banner

Sau 15 năm hoạt động (2008-2023), website Ái hữu Đại học Sư Phạm Sài gòn ngưng việc đăng thêm bài vở và tin tức.

Độc giả muốn lưu giữ bài viết và hình ảnh để làm tư liệu, xin vui lòng truy cập vào các tiết mục đã đăng trên trang web để download.

Xin chân thành cảm tạ sự hợp tác của tất cả các tác giả và độc giả đã dành cho trang web.

20.07.2023
Admin Website Ái hữu Đại học Sư phạm Sàigòn

Một cái nhìn về thế giới

sau chiến tranh Ukraine

Nguyễn thị Cỏ May

Chiến tranh do Poutine đem tới Ukraine hôm 24/02/22 khó tránh sẽ làm bùng vỡ cái trật tự của thế giới. Tức một thứ «big-bang địa chánh». Trước giờ Âu châu vẫn nghĩ mình đứng ở vòng ngoài cuộc tranh chấp Nga Mỹ thì nay lại thấy mình đang ở ngay trung tâm. Và Tàu là nước nhờ tình hình này mà có lợi thế.
Khi Poutine đánh chiếm Ukraine, theo ông Jean-Marie Gúehenno, nhà ngoại giao Pháp, tác giả quyển sách phân tích tình hình Thế giới (Le premier XXIe siècle, Paris) là muốn lập lại một đế quốc Nga xây dựng trên một dự án bản sắc dân tộc Nga (identité d'ethno-nationalisme russe) chớ không nhằm tái lập Liên-xô, một tập hợp xây dựng trên một thứ ý thức hệ viễn vông. Điều này thấy rõ khi Poutine cực lực công kích Lénine đã làm sụp đổ đế chế Nga. Nhưng Poutine không đạt được điều mong muốn bởi năm 1991, sau khi Liên xô sụp đổ, Ukraine chọn con đường độc lập trong lúc đó chỉ có một  thiểu số dân ở Crimée nói tiếng Nga chống lại. Khi  Ukraine chọn độc lập là chứng tỏ thực tế của một bản sắc Ukraine rõ ràng.
Từ đó, mọi hành động của Nga ở Ukraine đều đi ngược lại quyền lợi của Ukraine, đều bị biến thành tinh thần yêu nước mãnh liệt chống Nga. Trước kia điều này không có. Ngày nay, nếu chẳng may, Poutine có đánh thắng Ukraine bằng quân sự thì cũng sẽ khó cai trị được Ukraine nếu không áp dụng trở lại chế độ Staline, Ngay cả ở Nga nữa.
Theo tác giả Jean-Marie Gúehenno, cuộc chiến Ukraine sau cùng sẽ ảnh hưởng mạnh tâm lý dân chúng Nga ở tại Nga, dân chúng không phải là thứ «nhơn dân Liên-xô» cũ, nhận thấy đúng sai phải trái, để từ đó họ sẽ đồng lọat đứng lên lật đổ đại đế không ngai Poutine. Thực tế ở Nga đang rầm rộ xảy ra những cuộc biểu tình của dân chúng chống Poutine làm chiến tranh vô lý ở Ukraine, hàng ngàn con em của họ chết mà dấu tin tức.
Nhưng chừng nào hạ được Poutine đây? Sau khi phải chịu bao nhiêu cực hình nữa?
Phải thay đổi thôi. Vì Nga nằm sát bên Âu châu Tự do Dân chủ. Ngày nay ít có dân tộc nước nào chấp nhận một chế độ độc tài ác ôn cai trị mình lâu dài. Trong lúc đó Poutine một mình quyết định hết mọi việc lớn nhỏ. Những người bu chung quanh chỉ là một đám điềm chỉ, tay sai.  Ông ta ngày càng tự cô lập với dân chúng Nga, đất nước Nga. Với cả thực tế chánh trị Nga và thế giới. Một con người như vậy rất dễ bị quẩn trí và tính toán sai lầm. Rất nguy hiểm.
Ông Jean-Marie Gúehenno đề nghị thế giới, để sớm chấm dứt chiến tranh ở Ukraine, nên gia tăng trợ giúp Ukraine nhằm gây tổn thất cực nặng  cho quân đội Nga để cho Poutine thấy không còn chịu nổi sự tốn kém cho Nga mà kéo dài chiến tranh nữa. Và Âu châu từ nay phải thấy rõ vị trí thật của mình là ở trung tâm  Âu châu và có vai trò quyết định vận mạng chung của  Âu châu.  Âu châu, dĩ nhiên với cả Anh quốc, sẽ có đủ khả năng trong vai trò chết sống này.

Thế giới sau chiến tranh Ukraine
Nhiều người đều nghĩ rằng thế giới sau chiến tranh Ukraine sẽ không còn như hôm nay. Đại dịch Vũ hán đã không ít làm thay đổi nếp kinh tế xã hội các nước trên thế giới. Một trật tự mới sẽ thành hình.
Thực tế trước mắt, đời sống khó khăn, vật giá leo thang vùn vụt trước khi được biết mức lạm phát. Nhiều nhà kinh tế đã lớn tiếng báo động sẽ có không dưới 300 triệu người đói vào cuối năm nay vì thế giới thiếu lương thực do chiến tranh Ukraine gây ra.
Về ảnh hưởng trực tiếp chiến tranh Ukraine, theo nhà Sử học và nhà báo Alexandre Adler (Chủ biên báo  «Le Courrier  Internatinal», nhiều ấn bản bằng ngôn ngữ khác nhau), thì bản đồ  Âu châu sẽ khác đi. Cả Mỹ châu, Á châu, và Trung đông nữa vì thế giới như hiện nay sẽ không còn nữa.
Sau khi Poutine xua quân tấn công Ukraine, dân Nga và Âu châu có xu hướng xích lại gần nhau và kết thúc sự liên kết Poutine- Xi (Jinping).

