viết báo từ 1954. Năm 1968 Bùi Ngọc Tấn bị tập trung cải tạo 5 năm trong vụ án Xét lại chống đảng. Khi bị bắt giữ, hơn một ngàn trang bản thảo của ông cũng bị tịch thu.
Chuyện Kể năm 2000 viết về một người tù mang tên Tuấn mô tả lại cách mà chính quyền Việt Nam trấn áp trí thức trong đó chính ông là nạn nhân viết lại với tư cách một nhân chứng.
"Chuyện kể năm 2000" được nhà xuất bản Thanh Niên ấn hành vào tháng Hai năm 2000 thì ngày 16 tháng Ba bộ Văn hóa -Thông tin đã ký quyết định đình chỉ, thu hồi và tiêu hủy.
Nhân vật có tên Nguyễn Văn Tuấn có thể là tác giả mà cũng có thể là của tất cả mọi tù nhân bị bắt, bị cải tạo vì các tội chống nhà nước, gián điệp, phản động…nói chung là không chấp nhận cái nhà nước muôn phần xinh đẹp và dân chủ này. Tuấn mang khuôn mặt của những rách nát tả tơi từ trong tù cho tới khi ra khỏi nhà tù. Anh ta là nghệ sĩ không được ngẩng cổ lên hót như chim mà bị buộc phải cúi đầu ho khan như một gã ho lao. Tuấn cũng là nhà văn nhà báo ngay cả nhà thơ…những ngòi viết không còn được cung cấp mực nên phải dùng máu của mình để viết trên những trang giấy mỏng tang giấu kín trong trại giam để một ngày nào đó cơ may cho chế độ đã đến và chúng phát giác, xé bỏ trấn áp ngòi viết ây bằng chính máu của anh ta.
Chuyện kể năm 2000 với những trang giấy trắng không có chữ mà chỉ có hình ảnh. Hình ảnh hiện lên như bóng ma, như ám ảnh của chế độ đè nặng lên tâm thức Việt Nam. Năm năm trong tù không dài nhưng qua ngòi bút Bùi Ngọc Tấn đã khiến nhân vật thành hình tượng và những hình tượng tưởng không còn là con người ấy vẫn cào cấu không ngừng đòi lại cái “chứng minh làm người” mà chế độ cố tình tịch thu, xé bỏ.
Chế độ không muốn cách mạng mặc dù chúng lớn mạnh từ cách mạng. Chế độ không muốn ai trở thành nổi bật hơn nó vì quyền lực không cho phép sự kính trọng hiện hữu trong lòng người dân. Kính trọng phải bị thủ tiêu và sự sợ hãi luôn là kim chỉ nam trong mọi lĩnh vực.
Chuyện kể năm 2000 không biết sợ hãi và vì vậy nó bị cấm in, cấm xuất bản. Nhưng cả thế giới vẫn biết tới nó và ca ngợi và ấp ủ và nghiền ngẫm nó. Nó được dịch nhiều thứ tiếng và được các chủng tộc khác với Việt Nam chia sẻ.
Nó được so sánh với Dostoevsky, với Solzhenitsyn và nhiều cây bút khác viết về nhà tù dưới chế độ cộng sản. Nhưng nếu để ý thì người tù ấy, thân phận ấy không bao giờ được ra khỏi nhà giam vì phía sau cánh cửa trại giam là cuộc sống bế tắc, đàn áp, đè nặng lên mỗi con người, nhất là con người vẫn còn mang số tù trong lý lịch.
Nhà phê bình văn học Phạm Xuân Nguyên nói về nhận xét của ông đối với Chuyện kể năm 2000:
“Thứ nhất đây là một cuốn tiểu thuyết. Nhà văn Bùi Ngọc Tấn viết tiểu thuyết chứ không phải tự truyện hay hồi ký mặc dầu nhân vật lấy từ chính cuộc đời của anh, 5 năm lao tù của anh nhưng là tiểu thuyết và do vậy kinh nghiệm cá nhân của Bùi Ngọc Tấn cộng với kinh nghiệm bạn tù và những kinh nghiệm quan sát của một nhà văn trong đời sống xã hội nó hun đúc lên thành hình tượng, thành nhân vật và do đó sức khái quát nó lớn hơn. Sức thuyết phục, tác động nó mạnh hơn.
Trong đám ma của ông hôm nay rất nhiều bạn bè văn chương cũng khẳng định như thế, đây là một tác phẩm có thể nói là một bước ngoặc của văn học Việt Nam. Một tác phẩm sẽ sống lâu và còn giúp cho mọi người đọc nó nhận biết thực tại đời sống xã hội Việt Nam trong 50 năm của nửa cuối thế kỷ 20.
Điều quan trọng nữa là tâm thế của Bùi Ngọc Tấn trong tác phẩm này cũng như các tác phẩm khác của anh từ khi anh trở lại văn đàn là một sự nhân hậu ấm áp. Nếu đã trải qua những năm tháng trong nhà tù khắc nghiệt như vậy mà có giọng hằn học, cay độc thì cũng là lẽ tất nhiên nhưng không, ông đã chọn nói về những sự thật đó, nói về những nỗi đau của con người, về những vấn đề xã hội nhân sinh bằng một giọng văn nhân hậu, ấm áp mà đọc vào khiến người ta xúc động và càng thấy sự chân thực toát lên và nhờ đó sự thật của đời sống của văn chương nó đạt được hiệu quả.
Thành công bởi sự trải nghiệm đau khổ
Nhà phê bình văn học Nguyễn Hoàng Đức đọc Chuyện kể năm 2000 với một góc nhìn khác mà theo ông tiểu thuyết vẫn chưa đạt tới đỉnh cao mà đáng ra nó phải có:
“Chuyện kể năm 2000 là sự thành công bởi sự trải nghiệm đau khổ mà trong đó có rất nhiều dư vị đắng cay của bất công. Sự trải nghiệm của trường đời. Học vấn của các nhà văn của chúng ta nó ít nhưng như anh Bùi Ngọc Tấn anh ấy có trường đời và như vậy anh ấy đã bức phá hơn rất nhiều nhà văn bình thường. Anh Bùi Ngọc Tấn bằng trải nghiệm đau khổ và bất công về công lý trong chính hoàn cảnh của anh ấy không được hưởng ánh sáng công lý khi bị đem xử. Anh đã lầm lũi sống như thế và khi ra tù anh có khả năng viết cao hơn nữa bằng cái nguyên liệu mà anh đã kiếm trong quá trình sống. Anh ấy đã hoàn toàn vượt lên cái sàn chung của hội nhà văn Việt Nam. Văn học Việt Nam chúng ta có cây có rừng mà không có cây lớn, chỉ sàn sàn giống nhau thì anh Bùi Ngọc Tấn vượt trội lên. Nhưng mà để vượt lên tầng cao của bầu trời văn học có triết học, công lý hay thần học như trong Anh em nhà Karamazov câu hỏi có Chúa hay không thì anh Bùi Ngọc Tấn cũng chưa vươn tới tầm cao ấy. Cũng giống như một loạt các nhà văn nổi tiếng của Việt Nam cũng chưa vươn tới bầu trời đấy
Tôi muốn nói tới tinh thần công lý mà anh ấy bị oan uổng và anh ấy trải qua trong những đầm đìa khổ sở, tù đày thì việc của ảnh là hoàn toàn tự sự. Mặc dù anh ấy nhìn thâm thúy nhưng vẫn trong nhà tù nó ở khác thân thể anh ấy. Theo tôi anh không nhân cái việc thiếu công lý của anh ấy ra toàn xã hội.”
Nhà văn Bùi Ngọc Tấn, với tính điềm đạm cố hữu, trong một lần trả lời phỏng vấn của chúng tôi ông cho biết:
“Câu chuyện nó báo hiệu cái tình trạng mất dân chủ, tình trạng đàn áp, tình trạng bất công với những người lương thiện kiểu như tôi. Quyển đó nó chỉ nói một cái tiền đề về tình trạng mất dân chủ, tình trạng ức hiếp quần chúng hoặc ở dạng này dạng khác.
Tôi cho rằng trong tiểu thuyết của tôi tôi đã đề cập những vấn đề cơ bản để hiểu được cái trật tự xã hội này. Trong văn chương cái chủ yếu thân phận con người nó khác với báo chí. Cũng như thân phận của cô Kiều Nguyễn Du đã nói một gốc gác như thế để cho bây giờ chúng ta thương cảm gốc gác của nàng.
Tôi tiếc mình già rồi, bệnh tật lại lạc hậu nữa. Vài năm nay tôi không đi đâu cả cho nên nhiều lúc cũng nổi nóng giá mà thế này giá mà thế kia...thế hệ chúng tôi vốn còn cái gì thì viết cái đó thôi.”