Theo nhà báo Adler, kẻ thay thế Poutine đang từ từ hiển lộ ở Nga… và chiến tranh ở Ukraine do Poutine tự động gây ra sẽ dẫn tới sự sụp đổ đế chế Poutine. Vì Poutine vốn không phải thật sự là nhà chiến lược, nhà quân sự có tài, mà chỉ là một cựu công an KGB.
Sau khi Liên-xô sụp đổ, thế giới liền được tổ chức lại nhưng còn nhiều mặt chưa xong nên ngày nay mới xảy ra chiến tranh ở Ukraine!
Trước tiên, sự phòng thủ Âu châu bị bỏ lửng từ nhiều năm qua, nhưng nay thì những nước như Phần-lan, Thụy-điển, Áo, Đức đều đã có thái độ quả quyết cho số phận mình và cả Âu châu.
Nhà báo Alexandre Adler nói thêm cuộc chiến ở Ukraine sẽ kết thúc nhanh, luôn cả với số phận của Poutine. Sau đó sẽ thành hình một liên minh lớn giữa  Âu châu và Nga. Nhưng việc này dĩ nhiên khó tránh nhiều xung đột, chống đối. Thực tế, sự liên kết Âu châu và Nga đã có trên địa hạt không gian như giúp một phần ê-kíp Nga ở Baikonour dời qua Kourou ở Guyanne.  Âu châu đã hiểu không nên cô lập Nga vì cô lập sẽ làm cho Nga bị khủng hoảng và trở thành nguy hiểm.
Khi thật sự đã xích lại gần với Âu châu, Nga sẽ xa Bắc kinh và là lúc liên minh Tàu-Nga như hiện nay sẽ tan rả. Tàu lúc đó sẽ xoay qua bắt tay các nước Á châu. Như hợp tác với Nhựt bổn, cùng vận động cho 2 nước Triều tiên tái thống nhứt.
Còn Huê kỳ sẽ tập trung lo cho chính mình. Lo cho lục địa Mỹ châu. Khẩu hiệu sẽ là «Chúng ta hãy lo cho những vấn đề của chính chúng ta». Biden đã sẳn sàng một thứ «chủ nghĩa Trump» (trumpisme) với bộ mặt nhơn đạo, nghĩa là một sự tự cô lập mà không đụng chạm tới quyền lợi của kẻ khác.
Huê kỳ sẽ tăng cường mối quan hệ với các quốc gia Nam Mỹ, nhứt là Brésil, và nổ lực tìm cách giải quyết vấn đề phe cánh tội phạm ở Mễ. Ngoài những nước đặc biệt như Do-thái, Phi-luật-tân, Huê kỳ tìm cách giải kết dần. Sẽ không còn trường hợp rót đô-la cho Egypte hoặc Đông Âu vì không còn thấy cần nữa.
Nay Nga đánh chiếm Ukraine làm cho thế giới, gồm cả Trung Đông, biến động. Năm 1917, cũng Nga khi làm cuộc cách mạng cộng sản đã làm đảo lộn thế giới sâu xa. Người ta đang chứng kiến sẽ xuất hiện một thế liên kết mới giữa Do thái với các nước vùng Vịnh. Do thái và Arabie Saoudite sẽ nhìn nhận vô điều kiện lẫn nhau, sẽ trao đổi Đại sứ với nhau. Riêng dân Palestine sẽ thành lập quốc gia dưới sự bảo hộ của Saoudien.
Thế giới sẽ khoác lên bộ mặt mới. Khi chiến tranh Ukraine kết thúc, Poutine thua hay thắng, còn Poutine hay không, thì tương lai thế giới cũng đang được định doạt từ bây giờ đây. Mối quan hệ của Ukraine với Nga sẽ như thế nào? Tương quan lực lượng với Nga sẽ thay đổi? Chiến tranh nóng chấm dứt nhường chổ cho chiến tranh lạnh tiếp diễn?

Nói thế giới sẽ thay đổi khi chiến tranh Ukraine chấm dứt nhưng thế giới sẽ như thế nào? Sẽ đối xử với Poutine như thế nào nếu ông ta còn sống và vẫn nắm quyền ở Moscou? Và nếu lúc đó không phải Poutine nắm quyền ở Nga, ai sẽ nắm quyền cai trị một nước Nga suy sụp kinh tế vì chiến tranh nhưng vẫn là cường quốc nguyên tử, một lãnh thổ mênh mông của vùng Âu-Á?

Từ sau chiến tranh lạnh chấm dứt với khối cộng sản sụp đổ, nay thế giới mới biết chiến tranh nóng xảy ra ngay ở  Âu châu. Nhưng khi chiến tranh nóng Ukraine kết thúc, liệu sẽ có chiến tranh lạnh nối tiếp nữa không? Vì theo lịch sử, khi tái lập được thế quân bình giữa các lực lượng thì sự ổn định mới bắt đầu.
Nguyễn thị Cỏ May

 

Đăng ngày 30 tháng 05.2022