Chuyện kể năm 2000 tuy sáng giá và nổi tiếng nhưng những người biết và cận kề hay có dịp đến với tác giả của nó sẽ ngạc nhiên hơn vì tính cách của ông, một tính cách nhân hậu, bao dung và thuyết phục người khác bằng trái tim của ông. Nữ diễn viên điện ảnh, đạo diễn sân khấu Kim Chi cho biết sự yêu mến của bà đối với nhà văn Bùi Ngọc Tấn:
“Chuyện kể năm 2000 anh đã mở mắt cho nhiều người nhìn thấy biết sự thật. Với giọng văn tưng tửng, không chửi rủa mà anh cứ kể và người đọc cứ cảm nhận. Tôi đọc đi đọc lại Chuyện kể năm 2000 hai ba lần.
Mới giây phút đầu tiên tôi làm quen vợ chồng anh nhưng mà có cảm giác thân thiết tự bao giờ, rất là lạ. Tôi không nghĩ là năm nay anh lại ra đi cho nên đối với tôi là một hụt hẫng mất mát. Chúng ta mất một con người rất tâm huyết, tài năng một người dành cả quãng đời còn lại cho công cuộc đòi dân chủ. Cả anh cả chị đều hiền lành, dịu dàng chân tình và ấm áp. Trong ánh nhìn mình đã thấy thân thiện rồi.”
Nhà phê bình văn học Phạm Xuân Nguyên cùng một chia sẻ:
“Kể từ khi tôi quen biết và trở nên thân thiết như một người em một người bạn vong niên thì tôi thấy anh Tấn một nhà văn hết sức nhân hậu, nồng hậu, ấm áp biết hài hước mặc dù luôn luôn đau đáu về cuộc sống, văn chương.
Anh thường ngồi với nhau mà nói về điều đó mà người ta không thấy anh dùng giọng cha chú, bề trên hay gì cả. Rất nhiều người trẻ cả độc giả lẫn người viết trẻ đều cảm nhận ở anh Bùi Ngọc Tấn một sự hòa đồng, bình đẳng và tin cậy ngay khi được gặp anh. Tin cậy trên trang viết và tin cậy trong cuộc sống.”
Nhà văn Bùi Ngọc Tấn đã nằm xuống nhưng tình cảm bạn đọc dành cho Chuyện kể năm 2000 và bạn văn đối với riêng ông vẫn nằm trang trọng trong tim họ. Nếu gọi ông là nhà văn lớn trong hoàn cảnh hiện nay chắc không đến nỗi quá lời. Ông lớn ở tài văn đã đành mà còn ở tư cách một kẻ sĩ nữa.
http://www.rfa.org/vietnamese/
Bùi Ngọc Tấn để lại gì?
Phạm Toàn
Nhà văn Bùi Ngọc Tấn đã từ biệt chúng ta mãi mãi từ lúc đồng hồ điểm 6 giờ 15 phút sáng thứ Năm 18 tháng 12 năm 2014. Khối u ở phổi phát triển nhanh và có làm anh đau đớn nhiều trong tháng cuối cùng – nhưng ngoài sự đau thể xác đó ra, bè bạn vẫn có thể chứng kiến Bùi Ngọc Tấn ra đi thanh thản.
Bài học to lớn nhất cho các anh là: hãy biết nhìn lại lịch sử đi! Cái lịch sử không mấy xa xôi, cái lịch sử không cần đến những cặp kính xập xệ tra cứu tờ A tờ B, hãy giương mắt ra mà rút kinh nghiệm từ những chuyện rất gần.
Nói thì dễ, làm thì khó, vì việc học hỏi đó cần đến một vài đức tính các anh hoàn toàn thiếu: trung thực, không tham lam, không hèn.
Thách đấy!
Mình nhớ và yêu cậu mãi mãi. Hẹn gặp cậu ở nơi cậu đang tới. Nơi đó khi đó chúng ta chẳng còn phải nhìn thấy những điều ti tiện nữa. Nơi đó mới đúng là Thiên đường, chứ không phải cái thiên đường “ở đâu đâu cũng có” nhưng “chẳng thấy ở đâu sất”.
Hẹn gặp!
Hà Nội, 18 tháng 12 năm 2014
https://buingoctan.wordpress.com/
Đăng ngày 27 tháng 04.2015